Một bài được trang Thú đọc sách share về, trong đó tác giả kể những giai thoại về mấy bài thơ Đường, như Hoàng hạc lâu, Phong kiều dạ bạc .. nói chung mấy giai thoại này khá phổ biến, không lạ. Duy có đoạn tác giả dẫn lời Hoàng Văn Chí giảng về từ "thương nữ" trong bài Bạc Tần Hoài là lạ (Hoàng Văn Chí là một học giả, muốn tìm hiểu rõ hơn về ông, mời gugồ):
.
“Đường Thi có câu:
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang, do xướng Hậu Đình Hoa
Hỏi Cụ đồ: Thương nữ là gỉ?
Chiếu theo sách, Cụ đồ giảng: Thương là buôn bán. Thương nhân là lái buôn. Thương nữ là con gái đi buôn.
Hỏi thêm: Tại sao con gái đi buôn lại ca hát ở tửu điếm?
Cụ đồ bảo: Tại mấy cô ấy buôn son bán phấn.
Hỏi tiếp: Tại sao mấy cô buôn son bán phấn, tức là "gái mãi dâm" lại có "hận vong quốc"? Các cô ấy mất nước với ai? Từ bao giờ?
Sách không giảng nên Cụ đồ quát: Hỏi gì mà hỏi lắm thế?
Không phải chỉ có Cụ đồ Việt Nam lúng túng, mà tất cả những người Tàu chúng tôi hỏi đều lắc đầu. Lý do là tại chữ thương có hai nghĩa khác nhau.
1) - Người thuộc chủng tộc Ân, thành lập triều đại nhà Thương, ở lưu vực Sông Hoàng từ Thế kỷ 16 trước Tây Lịch.
2) - Nghề buôn. Thương nhân là người đi buôn.
Tại sao một chữ mà có 2 nghĩa khác nhau?
Tại vì sự thể như sau: Theo nguyên nghĩa "Thương nhân" là "Người thuộc chủng tộc Ân", những người đã lập nên một nước, có triều đại thường gọi là Nhà Thương. Do đó, lúc đầu, "Thương nhân" có nghĩa là "Dân của nước Thương, của Triều đại Nhà Thương".
Người Thương, tức là "Người Nước Thương", đã phát triển văn hóa nông nghiệp, nghĩa là đã định cư và khai thác ruộng đất. Thế kỷ 11 trước Tây Lịch, họ bị người Chu là rợ du mục từ Thiểm Tây tràn vào, cướp nước và giết họ, nhiều đến nỗi "máu chảy thành suối làm trôi cả chày giã gạo"Hơn nữa, vì người Chu là dân du mục, chỉ sống về chăn nuôi, không làm ruộng, không công nhận tư hữu tài sản về ruộng đất, nên thả dê, bò, phá hoại mùa màng của người Thương.
Người Thương phải chạy thoát thân. Nhiều nhóm chạy bằng thuyền sang Đài Loan, hoặc dọc theo ven biển, sang tới California và Guatemala. Người ta biết như vậy, vì các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở bờ biển California và Guatemala những tảng đá hình tròn, to như bánh xe hơi, ở giữa có khoét lỗ tròn, mà người Thương dùng để neo thuyền. Vì ra đi tay không, người Thương phải kiếm sống bằng cách đi chợ nọ, chợ kia, buôn bán, kiếm chút tiền lời.
Vì vậy nên chữ "Thương nhân", nguyên nghĩa là "người nước Thương", về sau có nghĩa là "lái buôn". Cũng như chữ Juif của tiếng Pháp, nguyên nghĩa là người Do Thái, sau này lại có nghĩa là "người bủn xỉn", vì lẽ họ là những người mất nước, mất cơ nghiệp, phải di tản khắp nơi, nên phải ăn tiêu dè xẻn. Họ không xài lớn như nhiều người Việt tị nạn ở Mỹ, vì họ không quên "vong quốc hận".
Trong khi đàn ông Thương phải ngược xuôi buôn bán, đàn bà con gái phải đi làm "gái bar", ca hát ở mấy tiệm rượu, để kiếm thêm chút đỉnh góp vào quỹ gia đình, nuôi con cái. Về đời Đường, người Hán chưa có chủ trương cố tình "Hán hóa" các sắc tộc phi Hán, nên người Thương còn được coi là một sắc tộc riêng biệt, và chữ Thương nhân còn hiểu theo nguyên nghĩa: Người thuộc chủng tộc Ân, đã lập nên triều đại nhà Thương.
Đỗ Mục, tác giả bài Đường thi kể trên dùng chữ "Thương nữ" với nghĩa "Cô gái thuộc chủng tộc Thương". Ông có ý chê mấy cô không nhớ nhục mất nước, và lòng hận thù người Chu, nỡ mang nhan sắc và giọng ca, hát, vào những bài ẻo lả như bài Hậu Đình Hoa để mua vui cho mấy chú Hán tộc, con cháu người Chu cướp nước. Có hiểu chữ "Thương" theo nguyên nghĩa mới hiểu tại sao Đỗ Mục lại chê mấy cô đã "quên vong quốc hận".
Sau này, tự điển Tàu chỉ giảng Thương nhân là "lái buôn", bỏ hẳn nghĩa "Thương nhân là người thuộc chủng tộc Thương", vì người Hán muốn xóa nhòa cái tội đã cướp nước, và đã tàn sát người Thương. Chỉ vì tự điển Tàu bỏ hẳn nghĩa cũ, mà các thày đồ Ta đâm ra lúng túng." [1]
.
Thử kiểm tra lại, nhiều từ điển khác giảng đúng như tác giả nói. vd zdic
商女: [the female professional singer] 歌女 (thương nữ: ca nữ).
Riêng trên trang en.wiki phần etymology giảng: Traditionally it is considered that 商人 (shāngrén) is so named because this term originally refers to people from Shang dynasty, who tend to do business.
Riêng nguồn gốc chữ 商, dựa vào giáp cốt văn (xem hình, là ba tự dạng của chữ 商, hai chữ đầu là xuất hiện vào thời nhà Thương, chữ thứ ba vào thời Tây Chu) có đến mấy thuyết.
(i) từ hình 1, có tác giả giảng là hình li rượu trên bàn, ý là hai bên đang uống rượu bản việc. Nghĩa gốc của thương là bàn việc. Nghĩa rộng là buôn bán (mua bán thì phải bàn bạc thương lượng). Cũng hình ấy, nhưng có tác giả lại lí giải li rượu biểu thị phần thưởng, nên thương là gốc của chữ thưởng 賞.
(ii) từ hình 2, có tác giả giảng: 商,甲骨文=(辛,刑具)+(穴,地牢)+(口,讨论),表示讨论施刑。造字本义:论罪量刑。Thương, giáp cốt văn = (tân 辛, biểu thị hình cụ) + (huyệt 穴, địa lao) + (khẩu 口, thảo luận), biểu thị thảo luận thi hình. Tạo tự bản nghĩa: luận tội lượng hình (tức nghĩa gốc của chữ thương là luận tội để định hình phạt.
Tức theo mấy thuyết trên thì chữ thương có nghĩa "bàn luận, buôn bán" trước, nhà Thương mượn chữ này để đặt tên cho triều đại mình.
Nhưng cũng có tác giả cho rằng xưa có bộ tộc rất thích sống bên dòng nước, ngày ngày dùng bình để lấy nước đem về dùng. Và họ đặt ra chữ thương 商 để gọi tên bộ tộc mình, Về sau khi họ mất nước, quay qua buôn bán, nên người ta dùng tên bộ tộc họ để chỉ việc buôn bán, như tác giả Hoàng Văn Chí đã giảng.
Thuyết nào nghe cũng có lí. Nhưng đâu mới thực là lí đúng, thì chắc phải còn suy ghĩ thêm, hay tìm thêm cơ sở.
Giờ thì đọc lại bài thơ của Đỗ Mục, một nhà thơ thời Vãn Đường, cùng với Lí Thương Ẩn được gọi là Tiểu Lí Đỗ, ý là muốn so sánh họ với cặp Lí Đỗ thời Thịnh Đường, tức Lí Bạch và Đỗ Phủ.
.
BẠC TẦN HOÀI
Đỗ Mục
泊秦淮
煙籠寒水月籠沙,
夜泊秦淮近酒家。
商女不知亡國恨,
隔江猶唱後庭花。
杜牧
Âm
Yên lung hàn thuỷ nguyệt lung sa,
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia.
Thương nữ bất tri vong quốc hận,
Cách giang do xướng “Hậu đình hoa”.
Trong bài đã dẫn, tác giả có giới thiệu một số bản dịch thơ. Trích lại:
.
Bản dịch của Trần Trọng San
Khói trùm nước lạnh, trăng lồng cát,
Thuyền đậu Tần Hoài, cạnh tửu gia.
Cô gái không hay buồn nước mất,
Bên sông còn hát "Hậu đình hoa".
.
Bản dịch của Trần Trọng Kim
Khói lồng nước, bóng trăng lồng cát,
Bến Tần Hoài, thuyền sát tửu gia.
Gái ca đâu nghĩ nước nhà,
Cách sông vẫn hát khúc ca "Hậu đình".
.
Cũng xin góp một bản dịch, đọc cho vui.
Trăng lồng bãi cát, khói lồng sông.
Đêm đậu thuyền bên quán rượu nồng.
Ca nữ không hay hận mất nước,
Bên sông hát mãi khúc tình hồng.
---
[1]https://www.facebook.com/thuchoisach/photos/a.537828956309038/2391579767600605/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Chèn EmoticonsHình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)