14/9/24

Các từ ngữ gốc Hán

 I. Trên thực tế, hầu như không có từ vựng của ngôn ngữ nào lại chỉ hình thành, xây dựng bằng con đường "tự nó". Trong những ngôn ngữ được sử dụng khá rộng rãi trên thế giới như tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp… người ta vẫn có thể thấy hàng loạt từ ngữ mà chúng vay mượn, hoặc vốn có nguồn gốc từ ngôn ngữ khác. Tiếng Việt của chúng ta cũng vậy.


Như thế, điều mà người ta có thể dễ thấy nhất ở đây là nổi lên đường phân giới giữa hai lớp từ ngữ: lớp từ bản ngữ (còn gọi là lớp từ thuần) và lớp từ có nguồn gốc khác, xa lạ (còn gọi là lớp từ ngoại lai). Phân tích qua tiếng Việt, ta sẽ rõ điều đó.

II. Ở từ vựng tiếng Việt, lớp từ ngoại lai được phân thành hai lớp nhỏ hơn: lớp các từ ngữ gốc Hán và lớp các từ ngữ gốc Ấn-Âu (chủ yếu là gốc Pháp).

1. Các từ ngữ gốc Hán

1.a. Tiếng Việt đã trải qua quá trình tiếp xúc với tiếng Hán từ rất lâu đời, thông qua nhiều con đường và bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Có thể chia quá trình tiếp xúc Hán – Việt thành hai giai đoạn lớn: một là giai đoạn từ đầu công nguyên đến đầu đời Đường (đầu thế kỉ 8); hai là giai đoạn từ đời Đường (thế kỉ 8 – thế kỉ 10) trở về sau. Hai lần tiếp xúc lớn này cung cấp cho từ vựng tiếng Việt hai nguồn gốc từ Hán mà như trước nay vẫn quen gọi là từ Hán cổ và từ Hán Việt.

1.b. Từ Hán cổ là những từ gốc Hán được du nhập vào tiếng Việt trong giai đoạn một. Vì đi vào tiếng Việt đã lâu, đã được đồng hoá rất mạnh, nên những từ này hiện nay nói chung không còn cái vẻ xa lạ đối với người Việt nữa. Ví dụ: chè, ngà, chén, chém, chìm, buồng, buồn, buồm, mùi, mùa

1.c. Từ Hán Việt là những từ gốc Hán du nhập vào tiếng Việt trong giai đoạn hai, mà người Việt đã đọc âm chuẩn (Trường An) của chúng theo hệ thống ngữ âm của mình. Cách đọc đó được duy trì (với những biến đổi ít nhiều) cho đến tận ngày nay. Ví dụ: trà, mã, trọng, khinh, vượng, cận, nam, nữ

Tên gọi "từ Hán Việt" còn bao gồm cả những từ vốn không phải là gốc Hán, mà do người Hán mượn một ngôn ngữ khác, rồi người Việt vay mượn lại và đọc theo âm Hán Việt như các từ Hán Việt khác. Ví dụ, có những từ vốn xuất thân nguồn gốc Nhật Bản như: trường hợp, nghĩa vụ, phục tùng, phục vụ, điều chế, đại bản doanh, kinh tế, thủ tục, biện chứng, khái quát, mĩ thuật, cộng hoà… Có những từ lại vốn xuất thân từ nguồn gốc Phạn (Sanskrit) như Phật, Nát Bàn, Di lặc, Thích ca mầu ni… Có từ lại vốn thuộc nguồn gốc châu Âu như: câu lạc bộ, Anh Cát Lợi, Mạc Tư Khoa

Bên cạnh đó, những từ do người Việt tạo ra nhưng sử dụng yếu tố cấu tạo có nguồn gốc Hán thì cũng được gọi là từ Hán Việt. Chẳng hạn: y sĩ, đặc công, thể công, công an, thúc bách, đại đội, tiểu đoàn, thiếu tá, hao mòn, ca hát, hiểm nghèo, thanh vắng, ca ngợi, người bệnh, tàu thuỷ, tàu hoả, cướp đoạt… (Tuy nhiên, loại này cần có thái độ nhìn nhận riêng).

1.d. Cũng là những từ gốc Hán nhưng có một nhóm được du nhập vào tiếng Việt thông qua con đường khẩu ngữ của những người nói phương ngữ tiếng Hán. Nhóm này có số lượng không nhiều và nói chung không đem lại cho tiếng Việt ảnh hưởng đáng kể nào. Ví dụ: xì dầu, mì chính, vằng thắn, xá xíu, sủi cảo, lậu, lục tào xá, tào phớ, chí ma phù, bát bảo lường xà

1.e. Diễn biến của các từ gốc Hán nói chung trong tiếng Việt rất phức tạp. Tuy vậy, những kết quả phân tích về chúng đã cho phép rút ra một số hướng như sau:

+ Trước hết, chúng được Việt hoá, được "cải tổ" về mặt ngữ âm. Đó là một tất yếu. Thậm chí, chỉ có hàng loạt từ được Việt hoá tới hai lần, dẫn tới hai kết quả tồn tại song song: một cách đọc được gọi là cách đọc Hán Việt, một cách đọc được gọi là Hán Việt Việt hoá. Cách đọc thứ hai làm mờ hẳn nguồn gốc của chúng đi, đưa chúng vào sâu hơn trong tiếng Việt. Ví dụ: kính – gương; các – gác; can – gan; cận – gần; kí – ghi; quả – goá; kiếm – gươm; hoạ – vạ

Một biểu hiện khác của sự cải tổ về ngữ âm là rút ngắn từ lại. Ví dụ: cử nhân – cử (cụ cử); tú tài –  (cậu tú); thục địa – thục (củ thục); tiểu đồng – tiểu (chú tiểu); tiểu tiện – tiểu (đi tiểu)…

+ Về năng lực hoạt động, khả năng nhập hệ của các từ gốc Hán trong tiếng Việt, rất không đồng đều. Rất nhiều từ có khả năng hoạt động độc lập, tổ hợp tự do, đến mức có lẽ trừ những người có vốn Hán học và những nhà nghiên cứu ra, không mấy ai còn để ý đến hoặc "cảm thấy" nguồn gốc Hán của chúng nữa. Ví dụ: đầu, bút, tuyết, thánh, hiền, tiên, phật, bụt, ông, bà, cô, cậu, cao, thấp

+ Về mặt ý nghĩa, không phải từ gốc Hán nào trong tiếng Việt cũng giữ y nguyên cái nghĩa vốn có của nó. Một số từ chỉ còn được dùng với một hoặc vài nghĩa trong số nhiều nghĩa của chúng. Chẳng hạn từ nhất vốn có hơn 10 nghĩa nhưng đi vào tiếng Việt, nó chỉ còn giữ lại nghĩa “thứ tự trên hết” khi hoạt động tự do: hạng nhất, giỏi nhất, xếp thứ nhất… Đôi khi trong những tổ hợp vay mượn nguyên khối từ gốc Hán, nói mới lưu giữ ý nghĩa “số từ một” như: nhất cử nhất động, nhất cử lưỡng tiện, nhất thể hoá…

Cũng có từ đỏi hẳn nghĩa của mình đi. Ví dụ:

bạc (mỏng → quên ơn); khinh (nhẹ → coi thường); tâm (tim → tấm lòng, bụng dạ con người); tử tế (kĩ lưỡng → tốt bụng); đáo để (đến đáy, đến tận cùng → độc ác, riết róng); sung sướng (đầy đủ, thông suốt → sướng, hạnh phúc);…

1.f. Các từ gốc Hán nói chung và từ Hán Việt nói riêng, có vị trí rất đặc biệt trong từ vựng tiếng Việt. Chúng có số lượng rất lớn và năng lực sản sinh rất mạnh. Chúng ra nhập vào mọi lĩnh vực giao tiếp của đời sống người Việt: chính trị, văn hoá, khoa học, kĩ thuật, quân sự, ngoại giao, y tế, pháp luật… Điều này không có gì lạ, bởi vị trí và quá trình tiếp xúc lâu đời giữa tiếng Hán với tiếng Việt tất dẫn đến kết quả đó.

Điều quan trọng là ở chỗ chúng ta phải có cách nhìn nhận và xử lí các nhóm, các lớp trong lớp từ gốc Hán này sao cho thoả đáng, phù hợp với nhu cầu xây dựng một hệ thống từ vựng tiếng Việt phong phú, đầy đủ mà vẫn không làm giảm bớt bản sắc tiếng nói dân tộc.

Nguồn: https://ngonngu.net/loptu_nguongoc1/192

Những biến đổi của từ gốc Hán trong tiếng Việt




13/9/24

Thu biệt

秋別

別路垂楊柳,秋風凄管弦。
青樓君去後,明月為誰圓?
羅鄴

Âm

Biệt lộ thùy dương liễu, Thu phong thê quản huyền.
Thanh lâu quân khứ hậu, Minh nguyệt vị thùy viên.

Nghĩa.

Trên đường nơi chia tay có dương liễu rủ, trong gió thu tiếng đàn sáo nghe thật thê lương.
Sau khi chàng rời khỏi lầu xanh, vầng trăng sáng biết vì ai mà tròn?

Tạm dịch

Liễu rủ đường li biệt, 
Tiêu buồn theo gió bay.
Từ chàng xa gác tía,
Trăng tỏ cùng ai đây.

Giản thể

别路垂杨柳,秋风凄管弦。 青楼君去后,明月为谁圆。

Chú

別路 biệt lộ: con đường nơi chia tay.

楊柳(杨柳) dương liễu: cây dương và cây liễu. Hai cây này rất giống nhau. 楊柳(杨柳) dương liễu cũng có khi dùng chỉ riêng cây liễu.

管弦 quản huyền: ống sáo và dây đàn; đàn sáo, nhạc khí nói chung.

青樓 thanh lâu: lầu xanh. Nhà quyền quý xưa thường sơn màu xanh, nên thanh lâu dùng chỉ nhà quyền quý, khác với nghĩa dùng sau này, chỉ kĩ viện.

羅鄴 La Nghiệp, nhà thơ thời Vãn Đường.



10/9/24

Xuân nhật tạp hứng

 春日雜興 

夜夜燃薪煖絮衾,禺中一飯值千金。
身為野老已無責,路有流民終動心。
陸遊

Âm

Dạ dạ nhiên tân noãn nhứ khâm, Ngung trung nhất phạn trị thiên câm.
Thân vi dã lão dĩ vô trách, Lộ hữu lưu dân chung động tâm.

Nghĩa Cảm xúc linh tinh ngày xuân

Đêm đêm đốt củi làm ấm chăn bông, Gần trưa một bữa ăn đáng giá ngàn vàng. Bản thân là ông lão quê mùa đã không còn có trách nhiệm gì, Nhưng thấy trên đường còn có những người dân lưu lạc rốt cuộc cũng thấy động lòng.

Tạm dịch

Đêm đêm đốt củi ủ chăn bông,
Bữa bữa cơm ăn đáng vạn đồng.
Thân lão quê mùa không trách nhiệm,
Thấy dân luân lạc xót xa lòng.

Chú

雜興 (杂兴) có cảm hứng, tùy sự việc mà làm thơ. Thơ Đường, Tống thường dùng làm đầu đề.

絮衾 chăn bông

禺中 tức 隅中 ngung trung, chỉ thời gian gần trưa.

Giản thể

春日杂兴。
夜夜燃薪暖絮衾,禺中一饭直千金。
身为野老已无责,路有流民终动心。陆游

---



Ghi chú thêm về chữ 禺

1.1 禺 là chữ tượng hình, mô phỏng hình dạng của một loài khỉ. Nghĩa gốc: tên một loài khỉ (象形。小篆字形,象沐猴形。本义:兽名,一种猴) 同本义 [a kind of monkey] -- zdic)

Nghĩa này đọc theo pinyin là /yù/. Âm Hán Việt là "ngu".

Ngoài ra 禺 còn có nhiều nghĩa khác, trong đó có:

1.2 禺: xưa dùng chỉ thời gian gần trưa, khoảng từ 9 - 11 giờ sáng (旧时称日近中午为禺,约在上午九时至十一时 [noon] )

Chữ này có pinyin là /yú/. Âm Hán Việt là gì?

Theo từ điển trực tuyến hvdic thì 禺 có các âm là ngu, ngung, ngẫu, ngụ.

Từ điển Nguyễn Quốc Hùng: Ngung. Dùng như chữ Ngung 隅 -- Các âm khác là Ngu, Ngụ.

1.3 禺中 /yú zhōng/: thời gian gần trưa. (将近午时。 -- zdic)



2.1 隅 /yú/, là chữ hình thanh, thanh phù là 禺. Chữ này âm Hán Việt là "ngung"

2.2 隅中 /yú zhōng/ cũng dùng chỉ thời gian gần trưa. (临近中午的时候称为隅中(上午 9 时正至上午11时正)。



3. Từ 1.2, 1.3 và 2.2 thì 禺中 phiên âm Hán Việt "ngung trung" là thích hợp hơn là "ngu trung"



4. Lại nói thêm về chữ 隅. Như trên đã dẫn theo hvdic, chữ này chỉ có một âm Hán Việt được ghi nhận là "ngung"

Tuy nhiên nếu căn cứ vào thiết âm, thì âm Hán Việt của chúng khác. Dẫn theo zdic.



Khang Hi: 【廣韻】遇俱切【集韻】【韻會】元俱切,音虞。

Như vậy theo Quảng Vận, Tập Vận hay Vận Hội thì 隅 đều đọc là ngầu/ngâu. Riêng Vận Hội có ghi thêm: âm ngu.

Không có cách đọc "ngung" như cách đọc Hán Việt hiện nay của chữ này.

Việc âm Hán Việt khác với cách đọc theo phiên thiết trong từ điển là không ít. Ví dụ chữ 利 phiên thiết là 力至切 nên phải đọc là "lị" mới đúng. Nhưng chữ này vẫn được đọc là Lợi (như trong Lê Lợi, lợi dụng, lợi hại .. ).




6/9/24

Cảm hoài

感懷其一

得成正覺罕憑修,祇為牢籠智慧懮。
認得摩尼玄妙理,正如天上顯金烏。寶鑑禪師

Âm

Đắc thành chánh giác hãn bằng tu, Chỉ vị lao lung trí tuệ ưu.
Nhận đắc ma-ni huyền diệu lí, Chính như thiên thượng hiển kim ô.

Nghĩa.

Thành được chánh giác ít khi nhờ vào tu hành, vốn chỉ giam cầm sự ưu việt của trí tuệ.
Nhận thấy được lẽ huyền diệu trong ngọc ma ni thì liền như trên không hiện ra mặt trời.

Tạm dịch

Chứng thành chánh giác hiếm nhờ tu,
Tu dễ thành ra trí bị tù.
Thấy được nhiệm mầu trong ngọc quý,
Mặt trời xuất hiện xé mây mù.

Giản thể

得成正觉罕凭修,祇为牢笼智慧懮。认得摩尼玄妙理,正如天上显金乌

Chú

hãn, phó từ: hiếm, ít. 罕有 ít có.

chỉ, phó từ: chỉ.

摩尼 tức 摩尼珠 ngọc ma-ni, tên gọi chung các loại ngọc quý. Trong kinh điển Phật Giáo, ma ni dùng ám chỉ công lực bất khả tư nghì.

寶鑑禪師 Bảo Giám thiền sư (? - 1173) tục danh lá Kiều Phù 喬浮. Từng làm quan dưới triều Lí Anh Tông (1137 - 1175), năm 30 tuổi mộ đạo từ quan đi tu.

4/9/24

MANH NHÂN MẠC TƯỢNG TÂN TRUYỆN.


(Chuyện mới về đám người mù sờ voi)
---
Xứ nọ có đám người mù tò mò muốn biết con voi nó như làm sao. Bèn kéo nhau đến rạp xiếc xin "coi" cho biết. Quản tượng thương tình, bảo sắp hàng rồi dẫn từng người vào, cho sờ vòi voi -- cái mà anh nghĩ là đặc trưng nhất của nó.
Về, cả đám người mù đều thống nhất ý kiến, rằng con voi nó sun sun như con đĩa.
Trong đám, có đứa trẻ lén quản tượng, sờ lung tung, nghe vậy liền cãi không phải đâu. Chưa nói xong đã bị cả đám nạt đuổi đi, con nít biết chi!
---
Hình trên báo, minh họa câu chuyện xưa, thủa đám người mù không được sự chỉ đạo của anh quản tượng, sờ lung tung nên ý kiến không thống nhất, cãi nhau rồi đánh nhau, rất bậy bạ.