31/12/22

thời gian


hết thuốc, hết một tháng
mỏi người, đổi tiết trời
tháng ngày như lá rụng
vèo cái, hết năm rồi
vèo cái, cu thành cụ
sách lại đọc chữ to
không dưng rơi nước mắt
cụ lại giống như cu
nhìn ít đi điều lạ
thấy nhiều thêm chuyện cười
gần gũi thành xa cách
vèo cái, đã một đời.
31xii22

30/12/22

Khách trung hữu cảm

 客中有感 

天地一身在      Thiên địa nhất thân tại,

頭顱五十過      Đầu lô ngũ thập qua.

流年消壯志      Lưu niên tiêu tráng chí,

空使淚成河      Không sử lệ thành hà.

殷堯藩                    Ân Nghiêu Phiên.

Giản thể. 天地一身在,头颅五十过。 流年消壮志,空使泪成河

Nghĩa. Cảm xúc nơi đất khách

Một thân một mình trong trời đất,

Năm chục năm trôi qua trên mái đầu.

Năm tháng làm tiêu tan chí lớn thời tuổi trẻ,

Không dưng nước mắt lại chảy thành sông.

Tạm dịch.

Một thân giữa đất trời,

Thoáng chốc đã năm mươi.

Tháng năm trôi chí lớn,

Không dưng nước mắt rơi.

Chú.

頭顱 đầu lô: đầu lâu.

流年 lưu niên: năm tháng trôi qua như nước chảy.

壯志 tráng chí: ý muốn to lớn mạnh mẽ.

殷堯藩 Ân Nghiêu Phiên (780 - 855), nhà thơ thời Trung Đường. Tiến sĩ, quan đến chức Thị ngự sử.


Cánh cò. Photo: Đơn Hồng Oai.



28/12/22

Điền viên lạc

 田園樂其六                  

桃紅復含宿雨             Đào hồng phục hàm túc vũ,

柳綠更帶朝煙             Liễu lục cánh đái triêu yên.

花落家童未掃             Hoa lạc gia đồng vị tảo,

鶯啼山客猶眠                 Oanh đề sơn khách do miên.

王維                                      Vương Duy

Giản thể. 桃红复含宿雨,柳绿更带朝烟。 花落家童未扫,莺啼山客犹眠

Nghĩa: Thú vui nơi ruộng vườn

Cành đào hồng còn ngậm hạt mưa đêm,

Cành liễu xanh lại vắt thêm dải khói sớm.

Hoa rơi trẻ nhỏ trong nhà chưa quét,

Oanh kêu khách trên núi vẫn còn ngủ.

Tạm dịch

Đào hồng mưa khuya còn đọng,

Liễu biếc khói sớm vắt vai.

Hoa rụng trẻ chưa kịp dọn,

Oanh kêu khách ngủ đang say.

Chú

- 宿雨 túc vũ, tức dạ vũ 夜雨: mưa đêm, mưa lúc đầu hôm. 宿 túc: nghỉ đêm; cách đêm. 宿醉 túc túy: say đêm trước.

- 朝煙 triêu yên: khói sớm, mùa xuân thời tiết ấm lên, sinh ra lớp sương mù lúc sáng. Có bản chép: xuân yên “春煙” khói xuân.

- 家童 gia đồng: trẻ giúp việc trong nhà.

- oanh: chim oanh. Bản khác: “鳥”điểu: chim.

- 山客 sơn khách: người ẩn cư trong núi; ở đây chỉ bản thân tác giả.

- 猶眠 do miên: vẫn còn ngủ. do (phó từ): vẫn còn.

Đây là bài thứ 6 trong chùm bảy bài lục ngôn tuyệt cú “Điền viên lạc” của Vương Duy.

Cô hái chuối, 1960. Tranh màu nước của Lưu Công Nhân.



23/12/22

70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam

Đây là loạt chương trình về tình ca Việt Nam trong 70 năm (1930 - 2009), do Hoài Nam thực hiện, phát trên SBS Radio(Úc Châu) trong khoảng 2 năm, trước đây đã được post trên blog này.

link cũ bị hỏng. update link youtube, repost



Xem thêm link khác loạt bài này (được post làm 5 kỳ):
kỳ 1
kỳ 2
kỳ 3
kỳ 4
kỳ 5


22/12/22

Tống Đỗ thiếu phủ chi nhậm Thục châu

送杜少府之任蜀州
城闕輔三秦, Thành khuyết phụ Tam Tần,
風煙望五津。 Phong yên vọng ngũ tân.
與君離別意, Dữ quân li biệt ý,
同是宦遊人。 Cộng thị hoạn du nhân.
海內存知己, Hải nội tồn tri kỉ,
天涯若比鄰。 Thiên nhai nhược tỉ lân.
無為在歧路, Vô vi tại kì lộ,
兒女共沾巾。 Nhi nữ cộng triêm cân.
王勃                 Vương Bột.

Giản thể.
城阙辅三秦,风烟望五津。
与君离别意,同是宦游人。
海内存知己,天涯若比邻。
无为在歧路,儿女共沾巾。

Chú.
蜀州 Thục Châu: đất Thục, nay là đất Tứ Xuyên bên Tàu.
城闕 thành khuyết: thành đô, chỉ kinh đô Trường An, nơi có cung khuyết. 
三秦 Tam Tần: chỉ vùng đất Quan Trung, phụ cận kinh đô Trường An, nay là dải đất phía tây Đồng Quan thuộc tỉnh Thiểm Tây. Cuối đời nhà Tần, Hạng Vũ sau khi đại phá quân Tần, đã chia ba Quan Trung, giao cho ba hàng tướng của Tần trấn giữ, nên gọi là Tam Tần. (Đi vào Thục thì sẽ qua đây).
五津 ngũ tân: chỉ 5 bến đò ở đất Thục.
宦遊 hoạn du: đi xa làm quan.
海內 hải nội:người Tàu cổ đại cho rằng bốn bề nước Tàu là biển, nên gọi nước Tàu là “tứ hải chi nội” (Ở trong bốn biển).
歧路 kì lộ: đường rẽ; chỉ nơi chia tay.

Tóm tắt ý bài thơ: Tác giả tiễn bạn đi nhậm chức ở đất Thục. Chia tay ở ngoại thành Trường An. Nhìn ra xa là dải đất Tam Tần kế cận. Xa hơn nữa, chắc là nhìn qua trí tưởng, là nơi đến, một trong năm bến đò nơi đất Thục, sương khói mịt mù. Cùng là phận đi làm quan xa nhà, lúc chia tay tác giả hoàn toàn thông cảm nỗi buồn với bạn. Nên ngõ lời an ủi, rằng khắp đất nước đâu cũng còn có người tri kỉ, và như thế thì sống nơi góc trời cũng tựa như cạnh nhà thôi. Vậy nên đừng có đứng giữa đường cùng nhau khóc than đến ướt áo như tuồng nhi nữ nữa.

王勃 Vương Bột là nhà thơ được liệt vào Sơ Đường tứ kiệt, lừng danh với cau thơ diễm tuyệt "Lạc hà dữ cô lộ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc" trong bài Đằng Vương các tự. Trong bài này ông cũng có hai câu thơ vào hàng tuyệt cú: Hải nội tồn tri kỉ, Thiên nhai nhược tỉ lân. Ông tài hoa nhưng chết sớm, lúc chỉ mới 26 tuổi, do bị đắm thuyền khi qua thăm cha đang làm quan tại Giao Chỉ. Theo một số tài liệu thì ông được chôn ở Nghệ An, nay còn mộ.

Nghĩa: Tiễn Đỗ Thiếu phủ đi nhậm chức ở đất Thục.
Thành Trường An nằm kề đất Tam Tần,
Qua màn khói sương mù mịt nhìn về 5 bến đò nơi đất Thục.
Cùng sẻ chia với bạn nỗi buồn li biệt,
Vì đều là kẻ đi làm quan xa quê.
Trong bốn bể còn có người tri kỉ
Thì dù ở tận chân trời cũng tựa như cạnh nhà.
Đừng đứng giữa đường giữa sá mà nước mắt nước mũi đầm đìa như đàn bà con gái nữa.

Tạm dịch.
Vời trông về bến Thục,
Mù mịt khói sương xa.
Chạnh lòng phút tiễn bạn,
Hoạn lộ gập ghềnh qua.
Bốn biển còn tri kỉ,
Góc trời như cạnh nhà.
Thôi chớ như nhi nữ,
Giữa đường nước mắt sa.
-----
Bản dịch của Trần Trọng San
Tường thành gìn giữ đất Tam Tần,
Gió khói trông vời chốn Ngũ tân.
Cùng với ai kia tình cách biệt,
Ðều là đường hoạn kiếp du nhân.
Khắp trong biển, còn người tri kỷ
Ở góc trời, như xóm láng gần.
Hà tất ngậm ngùi nơi rẽ lối,
Giống tuồng nhi nữ, lệ đầy khăn.

Bản dịch của Khương Hữu Dụng
Trường thành bảo vệ Tam Tần
Vời trông năm bến mấy lần khói mây
Ngậm ngùi tôi bác chia tay
Nghề quan rày đó mai đây bọn mình
Đâu không có bạn tâm tình
Ngoài chân trời cũng như quanh xóm làng
Biệt nhau nơi ngã ba đàng
Đừng như nhi nữ lệ tràn thấm khăn

Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu
Kinh khuyết giữ Tam Tần,
Gió mây ngóng Ngũ Tân.
Cùng lênh đênh bể hoạn,
Nên bịn rịn đưa chân.
Bốn bể còn tri kỷ,
Góc trời vẫn thiết thân.
Đừng như nhi nữ nhé,
Lối rẽ lệ dầm khăn!
Nguồn: Đường thi tuyển dịch, NXB Thuận Hoá, 1997
(chép lại từ trang thivien . net)

城闕輔三秦 Thành khuyết phụ Tam Tần.
Câu thơ này được Trần Trọng San dịch:
Tường thành gìn giữ đất Tam Tần,
Khương Hữu Dụng cũng ý ấy:
Trường thành bảo vệ Tam Tần,
Lê Nguyễn Lưu cũng hiểu tương tự:
Kinh khuyết giữ Tam Tần,
Tường thành nào bảo vệ đất Tam Tần ở đây? Vạn lí trường thành? Nhưng vạn lí trường thành thì dính dáng gì với bối cảnh li biệt ở đây? Vả lại Thành khuyết không có nghĩa tường/trường thanh mà có nghĩa là thành đô. Đất Tam tần không bảo vệ thành đô thì chớ, sao có chuyện kinh thành đi bảo vệ Tam Tần?
Tôi đoán các vị không coi lại bản đồ nước Tàu xưa, lại đọc vội, hiểu 輔 phụ là giúp đỡ; không nhớ phụ còn một nghĩa khác. Theo zdic: 
輔 phụ: 舊指京城附近的地方 xưa chỉ vùng đất phụ cận kinh thành.
Nên câu này theo tôi, hiểu đúng phải là: Kinh thành Trường An, tiếp đến là vùng phụ cận nó, đất Tam Tần. Tưởng tượng hai người đang đứng ở Trường An, nhìn ra xa, tiếp liền kinh thành là đất Tam Tần. Xa hơn nữa là bến đò ở đất Thục (câu 2).

*

Bản dịch của Trần Trọng Kim

Cõi ngoài thành ải Tam Tần
Gió mây trông khắp Ngũ Tân rõ ràng
Tỏ lòng ly biệt với anh
Cùng nhau bể hoạn lênh đênh mấy người
Hãy còn tri kỷ ở đời
Thiên nhai chi khác những nơi gần nhà
Phân kỳ thôi chớ xót xa
Đã cùng nhi nữ lệ sa đầm đìa

Nguồn: Trần Trọng Kim, Đường thi, NXB Văn hoá thông tin, 1995.

Bản dịch của Trần Tế Xương

Thục thành quanh quất cửa Tam Tần
Khói toả mông ra cách suối gần
Thơ rượu lưng bầu, chàng nhẹ bước
Gươm đàn nửa gánh, khách đưa chân
Dưới trăng đâu cũng là tri kỷ
Trước gió ai mà chẳng cố nhân
Nào phải bên đường làm thói trẻ
Sụt sùi lai láng vẻ đai cân!

Nguồn: Đường thi quốc âm cổ bản, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2017

21/12/22

Trong tay thánh nữ có đời tôi


Thơ Du Tử Lê, Hoàng Thanh Tâm phổ nhạc. Tuấn Anh ca



Trong tay thánh nữ có đời tôi là bài thơ nằm trong tập Ở chỗ nhân gian không thể hiểu của Du Tử Lê.

HÁN-VIỆT KỲ ĐÀM

 1.

Vụ "cưỡng hôn" trong thang máy: Dùng từ đúng hay sai?
Hán-Việt thông dụng cho rằng cách dùng từ "cưỡng hôn" trong trường hợp này là KHÔNG SAI.
Trước hết, phải thừa nhận chúng ta đều nhất trí với nhau rằng thực tế có tồn tại một từ "cưỡng hôn" gốc Hán mang ý nghĩa là "ép cưới". Tuy nhiên, điều này không tương đương với việc nhất quyết không thể tồn tại một từ "cưỡng hôn" trong tiếng Việt mang một ý nghĩa khác là... ép người khác phải hôn mình, miễn là khi này ta xác định từ ấy không là một từ gốc Hán thuần tuý.
Ủa vậy cũng được hả ta? HVTD xin trả lời rằng: Tại sao không!
Theo tiến trình thời gian, mọi ngôn ngữ, không kể riêng tiếng Việt, đều cần thiết tạo ra những từ vựng mới để có thể gọi tên những khái niệm mới mẻ, bằng cách này hay cách khác. Như những bài viết trước, HVTD đã giới thiệu một số từ tiếng Việt cấu tạo bằng cách kết hợp cả yếu tố Hán-Việt lẫn yếu tố thuần Việt. Việc kết hợp yếu tố Hán-Việt và phi Hán-Việt (bao gồm từ thuần Việt và từ mượn ngôn ngữ khác tiếng Hán) cũng là một trong những cách để tiếng Việt tăng thêm từ vựng và có thể gọi tên những khái niệm mới, một ví dụ:
"Hoá" (化) là từ gốc Hán chỉ sự biến đổi thành một cái gì đó. Có một cấu trúc "+ hoá" thông dụng trong tiếng Hán, như lão hoá, nhân hoá,... Cấu trúc này được tiếng Việt vay mượn và có thể sử dụng theo cách riêng là ghép với một gốc phi Hán-Việt, như ô-xi hoá, trẻ hoá, thay vì dùng từ gốc Hán thuần tuý. Tương tự với cấu trúc "+ tặc", "+ kế",... Vì thế, cấu trúc "cưỡng +" không là ngoại lệ.
Bằng cách này, tiếng Việt có thể linh hoạt lựa chọn từ ngữ gần gũi với cộng đồng để ghép với yếu tố Hán-Việt còn lại, ví như dùng chữ "ô-xi" sẽ gần gũi hơn là "dưỡng khí" ("ô-xi hoá" thay vì "dưỡng hoá"). Vì vậy trong trường hợp từ "cưỡng hôn", chữ "hôn" thuần Việt đã được chọn vì người Việt không phải ai cũng hiểu chữ Hán "vẫn" có nghĩa là hôn để có thể sử dụng từ "cưỡng vẫn" như Trung Hoa.
Nhưng không may, từ "cưỡng hôn" lại đồng âm với từ Hán-Việt mang ý nghĩa khác, và dấy lên một cuộc tranh luận đúng sai và phê bình cách dùng từ "cưỡng hôn" trên các trang báo. Giờ đây, nhiều người cẩn trọng viết trong ngoặc kép cho chắc ăn hoặc thay hẳn thành cụm từ khác như "hành vi sàm sỡ" để tránh... vạ lây. Chúng ta bắt đầu dè dặt về hiện tượng đồng âm dị nghĩa hơn bao giờ hết, vì sợ mắc một lỗi-sai-nhưng-không-sai.
Tuy vay mượn nhiều từ mang gốc Hán, nhưng tiếng Việt vẫn luôn là một ngôn ngữ tự chủ từ trước đến nay, người Việt tự do tạo ra những bản sắc riêng cho tiếng nước mình. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể khư khư dùng tiếng Hán để làm thước đo chuẩn mực, ví như chúng ta không thể nói chữ "cù lao" phải mang ý nghĩa "công lao cha mẹ" theo Hán-Việt chứ không được mang ý nghĩa "hòn đảo nhỏ" theo thuần Việt, hay ta không thể bắt buộc người Việt phải gọi đúng tên toà nhà có nhiều người chung sống cùng nhau là "chúng cư" theo Hán tự thay vì "chung cư". Người Việt không nhất thiết phải hiểu thêm ý nghĩa rằng "kinh tế" vốn dĩ là "kinh bang tế thế" mà ra, hay ta không phải viết đúng thứ tự các từ "nhiệt náo", "linh lung", "chế tiết" như nguyên bản chữ Hán của chúng,... Đó là những nét đặc sắc của tiếng Việt: học hỏi và cải biến có chừng mực, tự do và linh hoạt trong khuôn khổ cho phép.
Vậy, sẽ thật bất công khi từ "cưỡng ôm" vẫn có thể tiếp tục được sử dụng một cách tự do tự tại vì không có từ gốc Hán đồng âm nào với nó cả, bạn nhỉ?
2.
Từ Hán-Việt gốc... Nhật Bản!
Chúng ta đều biết số lượng từ Hán-Việt trong tiếng Việt hiện đại chiếm một khối lượng lớn, được du nhập vào tiếng Việt thông qua nhiều thời điểm và nhiều con đường khác nhau. Trong đó, có một lớp từ Hán-Việt được người Việt tiếp thu chủ yếu qua con đường sách báo của người Trung Hoa, nhưng hoá ra lại có... gốc Nhật.
Chữ Hán được du nhập và sử dụng trong tiếng Nhật cùng với các ngôn ngữ khác trong khối đồng văn (Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc), là một nguồn từ vựng bổ sung để các ngôn ngữ này có thể gọi tên và diễn tả đầy đủ các khái niệm trong cuộc sống hơn. Theo thời gian, vào thời kì cận đại, nhu cầu tiếp nhận những kiến thức mới từ văn minh phương Tây đòi hỏi việc dịch thuật phải càng được đẩy mạnh. Các từ vựng sẵn có của tiếng Hán chưa có những khái niệm tương ứng với những thuật ngữ mới, vì vậy việc tạo ra các từ vựng mới là điều cần thiết bấy giờ. Và Nhật Bản chính là một bậc tiên phong trong việc này.
Trong bài viết “Từ Hán Việt gốc Nhật trong tiếng Việt” của GS-TS Trần Đình Sử, GS đã nhắc đến như sau: “Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, các từ ngữ, thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn Trung Quốc hiện đại có tới 70% nhập từ tiếng Nhật (Xem Vương Bân Bân: Mối quan hệ giữa từ vựng Trung Quốc cận đại với Nhật Bản). Tác giả Vương Bân Bân nói: ‘Ngày nay hàng loạt khái niệm mà người Trung Quốc dùng để cao đàm khoát luận, bàn đông nói tây, phần lớn là từ ngữ do người Nhật làm ra cả’”.
Vào giai đoạn này, cả Trung Hoa và Nhật Bản đều nỗ lực để dịch các khái niệm mới sang Hán tự, nhưng cách dịch của người Nhật lại hiệu quả hơn hẳn. Người Trung ban đầu thực hiện 2 cách dịch, một là dịch theo lối phiên âm, ví dụ “romantic” thì dịch là “la mạn thế khắc”, “inspiration” dịch là “yên sĩ phi lí thuần”, “telephone” dịch là “đức luật phong”, hai là dịch nghĩa, ví dụ, “individualism” dịch là “cá nhân độc nhất giả”, “sosiologie” dịch là “quần học”, economie dịch là “lí tài”, “philosophie” dịch là “học lí”. Vương Bân Bân nhận xét: “Cùng một từ mà người Trung Quốc dịch phần lớn đều thất bại, còn người Nhật dịch thì thành công”. Các từ do người Nhật dịch vừa ngắn gọn, vừa hàm ý. Ví dụ đơn cử, sau năm 1917 người Nhật Tá Tá Chính Nhất dịch “inspiration” là “linh cảm”, thế là người Trung Quốc dùng theo.
Các từ Hán gốc Nhật không du nhập trực tiếp vào Việt Nam mà gián tiếp thông qua con đường sách báo Trung Quốc, sau đó được người Việt phiên âm mặt chữ ra thành từ Hán-Việt. Dựa vào “Từ điển từ ngoại lai tiếng Hán” do các tác giả Lưu Chính Đàm, Cao Danh Khải, Mạch Vĩnh Càn, Sử Hữu Vi biên soạn từ năm 1958, xuất bản năm 1984 tại Nxb Từ Thư, Thượng Hải, các nhà nghiên cứu đã xác định có trên 350 từ gốc Nhật ngày nay vẫn được sử dụng trong tiếng Việt. Các từ vựng về lĩnh vực xã hội, chính trị, khoa học, triết học, giáo dục chiếm một số lượng rất lớn, đánh dấu sự trưởng thành của ý thức xã hội về các mặt ấy.
Tuy nhiên cần làm rõ, dù có rất nhiều từ Hán gốc Nhật nhưng không phải tất cả đều được du nhập vào Việt Nam. Phần do tiếng Việt đã có sẵn những từ cùng nghĩa nên không cần vay mượn thêm nữa, phần do tiếng Việt vừa tiếp thu, vừa sáng tạo ra các từ của riêng mình (như thay vì mượn cả 2 từ “bi kịch” và “hỉ kịch” của người Nhật, người Việt chỉ vay mượn “bi kịch”, còn “hỉ kịch” thì người Việt sáng tạo ra chữ “hài kịch” thay thế, vì người Việt quan niệm hài kịch không chỉ là kịch “vui” nên dùng chữ “hỉ” thì chưa hợp bằng).
Các từ Hán-Việt gốc Nhật có thể được chia thành 2 loại chủ yếu như sau:
- Dùng yếu tố Hán kết hợp lại với nhau để tạo ra các từ mới mang nét nghĩa hiện mà không gây hiểu nhầm về nghĩa: công dân, dân chủ, tuyên truyền, tế bào, chân không,...
- Vay mượn thư tịch cổ Trung Hoa rồi gán cho một ý nghĩa mới, vì vậy cần phân biệt giữa nghĩa cổ xưa và nghĩa hiện đại: văn minh, văn hoá, tinh thần, tưởng tượng, cách mạng,...
Theo GS Trần Đình Sử, “loại từ thứ hai này chỉ là một lối vay mượn từ có sẵn từ xưa để dịch nghĩa một từ mới của các nước, đó là một ước lệ, thiết nghĩ nên hiểu theo nghĩa mới đó trong dòng chảy của từ vựng”.
Có thể thấy, từ Hán-Việt gốc Nhật đánh dấu một bước phát triển mới của từ Hán Việt, tạo nên tiềm lực của đời sống tinh thần và tư duy khoa học hiện đại. Trong bối cảnh mới, song song cùng các từ Hán-Việt gốc Nhật là các từ Hán-Việt có gốc từ những từ Hán mới do người Trung Quốc tạo ra và cả do người Việt sáng tạo cho riêng mình. Nhìn xa hơn, việc xác lập các từ có nguồn gốc Nhật sẽ góp phần để xác lập các từ Hán Việt gốc Việt, do người Việt sáng tạo ra. Đó hứa hẹn sẽ là một đề tài thú vị để chúng ta cùng nhau nghiên cứu!
Tư liệu tham khảo:
Trần Đình Sử, Từ Hán Việt gốc Nhật trong tiếng Việt, 2/2013
3.
Từ ngữ “Hán-Việt Việt tạo”: Tiếp thu song hành cùng sáng tạo
Từ ngữ tiếng Hán đã được các ngôn ngữ đồng văn vay mượn như một tất yếu lịch sử-xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống ngữ âm tiếng Hán thời Vãn Đường dưới sự chi phối của hệ thống ngữ âm tiếng Việt để trở thành cách đọc Hán-Việt chính là một ưu thế khiến cho tiếng Việt tiếp nhận số lượng từ ngữ gốc Hán lớn hơn nhiều so với các yếu tố ngoại lai khác. Nhưng quan trọng nhất, hình trạng của tiếng Việt hiện nay đã cho thấy rõ rằng quá trình giao thoa giữa tiếng Việt với tiếng Hán không đơn giản chỉ là việc không có thì mượn hay mượn thế nào cũng được, mà đó chính là quá trình tiếp thu song hành cùng sáng tạo.
Xét trên dòng chảy chuyển di từ tiếng Hán sang tiếng Việt, ta có thể xếp thành 3 cấp độ của lớp từ ngữ Hán-Việt trong tiếng Việt:
1. Yếu tố Hán-Việt: Đó là các đơn vị ngữ pháp nhỏ nhất, gốc Hán, có kích thước ngữ âm là một âm tiết, được đọc theo cách đọc Hán-Việt và được sử dụng trong tiếng Việt. Ví dụ: thiên, địa, nhân, vô, bất, sơn, thuỷ,... Theo cách gọi của ngôn ngữ học, đây được xem là các “hình vị”, với đặc điểm là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, là đơn vị cơ sở để tạo thành từ nhưng không độc lập về cú pháp (tức khổng thể dùng trực tiếp để giao tiếp mà cần các yếu tố kết hợp khác).
2. Từ ghép Hán-Việt (không kể đến các từ ghép Hán-Việt gốc Nhật): Các từ ghép này bao gồm 2 lớp từ. Một là các từ mượn nguyên khối từ tiếng Hán, ví dụ: thiên hạ, địa phương, vô lý, thuỷ triều. Hai là các từ do người Việt tự tạo bằng cách vay mượn các yếu tố Hán-Việt và/hoặc mẫu cấu tạo tiếng Hán, người Hán không sử dụng những từ này trong ngôn ngữ của họ, ví dụ: đoàn viên, ca sĩ, hoa hậu. Lớp từ thứ 2 ở trên sẽ được bàn sâu hơn ở phần tiếp theo của bài viết này.
3. Thành ngữ Hán-Việt: Cách gọi này ám chỉ những thành ngữ chứa đựng toàn bộ yếu tố cấu tạo là từ Hán-Việt, bao gồm cả các thành ngữ vay mượn nguyên khối từ tiếng Hán hoặc dị bản của chúng trong tiếng Việt và các thành ngữ do người Việt tự tạo trên cơ sở Hán-Việt. Đối tượng này cũng sẽ được nói thêm vào phần tiếp sau của bài viết.
Bàn sâu hơn về các từ ghép Hán-Việt, điều đáng nói là bên cạnh các từ được vay mượn nguyên khối, người Việt cũng đã sáng tạo hoặc cải biến cho mình một lớp từ riêng, có thể được gọi là các từ “Hán-Việt Việt tạo”. Lớp từ ghép này có thể được phân tách ra thành 2 phân nhóm dựa trên mô hình cấu tạo từ, một nhóm dựa trên mẫu cấu tạo từ của tiếng Hán, nhóm còn lại dựa trên mô hình cấu tạo từ tiếng Việt. Đặc điểm chung của 2 nhóm này đều là sử dụng hoàn toàn các yếu tố Hán nhưng theo cách kết hợp riêng hoặc trật tự riêng của người Việt mà không xuất hiện trong từ vựng của người Hán. Với nhóm dựa trên mẫu cấu tạo từ tiếng Hán, khi nhận ra khả năng phái sinh từ vựng của các mô hình tồn tại trong cách nói của người Hán, người Việt đã tiếp thu rồi sau đó thay đổi các yếu tố, ghép với yếu tố chưa từng có tiền lệ kết hợp để tạo ra khái niệm mới. Ví dụ, dựa trên mô hình “x + sĩ” để chỉ người chuyên làm công việc nào đó như “y sĩ”, “nhạc sĩ” mà người Việt sáng tạo ra từ “ca sĩ”, “nha sĩ”. Với nhóm dựa trên mô hình cấu tạo từ tiếng Việt, đặc điểm chính của các từ này đó là chúng đi theo trật tự sắp xếp các yếu tố trong từ ghép của tiếng Việt. Ví dụ như các từ “sử tiền”, “chiến tiền” trong tiếng Hán, người Việt đã thay đổi trật tự thành “tiền sử”, “tiền chiến”, hay các từ do người Việt tự tạo ra như “tiền trạm”, “truyền hình”, “phát thanh”, “trường học”.
Ấy là còn chưa xét đến các trường hợp từ ghép Hán-Việt đẳng lập và từ láy Hán-Việt. Ở đây sẽ không xét đến các từ ghép đẳng lập dùng để chỉ tập hợp như “quần áo”, “hoa quả” vì có thể hiểu chúng theo kiểu “quần và áo”, “hoa và quả”. Chúng ta sẽ xét các từ ghép và từ láy mà trong đó các yếu tố của chúng đi liền cạnh nhau. Một phương thức thường gặp đối với các từ này là hiện tượng đổi trật tự sắp xếp so với nguyên bản chữ Hán như “nhiệt náo > náo nhiệt”, “thích phóng > phóng thích”, “cáo tố > tố cáo”, “linh lung > lung linh”. Một phương thức phổ biến hơn là người Việt tự tạo ra các kết hợp, như “suy nghĩ”, “hãm hiếp”.
Ta có thể chia thành 3 trường hợp từ ghép Hán-Việt Việt tạo như sau:
1. Từ ghép Hán-Việt Việt tạo bộ phận: đạo điện > dẫn điện, chu tế > chu cấp, thư báo > sách báo,...
2. Từ ghép Hán-Việt Việt tạo hoàn toàn: kí lục > biên bản, tá liệu > gia vị, biên tả > soạn thảo,...
3. Từ ghép Hán-Việt Việt tạo theo phương thức nói tắt: ngữ ngôn tài liệu > ngữ liệu, cao cấp ủy viên > cao ủy,…
Đặc biệt, khả năng phái sinh từ và khả năng kết hợp của các yếu tố Hán-Việt được người Việt tận dụng để tạo ra các từ được cấu tạo bằng yếu tố Hán-Việt (được đọc theo cách đọc Hán-Việt) tổ hợp với yếu tố phi Hán-Việt (bao gồm các từ thuần Việt, các từ mượn trực tiếp thông qua các ngôn ngữ khác Hán, các từ Việt gốc Hán được đọc theo âm cổ hoặc âm Việt hoá) theo mô hình cấu tạo từ tiếng Hán (cát tặc, ô-xi hoá, vôi hoá,...) hoặc theo mô hình cấu tạo từ tiếng Việt (trường đua, điểm đến,...).
Một cách sáng tạo từ Hán-Việt khác của người Việt đó chính là sáng tạo trên phương diện ngữ nghĩa. Người Việt gán cho những từ Hán-Việt những tầng nghĩa mới mà trong nhiều trường hợp các từ ấy được người Việt hiểu theo nghĩa gán ấy chứ không theo nghĩa vốn có. Ví dụ, “đô hộ” vốn là tên một chức quan xưa của người Hán, sau được người Việt gán thêm nghĩa “cai trị” mà chỉ có người Việt mới hiểu theo nghĩa này, hay “trường” vốn để chỉ một nơi đông người tụ tập thì người Việt hiểu theo nghĩa “nơi dạy học”.
Bàn nhanh về thành ngữ Hán-Việt, chúng đã có những điểm giữ nguyên và thay đổi như sau. Có thành ngữ giữ nguyên nghĩa (ác giả ác báo) hay được dịch hẳn sang tiếng Việt (khuynh quốc khuynh thành > nghiêng nước nghiêng thành). Có thành ngữ phát triển thêm nghĩa mới (cao lưu sơn thủy – tiếng Hán là “tri âm tri kỉ hoặc khúc nhạc hay”, tiếng Việt thêm nghĩa “núi sông, nơi thiên nhiên thanh tĩnh”). Có thành ngữ thay đổi (tác oai tác phúc > tác oai tác quái) và đặc biệt là có thành ngữ do người Việt tạo ra trên cơ sở tiếng Hán (hào hoa phong nhã, yểu điệu thanh tân).
Từ tất cả những phân tích bên trên, tất nhiên vẫn còn rất nhiều trường hợp mà ta chưa có thời gian bàn đến ở bài viết này, HVTD tin rằng chúng ta đã có thể nhìn thấy được việc vay mượn tiếng Hán vào tiếng Việt là một quá trình tiếp thu nhưng không tách rời sáng tạo. Điều đó không chỉ thể hiện tính linh hoạt của các ngôn ngữ, tính sáng tạo và chọn lọc của những người xây dựng tiếng Việt suốt hàng ngàn năm qua mà hơn hết còn là những nét riêng của tiếng Việt: hoà nhập nhưng không hoà tan!
Tư liệu tham khảo:
Phạm Hùng Việt, Lê Xuân Thại, Lý Toàn Thắng, Trịnh Thị Hà, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Thị Tân, Nguyễn Thị Huyền, Dương Thị Thu Trà (2018). Từ ngữ Hán Việt: Tiếp nhận và sáng tạo, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

18/12/22

Khốc Mạnh Hạo Nhiên

 哭孟浩然 

故人不可見      Cố nhân bất khả kiến,

漢水日東流      Hán thủy nhật đông lưu.

借問襄陽老      Tá vấn Tương Dương lão,

江山空蔡州      Giang sơn không Sái Châu.

王維                          Vương Duy

Giản thể. 故人不可见,汉水日东流。借问襄阳老,江山空蔡州

Nghĩa. Khóc Mạnh Hạo Nhiên

Bạn cũ không thể gặp được nữa, sông Hán ngày ngày vẫn xuôi về đông.
Xin hỏi ông bạn già Tương Dương,
núi sông Sái Châu giờ đây sao thấy trống vắng?

Tạm dịch

Bạn hiền không thể gặp,

Sông mãi miết xuôi đông.

Xin hỏi người quê cũ,

Sao giờ như trống không?

Chú

孟浩然 Mạnh Hạo Nhiên: nhà thơ thời Thịnh Đường, người Tương Dương, Sái Châu (nay thuộc Hồ Bắc), bạn của Vương Duy, hai người được người đời liệt ngang danh, gọi là Vương Mạnh.

故人 cố nhân: bạn cũ, chỉ Mạnh Hạo Nhiên.

漢水 Hán thủy: Sông Hán, là nhánh sông dài nhất của sông Dương tử, nằm ở trung bộ nước Tàu.

借問 tá vấn: xin hỏi.

襄阳老 Tương Dương lão: ông lão người Tương Dương, chỉ mạnh Hạo Nhiên.

江山 giang sơn: sông núi.

không: trống rỗng.

蔡州 Thái Châu, ta quen đọc Sái Châu, quê Mạnh Hạo Nhiên.

17/12/22

Lưu biệt Vương Duy

留別王維  

歸山深淺去      Quy sơn thâm thiển khứ,

須盡丘壑美      Tu tận khâu hác mĩ.

莫學武陵人      Mạc học Vũ Lăng nhân,

暫遊桃源裏      Tạm du Đào Nguyên lí.

裴迪                          Bùi Địch.

Giản thể. 归山深浅去,须尽丘壑美。莫学武陵人,暂游桃源里

Nghĩa. Chia tay Vương Duy.

Lui về dống nơi núi sâu hay ở ngoài bìa rừng, thì cũng hay tận hưởng vẻ đẹp của đồi ao.
Đừng học ông đánh cá ở Vũ Lăng, bỗng nhiên đi vào chốn Đào Nguyên (rồi lạc lối về!).

Tạm dịch.

Về núi cao hay thấp,

Hãy vui hưởng cảnh trời.

Đừng theo ông đánh cá,

Tìm chốn Đào Nguyên chơi.

Chú.

丘壑 khâu hác: gò và hố. hác: hang, hố, ngòi ao.

武陵人 Vũ Lăng nhân: người ở Vũ Lăng. Chỉ người thuyền chài ở Vũ Lăng tình cờ đi lạc đến động Đào Nguyên được Đào Tiềm kể trong Đào hoa nguyên kí. Vũ Lăng,  nay ở huyện Thường Đức, tỉnh Hồ Nam.

tạm (phó từ): trong một khoảng thời gian ngắn; hãy; vừa mới; bỗng, thốt nhiên.

裴迪 Bùi Địch (716 - ?) người đất Quan Trung (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây), trước ở núi Chung Nam, là bạn thân với Vương Duy, từng nhiều lần thăm thú trang trại Võng Xuyên của Vương Duy, cùng nhau làm thơ vịnh cảnh đẹp ở đó, gom lại được Võng Xuyên tập.

Bài này có bản ghi nhan đề là 送崔九 Tống Thôi Cửu: Đưa tiễn Thôi Cửu.

13/12/22

Hoa tử cương. Bùi Địch

華子崗 

日落松風起      Nhật lạc tùng phong khởi,

還家草露晞      Hoàn gia thảo lộ hi.

雲光侵履跡      Vân quang xâm lí tích,

山翠拂人衣      Sơn thúy phất nhân y.

裴迪                          Bùi Địch

Giản thể. 华子岗日落松风起,还家草露晞。 云光侵履迹,山翠拂人衣

Nghĩa. Sườn núi Hoa Tử

Mặt trời lặn gió trong rừng thông nổi lên,
về nhà sương trên ngọn cỏ đã khô ráo.
Mây sáng soi dấu giày,
núi xanh biếc nhuộm màu chiếc áo của nhà thơ.

Tạm dịch

Rừng thông chiều trở gió,

Về cỏ ráo sương trời.

Mây sáng soi chân bước,

Núi xanh nhuốm áo người.

Chú

華子崗 cũng viết 華子岡 Hoa Tử cương: sườn núi Hoa Tử, một thắng cảnh ở Võng Xuyên, nơi Vương Duy ẩn cư.

日落 nhật lạc: mặt trời lặn. Bản khác: 落日 lạc nhật.

松風 tùng phong: gió trong rừng thông.

hi: khô ráo, tiêu tan.

雲光 vân quang: ánh sáng từ đám mây, ráng chiều.

xâm: lấn chiếm.

履跡 lí tích: dấu giày, dấu chân người. lí: giày.

phất: phẩy qua, giũ.

山翠 sơn thúynúi màu xanh biếc.

裴迪 Bùi Địch, nhà thơ thời Thịnh Đường, là bạn chí cốt của Vương Duy. 

Vương Duy sau khi từ quan, về Võng Xuyên (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây) lập một khu trang trại, gọi là Võng Xuyên biệt nghiệp, dưới núi Chung Nam vui thú điền viên. Khu trang trại có nhiều cảnh đẹp, Hoa Tử cương là một trong số đó. Vương Duy cùng người bạn thân là Bùi Địch đến thăm cùng nhau dạo chơi, làm thơ vịnh cảnh, mỗi người có 20 bài, gom chung lại thành Võng Xuyên tập.

12/12/22

Hoa Tử cương. Vương Duy

華子岡 

飛鳥去不窮    Phi điểu khứ bất cùng,

連山復秋色    Liên sơn phục thu sắc.

上下華子岡    Thướng há Hoa Tử cương,

惆悵情何極    Trù trướng tình hà cực.

王維                         Vương Duy

Giản thể. 飞鸟去不穷,连山复秋色。 上下华子冈,惆怅情何极

Nghĩa.

Chim bay đi không ngừng, núi trập trùng nhuốm màu sắc mùa thu.
Lên xuống núi Hoa Tử, lòng buồn bã không biết đâu là bờ bến.

Tạm dịch

Chim bay đi chẳng dứt,

Núi trập trùng màu thu.

Lên xuống ngọn Hoa Tử,

Lòng buồn không bến bờ.

Chú

華子岡 Hoa Tử cương: núi Hoa Tử, một thắng cảnh ở Võng Xuyên, nơi Vương Duy ở ẩn sau khi từ quan. cương: đỉnh núi, sườn núi.

連山 liên sơn: núi liền nhau thành dãy, núi trập trùng.

惆悵 trù trướng như 悵惘 trướng võng: thất ý sinh buồn bã.

cực: tột cùng. Nghĩa gốc là cột trụ nhà.

Vương Duy sau khi từ quan, mua một khu trang trại, gọi là Võng Xuyên biệt nghiệp, dưới núi Chung Nam ở ẩn. Khu trang trại có 20 cảnh đẹp, Hoa Tử cương là một trong số đó. Vương Duy cùng người bạn thân là Bùi Địch cùng nhau dạo chơi, mỗi cảnh đều có thơ, gom chung lại thành Võng Xuyên tập, gồm 40 bài. 

10/12/22

Họa. Vương Duy

 

遠看山有色      Viễn khán sơn hữu sắc,

近聽水無聲      Cận thính thủy vô thanh.

春去花還在      Xuân khứ hoa hoàn tại,

人來鳥不驚      Nhân lai điểu bất kinh.

王維              Vương Duy.

Giản thể. 远看山有色,近听水无声。 春去花还在,人来鸟不惊

Nghĩa. Bức tranh

Nhìn từ xa thấy núi có màu sắc, đến gần không nghe tiếng nước sông chảy.
Xuân đã qua rồi hoa vẫn còn đó, người đến gần chim chẳng hoảng sợ.

Tạm dịch.

Xa nhìn núi có màu,

Gần thấy sông không chảy.

Xuân hết hoa còn thắm,

Người gần chim chẳng bay.

Chú

sắc: màu.

春去 xuân khứ: xuân qua đi.

kinh: sợ.

Bài thơ này được cho là do Vương Duy sáng tác, nhưng trong "Toàn Đường thi" không thấy chép. Nhiều nhà nghiên cứu cho đây là sáng tác của một nhà thơ thởi Tống.

Sen. Tranh Nam Anh



7/12/22

Sớ lượng từ mượn trong tiếng Việt

Các nghiên cứu thống kê về số lượng từ mượn trong tiếng Việt




Những nhận định về nguồn gốc tiếng Việt, cho rằng tiếng Việt là một nhánh con của tiếng Trung Quốc, hoặc cho rằng Việt là một ngôn ngữ chịu ảnh hưởng nặng nề của tiếng Trung Quốc, có cơ sở chủ yếu dựa trên những ảnh hưởng về mặt từ vựng.
Một bộ phận các nhà nghiên cứu quốc tế và Việt Nam đã thực hiện phỏng đoán (mà không qua thống kê chi tiết) về số lượng từ mượn trong tiếng Việt, như Henri Maspéro cho rằng tiếng Việt có khoảng 60% là từ mượn tiếng Trung (Maspero, 1912), nhà nghiên cứu ngôn ngữ Cao Xuân Hạo cho rằng tiếng Việt có 70% từ vựng gốc Hán (Hạo, 2003), các nhà nghiên cứu Lê Xuân Thoại và Huỳnh Thanh Xuân cho rằng từ vay mượn Trung Quốc chiếm 60-70% từ vựng tiếng Việt (Toàn & Chào, 2019).
Các con số về lượng từ mượn tiếng Trung Quốc trong tiếng Việt của các tác giả trên đều chỉ dựa trên phỏng đoán chủ quan cá nhân, không qua thống kê chi tiết số từ vựng vay mượn với mẫu đủ lớn. Có hai phạm vi thống kê có thể thực hiện để biết được chính xác số lượng từ mượn tổng thể của tiếng Việt, đó là toàn bộ từ vựng trong tiếng Việt ngày nay, hoặc khối từ vựng cốt lõi (từ vựng thường dùng). Các thống kê trên hai mẫu này đều cho thấy kết quả: từ mượn tiếng Trung hay từ Hán-Việt chỉ chiếm khoảng 30% tổng vốn từ vựng tiếng Việt.
2.1. Thống kê trên các từ vựng cốt lõi:
Các từ vựng cốt lõi của một ngôn ngữ là những từ vựng được sử dụng thường xuyên nhất trong ngôn ngữ đó. Những thống kê dựa trên khối từ vựng cốt lõi được thực hiện bởi Viện Max Planck đã cho thấy kết quả lượng từ mượn tổng thể trong số 1477 từ tiếng Việt thường dùng là khoảng 28,1%, trong đó chỉ 25,3% là từ vay mượn tiếng Trung Quốc.
Công trình của Viện Max Planck (2009), tìm hiểu về từ gốc, từ mượn trong 1000-2000 từ vựng cốt lõi của 41 ngôn ngữ trên thế giới, trong đó có tiếng Việt, đã cho thấy: trong 1477 từ tiếng Việt thường dùng chỉ có 28,1% là từ vay mượn trong đó 25,3% từ vay mượn Trung Quốc, 1,2% từ vay mượn Pháp, 0,5% từ vay mượn Proto-Tai, 0,3% từ vay mượn tiếng Anh, 0,3% từ mượn Ấn-Âu, 0,2% từ mượn tiếng Quảng Đông, 0,2% từ mượn tiếng Chăm (M. J. Alves, 2009).
Để tiện so sánh, công trình của Viện Max Planck cũng nghiên cứu trên tiếng Nhật, một ngôn ngữ cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Trung Quốc, đã cho thấy tổng lượng từ mượn trong khối từ vựng cốt lõi của tiếng Nhật là 34,9%, trong đó mượn từ tiếng Trung là 27,9% (Haspelmath & Tadmor, 2009).
Tỉ lệ vay mượn tiếng Trung Quốc trong khối từ vựng cốt lõi của tiếng Việt không nhiều hơn so với tiếng Nhật, lượng từ vay mượn tổng thể trong tiếng Nhật cũng nhiều hơn tiếng Việt một cách đáng kể. Kết quả này đã cho thấy trong khối từ vựng cốt lõi, lượng từ vay mượn tiếng Trung của tiếng Việt không phải quá lớn, trong tổng thể số từ cốt lõi cũng như so sánh với ngôn ngữ cũng chịu ảnh hưởng của tiếng Trung Quốc.
2.2. Thống kê trên toàn bộ từ vựng và trên các bộ từ điển:
Đã có khá nhiều những công trình nghiên cứu thống kê tổng số lượng từ Hán-Việt trong toàn bộ từ vựng tiếng Việt, các công trình được thực hiện dựa trên các bộ từ điển lớn nhất về từ vựng tiếng Việt. Các kết quả thống kê cho thấy những con số khá thống nhất, chỉ chiếm khoảng hơn 30%, thấp hơn nhiều so với những giả thuyết của các học giả trước đây về lượng từ mượn gốc Hán trong tiếng Việt.
Công trình “Từ ngữ Hán Việt: Tiếp nhận và sáng tạo” (Việt et al., 2018) khảo sát về lượng từ mượn trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê và một nhóm cộng sự biên soạn, tiếp thu toàn bộ thành quả của cuốn Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, Hoàng Phê chủ biên đã đưa ra kết quả như sau: Tổng số từ ngữ Hán Việt trong từ điển là: 14933 đơn vị, trong đó có 1184 từ đơn tiết. Trong tổng số mục từ của cuốn từ điển này là 45.850 đơn vị thì lượng từ ngữ Hán Việt trong cuốn từ điển này chiếm 32,57%.
Luận án Tiến sỹ (bảo vệ cấp Cơ sở tại Khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 28 tháng 5 năm 2007) của Kỳ Quảng Mưu (NCS Trung Quốc) nghiên cứu dựa vào cuốn Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (tái bản năm 2006) (Mưu, 2007), tác giả này cho biết trong số 32.924 mục từ của Từ điển thì có 12.910 mục là từ Hán – Việt, chiếm tỷ lệ khoảng 39,2%. Trong số 12.910 mục từ Hán – Việt có 1.258 mục là từ đơn, chiếm tỷ lệ 9,7% và có 11.652 mục là từ phức, chiếm tỷ lệ là 90,3%. Trong số mục từ phức Hán – Việt, số lượng vay mượn nguyên khối là 9.093 từ, chiếm tỷ lệ khoảng 78%, còn số lượng do người Việt tự tạo có 2.564 mục từ, chiếm tỷ lệ 22%.
Hai thống kê của (Việt et al., 2018) và (Mưu, 2007) cho thấy hai kết quả chênh lệch nhau khoảng 7%, có lẽ do sự khác biệt trong số lượng từ được thống kê, nghiên cứu của Kỳ Quảng Mưu dựa trên bộ từ điển cũ do Hoàng Phê biên soạn, chỉ có 32.924 mục từ, nghiên cứu của nhóm Việt et al. 2018 thống kê dựa trên bộ từ điển mới cũng của nhóm Hoàng Phê biên soạn, nhưng đã được cập nhật, tổng số mục từ trong từ điển mới này là 45.850 mục từ, nhiều hơn 12.926 mục từ so với bộ từ điển cũ. Việt et al. 2018 nghiên cứu trong khối lượng từ vựng lớn hơn nhiều so với thống kê của Kỳ Quảng Mưu, cho thấy những kết quả toàn diện và cập nhật hơn.
Luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh người Trung Quốc, La Văn Thanh: “Nghiên cứu đặc điểm các tổ hợp song tiết Hán Việt” (Có đối chiếu với tiếng Hán), tác giả đưa ra con số 10.900 tổ hợp song tiết Hán – Việt thống kê trong Từ điển tiếng Việt do Viện ngôn ngữ học biên soạn, Hoàng Phê chủ biên (Thanh, 2010). Nếu tính trên tổng số lượng từ ngữ của cuốn Từ điển tiếng Việt này là 39.924 thì lượng tổ hợp song tiết Hán Việt chiếm 27,3% . Tính cả từ đơn tiết và đa tiết Hán Việt thì lượng từ ngữ Hán Việt trong cuốn từ điển này chiếm khoảng 31,5%.
Theo thống kê Bộ từ điển đối chiếu Việt – ngoại ngữ là Đại từ điển Việt – Nga mới (Viện Ngôn ngữ học – Viện Khoa học Nga & Viện Từ điển học và Từ điển bách khoa – Viện Khoa học xã hội Việt Nam, 2012), tổng số từ Hán Việt được chú chữ Hán là 20.067 đơn vị (không chú cho từ đơn âm) trong tổng số khoảng 80.000 đơn vị mục từ. Nếu tính cả từ đơn âm thì lượng từ Hán Việt trong bộ từ điển này chiếm khoảng 26,6% của toàn bộ mục từ trong từ điển.
Các thống kê chi tiết dựa trên toàn bộ từ vựng hoặc dựa trên các bộ từ điển đều chỉ cho thấy con số vay tiếng Trung Quốc của tiếng Việt trung bình khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với phỏng đoán của Maspero và các nhà nghiên cứu khác.
2.3. Lượng từ mượn trên từng lĩnh vực:
Thống kê chi tiết lượng từ mượn Hán-Việt trong từng lĩnh vực, đã cho thấy những con số không thống nhất với nhau, số lượng từ vay mượn cao thấp tùy thuộc vào từng lĩnh vực.
– Luận án tiến sĩ “Từ ngữ mới tiếng Việt (trên tư liệu giai đoạn từ năm 1986 đến nay)” của Bùi Thị Thanh Lương bảo vệ năm 2006 (Lương, 2006), đã cho thấy lớp từ ngữ mới có nguồn gốc ngoại lai chiếm số lượng khá lớn, trong đó từ vay mượn gốc Hán chiếm ưu thế với 46,09%. Khảo sát cụ thể sự hoạt động của từ ngữ mới trong một số tác phẩm văn học được lựa chọn từ sáng tác của các tác giả: Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, luận án đã cho thấy trong các tác phẩm văn học, các từ ngữ mới chủ yếu là các từ thuần Việt, chiếm tỉ lệ 75% so với 14,8% từ Hán Việt.
Trong luận án tiến sĩ “Thuật ngữ khoa học kỹ thuật xây dựng trong tiếng Việt” của Vũ Thị Thu Huyền, bảo vệ năm 2013 (Huyền, 2013), về nguồn gốc, luận án cho thấy đơn vị cấu tạo thuật ngữ xây dựng tiếng Việt có sự tham gia của cả ba loại ngữ tố: thuần Việt, Hán Việt và Ấn Âu, trong đó các thuật ngữ được cấu tạo từ các ngữ tố thuần Việt chiếm tỉ lệ lớn: 72,24%, các thuật ngữ do sự ghép lai các ngữ tố thuần Việt và Hán Việt có tỉ lệ nhỏ hơn rất nhiều: 20,24%.
– Trong luận án tiến sĩ “Nghiên cứu thuật ngữ báo chí tiếng Việt” của Quách Thị Gấm – 2014 (Gấm, 2014), tác giả cho thấy về nguồn gốc, đơn vị cấu tạo thuật ngữ báo chí tiếng Việt có sự tham gia của cả ba loại yếu tố: thuần Việt, Hán Việt và Ấn Âu, trong đó các loại có cấu tạo từ các yếu tố Hán Việt chiếm tỉ lệ lớn hơn cả (67,7%, so với thuần Việt là 25,3%, Ấn Âu là 7%).
– Luận án tiến sĩ “Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại” của Lê Thị Thùy Vinh – 2014 (Vinh, 2014) đã cho thấy, xét về nguồn gốc, có đến 745/1011 đơn vị từ ngữ kinh tế (chiếm tỉ lệ 73,6%) có nguồn gốc Hán Việt, 94/1011 đơn vị (chiếm tỉ lệ 9,3%) có nguồn gốc Âu Mỹ; chỉ có 172/1011 đơn vị từ ngữ kinh tế (chiếm tỉ lệ 17%) là từ thuần Việt.
– Luận văn thạc sĩ: “Từ Hán Việt trong các văn bản chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh” của học viên cao học Vũ Đình Tuấn (2013) (Tuấn, 2013) đã đi vào khảo sát đặc điểm từ Hán – Việt trong văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát cho thấy tổng số từ Hán Việt được sử dụng là 3534 từ trên tổng số 12250 từ trong toàn bộ 25 tác phẩm được khảo sát, chiếm tỉ lệ 28,9%. Tác giả cũng cho thấy loại văn bản là tuyên ngôn, lời kêu gọi, lời hiệu triệu có số lượng từ Hán Việt được sử dụng nhiều nhất.
– Luận án tiến sĩ: “Đặc điểm vốn từ trong các tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ” của Đặng Mỹ Hạnh (Hạnh, 2014) cho thấy, trong tác phẩm báo chí của nhà báo Hữu Thọ, theo nguồn gốc, lớp từ Hán Việt chiếm tỉ lệ lớn nhất (51,3%); từ thuần Việt chiếm 43,9%, chủ yếu dùng trong nhóm từ chỉ nghề nông thuộc hai thể loại điều tra và ghi chép của nhà báo; từ Ấn – Âu chiếm 2,9%, phân bố khá đồng đều ở các tác phẩm.
Lượng từ mượn trong các lĩnh vực khác nhau cho thấy những con số khác nhau, có lĩnh vực như Khoa học xây dựng, từ thuần Việt chiếm ưu thế, nhưng ở lĩnh vực khác như báo chí, từ Hán-Việt lại chiếm ưu thế. Tổng số từ Hán-Việt được sử dụng trong các văn bản cũng phụ thuộc vào lĩnh vực và nội dung văn bản đó hướng tới, cũng như ý thức sử dụng ngôn ngữ của những người thực hiện các văn bản.
2.4. So sánh lượng từ vựng vay mượn cũ và mới trong tiếng Việt:
Nghiên cứu của (Việt et al., 2018) đã tiến hành so sánh một số từ đầu mục trong Từ điển tiếng Việt thời kì đầu thế kỉ XX với bảng từ của Từ điển tiếng Việt xuất bản gần đây, để có thể thấy được sự thay đổi (với nghĩa là có tạo mới và có mất đi) của lớp từ ngữ Hán Việt.
So sánh những từ đầu mục có từ gốc là An (安), có thể thấy:
– Trong Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của có 21 mục từ:
an bài, an bần, an bang, an biên, an dật, an hảo, an nhàn, an nhân, an ổn, an phận, an tâm, an táng, an tĩnh, an thân, an thường, an tọa, an toàn, an trí, an ủy, an vị.
– Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) có 29 mục từ, gồm:
an bài, an bần lạc đạo, an cư, an cư lạc nghiệp, an dân, an dưỡng, an dưỡng đường, an hưởng, an khang, an lạc, an nguy, an nhàn, an nhiên, an ninh, an phận, an phận thủ thường, an sinh, an táng, an tâm, an thai, an thân, an thần, an tọa, an toàn, an toàn khu, an trí, an ủi, an ủy, an vị,
Trong số các mục từ dẫn ra ở hai từ điển nêu trên, chỉ có 11 mục từ chung cho cả 2 từ điển là: an bài, an nhàn, an phận, an tâm, an táng, an thân, an tọa, an toàn, an trí, an ủy, an vị. Có 9 mục từ có ở Đại Nam Quấc âm tự vị nhưng không có ở Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) là: an bần, an bang, an biên, an dật, an hảo, an nhân, an ổn, an tĩnh, an thường. Có 18 mục từ có trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) nhưng không có trong Đại Nam Quấc âm tự vị là an bần lạc đạo, an cư, an cư lạc nghiệp, an dân, an dưỡng, an dưỡng đường, an hưởng, an khang, an lạc, an nguy, an nhiên, an ninh, an phận thủ thường, an sinh, an thai, an thần, an toàn khu, an ủi.
So sánh thêm những từ đầu mục có từ gốc là bát (八), có thể thấy tình hình như sau:
– Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí-Tiến Đức có 13 mục từ, gồm:
bát âm, bát bửu, bát dật (bát tuần), bát dật (lối múa), bát giác, bát giác lầu, bát phẩm, bát quái, bát sách, bát sát, bát tiên, bát tuần, bát trận.
– Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) cũng có 13 mục từ, gồm:
bát âm, bát cổ, bát cú, bát diện, bát giác, bát phẩm, bát quái, bát sách, bát tiên, bát tiết, bát trân, bát tuần, bát vị.
Tuy nhiên, trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex), không có 7 từ mà Việt Nam tự điển đã thu thập: bát bửu, bát dật (2 từ), bát giác lầu, bát sát, bát tuần, bát trận; ngược lại, trong Việt Nam tự điển không có 6 từ mà Từ điển tiếng Việt có là: bát cổ, bát cú, bát diện, bát tiết, bát trân, bát vị.
Khảo sát một số trường hợp khác như các mục từ có từ gốc là bất (不), đồng (同), hồi (回, hội (會)… cũng thu được kết quả tương tự.
Từ các kết quả khảo sát nêu trên, có thể kết luận: có một số lượng lớn các từ Hán Việt đã trở thành các từ cũ, không còn được sử dụng trong tiếng Việt hiện thời. Bên cạnh đó, cũng lại có một số lượng không hề nhỏ các từ Hán Việt mới được tạo thành. Tình hình này làm cho lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt luôn duy trì ở một tỉ lệ tương đối ổn định.
2.5. So sánh với các ngôn ngữ Đông Á khác:
Trong vùng văn hóa Đông Á, không chỉ riêng tiếng Việt mà các ngôn ngữ của các quốc gia cũng chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, đó là tiếng Hàn Quốc, tiếng Nhật Bản, cũng tồn tại một lượng rất lớn các từ vựng có gốc Trung Quốc. Lượng từ gốc Trung Quốc trong hai ngôn ngữ này dựa trên những thống kê từ điển chiếm một tỉ lệ rất cao so với tiếng Việt.
Tiếng Hàn Quốc theo thống kê trong “Từ điển toàn diện về tiếng Hàn” (The Comprehensive Dictionary of Korean) đã cho thấy số từ Hán-Hàn (Sino-Korean) chiếm khoảng 52.1% trong tổng số 164,125 mục, từ thuần Hàn chiếm khoảng 45.5% và các từ mượn khác chiếm 1.4% (Allan, 2013, p. 223).
Tiếng Nhật Bản theo thống kê năm 1988 trong cuốn “Quốc ngữ Bách khoa Đại từ điển” (日本語百科大事典) (Haruhiko Kindaichi (金田一 春彦) et al., 1988), thống kê trên ba bộ từ điển “Ngôn hải” (言海) (1889), “Lệ giải Quốc ngữ Từ điển” (例解国語辞典) (1956) và “Từ điển Quốc ngữ Kadokawa” (例解国語辞典) (1969), cho thấy những kết quả vay mượn tiếng Trung Quốc qua từng bộ từ điển như sau:
– “Ngôn hải” có tổng cộng 39.103 mục từ, trong đó 55.8% từ gốc Nhật, 34.7% từ gốc Trung Quốc, 1,4% từ vay mượn và 8.1% từ kết hợp.
– “Lệ giải Quốc ngữ Từ điển” có tổng cộng 40.393 mục từ, trong đó có 36.6% từ gốc Nhật, 53.6% từ gốc Trung Quốc, 3.5 từ vay mượn và 6.2% từ kết hợp.
– “Từ điển Quốc ngữ Kadokawa” có tổng cộng 60,218 mục từ, 37.1% từ gốc Nhật, 52.9% từ gốc Trung Quốc, 7.8% từ vay mượn, 2.2% từ kết hợp.
Lượng từ mượn của tiếng Nhật qua các bộ từ điển có xu hướng tăng dần, từ 34.7% năm 1889 lên 53.6% năm 1956. Tới năm 2002, thì tỉ lệ từ mượn gốc Hán trong tiếng Nhật có giảm xuống, nhưng vẫn duy trì xấp xỉ 50% toàn bộ từ vựng.
Theo thống kê của Viện Ngôn Ngữ Quốc Gia Nhật Bản trong từ điển Tân Tuyển Quốc Ngữ Từ Điển (新選国語辞典) (2002) cho thấy tiếng Nhật hiện đại mượn khoảng 49,1% tiếng Hán, 33,8% từ bản địa, 8,8% từ mượn các tiếng khác và 8,4% là từ lai (Scherling, 2009).
Các từ mới trong thời gian gần đây phần lớn là từ mượn gốc Hán hoặc các ngôn ngữ khác, điều này khiến khối lượng từ vựng tiếng Nhật ngày càng nhiều từ vay mượn, trái ngược với tình hình của tiếng Việt, khi lượng từ mới của tiếng Việt chiếm một tỉ lệ khá cao là những từ thuần Việt.
Cụ thể, vào năm 1960, thành phần của các từ mới trong tiếng Nhật như sau: 3,6% từ bản ngữ, 40,2% từ Hán-Nhật (Sino-Japanese), 43% từ mượn, và 13,2% từ lai. Tuy nhiên, sự phân bố các từ mới vào năm 1980 đã được thay đổi thành như sau: 1,9% từ bản ngữ, 28,8% từ Hán-Nhật, 57,6% từ vay và 11,7% từ lai (Pae, 2020, p. 90).
Qua các thống kê này, có thể thấy được trong các ngôn ngữ Hàn Quốc và Nhật Bản, từ vay mượn tiếng Trung Quốc hiện nay chiếm tới hơn 50% tổng số từ vựng của các ngôn ngữ này. Đây là một con số cao hơn nhiều so với tỉ lệ thống kê trung bình 30% từ Hán-Việt của tiếng Việt. Nó cũng cho thấy được tiếng Việt đã bảo tồn ngôn ngữ gốc của dân tộc mình qua giai đoạn đồng hóa của người Trung Quốc trong thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, cùng 1000 năm tiếp theo ảnh hưởng văn hóa tốt như thế nào.
2.6. Kết luận:
Qua khảo sát toàn diện dựa trên toàn bộ từ vựng và các từ vựng cốt lõi, số từ vay mượn của tiếng Trung Quốc trong tiếng Việt nằm trong khoảng 30% trên tổng số từ vựng và từ vựng cốt lõi. Con số này không phải là nhỏ, nhưng cũng không phải là quá cao như những phỏng đoán trước đó.
Những kết quả khảo sát trên các lĩnh vực, cũng cho thấy những kết quả khác nhau, số lượng từ vay mượn cao hay thấp tùy từng lĩnh vực. Trong các văn bản, lượng từ mượn được sử dụng cũng có tỉ lệ khác nhau, tùy thuộc vào lĩnh vực cũng như ý thức của người sử dụng ngôn ngữ trong diễn đạt câu chữ, có những lĩnh vực sẽ yêu cầu sử dụng từ mượn cao hơn.
Lượng từ mượn không còn được sử dụng cũng như lượng từ mượn được tạo mới được đào thải và tạo ra liên tục, với tỉ lệ không chênh lệch nhau nhiều, dẫn tới hiện trạng lượng từ Hán-Việt không dao động quá lớn theo thời gian, thậm chí còn có xu hướng tăng lên.
Các kết quả này đã cho thấy tiếng Việt bên cạnh việc vẫn giữ cốt lõi ngôn ngữ của mình, đã vay mượn và sử dụng các từ mượn một cách linh hoạt, Việt hóa các từ mượn để sử dụng trong cuộc sống của mình, giúp làm giàu có thêm vốn từ vựng tiếng Việt.
Việc vay mượn giữa các ngôn ngữ là điều bình thường và tất yếu, không ngôn ngữ nào tồn tại độc lập mà không vay mượn các yếu tố của các ngôn ngữ khác, nhưng việc làm rõ về khối lượng từ mượn tiếng Việt, bên cạnh những phân tích được làm rõ về những ảnh hưởng của tiếng Trung Quốc đối với tiếng Việt (Alves, 2014), những khảo cứu này đã cho thấy sự ảnh hưởng đó không phải quá lớn như những gì đã được giả định, những ảnh hưởng của tiếng Trung Quốc đối với tiếng Việt thấp hơn nhiều so với các ngôn ngữ Đông Á khác như tiếng Nhật Bản, tiếng Hàn Quốc.
Điều này đã cho thấy được sức sống của tiếng Việt, tiếp nhận những ảnh hưởng của tiếng Trung Quốc để làm giàu thêm ngôn ngữ của mình, nhưng không làm mất đi bản sắc ngôn ngữ, những gì được vay mượn không lấn át đi giá trị cốt lõi của ngôn ngữ dân tộc.
Lang Linh





Tài liệu tham khảo:
Allan, K. (Ed.). (2013). The Oxford handbook of the history of linguistics (1st ed). Oxford University Press.
Alves, M. J. (2009). 24. Loanwords in Vietnamese. In M. Haspelmath & U. Tadmor (Eds.), Loanwords in the World’s Languages (pp. 617–637). Walter de Gruyter. https://doi.org/10.1515/9783110218442.617
Alves, M.J. (2014). What ’ s so Chinese about Vietnamese ?
Gấm, Q. T. (2014). Nghiên cứu thuật ngữ báo chí tiếng Việt [Luận án tiến sĩ]. Học viện Khoa học xã hội.
Hạnh, Đ. M. (2014). Đặc điểm vốn từ trong các tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ [Luận án Tiến sĩ]. Học viện Khoa học xã hội.
Hạo, C. X. (2003). Tiếng Việt—Văn Việt—Người Việt. Nhà Xuất Bản Trẻ.
Haruhiko Kindaichi (金田一 春彦) et al. (1988). Quốc ngữ Bách khoa Đại từ điển『日本語百科大事典』. Taishukan 大修館.
Haspelmath, M., & Tadmor, U. (Eds.). (2009). Loanwords in the World’s Languages: A Comparative Handbook. Walter de Gruyter. https://doi.org/10.1515/9783110218442
Huyền, V. T. T. (2013). Thuật ngữ khoa học kỹ thuật xây dựng trong tiếng Việt [Luận án tiến sĩ]. Học viện Khoa học xã hội.
Lương, B. T. T. (2006). Từ ngữ mới tiếng Việt (trên tư liệu giai đoạn từ năm 1986 đến 2006) [Luận án tiến sĩ]. Viện Ngôn ngữ học.
Maspero, H. (1912). Études sur la phonétique historique de la langue Annamite: Les initiales. Bulletin de l’École Françoise d’ExtrêmeOrient, 12, 1–127.
Mưu, K. Q. (2007). Căn cứ đế người Việt tạo ra từ ghép Hán Việt mới. Tạp Chí Ngôn Ngữ, 7(218), 24–30.
Pae, H. K. (2020). Chinese, Japanese, and Korean Writing Systems: All East-Asian but Different Scripts. In H. K. Pae, Script Effects as the Hidden Drive of the Mind, Cognition, and Culture (Vol. 21, pp. 71–105). Springer International Publishing. https://doi.org/10.1007/978-3-030-55152-0_5
Scherling, J. (2009). Embrassimilating the Other Anglicisms in Japanese – A Cultural Pragmatic Model for Loanword Integration [PhD Dissertation]. Karl-Franzens-Universität.
Thanh, L. V. (2010). Nghiên cứu đặc điểm các tổ hợp song tiết Hán Việt (Có đối chiếu với tiếng Hán) [Luận án Tiến sĩ]. Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Toàn, Đ. M., & Chào, L. H. (2019). Phương pháp học từ vựng tiếng Hán hiện đại dựa vào mối liên hệ về ngữ âm, ngữ nghĩa với từ Hán Việt. Tạp Chí Khoa Học – Đại Học Đồng Nai, 13.
Tuấn, V. Đ. (2013). Từ Hán Việt trong các văn bản chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh [Luận văn thạc sĩ]. Trường Đại học Thái Nguyên.
Viện Ngôn ngữ học – Viện Khoa học Nga & Viện Từ điển học và Từ điển bách khoa – Viện Khoa học xã hội Việt Nam. (2012). Từ điển Việt-Nga khổ lớn mới Новый большой вьетнамско-русский словарь. Nhà xuất bản Văn học Vostochnaya Издательская фирма “Восточная Литература.”
Việt, P. H., Anh, N. H., Hà, T. T., Huyền, N. T., Tân, N. T., Thại, L. X., Thắng, L. T., & Trà, D. T. T. (2018). Từ ngữ Hán Việt: Tiếp nhận và sáng tạo. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội.
Vinh, L. T. T. (2014). Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại [Luận án tiến sĩ]. Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

fb Truong Nguyen
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02UJHBpfykCysWmmNS1dBk1VMYwwgggGBNTFpzofvLY8Dfh2spCg9vuZtUy3ZDX2g4l&id=100004962253861