25/2/23

Tình khúc 24

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường - người từng chuyển ngữ tiểu thuyết "Lolita" của Vladimir Nabokov - qua đời lúc 20h08 ngày 24/2, thọ 91 tuổi.

Hồng Nhung trình bày Tình khúc 24 nhạc Phú Quang, lời phỏng thơ Dương Tường

24 phím cầm chiều
24 nhành sương mím
24 tiếng ve sầu đại lộ tháng tư
Gửi lại em
cầu thang 24 bậc
tờ thư 24 gác mưa
làn menuet 24 âm xưa
Gửi lại em
mùi hoa sữa 24 miền hoài niệm
ga khuya 24 lần đưa đón
bài huê tình 24 lối sân sau
Gửi lại em
doi sông 24 nhịp cầu
tình khúc bãi ngô 24
sương dâng 24 nẻo đi về
Nhâm nhâm 24 hàng đèn
mênh mênh 24 ngã tư mắt
Gửi lại em
chiêm bao 24 chợt hiện tan
cung đàn 24 lần đứt nối
vũng im đêm 24 mạy sao chìm
Gửi lại em
24 phố dài thơm
24 xêrênađ
24 vibratô
24 khung trời tím
24 lối công viên
24 vầng trăng goá
Gửi lại em
gửi lại em tất cả
kể cả con âm đầu trót thụ mầm thơ
Riêng đêm em xoà bóng nốt ruồi
24 quầng
anh giữ
1967

---

Dương Tường (1932 - 2023) tên thật Trần Dương Tường, là dịch giả nổi tiếng, đã dịch hơn 50 tác phẩm: Anna Karenina của Lev Tolstoy, Lolita của Vladimir Vladimirovich Nabokov, .. Ở tuổi 87 ông còn ra mắt bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Anh.

Ngoài dịch thuật ông còn làm thơ, viết phê bình văn học, .. 




23/2/23

Đồng bào.

Lâu rồi, có người dịch chữ people là đồng bào, và sau đó bị một ông (rất có tiếng) mắng te tát, vì theo ông, đồng = cùng chung; bào = nhau, màng bọc cái thai. Đồng bào là chung một bọc, vì thế chỉ có người Việt là có thể dùng "đồng bào" để xưng hô người dân nước mình, vì chỉ có người Việt mới có huyền thoại mẹ Âu Cơ sinh trăm con cùng một bọc .. People phải dịch là nhân dân, ko được dùng chữ đồng bào ..
Cứ đinh ninh ổng nói đúng.
Hôm nay tình cờ ngồi tra lại chữ bào 胞, và gặp chữ đồng bào 同胞 trên zdic:
同胞 tóngbāo:
- [born of the same parents] 同父母所生的
- [fellow country man; compatriot] 指同一国家或同一民族的人
(Đồng bào:
- đồng phụ mẫu sở sinh đích = cùng cha mẹ sinh ra
- chỉ đồng nhất quốc gia hoặc đồng nhất dân tộc đích nhân = chỉ người cùng một nước hoặc một dân tộc).
hic

13/2/23

Vũ Hoàng Chương

Mấy hôm nay Vũ Hoàng Chương bỗng dưng thành  .. hot boy, sau khi thông tin ông từng được đề cử Nobel Văn Chương được tiết lộ. [1]

Thật ra được đề cử giải Nobel Văn chương thì cũng chẳng phải chuyện gì quá to tát - nghe nói mỗi năm có cả trăm đề cử như thế. Trước VHC cũng từng có Hồ Hữu Tường được đề cử. và sau này chắc cũng còn nhiều người khác được đề cử nữa, chỉ là thông tin chưa được giải mật để công bố thôi. 

Người ta bàn tán xôn xao có lẽ vì ông vốn là người từng bị chính quyền này cho người chửi rủa, kết án bỏ tù và đày đọa đến chết, nay bỗng dưng lại để cho báo chí ca ngợi. Lạ.

Sau đây là bài của nhà báo Mạnh Kim.

Xem thêm về Vũ Hoàng Chương (bài của Đặng Tiến) ở đây

-----

Theo danh sách được Ủy ban Nobel vừa được công bố sau 50 năm giữ kín do quy định, thi bá Vũ Hoàng Chương là một trong 100 nhân vật được đề cử giải Nobel Văn chương năm 1972. Viện Hàn lâm Thụy Điển ghi rõ rằng Vũ Hoàng Chương là Chủ tịch Hội Văn bút Việt Nam và người giới thiệu là Thanh Lãng.

Kể về những ngày cuối đời của Vũ Hoàng Chương, nhà văn Mai Thảo thuật lại trong bài “Mấy tháng cuối cùng với Vũ Hoàng Chương”:

Vượt qua cây cầu Calmette soi bóng trên một con kinh tù đọng, con kinh chạy dọc theo vùng ngoại vi tràn lan náo nhiệt nhất của Sài Gòn là khu Chương Dương, Ông Lãnh, chiếc xe đạp lọc cọc chở tôi đi trên một mặt nhựa lồi lõm, đụng tới tòa nhà xám bẩn của hãng làm phân bón thì rẽ trái và lăn vào một con đường trải đá xanh. Chiếc xe chở tôi rẽ phải trên một con đường nhỏ, yên tĩnh, rẽ trái vào một con đường nhỏ yên tĩnh nữa, rồi tới một đầu ngõ khuất khúc. Tôi xuống xe, dắt bộ tới cuối ngõ, tới trước một căn nhà gỗ hai tầng. Đẩy một cánh cổng khép hờ đi vào, tôi đã tới Gác Bút của Vũ Hoàng Chương. 

Thi sĩ mới dọn về đây ít lâu sau biến cố Tháng Tư 1975, cái tiểu gia đình gươm đàn nửa gánh gồm có thi sĩ, người bạn trăm năm của ông là nữ sĩ Đinh Kiều Oanh và đứa con trai nuôi là Vũ Hoàng Tuân, ông đặt tên cho con bằng lấy tên Tuân của Nguyễn Tuân, nhà văn viết tùy bút rất hay và là bạn thân của thời kỳ tiền chiến. 

Địa chỉ mới của Vũ Hoàng Chương nguyên là chỗ ở của gia đình thi sĩ Đinh Hùng, em vợ ông ngày trước. Chỗ ở này sinh thời, Đinh Hùng, tự xưng là Đinh Công Tử, nghịch ngợm đặt tên là động Hoa Lư, trong cái ý nhà vua xưa Đinh Bộ Lĩnh dấy nghiệp ở động Hoa Lư thì Đinh Hùng đời sau cũng có một động Hoa Lư ở phường Cây Bàng như thế. Đinh Hùng mất, vợ con vẫn ở, tên Hoa Lư vẫn còn. Nhưng từ khi Vũ Hoàng Chương dọn về ở chung, Hoa Lư còn có thêm một tên mới. Đó là Gác Bút.

Hỏi tại sao không dùng lại tên Gác Mây của căn lầu trên vùng Phú Nhuận vừa rời bỏ, thi sĩ cười, hóm hỉnh: "Đổi đời, giờ là Gác Bút mới đúng. Vì Hà Nội nó bắt ta gác hết bút lên rồi, đâu còn cho viết nữa." (…) 

Thời gian này, sức khỏe của Vũ Hoàng Chương đã hết sức suy nhược và gia cảnh thì đã rớt xuống tới đáy cùng của túng thiếu cùng quẫn. Những tháng sau cùng ở Gác Mây, Phú Nhuận, ông đã đau yếu rất nhiều. Trong lồng ngực mỏng, con tim đã yếu. Trên cái vóc hạc, xế chiều đã tới. Vũ Hoàng Chương gần như không ra khỏi nhà nữa. Lên xuống mấy bậc thang lầu, cũng phải đứng lại nhiều lần để thở. Có việc phải đi đâu, bao giờ cũng phải Đinh Kiều Oanh cùng đi. Ở Gác Mây anh em văn nghệ đã phải chia lượt tới viếng thăm ông đau yếu nhiều lần. Đem thuốc thang tới nữa. Về Gác Bút, tình trạng sức khỏe của thi sĩ càng mong manh (…) 

Sống với cộng sản, trường hợp của miền Nam là ở lại, là vẫn có mặt ở Sài Gòn sau ngày 30 tháng 4, kẻ sĩ, nhà thơ, nhà văn thất thế, khi mọi phương tiện lên tiếng đã bị triệt hủy hoàn toàn, chỉ còn một cách thế biểu hiện nhân phẩm duy nhất là giữ vững bản ngã, giữ vững nhân cách giữa bi thảm, không cho sa đọa. Và như vậy, đối diện với nghịch cảnh, đối diện với kẻ thù, đối diện với cái chết. Bi thảm này tên là Định Mệnh. 

Hàng ngàn nhà văn nhà thơ trên khắp mọi phần đất thế giới đã đứng trước định mệnh khốc liệt như thế, trên tổ quốc đất nước họ, trước bạo lực quân phiệt và chuyên chính vô sản. Anh em văn nghệ miền Nam, ngoại trừ một thiểu số khiếp nhược, nói chung đã có một phong cách nghiêm chỉnh, lúc thất thế, trong bi thảm, trước kẻ thù. Nhưng gương mẫu nhất, rực rỡ nhất tuy từ hai cách thế biểu hiện khác biệt, qua suy nghĩ và nhận thức tôi là Vũ Hoàng Chương và Thanh Tâm Tuyền (...)

Ngày một thăng hoa khiến vị thế đại diện tồn tại nguyên vẹn trước đào thải nhiều mặt, khiến ông vừa là người khai sáng vừa là người chuyển tiếp, khiến ông là một gia tài thơ cho cả một thế hệ thơ sau được kế thừa, chỉ có Vũ Hoàng Chương trong thơ chúng ta. Chỉ có Vũ Hoàng Chương mà thôi. Có nhìn Vũ Hoàng Chương trên trình tự thời gian khá dài của thơ, có đặt ông vào cuộc vận động cực kỳ lớn lao của thơ Việt từ 50 năm trở lại đây, mới nhận thức được trên mọi chiều hướng kích thước của nó, cái tài thơ phi thường ấy, nhà thơ vĩ đại của thơ Việt chúng ta. Tôn vinh ông là đệ nhất đương thời thi sĩ, Thanh Tâm Tuyền, nhà thơ lớn nhất của một dòng thơ khác, đã không đi theo một xô đẩy tình cảm nào. Chỉ là Thanh Tâm Tuyền nhìn nổi ông, bằng một cái nhìn lớn.

Mọi người là thi sĩ. Riêng ông là thi bá.

Bởi vậy mà với một chế độ tử thù với thơ, sau ngày 30 Tháng Tư 1975, Vũ Hoàng Chương phải bị giết chết. Ngày bắt ông, 13 Tháng Tư 1976. Ngày ông mất 19 Tháng Tám  cùng năm. Chúng bắt ông sau cùng. Và giết ông trước nhất.

Buổi sáng ngày 13 Tháng Tư 1976 (phần hồi ký này viết theo lời chị Vũ Hoàng Chương thuật lại) là một buổi sáng ấm áp, nhưng đêm trước lộng gió, lạnh, thi sĩ bị cảm, đã 9 giờ còn đắp chăn nằm trên mặt sàn, không sao ngồi dậy được. Mọi người trên Gác Bút, trừ chị Chương, đã ra khỏi nhà. Chúng đến, từ phía Sài Gòn. Bốn chiếc Jeep đầy nhóc an ninh áo vàng mang súng ống như cho một hành quân lớn ầm ầm vượt qua cầu Calmette, khu chợ Khánh Hội, phóng thẳng tới phường Cây Bàng và ngừng lại trước con ngõ nhỏ dẫn vào Gác Bút.

Bọn an ninh cộng sản, trên 20 đứa, tới tấp nhẩy xuống xe. Khoảnh khắc, cả phường Cây Bàng bị vây kín. Sau này tôi được biết là đến bắt các anh Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sĩ, Duyên Anh, vợ chồng Trần Dạ Từ và tôi, an ninh đỏ chỉ điều động một lực lượng từ 4 đến 6 đứa, trên một hoặc hai xe Jeep là cùng. 

Thường thường điều động thế này, như trường hợp đến vây bắt tôi: hai đứa đứng ở vỉa hè đối diện, bên kia đường, hai đứa đứng sát hai bên cửa ra vào, hai đứa vào. Bắt được người rồi, bốn đứa ở ngoài mới vào theo, cùng lục soát tịch thu tài liệu. Vây bắt công khai nhưng tránh gây náo động. 

Trường hợp Vũ Hoàng Chương khác hẳn. Chúng chạy rầm rập, trí súng, mai phục theo tư thế chiến đấu, phá tan bầu không khí yên tĩnh của cả phường Cây Bàng buổi sáng hôm đó. Dân chúng xung quanh Gác Bút thất kinh. Có người hỏi, chúng trả lời: "Phải huy động một lực lượng lớn lao như thế này để tóm trọn ổ một bọn cướp (!) lợi hại."

Sự náo động đột ngột dưới chân tường Gác Bút, tiếng la thất thanh của chị Vũ Hoàng Chương từ trên lầu chạy xuống khi bọn sát nhân xô cửa ập vào đánh thức thi sĩ khỏi giấc ngủ chập chờn. Ông gắng gượng ngồi dậy, lấy áo gấm mặc vào người, ngồi thật thẳng giữa chiếu, bất động, chờ đợi. 

Suốt thời bọn Khuyển Ưng Khuyển Phệ tới làm tan hoang Gác Bút với sự hôi tanh kinh tởm toát ra từ con chó chết xã hội chủ nghĩa chúng mang theo (tôi dùng lại danh từ của Soljenitsyne), tâm thức phóng thoát rời đứt với thân thế ô trọc ở thi sĩ thể hiện một lần nữa. Lần cuối cùng. Ông không kinh hãi, cũng không phẫn nộ. Ông không bất ngờ, cũng chẳng ngạc nhiên. Chỉ ngồi thẳng, thành tượng, mắt nhắm lại, thu hết tâm thức đã hợp nhật với đời đời vào nội giới đóng kín.

Bọn quỷ dữ ở lại trên Gác Bút hơn hai tiếng đồng hồ. Suốt thời gian này, thi sĩ không thèm nói với chúng một lời nào. Chúng hỏi, ông không trả lời. Chúng đọc bản cáo trạng, lệnh bắt giữ, ở ông chỉ một thoáng nhún vai rồi ngồi yên như cũ. Riêng chị Vũ Hoàng Chương không sao thản nhiên được, chị uất ức gào lên: "Chồng tôi làm gì mà bắt chồng tôi?", thì được tên thủ trưởng của bọn quỷ dữ trả lời là sau đại thắng của cách mạng, tên thi sĩ phản động kia vẫn còn làm thơ chống phá cách mạng và cho phổ biến khắp Sài Gòn những bài thơ chống phá chế độ ấy. 

Rồi là cuộc lục soát và tịch thu tàn nhẫn. Từ những cuốn sách đến từng tờ bản thảo. Lúc mặt trời đứng bóng trên mái lầu Gác Bút, cuộc lục soát xong, hai thằng lực lưỡng nhất bọn quỷ tiến lại, xốc nách thi sĩ đứng lên, kèm ông xuống cầu thang. Dân chúng láng giềng với Gác Bút đứng chật lòng con ngõ khi chúng dẫn thi sĩ đi ra và đưa thẳng ông vào khám lớn Chí Hòa (…)

Hơn 4 tháng nằm trong ngục tối của thi sĩ, không ai có được những chi tiết đầy đủ. Kể cả chị Đinh Hùng, chị Vũ Hoàng Chương, cháu Vũ Hoàng Tuân, cháu Đinh Hoài Ngọc, những người đêm ngày ở cạnh chỗ nằm của ông suốt 5 ngày hấp hối. Trở về Gác Bút, thể chất trút thoát dần dần những tinh khí cuối cùng, thần trí Vũ Hoàng Chương vẫn cực kỳ minh mẫn sáng suốt. Tới đêm lâm chung. Tới phút từ trần. Nhưng thi sĩ không nói, không nói một lời nào về bốn tháng Chí Hòa. 

Ngày thứ hai của năm ngày chót ông mê đi. Tưởng ông đi, chị Vũ Hoàng Chương lớn tiếng kêu khóc. Ông dịu dàng: "Tôi còn sống đây." Rồi nói đùa: "Bị bắt vẫn còn oai. Được thủ tướng hầu hạ." Thủ tướng đây là bác sĩ Phan Huy Quát, ở cạnh phòng ông, phòng tối số 6. Buổi chiều ngày thứ ba, ông quằn quại đau đớn hết một lúc. Thấy vậy chị Vũ Hoàng Chương lo lắng hỏi: "Ở trong ngục anh có bị chúng hành hạ gì không?" Ông trả lời: "Chúng cần gì hành hạ. Chỉ bỏ đói là đủ cho mình chết." Vậy thôi. Ngày thứ năm, ngày 17 Tháng Chín 1976, Gác Bút yên tĩnh với thi sĩ nằm đó, trên mặt sàn hiu quạnh. Rồi ngày hết, đêm xuống. Và định mệnh mở rộng cánh tay như một lớp sóng mênh mông vô tận đón ông vào đời đời, lúc đó là vừa đúng 12 giờ đêm (...)

Mãi hơn hai tháng sau, một đêm mưa lớn, từ một chỗ ẩn mới bên quận Bình Thạnh vùng xa lộ Biên Hòa lặn lội trở lại khu Cao Thắng Bàn Cờ thăm H., cũng là để có tin tức về bạn từ bài thơ từ biệt, tôi mới được H. ngậm ngùi cho biết tin thi sĩ đã qua đời (…) Và nghe tin bạn mất, tôi không còn một phản ứng nào hết. Chỉ lẳng lặng ngồi xuống, hơ hai bàn tay lạnh lên ngọn đèn, nhìn đăm đăm những ngón tay ấm dần, hồng dần trên lửa. Một đêm cộng sản, tin dữ về thiên tài thơ, một tri kỷ được đón nhận như thế. Trong thờ ơ nhân thế, trong hiu quạnh cõi đời, trong giới nghiêm tăm tối, trong trống không vô cùng vô tận. Trên một sàn gác xép hiu quạnh.

Một lát thật lâu. Mưa ào ạt trên mái. Rồi H. hỏi:

- Anh không biết gì sao?

Tôi lắc đầu, nói nơi ẩn náu lần này xa khuất, ra ngoài gần như không được, tôi đứt hết mọi liên lạc, kể từ gặp H. lần trước. 

Rất ít người biết. Chúng tôi cũng không biết. Bọn khốn nạn hiểu rõ cái chết của anh Chương sẽ gây chấn động lớn. Chúng tìm hết cách bịt đi. Mấy ngày sau đám tang, chị Vũ Hoàng Chương tới đây, xõa tóc, mặc đại tang, chị khóc lóc nói anh Chương đi mà chị không làm sao báo tin dữ đến bạn bè. 

Cáo phó cháu Đinh Hoài Ngọc đưa đăng trên tờ Tin Sáng, bọn Ngô Công Đức hèn đớn đã thu tiền nhận đăng sau lại gửi trả tiền nói An Ninh Thành Ủy cấm. Thành ra đưa anh Chương tới nơi an nghỉ cuối cùng chỉ có mấy người trong nhà đi sau linh cữu. Bọn Phường Khóm được lệnh còn cấm cả hàng xóm láng giềng phường Cây Bàng không cho tới chia buồn và phúng viếng. Nhà không còn một đồng một chữ, chị Chương cuống cuồng không biết xoay sở thế nào. May được Thầy Thích Đức Nhuận và Từ Mẫn tới, lo liệu mọi chuyện. Từ áo quan tới xin đất nghĩa trang.

- Anh Chương nằm ở đâu?

- Xa lắm. Một nghĩa trang làng mới có từ sau 30 Tháng Tư. Hết vùng Chí Hòa, Lê Văn Duyệt còn phải đi một quãng nữa. Năm mươi ngày của anh Chương cũng không được làm ở nhà, sợ Phường, Khóm gây khó dễ. Mà ở chùa Giác Minh.

- Có những ai tới?

- Chừng mươi mười lăm người, trong số đó có Nguyễn Hoạt, Bàng Bá Lân, Nguyễn Hiến Lê, Vương Hồng Sển. Mọi người đều yên lặng cả. Chỉ có Nguyễn Hiến Lê, trước lúc ra về, nắm lấy tay chị Chương, an ủi: "Chị đừng đau buồn nhiều. Anh mất thế là thoát. Bọn chúng tôi bây giờ sống cũng như chết, muốn được như anh mà không được."

fb Mạnh Kim

---

[1] https://tuoitre.vn/vu-hoang-chuong-tung-duoc-de-cu-giai-nobel-van-hoc-20230211154512635.htm

9/2/23

Trở lại vấn đề lượng từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt

 


 Phạm Hùng Việt

09/07/2021 02:52

Có một số lượng lớn các từ Hán Việt đã trở thành các từ cũ, không còn được sử dụng trong tiếng Việt hiện thời. Bên cạnh đó, cũng lại có một số lượng không hề nhỏ các từ Hán Việt mới được tạo thành. Tình hình này làm cho lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt luôn duy trì ở một tỉ lệ cao. Tuy nhiên, kết quả khảo sát một số cuốn từ điển tiếng Việt được xuất bản gần đây cho thấy lượng từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt thông dụng hiện nay chiếm tỉ lệ khoảng hơn 30%.

tu-dien-1625773858.jpg
 
 
 
 
  • 1. Từ ngữ Hán Việt, theo cách hiểu phổ biến hiện nay là từ ngữ gốc Hán trong tiếng Việt đọc theo cách đọc Hán Việt. Từ ngữ Hán Việt, do điều kiện hình thành và phát triển của nó, rõ ràng chiếm một số lượng lớn trong vốn từ ngữ tiếng Việt. Nhưng cái “lượng lớn” đó là bao nhiêu thì còn có những ý kiến khác nhau. Lâu nay, chúng ta vẫn thường dựa vào ý kiến của H. Maspéro để cho rằng lượng từ Hán Việt chiếm khoảng 60% vốn từ tiếng Việt, chẳng hạn, Lê Đình Khẩn cho biết: “Trở lại với Maspéro [149], chúng ta thấy có lẽ ông là người đầu tiên tiến hành thống kê và công bố số lượng từ Hán trong tiếng Việt. Với tỉ lệ 60% từ Hán trong tiếng Việt, ông đã tưởng tiếng Việt là một nhánh của cái gốc Hán Tạng” [7, tr.6]. Một số ý kiến thậm chí cho rằng sự phát triển của từ Hán Việt trong thời gian qua làm cho lượng từ Hán Việt ngày càng nhiều hơn, nên có thể chiếm tỉ lệ cao hơn thế nữa.

    Không rõ trước đây, Maspéro dựa vào nguồn dữ liệu nào để thống kê, tính đếm, đưa ra tỉ lệ nêu trên về từ Hán Việt trong tiếng Việt. Nhưng kết quả mà Maspéro đưa ra (năm 1912) cũng đã cách đây hơn một thế kỉ. Với sự phát triển của tiếng Việt, đặc biệt là sự phát triển rất mạnh mẽ từ sau khi đất nước thống nhất (1975) và sau đổi mới (1986) đến nay, vốn từ tiếng Việt đã có sự thay đổi lớn. Nhiều từ ngữ đã trở thành cũ, không còn được sử dụng, trong khi rất nhiều từ ngữ mới được sinh ra, đi vào vốn từ chung của tiếng Việt. Từ ngữ Hán Việt cũng nằm trong xu thế chung đó. Lớp từ ngữ này có mặt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, được phản ảnh vào trong các từ điển giải thích tiếng Việt.

    2. Từ điển giải thích tiếng Việt là loại sách tra cứu cung cấp thông tin về các từ ngữ của tiếng Việt, có chức năng xã hội rất rộng. Bên cạnh việc cung cấp vốn từ ngữ và cách sử dụng chúng trong giao tiếp, học tập tiếng mẹ đẻ , góp phần chuẩn hoá ngôn ngữ, từ điển giải thích tiếng Việt còn giúp mở rộng hiểu biết của con người về sự vật, khái niệm - vốn là một mặt thường không thể thiếu được trong ý nghĩa của từ. Từ điển luôn phản ánh những kiến thức vốn có trong xã hội ở một thời kì nhất định. Nó là một trong những sản phẩm khoa học chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền văn hoá xã hội. Ngược trở lại, từ điển cũng có tác dụng lớn đối với sự phát triển của văn hoá, giáo dục, đối với việc nâng cao dân trí, đối với sự phát triển của bản thân ngôn ngữ và đối với việc mở rộng giao lưu giữa những cộng đồng ngôn ngữ khác nhau. Có thể nói, một cuốn từ điển tốt là một công cụ tri thức có tác dụng góp phần nâng cao hiểu biết cho người dùng, định hướng về cách sử dụng chuẩn mực ngôn ngữ, đóng góp rất quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Lượng từ ngữ trong bảng từ của một cuốn từ điển giải thích cỡ vừa có thể được coi là vốn từ phổ thông của một ngôn ngữ.

    Trong bảng từ của từ điển tiếng Việt, lớp từ Hán Việt có vai trò rất quan trọng, vì đây là lớp từ có khối lượng lớn, được sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, …

    Để tìm hiểu về lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt hiện nay, chúng tôi đã tiến hành khảo sát lượng từ Hán Việt trong một số cuốn từ điển tiếng Việt xuất bản trong thời gian gần đây, cũng như tham khảo kết quả khảo sát về lượng từ ngữ Hán Việt trong một số công trình, luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ, … Kết quả thu được như sau.

    Cuốn từ điển tiếng Việt được dùng để khảo sát lượng từ ngữ Hán Việt là Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) do Hoàng Phê và một nhóm cộng sự biên soạn, Nxb. Đà Nẵng, 2011. Lí do chọn cuốn từ điển này vì đây là cuốn từ điển có ghi chữ Hán cho các từ ngữ Hán Việt trong từ điển (x. mục 2, tr. IX trong phần C. Cấu trúc vi mô của quyển từ điển). Đây cũng là cuốn từ điển đã tiếp thu hầu như toàn bộ thành quả của cuốn Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ học biên soạn, Hoàng Phê chủ biên. Việc khảo sát cho kết quả như sau:

    Tổng số từ ngữ Hán việt trong từ điển là: 14933 đơn vị, trong đó có 1184 từ đơn tiết, được phân bổ theo các vần:   

    TỔNG HỢP SỐ LƯỢNG CHÚ THÍCH TỪ HÁN VIỆT

     

     

     

     

    STT

    Vần

    Số lượng mục từ

    Từ đơn

    1

    A

    167

    7

    2

    Ă

    0

    0

    3

    Â

    113

    11

    4

    B

    914

    53

    5

    C

    1478

    93

    6

    D

    508

    27

    7

    Đ

    1189

    68

    8

    E

    0

    0

    9

    Ê

    0

    0

    10

    F

    0

    0

    11

    G

    352

    16

    12

    H

    1324

    111

    13

    I

    6

    1

    14

    J

    2

    0

    15

    K

    803

    85

    16

    L

    594

    65

    17

    M

    287

    30

    18

    N

    923

    81

    19

    O

    33

    4

    20

    Ô

    27

    4

    21

    Ơ

    5

    1

    22

    P

    694

    58

    23

    Q

    383

    30

    24

    R

    0

    0

    25

    S

    436

    43

    26

    T

    3820

    329

    27

    U

    59

    6

    28

    Ư

    63

    8

    29

    V

    467

    26

    30

    W

    1

    0

    31

    X

    189

    17

    32

    Y

    96

    10

    33

    Z

    0

    0

    TỔNG CỘNG:

    14933

    1184

     

    So với tổng số mục từ của cuốn từ điển này là 45.850 đơn vị thì lượng từ ngữ Hán Việt trong cuốn từ điển này chiếm 32, 57%.

    Trong luận án tiến sĩ của La Văn Thanh Nghiên cứu đặc điểm các tổ hợp song tiết Hán Việt (Có đối chiếu với tiếng Hán) (Hà Nội, 2010), tác giả đưa ra con số 10.900 tổ hợp song tiết Hán - Việt thống kê trong Từ điển tiếng Việt (Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên). Nếu tính trên tổng số lượng từ ngữ của cuốn Từ điển tiếng Việt này là 39.924 thì lượng tổ hợp song tiết Hán Việt chiếm 27,3% . Tính cả từ đơn tiết và đa tiết Hán Việt thì lượng từ ngữ Hán Việt trong cuốn từ điển này chiếm khoảng 31,5%.

    Liên hệ thêm với một bộ từ điển đối chiếu Việt - ngoại ngữ là Đại từ điển Việt – Nga mới (Maxcơva 2012). Trong bộ từ điển này, tổng số từ Hán Việt được chú chữ Hán là 20.067 đơn vị (không chú cho từ đơn âm) trong tổng số khoảng 80.000 đơn vị mục từ. Nếu tính cả từ đơn âm thì lượng từ Hán Việt trong bộ từ điển này chiếm khoảng  26,6%. của toàn bộ mục từ trong từ điển.

    Advertisements

    Ads end in 42

    Trong luận án tiến sĩ Từ ngữ mới tiếng Việt (trên tư liệu giai đoạn từ năm 1986 đến nay) của Bùi Thị Thanh Lương bảo vệ năm 2006 [8],  tác giả đã cho thấy lớp từ ngữ mới có nguồn gốc ngoại chiếm số lượng khá lớn, trong đó từ vay mượn gốc Hán chiếm ưu thế với 46,09%. Không chỉ đi vào số lượng, luận án còn cho thấy vai trò quan trọng của các từ ngữ mới gốc Hán trong việc tham gia phát triển hệ thống thuật ngữ các ngành khoa học. Đi vào khảo sát cụ thể sự hoạt động của từ ngữ mới trong một số tác phẩm văn học được lựa chọn từ sáng tác của các tác giả: Lê Lựu, Ma Văn Kháng, Chu Lai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Y Ban, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, luận án đã cho thấy trong các tác phẩm văn học, các từ ngữ mới chủ yếu là các từ thuần Việt, chiếm tỉ lệ 75% so với 14,8% từ Hán Việt. Có thể thấy đây là kết quả khá bất ngờ vì trong lớp từ ngữ mới dùng trong các tác phẩm văn học, tỉ lệ từ Hán Việt lại thấp như vậy.

    3. Xem xét thêm lượng từ ngữ Hán Việt được khảo sát trong một số luận án tiến sĩ làm về đề tài thuật ngữ - khu vực được cho là sử dụng rất nhiều từ ngữ Hán Việt, có thể thấy tình hình như sau.

    Trong luận án tiến sĩ Thuật ngữ khoa học kỹ thuật xây dựng trong tiếng Việt của Vũ Thị Thu Huyền, bảo vệ năm 2013 [6], về nguồn gốc, luận án cho thấy đơn vị cấu tạo thuật ngữ xây dựng tiếng Việt có sự tham gia của cả ba loại ngữ tố: thuần Việt, Hán Việt và Ấn Âu, trong đó các thuật ngữ được cấu tạo từ các ngữ tố thuần Việt chiếm tỉ lệ lớn: 72,24%, các thuật ngữ do sự ghép lai các ngữ tố thuần Việt và Hán Việt có tỉ lệ nhỏ hơn rất nhiều: 20,24%.

    Trong luận án tiến sĩ  Nghiên cứu thuật ngữ báo chí tiếng Việt của  Quách Thị Gấm – 2014 [4], tác giả cho thấy  về nguồn gốc, đơn vị cấu tạo thuật ngữ báo chí tiếng Việt có sự tham gia của cả ba loại yếu tố: thuần Việt, Hán Việt và Ấn Âu, trong đó các loại có cấu tạo từ các yếu tố Hán Việt chiếm tỉ lệ lớn hơn cả (67,7%, so với thuần Việt là 25,3%, Ấn Âu là 7%).

    Luận án tiến sĩ Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại của Lê Thị Thùy Vinh – 2014 [20]  đã cho thấy, xét về nguồn gốc, có đến 745/1011 đơn vị từ ngữ kinh tế (chiếm tỉ lệ 73,6%) có nguồn gốc Hán Việt, 94/1011 đơn vị (chiếm tỉ lệ 9,3%) có nguồn gốc Âu Mỹ; chỉ có 172/1011 đơn vị từ ngữ kinh tế (chiếm tỉ lệ 17%) là từ thuần Việt.

    Một số luận án tiến sĩ, luận văn thạc sĩ đi vào khảo sát về việc sử dụng từ Hán Việt của một số nhà hoạt động chính trị, nhà văn, nhà báo, … cũng đã cho kết quả như sau.

    Luận văn thạc sĩ về đề tài: Từ Hán Việt trong các văn bản chính luận                                   của Chủ tịch Hồ Chí Minh của học viên cao học Vũ Đình Tuấn  (2013) [10] đã đi vào khảo sát đặc điểm từ Hán – Việt trong văn chính luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát cho thấy tổng số từ Hán Việt được sử dụng là 3534 từ trên tổng số 12250 từ trong toàn bộ 25 tác phẩm được khảo sát, chiếm tỉ lệ 28,9%. Tác giả cũng cho thấy loại văn bản là tuyên ngôn, lời kêu gọi, lời hiệu triệu có số lượng từ Hán Việt được sử dụng nhiều nhất.

    Luận án tiến sĩ: Đề tài: Đặc điểm vốn từ trong các tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ của Đặng Mỹ Hạnh [5] cho thấy, trong tác phẩm báo chí của nhà báo Hữu Thọ, theo nguồn gốc, lớp từ Hán Việt chiếm tỉ lệ lớn nhất (51,3%); từ thuần Việt chiếm 43,9%, chủ yếu dùng trong nhóm từ chỉ nghề nông thuộc hai thể loại điều tra và ghi chép của nhà báo; từ Ấn – Âu chiếm 2,9%, phân bố khá đồng đều ở các tác phẩm.

    4. Để thấy được sự thay đổi (với nghĩa là có tạo mới và có mất đi) của lớp từ  ngữ Hán Việt, chúng tôi đã tiến hành so sánh một số từ đầu mục trong Từ điển tiếng Việt thời kì đầu thế kỉ XX với bảng từ của Từ điển tiếng Việt xuất bản gần đây.

    Chẳng hạn, so sánh những từ đầu mục có từ gốc là An (安), có thể thấy:

    - Trong Đại Nam Quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của có 21 mục từ:

     an bài, an bần, an bang, an biên, an dật, an hảo, an nhàn, an nhân, an ổn, an phận, an tâm, an táng, an tĩnh, an thân, an thường, an tọa, an toàn, an trí, an ủy, an vị.

    - Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex)  có 29 mục từ, gồm:

    an bài, an bần lạc đạo, an cư, an cư lạc nghiệp, an dân, an dưỡng, an dưỡng đường, an hưởng, an khang, an lạc, an nguy, an nhàn, an nhiên, an ninh, an phận, an phận thủ thường, an sinh, an táng, an tâm, an thai, an thân, an thần, an tọa, an toàn, an toàn khu, an trí, an ủi, an ủy, an vị,

    Trong số các mục từ dẫn ra ở hai từ điển nêu trên, chỉ có 11 mục từ chung cho cả 2 từ điển là: an bài, an nhàn, an phận, an tâm, an táng, an thân, an tọa, an toàn, an trí, an ủy, an vị. Có 9 mục từ có ở Đại Nam Quấc âm tự vị nhưng không có ở Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) là: an bần, an bang, an biên, an dật, an hảo, an nhân, an ổn, an tĩnh, an thường. Có 18 mục từ có trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) nhưng không có trong Đại Nam Quấc âm tự vị là an bần lạc đạo, an cư, an cư lạc nghiệp, an dân, an dưỡng, an dưỡng đường, an hưởng, an khang, an lạc, an nguy, an nhiên, an ninh, an phận thủ thường, an sinh, an thai, an thần, an toàn khu, an ủi.

    So sánh thêm những từ đầu mục có từ gốc là bát (), có thể thấy tình hình như sau:

    - Trong Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí-Tiến Đức có 13 mục từ, gồm:

    bát âm, bát bửu, bát dật (bát tuần), bát dật (lối múa), bát giác, bát giác lầu, bát phẩm, bát quái, bát sách, bát sát, bát tiên, bát tuần, bát trận.

    - Trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex) cũng có 13 mục từ, gồm:

    bát âm, bát cổ, bát cú, bát diện, bát giác, bát phẩm, bát quái, bát sách, bát tiên, bát tiết, bát trân, bát tuần, bát vị.

    Tuy nhiên, trong Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học (Vietlex), không có 7 từ mà Việt Nam tự điển đã thu thập: bát bửu, bát dật (2 từ), bát giác lầu, bát sát, bát tuần, bát trận; ngược lại, trong Việt Nam tự điển không có 6 từ mà Từ điển tiếng Việt có là: bát cổ, bát cú, bát diện, bát tiết, bát trân, bát vị.  

    Khảo sát một số trường hợp khác như các mục từ có từ gốc là bất (), đồng (同), hồi (回, hội (會), … chúng tôi cũng thu được kết quả tương tự.

    Từ các kết quả khảo sát nêu trên, chúng tôi đi đến nhận xét như sau.

    Qua sự phản ánh lượng từ Hán Việt trong một số cuốn từ điển tiếng Việt thời gian gần đây, có thể thấy một thực trạng là: có một số lượng lớn các từ Hán Việt đã trở thành các từ cũ, không còn được sử dụng trong tiếng Việt hiện thời. Bên cạnh đó, cũng lại có một số lượng không hề nhỏ các từ Hán Việt mới được tạo thành. Tình hình này làm cho lượng từ Hán Việt trong tiếng Việt luôn duy trì ở một tỉ lệ cao. Tuy nhiên, kết quả khảo sát một số cuốn từ điển tiếng Việt được xuất bản gần đây cho thấy lượng từ ngữ Hán Việt trong tiếng Việt thông dụng hiện nay chiếm tỉ lệ khoảng hơn 30%.

    Đi vào sử dụng, lượng từ Hán Việt có sự chênh lệch đáng kể giữa các ngành nghề, các thể loại văn học, các tác giả, tác phẩm, … Chẳng hạn, trong lĩnh vực thuật ngữ, lượng yếu tố cấu tạo thuật ngữ có nguồn gốc Hán Việt có thể dao động từ hơn 20% (thuật ngữ khoa học kĩ thuật xây dựng) đến gần 70% (thuật ngữ báo chí).

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

     

    1. Đại Nam Quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của, Sài Gòn, 1895.
    2. Đại từ điển tiếng Việt, Nguyễn Như Ý chủ biên, TP. HCM, 2000.
    3. Đại từ điển Việt – Nga mới, Maxcơva , 2012.
    4. Quách Thị Gấm (2014), Nghiên cứu thuật ngữ báo chí tiếng Việt, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
    5. Đặng Mỹ Hạnh (2014), Đặc điểm vốn từ trong các tác phẩm của nhà báo Hữu Thọ, Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
    6. Vũ Thị Thu Huyền (2013), Thuật ngữ khoa học kỹ thuật xây dựng trong tiếng Việt Luận án tiến sĩ, Học viện Khoa học xã hội, Hà Nội.
    7. Lê Đình Khẩn (2002), Từ vựng gốc Hán trong tiếng Việt, Nxb Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh.
    8. Bùi Thị Thanh Lương  (2006) Từ ngữ mới tiếng Việt (trên tư liệu giai đoạn từ năm 1986 đến 2006), Luận án tiến sĩ, Viện Ngôn ngữ học, Hà Nội.
    9. La Văn Thanh (2010) Nghiên cứu đặc điểm các tổ hợp song tiết Hán Việt (Có đối chiếu với tiếng Hán), Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
    10. Vũ Đình Tuấn (2013), Từ Hán Việt trong các văn bản chính luận                                   của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Thái Nguyên
    11. Từ điển An Nam – Lusitan – Latinh (thường gọi Từ điển Việt - Bồ - La,  của Alexandre De Rhodes, xuất bản tại Roma, 1651, Bản chụp và dịch in của Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1991.
    12. Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học (Vietlex), Nxb. Đà Nẵng, 2011.
    13. Từ điển tiếng Việt, Văn Tân chủ biên, HN, 1977.
    14. Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Hoàng Phê chủ biên, HN, 2000.
    15. Từ điển từ và ngữ Việt NamNguyễn Lân, TP. HCM, 2000.
    16. Tự điển Việt Nam phổ thông, Đào Văn Tập, Sài Gòn, 1951.
    17. Tự điển Việt NamLê Văn Đức, Sài Gòn, 1970.
    18. Việt Nam tân từ điển, Thanh Nghị, Sài Gòn, 1952.
    19. Việt Nam tự điển - Hội Khai Trí-Tiến Đức, Sài Gòn 1931.
    20. Lê Thị Thùy Vinh (2014), Vận động tạo từ, tạo nghĩa của từ ngữ kinh tế trong tiếng Việt hiện đại, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
    21. Институт Языкознания - Россйская Академия Наук и Институт Лексикографии и Энциклопедии - Вьетнамская Академия Общественных Наук, Новый большой вьетнамско-русский словарь, Издательская фирма "Восточная Литература", Москва, 2012.

     

    (Bài đã đăng ở tạp chí Từ điển học & Bách khoa thư, số 1-2016).