14/3/25

Kị húy

“KỴ HÚY” - CÓ PHẢI PHẦN LỚN DO ĐỌC CHỆCH HAY LÀ ĐỌC ÂM KHÁC VỐN ĐÃ CÓ SẴN?
"Kỵ húy" là chuyện có thật trong lịch sử. Nhưng để giải thích "kỵ húy" mà đem một âm A mà nói rằng nó phải đọc chệch, đọc trại, nói giại sang âm B, thì đó lại là chuyện khác, không hề thuộc về chuyên môn của các nhà nghiên cứu lịch sử. Tuyệt đại bộ phận các chuyên gia lịch sử do thiếu hiểu biết về ngôn ngữ học, cho nên cách nhanh nhất, tiện nhất, ít tốn nơ-ron thần kinh nhất chính là "đổ bừa" cho "đọc chệch", “đọc trại”….
Trên thực tế, có rất nhiều từ có nguồn gốc từ tiếng Hán, mà phần lớn những từ "kỵ húy" không được phép sử dụng ở đây đều là âm Hán Việt; nhưng do quá trình phát triển hơn 2000 năm, các chữ Hán được du nhập vào tiếng Việt qua nhiều thời kỳ các khau và để lại nhiều âm đọc ở các tầng thời gian khác nhau. Cho nên, có nhiều chữ Hán có nhiều cách đọc Hán Việt cổ có trước âm Hán Việt, và sau đó nó tiếp tục được tồn tại song song với âm Hán Việt, trong tuyệt đại đa số các trường hợp là có ngữ nghĩa tương đương, chỉ là khác âm đọc. Do đó, khi yêu cầu "kỵ húy" được triều đình đặt ra, thì người ta chỉ việc tìm đến từ có ngữ nghĩa tương đương để đọc thay thế, mà tuyệt đại bộ phận chính là âm Hán Việt cổ của chính chữ Hán đó, rất ít trường hợp phải đọc chệch như Tông đọc thành Tôn. Nếu đứng ở quan điểm đọc chệch do "kỵ húy", thì có nghĩa là họ cho rằng âm đọc mới là âm sinh sau âm Hán Việt cần phải kỵ đọc, mà không cần có bất cứ sự nghiên cứu ngôn ngữ nào.
Theo danh sách của bài viết “Từ “kỵ húy” của người Nam bộ” dưới đây (xem link dưới), thì tuyệt đại bộ phận những âm bị coi là đọc chệch do kỵ húy đều là âm cổ đã xuất hiện trước âm Hán Việt cần kiêng đọc, và sau đó thì chúng tồn tại song song, do đồng nghĩa mà khi cần kỵ húy thì sẽ chuyển sang đọc/nói âm cổ hơn. Chỉ có một số ít trong đó là do đọc chệch thật mà thôi, cụ thể giải thích như sau:
1. 領 Lĩnh/Lãnh: Tuyệt đại đa số các trường hợp vần -anh/-inh đều thuộc về lớp từ Hán Việt, tức là có thể xảy ra một chữ Hán có 2 âm đọc song song xuất hiện cùng thời kỳ hoặc sát nhau, cách nhau không xa và đều thuộc lớp từ Hán Việt. Đôi khi có lẫn cả vần -ênh trong đó. Ví dụ: 病 Bệnh/Bịnh; 命令 Mệnh lệnh/Mịnh lịnh...
Các trường hợp -anh/-inh chiếm đa số hơn, và rất nhiều tình huống hoàn toàn không liên quan gì đến kỵ húy, nhưng chúng vẫn tồn tại song song, ngoài ý muốn của nhà cầm quyền đương thời. Ví dụ: 盛Thạnh/Thịnh; 餅Bánh/Bính; 頂Đảnh/Đỉnh; 蜻蜓Thanh đình/Tinh đình (chuồn chuồn); 釘Đanh/Đinh; 聲Thanh/Thinh; 姓Tánh/Tính; 性Tánh/Tính; 腥Tanh/Tinh; 拼Phanh/Phinh; 生Sanh/Sinh; 竟Cánh/Kính; 伶Lanh/Linh…
Do đó, Lĩnh/Lãnh là cặp bài trùng, nếu ông hoàng bà chúa nào tên vần -anh thì chỉ việc dùng chữ vần -inh/-ênh để thay thế ngay lập tức, và ngược lại, chứ không hề có hiện tượng đọc chệch, đọc choạc nào ở đây cả.
2. 珠 Chu/Châu: Theo ngữ âm học, các chữ thuộc nhiếp Lưu có vần -âu cổ hơn vần -u/-ưu. Như 油Dầu > Du; 收 Thâu > Thu... Và có không ít những chữ giữ nguyên âm -âu từ thời Hán Việt cổ sang tầng Hán Việt, như 求球 Cầu (mà âm Hán Việt phải đọc là Cừu), hay chữ 頭Đầu thì đến nay vẫn là Đầu.
Do đó, âm 珠 Châu cổ hơn âm Chu, nó là bề trên của Chu, chứ không phải là do kỵ húy mà Chu tự dưng phải sang tên đổi họ thành Châu. Không chỉ chữ Châu (châu báu) này, mà các cặp khác cũng vậy: 朱 Châu > Chu; 舟Châu > Chu...
3. 樹 Thụ/Thọ: Các chữ 樹受授 đều đọc là Thụ thì âm cổ của nó vẫn là Thọ. Và về nguyên tắc thì chữ Thọ壽 cũng phải đọc là Thụ, nhưng vì dân gian đã quá quen dùng âm Thọ cổ xưa, cho nên vẫn để nguyên cho đến ngày nay. Tương tự, chữ 儒Nho cũng là âm cổ, thay vì đọc là chữ Nhu. Chữ Nhu rất ít người biết đến, hiện chỉ thấy tồn tại trong câu ca dao sau:
Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ,
Đèn Mỹ Tho khi tỏ khi lu.
Anh về học lấy chữ nhu,
Chín trăng em đợi mười thu em chờ.
chữ 儒 Nho mà bỏ chữ Nhân đứng亻 đi thì vẫn đọc là 需 Nhu (nhu cầu).
Do đó, vần -o ở đây cổ hơn vần -u, vì thế 扶Phò cổ hơn Phù (Phò Lê diệt Trịnh), 駙馬 Phò mã (không thấy ai đọc là Phụ mã, dù âm Hán Việt của nó là vậy)... Cho nên, 樹受授 Thọ cổ hơn Thụ, khi cần kỵ húy thì lấy âm cổ hơn ra đọc thôi. Nếu như đúng là do kỵ húy mà đọc chệch Thụ sang Thọ, thì những chữ 壽 Thọ (Phúc Lộc Thọ), 儒 Nho, 扶 Phò... can cớ gì mà phải đọc chệch theo? Việc này hỏi đầu gối cũng biết.
4. 書 Thư/Thơ: Ở đây Thơ cũng có thể coi là âm cổ của Thư (theo tiếng Hán hiện nay Thư nghĩa là “sách”, mà nghĩa cổ cũng là “thư” trong “thư từ”).
Chữ Thư thuộc vận Ngư, về nguyên tắc thì vần cổ của nó phải đọc là -ưa, ví dụ như: 距Cựa (cựa gà) > Cự (cự ly); 鋸Cưa (cái cưa) > Cứ; 除Chừa > Trừ; v.v... Nhưng cũng có một số chữ có vần cổ là -ơ, kỳ thực điều này cũng dễ hiểu, vì vần -ưa thực chất là -ươ-, nhưng theo quy tắc nếu đằng sau không có vần đuôi khép, thì nguyên âm -ơ- cuối cùng sẽ bị viết thành -a, nhưng vẫn đọc là -ơ.
Cho nên, tuy cùng là một vần với nhau, một số chữ đã đọc với âm Hán Việt là vần -ư, nhưng một số chữ lại không biến đổi đến -ư (hoặc có mà đã biến mất – chết yểu), nên chỉ còn đọc là -ơ, như chữ 初Sơ có âm cổ là Xưa; 所Sở có âm cổ hơn là Thửa, 疏Sơ có âm cổ là Thưa v.v.. Cả 初Sơ, 所Sở, 疏Sơ đều cùng một họ tộc với Thư書, cho nên Thư từng được đọc là Thơ là lẽ đương nhiên.
Còn một chữ Thơ khác lại là âm đọc cổ của chữ 詩Thi (thi thơ, nhà thơ) thì lại thuộc tình huống khác, tạm không nhắc đến ở đây.
5. 福 Phúc/Phước: Phước có thể coi là âm cổ nửa mùa của Phúc. Vì trong các âm cổ Hán Việt, thì tuyệt đại đa số các trường hợp đều có phụ âm B- là thanh mẫu cổ có trước Ph- (Ph- thuộc lớp từ Hán Việt). Nhưng có một số ít trường hợp, tuy đã đọc sang Ph-, nhưng phần vần lại vấn vương tơ lòng với vần cổ, mà không chịu chuyển sang vần mới. Ví dụ, các nhà ngôn ngữ học ai cũng nói Phổi là âm cổ Hán Việt của Phế, nhưng thực chất chỉ có vần -ôi mới là vần cổ, chữ phụ âm Ph- đã là thuộc âm Hán Việt rồi. Những trường hợp tương tự là 番 Phen > Phiên; 蕃 Phên > Phiên...
Còn với chữ 福Phúc, đây là chữ hình thanh, tòng Thị礻, 畐Phúc thanh. Có một số chữ mang âm Phúc (畐) như 逼 Bức, 輻 Bức...đây cũng là những âm cổ Hán Việt thời kỳ cuối. Các chữ 逼, 輻, 福 thời cổ đều thuộc bộ Chức, vần cổ đó lại là -ơ. Do đó, chữ Phước mà đọc là -ươc chính là phản ánh vần cổ này, đặc biệt là khi chúng là chữ thuộc Tam đẳng.
Lại nữa, nếu Phước là âm đọc húy chệch ra từ Phúc, vậy tại sao trên mộ của hoàng đế Bảo Đại lại ghi là Nguyễn Phước Vĩnh Thụy? Không lẽ ông ấy lại kỵ húy chính mình?
6. 映暎 Ánh/Yên, Yếng, Ảnh:
Không rõ tình huống chữ Yên là ở đâu ra, nhưng với những chữ vần -anh này, việc chúng có âm cổ là -iêng là bình thường. Từ “tai tiếng” nhất hiện nay chính là “Yêng” trong “yêng hùng” chính là âm cổ của “英Anh” trong “anh hùng”. Yêng hùng vốn dĩ là Anh hùng, đã có từ xa xưa, nhưng ngày nay ngữ nghĩa của nó đã bị thay đổi sang nghĩa tiêu cực, chủ yếu dùng trong “yêng hùng xa lộ”. Thời trước 1975, thì Yêng hùng vẫn là Yêng hùng, không có màu sắc cực đoan như hiện nay. Do đó, Yếng trong “Yếng ỏi” là âm cổ của “ánh” trong “ánh ỏi, inh ỏi”; hay “映Yếng” trong “yếng sáng” chính là âm cổ của “ánh” trong “ánh sáng”. Nếu như nói là kỵ húy, thì “yêng” trong “yêng hùng” có tội tình gì mà phải bị đọc “chệch” âm hả ông Nguyễn Phước Yếng?
7. Chủng/Chưởng:
Tình huống này chưa rõ thuộc trường hợp nào.
8. 當 Đang/Đương:
Trong phần lớn các trường hợp, thì vận -ang sẽ là vận cổ hơn -ương. Vận -ương thuộc lớp từ Hán Việt; còn vận -ang thuộc lớp từ cổ Hán Việt, nếu như ở lớp Hán Việt có vận -ang thì thực ra là đang trực tiếp lưu giữ vần -ang cổ.
Cho nên đừng nói là chỉ có Đang/Đương, mà các trường hợp Đàng > Đường đã rất phổ biến rồi (xem ở dưới). Chỉ khác là ở chỗ, đa số các cặp bị cho là “kỵ húy” trên, thì chữ đứng trước thường là âm Hán Việt, chữ sau thường là âm Hán Việt cổ. Ở đây lại xếp theo hướng ngược lại mà thôi.
9. 膽 Đảm/Đởm:
Đởm ở đây âm cổ của Đảm. Các sách y học cổ miền Bắc, các lang y miền Bắc cũng đều từng đọc âm cổ Đởm (mật) thay cho Đảm, và tất nhiên không bị “Đàng trong” ảnh hưởng gì đến việc kiếm cơm của họ.
Do đó, nếu nói 痰 Đờm là âm cổ của Đàm (đờm dãi) cũng không sai, âm này vốn đã có từ ngày xửa ngày xưa, chứ không phải vì kỵ húy “ông King” nào đó hôm nay mà phải đọc chệch cả. Chỉ là hạng “hát lót” thì sao phải kỵ?
10. 花 Hoa/Huê:
Người ta có thể vì sợ bà chúa nào đó mà đọc âm Huê, nhưng Huê thì tuyệt đối không phải đọc chệch từ 花 Hoa, bởi nó có thể có trước Hoa, hoặc ít nhất đã tồn tại từ cả ngàn năm trước, chứ không phải mới cách đây mấy trăm năm, vì kỵ húy mới có.
Không phải chỉ có花 Huê, mà ngay cả 化 Huế cũng là âm cổ Hán Việt của Hóa (Thuận Hóa > Hóa//Huế). Chú ý là trong chữ 花 Hoa có chữ 化 Hóa, nên diễn biến phát triển của chúng như nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng còn có Huề xưa hơn Hòa (huề vốn)…
Các từ Huê, Huế đọc lên cũng gần sát âm trong tiếng Mân Nam của chữ Hoa, Hóa, có chăng chỉ là khác dấu thôi. Mà tiếng Mân Nam thì vốn dĩ còn lưu lại âm Hán cổ rất nhiều. Cho nên mới nói Huê, Huế đã tồn tại cả ngàn năm rồi, tuyệt đối không phải là hạng sinh sau đẻ muộn.
11. Thật/Thiệt:
Không rõ là chữ nào. Chữ 實 thì hiện nay chúng ta đều đọc là Thực, nhưng thực tế nó lại có âm Hán Việt là Thật (神質切 thần chất thiết = thật); còn chữ 寔 này mới đọc là Thực (常職切 thường chức thiết = thực), nhưng hai chữ này được dùng lẫn nhau, cho nên sự thực = sự thật.
Còn Thật đọc thành Thiệt, thì có thể là do kỵ húy đọc chệch, song cũng không loại trừ việc đọc sang Thiệt là do chịu ảnh hưởng của diễn biến ngữ âm khác.
12. 正 Chính/Chánh: Trường hợp này y hệt như trường hợp thứ nhất 領Lãnh/Lĩnh, ở đây không nói lại.
13. 宗 Tông/Tôn
Trường hợp này, chữ Tông vốn dĩ có vần đuôi là -ng, không phải là -n, nên có thể chấp nhận khả năng do kỵ húy mà đọc chệch.
14. 全 Tuyền/Toàn:
Toàn thực ra là âm cổ hơn của Tuyền, dù rằng phụ âm đầu T- mà xuất hiện muộn hơn, nhưng vận -oan chắc chắn là cổ hơn vận -uyên, tương tự -an sẽ cổ hơn -iên (yên). Như âm Bàn (bàn chân) là âm cổ của 蹯 Phiền; âm Ngoạt là âm cổ Hán Việt của Nguyệt 月... Ở đây muốn nói -an/-oan và -at/-oat là cùng một nhóm ngữ âm với nhau.
15. 恆 Hằng/常 Thường
Hằng và Thường là hai âm, hai chữ khác nhau, là hai âm Hán Việt của chữ 恆 và 常, nhưng cùng nghĩa, cho nên nếu muốn tránh, thì có thể dùng chữ tương tự thay thế. Nhưng đây là tình huống dùng chữ khác đồng nghĩa thay thế, tuyệt đối không phải vì Hằng đọc chệch thành Thường hoặc ngược lại.
16. 號 Hạo/Hiệu
Tương tự như cặp -an > -iên, thì -ao cũng là vần cổ của -iêu; nhưng cũng giống như cặp -ang > -ương, nếu như ở hệ thống Hán Việt có -ang thì tức là lưu giữ trực tiếp vận cổ, thì nếu như có -ao trong hệ thống Hán Việt, thì đây là vận cổ còn sót lại được bảo lưu, chứ không có chuyện -iêu biến âm thành -ao, mà chúng có thể tồn tại song song.
Cho nên, không chỉ có Hạo/Hiệu, mà chúng ta thường thấy có cặp 瑤 Dao/Diêu (dao trì), 桃 Đào/ Điều (đào lộn hột = hạt điều), 好 Háo/Hiếu (háo sắc, hiếu sắc)... Nếu như nhà nghiên cứu nào đó cho rằng Hạo do Hiệu biến âm đọc chệch ra, thì những ví dụ trên có liên quan gì đến kỵ húy không mà cũng có biến âm tương tự?
17. 任 Nhậm/Nhiệm:
Chữ 任 âm Hán Việt chính thức đọc là Nhậm, đọc thành Nhiệm tuy nói là kỵ húy, song cũng không loại trừ khả năng là âm Hán Việt song song, bị ảnh hưởng của âm khác mà đọc thành -iêm.
18. 紅 Hồng/Hường
Hồng là âm Hán Việt chính thống, nhưng âm Hường tuy nói là kỵ húy mà đọc chệch, song cũng không loại trừ việc biến âm đã có sẵn từ trước trong hệ thống ngữ âm.
Ví dụ, âm Phương là âm Hán Việt của chữ 方, nhưng âm cổ Hán Việt của nó lại là Buông/Vuông...
19. 時 Thì/Thời
Thời thực ra lại là âm cổ Hán Việt của Thì, nhưng Thì ngày nay được dùng ít hơn, song vẫn có “thì giờ”, “con gái có thì”... Trong đó, Thì mới là âm Hán Việt chính thống của 時.
Ví dụ: Ngỡi là âm cổ hơn của Nghĩa義, mà âm Hán Việt chính thống là *Nghị (đã chết yểu), mà âm Hán Việt Việt hóa của *Nghị là Nghì; Gởi là âm Hán Việt cổ bị Việt hóa của chữ 寄, mà âm Hán Việt của nó là Kí.
Ngoài ra, chữ Thì còn có một âm cổ Hán Việt khác, có khả năng đọc là *Chờ, và đây chính là lý do để bị Việt hóa thành Giờ (hiện tượng này xảy ra ở thế kỉ 17). Hiện tượng -ơ > -i thì phổ biến hơn, như 棋旗 Cờ > Kì; 市Chợ > Thị...
20. 真 Chân/Chơn:
Chơn cũng là âm cổ Hán Việt của Chân, dù là được lưu giữ chủ yếu ở miền Nam. Cho nên 真人 Chơn Nhơn là âm cổ của Chân Nhân; “仁 Nhơn” trong “Quy Nhơn”, trong “仁義 nhơn nghĩa” cũng là âm cổ của Nhân. Nếu có kỵ, giả sử thôi, thì cũng kỵ một chữ thôi, sao phải kỵ sang cả âm khác không liên quan.
Chưa kể, có một cặp từ khác thường xuyên sử dụng, đó là 恩 Ơn trong “cảm ơn”, đó cũng là Ân trong “ân nhân”, tức là “người ơn”... Trong đó -ơn là âm cổ hơn -ân, không phải do -ân đọc chệch mà ra.
21. 唐塘堂 Đường/Đàng
Cặp Đường/Đàng cũng giống như 當 Đương/Đang ở trên. Và cũng không chỉ có một chữ Hán, mà khá nhiều chữ cũng đọc như vậy, trong đó -ang là âm cổ của -ương, ví dụ: 長 Tràng (dài) > Trường; 腸 Tràng (lòng) > Trường; 兩 Lạng > Lượng; 娘 Nàng (mệ nàng) > Nương (mị nương)...
22. 景 Cảnh/Kiểng
Cặp Cảnh/Kiểng cũng giống như 英 Yêng > Anh, 映瑛暎 Yếng > Ánh ở trên, trong đó vần -iêng cổ hơn -anh. Đọc là -anh là âm Hán Việt, vần -iêng thuộc âm Hán Việt cổ, có mặt sớm hơn âm Hán Việt một hai trăm năm, chứ không phải sớm nhất.
Cũng không chỉ có 景 Cảnh/Kiểng, mà còn có 鏡 Kiếng > Kính/Cánh; 境界 Kiểng giái > Cảnh giới; 步行 Bộ hiềng > Bộ hành; 聖 Thiêng > Thánh v.v...
23. 山 San/Sơn
Âm Hán Việt chính thức của chữ 山 là San, như “san hà đại địa”, nhưng âm Sơn thì cổ hơn, và có thể là do chịu ảnh hưởng của nhóm -ơn > -ăn. Ví dụ: 恨 Hờn (hờn giận) > Hằn (thù hằn). Ngoài ra, chúng ta còn có 漢 Hớn (“Hảo hớn nơi trảng cát”) > Hán; 單 Đơn (cô đơn) > Đơn (bỏ luôn âm Hán Việt là Đan); 丹 Đơn (linh đơn) > Đan (linh đan)...
Các cặp từ khác trong bài như Thới/Thái; Quới/Quế; Võ/Vũ; Tòng/Tùng; Ngươn/Nguyên... cũng tương tự như vậy, chữ đứng trước đều là âm cổ Hán Việt so với âm Hán Việt đứng sau.
Nói chung, việc ngữ âm phát triển, diễn biến nói trên đều là có hệ thống, có quy luật. Những chữ thuộc nhóm nào, thì sẽ phát triển theo nhóm đó, đều đặn và ít có ngoại lệ. Còn những âm/chữ “kỵ húy” chỉ là hiện tượng đơn lẻ, phát sinh kiểu “chộp giật”, không theo quy luật nào, thì đương nhiên không thể ảnh hưởng đến toàn hệ thống ngôn ngữ được, và cũng chỉ có tác dụng nhất thời, cục bộ. Nhiều âm “kỵ húy” đến nay đã mất tác dụng do thời cuộc; hoặc nó chỉ có tác dụng ở địa phương nào đó, chứ không hoàn toàn có tác động đến ngữ âm toàn quốc (Đàng trong/Đàng ngoài). Nhưng các âm đọc trong hệ thống ngôn ngữ nói chung thì sẽ có quy luật và tác động sâu rộng, lâu dài, có tính thống nhất. Do đó, các nhà nghiên cứu lịch sử cần phải tìm hiểu, check chéo sang bên ngôn ngữ học, tránh việc giải thích âm “kỵ húy” một cách tùy tiện, dẫn đến những hiểu lầm không đáng có.
Văn Bờm tiên sinh (2023.05.15)
TỪ “KỴ HÚY” CỦA NGƯỜI NAM BỘ
https://dangnho.com/.../tu-ky-huy-cua-nguoi-nam-bo.html...
Xưa nay, ở vùng đất miền Trung trở về trong hay xuất hiện những từ “kỵ húy” trong lời ăn tiếng nói hàng ngày mà ít người để ý đến. Đó là những từ kỵ húy chủ yếu liên quan tới vua chúa triều Nguyễn, từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào Nam gầy dựng xứ Đàng Trong.
Một số thí dụ:
Âm chính/Âm trại:
Lĩnh/Lãnh
Chu/Châu
Thụ/Thọ
Thư/Thơ
Phúc/Phước
Ánh/Yên, Yếng, Ảnh
Chủng/Chưởng
Đang/Đương
Đảm/Đởm
Hoa/Huê
Thật/Thiệt
Chính/Chánh
Tông/Tôn
Tuyền/Toàn
Hằng/Thường
Hạo/Hiệu
Nhậm/Nhiệm
Hồng/Hường
Thì/Thời
Chân/Chơn
Đường/Đàng
Cảnh/Kiểng
San/Sơn

Trong khi người dân Xứ Đàng Trong tha hồ gọi tên húy của các vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, thì họ bị quy định hết sức ngặt nghèo trong viết hay nói các từ trọng húy của vua chúa nhà Nguyễn. Vì vậy trong ngôn ngữ xuất hiện những từ rất oái oăm:
Kỷ nguơn, Rằm thượng nguơn, thay vì kỷ nguyên, rằm thượng nguyên (để kiêng tên chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên).
Can đởm, thay vì can đảm, đởm lược thay vỉ đảm lược (kiêng tên vua Minh Mạng Nguyễn Phúc Đảm).
Thới bình, tên một huyện ở Cà Mau, thay vì Thái bình (kiêng tên chúa Nghĩa Nguyễn Phúc Thái).
Các tên thôn (hiện nay là xã) như Thới Tam, Thới Tứ, Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhì, Xuân Thới Đông, Xuân Thới Sơn… thuộc khu vực Hóc Môn Sài Gòn, là tuân theo sự kỵ húy đó.
Làng Tân Kiểng xưa (Bây giờ còn Đình Tân Kiểng và chợ Tân Kiểng ở Phường 2, quận 5, Sài Gòn) vốn có tên là Tân Cảnh (trùng tên húy Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh, con cả vua Gia Long).
Từ Hoàng được đổi thành Huỳnh vì kỵ tên của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.
Gọi màu hồng thành màu hường, nói nhiệm chức thay vì nhậm chức để tránh tên Nguyễn Phúc Hồng Nhậm của vua Tự Đức. (Ngô Thời Nhiệm thay cho Ngô Thì Nhậm, Ngô Tòng Châu thay cho Ngô Tùng Chu cũng vì vậy. (Thì là tên thuở nhỏ của vua Tự Đức, Chu là tên Chúa Quốc Nguyễn Phúc Chu).
Người miền Nam quen nói Tôn giáo, thay vì tông giáo để kiêng tên vua Thiệu Trị Nguyễn Phúc Miên Tông. Cũng vì tránh tên ông vua thứ ba của nhà Nguyễn này mà tất cả các chữ Tông đều được đổi thành Tôn: Lý Thánh Tôn, Trần Nhân Tôn, Lê Trung Tôn… Chẳng những thế, một dòng họ hoàng tộc, cũng vốn phải đọc là “Tông Thất”, nhưng vì kiêng húy chữ Tông này nên lại đọc thành “Tôn Thất”.
Người miền Nam còn nói cúng kiếng thay vì cúng kính, kiếng lễ, thay vì kính lễ, để kiêng tránh tên Nguyễn Hữu Kính, tên húy của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, một danh tướng dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, có nhiều công lao hiển hách trên gần suốt cả đất nước xứ Đàng Trong. Tên ông là Nguyễn Hữu Kính, nhưng do kiêng húy, người ta nói trại ra là Cảnh.
Khoảng một trăm năm sau, vì kiêng tên hoàng tử Cảnh, người ta lại gọi trại một lần nữa từ Kính thành Kiếng. Vì vậy, Nguyễn Hữu Cảnh chỉ là tên kỵ húy chớ không đúng tên thật. Nguyễn Hữu Kính từng thành lập Trấn Thuận Thành, hiện nay là vùng đất từ tỉnh Bình Thuận đến Ninh Thuận và trấn giữ Dinh Bình Khang, nay là vùng đất từ tỉnh Ninh Thuận ra đến Khánh Hòa; vào năm 1698 ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào miền Nam củng cố và mở rộng đất Sài Gòn Gia Định. Tuy không phải mà một vị chúa, nhưng ông từng làm quan trấn nhậm, được nhân dân ngưỡng mộ suốt từ miền Trung vào đến miền Nam, nên họ tự kiêng tránh tên húy của ông.
Người miền Nam nói Sơn là núi mà không nói San, vì đó là tên vua Duy Tân Nguyễn Phúc Vĩnh San. Sau năm 1975, nhiều người miền Nam bắt chước người miền Bắc nói “phản ánh” thay vì trước đó họ nói “phản ảnh” (ảnh dấu hỏi) để tránh tên vua Gia Long Nguyễn Phúc Ánh. Ngay chữ Phúc trong tên các vua chúa nhà Nguyễn cũng phải nói trại đi là Phước. Trước kia, miền Nam có các tỉnh Phước Long, và Phước Tuy (được chánh phủ VNCH thành lập năm 1956) mà theo sách Phương Đình Dư Điạ Chí vốn là Phúc-Long- phủ và Phúc-Tuy- phủ thuộc tỉnh Biên Hòa.
Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước có một bài hát Lên Đàng. Đàng là từ người miền Nam nói trại từ Đường (tên vua Đồng Khánh – Nguyễn Phúc Ưng Đường). Chữ Đường trong Thiên Đường cũng được nói trại thành Thiên Đàng.
Nhiều người miền Nam tầm tuổi sáu, bảy mươi từng biết tên nữ tướng Phàn Lê Huê (Fan Lihua, mà chữ Tàu viết là 樊梨花– Phàn Lê Hoa), vợ của Tiết Đinh San (Xue Dinhshan), cũng có chỗ giữ húy gọi là Tiết Đinh Sơn, trong tiểu thuyết dã sử Tàu về thời nhà Đường chinh phục nước Tây Lương (Xi Liang). Huê là một từ nói trại để kiêng húy từ Hoa, vì đó là tên bà Hồ Thị Hoa, chánh hậu của vua Minh Mạng. Từ Hoa không chỉ được nói trại là Huê mà còn được thay bằng một từ khác là Bông. Theo cụ Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Năm Xưa, cái Cầu Bông trên đường Đinh Tiên Hoàng bắc qua Kênh Nhiêu Lộc ở quận 1 Sài Gòn vốn có tên là Cầu Hoa. (Chỗ này thì lão Sển có khi ăn nói phang bừa, vì bông lúa không thể thay ngược lại thành hoa lúa – SGTC).
Các từ tên húy khác chỉ cần tránh bằng cách nói trại đi, nhưng từ Hoa này thì lôi thôi hơn. Cầu Hoa thành Cầu Bông, tỉnh Thanh Hoa bị đổi thành tỉnh Thanh Hóa, nhưng chợ Đông Hoa ở đất thần kinh thì lại được đổi thành chợ Đông Ba! Người Quảng Nam đến nay vẫn còn nhớ câu ca dao: “Thủng thỉnh lượm bông ba rơi / Lượm cho có cách hơn người trèo cao” (ba = hoa)
Những từ nói trại vì kỵ húy còn nhiều nữa: Võ thay cho Vũ, Đờm thay cho Đàm, Thời thay cho Thì, Tùng thay cho Tòng, Nguyệt Quới thay cho Nguyệt Quế, Quới nhơn thay cho quý nhân, vân vân. Chúng là một dạng từ biến âm cưỡng bức được dùng phổ biến, chủ yếu trong Miền Nam, tức Xứ Đàng Trong, từ Quảng Trị, nhưng rõ nhất là từ Huế, trở vào. Sở dĩ người miền Bắc “miễn nhiễm” với sự kỵ húy này là do hoàn cảnh lịch sử: “Nước” Đàng Ngoài chẳng việc gì phải nghe theo luật lệ của “nước” Đàng Trong. Sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, những tên húy kiêng cử của nhà Nguyễn đem áp dụng cho dân miền Bắc mà đa số còn hoài vọng nhà Lê thì sự tuân phục cũng chẳng được bao nhiêu. Tiếp đó miền Bắc được đặt dưới sự bảo hộ của người Pháp, nên người ta chẳng thấy cần thiết phải sợ phạm húy với vương triều nhà Nguyễn nữa.
Thiếu Khanh
Chim Việt Cành Nam


Nguồn: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02dTcfLi46nhS7PeSi31T9SmiimBVgLTLdMZwjLKTDCEmvHBn8aESYQ2URsDeZpaMWl&id=100063954852321


---


Hoàng – Huỳnh, Phúc – Phước, Vũ – Võ… với vấn đề “kiêng húy”

Trước nay, không ít người vẫn coi hiện tượng các từ Việt Hán có hai âm đọc song vẫn không thay đổi ý nghĩa từ vựng và chức năng ngữ pháp như Hoàng – Huỳnh, Phúc – Phước, Vũ – Võ… là kết quả của việc kiêng húy các vua chúa phong kiến. Đáng tiếc là đến nay quan niệm sai lầm ấy vẫn được nhiều trí thức trong đó có cả một số nhà ngôn ngữ học chính thức thừa nhận và công khai phổ biến. Cho nên cần phải có một sự đính chính trước khi người ta kéo nhau đi tìm tên vợ con và bà con nội ngoại của các vua chúa để giải thích bằng được và bằng hết những Cương – Cang, Cảnh – Kiểng, Chính – Chánh hay Uy – Oai, Tiến – Tấn, Tùng – Tòng…



Nếu thống kê chi tiết toàn bộ những An – Yên, Bách – Bá, Càn – Kiền, Chân – Chơn, Dũng – Dõng, Đương – Đang, Giới – Giái, Hợp – Hiệp, Khỉ – Khởi, Lã – Lữ, Mệnh – Mạng, Nhật – Nhựt, Trường – Tràng, Thịnh – Thạnh, Súy – Soái, Vũ – Võ…, thì con số các từ Việt Hán bị đọc chệch âm nói trên sẽ vượt xa tất cả đồng thời chẳng có gì ăn khớp với những cái tên vua chúa Việt Nam (chẳng hạn gần đây có người cho rằng vì kiêng húy các chúa Trịnh Tùng, Trịnh Cương nên dân Việt ở miền Bắc đọc Tùng, Cương ra Tòng, Cang như tam tòng, tam cang (1), song người ta không hiểu vì sao hai ông chúa ấy lại cứ để yên cho thiên hạ lếu láo đọc tên Trịnh Kiểm là Kiểm không có chút gì là kiêng húy…). Thứ nữa, quan sát địa bàn phân bố của các cặp âm bị đọc chệch ấy qua chứng cứ lịch sử là các địa danh Việt Nam, có thể thấy rằng phần lớn những Phúc Yên, Vĩnh Phúc, Thái Lai, Nghĩa Xá là ở miền Bắc còn Phước An, Bình Phước, Tân Thới, Quảng Ngãi là ở miền Nam, điều này cho thấy đây là sản phẩm của một tiến trình lịch sử. Sau cùng, sự chệch âm ở nhiều cặp vần loại Chính – Chánh, Đỉnh – Đảnh, Lĩnh – Lãnh, Sinh – Sanh (Anh = Inh), Du – Do, Phù – Phò, Vũ – Võ (O = U) hay Uy – Oai, Súy – Soái, Thụy – Thoại (Oai = Uy)… lại mang tính hệ thống khác hẳn việc kiêng húy vài ba cái tên vua chúa lẻ tẻ, tình hình này chỉ có thể là kết quả của các quy luật ngữ âm. Tóm lại, hiện tượng đọc chệch hay nói chính xác là chuyển âm nói trên không thuộc về phạm trù sở thích tự trọng lố lăng của các vua chúa ngày trước và nhiệt tình tôn quân lạc lõng của các nhà Kiêng Húy học hiện đại, mà là một vấn đề ngôn ngữ học trên hai phương diện phương ngữ và ngữ âm.



Thời Bắc thuộc, dân Việt học chữ Hán như một sinh ngữ, nghĩa là phải đọc đúng theo cách phát âm (âm chuẩn) đương đại ở Trung Hoa. Nhưng từ khi nước ta giành được độc lập thế kỷ X trở đi, cách đọc ấy đã bị tách rời với những thay đổi ngữ âm ở Trung Quốc. Cái ranh giới Việt Hán – Hoa Hán trên lãnh vực này dần dần xuất hiện và định hình: về cơ bản người Việt vẫn bảo lưu cách đọc thời Đường (Đường âm) trong khi qua các thời Tống Nguyên Minh Thanh người Trung Quốc đã lần lượt trải qua nhiều cách đọc khác. Chẳng hạn vào khoảng cuối Minh đầu Thanh, ngôn ngữ Trung Quốc đã bắt đầu mất phụ âm đầu D khiến Dân (nhân dân), Diểu (xa) chuyển thành Mín, Miểu hay hiện nay thì nó đã hoàn toàn mất phụ âm đầu Đ để Đả (đánh), Đông (phía đông) trở thành Tả, Tung đẩy một bộ phận lớn những Tiểu (nhỏ), Tịch (chiều tối) qua dãy phụ âm đầu X như Xẻo, Xi song người Việt vẫn đọc là Dân, Diểu, Đả, Đông, Tiểu, Tịch… như thường. Cố nhiên sự thay đổi nói trên không diễn ra một cách đồng bộ và thống nhất ở Trung Quốc, chẳng hạn khi tiếng Bắc Kinh – Quan thoại hiện nay đã mất hẳn phụ âm cuối -m để Điểm tâm (Ăn sáng) chuyển thành Tẻn xin, thì người Quảng Đông vẫn nói là Tỉm xắm, hay họ nói Tài xỉu (Đại tiểu = lớn nhỏ) chứ không phải là Ta xẻo, tóm lại có thể tìm thấy vô số khác biệt tương tự giữa tiếng Bắc Kinh – Quan thoại với các phương ngữ ở Hải Nam, Quảng Đông, Phước Kiến, Triều Châu mà ở đây tạm gọi là nhóm phương ngữ Hoa Nam. Và nếu nhớ lại tình hình chia cắt đất nước thế kỷ XVII-XVIII đã làm tiếng Việt ở Đàng Trong – Đàng Ngoài phát triển khác nhau một cách đáng kể, nếu nhớ lại thực tế đa dân tộc ở thương cảng Hội An đã làm hình thành ở đây một thứ ngôn ngữ lai pha trộn cả tiếng Việt lẫn các phương ngữ Hoa Nam (2), nếu nhớ lại sự kiện nhóm di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam do Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch cầm đầu tới tỵ nạn chính trị được cho vào khai phá Biên Hòa, Mỹ Tho cuối thế kỷ XVII, nếu nhớ lại việc Tao đàn Chiêu Anh Các ở Hà Tiên thu hút nhiều văn nhân Hoa Nam tới ngâm vịnh xướng họa đầu thế kỷ XVIII…, người ta sẽ thấy ở đây một đợt tiếp xúc ngôn ngữ Việt Hoa có quy mô và phạm vi rộng lớn, có thể nói là quan trọng bậc nhất sau khi người Việt giành được độc lập thế kỷ X. Đây mới thực sự là lý do làm phát sinh hệ thống những Huỳnh, Phước, Võ… trong cách đọc Việt Hán ở Đàng Trong mà đặc biệt là trên địa bàn từ Quảng Nam tới Nam Bộ, cách đọc chịu ảnh hưởng Minh âm, Thanh âm qua trung gian là nhóm phương ngữ Hoa Nam. Quá trình tiếp thu, cải biến, chấp nhận… những cách đọc mới này của người Việt nhìn chung rất phức tạp, vì từ thế kỷ XIX trở đi thì việc đất nước được thống nhất trở lại đã xóa bỏ đi phần nào những khác biệt ngôn ngữ trước đó, mặt khác ngay trong nhóm phương ngữ Hoa Nam cũng có những khác biệt dẫn tới sự đấu tranh với nhau đ
ể giành ảnh hưởng một cách tự phát trên địa bàn nói trên. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng trong đợt tiếp xúc ngôn ngữ này người Việt hoàn toàn bình đẳng về chính trị và văn hóa với Trung Hoa, nên ngoại trừ một vài trường hợp cá biệt, toàn bộ sự chuyển âm nói trên chỉ diễn ra trong khuôn khổ ngữ âm vốn có của các từ Việt Hán. Chẳng hạn hệ thống phụ âm đầu Việt Hán vẫn được giữ vững, nó đẩy những Mín, Miểu, Tả, Tung, Xỉu, Xi trở lại mảng từ Hoa Hán du nhập theo con đường khẩu ngữ, và ngay mảng từ ấy cũng phải Việt hóa theo ngữ pháp Việt như nhỏ xíu (Xíu = Tiểu = nhỏ), đồ xịn (Xịn = Tân = mới) mới bước được vào ngôn ngữ Việt Nam ở địa phương.



Điều đáng phàn nàn là nhiều trong các trí thức coi Huỳnh, Phước, Võ… là “kiêng húy” hiện nay đã không biết chữ Hán mà lại không chịu tìm hiểu cả lịch sử việc kiêng húy nên cứ suy diễn rồi phát ngôn không cần địa chỉ nếu không nói là vô trách nhiệm! Thứ nhất, Hán tự có nhiều chữ hoàng, phúc, vũ… và không phải chữ nào cũng chuyển âm thành huỳnh, phước, võ…, chẳng hạn không ai nói kinh hoàng, thần Thành hoàng thành kinh huỳnh, thần Thành huỳnh cả, mà chữ bị đọc chệch âm ra huỳnh (họ Huỳnh) là chữ hoàng (vàng) lại không phải là tên Nguyễn Hoàng – tên ông Thái tổ của nhà Nguyễn này là hoàng (vàng) + chấm thủy. Thứ hai, đã gọi là húy vua chúa thì dân đen có thể vì muốn làm giặc nên không thèm kiêng, chứ quan lại hay đám kẻ sĩ toan làm quan lại thì nhất định phải kiêng cho sáng đạo cương thường, thế nhưng đầu thế kỷ XVIII Đô đốc Hà Tiên Mạc Thiên Tích vẫn hiên ngang đặt tên con trưởng của mình là Mạc Tử Hoàng với chữ hoàng (vàng) + chấm thủy hiện vẫn còn trên bia mộ Mạc Tử Hoàng ở núi Lăng, Hà Tiên: rõ ràng dân Việt Nam ở Đàng Trong thế kỷ XVII – XVIII chẳng phải kiêng húy tên vua chúa nào cả. Thứ ba, đã gọi là chữ húy thì hoặc là không được dùng, tức không được viết ra (đối với chữ trọng húy) hoặc là phải viết thêm nét bớt nét đổi nét, thế nhưng mấy trăm năm nay dân Việt ở miền Nam vẫn viết Hoàng, Phúc, Vũ… như người miền Bắc hay người Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và viết khắp nơi, vậy việc họ đọc chúng là Huỳnh, Phước, Võ… chỉ là vấn đề ngữ âm. Thứ tư, là triều nào húy nấy, chẳng hạn anh em Thái Đức – Quang Trung không hơi đâu kiêng húy các chúa Nguyễn còn cha con Gia Long – Minh Mạng chẳng ngu gì kiêng húy các vua Lê chúa Trịnh, nếu thần dân nào cứng cổ kiêng húy không hợp thời thì giữ cho còn nguyên được đầu cũng đã khó chứ đừng nói tới chuyện rủ rê quần chúng cùng kiêng. Thứ năm, đã gọi là “quốc húy” thì phải có thông báo bằng văn bản cụ thể theo đúng thủ tục hành chính và có hiệu lực pháp lý hẳn hoi cho dân biết dân làm, không phải chuyện bí mật quốc gia hay hoạt động bí mật để thông báo nội bộ hay rỉ tai nhau trong giới quan lại mà kiêng húy. Và riêng dân Nam Bộ thì đến 1861 có nhận được chỉ dụ cuối cùng của Tự Đức phổ biến về 47 chữ “quốc húy” (từ 1862 – 1867 Nam Kỳ đã bị Pháp chiếm làm thuộc địa rồi), trong đó có 20 chữ đã được Minh Mạng thông báo trong chỉ dụ kiêng húy vào loại đầu tiên của triều Nguyễn năm 1825. Ai muốn biết rõ về 47 chữ ấy xin cứ tìm bộ Đại Nam Thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn mà đọc, xem có những Hoàng (vàng), Phúc, Vũ, Cảnh, Cương, Chính… và hàng trăm chữ khác mà các nhà Kiêng Húy học trước nay vẫn gán bừa cho tổ tiên ta không.



Đi tìm lai lịch cụ thể của từng âm Việt Hán đọc chệch so với Đường âm là một công việc phức tạp, nếu chưa định hướng được thì đừng nên thao tác. Chẳng hạn nhiều người Nam Bộ trước đây vẫn đọc Hớn Cao tổ, Hớn Sở tranh hùng chứ không đọc là Hán Cao tổ, Hán Sở tranh hùng, mà việc chuyển An – Ơn như San – Sơn, Đàn – Đờn thì lại chưa đủ để coi là có hệ thống. Nhưng vì ngữ âm Nam Bộ vẫn nhất hóa cặp phụ âm cuối -n, -t vào với cặp -ng, -c (như ran rát nói là rang rác) – với lối phát âm ấy mà đọc phò Hán, hảo hán thì nghe kỳ quá nên người ta phải chuyển âm để kiêng một sự húy trong đời thường đấy, các học giả thích kiêng húy vua chúa đừng đi tìm ở cái “quốc húy” nào đó trong cung đình cho mất công!



Tháng 11. 1993

(1) Xem Phan Trọng Hiền, Tên húy và việc phạm húy, báo Phụ nữ Thànn phố Hồ Chí Minh số ra ngày 20. 11. 1993. Tuy nhiên đây rõ ràng là một sự suy diễn khiên cưỡng, vô căn cứ và rất tùy tiện. Thứ nhất, hiện tượng đọc chệch Tùng, Cương ra Tòng, Cang kia chủ yếu xảy ra ở miền Nam chứ không phải ở miền Bắc. Thứ hai, chẳng có bằng chứng lịch sử dù là gián tiếp hay nhỏ mọn nào cho phép nghĩ rằng vào thế kỷ XVI – XVIII thần dân của triều Lê trung hưng bị bắt buộc phải kiêng húy các chúa Trịnh: ngay cả các bộ chính sử được biên soạn bởi các sử thần của Lê Trịnh cũng viết thẳng tên các chúa Trịnh từ Trịnh Kiểm trở đi, chứ chẳng hề tỏ ra tôn kính đặc biệt gì các chữ ấy trên văn bản cả. Thứ ba, tác giả của phát hiện độc đáo nói trên dường như không biết cả chữ Hán lẫn quy ước trong gia tộc họ Trịnh, nên đã đánh đồng tên Trịnh Tùng với Tòng trong tam tòng và tên Trịnh Cương với Cang trong tam cang, chứ thật ra tên hai ông chúa này được viết với bộ mộc. Nếu đọc Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, người ta sẽ thấy ngay tất cả các chúa Trịnh đều có tên viết với bộ mộc và tất cả các chúa Nguyễn đều có tên viết với bộ chấm thủy.
(2) Xem thêm Hoàng Thị Châu, bài trong Đô thị cổ Hội An, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1991, tr
. 161 – 166
_____

朱珠周洲舟

Trong Hán tự có cả chục chữ có âm đọc là chu – châu, ở đây chỉ nói về vài chữ thường đọc là châu nhất ở Việt Nam. Năm chữ nói trên theo thứ tự là chu (màu đỏ) bị đọc chệch như châu bản, chu (ngọc) bị đọc chệch như châu báu, chu (chung quanh) đọc là châu như châu vi, Châu Thành, chu (cù lao, bãi đất) đọc là châu như châu thổ, Á Châu và chu (thuyền) đọc là châu như châu tiếp (thuyền và mái chèo).

Tất cả những từ (chữ) có thanh bằng trong chữ Hán ở Trung Quốc được chia xếp vào ba mươi bộ vần Bình thanh, 15 bộ Thượng bình thanh, 15 bộ Hạ bình thanh. Chữ chu 1, chu 2 thuộc vần Thất ngu, phải đọc là chu, chu 3 và chu 4, chu 5 thuộc vần Thập nhất vưu, phải đọc là châu/chưu. Cơ chế lẫn lộn ở đây rất phức tạp, nhưng đại thể có thể nói thế này:

1. Nếu lấy độ tròn môi làm tiêu chí, thì khi phát âm những âm như thu, xu, vu chúng ta tròn môi nhiều nhất, kế tới những âm như âu, lâu, ngâu, sau cùng là những âm như lưu, mưu, sưu. Tức là những âm loại âu lâu ngâu nằm giữa, có thể bị lệch về hai phía, và ngược lại, các âm u, ưu đều rất dễ bị đồng hóa thành âu. Nhưng trong phương ngữ Bắc thì cũng chỉ đến thế, chứ gần như không có chuyện ưu thành u hay ngược lại, ví dụ Ngưu lang có thể thành Ngâu lang nhưng không thể thành Ngu lang, Chu bản có thể thành Châu bản chứ không thể thành Chưu bản.

2. Tuy nhiên sự khác biệt trong phát âm theo phương ngữ lại góp phần làm phức tạp thêm sự lẫn lộn nói trên. Ví dụ phương ngữ Bắc có khuynh hướng bảo lưu tiếp hợp chặt nên hay kéo ưu thành iêu như mưu mô thành miêu mô, bảo lưu thành bảo liêu, còn phương ngữ Nam có khuynh hướng giải tiếp hợp chặt thì hay giản hóa thành mu mô, bảo lu (nói rộng ra thì những hiện tượng con hu – hươu, uống rụ – rượu trong phương ngữ Nam cũng chính là sản phẩm của khuynh hướng phát âm này).

3. Một yếu tố khác không thể bỏ qua là thói quen. Ví dụ từ Việt Hán không có vần im, mảng từ thuần Việt mới có vần này, nhưng chúng ta vẫn quen đọc Kim mộc thủy hỏa thổ chứ không đọc là câm mộc… Chính yếu tố xã hội này đã khiến các trí thức biết chữ Hán phải bất lực trước nhiều sai lầm của số đông trong việc phát âm và thậm chí cả sử dụng các từ Việt Hán từ xưa đến nay.

4. Đã nói tới thói quen thì cũng không thể loại trừ yếu tố ngẫu nhiên. Ai học Luận ngữ cũng biết câu Khổng Tử than thở “Ta chưa thấy ai hiếu đức như hiếu sắc”, chữ hiếu này viết với mã chữ Hán là hảo (đẹp), nhưng khi dùng làm động từ (lấy làm đẹp, ưa thích) thì đọc là hiếu (phương ngữ Nam còn đọc là háo), xưa nay ai học Luận ngữ cũng đọc như thế cả. Tương tự, tiêu dao có khi đọc là tiêu diêu, mà ao và iêu có bộ vị phát âm xa nhau chứ không gần như u – âu – ưu, nên không thể loại trừ khả năng trong từ Việt Hán cũng như thuần Việt vẫn tồn tại những âm đọc cổ xưa ngẫu nhiên còn rơi rớt lại mặc dù tuyệt đại đa số những âm cùng hệ thống đã thay đổi. Các trường hợp như nguyệt (tháng) đọc là ngoạt, thuyết (nói) đọc là thốt, hoàn (viên), hoàn (trở lại) đọc là hườn hay huờn chính thuộc loại này.

5. Tên chúa Nguyễn Phước Châu là chữ châu 3 có thêm bộ chấm thủy, chữ nảy ít thấy trong các từ điển từ thư Trung Quốc, không rõ phiên âm thế nào, nhưng có lẽ âm chính là châu và bị nhà Nguyễn coi là chữ trọng húy nên phải đọc chệch thành chu, vì thế nên làm “liên lụy” tới cả chữ châu 3 có tự hình gần giống.
_____

Nói thêm về bộ vần (vận bộ). Các từ điển Hoa Hán sau 1949 gần như hoàn toàn không đề cập tới vấn đề này, các tác giả từ điển Hán Việt ở Việt Nam từ Đào Duy Anh trở đi cũng thế, nên trong nhiều trường hợp không giúp được người đọc phân biệt chính xác đâu là chính âm và đâu là biến âm của một chữ. Ví dụ chu 1 và chu 2 thuộc vần Thất ngu thì chính âm là chu, đọc châu là biến âm, nhưng ngày xưa đi thi làm thơ nếu đề ra buộc phải làm với bộ vần Thập nhất vưu mà gieo vần bằng những chữ này là lạc vận, thơ có hay cũng bị đánh rớt.

Trước cũng nghĩ tới khả năng chệch âm kiểu thọ – thụ là theo bộ vần, vì thụ (cây) có khi đọc là thọ, nhưng thọ (sống lâu) không bao giờ đọc là thụ, vì hai chữ này thuộc hai bộ vần khác nhau. Có điều khảo sát sâu hơn thì lại không chỉ như thế, vì bảo trong bảo vệ và bảo trong bảo vật cùng vần hạo, nhưng bảo trong bảo vật có khi đọc là bửu, như bửu bối bửu kiếm vân vân, chứ không ai đọc bửu vệ bửu trì cả. Cho nên đành phải tính thêm yếu tố thói quen, mà yếu tố này có khi bắt đầu từ sự ngẫu nhiên…

Đúng là bể học không có bờ!

Nguồn: https://trucnhatphi.wordpress.com/2008/12/18/l%E1%BA%A1i-kieng-huy/

Tham khảo thêm:
VŨ THỊ MAI HƯƠNG Nhận xét về cơ sở ngữ âm học của các từ kỵ húy trong tiếng Việt LUẬN VĂN THẠC SĨ NGÔN NGỮ HỌC
https://repository.vnu.edu.vn/bitstream/VNU_123/17357/5/V_L2_01400_Noi_dung.pdf

12/3/25

LÀM SÁNG TỎ CHÁNH PHÁP HAY PHÁ PHÁP !?

Như tôi đã đề cập trong bài đăng trước, phần 2 của bài báo của Nguyễn Xuân Thắng (xem ở đây) , đăng trên Tạp chí Ngày Nay, mới thoạt đọc qua thì dường như mang mục đích “làm sáng tỏ Chánh pháp,” nhưng thực ra lại tập trung chỉ trích hạnh Đầu Đà và công phu tu tập của Sư Minh Tuệ. Tác giả bài báo nêu lên nhiều kết luận phiến diện, cho rằng Sư Minh Tuệ “không giữ giới,” “tự chế ra pháp đi bộ,” “công án chiếc lá rơi chỉ là thâm thúy chứ không đốn ngộ,” và thậm chí ngấm ngầm ám chỉ ngài có thể “vi phạm giới” nếu để mặc người đời ca tụng thần thông.

Bằng toàn bộ sự tôn trọng dành cho Chánh pháp, bài viết này sẽ cùng quý đạo hữu làm rõ tính chính đáng của hạnh nguyện Đầu Đà mà Sư Minh Tuệ dấn thân, cũng như bảo vệ danh dự của người đang nghiêm cẩn thực hành hạnh Đầu Đà. Trên hết, chúng ta cần khẳng định lại tinh hoa giáo lý: Hạnh Đầu Đà vốn chú trọng xả ly, thanh tịnh và vượt thoát mọi bám chấp. Đó là cốt lõi không thể phủ nhận của Đạo Phật, xuyên suốt từ thời Nguyên thủy đến truyền thống Thiền tông.
1. “GIỚI”: GIỮ GIỚI Ở ĐÂU – BUÔNG BỎ CÁI GÌ?
Bài báo cáo buộc Sư Minh Tuệ “không thuộc 250 giới” và ngầm suy diễn rằng ngài “buông bỏ” giới luật, coi thường mạng sống tinh thần của người xuất gia. Nhưng ngay trong Kinh Tăng Chi Bộ (3.65 & 8.53), Đức Phật đã nhấn mạnh: Giới là phương tiện để đi đến Định và Tuệ, song chính Ngài cũng dạy không được chấp chặt vào hình thức học thuộc hay liệt kê giới một cách máy móc. Nhiều bậc Thiền sư lỗi lạc trong truyền thống Thiền Lâm Thái Lan, Miến Điện, Trung Hoa... dẫu không “thuộc lòng không sai một chữ” từng điều vẫn nghiêm trì, giữ tâm thanh tịnh, hành xử thanh cao, khiến giới luật trở thành đời sống chứ không còn là lời kinh khô cứng.
Khi Sư Minh Tuệ nói “con có đọc nhưng không thuộc hết,… con có thuộc mà cũng không thuộc,” người nghe nếu không am tường Thiền quán sẽ lập tức kết luận “bỏ giới,” nhưng thực chất “buông bỏ” ở đây là buông chấp. Chính chấp trước vào việc “ta giữ giới” rất dễ sinh tâm ngã mạn, ngã ái. Giới luật chỉ hoàn chỉnh khi người hành giả thật sự thẩm thấu tinh thần thanh tịnh “tránh ác, làm lành,” chứ không nằm ở bản danh sách thuộc lòng. Cái cốt tủy của Giới là tịnh tâm và hạn chế ác nghiệp, hoàn toàn phù hợp với tấm gương sống tối giản, ngủ ngồi, ăn một bữa của Sư Minh Tuệ.
Thế nên, lời cáo buộc “không thuộc giới = không giữ giới” của bài báo là suy diễn vội vàng, đi ngược với tinh thần vô chấp của nhà Thiền.
Để hiểu rõ và chi tiết hơn về chủ đề này, quý đạo hữu hãy đọc thêm bài “Giới Vô Giới” của tôi tại:
2. HẠNH ĐẦU ĐÀ VÀ “PHÁP ĐI BỘ”: CÓ THẬT LÀ SÁNG CHẾ?
Tác giả bài báo phê phán rằng trong mười ba hạnh Đầu Đà (Dhutanga) không có quy định nào buộc tu sĩ “phải đi bộ liên tục,” rồi cho rằng Sư Minh Tuệ tự ý phát minh “pháp” mới. Thế nhưng, lịch sử Phật giáo Nam truyền cho thấy từ ngàn xưa, chư thiền sư rừng ở Thái Lan, Myanmar… vẫn có những vị tuyệt đối từ bỏ phương tiện giao thông, suốt đời chỉ đi bộ để giữ tâm đơn sơ, thực hành triệt để tinh thần khắc kỷ. Điều đó chẳng phải “sáng chế cá nhân,” mà là hình thức tùy nghi để tăng tính xả ly và kham nhẫn – đúng chuẩn cốt lõi “cắt giảm tối đa tiện nghi” của hạnh Đầu Đà.
Trọng tâm Đầu Đà, theo Kinh Dhutanga Katha, không nằm ở chỗ “bắt buộc phải ở rừng” hay “bắt buộc phải tĩnh tọa yên lặng,” mà nằm ở tinh thần xả ly tuyệt đối, sẵn sàng đối mặt gian khó để gột rửa tham ái. Có vị chọn ở hang núi, có vị chọn ở nghĩa địa, có vị thực hành nơi đô thị... miễn sao tự cắt đứt các điều kiện tiện nghi của cuộc sống. Nhìn lại con đường Sư Minh Tuệ đã và đang đi: ngài ăn một bữa, không giữ tài sản, ngủ hiên nhà trống, đi bộ nhiều năm, bất chấp gió sương. Đó chính là khí chất của một hành giả Đầu Đà đích thực, chứ không phải “sáng chế” tùy tiện. Chê trách như bài báo đã vô tình chối bỏ toàn bộ tinh thần linh hoạt của Đầu Đà mà chính Đức Phật cho phép, khuyến tấn để rèn luyện ý chí xuất trần.
3. Ý NGHĨA “HOANG VẮNG” VÀ LỐI CHẤP “RỪNG SÂU, NÚI CAO”
Bài báo yêu cầu “muốn hành Đầu Đà, phải tu nơi rừng thẳm, không xuất hiện trước công chúng,” rồi kết luận rằng Sư Minh Tuệ đi qua phố xá, dân cư ồn ào là “trái tinh thần ở nơi hoang vắng.” Cách hiểu ấy bộc lộ sự cứng nhắc, máy móc.
Trong Kinh Trường Bộ, “ở nơi vắng vẻ” có nghĩa vắng lặng tham dục, chứ không nhất thiết đóng khung “chỉ” trong rừng núi. Mọi điều kiện tách biệt đều có thể là “rừng” đối với tâm hành giả, miễn xa rời được náo nhiệt của luyến ái, tiện nghi. Các thiền sư rừng ở Thái, Miến Điện vẫn hằng ngày vào phố khất thực – đó là phương cách kết duyên với quần chúng mà không đánh mất hạnh xả ly. Họ vẫn ngủ trong rừng đêm về, hoặc thậm chí ngủ ngoài bãi đất trống. Sư Minh Tuệ ngủ ngoài sân, hiên nhà trống hay trong nghĩa địa khi cần, tránh mọi tiện nghi – đó cũng là một dạng “hoang vắng” rất thật, rất tinh yếu.
Vì vậy, nói rằng Sư Minh Tuệ di chuyển qua khu dân cư là “diễu hành” hay “trái Đầu Đà” chỉ cho thấy nhận thức chưa thấu đáo về bản chất Đầu Đà: buông xả, giảm thiểu ham muốn, nhẫn chịu khó khăn, chứ không chỉ “chui” vào rừng.
4. CÔNG ÁN “CHIẾC LÁ RƠI TỪ ĐÂU?”: VÔ MINH HAY PHÁ CHẤP?
Một trong những nội dung bài báo công kích là câu trả lời của Sư Minh Tuệ: “Chiếc lá rơi từ vô minh,” bị cho rằng “chỉ thâm thúy, không đốn ngộ.” Lối nhận định này lộ rõ sự cứng nhắc khi người viết cố áp một “công thức” nào đó vào công án Thiền.
Trong nhà Thiền, công án là phương tiện “phá chấp” và khơi gợi “bất lập văn tự.” Có công án sư đáp bằng tiếng hét, bằng gậy, hoặc chỉ thốt lên một từ “A!”. Đánh giá “đúng sai, đốn ngộ hay chưa” dựa trên lối suy luận logic thì lạc hướng hoàn toàn. Khi Sư Minh Tuệ nói “lá rơi từ vô minh,” có thể ngài muốn chấn động tâm thức người hỏi, buộc họ quay lại cội nguồn tâm: mọi phân biệt khởi lên chính từ vô minh. Là lá rơi hay tâm rơi, cuối cùng cũng cần được soi sáng như nhau.
Chỉ trích “lá là vô tri, sao gán vô minh?” càng cho thấy tác giả bài báo hiểu sai công án Thiền: công án vốn “phi logic,” đánh thức người nghe qua hình ảnh bất ngờ, thúc họ vỡ ra chân tánh. Phê phán như thế vô tình hạ thấp phép tu mà chính Tổ sư Thiền tông đã truyền thừa bao thế kỷ.
Để hiểu rõ và chi tiết hơn về chủ đề này, quý đạo hữu hãy đọc thêm bài “Bạch Thầy, chiếc lá rơi từ đâu?” của tôi tại:
5. CÁO BUỘC “THẦN THÔNG, NGỤY THÔNG”: DỰNG LÊN RỒI KẾT ÁN?
Bài báo khơi lại giới luật (Sanghadisesa) về mạo xưng thần thông, cho rằng nếu Sư Minh Tuệ không lên tiếng phủ nhận những lời đồn “có khả năng tâm linh huyền bí,” thì có thể phạm giới. Lập luận này khiên cưỡng và thiếu căn cứ, bởi:
• Thứ nhất, không có chứng cứ Sư Minh Tuệ tự nhận mình sở hữu thần thông.
• Thứ hai, Luật Tạng (Vinaya) quy định phạm giới Sanghadisesa chỉ khi cố ý tung tin hay tự thổi phồng, cốt để người khác tôn sùng, tín phụng sai lạc.
• Thứ ba, nếu Phật tử hay ai đó tự đồn đại, người bị đồn không phải lúc nào cũng có thể kiểm soát dư luận.
Vậy mà bài báo nghiêng hẳn về hướng “chắc hẳn sư phạm giới” hoặc “nghi ngờ,” khiến độc giả lầm tưởng “Sư Minh Tuệ là kẻ huyễn hoặc.” Rõ ràng đó là động tác gán ghép không có nền tảng, nặng tính quy chụp.
6. NHƯ THẾ NÀO LÀ “MẠT PHÁP”? AI ĐANG “LÀM MỜ” CHÁNH PHÁP?
Tinh thần đoạn cuối trong bài báo muốn cảnh tỉnh “thời mạt pháp,” rằng có những kẻ mượn danh Phật giáo để tự tung tự tác, truyền bá tà kiến. Thế nhưng, tác giả lại gài ghép Sư Minh Tuệ vào nhóm đáng ngờ này, dựa trên suy luận: “không thuộc 250 giới,” “đi bộ không nằm trong 13 hạnh,” “công án lá rơi chưa đốn ngộ,” v.v.
Sự thật, mạt pháp theo Kinh Đại Bát Niết Bàn xảy ra khi người tu đánh mất tinh hoa Phật pháp, rơi vào tranh chấp quyền lực, bám chấp hình thức, biến Phật giáo thành công cụ phục vụ tham – sân – si. Quan sát đời sống Sư Minh Tuệ – rời bỏ tiện nghi, ngày đêm đi bộ, ăn uống tối giản, chẳng kêu gọi ai cúng dường xa hoa – ta thấy phẩm chất xả ly hiển hiện rõ. Ngài không kêu gọi đại chúng “thần thánh hóa” mình, không mở lớp nhận đệ tử rầm rộ. Tất cả đều ngược với lối sống phô trương, mê tín, hay trục lợi mà lẽ ra chúng ta mới cần vạch ra để tránh “mạt pháp” thật sự.
Phải chăng, nguy cơ mạt pháp không nằm ở một vị sư “đầu đà” giữ đời sống giản dị đến tận cùng, mà nằm ở chính những hiểu sai, chấp chặt giới luật ở bề mặt, thiếu nghiên cứu tinh thần Thiền và lịch sử tu hành hạnh Đầu Đà. Những nhận định “phê phán phiến diện” vô tình khiến độc giả hoang mang, mất niềm tin nơi một hành giả chân chính, có nguy cơ làm Phật tử lầm tưởng rằng “tu hạnh Đầu Đà nghiêm mật” cũng là lệch lạc.
7. KẾT LUẬN: PHẢI CHĂNG LỜI PHÊ PHÁN CÓ “PHIẾN DIỆN,” NGƯỢC VỚI TINH THẦN THIỀN?
Phần 2 của “Thời kỳ mạt pháp và một cách nhìn” tựa hồ có ý tốt cảnh báo kẻ “lạm dụng Phật pháp,” nhưng rốt cuộc lại đưa ra loạt luận điểm chưa sâu về Thiền và Đầu Đà, từ đó gắn nhãn cho Sư Minh Tuệ là “có thể dẫn đến hiểu sai chánh pháp.” Toàn bộ những luận cứ “không thuộc 250 giới là chưa đủ năng lực,” “đi bộ không phải hạnh Đầu Đà,” “lá rơi từ vô minh chỉ thâm thúy, chưa đốn ngộ,” “có thể phạm Sanghadisesa về thần thông”... đều thiếu chứng cứ vững vàng, thiếu hiểu biết hoàn chỉnh về Giới – Định – Tuệ, về phương tiện công án, về truyền thống hạnh Đầu Đà đã tồn tại hàng ngàn năm trong Phật giáo.
Nói cách khác, tác giả bỏ qua giá trị “bất chấp gió sương, buông xả thật sự, ngủ nghĩa địa, ăn một bữa, lặng thầm đi bộ, từ bi rộng lớn, vô ngã và bình đẳng với tất cả chúng sinh” – vốn rất đáng kính và rất hiếm trong thời đại nhiều cám dỗ. Cốt lõi Đầu Đà là cuộc rèn luyện cao nhất để đoạn trừ tham ái, chứ không chỉ khép kín tu rừng. Sư Minh Tuệ đang thực hành đúng tinh thần ấy, chẳng qua lộ trình buông xả của ngài đòi hỏi di chuyển liên miên, gây chú ý truyền thông, nên dẫn đến những lời bàn tán không đúng sự thật.
Vậy, bài phê phán ấy đã vô tình hoặc cố ý kích động nghi ngờ, có thể đẩy Phật tử lung lay niềm tin với một tấm gương khổ tu. Nếu có hiện tượng “thần thánh hóa” do Phật tử hoặc người ngoài tự gán, đó là trách nhiệm của dư luận; bản thân Sư Minh Tuệ chưa từng lợi dụng nó làm phương tiện “mua danh,” càng không có biểu hiện “phá giới” hay “mê tín.”
Qua tất cả, chúng ta hoàn toàn có thể khẳng định rằng: Hạnh nguyện và Pháp tu của Sư Minh Tuệ hoàn toàn phù hợp cốt tủy Phật giáo. Những điểm tấn công của bài báo là thiếu khách quan, bóp méo hoặc gọt bớt tinh thần sống động của Thiền tông – Đầu Đà. Mong rằng người đọc nhìn sâu hơn, thấy rõ bản chất hành trì: nơi nào còn tham ái, nơi ấy chưa thật Đầu Đà; nơi nào thanh tịnh, buông xả, nơi đó Đầu Đà được thể hiện, bất kể là rừng sâu hay đường phố.
LỜI CUỐI
Bài viết này không chỉ để “bảo vệ” cá nhân Sư Minh Tuệ, mà chính là bảo vệ một giá trị quan trọng của Phật giáo: phép xả ly cực hạn, tinh hoa Thiền tông và Đầu Đà có thể lan tỏa những bài học dũng mãnh về nhẫn lực, vô chấp, thanh tịnh. Trong bối cảnh thế gian ồn ào, tham đắm, người hành giả dám dấn thân vào những pháp tu khó với phát nguyện trọn đời chính là tấm gương thắp sáng Chánh pháp, đưa bao người trở về lòng tin chân chính, chứ không phải nguyên nhân của “mạt pháp” như bài báo đã gượng ép suy luận.
Mong rằng chúng ta không vì chút hiểu lầm trên bề mặt, hay những luận điệu phiến diện, mà hùa nhau chê trách một bậc chân tu đang làm sống dậy tinh thần “đầu đà” như thời Đức Phật. Bởi lẽ, chính những cách nhìn hẹp và thiếu nghiên cứu mới dễ dẫn Phật giáo đến thoái trào, làm mất dần niềm tin vào những giá trị chân thật nhất của Chánh pháp. Kính mong độc giả bừng sáng trí tuệ, nhìn thấy hạnh Đầu Đà là một con đường cao quý, nhắc nhở ta về nguồn cội: gột rửa mọi luyến ái, để thực chứng Giải Thoát ngay chính đời này.
Estelle Vu

Nguồn: https://www.facebook.com/estellevu69/posts/pfbid02FTAeFTS4KhYZC6wMZbm9JJPy2f3dHhRHtwWjMqGJNyXS3Fh6KUQ2L8MJkCfAyzDnl?

11/3/25

Đạo nào cũng là đạo?

 Có người cho rằng “đạo nào cũng là đạo”. Câu nói này thoạt nghe qua có vẻ hợp lý và là một ý tưởng hấp dẫn. Nếu hiểu theo một cách đơn giản, trong phạm trù luân lý đạo đức là đạo nào cũng dạy con người làm lành tránh dữ, thì câu này rất hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cần phải suy xét  nhận định lại quan niệm đó qua lăng kính tôn giáo.

Trước hết có thể nói ngay rằng câu “đạo nào cũng là đạo” hay “đạo nào cũng tốt” chỉ là một câu nói xã giao thông thường hoặc để làm vừa lòng khách, vui lòng bạn hay có thể do sự thiếu thông tin về sự khác biệt giữa các tôn giáo. Trong phạm vi bài này người viết thu gọn về sự khác biệt căn bản giữa hai tôn giáo lớn có đông đảo tín đồ tại Việt Nam là Kitô Giáo [01] và Phật Giáo để giúp cho những người đang đứng ở giữa ngã ba đường tầm Đạo với ấn tượng đạo nào cũng tốt để nhận thấy con đường nào phải lựa chọn. Việc chọn lựa là quyền của mỗi người. Dĩ nhiên mỗi người phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình. Người viết chỉ xin chúng ta suy nghĩ đến sự thật.

Trước khi đi vào chi tiếtchúng ta cần ghi nhận rằng, Phật Giáo là một tôn giáo hoàn toàn khác biệt với các tôn giáo khác trên thế giới về mặt tư tưởng triết họcPhật Giáo không chấp nhận giả thuyết có một vị Trời hay một vị Thượng Đế sáng tạo, không có giáo điều, không có một linh hồn bất tử vĩnh hằng, và không có một đấng quyền năng sáng tạo nào ngự trị trong cái gọi là định mệnh hay số mệnh của mỗi con người. Vì thế, điểm then chốt trong việc phân biệt giữa Phật giáo với các truyền thống tín ngưỡng lớn trên thế giới là vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo? Đối với Phật giáoý niệm về một “nguyên nhân đầu tiên” không hề được đặt ra để lý giải do bởi ý niệm về tánh không và duyên khởi.

Điểm khác biệt căn bản đầu tiên giữa hai đạo là Niềm Tin Tôn Giáo:

Đối với Kitô Giáo, Đức Tin là cốt lõi của đạo. Nếu không tin thì không thể trở thành một Kitô hữu được. Không tin thì không thể thực hành những gì mà đạo Kitô đòi hỏi được. Đức Tin được ghi trong bản Kinh Tin Kính của các Tông Đồ (Apostle's Creed) thường gọi tắt là Kinh Tin Kính. “Tôi tin kính Thiên Chúa, là Cha toàn năng, là Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình”. [02]

Đối với Phật Giáo, vị sáng lập tôn giáo này – Đức Phật Thích Ca – khuyên những người muốn theo Ngài chớ có tin một điều gì chỉ vì điều đó đã được một bậc đạo sư của mình nói ra, được phát xuất từ nơi có uy quyền, được kinh điển truyền tụng hay theo truyền thống từ xưa để lại; mà phải dùng lý trí và sự thông minh của mình để cứu xét và chỉ chấp nhận điều gì khi đã trải nghiệm được hạnh phúc an lạc. Ngài nói rằng Ta không dạy ai đến để tin, nhưng đến để thấy và thực hành”. Điều này đã khuyến khích những người muốn đi theo Ngài hãy nghiên cứu kỹ càng những lời dạy của Ngài và để cho họ tự do quyết định là có nên chấp nhận những điều chỉ dạy đó không. Ngài không bảo ai đến và chấp nhận tôn giáo này nếu họ chưa hiểu những lời dạy của Ngài.[Kinh Kalama] [03].

Nói gọn lại Kitô Giáo là tôn giáo của “đức tin” (faith) và Phật Giáo là tôn giáo của “lý trí” (trí tuệ). [4]

Điểm khác biệt thứ hai giữa Kitô Giáo và Phật Giáo là quan niệm về giải thoát.

Đối với Kitô Giáo, thì sự giải thoát là sự "giải thoát khỏi tội lỗi qua một Đấng Cứu Rỗi". Giáo lý giải thoát này được đặt trên căn bản một số tín điều mà các tín hữu Kitô Giáo phải tin, và đức tin này là tuyệt đối, bất khả tranh cãi, bất khả luận bàn. Vì thế muốn được giải thoát, tín hữu Kitô Giáo phải tin vào nhiều tín điều được ghi trong Kinh Tin Kính của các Tông đồ (Apostle’s Creed). Chúa Giê-xu là nền tảng, là Tác giả và là Đấng duy nhất có quyền ban cho sự Cứu Rỗi (Rôma 3:24, 25; 5:21; Công Vụ 4:12; Hêbơrơ 12:2). Những ai không tin nhận Chúa Giê-xu sẽ không được tha thứ tội lỗi và sẽ chịu phạt nơi hoả ngục.

Đối với Phật Giáođạo Phật cho rằng cuộc đời này là giả tạm và chúng sinh cứ phải sống trong đau khổ vì lòng tham dục vô bờ bến, khiến con người tự mình trói buộc với những xung đột và khổ đau do không bao giờ thoả mãn, nên phải luân hồi triền miên trong vòng sinh tử. Do đó nếu muốn, con người có thể tự mình giải thoát khỏi khổ đau, sinh tử luân hồi bằng các nỗ lực tu tập bản thân: làm lành, tránh ác và tự thanh tịnh hoá tâm ý. Bốn chân lý nền tảng của Phật giáo (Tứ Diệu Đế) cho rằng mọi khổ đau của chúng sinh đều có một hay nhiều nguyên nhân gây nên, chúng có thể bị giải trừ và có con đường để giải trừ khổ đau đó. Con đường đó chính là con đường giải thoát, là Bát Chánh Đạo trong giáo lý căn bản của nhà Phật. Giáo lý này được qui thành ba môn học: Giới, Định và Tuệ. Thực hành Giới và Định là đưa tới trí Tuệ, là giải thoát khỏi sự mê muội, lòng ích kỷ và khổ đau, là đạt tới cảnh giới Niết Bàn.

Đó là nét đại cương sự khác biệt giữa giải thoát trong Phật Giáo và trong Kitô Giáo. Cái căn bản khác biệt này là, một bên là tha lực tức nhờ sự cứu rỗi, bên kia là tự lực, tự mình thắp đưốc lên mà đi. Với Phật Giáo, triết lý của đạo này là một triết lý sống, bởi vì nó là một chân lý giải thoát mà chỉ có ai thực hành nó mới đạt được nó, hiểu được nó trọn vẹn, người Phật tử phải tự mình tu tập để tiến tới giải thoát. Chính Đức Phật dạy, "Không ai có thể cứu vớt chúng ta bằng chính bản thân chúng ta”Đức Phật chỉ là người dẫn đường. Ngài chỉ dạy cho chúng ta con đường tạo ra nguyên nhân và hậu quả. Số phận của chúng ta nằm trong tay chúng ta, không phải trong tay của Trời/Thượng Đế cũng không phải trong tay của Đức Phật. Với Kitô Giáo, vì là một tôn giáo cứu rỗi, con người chỉ cần đặt tất cả vào một niềm tin duy nhất ở một đấng siêu nhiên để mong cầu được giải thoát cho mình: "Thiên Chúa quá thương yêu thế gian đến nỗi ban con duy nhất (sic) của Ngài, để những ai tin vào Người sẽ không bị luận phạt, nhưng được sống đời đời." (Crossing The Threshold of Hope, trang 76),

Điểm khác biệt thứ ba giữa hai đạo là thuyết Sáng Tạo:

Kitô giáo tin có một Thiên Chúa duy nhất, và là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã dựng nên và điều khiển toàn thể vũ trụ hữu hình và vô hình. Cuốn Genesis (Sách Sáng Thế), một trong những kinh Thánh Cựu Ước viết rằng Thiên Chúa tạo ra vũ trụ và muôn vật và loài người trong 7 ngày. Vì thế tín hữu Ki Tô giáo tin rằng mọi thứ trên đời đều có một nguyên nhân, từ đó, cứ truy tầm lên mãi sẽ phải có một nguyên nhân đầu tiên, và Chúa Trời của họ chính là nguyên nhân đầu tiên đó.

Đối với Phật Giáo, tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp mà hiển hiệnbiến đổi vô thườngThế giới này, về bản chất, chỉ là một dòng biến ảo vô thường, không do một Đấng toàn năng nào sáng tạoSở dĩ vũ trụ vạn vật biến hóa vô thường chính là do vạn vật trong vũ trụ chịu sự chi phối của luật nhân quả. Cái nhân nhờ có duyên mà trở thành quả, quả lại là nhân mới, nhờ có duyên trợ giúp mà trở thành quả mới… Cứ như vậy, vạn vật trong thế giới cứ sinh hóa biến hiện không ngừng theo quá trình thành, trụ, hoại, không.

Điểm khác biệt thứ tư giữa hai đạo là vị sáng lập ra tôn giáo.

Đối với Kitô Giáo, Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa toàn năng, đã sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài.

Đối với Phật GiáoĐức Phật Thích Ca là một nhân vật lịch sử có thật, có một tiểu sử rõ ràng được cả thế giới công nhận. Ngài đã thực sự sống trên thế giới này, Ngài không tự xưng mình hay các đệ tử của Ngài tôn xưng Ngài là đấng toàn năng, đấng tạo hóa hay là Thượng Đế v.v. Ngài là người đã giác ngộ hoàn toàn và triệt để (toàn giác), là vị Đạo sư đã tự mình tìm ra được con đường giải thoát ngang qua kinh nghiệm bản thân, không có ai truyền dạy cho Ngài, không có ai ban phép cho Ngài, không phải do thần khởi, cũng không phải là hiện thân hay hóa thân của một đấng thần linh nào. Ngài là một người như mọi người khác, nhưng chính nhờ nỗ lực tu tập cá nhân, Ngài đã tìm ra được con đường giải thoát. Sau khi giác ngộ, Ngài đã giảng dạy giáo pháp cho mọi người, nếu ai có nhân duyên thực hành giáo pháp, kể từ vua quan cho đến thứ dân, kẻ khốn cùng đều được giác ngộ như Ngài. Cho nên Ngài đã nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành.” Ngài là người hướng đạo, chỉ dẫn đường lối cho những ai muốn tu tập, Ngài không thể tu tập thay cho chúng sinh mà con người phải tự mình tu tập mới giải thoát được khỏi khổ đau phiền não do tham sân si trói buộc, mới ra khỏi sinh tử luân hồi được. Cho nên Ngài đã nói: “Các người hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Ngài khuyên hãy nên nương tựa vào chính mình và đi theo con đường giải thoát bằng nỗ lực của chính bản thân mình.

Nói tóm lại, điểm then chốt trong việc phân biệt giữa Phật giáo với Kitô Giáo nói riêng, các truyền thống tín ngưỡng lớn khác trên thế giới nói chung là vấn đề có hay không một Đấng Sáng Tạo? Đối với Phật giáo, tất cả mọi sự mọi vật đều do nhân duyên hòa hợp (duyên sinh), do đó không hề có một Đấng Sáng TạoNgoài ravới Kitô Giáo, Thiên Chúa chính là Chân Lý, là hơi thở, là con đường giải thoát, bất cứ ai đến với Ngài, tin nơi Ngài sẽ được cứu rỗi. Với Phật GiáoĐức Phật Thích Ca là bậc Đạo Sư đã tìm ra con đường giải thoát, hướng dẫn những ai muốn giải thoát khỏi đau khổ trầm luân, hãy đi theo con đường mà Ngài đã kinh qua. Ngài chỉ là người dẫn đường, còn người đi theo phải tự mình làm chủ, tự mình tu tập để đi đến giải thoát chứ không nương nhờ ở bất cứ đấng Thần quyền nào để được giải thoát.

Tâm Diệu

[01] Kitô giáo bao gồm nhiều truyền thống tôn giáo với các dị biệt văn hóa cũng như hàng ngàn xác tín và giáo phái khác nhau. Trải qua hai thiên niên kỷ, Kitô giáo tự hình thành nên ba nhánh chính: Công giáo RomaChính Thống giáo Đông phương và Kháng Cách (Protestantism). Tính chung, đây là tôn giáo lớn nhất thế giới với hơn 2,1 tỉ tín hữu (chiếm khoảng 34% dân số thế giới). (Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

[02] Kinh Tin Kính các Tông Đồ, cũng gọi là Biểu Tín các Tông Đồ, là kinh Tin Kính xưa nhất, có từ thế kỷ thứ II. Bản này tổng hợp các công thức đã có trước đó. Từ thế kỷ thứ VI, bản này có hình thức như ngày nay. Đây là bản tuyên xưng những tín điều chính yếu nhất khi chịu phép Rửa.

[3] Kinh Kalama (trong Kinh Tăng Chi Bộ III.65)

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-69_4-11426_5-50_6-1_17-78_14-1_15-1/kinh-kalama-anh-viet-thanissaro-bhikkhu-thich-minh-chau.html

[4] Theo định nghĩa trong tự điển thì Faith hay Đức Tin là "sự tin chắc vào một cái gì đó mà không chứng minh được cái đó có thực" (Firm belief in something for which there is no proof.) Định nghĩa của Reason hay Lý Trí trong tự điển là "khả năng có những tư tưởng hợp lýsuy lý, hoặc phân biệt" (The capacity of rational thought, inference, or discrimination) hay "suy xét đúng, phán đoán hợp lý" (good judgment, sound sense). Theo những định nghĩa trên thì hiển nhiên là Đức Tin Ki-Tô Giáo và Lý Trí của Phật Giáo là hai từ có nghĩa loại trừ hỗ tương (mutual exclusive), có cái này thì không có cái kia. Thật vậy, khi chúng ta dùng lý trí để xác định và chấp nhận một điều gì thì chúng ta không cần đến đức tin, và khi chúng ta tin vào điều gì mà không cần biết, không cần hiểu, thì lý trí trở nên thừa thãi.

Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a18272/dao-nao-cung-la-dao

2.

Khi suy ngắm lại lịch sử nhân loại, Lammenais, một triết gia Pháp đã đúc kết thành một ý niệm về con người thật thâm sâu: Con người là kẻ hành hương đau khổ nhất chính vì một chân đặt vào hữu hạn, còn chân kia đặt vào vô hạn. Con người là kẻ bị giằng co giữa hai thái cực hữu hạn và vô hạn. Thật vậy, dầu mang thân xác hữu sinh hữu tử nhưng con người luôn chở mang khát vọng cao bay xa chạy khỏi thân phận phù sinh để vươn tới cõi vô biên bất tử. Bằng cách nào? Bằng cách nương nhờ vào đạo hay tôn giáo. Bởi đạo là nẻo đường dẫn tới cứu cánh siêu việt. Nhưng cũng có phương ngôn kinh điển rằng: Mọi nẻo đường đều dẫn tới thành La Mã. Phải chăng ‘con đường’ (đạo) nào cũng dẫn tới kinh thành La Mã? Phải chăng mọi đạo đều tốt như nhau và đều có cùng một cứu cánh? Để trả lời cho những câu hỏi trên, thoạt tiên ta cùng tra vấn bản chất của đạo là gì?

Đạo là đường! Đạo xưa nay được hiểu là cách sống và là bản lề sự sống của con người. Thật vậy, vạn vật không thể di chuyển nếu không có đường đi, chẳng hạn ô tô cần đường bộ, máy bay cần đường không, tàu thủy cần đường biển. Cứ tưởng rằng đại dương mênh mông mà đi thì vấp phải đá ngầm, bầu trời rộng lớn mà bay thì bị cuốn vào tầng đối lưu… Con người cũng vậy, nếu không có đạo tức đường đi sẽ không thể vận động và tiến bộ, thậm chí sẽ diệt vong. Đó là đạo theo nghĩa phổ quát.

Theo nghĩa luân lý, đạo chính là đạo đức. Định nghĩa kinh điển bậc nhất trong địa hạt này là: Đạo đức là thói quen của điều thiện. Đạo nghĩa là thói quen tốt lành được lặp đi lặp lại như một quán tính trọn đời chứ không phải câu chuyện một sớm một chiều. Như vậy, ở mức độ nào đó, đạo đức cũng là một con đường (cách thế) hướng con người đến đời sống thánh thiện.

Theo ý nghĩa tôn giáo, đạo đồng nhất với tôn giáo. Từ điển Công giáo 500 mục từ định nghĩa rằng, tôn giáo là một tín ngưỡng với hệ thống giáo lý và niềm tin vào Đấng Thiêng Liêng[1]. Nghĩa rằng tự bản chất tôn giáo phải tin nhận một Đấng Thiêng Liêng bất tử. Một cách rốt ráo, các chuyên gia định nghĩa tôn giáo là thừa nhận có Đấng Sáng Thế. Đây là đúc kết kinh điển làm kim chỉ nam để định danh một tôn giáo. Thật vậy, đạo nào thừa nhận có Đấng Sáng Tạo thì đó là đạo thật. Trái lại, đạo nào phủ nhận tính thần thánh thì đó là vô đạo (chưa phải là đạo thật, mặc dầu vẫn là đạo theo nghĩa chỉ là con đường hướng thiện mà thôi). Như vậy, đạo là con đường trở về nguồn nơi khai sinh dòng chảy sự sống,  cũng là con đường dẫn tới cứu cánh tối hậu của hiện sinh, nơi viên mãn mọi khát vọng của con người. Tôn giáo nào có khả năng làm được như thế là tôn giáo thật, đồng thời là một tôn giáo tốt.

Thật vậy, cái gì càng thật thì càng tốt, kể cả tôn giáo cũng không ngoại lệ. Chẳng hạn, chỉ không khí thật mới có thể hít thở, thức ăn thật mới có thể ăn, nước thật mới có thể uống để duy trì sự sống. Trái lại, nước giả làm sao uống, cơm giả làm sao ăn, và uống nhằm thuốc giả làm sao có thể khỏi bệnh? Giả như thức ăn giả vẫn ăn được nhưng có thể vong mạng, đường giả vẫn có thể đi nhưng bị lạc lối mà không đạt tới đích. Thử lấy một ví dụ, chủ nghĩa Cộng Sản vẽ vời ra một con đường đầy phi lý ảo tưởng rải đầy hoa hồng, rằng đó là thiên đường xã hội chủ nghĩa của cải nhiều hơn không khí, công dân chỉ cần làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Đã có hàng ức triệu người hân hoan dẫm bước trên con đường ấy nhưng chẳng những không thấy thiên đường, trái lại còn sa lầy xuống địa ngục trần gian và chứng kiến cảnh tượng ‘xuống hố cả nút’ thay vì tiến lên ‘xã hội chủ nghĩa’. Tóm lại, đạo thật phải là con đường thật, là con đường dẫn tới cứu cánh đích thật, ấy mới là đạo tốt. Tức là, đã là đạo (đạo thật), đạo nào cũng tốt.

Quả thật, xét về luân lý, đạo nào cũng xây dựng trên nền móng tình yêu, trên nền móng cương thường cao cả như ăn ngay ở lành, làm lành lánh dữ, tất cả đều hướng con người sống tốt hơn, đạo đức hơn, hướng tới Chân-Thiện-Mỹ. Chẳng có tôn giáo nào dạy con người sống vong ân bội nghĩa, sống phi luân và phi nhân tính. Chẳng hạn, Đức Khổng thì dạy đừng ăn ở trái với Đạo Nhân của Thánh Hiền. Đức Phật với Tứ Vô Lượng dạy đệ tử sống đức từ bi hỷ xả, mở rộng biên cương đức ái ra hết bờ cõi chúng sinh, như không được sát sinh. Kitô giáo cũng dạy hãy yêu tha nhân như chính mình, không chỉ yêu những ai yêu mình nhưng còn yêu cả kẻ thù địch: “Hãy yêu thương kẻ thù và làm ơn cho kẻ ngược đãi anh em”.[2] Bởi vậy, ít nhất trên phương diện luân lý, câu nói: Đã là đạo đạo nào cũng tốt, là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, phải chăng đạo nào cũng tốt khi những cuộc chiến đẫm máu nhất của loài người lại đến từ tôn giáo? Có phương ngôn: Hòa bình chỉ là trang trắng của lịch sử. Thật vậy, trong lịch sử nhân loại, hòa bình chỉ tính bằng giây phút, chiến tranh được tính bằng thế kỷ, thiên niên kỷ. Vả lại, hòa bình cũng chỉ là giai đoạn để chuẩn bị cho chiến tranh mà thôi như phương ngôn: muốn có hòa bình hãy chuẩn bị cho chiến tranh-Si vis pacem, para bellum. Tôn giáo cũng không ngoại lệ, thậm chí chiến tranh tôn giáo càng khốc liệt và tàn bạo hơn mọi cuộc chiến khác. Thập tự chinh diễn ra từ thời trung cổ đã đẩy Âu châu vào một cuộc chiến tương tàn xương chất thành núi, máu chảy thành sông, đến nỗi những bước chân thập tự quân lội bì bõm trong dòng sông máu dâng tới ngập đầu gối. Ngay cả vụ tấn công cảm tử tòa tháp đôi nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001 rúng động địa cầu cũng bắt nguồn từ sứ mệnh thánh chiến của Hồi giáo cực đoan-tuẫn tiết vì Đấng Ala. Những cuộc chiến tôn giáo trải qua bao thế hệ vẫn dùng dằng quyết liệt hơn, nảy lửa hơn như chẳng có hồi kết. Đến mức độ các chuyên gia nhận định rằng, khác với những thế kỷ trước, chỉ là những cuộc tranh chấp đất đai, tiền tài, quyền thống trị thì thiên niên kỷ thứ III sẽ là những cuộc đụng độ tôn giáo, cuộc chiến tâm linh, thuộc thượng tầng kiến trúc. Vậy phải chăng những sự kiện đau thương đó tố giác tính bất thiện của tôn giáo? Không! Tôn giáo chân thật không bao giờ dạy con người sống ác, mà mọi sự ác đều nảy sinh tự đáy lòng con người như Chúa Giêsu dạy trong kinh Máccô: Cái gì trong con người xuất ra mới làm cho con người ra ô uế.[3] Chính vì thế mà tôn giáo ra đời nhằm giúp con người sám hối, biết cải tà qui chính. Nghĩa là, con người theo Phật giáo là đầy tham-sân-si, theo Kitô giáo thì bị nguyên tội tàn phá gây ra sự méo mó lệch lạc tự bản tính nên luôn nghiêng chiều về sự dữ. Do đó, tôn giáo nhiều khi chỉ là phương tiện để con người trục lợi hòng lấp đầy lòng ích kỷ vô lượng mà thôi. Tức là duy chỉ con người có khả năng nhân danh Chúa để giết Chúa, nhân danh thánh thần đội lốt ác quỉ, nhân danh công lý để gieo rắc bất công, nhân danh tự do để cầm tù đồng loại, và nhân danh hòa bình để chuẩn bị chuẩn bị cho chiến tranh. Tóm lại, đã là chân đạo, thì đạo nào cũng tốt, ít nữa trên phương diện luân lý. Mọi hậu quả xấu, không bởi chính tôn giáo, nhưng chính con người mới là thủ phạm trực tiếp.

Tuy vậy, nhân loại lại có rất nhiều đạo, từ điển Bách Khoa đưa ra con số có khoảng 9.900 tôn giáo khác nhau. Trong thực tế, bao nhiêu đạo là bấy nhiêu con đường khác nhau. Đồng nghĩa rằng nếu chấp nhận đạo nào cũng tốt, thì mức độ tốt phải khác nhau, đồng nghĩa rằng phải có một đạo tốt nhất, nghĩa là không thể đạo nào cũng tốt như nhau theo thường ngôn ‘đạo nào cũng như đạo nào’. Tuyên bố như vậy là rơi vào chủ trương cào bằng, đen trắng bất minh, là thái độ à uôm thiếu căn cơ thấu đáo, thậm chí chẳng có tôn giáo nào chấp nhận một luận điệu như vậy cả. Bởi lẽ thường tình ai cũng cho mình đẹp, mình tốt mặc cho mình xấu, chưa tốt. Cứ xem câu chuyện thầy bói sờ voi thì biết, mỗi thầy mù sờ vào mỗi bộ phận con voi khác nhau lại quả quyết con voi là như vậy. Đó là cách nhìn gà hóa cuốc, đánh cược chân lý toàn thể với tâm lý cục bộ, lấy cái thành phần làm thước đo cái phổ quát. Chính vì thế mới gọi câu chuyện là ‘thầy bói mù sờ voi’, vì không có mắt sáng, hoặc giả có mắt sáng nhưng lại không thấu tỏ, ‘có mắt như mù’ là thế. Tại sao? Có thể vì thiên kiến, quá cảm tính mà thiếu lý tính, quá chủ quan mà thiếu khách quan, sống bầy đàn mà thiếu bản lĩnh suy tư độc lập (đây là đặc tính thâm căn cố đế của người Việt nói riêng, người Á Đông nói chung). Nhân loại cũng dễ bị mù như những thầy bói khi phát biểu câu nói trên một cách vô lối, vô tội vạ mà không nhận thức được tiêu chuẩn khách quan của vấn đề. Vì vậy, một lần nữa cần xác quyết rằng, tôn giáo thật đều tốt, nhưng không tốt như nhau, và phải có một tôn giáo tốt nhất. Vậy, tôn giáo nào mới là tốt nhất?

Đức Đạt Lai Lạt Ma từng đề ra tiêu chuẩn trong một cuộc khảo vấn về tôn giáo nào tốt nhất. Ngài trả lời: Tôn giáo tốt nhất là tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối Cao nhất. Thoặt nghe có vẻ rất thuyết phục, nhưng nếu là một phật tử chân phương làm sao có thể chấp nhận cho được một định nghĩa nghịch với bản chất của đạo Phật đến vậy lại thốt ra từ miệng một vị đại sư đức cao vọng trọng, bởi lẽ Phật giáo có thừa nhận một Đấng Tối Cao nào đâu. Ta hiểu có thể vì ngài tránh đối đầu trực diện, lờ đi một vấn đề nóng bỏng và rất nhạy cảm rất như vấn đề tôn giáo. Vậy đâu mới là tiêu chuẩn của một tôn giáo tốt nhất? Câu hỏi sẽ được giải quyết bằng sự so sánh tôn giáo trên một số tiêu chí khách quan phổ quát. 

Đầu tiên, ở trên chúng ta đã bàn, tôn giáo càng chân thật thì càng tốt. Cũng theo định nghĩa trên, tôn giáo thật, tự bản tính thừa nhận có Đấng Sáng Tạo, nói một cách giản dị, phải mang bản tính Thần Thánh. Thần Thánh ở đây không phải là một năng lực siêu nhiên mù quáng của đạo Lão hay đạo Khổng, vô ngã của đạo Phật, nhưng là một bản vị hiện hữu độc lập, siêu việt. Đạo nào như thế? Tạm chấp nhận khối tôn giáo độc thần bắt nguồn từ Ápraham đều chân tín có Đấng Sáng Thế vũ trụ, là Thiên Chúa, Ngài là Đấng Tự Hữu[4], hữu ngã và siêu việt tuyệt đối thế giới thụ tạo. Ngoài ra hầu hết những tôn giáo khác, đều không thừa nhận Ai làm ra vũ trụ vạn hữu, mặc dù một số sót tôn giáo khác chỉ thừa nhận một năng lực mù quáng là nguồn gốc vũ trụ mà thôi. Chẳng hạn, Công giáo tuyên tín trong kinh Tin Kính rằng: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn Năng, Đấng tạo thành trời đất hữu hình và vô hình.” Hay sách Sáng Thế viết: “Thuở ban đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.”[5] Lão giáo mặc dù thừa nhận Đạo là thực thể siêu việt, nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, nhưng Đạo là năng lực vô danh, vì hữu danh tức có thể biết về Đạo thì Đạo thôi còn là Đạo, sách Đạo Đức Kinh viết: “Đạo khả đạo phi thường đạo, Danh khả danh phi thường danh”[6] (Đạo thật, Danh thật thì bất khả gọi tên), hay: Vô Danh thiên địa chi thủy (Đấng Vô Danh là năng lực sáng tạo nên càn khôn). Tương tự Khổng giáo cũng mù mờ nhận ra một Ông Trời là căn nguyên vạn vật, nhưng triết lý Khổng giáo không nói nhiều về Ông Trời này mà chỉ đề cập đến Âm-Dương hòa hợp, đến đạo đức của kẻ làm tôi, kẻ làm thánh hiền, của bậc chính nhân quân tử (như ngũ đức: Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Phật giáo thì đặc biệt chối bỏ Thượng Đế sáng tạo, chối bỏ bản ngã bằng học thuyết vô ngã. Tác giả Thu Giang Nguyễn Duy Cần trong tác phẩm ‘Phật Học Tinh Hoa’ viết: “Theo Phật giáo, quan niệm về một cái TA (NGÃ) trường cửu là một quan niệm sai lầm và hoàn toàn giả tưởng.”[7] Triết lý phật học coi mọi sự có là do nhân duyên hòa hợp mà thành, kể cả thân xác con người cũng do ngũ uẩn kết tụ lại (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), vạn sự tồn hữu đều do hữu duyên hay vô duyên, đều biến đổi vô thường. Sở dĩ vạn vật biến thiên vô thường, sắc sắc không không là chịu chi phối bởi nguyên lý nhân quả. Nhân nhờ duyên mà thành quả, quả nhờ duyên mà trở thành nhân mới, cứ thế qua hằng hà sa số kiếp luân hồi. Tóm lại, xét theo định nghĩa chung nhất về tôn giáo, nghĩa là thừa nhận có Đấng Sáng Tạo, là Đấng hiện hữu cá vị, độc lập, siêu việt thì chỉ có những tôn giáo xuất nguyên từ Ápraham (Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo), ngoài ra đều phủ nhận, hoặc toàn bộ, hoặc một phần, nếu không phủ nhận thì thừa nhận một năng lực mù quáng, vô ngã (không do ai cả), ngẫu nhiên sinh thành nên vũ trụ. Xét theo đó, chỉ những tôn giáo độc thần là tôn giáo đích thực và do đó là những tôn giáo tốt nhất.

Thật vậy, ta đi chứng minh điểm này theo lý tính. Những tôn giáo không tin nhận một nguyên lý tạo dựng như Phật giáo, tự nó mâu thuẫn và vô lý. Quả vậy, bằng quan sát thường nghiệm, ta thấy không có vật gì tồn tại mà không có nguyên nhân, bởi ‘vô nguyên nhân bất thành hậu quả’. Thử đơn cử con người, ta có là bởi cha mẹ ta, cha mẹ ta bởi ông bà sinh ra, ông bà lại bởi cụ kỵ sinh thành, cứ thế truy nguyên tới bất tận ắt phải gặp một Đấng Sinh Thành đầu tiên, nếu không thì không có gì cả. Vậy, chối từ nguyên lý sinh thành mọi hữu thể là đi ngược lại lý trí, chống lại nguyên lý nhân quả trong tôn giáo. Hơn nữa, nguyên lý sinh thành không thể nào là vô ngã, vô thức, vô danh, vì hư vô cũng chẳng có thể sinh ra gì cả, vô ngã không thể sinh hữu ngã (như con người), vô thức không thể sản sinh ra ý thức. Vả lại, tôn giáo mà phủ nhận Thần Thánh thì còn gì là tôn giáo nữa. Bởi vậy, những chuyên gia tôn giáo vẫn cho rằng Phật giáo chỉ là một triết lý nhân sinh bi quan yếm thế về cuộc đời là bể khổ, về sự tự giải thoát, chứ không phải tôn giáo, mà nếu là tôn giáo thì là tôn giáo vô thần mà thôi. Chính Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện đại học Vạn Hạnh thừa nhận điều này, ông nói: Trước hết chúng tôi xin vào đề ngay rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, dù nghĩa tôn giáo hiểu theo truyền thống Tây phương hay Đông phương.[8] Như vậy, ta đã chứng minh thêm được một điều chỉ những tôn giáo thừa nhận có Đấng Sáng Tạo là nguyên nhân đầu tiên (tôn giáo độc thần) là hữu lý, là tôn giáo đích thực.

Thêm nữa, nếu phủ nhận sự tồn hữu của Thượng Đế Siêu Việt là nguyên lý sinh thành càn khôn, nếu không công nhận có ‘người’ (tha), có ‘ta’ (ngã), nếu tất cả là ‘vô ngã’ thì tình yêu chẳng phải vô ích ư? Thật vậy, làm gì có những cá nhân, những con người để mà yêu nhau. Vả lại, nếu thiếu đi ý niệm nhân vị (ngôi vị, bản vị) thì đức từ bi, hỉ, xả, bác ái chỉ còn là sự thương hại mà thôi. Bởi chưng tình yêu ấy là tình yêu chung chung, không có đối tượng để nhắm tới, vì yêu ai đó thì “ai” đó chỉ là vô ngã, là hư vô, do đó không thể có sự đau khổ của “ai” để thực thi tình yêu, mà trái lại chỉ có sự đau khổ chung chung như ‘đời là bể khổ’. Nói khác đi, mọi nỗi bất hạnh hay đau khổ đều là phi nhân tính  (impersonnel), vì không có ‘chủ thể’, không có ‘ai’ cả, chỉ có thứ đau khổ chung chung mà thôi. Vì thế đau khổ cũng phải cam chịu, biết phàn nàn trách móc ‘ai’, cũng không cần phải tha thứ cho ‘ai’, vì nào có ‘ai’ đâu để mà than thân trách phận, để mà tha thứ? Đây quả là là một nghịch lý rất lớn của Phật giáo.

Thứ đến, ta sẽ chứng minh rằng Kitô giáo là tôn giáo đích thực, là con đường giải thoát đích thực. Ta thấy Kitô giáo là đạo mạc khải từ trời, lịch sử nhân loại là lịch sử cứu độ, khởi đi từ ngàn xưa Thiên Chúa Cha ưu tuyển một dân riêng, ban các thủ lãnh, ngôn sứ loan báo về triều đại vĩnh cửu, và khi đến hồi viên mãn, chính con một của Chúa Cha là Chúa Giêsu Kitô đến, sinh thành làm người, đồng bàn với con người, trọn vẹn con người, chỉ trừ tội lỗi[9], Ngài chịu chết để xá tội trần gian, ba ngày sau Ngài đã sống lại và lên trời. Nghĩa là không phải con người mà chính Thiên Chúa đã đi bước trước khai sinh ra Kitô giáo. Trái lại, tam giáo đồng nguyên (Phật giáo, Lão giáo, Khổng giáo) rồi Ấn giáo đều là tôn giáo của con người, là sự nổ lực tự siêu việt hóa chính mình. Hồi giáo cũng là nhân đạo vì Mahomet tự xưng là mình tiên tri lớn nhất và cuối cùng được Thiên Chúa mạc khải cho. Nghĩa rằng Kitô giáo là thiên đạo (những tôn giáo xuất phát từ Ápraham cũng là thiên đạo nhưng chưa hoàn mãn vì phủ nhận thiên tính của Đức Giêsu, nên ta sẽ không cần bàn đến những tôn giáo này nữa), ngoài ra đều là nhân đạo (không cần bàn định những đạo lẻ tẻ cục bộ như đạo thờ ông bà, thờ thần cây đa ma cây gạo). Nghĩa là, Kitô giáo là đạo thiên khải, đạo từ trời, là thiên đạo, vì thế là tôn giáo chân thực nhất, do đó cũng tốt nhất.

Thật vậy, Martin Luther đã từng đúc kết chí lý rằng: Loài người có hai loại tôn giáo, một loại tin mình có thể tự mình cứu rỗi chính mình, một loại tin rằng sự cứu rỗi chỉ có thể đến từ một Đấng nào đó bên ngoài mình, siêu việt hơn mình. Điểm này ta chỉ cần chứng minh qua hai tôn giáo lớn, là Phật giáo và Kitô giáo. Nếu Kitô giáo cho rằng ơn cứu độ đến từ một Tha Thể, con người hoàn toàn bất lực thì Phật giáo xem chủ thể mới là hạt nhân cứu rỗi, tự thắp đuốc lên mà đi. Nhãn quan Kitô giáo xem số phận con người do Thiên Chúa định đoạt, yêu thương, và quan phòng. Nhãn quan Phật giáo xem số phận nằm trong tay mình, không do ai định đoạt, dù là Thượng Đế hay Đức Phật. Sự cứu rỗi trong Kitô giáo hoàn toàn hệ tại ở niềm tin vào lòng thương xót Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để những ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.”[10] Trái lại, Đức Phật thuyết pháp vạn vật tất yếu đạt tới cõi niết bàn (nirvana) qua hằng hà sa số kiếp, ngài nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Như vậy, từ hai nhãn quan đối lập, việc ta cần làm là luận chứng xem nhãn quan nào hữu lý hơn.

Ta hãy bắt đầu với quan niệm Phật giáo để rút ra kết luận về Kitô giáo. Phật giáo tin vào sự tự giác ngộ, sự tự cứu chuộc chính mình, Đức Phật dạy: Không ai có thể cứu vớt chúng ta bằng chính bản thân chúng ta. Theo lý tính, con người tự cứu chuộc chính mình, tự siêu việt hóa mình chẳng khác gì tự cầm lấy tóc nhấc bổng mình lên. Điều này là phi lý và bất khả. Quả vậy, một chiếc bình dù cố gắng bao nhiêu chăng nữa thì cùng lắm chỉ là một chiếc bình đẹp, làm sao có thể trở thành bàn tay làm ra nó đây? Con người có hành thiện tích đức cả đời, đức độ cao dày bao nhiêu, hiểu biết sâu rộng thế nào thì vẫn sẽ mãi là một con người không hơn không kém, theo nghĩa có thể vuột thoát kiếp phù sinh yểu mệnh hữu tử bỗng hóa thành Đấng Toàn Năng bất tử. Chẳng hạn, cứ cho là Đức Phật đã đắc ngộ chính quả nhưng sinh tiền ngài vẫn chịu thống trị của dục vọng đói ăn khát uống, vẫn mê lầm uống phải thuốc độc, vẫn bị đánh bại bởi cái chết vào tuổi 85 mà chẳng có phục sinh. Rõ ràng Đức Phật chỉ là một người phàm không hơn không kém. Hơn nữa chưa bao giờ Đức Phật tự nhận mình là Thần Linh theo câu nói đầy hoang tưởng dân gian truyền tụng về ngài: ‘Thượng thiên hạ địa, duy ngã độc tôn’ (trên trời dưới đất chỉ mình ta là đáng tôn thờ). Phàm là con người thì có sinh ra phải có chết đi, có khởi đầu ắt có kết thúc. Còn Đức Giêsu thì vô tiền khoáng hậu, bởi chưng Ngài là Thiên Chúa vừa là con người. Là con người, Ngài vẫn được cưu mang và sinh thành, sống như một con người, cũng chết như một con người. Là Thiên Chúa, Ngài ‘nhập thể’ làm người, sống kiếp phàm nhân, giống như phàm nhân ngoại trừ tội lỗi, và cho dù bị chôn vùi đáy huyệt nhưng ba ngày sau Ngài sống lại như ba lần tuyên bố trước đó của Ngài: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”[11] Rõ ràng, Đức Giêsu là người duy nhất ‘vượt mặt’ nhân loại bởi vì Ngài là Thiên Chúa, vì thế Ngài thống trị sự sống và sự chết chẳng thống trị nổi Ngài. Trái lại, nấm mồ là dấu chết hết của mọi thụ tạo, dù là Đức Phật hay bất cứ vĩ nhân nào chăng nữa.

Chưa dừng lại ở đó, nếu Đức Phật chỉ nhận mình là ‘chân lý như mặt trăng, ta chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng, đừng lầm tưởng ta với mặt trăng’, tức chỉ là người vẽ đường chỉ lối cho hậu thế bước đi, thì trước và sau Đức Giêsu chưa từng có ai tuyên bố một sấm ngôn như Ngài: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.”[12] Ta đi chứng minh tính thần thánh trong câu này mà bất cứ phàm nhân nào cũng không thể nói được như Ngài.

“Thầy là con đường!” Như trên đã luận chứng, vạn vật không thể tồn tại nếu không có đường đi. Như vậy, Đức Giêsu là con đường (đạo) thì cũng là con đường sống của vạn vật.

“Là sự thật!” Theo các triết gia và thần học gia thì Chúa Trời là Đấng sinh thành mọi hữu thể. Ngài không những là chân lý mà còn là suối nguồn sản sinh chân lý. Và chúng ta không thể hình dung nổi một Thiên Chúa lại là hàng giả. Nếu Ngài là hàng giả thì làm sao sống cùng lịch sử cứu độ được?

“Là sự sống!” Triết gia Aristotle cho rằng: Con người không thể sống nếu không ăn thức ăn thật, uống nước thật và hít thở không khí thật. Vậy thì Chúa đã là đường thật và là chân lý thì hiển nhiên Chúa là con đường chắc chắn dẫn tới sự sống.

“Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy!” Có nghĩa rằng nước trần gian không phải là một ao tù nước đọng mà chính nó được Chúa Cha mạc khải, dẫn dắt và quan phòng đi về nước trời vĩnh cửu.

Từ những luận chứng trên, ta rút ra được một số kết luận, Đức Giêsu chính là Thiên Chúa thật và là người thật, trong khi hết thảy nhân loại, kể cả Đức Phật, Đức Khổng Tử, Lão Tử, Mahomet đều là người phàm. Đức Giêsu chính là Đạo (con đường) vì thế chọn đạo là chọn Ngài, trong khi những đạo khác chọn đạo không phải chọn đấng sáng lập đạo. Đức Giêsu là chân lý, là sự sống, là cứu cánh đích thực, trọn cuộc đời Ngài minh chứng điều này, trong khi nhân loại chưa từng có ai tuyên bố mình là chân lý, là sự sống, là cứu cánh cho nhân loại. Tóm lại, Kitô giáo là đạo thiên khải, đạo từ trời, từ trên đi xuống, còn lại những đạo khác là nhân đạo, là nổ lực của con người, từ dưới đi lên. Do đó, đạo hiểu theo ý nghĩa là con đường liên lạc với thần linh thì chỉ Kitô giáo mới là tôn giáo chân thực nhất bắt nguồn từ Trời, do đó cũng phải là tôn giáo tốt nhất. Bởi lẽ chính Đức Giêsu là chân lý tuyệt đối đã hạ cố mạc khải chính mình trọn vẹn nơi Kitô giáo, và nơi Ngài Chân-Thiện-Mỹ tuyệt đối đồng qui thành một: Chân (sự thật) chính là Thiện (tốt) và cũng chính là Mỹ (cái đẹp). Tức chỉ có Kitô giáo là tôn giáo chân thực nhất vì vậy cũng là tôn giáo tốt nhất. Như vậy, một lần nữa, câu nói: Đã là đạo, đạo nào cũng tốt chỉ đúng khơi khơi ở bề mặt, còn bề sâu và chiều cao thì chưa đúng. Bởi đạo nào cũng tốt nếu đó là đạo thật. Nhưng mức độ sự thật lại khác nhau ví thể đều là vàng nhưng vàng18k không giống vàng 99k lại khác hoàn toàn với vàng ròng 100k vậy. Nghĩa là đạo thật nào cũng tốt nhưng mức độ tốt lại khác nhau.

Tựu trung lại, đạo là đường! Có bao nhiêu đạo là có bấy nhiêu con đường. Quan niệm: đã là đạo, đạo nào cũng tốt là đúng nhưng chưa đủ, chỉ đúng trên phương diện luân lý và lý tưởng là con đường hướng thiện. Bao nhiêu con đường đúng hay thật là bấy nhiêu con đường tốt, đồng nghĩa phải có một con đường tốt nhất. Bởi con đường càng chân thật thì càng tốt. Nếu xét nghĩa sâu xa là mang bản tính thần thánh, thì không phải tôn giáo nào cũng thật, cũng là tôn giáo (như Phật giáo được xem là ‘tôn giáo vô thần’) do đó không phải tôn giáo nào cũng tốt. Nếu xét theo nghĩa cội nguồn là bởi người hay bởi Trời, thì chỉ những tôn giáo xuất nguyên từ Ápraham mới là tôn giáo Thiên Khải, là chân đạo, do đó mới là tôn giáo thực. Cuối cùng chỉ Kitô giáo mới là tôn giáo chân thực nhất vì thế cũng là tốt nhất bởi chưng được chính Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Giêsu Kitô đến thiết lập, kiện toàn lời hứa và hoàn thành lịch sử cứu độ: “Thuở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.”[13]

Phêrô Võ Tá Thông, K XVI 



[1] HĐGMVN, Từ điển Công giáo 500 mục từ, Nxb. Tôn Giáo, tr 354.

[2] Mt 5,44.

[3] Mc 7,18.

[4] Xh 3,14.

[5] St 1,1.

[6] Lý Minh Tuấn, Lão Tử Đạo Đức Kinh Giải Luận, Nxb. Phương Đông, 2010, tr 13.

[7] Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Phật Học Tinh Hoa, Nxb. Trẻ, tr 160-161.

[9] Dt 5,1.

[10] Ga 3,16.

[11] Mc 9,31.

[12] Ga 14,6.

[13] Dt 1,1-2.


Nguồn: https://www.dcvphanxicoxavie.com/vn/Van-Hoa-Hiep-Thong/Da-La-Dao-Dao-Nao-Cung-Tot.html

3.

Lm Mai Ðức Vinh

ÐẠO NÀO CŨNG GIỐNG NHAU?

Ðạo nào cũng giống nhau” là một câu nói rất quen nghe nơi người Á Châu, cách riêng giữa người Việt Nam và cách riêng nữa nơi những người ngoài Công giáo. Người ta nói với nhau khi câu chuyện chạm đến vấn đề tôn giáo, mà đặc biệt: khi một người được mời vào đạo Công giáo; hay khi người ta có con cháu, bạn hữu đi học giáo lý để gia nhập Giáo Hội. Nói như thế bởi vì trên 90% những người trưởng thành học đạo với tôi trong 15 năm qua đều đã nghe bà cô, bà bác hay anh chị em bạn rỉ tai: “Ðạo nào cũng giống nhau, đạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ. Vậy thì cha mẹ theo đạo nào, con cháu theo đạo đó, tội gì phải vào đạo Công giáo. Ðã đi làm vất vả còn phải đi học giáo lý. Ðạo nào cũng giống nhau. Chỉ cần mình sống ngay lành là đẹp lòng Trời rồi.”

Những người nói câu “đạo nào cũng giống nhau” thường là những người thành tâm, có niềm tín ngưỡng, muốn quý trọng hết mọi đạo. Họ nói câu này với con cháu, bạn bè như để cho một lời khuyên, một sự thông cảm, một ý kiến xây dựng, chứ không ngăn cản ai, không có ý phê bình chỉ trích tôn giáo nào. Ðối với họ đạo nào cũng tốt và cũng đáng kính trọng. Cách đây mấy năm, tại ga xe hỏa gần Paris, tôi gặp một ni cô, một bà Phật tử và một bà Công giáo tôi quen biết. Bà Công giáo nói với tôi “Con dẫn ni cô và bà này đi mua một 'pavillon' để làm Phật đường.” Trong câu chuyện dài không đầy 10 phút, cả ba người đều lần lượt nói rất tự nhiên: “Ðạo nào cũng giống nhau cả cha ạ!.”

Càng ngày tôi càng xác tín: đây là vấn đề rất quan trọng trong mục vụ giáo lý. Không một người tân tòng nào lại không được cắt nghĩa tường tận vấn đề này trước khi quyết định đón nhận đức tin Công Giáo. Và để chu toàn công việc mục vụ giáo lý này, tôi nghĩ những người có trách nhiệm dạy giáo lý cho người trưởng thành cần góp ý và trao đổi kinh nghiệm với nhau. Ðó chính là mục tiêu của những trang viết thô sơ này.

Chúng ta biết: một cách chung, về phạm vi tôn giáo, thế giới bao giờ cũng chia thành hai khối lớn: khối hữu thần và khối vô thần. Khối hữu thần lại chia làm hai, khối độc thần (Do Thái giáo, Kitô giáo, Hồi giáo) và khối đa thần (Linh hồn giáo, Ấn giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo ...).

Riêng tại Việt Nam, về tôn giáo nổi bật hai khối:

1) Khối độc thần hay Thiên Chúa giáo (Hồi giáo, Kitô giáo tức Công giáo và Tin lành). Xét về số tín đồ, về sinh hoạt và ảnh hưởng xã hội, Công giáo mạnh hơn cả.

2) Khối đa thần hay Tam giáo (Lão giáo, Khổng giáo, Phật giáo). Vì khó phân biệt tín đồ của mỗi tôn giáo này, cho nên dù “số tín đồ Phật giáo thuần túy” hay đã “qui y tam bảo” không nhiều, cho đến nay Phật giáo vẫn “được coi” là quan trọng và đông đảo tín đồ hơn cả.

Nhận định trên cho phép chúng ta hạn định việc tìm hiểu câu “Ðạo nào cũng giống nhau, cũng dạy làm lành lánh dữ” vào việc so sánh Công giáo với Phật giáo trên ba điểm chính:

1) Người sáng lập đạo.
2) Niềm tin.
3) Sống đạo.

Chúng ta có thể khẳng định ngay rằng: đối chiếu Ðức Kitô và Ðức Phật, câu nói “Ðạo nào cũng giống nhau” không đúng. Xét về “Niềm tin,” câu vừa nói cũng không đúng. Vì căn bản của quan điểm về Thiên Chúa (Thượng Ðế quan), về con người (nhân sinh quan) và về vạn vật (vũ trụ quan) giữa Công giáo và Phật giáo thật khác nhau. Xét về “Sống đạo,” câu nói trên kia không hoàn toàn đúng, bởi vì trong cách sống đạo giữa Công giáo và Phật giáo có nhiều điểm giống nhau về sự kiện nhưng lại rất khác nhau về ý nghĩa. Chúng ta trình bày tóm lược như sau:

I. Ðấng Sáng Lập Ðạo:

Ðiều phải nói ngay: So sánh Chúa Giêsu với Ðức Phật không có nghĩa là đặt Chúa Giêsu và Ðức Phật ngang hàng nhau. Nhưng chúng ta có thể theo ý kiến của Cha Romano Guardini trong cuốn Le Seigneur, ngài viết: “Il n'y a qu'un personnage qui pourrait donner l'idée de le rapprocher de Jésus, c'est Bouddha” (Chỉ có một nhân vật có thể gợi lên ý tưởng xích gần người lại với Chúa Giêsu, đó là Phật Thích Ca) 1. Rồi cũng chính Cha Romano Guardini trong cuốn “L”Essence du Christianisme” quyết đáp: “Le Christ n'est pas au niveau du Bouddha, mais ne peut être que infiniment au-dessus” (Ðức Kitô không thể đồng hàng với Ðức Phật nhưng chỉ có thể vô cùng trổi vượt)2. Vậy chúng ta có thể nêu lên mấy điểm đối chiếu sau đây:

1. Chúa Giêsu

a. Người là Thiên Chúa làm người

”Ngôi Lời đã nhập thể và ở giữa loài người” (Galát 1,14); “Thiên Chúa đã sai con mình đến trần gian, mặc lấy thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta” (1Côrintô 8,3); “Ðồng bản tính với Thiên Chúa, song đã hạ mình nhận lấy thân phận tôi tớ và nên giống như phàm nhân” (Pl 2,7). “Ðiều chắc chắn là Chúa Giêsu từ trời đã đến trong trần gian (1Timôtê 1,15), và Người là người thật” (1Timôtê 2,5). “Chúng tôi tin chắc Người là Thiên Chúa thật” (1Galát 5,20)...

b. Chọn đạo là chọn chính Người:

Hay đúng hơn là chính Người chọn chúng ta (Galát 15,16), cho chúng ta kết hợp với Người như cành nho với thân nho (Galát 15,5-7), “như chi thể trong thân thể” (Rôma 12,5). Vì Người là đường đi, là sự sống và là chân lý (Galát 14,6) là sự sống vĩnh cửu (1Galát 5,20). Vậy chúng ta là những người mang chân lý của Chúa Kitô trong mình (2Côrintô 11,10), chúng ta phải bước đi trong Ðức Kitô, hãy ăn rễ trong Người (Cl 2,6), sống kết hợp với ngài (1Ts 5,10), để chúng ta ở trong Người và ngài ở trong chúng ta (Galát 14,20), để “chính Chúa Kitô sống trong chúng ta” (Mihi vivere Christus est) (Pl 1,21)...

c. Chính Ðức Kitô là người giải thoát và là cứu cánh sự giải thoát:

”Thiên Chúa đã sai tôi đến đem tin lành cho kẻ nghèo khó, an ủi kẻ buồn phiền, báo cho các tù nhân biết họ được tha, cho các người mù biết họ được sáng mắt, cho kẻ bị áp bức biết họ được tự do” (Luca 4,18). Ta là đường (Galát 14,6) ai đi theo Ta, người đó sẽ không đi trong bóng tối (Galát 8,13); Ta là chân lý (Galát 14,6) và chân lý giải thoát anh em (Galát 8,32); Ta là sự sống (Galát 14,32) Ta đến để ban sự sống cho thế gian (Mát-thêu 20,28), để cho mọi người được sự sống (Galát 3,14-15), ai tin theo Ta người đó sẽ được sự sống muôn đời (Galát 3,15). Tóm lại, “Chúa Giêsu đến giải thoát chúng ta để chúng ta sống tự do” (Gl 5,1) Và ngoài Người, chẳng ai giải thoát chúng ta (Cv 4,12)...

2. Ðức Phật Thích Ca

a. Ðức Phật chỉ là người trần, tu thân thành Ðại Giác (illuminé).

Như lời khẳng định của Cha Romano Guardini “En réalité, il ne se présente que comme le premier des illuminés” (Sự thật, Ðức Phật chỉ hiện thân như một người đại giác cao nhất) 3. Giáo sư Walpola Rahula, trong cuốn “What The Bouddha Taught” (Những điều Ðức Phật đã dạy) viết: “Trong số những nhà sáng lập các tôn giáo, Ðức Phật (nếu có thể gọi Người là nhà sáng lập một tôn giáo theo nghĩa thông thường của danh từ) là vị Thầy độc nhất đã không tự xưng là gì khác hơn là một con người, hoàn toàn chỉ là một con người. Người lại là một con người tự nhận không được một thiên khải nào từ bất cứ một vị Thần linh hay một quyền năng nào khác” 4. Ban Hoằng Pháp, soạn giả của bộ “Phật Học Phổ Thông,” ở mục “Ai khai sáng ra đạo Phật?,” sau khi tóm tắt rõ ràng gia thế, danh xưng của Ðức Phật, đã viết: “Lúc nhỏ Ðức Phật có trí huệ sáng suốt và tài năng phi thường. Lớn lên, nhìn thấy nhân sinh thống khổ, thế cuộc vô thường, nên Người cương quyết xuất gia tu hành, tìm đường giải thoát cho mình và cho người, ngõ hầu đưa tất cả chúng sanh lên bờ giác ngộ5. Ðàng khác trong chương nói về “Thờ Phật, Lạy Phật, Cúng Phật,” Ban Hoằng Pháp xác định rõ rệt: ý nghĩa của việc “Thờ Phật” là để tỏ lòng tri ân đối với một người đã có ân đức lớn với nhân loại; Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ là một trong các Ðức Phật đáng ghi ân, và đáng thờ 6. Trong cuốn “Ðại Thừa Phật Giáo tư tưởng luận,” bác sĩ Kimura Taiken viết: “Phật giáo tuy lấy Ðức Phật làm trung tâm để thành lập, song nói theo Phật giáo, Ðức Phật -- dù là Phật lý tưởng chăng nữa -- không giống như một vị thần của các tôn giáo khác chủ trương, hoặc giống bất cứ vị thần thiên nhiên nào, mà chỉ được coi là do sức tu hành của một người đã đạt đến quả vụ Phật mà thôi” 7. Vì thế theo Toan Ánh, có những chuyện như “vừa sinh ra, Ðức Phật đã đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, một tay chỉ xuống đất mà thét 'Trên thì trời, dưới thì đất, duy có ta là đáng thờ nhất' (Thượng thiên hạ địa, độc ngã duy tôn) chỉ là chuyện hoang đường do các môn đồ thêu dệt ra” mà thôi 8.

b. Chọn Ðạo Phật không phải là chọn Ðức Phật

Ðức Phật là người sáng lập ra đạo Phật, nhưng con người của Ðức Phật, cá nhân Ðức Phật không đồng hóa với đạo Người dạy, nghĩa là Người không giữ một vai trò nào trong công việc giải thoát của người khác. Ðức Phật đã bày tỏ một con đường mà chính Người cũng đã theo, một con đường chung cho mọi người, trong đó có một cá nhân là Ðức Phật. Ðức Phật đem đến cho nhân loại một lối thoát, một lý thuyết, nhưng cá nhân Người ở ngoài lý thuyết đó, cũng như người mang thư không liên hệ gì đến bức thư mình mang 9. Khi đã được giác ngộ rồi, Ðức Phật đi thuyết pháp và luôn dặn: “Những điều ta nói chẳng phải là chân lý.” Lời dạy của bậc giác ngộ không phải là chân lý mà chỉ là phương tiện đi tới chân lý. Ðức Phật nói rõ: “Chân lý như mặt trăng, giáo lý ta dạy như ngón tay để chỉ mặt trăng cho các ngươi thấy. Vậy đừng chấp nhầm ngón tay ta là mặt trăng10.

c. Ðức Phật không phải là người giải thoát và không phải là cứu cánh sự giải thoát

Trong cuốn “Lịch sử triết học Ðông Phương III,” giáo sư Nguyễn Ðăng Thục, có đoạn trích sau đây: “Phật không phải là người giải thoát cho người khác, nhưng Người dạy mọi người cách tự mình giải thoát cho mình cũng như Người đã làm lấy. Người ta tin theo lời truyền bá về chân lý của Người không phải vì chân lý ấy từ ở Người xuất ra mà bởi vì qua lời nói của Người một sự hiểu biết cá nhân của mình về những điều Người nói đã biểu lộ ra trong ánh sáng của chính tinh thần mình” (Oldenberg: Buddha) 11. Nói cách khác để thực hiện việc giải thoát, Ðức Phật dạy “mỗi người hãy nương tựa nơi chính mình và không bao giờ tìm nơi nương tựa hay sự giúp đỡ của bất cứ người nào khác, kể cả Ðức Phật.” Người giảng dạy, khuyến khích và cổ võ mỗi người hãy tự tu tập và tìm sự giải thoát cho chính mình. Người nói “Các ngươi nên làm công việc của mình, vì các đức Như Lai chỉ dạy con đường mà thôi.” Nếu người ta có gọi Ðức Phật là một người “cứu thế” đi nữa, thì cũng chỉ có nghĩa là Người đã tìm ra và chỉ con đường đi đến sự giải thoát mà cứu cánh là Niết Bàn. Nhưng tự chúng ta, ta phải bước trên con đường ấy 12. Vậy, con đường giải thoát của mỗi người không phải là Ðức Phật, nhưng là Pháp và Luật mà Ðức Phật dạy. Ai muốn được giải thoát thì kiên thủ Pháp và Luật. Trước khi chứng nhập Niết Bàn, Ðức Phật đã nói với các đệ tử: “Ðừng than khóc rằng: Ðức đạo sư của chúng ta đã đi mất và chúng ta không có ai để tuân theo. Những gì Ta đã dạy, Pháp cùng với Luật, sẽ là đạo sư của các ngươi sau khi Ta vắng bóng. Nếu các ngươi tuân hành Pháp và Luật không hề gián đoạn, há chẳng khác Pháp thân của Ta vẫn còn ở đây mãi sao?” 13. Có thể nói, tất cả Pháp và Luật của Ðức Phật dạy, thu gọn vào trong bài thuyết pháp đầu tiên tại Banares về tứ diệu đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Ðạo đế. Tứ diệu đế là giáo lý căn bản của đạo Phật, chung cho cả Tiểu Thừa và Ðại Thừa. Muốn thấu triệt cõi đời là khổ, phải lắng nghe Ðức Phật dạy về Khổ đế. Muốn tìm kiếm nguyên nhân của khổ, hãy lắng nghe Ðức Phật trình bày chi tiết trong Tập đế. Muốn thấy ánh sáng của Niết Bàn (cứu cánh của sự giải thoát), phải thực hiện những lời dạy của Phật trong Diệt đế. Muốn thực hiện Niết Bàn, phải có đủ phương tiện. Những phương tiện này, Ðức Phật đã cung cấp một cách đầy đủ trong Ðạo đế. Như vậy Ðức Phật đã làm đầy đủ bổn phận của kẻ dẫn đường, đã đặt vào tay chúng ta bản đồ chỉ dẫn đi tới Niết Bàn là cứu cánh của sự giải thoát toàn mãn 14.

Giáo sư Takakusu viết: “Trong tâm của người theo đạo Phật, Niết Bàn không chứa chấp một ý tưởng thần thánh hóa nào về Ðức Phật” 15. Ðiều ấy có ý nói rằng Niết Bàn là cứu cánh của sự giải thoát chứ không phải Ðức Phật. Theo ý nghĩa nguyên thủy (Tiểu Thừa), Niết Bàn mang nghĩa tiêu cực là “hủy diệt,” hủy diệt sinh tử, hủy diệt thế giới dục vọng. Theo kinh Ðại Bát Niết Bàn (Ðại Thừa), thì Niết Bàn mang nghĩa tích cực, là nơi Phật tồn tại trong hoan hỉ và an lạc, là sự giải thoát trọn vẹn, là lúc chúng ta trở về được cái thể Chân Như, trở thành thực sự Vô Ngã (không có bất biến), Vô Thường (không có trường tồn), là trạng thái thật sự của chúng ta và là trạng thái cuối cùng của Niết Bàn 16.

II. Niềm Tin

1. Thượng Ðế quan:

a. Công giáo: Tin nhận một Thượng Ðế tối cao... Người tạo dựng mọi sự... Chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha Toàn năng, Ðấng tạo thành trời đất hữu hình và vô hình” (xem Sáng Thế Ký 1,1...; Ðnl 4, 39; 1V 8,60; Mác-cô 12,29; Mát-thêu 22,35; Luca 10,26)...

b. Phật giáo: Không tin nhận có Thượng Ðế tối cao, không tin nhận có Ðấng tạo dựng mọi loài... Giáo sư Kimura Taiken khẳng định: “Ðức Phật phủ nhận một Ðấng Tạo-vật-chủ, đã sáng tạo ra vũ truï”17. Ban Hoằng Pháp, trong cuốn Phật Giáo phổ thông, nói vắn gọn hơn: “Khác với các tôn giáo, Phật Giáo không tin có một Tạo-vật-chuû” 18. Giáo sư Takakusu viết: “Ðạo Phật đứng hẳn ngoài các chủ trương nhất nguyên hay đa nguyên. Ðạo Phật là vô thần, cái đó khỏi phải nghi ngờ. Khi được hỏi về Nguyên nhân hay Nguyên lý tối sơ, Phật luôn luôn không nói” 19. “Vì thế Phật giáo không coi trọng ý niệm về Nguyên lý, Căn nhân, hay Nguyên nhân đệ nhất như ta thường thấy trong các hệ thống triết học khác. Ðương nhiên, một ngành triết học như thần học không phát triển trong Phật giáo. Ðừng mong có một thảo luận về thần học nơi một triết gia Phật giáo20. Ðiều đó dễ hiểu, bởi vì “Nói về Thượng Ðế chính là phải đề cập đến vấn đề siêu hình. Thế mà Ðức Phật bao giờ cũng tránh né vấn đề siêu hình. Người cho là chuyện vô ích. Kinh Phật thường lưỡng lự trước ba thái độ về các vấn đề siêu hình: Từ chối--Công nhận-- Không đề cập tới. Ðức Phật theo thái độ thứ ba là không đề cập tới. Ðó là một thái độ trung dung. Ðức Phật bảo: “Ðạo của tôi là Trung Ðạo, tránh cái quá khích, tôi không nói vật sống khác hay không khác với bản ngã trường tồn. Tôi chỉ dạy luật giải thoát, đau khổ của sinh diệt, sinh hành; hành là dục, dục là vô minh” 21. Kết luận Phật Giáo không tin nhận có một Thiên Chúa, một Thượng Ðế hay một ông Trời tối cao, tự hữu, sáng tạo mọi loài. Do đó không có “Thượng Ðế quan” trong Phật giáo.

2. Vũ trụ quan và Nhân sinh quan:

a. Công giáo: Tự đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và mọi loài, và Công trình sáng tạo của Chúa đều tốt lành (Sáng Thế Ký 1,1 ...) Nhất là Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Chúa (Sáng Thế Ký 1,27), có nam có nữ (Mát-thêu 19,4). Vì thế Chúa là vua vũ trụ (Thánh Vịnh 48,8), là vua mọi loài thụ tạo (Thánh Vịnh 92,1). Người chăm sóc và nuôi sống mọi loài (Mát-thêu 6,24-34). Vì thế con người luôn ngước mắt về đấng Tạo Thành (Israel 17,7), mọi vật đều ca tụng Thiên Chúa (Thánh Vịnh 144,10), làm vinh danh Chúa (Thánh Vịnh 28, 1; Pl 2,11); Mọi vật thụ tạo đều đặt hi vọng nơi Thiên Chúa (Thánh Vịnh 24,5). Con người trông chờ ơn cứu độ (Thánh Vịnh 32,20), vì Chúa chính là phần rỗi của mỗi người (Thánh Vịnh 70,5), là Ðấng giải thoát của con người (Thánh Vịnh 39,18; 143,2)... Mọi người “trông đợi kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau” (xem Kinh Tin Kính).

b. Phật giáo: Con người không do Chúa dựng nên, sống nhiều kiếp (luân hồi). Cứu cánh của con người là được giải thoát vào Niết Bàn tức trở về thể Chân Như.

Khi muốn nói về con người và vũ trụ bởi đâu mà có hay nguồn gốc con người và vũ trụ trong Phật giáo như thế nào, thì chúng ta phải ghi nhận ý kiến của giáo sư Takakusu: “Về vấn đề sáng thế luận hay vũ trụ luận thì Phật giáo không có lý thuyết dành riêng cho chúng. Phật Giáo không đề cập đến sự sáng thế hay sáng tạo nào. Vũ trụ không có điểm đồng tâm. Nó là một cộng đồng tạo tác của cả mọi loài. Hơn nữa mỗi chúng ta đều tự tác tự thọ. Phật giáo không tin tưởng các học thuyết cho rằng tất cả phát xuất từ một nguyên nhân, mà quả quyết rằng vạn hữu nhất định xuất hiện do nhiều nguyên nhân” 22. Nói cách khác, “Phật giáo, khác với các tôn giáo khác, không tin có Tạo-vật-chủ. Ðối với Phật giáo, vũ trụ vạn hữu sinh ra không nhờ một Ðấng nào hay một phép nào ngoài nó cả, mà chỉ do tự kỉ nhân quả tiếp nối nhau mà thành. Như thế đối với Phật giáo vũ trụ là vô thỉ, không có cái ban đầu. Mà đã vô thỉ thì làm gì có cái nguyên nhân đầu tiên?” 23.

Như trên, khi bàn về vũ trụ quan, Phật giáo không chấp nhận đặt câu hỏi: “Nguyên nhân đầu tiên của vũ trụ là gì?” hay “Ai sáng tạo vũ trụ vạn vật?” Ðặt câu hỏi như vậy là sai lầm, phải đặt như thế này: “Thực tại của vũ trụ vạn hữu như thế nào? Phát nguyên từ thực tại, vũ trụ vạn hữu đã thành hình và biến chuyển bởi những nguyên nhân gì và như thế nào?”

Trả lời câu hỏi thứ nhất, Phật giáo có Thực Tướng Luận, tức là lý thuyết về thực thể của vũ trụ mà Phật giáo quen gọi là Thể Chân Như (Thể: trạng thái, Chân: cái thật, Như: cái không thay đổi). Trả lời câu hỏi thứ hai, Phật giáo có Duyên Khởi Luận, tức là năm lý thuyết nói về nguyên nhân phát sinh vũ trụ vạn hữu, trong đó có con người. Cả năm lý thuyết đều công nhận:

1. Chân Như là bản thể của vũ trụ vạn hữu.
2. Nguyên nhân làm sanh khởi vũ trụ vạn hữu là mê vọng hay vô minh.
3. Muốn giải thoát, phải trừ cho được mê vọng 24.

Tóm lại Phật giáo cho rằng vũ trụ vạn vật và con người có là do Thể Chân Như bị quấy động. Nói cách khác “Chân Như vì duyên với vô minh mà diêu động và làm phát sanh ra vũ trụ vạn hữu” 25. Theo kinh điển nhà Phật, “Chân Như là một trạng thái bất biến, viên mãn, tròn đầy, trong sáng.” Kinh Phật thường ví sự xuất hiện của vũ trụ, trong đó có con người như nước biển nổi sóng. Chân Như là nước biển yên lặng. Nước động thành sóng tức là thành vũ trụ, thành con người giả tưởng, biến hóa sinh diệt... Khi được hỏi tại sao thể Chân Như bị quấy động, Ðức Phật cho rằng “đó thuộc vấn đề siêu hình, không cần biết đến” 26. Ðiều quan hệ là nhận sự kiện Thể Chân Như bị quấy động đó, rồi trở lại được với Thể Chân Như yên lặng trong sáng. Ai đạt tới tức là Như Lai. Người ta thường gọi Ðức Phật là Ðức Như Lai, nghĩa là người đã viên giác trở về với Thể Chân Như. Thể Chân Như đây là một trạng thái sống hoàn toàn trong Niết Bàn, chứ không phải là một ngôi vị, một Thượng Ðế.

Nếu hỏi “mỗi vật hữu hình được tổ hợp bởi những yếu tố nào?,” Phật giáo trả lời: “Tất cả những sắc pháp hay vật hữu hình đều là một tổ hợp của bốn đại chủng (tứ đại), tức là bốn yếu tố hạt giống: đất (cứng), nước (ướt), lửa (ấm) và gió (động) (Thổ, thủy, hỏa, phong).” Nếu hỏi “mỗi nhân cách (người) hình thành như thế nào?”, Phật giáo trả lời: “Mỗi nhân cách (người) hình thành do tổ hợp của ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức” 27.

Mà vì được phát sinh ra do Thể Chân Như bị quấy động nên đời sống của con người và vạn vật là đau khổ: Sinh - Lão - Bệnh - Tử là khổ. Khế Kinh có câu “Ðời là bể khổ, nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển” 28.

Vì chủ trương vạn hữu, kể cả con người, là Vô Ngã, Vô Thường, nên Phật giáo không chấp nhận có một Ðấng Tối Cao hằng hữu, cũng như không chấp nhận “người ta có linh hồn bất tử (hay có Ngã Thường Hằng). Phật giáo nói rõ: “Một Atman hay một linh hồn, hay một ngã là điều không thể có, tin có linh hồn bất tử và Ngã Thường Hằng là sai lầm và điên rồ” 29.

Không chấp nhận linh hồn bất tử, Ngã Thường Hằng, nhưng Phật giáo lại dạy mọi vạn hữu đều tử sinh, sinh tử trong kiếp luân hồi. Ðức Phật đã dùng hình ảnh bánh xe quay tròn để diễn tả luân hồi: sanh tử, tử sanh không ngừng giống như bánh xe lăn. Thân xác con người (hay thân con thú) đều do tứ đại mà có là đất, nước, gió, lửa. Khi thân người chết, tứ đại lại trở về bản thể cũ rồi do cơ duyên tụ họp lại để thành thân người khác, súc khác, vật khác... cứ vậy mà luân hồi mãi. Con người không chỉ có thân xác mà còn có tinh thần (không nói là linh hồn) và tinh thần là tổ hợp bởi ngũ uẩn: thọ, tưởng, hành, thức, sắc (riêng sắc lại là tổ hợp của tứ đại). Khi người ta chết, Tinh thần cũng không bị tiêu diệt mà chỉ biến chuyển xoay vần mà thôi, nghĩa là cũng chịu kiếp luân hồi 30.

Kiếp luân hồi theo luật nhân quả. Nhân và Quả là hai trạng thái tiếp theo nhau, tương quan mật thiết với nhau, nương vào nhau mà có. Do đó, nếu kiếp này tạo nhân tốt thì kiếp sau sẽ có quả tốt, bằng kiếp này tạo nhân xấu thì kiếp sau sẽ có quả xấu. Phật giáo bảo: tùy theo nhân quả tốt hay xấu mà sau mỗi kiếp trong vòng luân hồi, một chúng sinh (vật, người) nhập vào một trong sáu cảnh giới (kiếp mới): địa ngục, ngã quỉ, súc sinh, a-tu-la, loài người và cõi trời. Nhập vào cõi trời là cảnh giới cao nhất, nhưng vẫn chưa ra khỏi vòng luân hồi. Chúng sinh chỉ ra khỏi vòng luân hồi khi nhập vào một trong bốn cõi Thánh: Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật. Buddha được gọi là Phật vì Người đã nhập vào cõi Thánh cao nhất 31.

III. Sống Ðạo

Ðiều đương nhiên là “Ðạo nào cũng dạy làm lành lánh dữ,” “làm thiện lánh ác.” Ðối chiếu Công giáo với Phật giáo chúng ta thấy những điểm giống nhau trong phạm vi sống đạo, thực hành đạo hay phạm vi luân lý. Chúng ta có thể đan cử:

1. Công giáo: Sống Lời Chúa. Khi trong đám đông nghe Chúa Giêsu giảng dạy, có tiếng kêu lên: “Phúc thay cho lòng đã cứu mang Thầy, và vú đã cho Thầy bú,” lập tức Người đáp lại: “Ai nghe và giữ lời Thiên Chúa còn có phúc hơn” (Luca 11,27-28). Chỗ khác, khi Chúa còn đang giảng, có người đến thưa: “Mẹ và anh em Thầy đang đứng ở ngoài, họ tìm Thầy,” Người liền đưa mắt nhìn đám dân chúng vây quanh và bảo: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta?... Ai vâng theo ý Cha Ta ở trên trời thì người đó là anh em Ta, là mẹ Ta” (Mát-thêu 12,50). Nghe lời Chúa và thực hành ý Chúa, chính là tuân thủ giới răn Chúa truyền. Và đó là điều kiện để nên trọn lành, để được sự sống. Lần kia có chàng thanh niên đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời?,” Chúa trả lời vắn gọn: “Ðể được sống đời đời, bạn hãy tuân giữ các giới răn Thiên Chúa truyền dạy” (Mát-thêu 19,16-17). Nhiều lần Chúa đã dạy: “Nếu các con yêu mến Thầy, các con hãy giữ giới răn của Thầy” (Galát 14,24; x. Mác-cô 16,15; Galát 14, 21 và 24);...

Phật giáo: Qui Y Tam Bảo là “trở về với ba điều quý: Phật, Pháp, Tăng. Xét về sự là gửi thân vào Ðức Phật, vào Ðạo Phật, vào Tăng chúng của Phật; Về lí là nương theo đức Giác có đủ Phước và Huệ, nương theo sự Chánh, không theo tà kiến, nương theo đức Tịnh không nhiễm trược, không chấp nệ 32 và giữ Ngũ giới là năm điều cấm mà các Phật tử “tu tại gia” không được làm: không giết hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói sai sự thật, không uống rượu 33.

2. Công giáo: Bác Ái. Trong bài Tám Mối Phúc Thật, Chúa Giêsu đã công bố: “Phúc cho những kẻ có lòng thương xót, vì họ sẽ được thương xót. Phúc cho những kẻ yêu chuộng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mát-thêu 5,6 và 9). Rất nhiều lần Chúa truyền dạy chúng ta “phải tha thứ cho người khác” (Mát-thêu 5, 21-26), “phải yêu thương cả thù địch của chúng ta” (Mát-thêu 5, 43-48) “phải viếng thăm người đau ốm, tù tội... và Chúa đồng hóa việc bác ái chúng ta làm cho một người hèn mọn nhất như là làm cho chính Chúa” (x. Mát-thêu 25,31-46 Mác-cô 12,28-34). Xin hãy đọc thêm “bài ca bác ái” của Thánh Phaolô (1Côrintô 13,1-33) và “kinh hòa bình” của Thánh Phanxicô thành At-si.

Phật giáo: Từ, Bi, Hộ, Xả: Từ là “lòng lành,” do tấm lòng ấy mà làm lợi ích, an lạc cho chúng sanh; Bi là “lòng xót,” do tấm lòng ấy mà cứu tai nạn, khổ não cho chúng sanh; Hộ là “lòng vui,” tự mình vui và mừng giùm cho chúng sanh khi họ được điều thiện; Xả là “lòng thí xả,” tha thứ cho người, tự mình hi sinh để giúp cho chúng sanh được an lạc, không kể kẻ lạ người quen, kẻ oán người thân. Ðó là Tứ Vô Lượng mà Ðức Phật, nhờ tu trì đã đạt được. Niết Bàn Kinh (quyển 15) chép: “Ai tu Từ thì có thể dứt lòng tham dục, ai tu Bi có thể dứt lòng sân nhuế, ai tu Hỉ có thể dứt lòng buồn oán, ai tu Xả có thể dứt lòng tham dục và sân nhuế” 34.

3. Công giáo: Cầu Nguyện. Phúc âm kể rằng Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong khi Người chịu phép rửa (Luca 3,21), trước khi Người đi rao giảng (Mát-thêu 4,1), trước khi Người tuyển chọn các Tông đồ (Mác-cô 6,12), khi biến hình trên núi Tabor (Mác-cô 9,29), trong bữa tiệc li, trong vườn cây dầu (Mát-thêu 26,4) và ngay trên Thánh giá (Luca 13,34). Không chỉ làm gương, nhiều lần Chúa còn dạy chúng ta phải cầu nguyện. Thánh Luca nói rõ: Chúa có ý dùng dụ ngôn “một bà góa đã kiên tâm nài nẵng, khiến ông quan án cứng lòng phải nể” cốt dạy chúng ta phải cầu nguyện (Luca 8,1...). Cũng theo thánh Luca, khi vừa vào vườn cây dầu, Chúa đã căn dặn các tông đồ: “Chúng con phải cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ” (Luca 22,39) (x. Mát-thêu 6,5-13; Luca 11,9-13; Ga 16,23-27)...

Phật giáo: Tụng Niệm, là Tụng Kinh và Niệm Phật. Hết tụng kinh rồi lại niệm Phật, miệng thì tụng Tên Phật, lòng tin tưởng Ðức Phật. Cất tiếng cao mà tụng Kinh và niệm Phật sẽ được 10 ơn ích: Bài trừ chướng ngủ, thiêu ma kinh sợ, tâm chẳng tán loạn, chư Phật hoan hỉ... 35.

4. Công giáo: Sám hối, kiêng thịt ăn chay. Chúng ta hãy đọc lại những bài mở đầu Phúc âm của Matthêu (3,1-12), của Maccô (3,1-8), và đọc thêm: Thánh Vịnh 50, Dân Số 6,2; Ðnl 9,9; 12,16; Cv 15,20, để thấy tầm quan trọng của tâm tình thống hối mà Chúa đòi hỏi và kêu gọi chúng ta. Về chay tịnh, xin đọc phúc âm thánh Matthêu để thấy Chúa đã làm gương như thế nào (Mát-thêu 4,2-11) và dạy phải ăn chay làm sao (6,16-18)). Luật hiện hành của Giáo Hội cũng qui định về việc thống hối và chay tịnh (Giáo Luật 1249-1253)...

Phật giáo: Sám hối, ăn chay trường, cấm sát sanh: Phật dạy: “Phàm còn xuống lên ba cõi, lặn lội trong sáu đường, thì không một loài nào được hoàn toàn trong sạch, không một giống nào dứt hết tội lỗi.” Thường các chư Tăng và thiện nam tín nữ tụng kinh sám hối (Hồng Danh Sám) vào tối ngày 14 và 30 hay 29 mỗi tháng 36. Ăn chay là cữ ăn những chất thịt, cá, cữ uống rượu, cữ ăn năm món nồng (hành, tỏi, hẹ, kiệu, ngò). Có “chay kì” là ăn chay có kì hạn nhất định trong mỗi tháng, mỗi năm (nhị trai, tứ trai, lục trai, thập trai, nhất nguyệt trai), và có “chay trường” là ăn chay luôn trong mỗi ngày không gián đoạn cho đến hết đời. Ăn chay là một phương pháp tu hành của người Phật tử. Họ hiểu sâu xa lời Phật nói “Sự sống sống bằng sự chết” 37. Sát sanh là giết mạng sống của chúng sanh. Theo Niết Bàn Kinh, tội sát sanh có ba cấp: Cấp hạ khi giết từ một con kiến cho đến một mạng súc sanh, vì bất cứ một loài vật nào cũng có thể tạo ra chút ít thiện căn. Giết nó là phải chịu tội báo. Cấp trung khi giết một mạng người phàm cho đến một vị tu hành đắc quả Anahàm, lúc đó sẽ bị đọa vào ba đường ác trụy: địa ngục, ngã quỉ, súc sanh. Cấp thượng khi giết cha mẹ cho đến bực Alahán, lúc đó sẽ bị đọa vào Atì đại địa ngục, chịu khổ vô cùng đời đời. Người ta còn phân biệt: “sát tâm” là cố ý giết hại hay vui thích việc giết hại; “sát duyên” là mình làm duyên cớ cho việc giết hại; “sát pháp” là dùng kế hoạch để giết hại (đánh, chém, thuốc độc...). Khi thọ giới, một Phật Tử phát nguyện: “Ðệ tử nguyện giữ không sát hại các loài sanh vật, không tự mình sát, không bảo người ta sát hại, hoặc thấy người khác sát hại mà lấy làm vui” 38.

5. Công giáo: Làm phúc, bố thí, dâng cúng, từ thiện. Chỉ cần đọc lại bài Phúc Âm của Thánh Matthêu về “ngày phán xét chung” (25,31-46), hay truyện “người giàu có và ông Lagiarô nghèo đói bệnh tật” trong phúc âm Thánh Luca (16,19-31) đủ thấy Chúa dạy người Kitô hữu phải thực hành việc làm phúc bố thí như thế nào. Cũng có thể đọc thêm: Ðnl 26,12...; Mát-thêu, 19,21; Mác-cô 12,41-44; Luca 11,41; 1Co 16,2. Việc dâng cúng vào nhà thờ, cho Giáo Hội, cho các tổ chức từ thiện vẫn là điều được nhắc nhở và kêu gọi... Kinh “Thương người có 14 mối” giáo dân quen đọc mỗi chủ nhật, tóm gọn những điều phải bố thí, làm phúc...

Phật giáo: Cúng, cúng dường: Cung cấp vật thực, đồ quý hoặc hương, đăng, hoa, quả hay tiền bạc vào Phật sự. Có nhiều cách cúng dường: “Cúng dường Phật” là dâng hương hoa nhang đèn đốt lên; “Cúng dường Tăng” là giúp các ngài tiện bề tu học và cầu nguyện cho mình; “Cúng dường Tam Bảo” là khi đến chùa cúng dường chung cho cả Phật, Pháp, Tăng; “Cúng dường cứu tế” là dâng của cải, tiền bạc, tài năng để giúp người nghèo, hay bệnh nhân, là việc xã hội. Có ba mục đích Cúng dường: để cung kính và sùng mộ; để hạnh nguyện; cho người quá cố hay cho bản thân mai ngày 39. Còn việc Bố Thí cũng rất quan trọng, vì chính nhờ việc bố thí trong những kiếp trước mà Ðức Thích Ca mau lên quả Phật. Trong Phật giáo có hằng trăm bài kinh về sự bố thí quen gọi là “tập bá duyên kinh” 40.

...

Chúng ta còn có thể nêu ra nhiều điểm khác nữa như “Ðức hiếu thảo đối với cha mẹ”; “đức thật thà trong lời nói và cách sống” v.v...

Ðến đây chúng ta phải nói lên rằng: Những điểm trên chỉ gặp nhau hay giống nhau về “Sự Kiện” (faits) nhưng rất khác nhau về “Ý Nghĩa” (sens). Bởi lẽ tất cả những việc làm “bác ái, từ bi,” “cầu nguyện, tụng niệm,” “sám hối, ăn chay” hay “làm phúc, cúng dường”... là biểu lộ cụ thể hay thực hành cụ thể những điều tin trong đạo. Thế nhưng như trên chúng ta đã thấy “niềm tin” liên quan đến Thiên Chúa, đến con người và vũ trụ thụ tạo đã quá khác nhau giữa Công giáo và Phật giáo, thì do đó những việc sống đạo cụ thể trên đây rất khác xa nhau về “Ý Nghĩa”: Người Công giáo sống bác ái, cầu nguyện... bao giờ cũng qui về mình, về tha nhân, và về Thiên Chúa; còn người Phật giáo sống từ bi, tụng niệm... chỉ qui về mình hay về người khác mà thôi. Bởi lẽ họ không tin có Thiên Chúa.

Kết luận, khi đối chiếu Công giáo với Phật giáo, câu “Ðạo nào cũng giống nhau, cũng dạy làm lành lánh dữ,” không đúng về phạm vi “Niềm Tin,” chỉ đúng một phần nhỏ về phạm vi “Sống Ðạo,” nghĩa là giữa Công giáo và Phật giáo có những việc “sống đạo” giống nhau về “Sự Kiện,” nhưng rất khác nhau về “Ý Nghĩa.” Trong khi đó, ý nghĩa quan trọng hơn sự kiện.

IV. Phật Giáo là Tôn Giáo?

1. Vấn đề khó khăn

Khó khăn bởi vì đối với người Công giáo như chúng ta, hễ nói đến tôn giáo là tự nhiên nghĩ đến “mối liên hệ giữa một Ðấng Tối Cao, sáng tạo mọi loài với con người và cả vạn vật thụ tạo,” nói một cách vắn gọn, “liên hệ giữa Thần và Người.” Trong cuốn Théo, người ta viết “La religion (du latin religare, relier) est le lien qui relie l'homme au sacré” (tr. 607). Và như trên chúng ta đã thấy Phật giáo không nhận có một Ðấng Tối Cao dựng nên chúng sanh, và chính Ðức Phật cũng chỉ tự nhận mình là người phàm được giác ngộ. Cho nên, đúng như lời bác sĩ Kimura Taiken: “Phật giáo có thật là tôn giáo hay không, đó là vấn đề rất khó giải đáp!” 41.

2. Phật giáo không phải là tôn giáo

Ðề cập đến vấn đề “Phật giáo có phải là tôn giáo không?,” các học giả Âu châu cũng như Á châu, kể cả các vị Thượng Tọa, đã có nhiều ý kiến khác nhau: Ông Koryu Otani cho Phật giáo là một thuyết khoa học chứ không phải tôn giáo 42. Ông G. van der Leeuw lại cho “Phật giáo là một tôn giáo hư vô, một tôn giáo của tiêu cực” (une religion du néant, une religion du négatif) 43. Giáo sư Takakusu quả quyết “Phật giáo là vô thần, cái đó khỏi phải nghi ngơø” 44. Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh lại chủ trương “Phật giáo nguyên thủy là những hình thức sinh hoạt văn hóa” 45. Gần đây, giáo sư Nguyễn Huy Bảo có ý kiến: “Phật giáo (hay Khổng giáo) chỉ là những vũ trụ quan hay nhân sinh quan, cả hai đều ở trong phạm vi triết lý46.

Những ý kiến khác táo bạo hơn, quả quyết Phật giáo không là tôn giáo, cũng chẳng là triết học hay khoa học. Trước tiên là ý kiến của giáo sư Tuệ Quang Nguyễn Ðăng Long trong cuốn Phật Giáo. Ông viết: “Thực ra Phật giáo không phải là một đạo, một tôn giáo. Tất cả những chùa chiền, tăng ni, những luật lệ về sự tưởng bên ngoài mà ta vẫn thấy ở khắp cõi Á Ðông ở khắp vùng Ðông Nam Á (gồm cả Nam Tôn, Bắc Tôn), cho đến các kho tàng kinh điển ở khắp thế giới, thảy đều chỉ là mấy giọt nước đục, so với biển cả mênh mông, trong suốt là Phật Pháp.... Phật Pháp không phải là một tôn giáo, một triết học. Tất cả những điều ta biết về Phật Pháp chỉ là vài giọt nước đục, so với bể lớn mênh mông trong suốt47. Sách này đã được Thượng tọa Thích Tâm Châu, nguyên Viện Trưởng Viện Hóa Ðạo ở Sài gòn và là đệ nhất Phó Chủ Tịch Hội Tăng Già Phật Giáo Thế Giới chứng nhận mấy lời: “Một tác phẩm như vậy làm hãnh diện đạo Phật. Nó sẽ giúp bao trí thức Phật tử hiểu đạo Phật, có một ý niệm rõ ràng và sâu sắc về đạo. Nó đã tả đúng chân tinh thần Phật giáo. Nó là nguồn cảm hứng cho người thiết tha tìm hiểu Chính Pháp, cho người thực hành tu theo Chân lý” 48.

Sau đó là Thượng Tọa Thích Minh Châu, Viện trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh cũng đã lớn tiếng tuyên bố tại Ðại Học Văn Khoa Sài gòn, ngày 6 tháng 4 năm 1967 như sau: “Trước hết chúng tôi xin vào đề ngay rằng đạo Phật không phải là một tôn giáo, dù nghĩa tôn giáo hiểu theo truyền thống Tây Phương hay Ðông Phương. Nói đến tôn giáo là nói đến tín ngưỡng, giáo hội, giáo quyền, thần quyền, thần khải v.v... Ðạo Phật gồm đủ những điều vừa kể, nhưng điều quan trọng nhất mà tất cả chúng ta cần phải lưu tâm: những điều kể trên không làm cho đạo Phật trở thành đạo Phật, mà chỉ là những hình thức tất yếu phát xuất từ sự thoái hóa tinh thần của những người tự nhận là theo đạo Phật. Ðạo Phật không phải là tôn giáo, mà cũng không phải là triết lý hay triết học. Tư tưởng triết lý của đạo Phật chỉ là hậu quả tất yếu của sự sinh thành biện chứng trong sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Phật” 49.

3. Phật giáo là tôn giáo không có nguồn gốc hay tương quan Thần Linh:

Chủ trương Phật Giáo là tôn giáo, bác sĩ Kimura Taiken không muốn tìm nguồn gốc tôn giáo ở các Ðấng Thần Linh mà tìm ở tinh thần con người, bởi vì xét theo phương diện tâm lý, tôn giáo là nhu cầu đáp ứng những hiện tượng tinh thần của con người. Và nhu cầu tinh thần này cốt yếu là sự kết hợp giữa tự do và giải thoát. Nhu cầu tự do và giải thoát có thể chứng nghiệm một đời sống vô hạn, và tất cả đều tự tâm phát ra. Nói như thế có nghĩa là không Thần linh nào có thể thỏa mãn nhu cầu tôn giáo của con người mà chính con người phải tự lực, tự cường thỏa mãn lấy, như lời Ðức Phật dạy: “Hãy tự mình thắp đuốc lên, hãy tự mình nương tựa nơi mình, nương tựa chính Pháp, chứ đừng nương tựa vào một nơi nào khác.” Xét như vậy thì Phật giáo là tôn giáo, một tôn giáo độc đáo sánh với các tôn giáo khác 50.

Linh Mục Thiện Cẩm lại có thiển ý: “Người ta có thể quan niệm Phật giáo là một tôn giáo, nếu người ta hiểu chữ tôn giáo trên bình diện phẳng, nghĩa là tuy nó không đòi hỏi một tương quan hướng thượng, tức là không biết đến một Thần linh nào, nhưng nó là con Ðường đưa tới cái im lặng mênh mông huyền ảo của trạng thái Niết Bàn, tới cái tuyệt đối là Chân Không (sunyata). Phật giáo là một con đường giải thoát tâm linh... Tuy Phật giáo không đặt mình trên bình diện siêu việt tính (Plan transcendental), nhưng cũng không chỉ nằm trong bình diện “tại thể tính” (plan imminent). Ðạo Phật không lấy con người làm cứu cánh cho con người, nhưng “muốn đưa con người vượt lên trên con người,” muốn “chuyển nhân bản thành Phật bản.” Cái ý vươn lên ấy phải chăng là một trong những đặc tính của một tôn giáo?” 51.

Ông Phạm Trọng Chánh, khi góp ý với cụ Nguyễn Huy Bảo nhân bài “Dân Tộc Việt Nam Trước Vấn Ðề Tôn Giáo,” mặc nhiên cho rằng Phật giáo là tôn giáo khi hiểu theo người Phương Ðông: Ðạo là Con Ðường, và Tôn giáo là tôn kính giáo dục chứ không có một quan niệm thần quyền 52.

4. Tế nhị với người Việt Nam

Trừ một thiểu số, người Việt Nam, Phật tử hay không Phật tử sẽ ngỡ ngàng, thậm chí coi là xúc phạm, khi nghe nói “Phật Giáo không phải là tôn giáo.”

Bởi lẽ người Việt Nam có một tâm hồn tôn giáo rất sâu đậm. Và đã nói đến tôn giáo là tất nhiên có Thượng Ðế, có Thiên Chúa, có Ông Trời, có Tạo Hóa, có Ðấng Tối Cao. Dù tin đạo Phật, dù kính mến Ðức Phật, họ vẫn nói là “Trời phạt.” Cách chung, khi nói như vậy, họ tuyên xưng trên Ðức Phật còn có Ông Trời, ông Trời cao hơn Ðức Phật. Ðạo Phật là con đường dẫn họ đến với ông Trời.

Do đó chúng ta không thể đồng ý với ông Phạm Trọng Chánh về nhận định: “Ðối với người Việt Nam, ông Trời không có nghĩa là Ðấng Sáng Tạo, khai sáng ra vũ trụ, vạn vật và con người” 53. Trái lại, chúng ta coi là xác đáng lời viết sau đây của ông Ðoàn Quang trong bài “Trời người Việt Nam qua ca dao.” Ông viết: “Trời đã ghi dấu vạn năng của Người trên không trung cao vút và trong vực thẳm khôn dò, trong cỏ cây hoa lá, cũng như trong sóng nước đại dương. Ðồng ruộng mênh mông và biển khơi bát ngát trải rộng trước tầm mắt chúng ta. Dấu chân của Trời là ở đó. Người còn được ghi khắc trong tận thâm tâm của lòng người. Người Do Thái gọi Người là Yahweh, người Ấn Ðộ gọi Người là Bhram, Người Trung Hoa gọi Người là Thượng Ðế, còn người Việt Nam gọi Người là Trời, là Ông Trời. Trời của người Việt Nam vượt trên mọi thần minh. Dù ông theo đạo Khổng hay đạo Lão, dù bà theo đạo Phật hay Cao Ðài, dù anh chị chỉ thờ cúng Tổ Tiên... thì ông bà hay anh chị vẫn nhận rằng trên Ðức Khổng, Ðức Lão, Ðức Phật vẫn còn có một Ðấng Tối Cao mà người mình quen gọi là Ông Trời. Trời quyền năng, Trời tác tạo vạn vật, Trời can thiệp vào cuộc sống dân gian, Trời ban phúc, Trời giáng họa...” 54. Chúng ta có thể đan cử một vài trong hàng trăm câu ca dao xưng tụng ông Trời:

Lạy Trời mưa xuống,
Lấy nước tôi uống ...

Trời là Cha, Ðất là Mẹ.
Trời sinh trời dưỡng.
Trời sinh voi Trời sinh cỏ.
Cha Mẹ sinh người, Trời sinh tính.
Thiên bất dong gian!

Nhờ Trời mưa gió thuận hòa,
Nào cầy nào cấy trẻ già đua nhau.
Nhờ Trời Hạ kế sang Ðông,
Làm nghề cầy cấy vun trồng tốt tươi.

Ðêm đêm ra thắp đèn Trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Ðề cập đến quan niệm Trời trong Khổng giáo, ông Toan Ánh viết: “Trời và Ðất riêng biệt nhưng vẫn liên quan với nhau về phương diện động. Trời hoàn thiện nhất nên Kinh Thư gọi Trời là Thượng Thiên (trời cao), là Hiệu Thiên (trời sáng), là Hoàng Thiên, là Thượng Ðế... Vạn vật nhất thể, mọi vật, không phân biệt vật nào, đều có một nguồn chung. Trời và đất là cha mẹ chung, loài người là anh em, các vật khác là bầu bạn” 55.

5. Kính Trọng và Ðối Thoại Nhưng Kiên Vững Sống Ðức Tin

Ðó là điều Công Ðồng Vatican II truyền dạy chúng ta trong bản văn sau đây: “Như trong Ấn giáo, con người tìm hiểu mầu nhiệm thần thiêng và diễn tả mầu nhiệm đó bằng những thần thoại phong phú bất tận cũng như bằng những nỗ lực suy tư triết lý sâu sắc. Họ tìm cách giải thoát khỏi những nỗi lo âu của kiếp người hoặc bằng những lối sống khắc khổ, hoặc bằng tịnh niệm thâm sâu, hoặc bằng việc chạy đến nương ẩn nơi Thượng Ðế với lòng mến yêu tin cậy. Phật Giáo, theo nhiều tông phái khác nhau, lại nhìn nhận sự thiếu sót căn bản của cuộc đời thay đổi này và vạch ra con đường cho những người thành tâm tin cậy, hoặc đạt đến chỗ giải thoát trọn vẹn hay giác ngộ hoàn toàn. Cũng thế các tôn giáo khác trên hoàn cầu đều cố công làm cho tâm hồn con người thoát khỏi những băn khoăn bằng nhiều phương thế khác nhau, bằng cách vạch đường chỉ lối, tức đề xướng những giáo thuyết và luật sống cũng như những lễ nghi phụng tự.

Giáo Hội Công Giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo đó. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo Hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy rằng có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo Hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của Chân Lý. Chân lý chiếu soi cho hết mọi người. Tuy nhiên Giáo Hội rao giảng và có bổn phận phải kiên trì rao giảng Chúa Kitô, Ðấng là “đường, sự thật và sự sống” (Galát 14,6); nơi Người, con người tìm thấy đời sống tôn giáo sung mãn và nhờ Người, Thiên Chúa giao hòa mọi sự với mình.

Vì thế Giáo Hội khuyến khích con cái mình nhìn nhận, duy trì và cổ động cho những thiện ích thiêng liêng cũng như luân lý và những giá trị xã hội văn hóa của các tín đồ thuộc các tôn giáo khác, bằng con đường đối thoại và hợp tác cách thận trọng và bác ái với tín đồ các tôn giáo ấy mà vẫn là chứng tá của đức tin và đời sống Kitô giáo” (NA 2).

Tài liệu tham khảo:
(1) Romano Guardini, “Le Seigneur,” Alsatia, 1945, I, trg. 346.
(2) Romano Guardini, “L'Essence du Christianisme,” Alsatia 1948, Trg. 20
(3) Romano Guardini, “Le Seigneur,” Alsatia, 1945, I, trg. 346.
(4) Walpola Rahula, “What the Bouddha Taught,” được Thích Nữ Trí Hải dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Tư Tưởng Phật Học” (Con đường thoát khổ). Phật học viện quốc tế xuất bản, 1983, trg.1.
(5) Ban Hoằng Pháp (BHP), “Phật Học Phổ Thông” I, trg.17 (Bán ở Chùa Khánh Anh, 14 Ave. Henri Barbusse, 92220 Bagneux)
(6) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg. 115-129.
(7) Kimura Taiken, “Ðại Thừa Phật Giáo” trg. 26 (Chùa Khánh Anh phát hành)
(8) Toan Ánh, “Tín Ngưỡng Việt Nam,” I, trg. 277-278.
(9) Nguyễn Văn Trung, “Biện Chứng Giải Thoát của Phật Giáo,” Saigon 1960, trg 105-106.
(10) Nguyễn Văn Trung, sách dẫn, trg. 52-53.
(11) Nguyễn Ðăng Thục, “Lịch sử Triết Học Á Ðông” III:Ấn Ðộ, Saigon 1950, trg. 149
(12) Walpola Rahula, sách dẫn, trg. 2.
(13) Takakusu, “The Essentials of Buddhisme Philosophy,” Bản dịch Việt ngữ của Tuệ Quang với tiêu đề “Các Tông Phái của Ðạo Phật,” Viện Phật học quốc tế xuất bản 1987, trg. 90.
(14) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg 335-354 “Tứ Diệu Ðế.” Nguyễn Ðăng Thục, sách dẫn, trg.160-178.
(15) Takakusu, sách dẫn trg. 98.
(16) Tatakusu, sách dẫn trg. 43-44; 100-105.
(17) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 195.
(18) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I, trg 851.
(19) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 84.
(20) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 54.
(21) Nguyễn Văn Trung, sách dẫn trg 64; W Rahula, sách dẫn trg. 18.
(22) Takakusu, sách dẫn trg 367-368.
(23) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg 853-854.
(24) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn, xem trg. 854-866.
(25) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn trg. 866.
(26) W. Rahula, sách dẫn trg. 18.
(27) Takakusu, sách dẫn trg. 143.
(28) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn trg. 347.
(29) Takakusu, sách dẫn trg. 95.
(30) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn xem trg. 259-272.
(31) Ban Hoằng Pháp, sách dẫn xem trg. 250-258.
(32) Ðoàn Văn Còn, “Phật Học Từ Ðiển” II trg. 775; I trg. 60-73.
(33) Ðoàn Văn Còn sách dẫn II trg. 394-395; I trg. 74-98.
(34) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 1061; I trg. 300-319.
(35) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn II trg. 331-335; III trg. 1002; xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 133-145.
(36) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 710-711, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 101-112.
(37) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn III trg. 1330, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 150-162.
(38) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn II trg. 727-728, xem Ban Hoằng Pháp, sách dẫn I trg. 187.
(39) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn I trg. 345-346.
(40) Ðoàn Văn Còn, sách dẫn I trg. 283-284; xem Thích Thanh Từ, Ðạo Phật và Tuổi Trẻ, trg 147-149.
(41) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 139.
(42) Kimusa Taiken, sách dẫn trg. 1377.
(43) G. der Leeuw, “La religion dans son essence et ses manifestations,” trg 613, 618, trích dẫn trong cuốn “Kitô giáo với các tôn giáo khác” của Thiện Cẩm, trg. 120.
(44) Takakusu, sách dẫn trg. 84.
(45) Thích Nhất Hạnh, “Ðạo Phật ngày nay,” in ronéo, Paris 1964, trg. 13, trích dẫn trong cuốn “Kitô Giáo Với Các Tôn Giáo Khác” của Thiện Cẩm, trg. 120.
(46) Nguyễn Huy Bảo, “Dân Tộc Việt Nam Ðứng Trước Vấn Ðề Tôn Giáo,” trong báo Thông Luận số 76, 11.94 và in lại trong báo Bông Sen Âu Châu số 22, 4.95, trg. 26.
(47) Tuệ Quang, “Phật Giáo,” Saigon 1964, trg. 164-165, trích dẫn trong cuốn Vấn Ðề Ðau Khổ của Thiên Phong Bửu Dưỡng, Saigon 1969, trg. 9.
(48) Tuệ Quang, sách dẫn trg. 4.
(49) Thích Minh Châu, Tư tưởng Ðại Học Vạn Hạnh số 1, 8.1967, trích trong Thiện Cẩm, sách dẫn. trg. 119.
(50) Kimusa Taiken, sách dẫn xem trg. 135-144.
(51) Thiện Cẩm, sách dẫn trg. 121.
(52) Phạm Trọng Chánh, “Ðối Thoại Về Vấn Ðề Tôn Giáo” đăng trong báo Bông Sen Âu Châu, số 22, 4.95 trg. 21.
(53) Phạm Trọng Chánh sách dẫn, trg. 21.
(54) Ðoàn Quang, “Trời Người Việt Nam Qua Ca Dao,” đăng trong đặc san Sao Biển, 12.1982 trg. 18.
(55) Toan Ánh, sách dẫn trg. 239-240.

Nguồn: https://www.nguoitinhuu.org/kienthuc/ho-giao/daonao.html