31/10/22

Tha nhân kị đại mã

他人騎大馬 

他人騎大馬      Tha nhân kị đại mã,

我獨跨驢子      Ngã độc khóa lư tử

回顧擔柴漢      Hồi cố đảm sài hán,

心下較些子      Tâm hạ giảo ta tử.

王梵志                    Vương Phạm Chí.

Giản thể. 他人骑大马, 我独跨驴子。 回顾担柴汉, 心下较些子

Nghĩa

Người khác cưỡi ngựa to,
ta chỉ cưỡi con lừa nhỏ.
Quay đầu nhìn anh chàng gánh củi, trong bụng thấy mình cũng hơn chút.

Tạm dịch

Người cưỡi ngựa to xác,

Ta ngồi lừa nhỏ con.

Quay nhìn anh gánh củi,

Bụng thấy mình còn ngon.

Chú

độc: một mình.

跨驢子: cưỡi con lừa. khóa: cưỡi. 跨馬 khóa mã: cưỡi ngựa.

回顧 hồi cố: quay đầu nhìn lại.

đảm: gánh vác.

sài: củi.

hán, tức 漢子 hán tử, chỉ đàn ông, con trai.

心下 tâm hạ, như 心裏 tâm lí: trong lòng.

較些子 giảo ta tử: khá ít, sai biệt không nhiều. giảo (phó từ): khá, tương đối. 較高 giảo cao: khá cao. 較好 giảo hảo: tương đối tốt. 較多 giảo đa: khá nhiều. 些子 ta tử: một ít, một chút.

王梵志 Vương Phạm Chí vốn tên Phạm Thiên 梵天, nhà sư, đồng thời là nhà thơ thời Sơ Đường, năm sinh/mất không rõ. Tác giả là một trong số ít người làm thơ bạch thoại bấy giờ, lời thơ giản dị như lời nói, không dùng điển tích. Bài thơ trên đây viết lúc ông đã ngoài 50, vốn không có tên, người đời sau lấy câu đầu làm nhan đề.

29/10/22

Thanh khê phiếm chu

 清溪泛舟             

旅人倚征棹      Lữ nhân ỷ chinh trạo,

薄暮起勞歌      Bạc mộ khởi lao ca.

笑攬清溪月      Tiếu lãm thanh khê nguyệt,

清輝不厭多      Thanh huy bất yếm đa.

張旭                          Trương Húc.

Giản thể. 旅人倚征棹,薄暮起劳歌。笑揽清溪月,清辉不厌多

Nghĩa: Dạo thuyền trên suối Thanh khê.

Lữ khách ngồi tựa mái chèo, trong chiều tà vang lên tiếng ca của đám thuyền công.
Khách cười đưa tay vốc ánh trăng trong suối Thanh khê,  ánh trăng trong thì không ngại nhiều.

Tạm dịch:

Khách xa ngồi tựa mạn,

Phu hát vang trời chiều.

Cười vốc trăng trong suối,

Trăng trong chẳng sợ nhiều.

Chú

- 倚征棹 ỷ chinh trạo: dựa vào mái chèo, dựa vào thuyền. 征棹 chinh trạo: chỉ chiếc thuyền đi đường dài. trạo: mái chèo, chiếc thuyền.

- 薄暮 bạc mộ: trời sắp tối.

- 勞歌 lao ca: bài ca lao động, bài hát các phu thuyền ca khi làm việc.

- lãm: hái, ngắt, ôm, vốc.

- 清溪月 thanh khê nguyệt: ánh trăng trong lòng suối trong.

張旭 Trương Húc, thư pháp gia nổi tiếng thời Thịnh Đường, được người đời tôn xưng là Thảo thánh.

28/10/22

Đề Viên thị biệt nghiệp

題袁氏別業 

主人不相識      Chủ nhân bất tương thức,

偶坐為林泉      Ngẫu tọa vị lâm tuyền.

莫謾愁沽酒      Mạc mạn sầu cô tửu,

囊中自有錢      Nang trung tự hữu tiền.

賀知章                    Hạ Tri Chương.

Giản thể. 题袁氏别业. 主人不相识,偶坐为林泉。莫谩愁沽酒,囊中自有钱。

Nghĩa. Đề nơi biệt viện ông họ Viên.

Ta chưa biết chủ nhân, tình cờ ngồi với nhau vì cùng thích cảnh lâm tuyền.
Chớ buồn vì chuyện mua rượu, trong túi có sẵn tiền rồi.

Tạm dịch

Trước giờ chưa biết mặt,

Nay gặp chốn lâm tuyền.

Chớ muộn phiền không rượu,

Túi đây có sẵn tiền.

Chú

別業 biệt nghiệp: nhà xây dựng riêng nơi vườn, rừng để nghỉ ngơi, như 別墅 biệt thự, 別館 biệt quán.

man: lừa dối, mắng chửi; đọc "mạn": khinh thường; (phó từ): hão, uổng.

cô: mua. 沽名釣譽 cô danh điếu dự: mua danh vọng chuộc tiếng khen. 沽酒 cô tửu: mua/bán rượu; rượu mua ở chợ.

nang: túi, bọc. 膽囊 đảm nang: túi mật (trong cơ thể người ta). 錦囊 cẩm nang: túi gấm; sách hướng dẫn.


27/10/22

Nam lâu vọng

 南樓望 

去國三巴遠      Khứ quốc Tam Ba viễn,

登樓萬里春      Đăng lâu vạn lí xuân.

傷心江上客      Thương tâm giang thượng khách,

不是故鄉人      Bất thị cố hương nhân.

盧僎                          Lư Soạn

Giản thể. 去国三巴远,登楼万里春。伤心江上客,不是故乡人

Nghĩa. Trên lầu nam đứng trông.

Rời quê hương đến vùng Tam Ba xa xôi,
Trèo lên lầu thấy sắc xuân ngoài vạn dặm.
Trong số những khách trên sông đang đau lòng,
Không thấy ai là người cùng quê.

Tạm dịch.

Quê cũ xa ngút ngànmù mịt,

Lên lầu xuân mênh mang.

Khách buồn trên sông ấybến cảng,

Không thấy ai người làng.

Chú

去國 khứ quốc: rời xa đất nước. khứ: đi, rời bỏ, từ bỏ.

三巴 Tam Ba: nay là phần đất phía đông tỉnh Tứ Xuyên. Cuối thời Đông Hán từng bị chia thành ba quận (Trí Ba, Ba Đông, Ba Tây) nên gọi là Tam Ba.

khách: người sống tha hương.

盧僎 Lư Soạn: nhà thơ thời Sơ Đường, năm sinh mất không rõ.

26/10/22

Thu dạ hỉ ngộ Vương xứ sĩ

 秋夜喜遇王處士          

北場芸藿罷,                     Bắc tràng vân hoắc bãi

東皋刈黍歸.                     Đông cao ngải thử quy.

相逢秋月滿,                   Tương phùng thu nguyệt mãn,

更值夜螢飛.                     Cánh trực dạ huỳnh phi.

王績                                      Vương Tích

Giản thể.  北场芸藿罢,东皋刈黍归。 相逢秋月满,更值夜萤飞

Nghĩa. Đêm thu vui gặp được Vương xứ sĩ

Vườn rau phía bắc đã làm cỏ đậu xong,
đám ruộng phía đông đã gặt lúa về.
Gặp nhau lúc đêm thu trăng rằm,
lại thêm nhằm lúc có đom đóm bay.

Tạm dịch

Trồng hết rau vườn bắc,

Gặt xong nếp ruộng đông.

Thu đêm rằm gặp gỡ,

Đóm lập lòe trên không.

Chú

處士 xứ sĩ: tiếng kính xưng người có tài đức nhưng không ra làm quan mà ở ẩn giữa dân gian.

北場 bắc trường: chỉ vườn rau phía bắc. tràng: chỗ đất trống, rộng và bằng phẳng; hay chỗ tụ tập đông người.

芸藿 vân hoắc: làm cỏ đậu. vân, thông “” vân: làm cỏ. hoắc: lá đậu.

bãi: xong.

東皋 đông cao đất ruộng phía đông chổ ở. cao: đất cao gần nước.

ngải: cắt.

thử: lúa nếp.

更值 cánh trực: thêm gặp, lại có thêm. cánh (phó từ): thêm, càng thêm, hơn. trực: gặp ( trị: giá).

huỳnh: đom đóm. Đêm có đom đóm bay thường là đêm trời quang, gió nhẹ.

Vào một đêm thu mát mẻ trăng rằm sáng tỏ, khi công việc đồng áng đã xong xuôi, lòng thoải mái mà được bạn đến chơi thì thật vui.

Ngâm thơ Nguyễn Bính



00:00:00 1. Tiếng Thơ Đêm Khuya Đài Tiếng Nói Việt Nam Dễ Ngủ Nhất VOV
00:00:57 2. Người hàng xóm (Nguyễn Bính) - NSND Thúy Mùi 
00:08:23 3. Mưa xuân (Nguyễn Bính) - Vũ Kim Dung 
00:11:22 4. Tương tư (Nguyễn Bính) - Vũ Kim Dung 
00:14:14 5. Chờ nhau(Lẳng lơ) Nguyễn Bính - NSND Thúy Mùi 
00:15:39 6. Cô lái đò (Nguyễn Bính) - NSND Thúy Mùi
00:18:29 7. Không đề (Nguyễn Bính) - NSND Thúy Mùi 
00:19:27 8. Mùa xuân xanh (Nguyễn Bính) - Phương Hà 
00:20:46 9. Tương tư (Nguyễn Bính) - NSND Thúy Mùi 
00:24:25 10. Mưa xuân (Nguyễn Bính) - NSND Thúy Mùi 
00:30:37 11. Người hàng xóm (Nguyễn Bính) - Lệ Quyên




22/10/22

Quá tửu gia 2

 過酒家 ()                   

此日長昏飲      Thử nhật trường hôn ẩm,

非關養性靈      Phi quan dưỡng tính linh.

眼看人盡醉      Nhãn khan nhân tận túy,

何忍獨為醒      Hà nhẫn độc vi tinh.

王績                          Vương Tích

Giản thể. 此日长昏饮,非关养性灵。眼看人尽醉,何忍独为醒

Nghĩa. Qua quán rượu

Ngày hôm nay uống rượu đến say khướt,
(nhưng chuyện ấy) không liên quan đến chuyện tu dưỡng tinh thần.
Mắt nhìn thấy mọi người đều say hết,
sao đành một mình làm người tỉnh.

Tạm dịch

Cả ngày say túy lúy,

LiênChẳng phải cái gì tìnhquan dưỡng sinh.

Nhìn mọi người say khướt,

Sao đành tỉnh một mình.

Chú

長昏飲 trường hôn ẩm: uống đến say khướt, uống đến tối tăm mặt mày. trường: lâu dài. hôn: tối tăm mê đắm, mất hết tri giác. ẩm: uống, ở đây là uống rượu.

非關 phi quan: không liên quan.

性靈 tính linh: tinh thần, tính cách, .. tính: tính cách, tính khí. linh: tinh thần, hồn phách con người.

人盡醉 nhân tận túy: mọi người đều say hết.

何忍 hà nhẫn: sao lại chịu nhẫn nhịn, sao nỡ đành.

獨為醒 độc vi tỉnh (đọc độc vi tinh cho hợp vần): Một mình làm người tỉnh. Tác giả muốn nhắc đến Khuất Nguyên: 眾人皆醉我獨醒 chúng nhân giai túy ngã độc tỉnh (Ngư phủ): Mọi người đều say, chỉ một mình ta tỉnh.

Bài thơ này trên trang baike.baidu là bài thứ hai trong chùm năm bài thơ "Quá tửu gia" của Vương Tích; trên trang thivien là bài thứ nhất.

21/10/22

Túy hậu

 醉後 

阮籍醒時少      Nguyễn Tịch tỉnh thời thiểu,

陶潛醉日多      Đào Tiềm túy nhật đa.

百年何足度      Bách niên hà túc độ,

乘興且長歌      Thừa hứng thả trường ca.

王績                          Vương Tích.

Giản thể. 阮籍醒时少,陶潜醉日多。百年何足度,乘兴且长歌

Nghĩa. Sau cơn say.

Nguyễn Tịch thời gian tỉnh táo thì ít,
Đào Tiềm ngày say sưa thì nhiều.
Trăm năm làm sao đủ được,
nhân cơn hứng hãy hát ca vang lên.

Tạm dịch

Nguyễn Tịch ít khi tỉnh,

Đào Tiềm nhiều lúc say.

Trăm năm đà mấy chốc,

Hứng hát tràn cung mây.

Chú.

túy: say, trái với tĩnh.

阮籍 Nguyễn Tịch. Sống ở nước Ngụy thời Tam quốc. Bấy giờ cha con Tư Mã Ý đang có ý soán ngôi nên tích cực chiêu nạp nhân tài, trừng trị kẻ chống đối. Bất đắc dĩ Nguyễn Tịch phải nhận một chức quan, nhưng suốt ngày uống rượu không làm việc.

陶潛 Đào Tiềm. Nhà thơ sống vào cuối thời nhà Tấn. Từng nhận một chức quan nhỏ nhưng sau đó trả chức quan về quê ẩn dật, ngày ngày uống rượu ngắm hoa cúc.

百年 bách niên: trăm năm, chỉ môt đời người.

何足度 hà túc độ: trải qua sao cho đủ (đời người trăm năm), ý là trôi qua quá nhanh. túc: đủ. độ: qua, trải qua.

乘興 thừa hứng: nhân cơn hứng. thừa: nhân lúc. thả: hãy.

王績 Vương Tích. Nhà thơ thời Sơ Đường.

20/10/22

Đưa vào triết học

Nguyễn Văn Trung (1930 - 2022), là nhà giáo, nhà văn - triết Việt Nam, bút hiệu khác: Hoàng Thái Linh, Phan Mai. Sinh tại làng Thanh Hương, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Thuở nhỏ học trường dòng Puginier ở Hà Nội, du học, lấy tiến sĩ triết học tại đại học Louvain (Bỉ) năm 1961. Từng dạy triết học tại các đại học Huế, Sài gòn, Đà lạt. Sau 1975 ông ở lại VN một thời gian, sau đó, 1993, qua định cư  ở Montréal, Canada.
Nghe tin ông vừa mới mất ở Montreal. Đọc lại một cuốn sách cũ của ông, thay nén hương tưởng niệm 





Độc chước

 獨酌 

浮生知幾日      Phù sinh tri kỉ nhật,

無狀逐空名      Vô trạng trục không danh.

不如多釀酒      Bất như đa nhưỡng tửu,

時向竹林傾      Thì hướng trúc lâm khuynh.

王績                          Vương Tích

Giản thể. 浮生知幾日,無狀逐空名。不如多釀酒,時向竹林傾

Nghĩa. Uống rượu một mình

Cuộc sống tạm bợ này biết được bao nhiêu ngày, không ích gì mà đuổi theo cái danh hão. Chẳng bằng ủ rượu nhiều nhiều, lâu lâu lại vô rừng trúc mà say ngả nghiêng một trận.

Tạm dịch.

Kiếp vhờ sống được mấy,

Danh hão mãi bon chen!

Sao chẳng cất nhiều rượu,

Vô rừng say ngả nghiêng.

Chú

chước: rót rượu, uống rượu.

浮生 phù sinh: cuộc sống tạm bợ, không bền vững. Người xưa thấy rằng chuyện đời thì vô định, sinh mệnh thì ngắn ngủi, nên gọi đời người là "phù sinh". phù: trôi nổi; hư hão, không thật.

無狀 vô trạng: không có công trạng, không có duyên cớ, không có chi hay, không đúng thật. trạng: công tích ( trạng còn có nghĩa hình dáng, tình huống, ..).

逐空名 trục không danh: đuổi theo cái danh hão. trục: đuổi theo, đuổi đi. không: trống, không có gì cả, hão, suông.

釀酒 nhưỡng tửu: cất rượu. nhưỡng: gây, cất. 釀蜜 nhưỡng mật: gây mật.

竹林 trúc lâm: rừng tre. 竹林 trúc lâm cũng gợi nhớ đến điển cố “竹林七賢” Trúc lâm thất hiền, chỉ nhóm bảy người sống vào đời Tấn (Nguyễn Tịch, Kê Khanh, Lưu Linh, ..), cùng nhau vào một rừng trúc sống ẩn dật, tiêu dao tự tại.

thì (thời): thỉnh thoảng, đôi khi. khuynh: nghiêng, đổ.
王績 Vương Tích (585 - 644) tự Vô Công 無功, hiệu Đông Cao tử 東皋子, là nhà thơ thời Sơ Đường.

19/10/22

Nhac Châu thủ tuế 2

 岳州守歳其二  

桃枝堪辟悪      Đào chi kham tích ác,

爆竹好驚眠      Bạo trúc hảo kinh miên.

歌舞留今夕      Ca vũ lưu kim tịch,

猶言惜舊年      Do ngôn tích cựu niên.

張說                              Trương Thuyết

Giản thể. 桃枝堪辟恶,爆竹好惊眠。歌舞留今夕,犹言忆旧年

Nghĩa.

Cành đào có thể trừ điều xấu, pháo tre dễ làm tỉnh ngủ.
Ca múa để lưu giữ đêm nay lại, vì vẫn còn tiếc nuối năm cũ.

Tạm dịch

Đào chưng trừ chuyện xấu,

Pháo nổ tỉnh người ra.

Ca giữ đêm nay lại,

Tiếc đưa năm cũ qua.

Chú

桃枝 đào chi: cành đào.

堪辟悪 kham tích ác: có thể trừ điều xấu. kham: chịu được; ở đây dùng như chữ khả: có thể. tích: trừ bỏ. 辟邪 tích tà: trừ tà, trừ bỏ cái xấu.

爆竹 bạo trúc: pháo tre, pháo. Xưa dùng lửa đốt tre cho nổ lớn, để khu trừ ma quỷ. bạo: nổ. Quen đọc là bộc.

歌舞 ca vũ: ca hát nhảy múa; vui chơi.

今夕 kim tịch: đêm nay.

tích: tiếc.

舊年 cựu niên: năm cũ.

18/10/22

Nhạc Châu thủ tuế 1

 岳州守歳其一 

夜風吹醉舞      Dạ phong xuy túy vũ,

庭戶對酣歌      Đình hộ đối hàm ca.

愁逐前年少      Sầu trục tiền niên thiếu,

歡迎今歲多      Hoan nghênh kim tuế đa.

張說                          Trương Thuyết

Giản thể. 夜风吹醉舞,庭户对酣歌。愁逐前年少,欢迎今岁多

Nghĩa. Thủ tuế ở Nhạc Châu (Đêm giao thừa ở Nhạc Châu)

Mọi người uống rượu say rồi múa hát trong làn gió đêm thổi, từ sân đến nhà đâu cũng say sưa ca hát. Buồn vì một năm cũ trôi qua chỉ có chút ít, nhiều hơn là vui đón năm mới.

Tạm dịch.

Uống say rồi múa hát,

Đêm gió tiếng ca vang.

Buồn chút tiễn năm cũ,

Vui nhiều đón xuân sang.

Chú

岳州 Nhạc Châu, địa phương nằm ở phía đông hồ Động Đình, thuộc tỉnh Hồ Nam, nổi tiếng với lầu Nhạc Dương. Trương Thuyết từng làm Thái thú Nhạc Châu.

守歳 thủ tuế: tập tục xưa của người Tàu, vào đêm giao thừa anh em bạn bè tụ tập ăn uống ca hát cho đến sáng mồng một.

酣歌 hàm ca: chìm đắm trong say sưa ca múa; hứng khởi cất tiếng hát lớn. hàm: uống đã đời; tha hồ, miệt mài. 酣睡 hàm thụy: ngủ say. 酣戰 hàm chiến: đánh nhau kịch liệt.

trục: đuổi theo; (phó) dần dần. 追逐 truy trục: đuổi theo. 逐客 trục khách: đuổi khách đi. 逐利 trục lợi: tranh giành mối lợi, chen chọi. 逐隊而行 trục đội nhi hành: theo đội ngũ mà đi. 逐一 trục nhất: từng cái một,

年少 thiếu niên: tuổi trẻ.

歡迎 hoan nghênh: đón tiếp, nghênh tiếp; vui mừng tiếp nhận.

17/10/22

Tương phó Ích châu đề tiểu viên bích.

將赴益州題小園壁 

歲窮惟益老      Tuế cùng duy ích lão,

春至卻辭家      Xuân chí khước từ gia.

可惜東園樹      Khả tích đông viên thụ,

無人也作花      Vô nhân dã tác hoa.

蘇頲                          Tô Đĩnh

Giản thể. 岁穷惟益老,春至却辞家。 可惜东园树,无人也作花

Nghĩa. Sắp đi Ích châu viết lên vách tường vườn nhỏ.
Năm hết chỉ được cái là thêm già,
mùa xuân đến lại phải xa nhà.
Khá thương tiếc cho cây trong vườn,
không có người [ngắm] mà vẫn nở hoa.

Tạm dịch

Năm qua thêm tuổi tác,

Xuân đến lại xa nhà.

Đáng tiếc cây vườn cũ,

Không người cũng nở hoa.

Chú

將赴 tương phó: sắp đi. tương (phó từ): sắp. phó: đi tới. Phó trong cáo phó cũng là chữ phó này, phó: báo tin có tang.

益州 Ích Châu: nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên.

歲窮 tuế cùng: năm hết. tuế, như niên năm. cùng: tận.

ích: thêm.

春至 xuân chí: mùa xuân đến.

khước (phó): đang, lại. khước còn có nghĩa là từ chối, lui về.

可惜 khả tích: đáng tiếc. tích: tiếc.

東園 đông viên: vườn phía đông; chỉ chung vườn tược.

作花 tác hoa, như 開花 khai hoa: nở hoa. tác: làm.

蘇頲 Tô Đĩnh, nhà thơ thời Sơ Đường. Từng làm đến tể tướng, ngang danh với Trương Thuyết, (cũng là nhà thơ từng giữ chức tể tướng thời nhà Đường).

Bài này tác giả làm khi bị bãi chức tể tướng, rời kinh đi nhậm chức tại Ích Châu.

VĂN HOÁ - VĂN HỌC VỚI NHÂN CÁCH CON NGƯỜI



NGUYỄN VĂN DÂN
Theo định nghĩa chung, nhân cách là phẩm giá và tính cách của một con người. Nhưng con người không phải là một cá nhân biệt lập, mà luôn tồn tại trong mối quan hệ xã hội phong phú và phức tạp. Vì thế, nhân cách của một con người luôn có cả đặc điểm sinh học lẫn đặc điểm xã hội. Trong nhân cách, những đặc điểm tâm - sinh lý và lý trí làm cho mỗi người sẽ làm thành một tính cách khác biệt. Có người nóng tính, có người ôn hoà, có người cởi mở, có người kín đáo, có người thích giao du, có người ưa khép kín... Tuy nhiên, những đặc điểm xã hội mới là những yếu tố làm cho nhân cách mỗi người có phẩm giá tích cực hay tiêu cực, có ý nghĩa đóng góp xây dựng hay phá hoại đối với cộng đồng và xã hội. Ở đây có vai trò giáo dục của văn hoá đối với sự phát triển nhân cách của con người.
Vai trò giáo dục nhân cách của văn hoá là không thể bàn cãi. Mới đây nhất, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị lần thứ chín BCH trung ương Đảng khoá XI ngày 9-6-2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể đầu tiên của việc xây dựng văn hoá là “Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách...” (Đảng CSVN, “Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (Hội nghị lần thứ chín BCH trung ương Đảng khoá XI), Nhân dân điện tử: http://nhandan.com.vn/.../23477402-xay-dung-va-phat-trien..., 12-6-2014), và từ “nhân cách” đã được nhắc lại tới tám lần trong Nghị quyết.
Thậm chí ta có thể nói văn hoá còn có khả năng làm biến đổi tính cách và phát triển trí tuệ của con người, góp phần xây dựng phẩm giá và nhân cách cá nhân. Chẳng hạn như nói về trí tuệ, văn hoá và xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển các giá trị trí tuệ của con người. Ở đây ta thấy đặc điểm xã hội của nhân cách là rất quan trọng. Mỗi người có thể có tâm lý và bộ óc khác nhau, nhưng môi trường xã hội làm cho họ có những đặc điểm giống nhau. Vì thế, chúng ta vừa có thể nói đến nhân cách cá nhân, vừa có thể nói đến nhân cách tập thể của một dân tộc.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng không đồng tình hoàn toàn với quan niệm về “tấm bảng trắng” của nhà triết học người Anh John Locke (1632-1704). Trong bài viết “Tiểu luận về trí tuệ con người” (1690), Locke đã phản bác lại quan điểm duy tâm của nhà triết học người Pháp René Descartes (1596-1650) về “ý tưởng bẩm sinh”. Ông cho rằng tâm lý và ý thức con người ban đầu giống như một “tấm bảng trắng” [tiếng Latin: “tabula rasa”] để từ đó nó tiếp nhận các kiến thức thông qua kinh nghiệm thực tiễn của cuộc sống. Nhưng sự thực không đơn giản như vậy. Ở đây chúng ta phải nói đến một quá trình tương tác giữa hai bên: Đó là sự tương tác giữa “tư chất trí tuệ” với “yếu tố môi trường”. Vấn đề là, để phát triển tư chất trí tuệ thì phải có những điều kiện gì?
Người ta thường nói, môi trường có khả năng tác động đến trí tuệ, nhưng con người lại là một nhân tố quan trọng tạo ra môi trường xã hội - nhân văn. Như vậy, ở đây có một mối quan hệ tương tác. Lịch sử loài người đã cho thấy rằng, chính nền văn minh đô thị là môi trường thuận lợi để tác động đến sự phát triển trí tuệ. Trong lịch sử phương Tây, văn minh đô thị luôn tạo ra những yếu tố phản biện và kích thích sự phát triển của trí tuệ cá nhân. Trong nền văn minh này, cá nhân thoát ra từ thiên nhiên và có xu hướng quay trở lại chinh phục thiên nhiên. Điều này có thể thấy rõ trong hệ thống tôn giáo và thần thoại của phương Tây. Nhà thờ của phương Tây luôn nằm giữa cộng đồng dân cư, nó là nơi giao lưu để kích thích óc sáng tạo cá nhân. Hệ thống thần thoại thì luôn có sự phản biện và đối thoại giữa các cá thể.
Trong khi đó người phương Đông cổ xưa chủ yếu là có nền văn minh làng xã, họ không đặt mục đích chinh phục thiên nhiên mà dựa vào thiên nhiên, gửi gắm tình cảm vào thiên nhiên để tồn tại và lập ra những hương ước nặng về tình để đối nhân xử thế. Người phương Đông đề cao sức mạnh của cái thiên nhiên và cái siêu nhiên. Họ quan niệm con người phụ thuộc vào thiên nhiên và vào thế giới siêu nhiên. Đền chùa, tu viện của người phương Đông thường nằm giữa thiên nhiên, thậm chí càng xa cách cõi trần, càng xa xôi hẻo lánh và ở những nơi núi non hiểm trở càng tốt.
Người ta cho rằng con người phương Đông cổ xưa nhận thức thiên nhiên và thế giới chủ yếu bằng con đường trực giác (Alexander Spirkin, “Man and Culture” [“Con người và văn hoá”], trong “Dialectical Materialism” [“Chủ nghĩa duy vật biện chứng”], Progress Publishers, Moscow, 1983, chapter 5 [bản dịch tiếng Anh của Robert Daglish]; http://www.marxists.org/.../dialectical.../appndx02.html), tức là bằng tư duy cảm tính. Phải chăng mối quan hệ tình cảm có phần huyền bí giữa con người với thiên nhiên và với thế giới siêu nhiên là lý do chính tạo ra kiểu tư duy này? Y thuật, số thuật và chiêm tinh thuật của phương Đông thể hiện rõ ràng quan điểm này. Từ đó xuất hiện quan điểm tôn trọng gốc gác và là nguồn gốc của đạo đức học phương Đông tồn tại cho đến ngày nay. Người phương Đông đi xa vẫn khó quên gốc gác của mình. Người Do Thái, người Arập, người Hoa sống ở nước ngoài vẫn giữ gần như nguyên vẹn bản tính dân tộc. Ở những nước văn minh canh nông phương Đông (ngoại trừ văn minh canh nông du mục), việc hình thành nhiều quốc gia từ một nguồn gốc dân tộc không phải là điều phổ biến.
Cái tư tưởng tôn trọng gốc gác nơi đất mẹ thiên nhiên nói trên của người phương Đông đã dẫn đến một ý thức thuần phục gần như tuyệt đối đối với một tôn ti trật tự đã được thiết lập trong tôn giáo. Đạo Phật của phương Đông về cơ bản là nhất quán, thông suốt, hầu như không có những “kẻ phản nghịch”. Trong khi đó ở phương Tây, đạo Cơ Đốc luôn được sửa đổi, cải cách, thậm chí ly giáo. Ngay từ khi Cơ Đốc giáo mới ra đời, Chúa Jesus đã có kẻ tông đồ thứ 13 là Juda, được mệnh danh là kẻ “phản nghịch” đầu tiên. Trong lịch sử Cơ Đốc giáo, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ ly giáo: vụ ly giáo Đông - Tây năm 867 giữa giáo trưởng thành Constantinople Photius với giáo hoàng Nicolas I ở Roma; vụ ly giáo Đông - Tây năm 1054 giữa giáo trưởng thành Constantinople Kerularios với giáo hoàng Leo IX; và đặc biệt là vụ ly giáo lớn ở châu Âu diễn ra từ 1378 đến 1417 giữa ba chế độ giáo hoàng: chế độ giáo hoàng ở Roma, chế độ giáo hoàng ở Avignon (Pháp) và chế độ giáo hoàng ở Pisa (Italia). Và đặc biệt là cuộc cải cách đạo Cơ Đốc của nhà thần học người Đức Martin Luther đầu thế kỷ XVI, dẫn đến sự ra đời của đạo Tin Lành. Tư tưởng phản nghịch thể hiện phổ biến trong Cơ Đốc giáo đến nỗi Nhà Thờ đã phải lập ra một toà án để xử tội dị giáo, gọi là Toà án Dị giáo.
Có thể cái tư tưởng “phản nghịch” của người phương Tây là có xuất xứ từ truyền thống văn hoá thần thoại xa xưa. Hệ thống thần thoại Hy Lạp là một hệ thống tranh giành quyền lực. Thần Cronos sẵn sàng giết cha là thần Uranos để lên nối ngôi. Đến lượt mình, thần Dớt [Zeus] lại làm một cuộc “cách mạng” lật đổ cha mình để nắm quyền trị vì thế giới. Trong một loạt những cuộc giao tranh tiếp theo giữa các phe phái trong các vị thần, như giữa các vị thần ở núi Olympos với các vị thần khổng lồ Gigantes, thì con người, đại diện là dũng sỹ Heracles, cũng tham gia giúp các vị thần Olympos đánh lại các vị thần Gigantes. Trong thần thoại Hy Lạp, điển hình của thần thoại văn minh đô thị, thần thánh và người trần sống lẫn với nhau, yêu nhau, kết hôn với nhau và cạnh tranh lẫn nhau, hầu như không có sự phân biệt và không có một tôn ti trật tự tuyệt đối. Nhiều người trần sẵn sàng đấu võ và thi tài với thần linh: Tráng sỹ Heracles giết chết nhiều thần khổng lồ Gigantes, trong đó có thần Antaios nổi tiếng [tức thần “Ăngtê” gọi theo tiếng Pháp]; tráng sỹ Diomedes đánh bị thương thần chiến tranh Ares; cô thợ dệt Arakhne dám thi tài dệt vải với nữ thần Athena; cô gái Acalanthis và chàng trai Thamyras dám thi hát với các nữ thần nghệ thuật Musa; nàng Casiope xinh đẹp và tự tin dám thi sắc đẹp với các nữ thần biển Neraydes, v.v... Trong khi đó trong thần thoại phương Đông, thế lực thần thánh được phát huy tuyệt đối quyền hành, tôn ti trật tự được tuân thủ nghiêm ngặt. Kẻ phản nghịch duy nhất là Tôn Ngộ Không thì chỉ múa may trong thế giới quỷ sứ chứ không đụng chạm được đến quyền lực thánh thần.
Trong giáo dục, người phương Đông đề cao tư tưởng “tôn sư trọng đạo”. Người thầy có một vị thế quan trọng đến mức thiêng liêng. Người ta chỉ có thể lập ra một tư tưởng, một lý thuyết mới, chứ ít khi cải cách lý thuyết của thầy. Trong khi đó ở phương Tây, khái niệm người thầy không có ý nghĩa “thần thánh” như ở phương Đông. Ngay từ thời xa xưa, Socrate đã không dạy học trò bằng cách áp đặt quan điểm của mình, mà ông đưa ra các câu hỏi để học sinh chủ động trả lời. Aristote, bằng các công trình học thuật của mình, đã dám phản bác lại quan điểm duy tâm của thầy học của mình là Platon. Đến thời cận - hiện đại, K. Jung, học trò của Freud, đã cải cách lý thuyết tâm phân học của thầy mình, dẫn đến hai người không còn muốn nhìn mặt nhau. Các Mác, thời trẻ là học trò của Hegel, đã kiên quyết “lật ngược” phép biện chứng duy tâm của ông này để lập ra một học thuyết mới. Lênin cũng sửa đổi học thuyết Mác về cách mạng vô sản để thực hiện cuộc Cách mạng Tháng 10 vĩ đại. (Mác chủ trương rằng cách mạng vô sản chỉ có thể thành công khi nó diễn ra trên toàn thế giới. Lênin sửa lại rằng nó có thể thành công trong khâu yếu nhất của hệ thống tư bản chủ nghĩa.)
Có thể thấy, bên cạnh yếu tố tích cực về mặt đề cao tình nghĩa thầy - trò, thì tư tưởng tôn sư trọng đạo của phương Đông nhiều khi dẫn đến thái độ thuần phục mang tính mô phạm giáo điều, kìm hãm tư duy sáng tạo. Trong khi đó ở phương Tây, chính cái quan niệm bình đẳng thầy - trò là một trong những động lực làm nảy sinh nhiều tư tưởng và lý thuyết mới. Vậy mà cái tư tưởng mô phạm giáo điều đó vẫn còn tồn tại dai dẳng ở phương Đông cho đến ngày nay, đôi khi thể hiện thành sự bắt chước một cách máy móc các lý thuyết của nước ngoài, đặc biệt là trong khoa học xã hội. Ví dụ như trong khi ở nước ngoài đang có nhiều lý thuyết khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về một chủ đề, thì ở nước ta, nhiều người đã không tiếp thu được một cách có hệ thống, mà chỉ tiếp thu một vài quan điểm nào đó, và người khác lại tiếp thu một vài quan điểm khác mâu thuẫn với các quan điểm kia, thế là dẫn đến việc cùng một chủ đề, nhưng mỗi người ở nước ta lại hiểu theo một cách khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Đó chính là căn bệnh cảm tính, thiếu tư duy lôgic triết học mà có nhà khoa học đang cảnh báo. Căn bệnh thiếu tư duy lôgic cũng đang thể hiện trong cả cuộc sống hàng ngày, khi mà người ta không hề cảm thấy phi lý khi cứ phát ngôn một cách hồn nhiên: “tỷ giá hối đoái giữa ‘Việt Nam đồng’ với ‘đôla Mỹ’”. (Tất cả các đồng tiền của nước ngoài đều được đọc xuôi theo ngữ pháp tiếng Việt, riêng đồng Việt Nam thì được đọc ngược theo ngữ pháp tiếng Anh!) Và có lẽ đó cũng là biểu hiện của truyền thống tư duy cảm tính của người phương Đông chăng?
Thế nhưng, xu hướng đề cao tính cộng đồng và trở về với thiên nhiên của phương Đông lại là một nhân tố kìm hãm sự phát triển của cái cá nhân. Chùa chiền thường là nơi ẩn dật, xa lánh xã hội. Hệ thống thần thoại thì được thiết lập theo một tôn ti trật tự chặt chẽ với những thiết chế tuân thủ nghiêm ngặt, cấp dưới chỉ biết tuân theo cấp trên, không tạo thành những điều kiện để kích thích óc phản biện và sáng tạo của cá nhân.
Như vậy, muốn kích thích óc sáng tạo cá nhân và phát triển trí tuệ, con người cần tạo ra một môi trường có sự giao lưu, va đập và đối thoại để kích hoạt tư chất trí tuệ. Có như thế mới tạo ra những đột biến trong tư duy và trong hành động.
Ngày nay, trong xã hội Việt Nam, một trong những yếu tố kìm hãm mạnh nhất sự phát triển của trí tuệ chính là chủ nghĩa tuân thủ và tâm lý đám đông. Đây chính là yếu tố làm trì trệ con người. Việc hành động theo đám đông sẽ làm con người trở nên thụ động, lười suy nghĩ, thiếu tự tin và biến thành những cỗ máy vận hành theo sự bắt chước. Có người sẽ phản biện rằng bắt chước là một cách đi tắt để phát triển. Tuy nhiên, bắt chước khác với học hỏi. Chính học hỏi mới là quy luật của sáng tạo và phát triển. Chỉ có học hỏi một cách máy móc và không phân biệt đúng sai thì mới được gọi là bắt chước. Hiện nay hiện tượng bắt chước diễn ra rất phổ biến ở Việt Nam, người ta bắt chước cả cái đúng lẫn cái sai của nước ngoài. Một người bắt chước kéo theo cả một cộng đồng, thậm chí cả xã hội bắt chước. Đặc biệt là trong xã hội thông tin ngày nay, một sự bắt chước được đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng, thì lập tức nó lan toả ra toàn xã hội như một phản ứng dây chuyền. Thói bắt chước những cách diễn đạt phi lý diễn ra rất phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và một trong những biểu hiện cụ thể của sự bắt chước chính là hiện tượng đạo văn, một hiện tượng đang trở nên nhức nhối ở nước ta hiện nay. Thói bắt chước như thế sẽ vĩnh viễn chôn vùi trí tuệ trong sự trì trệ.
Cho nên, theo tôi, điều mấu chốt là phải tạo điều kiện để kích thích óc phản biện của mỗi cá nhân, khuyến khích việc xem xét lại mọi chân lý, khuyến khích tư duy lôgic để phát hiện cái phi lôgic, khuyến khích giao lưu đối thoại để phát hiện cái mới, từ đó kích thích sự phát triển của trí tuệ và từ trí tuệ quay trở về cải tạo thực tiễn. Đó chính là cái vòng tròn tương tác giữa tư chất trí tuệ với môi trường xã hội.
Trí tuệ, theo cách nhìn đó, sẽ không phải là một yếu tố huyền bí, siêu hình, mà là đối tượng hoàn toàn có thể cải tạo và phát triển của nhân cách.
Tình cảm cũng là một đặc điểm quan trọng của nhân cách cá nhân và nhân cách dân tộc. Và tình cảm cũng là một đối tượng giáo dục của văn hoá. Văn hoá - văn học truyền thống của dân tộc chứa đựng vô vàn những điều răn dạy về lòng thương người, về tình yêu cha mẹ, tình làng nghĩa xóm, tình thương đồng bào, tình yêu đất nước... Tình yêu - đó là chủ đề muôn thuở của văn học, là yếu tố hun đúc nên nhân cách con người cá nhân và nhân cách của cả dân tộc.
Có thể nói, lịch sử cho thấy văn học đã đề xuất nhiều cách xây dựng nhân cách: Cách thanh lọc tâm hồn của Aristote, cách chế nhạo của Rabelais đối với các chính sách ngu dân của thế lực thần quyền trong bộ tiểu thuyết “Gargantua và Pantagruel”, cách học hỏi nhân gian của Cervantes qua chàng Đôn Kihôtê, cách tu luyện trí tuệ và tâm hồn của Dostoievki, cách đề cao “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” của Nguyễn Du, cách đấu tranh chống lại cái phi lý của Camus, cách sống cao thượng và nhân đạo của một dân tộc trải qua bao đau thương mất mát của nhà văn Cheshnya Kanta Ibragimov trong “Cuộc chiến đi qua” (giải thưởng quốc gia Nga năm 2003), cách đề cao tự do cá nhân của văn học lãng mạn Việt Nam, cách đấu tranh cho quyền con người của văn học cách mạng, và trên hết là cách đấu tranh chống lại cái ác / cái xấu và nêu cao tư tưởng nhân văn của văn học chân chính mọi thời đại, mọi dân tộc.
Tuy nhiên, cuộc sống là một thế giới phức tạp. Cái tốt cái xấu luôn tồn tại khắp nơi. Cuộc sống càng hiện đại thì cái ác / cái xấu càng tinh vi, tai hại. Cái ác / cái xấu không chỉ bộc lộ công khai, mà nguy hiểm hơn, nó còn ẩn núp sau những cái mặt nạ muôn hình vạn trạng. Trong những cái mặt nạ đó, có cái mặt nạ mang khuôn mặt của người lương thiện – một khuôn mặt sạch. Lại có cái mặt nạ mang khuôn mặt của người nắm quyền – đó là những kẻ nằm trong số “một bộ phận không nhỏ cán bộ” đang bị thoái hoá biến chất. Đó là sự giả dối đã đi đến chỗ tột cùng mà văn học cần phải dũng cảm chỉ ra nguyên nhân. Vì thế, văn học đấu tranh chống cái ác / cái xấu luôn khó hơn nhiều so với văn học đề cao và xây dựng cái tốt.
Nhân cách con người còn được thể hiện qua trách nhiệm xã hội của mỗi cá nhân. Quyền hạn luôn đi đôi với trách nhiệm. Hiện tại người ta đang nói nhiều đến quyền con người, nhưng đừng quên trách nhiệm con người, trách nhiệm công dân. Con người có nhiều quyền cần được tôn trọng, nhưng nó cũng phải có trách nhiệm đối với cộng đồng, với xã hội. Trách nhiệm này khác nhau tuỳ thuộc vào địa vị xã hội của mỗi người. Nhưng cho dù ở địa vị nào thì mỗi cá nhân đều phải có ý thức cao đối với trách nhiệm của mình. Văn học cũng góp phần nêu cao trách nhiệm đó. Ta có thể lấy cuốn tiểu thuyết “Lời hứa” (1958) của nhà văn hiện đại người Thuỵ Sĩ nói tiếng Đức Friedrich Durrenmatt làm ví dụ điển hình.
“Lời hứa” (tiếng Đức: Das Versprechen, bản dịch tiếng Anh: “The Pledge”) kể về trách nhiệm nghề nghiệp của một người lính cảnh sát đối với việc điều tra một vụ án chống lại một kẻ tội phạm mắc một căn bệnh xã hội thật phi lý là bắt cóc các bé gái, hãm hiếp rồi sau đó giết chết. Để nhử kẻ tội phạm, anh đã nuôi một bé gái làm con mồi. Nhưng đến khi sắp sửa bắt được thủ phạm thì hắn ta bị tai nạn ôtô giết chết trên đường đến địa điểm gây án, mà điều này thì bọn anh không biết. Thế là cuộc phục kích không thành. Đồng đội không còn tin vào kế hoạch của anh. Nhưng anh thì không từ bỏ quyết tâm vì anh đã hứa với cha mẹ nạn nhân là phải bắt bằng được thủ phạm. Vì lời hứa này mà anh phải rời bỏ ngành cảnh sát, từ bỏ mọi quyền lợi riêng, dùng tiền riêng mở một trạm bán xăng và vẫn để em bé gái sống với mình, với hy vọng là đến một ngày kia kẻ tội phạm sẽ bị mắc bẫy. Một năm trôi qua, nỗi ám ảnh của vụ án đã biến anh thành một kẻ mất trí. Cho đến khi tình cờ có người biết được chuyện tai nạn ôtô của kẻ tội phạm đến nói cho anh rõ để khuyên anh từ bỏ ý đồ nhử mồi thì lúc đó anh đã hoàn toàn biến thành một người ngớ ngẩn. Thật xúc động khi tác giả mô tả cái cảnh trước đó anh cảnh sát ra sân bay để đi công tác nước ngoài, nhưng khi nhìn thấy đám trẻ con nô đùa một cách ngây thơ trong trắng thì anh quyết định xin ở lại để tiếp tục tự mình điều tra vụ án, cho dù việc này sau đó đã khiến anh phải từ bỏ ngành cảnh sát. Cái độc đáo và vô cùng xúc động của tác phẩm là nhân vật chính đã bị ám ảnh bởi trách nhiệm công việc tới mức trở thành một con người vĩnh viễn mất trí! Mất trí nhưng nhân cách của anh không mất. Đó là nhân cách của một con người có trách nhiệm quyết tâm chống lại cái ác / cái xấu.
Như vậy, văn học góp phần xây dựng nhân cách con người không chỉ đơn thuần bằng việc nêu gương người tốt việc tốt, mà quan trọng hơn, và cũng khó khăn hơn, nó phải lột mặt nạ được cái ác / cái xấu, chỉ ra được căn nguyên của cái ác / cái xấu. Và, bởi vì cái ác / cái xấu giống như là “mầm dịch hạch” không bao giờ chết như nhà văn Pháp Camus đã nói trong tiểu thuyết “Dịch hạch”, thậm chí ông còn mượn lời nhân vật Tarrou tuyên bố rằng “Tôi biết chắc chắn rằng mỗi chúng ta đều mang mầm dịch hạch trong người, bởi vì không có một ai trên thế gian này vô sự thoát khỏi được nó”, cho nên, đấu tranh chống cái ác / cái xấu còn là đấu tranh với chính mình. Chống cái ác / cái xấu là thiên chức, là trách nhiệm tối cao và muôn thuở của nhà văn chân chính mọi thời đại và mọi dân tộc. Đó cũng là nhân cách của nhà văn và là nhiệm vụ xây dựng nhân cách con người của văn học.
(Tham luận Hội thảo tháng 10-2015. In trong: NVD, "Văn hoá - văn học dưới góc nhìn liên không gian", 2020).