31/1/22

Trừ dạ tác. Cao Thích

 除夜作  

旅館寒燈獨不眠,

客心何事轉悽然。

故鄉今夜思千里,

霜鬢明朝又一年。

高適

Giản thể

旅馆寒灯独不眠,
客心何事转悽然。
故乡今夜思千里,
霜鬓明朝又一年。

Âm Hán Việt

Trừ dạ tác

Lữ quán hàn đăng độc bất miên,
Khách tâm hà sự chuyển thê nhiên.
Cố hương kim dạ tư thiên lý,
Sương mấn minh triêu hựu nhất niên.
Cao Thích

Chú thích:

- 除夜: 除夕之夜。 Trừ dạ: tức đêm trừ tịch , đêm giao thừa.

- 客心: 自己的心事. Khách tâm: lòng khách. Khách đây là chính tác giả.  

- 悽然, cũng viết 淒然 thê nhiên:淒涼,悲傷。buồn thảm, bi thương. 悽 thê: đau thương, như 悽風苦雨 thê phong khổ vũ: gió thảm mưa sầu. 淒 thê: lạnh lẽo rét mướt. 淒涼 thê lương: cô tịch lạnh lẽo. 淒慘 thê thảm. 

- 霜鬢 sương mấn:兩鬢白如霜。hai bên tóc mai bạc như sương. Bản khác: 愁鬢 sầu mấn.

- 明朝: 明天. Minh triêu: sáng mai, ngày mai

Cao Thích (704 - 765), là nhà thơ biên tái nổi tiếng thời Thịnh Đường, cùng với Sâm Tham, Vương Xương Linh, Vương Chi Hoán được tôn là "Biên tái tứ thi nhân" (Bốn nhà thơ biên tái. Biên tái là loại thơ tả cănh sắc biên thuỳ và tâm tình của người lính thú). 

Nghĩa.

Viết trong đêm trừ tịch
Ở quán trọ dưới ngọn đèn lạnh lẽo thấy lẻ loi không ngủ được,
lòng khách không biết sao chợt thấy buồn thê thiết.
Đêm nay nghĩ về quê nhà ở xa ngàn dặm,
sớm mai sợi tóc mai màu sương lại thêm một tuổi nữa rồi.

Quán vắng đèn khuya, đêm hút sâu,
Khách buồn hiu hắt bởi vì đâu.
Đêm nay xa nhớ vàng quê cũ.
Mai sớm dài trông trắng tóc sầu.
Phan Quỳ

Một số bản dịch thơ khác trên mạng (chép từ thivien . net)

Quán trọ đèn côi giấc chẳng thành
Về đâu lòng khách những buồn tênh!
Quê nhà ngàn dặm đêm nay nhớ
Mai, một năm thêm, bạc tóc mình.
Khương Hữu Dụng

Quán trọ đèn khuya nỗi vấn vương
Cớ chi lòng khách nặng sầu thương
Đêm nay quê cũ mơ ngàn dặm
Mai sớm năm về tóc nhuốm sương
Trương Việt Linh

Đèn tàn quán vắng giấc chẳng yên,
Cớ sao lòng khách đượm ưu phiền.
Đêm nhớ cố hương xa nghìn dặm,
Sầu giăng, mai sớm lại tân niên.
Phụng Hà 


Hình trên mạng






30/1/22

Tống xuân từ. Vương Nhai

 送春詞

日日人空老,

年年春更歸。

相歡在尊酒,

不用惜花飛。

Âm Hán Việt

Tống xuân từ

Nhật nhật nhân không lão,

Niên niên xuân cánh quy.

Tương hoan tại tôn tửu,

Bất dụng tích hoa phi.

Chú thích

- 日日 nhật nhật = ngày ngày, hằng ngày. 年年 niên niên = năm năm, hằng năm.

- 人空老 nhân không lão = người chỉ già thêm. 空 không, nghĩa quen thuộc là trống không, nhưng ở đây làm phó từ, có nghĩa là chỉ, thế thôi, như 只 chỉ; 僅(仅) cần. 

- 春更歸 xuân cánh quy = xuân lại về. Chữ 更 này chính là canh trong năm canh (更 lượng từ, chỉ đơn vị thời gian(, hoặc canh trong canh tân (更 canh, động từ, có nghĩa là sửa đổi). Nhưng ở đây đọc là cánh, làm phó từ, có nghĩa là lại, lần nữa.

- 相歡 tương hoan: vui với nhau. 

- 尊酒 tôn tửu: 杯酒, li rượu. 尊 tôn: đồ đựng rượu để cúng tế.

- 不用 bất dụng: không cần thiết. 惜 tích = tiếc thương. 

Đây là bài thơ ngũ ngôn tuyệt cú của nhà thơ Vương Nhai (? - 835), một nhà thơ thời trung Đường (Trên các trang mạng của Tàu, tác giả bài thơ đều ghi Vương Nhai, nhưng trong cuốn "Đường thi" Trần Trọng Kim ghi tên tác giả là Vương Duy, hiện nay tên mạng rất nhiều người cũng sai theo, dù trên trang thivien . net đã thấy có đính chính).

Nghĩa:

Lời tiễn xuân.

Ngày ngày người cứ già đi, năm năm xuân lại về. 

Cùng nhau vui uống li rượu, chẳng ích gì mà thương tiếc cánh hoa bay.


Tạm dịch

Ngày qua tóc bạc đi,
Năm hết xuân xanh về.
Nâng chén vui cùng cạn,
Hoa rơi, tiếc ích gì.


Một số bản dịch khác (cop lại từ thivien . net)

Ngày ngày người cứ già,
Năm năm xuân lại qua.
Vui có được chén rượu,
Chẳng cần tiếc hoa bay.
Trần Trọng San


Mỗi ngày người mỗi già thêm,
Năm qua năm tới lại đem xuân về.
Vui say vò rượu sẵn kia,
Công đâu mà tiếc làm gì hoa bay.
Trần Trọng Kim

春 Xuân, thư pháp lấy trên mạng.



26/1/22

VỀ NHỮNG "TỘI LỖI" CỦA NHẤT HẠNH.


Chuyện một người được kẻ yêu người ghét là chuyện hết sức bình thường. Ngay cả Đức Phật, Đức Chúa, .. còn bị thế, nói chi Nhất Hạnh. Ổng ko bị ai ghét mới là bất bình thường.

Nhất Hạnh bị nhiều người biêu riếu từ lâu, ông không trả lời. Đệ tử của ông có hàng trăm ngàn, cũng ko ai lên tiếng. Tôi dĩ nhiên càng ko cần, ko có tư cách gì để lên tiếng "thanh minh" giùm ông, làm cái việc bảo hoàng hơn vua.

Tuy nhiên hai hôm nay, sau khi ông mất, nhiều ông bạn già và con cháu đọc những "thông tin" trên mạng cũng hoang mang, hỏi. Ko phải ai cũng đủ lòng tin vào đạo hạnh của thầy (thật ra điều ấy cũng ko nhất thiết cần có!) để yên tâm nghe lời thầy dạy, và trong số đó ko phải ai cũng rành tìm thông tin trên mạng. Nên tôi ghi lại những thứ tôi đã tìm hiểu được về các "thông tin" kia, cho những ai có lòng muốn tìm hiểu mà ko đủ thời gian phương tiện để tìm đến những thông tin hữu quan.

*

1. Nhất Hạnh có vợ, con; có ảnh chụp rõ ràng.

Thật ra đó là ảnh vợ con của một người khác, ông chụp chung khi đến thăm nhà. Ảnh gốc ở đây [1] 

Người nhà, chủ nhân bức ảnh cũng đã lên tiếng thanh minh, ở đây [2] 

*

2. Nhất Hạnh vu vạ Mỹ ném bom tàn sát 300000 người ở Bến Tre. 

Nguyên văn câu nói của NH mà người ta dựa vào để kết tội NH: "One time I learned that the city of Ben Tre, a city of three hundred thousand people, was bombarded by American aviation just because some guerillas came to the city and tried to shoot down American aircrafts." 

Và đây nữa: "When we learned of the bombing of the Bentre village in Vietnam, where 300.000 homes were destroyed, and the pilots told journalists that they had destroyed the village in order to save it, I was shocked, and [racked] with anger and grief. " [4]

Câu đầu trích torng bài pháp thoại của "Embracing Anger" của NH tại nhà thờ Riverside, NY, 25/9/2001. Transcript ở đây [3]

Bài pháp thoài thực hiện hai tuần sau vụ khủng bộ đánh sập tòa tháp đôi ở NY, mục đích của bài pháp thoại rất rõ ràng: Hướng dẫn để mọi người kiềm chế được sự giận dữ sau vụ khủng bố. 

Ông mở đầu bằng cách kể lại kinh nghiệm cá nhân của mình: Một lần nọ ông được biết "the city of Ben Tre, a city of three hundred thousand people, was bombarded .." thị xã Bến Tre, thị xã có 300 000 dân, bị bom. Chú ý: thị xã (có 300 000 dân) bị bỏ bom, ko phải thị xã bị bỏ bom và 300000 người chết! Mặt khác, ông chỉ "learned of", tức ko chứng kiến, mà từ đâu đó biết được. Có thể thông tin ông nghe được cũng ko chính xác. Thời ấy, thị xã Bến Tre không đông dân đến thế. Nhưng dù chính xác hay ko, thông tin ấy cũng khiến ông giận dữ

Câu trích thứ hai là từ bài phỏng vấn của Ann A. Simpkinson. "When we learned of the bombing of the Bentre village in Vietnam, where 300.000 homes were destroyed,  .. "  = khi tôi được biết về một cuộc dội bom một làng ở Bến Tre, với 300 000 ngôi nhà bị phá hủy, .. 

Lại những thông tin không chính xác. Ngay cả hiện này VN cũng không có ngôi làng nào có đến 300 000 ngôi nhà. Có thể người viết ghi nhầm chăng? Bài phỏng vấn được lưu ở đây [4]

Nhưng dù thông tin ấy đúng sai thế nào, nghe được ông vẫn bị sốc. Ông giận dữ. Và ông kể tiếp, ông  đã làm thế nào để ông kiềm nén cơn giận, để không có những hành động sai lầm .. Đấy mới là điều ông muốn nói, muốn chia sẻ với mọi người. 

*

3. Nhất Hạnh ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản.

Tôi nhớ hình như trong Thao Thức của A Kron, một nhân vật có nói, rằng sứ mạng của người trí thức là nêu lên những sai lầm của chính quyền nước mình, chứ ko phải sai lầm của chính quyền nước khác. 

Nhất Hạnh, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Văn Trung, .. và nhiều người khác sống ở Nam, đã làm đúng như thế. Nếu hồi ấy họ nêu lên các sai lầm của Hà Nội, hẳn họ ko phải khổ cực, nguy hiểm như thế. Nhưng họ đã thực hiện đúng vai trò trí thức của mình. Còn chỉ ra những sai lầm của HN là nhiệm vụ của chính quyền miền Nam, cũng như của trí thức Hà Nội. Trí thức HN ko làm, chính quyền VNCH ko chỉ ra được đủ rõ để thuyết phục được dân miền Nam, khiến nhiều người miền Nam ủng hộ VC, thì đó là yếu kém của những người làm công tác tuyên truyền của VNCH bấy giờ.  

Ngoài ra, chống chính quyền ông Diệm hay ông Thiệu hoàn toàn ko có nghĩa là chống miền Nam, chống quốc gia. Việc đồng hóa chính quyền với đất nước là một ngụy biện, họ học của ai vậy?

Nói thế, là cho hết lí. Thật ra, thế của miền Nam xưa là thế thua cuộc hiển nhiên. Vì miền nam tự do hơn. Tự do hơn, nên người dân được tiếp cận thông tin nhiều hơn. Nên ko mấy ai chấp nhận cuộc chiến mà họ cho là tồi tệ vô nghĩa .. 

Nhất là sau khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng. Gặp riêng, nói chuyện với mấy anh lính Mỹ trẻ thấy họ rất dễ thương, dễ gần. Nhưng nhìn một đoàn lính Mỹ súng đạn trang bị tận răng đi ngênh ngang trên đất VN, ít người dân nào ko thấy khó chịu, bất mãn.

Các bạn mà nay khoảng dưới 65t có thể dễ dàng kiểm chứng các điều tôi nói trên đây qua thơ văn giai đoạn đó. Như đã nói, bấy giờ khá tự do, nên thơ văn thể rất rõ tâm tình người dân bấy giờ. Thử đọc bài thơ Quê hương của Du Tử Lê:

Giữa đêm

Một người mù

Đi tìm tương lai

Hai hàng máu chảy. 

Du Tử Lê bấy giờ là một SQ Tâm lí chiến. Trích thêm mấy câu trong bài Khi người chết trẻ, cũng của ông:

Khi kẻ tử trận tuổi chưa ngoài hai mươi mốt

hắn sẽ mang những gì về thế giới bên kia (..)

hắn chợt nhớ mình còn quá trẻ

chết, khi không, chết chả làm gì.

Trong tác phẩm của các tác giả trẻ là quân nhân, lòng chán ghét chiến tranh càng rõ rệt:

Ta vốn hiền khô ta là lính cậu

Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo

Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo

Xem cuộc chiến như tai trời ách nước

Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước

Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi

Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi

Suy nghĩ làm chi cho lao tâm khổ trí

Lũ chúng ta sống một đời vô vị

Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau (Chiến tranh VN và tôi. Nguyễn Bắc Sơn).

Các bạn càng dễ tìm hơn trong nhạc. Ai dám bảo Phạm Duy ưa thích CS? Nhưng ông vẫn hát: Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai ... Đặc biệt, Trịnh Công Sơn với các Ca khúc Da vàng. Trước 75, TCS được biết đến nhiều, ko phải do Ướt mi, Diễm xưa, .. Nhạc tình thời ấy rất nhiều tác giả viết, và có người viết hay, viết độc đáo ko kém, thậm chí còn hơn TCS. TCS được công chúng biết đến rộng rãi, trước hết, là nhờ những Ca khúc Da vàng. Bởi qua đó mọi người, đặc biệt là lớp thanh niên svhs, tìm thấy tâm trạng của mình trong đó. Thân phận tủi nhục của một nước da vàng nhược tiểu, bị đẩy vào một cuộc chiến huynh đệ tương tàn một cách vô nghĩa .. TCS nổi tiếng, chứng tỏ số đông đã đồng cảm với ông. TCS nổi tiếng, cũng chứng tỏ miền Nam bấy giờ khá tự do ... 

Tự do, nên phần đông đã sớm nhận ra bản chất của cuộc chiến, và ko chấp nhận nó. 

Thanh niên lớn lên, trừ một số ít vì hoàn cảnh riêng muốn cầm súng ra trận, còn đại đa số đều cố gắng tìm cách để ko phải đi lính. Học giỏi để được du học hay được hoãn dịch học vấn. Kẹt quá thì đi tu để được hoãn dịch tôn giáo, chạy chọt làm lại khai sinh cho nhỏ tuổi đi, .. Cuối cùng nếu bị buộc phải đi lính, thì tìm cách để được vào những binh chủng ko phải ra chiến trường .. và cuối cùng, ra chiến trường thì cũng với tâm trạng rất bất đắc dĩ. Thậm chí 

Ngày hôm nay ta muốn chặt đi bàn tay trái, 

Để được làm người theo ý riêng ta. (Nguyễn Bắc Sơn). 

Ngày ấy ko thiếu gì người tự chặt ngón trỏ, tự dẫm lên kíp nổ để bay mất nửa bàn chân, chấp nhận ra tòa án binh để được khỏi tham gia cuộc chiến. 

Với tâm trạng như thế, làm sao ko thua cuộc? 

Cuộc chiến VN thật ra thêm một lần nữa xác nhận một nghịch lí đã xảy ra nhiều lần trong lịch sử, rằng khi tranh chấp vũ lực, bên có nền văn minh hơn sẽ bị thua trận trước bên có nền văn minh thấp hơn. 

Như anh thư sinh con nhà khá giả đánh lộn với anh nông dân nghèo, trước sau cũng bị knockout thôi. Giữ được 20 năm đã là khá lắm. 

Thế mà có người lại quay ra trách móc đổ thừa cho một ông sư, chẳng phải quá buồn cười? 

Riêng về chuyện Nhất Hạnh tiếp tay cho vc, ai muốn biết thực hư thì khá dễ dàng. Hãy vào trang web Làng Mai tìm đọc loạt hồi kí về Trường Thanh niên Phụng sự xã hội. Ví dụ chương này [5], thử đọc để biết người phía bên kia bấy giờ đã ưu ái các tác viên TNPSXH như thế nào!

Trên trang fb này cũng giới thiệu nhiều tài liệu từ nước ngoài, nhận định về tư tưởng chống cs Nhất Hạnh [6] 

4. Sau 1975, Nhất Hạnh im lặng, hoặc đồng tình hoặc ko dám chống đối những vi phạm nhâ quyền rõ rệt của cs

Những người chỉ trích Nhất Hạnh sau 1975 im re, có thể đọc tài liệu của QH Mỹ [7] trong phiên điều trần ngày 13 tháng 5 năm 1989, ở đó dân biểu Tom Lantos từ tiểu bang California, thay mặt phái đoàn Thích Nhất Hạnh, trình bày vấn đề nhân quyền. 

"Một phái đoàn đại diện Thích Nhất Hạnh, đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, gần đây đã gặp gỡ các thành viên Quốc hội để nhắc nhở chúng tôi, và đặc biệt là Hội đồng Nhân quyền của Quốc Hội, rằng hàng ngàn người Việt Nam ôn hòa vẫn bị giam giữ trong các trại cải tạo khét tiếng hoặc bị đày đến các vùng hẻo lánh. Tôi muốn Quốc Hội chú trọng đến một danh sách ngắn gồm những nhà sư, ni cô và những nhà văn nổi trội. Họ là những người đại diện cho vô số người Việt Nam vẫn bị đàn áp vì muốn biểu thị một cách ôn hoà tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ." (Tiếp theo là liệt kê hàng chục tu sĩ như Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ sĩ, Lê Mạnh Thát, .. 60 nhà văn như Doãn Quốc Sỹ và Hoàng Hải Thủy, .. đang bị giam giữ; và đề nghị QH can thiệp. Có thể đọc thêm phần trích dịch ở đây [8]. 

Hoặc tài liệu wikileak, có thể xem giới thiệu tại đây [9] 

Hóa ra, NH không đấu tranh trên fb nên ít người biết đến thôi.

4. trích thêm một số tài liệu bằng tiếng Anh:

- GPO-CRECB-1965-pt15-1-10-08-1965.pdf: page 141.
https://www.congress.gov/.../08/10/GPO-CRECB-1965-pt15-1.pdf
"He recognised that communism was an evil, but war was even a greater evil, and he could not understand how justice could be established on the dead body of peace".
(Rabbi Jacob J Weinstein - National Advisory Committees under Truman, Eisenhower, Kennedy and Johnson. One of the outstanding spiritual leaders of the USA).
- GPO-CRECB-1966-pt11-7-30-06-1966.pdf: page 129.
https://www.congress.gov/.../06/30/GPO-CRECB-1966-pt11-7.pdf
"I am afraid of identifying myself with the dollar-making people; anti-communism has become a real business in the last 10 years in South of Vietnam".
"Without political independence and national dignity this war is meaningless and the anti-Communist issue becomes secondary".
- GPO-CRECB-1967-pt9-5-04-05-1967.pdf: page 140.
https://www.congress.gov/.../05/04/GPO-CRECB-1967-pt9-5.pdf
"The most important single observation to make, I think, was the extent to which I found Thich Nhat Hanh's analysis of the situation confirmed: namely, that there is the potential for a substantial middle grouping of well-informed and sophisticated people who are committed to peace but who also wish to have a stance from which to deal on even terms with the National Liberation Front and the North Vietnamese".
- GPO-CRECB-1967-pt10-1.pdf-15-05-1967: page 55.
https://www.congress.gov/.../05/15/GPO-CRECB-1967-pt10-1.pdf
"Even when the American claim to be defending them against aggression (by other Vietnamese) is heard, it is much less convincing than the NLF's arguments. Every day that the war continues, therefore, is advantageous to the Front so far as winning the support of the peasants is concerned."
- GPO-CRECB-1967-pt20-4-26-09-1967.pdf: page 85.
https://www.congress.gov/.../09/26/GPO-CRECB-1967-pt20-4.pdf
"Thieu was compelled by the peace statement of other candidates to say, as campaigning was drawing to an end, that if elected he would initiate a bombing pause and negotiations with representatives of the NLF".
- GPO-CRECB-1968-pt9-7-07-05-1968.pdf: page 43/44.
https://www.congress.gov/.../05/07/GPO-CRECB-1968-pt9-7.pdf
"A refusal to participate in an effort that is clearly in the direction of peace combined with independence would brand the Front as the enemy of the people rather than their friends, and its own image would be tarnished and degraded hopelessly".
- GPO-CRECB-1968-pt12-1-27-05-1968.pdf: page 87.
https://www.congress.gov/.../05/27/GPO-CRECB-1968-pt12-1.pdf
"A refusal to participate in an effort that is clearly in the direction of peace combined with independence would brand the Front as the enemy of the people rather than their friends, and its own image would be tarnished and degraded hopelessly".
- GPO-CRECB-1968-pt12-6-05-06-1968.pdf: page 95.
https://www.congress.gov/.../06/05/GPO-CRECB-1968-pt12-6.pdf
"But when Diem and those who followed him did not, the door was left open for the Communists to assume control of the rural areas of Vietnam, filling vacuum left by the government. The Vietcong still maintains that control throughout large regions of the country".
- GPO-CRECB-1971-pt11-6-14-05-1971.pdf: page 103
https://www.congress.gov/.../05/14/GPO-CRECB-1971-pt11-6.pdf
- GPO-CRECB-1982-pt19-2-29-09-1982.pdf: page 86.
https://www.congress.gov/.../09/29/GPO-CRECB-1982-pt19-2.pdf
Thích Nhat Hanh was a one of the officers of FOR, an organisation support US government of unilateral disarmament.
- GPO-CRECB-1989-pt8-14-13-06-1989.pdf: page 157.
https://www.congress.gov/.../06/13/GPO-CRECB-1989-pt8-14.pdf
Thích Nhat Hanh's delegate raised human rights violation in Vietnam.
- GPO-CRECB-1993-pt21-2-18-11-1993.pdf: page 445.
https://www.congress.gov/.../11/18/GPO-CRECB-1993-pt21-2.pdf
Thích Nhat Hanh again, raised human rights and freedom of religion violation in Vietnam (Benjamin Gilman introducing resolution 295, not to have any relation with Vietnam until religious liberty).
- CREC-2011-09-07-pt1-PgE1542-07-09-2011.pdf
https://www.congress.gov/.../CREC-2011-09-07-pt1-PgE1542.pdf
Thích Nhat Hanh was one of 25 global humanitarians raised as "Champion of humanity", among Rosa Park, Mother Teresa, Franklin Delano Roosevelt, Mahatma Gandhi and Abraham Lincoln.
Also, Thich Nhat Hanh was mentioned several times in Congress Committee meetings about human rights issues in Vietnam. On Bill S. 1051 (Vietnam Human Rights Sanction Act) that was passed on May 2011, one of 7 items listed as "severe religious freedom abuses" was about "harassment of monks and nuns associated with Buddhist teacher Thich Nhat Hanh and forcible disbandment of his order." [10]



-------------------------

[1] http://www.gio-o.com/LeThiHue/LeThiHueVoDinhBaNguoiDanBa.htm?

[2] http://www.daophatngaynay.com/vn/dien-dan/doi-thoai/16343-phan-bien-ong-lam-le-trinh-ve-thien-su-thich-nhat-hanh.html

[3] http://www.buddhismtoday.com/english/ethic_psy/embracing_anger.htm

[4] http://www.buddhismtoday.com/english/world/facts/Bin_Laden.htm

[5] https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/tap-truyen/con-duong-mo-rong/chuong-9-dong-tiep-hien-va-nhung-hoat-dong-dan-than/

[6] https://www.facebook.com/HND.Activist/posts/4976926625662938

[7] https://www.congress.gov/101/crecb/1989/06/13/GPO-CRECB-1989-pt8-14-3.pdf?

[8] https://www.facebook.com/HND.Activist/posts/4981271568561777?

[9] https://www.facebook.com/linh.thuy.75873708/posts/2606379052840005

[10] https://www.facebook.com/HND.Activist/posts/5065237536831846?


15/1/22

Thạch Hãn giang. Nguyễn Khuyến

 石澣江  

石澣江流一棹橫,

夕霞晻曖遠山明。

西風何處吹塵起,

不以年前徹底清。

阮勸

Chú:

- 石澣江 Thạch Hãn giang: Sông dài khoảng 150 km, bắt nguồn từ Trường Sơn, chảy qua thị xã Quảng Trị, chảy ra Cửa Việt. 
Chú: 澣 vốn đọc hoãn (zdic 澣: 【廣韻】【正韻】胡管切 Quảng vận, Chính vận: hồ quản thiết >> đọc là hoãn). có nghĩa là giặt, như hoán 浣. Trên Thuần đỉnh (xem hình) Hãn được viết là 捍 có nghĩa là bảo vệ, giữ gìn, như 捍衛國土 hãn vệ quốc thổ: bảo vệ đất nước. 
Bài thơ (chữ Hán) chép lại từ trang thivien . net, được trang này ghi chú: Nguồn: Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Khuyến, Trần Văn Nhĩ, NXB Văn nghệ, 2005.

- 一棹 nhất trạo: một mái chéo, một chiếc đò. Trạo 棹 (như trạo 櫂) = mái chèo. 棹 còn đọc là "trác" = cái bàn nhỏ (như chữ trác 桌).

- 晻曖 yểm ải: 1.  昏暗貌 tối tăm, mù mịt; 2. 盛貌 nhiều; 3. 掩映: lúc bị che lấp lúc lộ ra.

- 西風 tây phong: gió tây, tức gió tây nam, gió Lào.

- 年前 niên tiền: năm trước, thời gian trước.

- 徹底 triệt để: [nước trong] đến tận đáy.

阮勸 Nguyễn Khuyến (1835 - 1909), quê xã Yên Đỗ (Hà Nam), đỗ đầu ba kì thi Hương, Hội và Đình nên thường được gọi là Tam nguyên Yên Đỗ. Từng giữ chức Án sát Thanh Hóa, Bố chính Quảng Ngãi, .. sau cáo quan về hưu về quê và mất ở đó.
Ông viết cả thơ chữ Hán lẫn Nôm, trong đó nhiều bài là bản dịch của nhau, nhưng một số bài không rõ là Hán dịch Nôm hay ngược lại.

Âm Hán Việt: Thạch Hãn giang
Thạch Hãn giang lưu nhất trạo hoành,
Tịch hà yểm ái viễn sơn minh.
Tây phong hà xứ xuy trần khởi,
Bất dĩ niên tiền triệt để thanh.

Nghĩa:

Trên dòng Thạch hãn một chiếc đò đang qua ngang, ráng chiều lấp lóa làm sáng dãy núi xa.
Gió tây từ đâu thổi tới làm bụi bay lên, khiến dòng sông không trong tới đáy như lúc trước nữa.

Nguyễn Khuyến đỗ tam nguyên năm 1871, lúc 36 tuổi, khi Pháp đã chiếm xong 6 tỉnh miền tây, chuẩn bị thôn tính Bắc Hà. Năm 1882 Hà thành thất thủ, năm 1883 Nam Định tiếp tục rơi vào tay Pháp. Năm 1884, Nguyễn Khuyến cáo lão từ quan về sống ẩn dật nơi quê nhà. Bấy giờ ông mới 49 tuổi.

Một chiều trên đường từ kinh thành Huế về quê, ngồi đò ngang qua sông Thạch Hãn. Xa xa, dãy núi mờ nhạt chỉ hửng sáng lên trong ánh ráng chiều có làm ông liên tưởng đến triều đình Huế?. Ngọn gió tây cuốn bụi mịt mù có khiến ông nghĩ đến giặc Pháp đang chiếm nước ông? Và trong cơn gió bụi kia, hẳn ông thấy chẳng thể làm gì hơn được, ngoài kéo nón xuống che mặt giữ mình ..

Dịch thơ

Đò qua Thạch Hãn, chiều trên sông,
Lấp loá non xa ánh ráng hồng.
Trận gió tây đâu tung bụi đất,
Hết rồi một thuở nước xanh trong.
Phan Quỳ

Khua ngang dòng Hãn một con chèo,
Lấp loáng non xa nhuộm nắng chiều.
Trách trận gió tây tung cát bụi,
Chẳng còn như trước nước trong veo.
Hoàng Tạo (thivien . net)

Xuôi dòng Thạch Hãn một mái chèo,
Xa núi sông chiều nhuộm nắng treo.
Gió thổi từ tây tung cát bụi,
Chẳng như năm trước nước trong veo.
Lương Trọng Nhân (thivien . net)



Chiều trên sông Thạch Hãn. Photo: Van Kê The.

-------
Thạch Hãn Giang, tức là sông Thạch Hãn, thời Trần có tên Thái Già; sông chảy qua hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị. Phát nguyên từ vùng núi cao huyện Hướng Hóa, giáp với nước Lào. Sông chảy theo hướng tây bắc đến bãi Ái Tử, lại chảy chừng 33 dặm, thì có nước nguồn Viên Kiệu chảy vào, rồi chuyển sang phía đông nam chừng 10 dặm, qua cửa Ngưu Cước, tục gọi nguồn Trang, lại 17 dặm, qua bến Lương Mai, lại 14 dặm qua bến Trinh Thạch, lại 2 dặm, thì có ba dòng khe từ phía nam qua phường Trà Trì chảy vào, lại chảy 17 dặm qua khe Trái, chảy 15 dặm qua phía đông chợ Như Lệ, 16 dặm qua xã Thạch Hãn. Ở đây, có một thân đá nhô lên trên mặt nước, nằm ngang từ trái sang phải, cốt đá chập chùng, nên có tên Thạch Hãn. Sông lại chảy 10 dặm qua bến đường quan ở phía tây thành cổ Quảng Trị, lại 3 dặm nữa thì đến ngã ba làng Cổ Thành, đến địa phận hai làng An Tiêm và Xuân Yên thì chia làm hai nhánh: một nhánh chảy về phía đông nam vào sông đào Vĩnh Định; một nhánh chảy về phía đông bắc 11 dặm, qua ngã ba Vĩnh Phước, tục gọi bến Quyết, lại chảy 9 dặm qua ngã ba Dã Độ, tục gọi ngã ba sông Tương, lại 7 dặm qua ngã ba Giáo Liêm, lại chảy 10 dặm nữa mới ra biển Cửa Việt, tổng cộng dài khoảng 155 cây số. Sông bắt nguồn rất xa, nước trong và ngọt, ngạn ngữ có câu: “Bất vi xạ não, diệc thị trầm đàn; bất vi quỳnh tương diệc thị cam lễ”, nghĩa là: Chẳng phải xạ hương long não, thì cũng trầm hương đàn hương; chẳng phải quỳnh tương thì cũng cam lễ. Câu này thực tả phẩm chất của nước sông Thạch Hãn.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, khắc hình tượng sông Thạch Hãn vào Thuần đỉnh; năm Thiệu Trị thứ 2, xa giá Bắc tuần, khi qua sông này nhà vua có thơ đề vịnh; năm Tự Đức thứ 3, 1850, liệt vào hàng các dòng sông lớn trong điển thờ.

Thạch Hãn giang trên Thuần đĩnh



ref: Sông Thạch Hãn, Nguồn gốc địa danh: https://tapchicuaviet.com.vn/nguoi-dat-que-huong/song-thach-han-nguon-goc-dia-danh-8202.html 





13/1/22

Tại sao chữ Hán latin hóa không thành công



Sau khi tiếp xúc phương Tây, giới tinh hoa TQ nhận ra các nhược điểm nghiêm trọng của chữ Hán. Từ cuối thế kỷ 19, họ bắt đầu nghiên cứu cải cách Hán ngữ theo hướng phiên âm hóa chữ Hán do nhà truyền giáo người Ý Matteo Ricci đề ra năm 1605. Đầu tiên họ làm ra chữ thiết âm (1892), đến 1911 đã đề ra 28 phương án chữ phiên âm. Thời Ngũ Tứ, nhiều học giả đòi bỏ chữ Hán, dùng chữ phiên âm. Năm 1918, TQ ban hành phương án “Chú âm Tự mẫu” dùng 39 chữ cái ghi âm Hán ngữ, là công cụ để nghiên cứu phần ngữ âm tiếng Hán. Phương án này hiện vẫn dùng ở Đài Loan và trong các tự điển của TQ.

Năm 1952, Mao Trạch Đông chỉ thị cải cách chữ Hán phải theo xu hướng phiên âm chung của thế giới. Năm 1954 TQ lập Ủy ban Cải cách chữ viết, tiến hành cải cách chữ Hán với quy mô lớn chưa từng có. Ngô Ngọc Chương, Chủ nhiệm Ủy ban, nói: TQ sau này sớm muộn sẽ phải chuyển sang dùng chữ phiên âm (tức chữ biểu âm), đây là quy luật khách quan phát triển chữ viết của thế giới; nhưng TQ không chủ trương bỏ chữ Hán…

Cải cách chữ viết đã đạt được thành tựu quan trọng: – Đơn giản hóa (bớt nét) được vài nghìn chữ Hán để chữ trở nên dễ học dễ nhớ; – Làm ra Phương án Pinyin Hán ngữ dùng chữ cái Latin có thể ghi chú âm (phiên âm) cho chữ Hán, mã hóa chữ Hán đưa vào máy tính, đánh chữ trên máy tính và smartphone, quốc tế hóa chữ Hán; – Chuẩn hóa chữ Hán, xác định Tiếng Phổ thông (Standard Mandarin) là tiếng nói của toàn dân. Các thành tựu trên đã được luật hóa và áp dụng trong cả nước, giúp nâng cao tỷ lệ biết chữ, thống nhất ngôn ngữ. Hiện nay TQ đã áp dụng rộng rãi chế độ “Nhất ngữ Song văn”(Một tiếng nói, hai chữ viết): Toàn dân nói một thứ tiếng Phổ thông; chữ Hán là chữ viết pháp định, vẫn dùng như cũ, kèm theo dùng chữ Pinyin Hán ngữ để ghi âm chữ Hán.

Từ 1986, Ủy ban Cải cách chữ viết TQ ngừng đặt vấn đề làm chữ biểu âm thay chữ Hán, và nói tương lai chữ Hán sẽ do các thế hệ sau quyết định. Nghĩa là rốt cuộc TQ đã không đạt được mục tiêu tạo ra loại chữ biểu âm thay cho chữ Hán. [1]

Minh họa sự việc tiếng Hán rất nhiều tiếng đồng âm là bài vè sau, do Triệu Nguyên Nhiệm (趙元任) viết khoảng 1930.

Nếu đọc bằng tiếng Quan thoại thì cả bài chỉ có mỗi một âm /shi/

石室詩士施氏,嗜獅,
誓食十獅。
施氏時時適市視獅,十時,
適十獅適市。
是時, 適施氏適市.
施氏視是十獅,恃矢勢,
使是十獅逝世。
施氏拾是十獅屍。適石室。
石室濕,施氏使侍拭石室,
石室拭,施氏始試食是十獅屍。
食時。始識是十獅屍是十石獅屍。
試釋是事。
Phiên âm Hán Việt:
thạch thất thi sĩ thi thị, thị sư,
thệ thực thập sư.
thi thị thì thì thích thị thị sư, thập thì,
thích thập sư thích thị.
thị thì, thích thi thị thích thị.
thi thị thị thị thập sư, thị thỉ thế,
sử thị thập sư thệ thế.
thi thị thập thị thập sư thi. thích thạch thất.
thạch thất thấp, thi thị sử thị thức thạch thất,
thạch thất thức, thi thị thủy thí thực thị thập sư thi.
thực thì. thủy thức thị thập sư thi thị thập thạch sư thi .
thí thích thị sự.
Tạm dịch:
Thi sĩ họ Thi ở trong hang đá, thích ăn sư tử,
Thề ăn thịt 10 con sư tử.
Chàng họ Thi thường vào chợ tìm sư tử, một hôm lúc 10 giờ,
Có 10 con sư tử đến chợ.
Lúc đó, gặp chàng Thi cũng ở chợ.
Chàng Thi khi nhìn thấy 10 con sư tử, liền rút tên bắn,
Làm 10 con sư tử chết ngay.
Chàng Thi gom 10 xác sư tử, đem về hang đá.
Hang đá ẩm thấp, chàng Thi sai người dọn dẹp cho khô,
Khi hang đá khô ráo, chàng Thi bắt đầu ăn xác 10 con sư tử.
Ăn vào, mới biết 10 xác sư tử đó là 10 xác sư tử bằng đá.
Đố biết đó là chuyện gì. [2]

---
[1] Nguyễn Hải Hoành, http://nghiencuuquocte.org/2020/06/29/viet-nam-cai-cach-thanh-cong-chu-viet-trung-quoc-thi-khong/
[2] fb Trần Anh Đức. https://www.facebook.com/anhson.tranduc/posts/10217652416376793?
[3] tham khảo thêm bài trên trang baike.baidu: https://baike.baidu.hk/item/%E6%96%BD%E6%B0%8F%E9%A3%9F%E7%8D%85%E5%8F%B2/373570

12/1/22

3 ấn chứng của Phật giáo và Bát nhã tâm kinh

fb Huỳnh Duy Lộc

Thiền sư Thích Nhất Hạnh có nói về 3 ấn chứng (Dharma seals) của Phật giáo: “3 ấn chứng của giáo pháp (Dharma mudra) là vô thường (anitya), vô ngã (anatman) và Niết bàn (Nirvana). Lời dạy nào không có 3 ấn chứng này không thể được gọi là lời dạy của Đức Phật.
Ấn chứng thứ nhất là vô thường (anitya). Đức Phật dạy rằng mọi sự đều vô thường – những cánh hoa, những ngọn núi, những chế độ chính trị, những cơ thể, những tình cảm, những tri giác và ý thức. Chúng ta không thể tìm thấy bất cứ điều gì có tính thường hằng. Nếu chỉ coi vô thường như một triết lý, nó chắc chắn không phải là điều Đức Phật đã dạy. Mỗi khi nhìn hay nghe bất cứ điều gì, chúng ta đều thấy điều mình tri giác bộc lộ tính vô thường và khi nhìn kỹ hơn tính vô thường, chúng ta thấy rằng mọi vật đổi thay vì các nguyên do và các điều kiện đã đổi thay. Khi nhìn kỹ vào bản thân, chúng ta thấy rằng sở dĩ một điều nào đó (một cảm xúc, một ý nghĩ hay một tình cảm) có là vì có sự hiện hữu của một điều khác và điều ấy chính là nguyên do hay điều kiện tồn tại của nó. Nhưng ý thức về vô thường không nhất thiết làm cho chúng ta đau khổ. Hiểu được tính vô thường của mọi sự, chúng ta sẽ có được sự tự tin và an lạc trong tâm hồn. Không có vô thường sẽ không thể nào có sự sống. Đức Phật đã kể câu chuyện một con chó đau đớn khi va phải một hòn đá và giận dữ với hòn đá. Không phải vô thường khiến chúng ta đau khổ, mà chúng ta đau khổ vì muốn mọi vật phải có tính thường hằng trong khi tự bản chất, chúng đều vô thường.
Ấn chứng thứ hai là vô ngã (anatman). Không có gì có một bản thể độc lập có thể tồn tại riêng rẽ. Mỗi vật đều có mối liên hệ với những sự vật khác. Vô ngã có nghĩa là chúng ta được tạo nên bởi những thành tố không phải là chính chúng ta. Mỗi ngày, mỗi giờ, những yếu tố khác nhau thâm nhập vào chúng ta hoặc rời bỏ chúng ta. Cuộc sống hay hạnh phúc của chúng ta đến từ những vật không phải là bản thân chúng ta. Lời dạy của Đức Phật về vô thường và vô ngã đã mở ra cho chúng ta cánh cửa của thực tại. Chúng ta phải tập nhìn mọi sự theo quan điểm này, phải nhìn thấy tất cả đều là một và một là tất cả. Mọi vật đều vô thường và không có tự ngã, đều sinh ra rồi chết đi nên khi thấu hiểu điều này, chúng ta sẽ chạm tới nền tảng ở bên ngoài sinh, tử, thoát ra khỏi tính thường hằng và vô thường.
Ấn chứng thứ ba là Niết bàn (Nirvana), nền tảng của thực tại, bản thể của tất cả mọi vật trên đời này. Một con sóng không mất đi để trở thành nước. Nước chính là bản thể của những con sóng. Chúng ta mang trong bản thân mình Niết bàn, bản thể của mọi vật, thế giới của sinh tử, của thường hằng và vô thường. Niết bàn sẽ hóa giải hết mọi ý niệm. Ý niệm vô thường và vô ngã được Đức Phật đưa ra như những công cụ để tu tập chứ không phải như những đối tượng để sùng bái như Ngài có nói: “Giáo pháp (Dharma) tôi giới thiệu với các bạn chỉ là một chiếc bè giúp các bạn vượt qua dòng sông để tới bến bờ bên kia”. “Không có sinh, cũng không có tử, không có tồn tại, cũng không có hư không”. “Bát nhã tâm kinh” cứ lặp đi lặp lại mãi rằng không có sinh, cũng không có tử. Bát nhã tâm kinh giúp chúng ta khám phá bản chất thật sự của chính chúng ta và thế giới bên ngoài…” (The heart of the Buddha' s teaching, tr. 131, 133, 134)
*
Bát nhã tâm kinh (Prajnaparamitahridaya-sutra trong tiếng Phạn có nghĩa là luận giải về tâm điểm của sự hoàn thiện minh triết) là một bản văn rất ngắn của Phật giáo Đại thừa được chép và đọc nhiều nhất ở Đông Á và Trung Á. Đúng như tên gọi của nó, kinh này - vốn được cho là lời giảng của Đức Phật với Xá Lợi Phất (Sariputra), một trong 10 đại đệ tử của Ngài - đi vào trọng tâm của giáo pháp nó trình bày. Chỉ trong một trang, với những câu chữ được cho là của Bồ tát Quán Tự Tại (Avalokitesvara), Tâm kinh luận giải học thuyết về tính Không (shunyata) được cho là bản chất của thực tại. Chết và tái sinh trong vòng luân hồi (samsara), đau khổ, hệ quả của những hành động trong quá khứ (tức karma – nghiệp) trói buộc con người vào vòng luân hồi, các uẩn (skandha) tạo ra ảo tưởng về ngã, tính chất phù du và vô nghĩa của các pháp làm nên thực tại được cho là có tính chất vô thường hay có tính Không (shunyata). Ý thức về tính chất vô thường ấy sẽ khiến cho chúng ta tìm cách giải thoát (moksha) khỏi vòng luân hồi và đạt đến tuệ giác (bodhi).
Tương truyền, nhà sư Trần Huyền Trang (602-664) đã dịch Tâm kinh từ tiếng Phạn sang Hán tự vào năm 649 như lời của đại sư Daisetz Teitaro Suzuki: “Bát nhã tâm kinh là một bản văn ngắn nhất về Bát nhã ba la mật (Prajñāpāramitā). Huyền Trang dịch Tâm kinh ra Hán ngữ vào năm 649…” (Thiền luận, tập 3, tr.211). Bản dịch của Huyền Trang có 260 chữ Hán dựa trên bản văn Tâm kinh tiếng Phạn có cả thảy 280 chữ.
*
Tâm kinh theo phiên âm Hán Việt:
1. Quán tự tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
2. Xá Lợi tử! Sắc bất dị không, không bất dị sắc; sắc tức thị không, không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị.
3. Xá Lợi tử! Thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
4. Thị cố không trung, vô sắc, vô thọ, tưởng, hành, thức; vô nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; vô sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; vô nhãn giới, nãi chí vô ý thức giới; vô vô minh diệc, vô vô minh tận; nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận; vô khổ, tập, diệt, đạo; vô trí diệc vô đắc.
5. Dĩ vô sở đắc cố, Bồ đề tát đỏa y Bát nhã Ba la mật đa cố tâm vô quái ngại; vô quái ngại cố vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng; cứu cánh Niết bàn.
6. Tam thế chư Phật y Bát nhã Ba la mật đa cố đắc A nậu Ða la tam miệu tam Bồ đề.
7. Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư. Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết: “Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề, tát bà ha”.
*
Bản dịch tiếng Việt của Thích Nhất Hạnh
Bồ-tát Avalokiteśvara, trong khi quán chiếu sâu sắc với tuệ giác qua bờ, bỗng khám phá ra rằng tất cả năm uẩn đều trống rỗng, tất cả đều là cái không. Giác ngộ điều ấy xong, bồ-tát vượt qua được mọi khổ đau ách nạn.
“Này Śāriputra, hình hài này chính là cái không và cái không cũng chính là hình hài này. Hình hài này không phải là một cái gì khác với cái không và cái không cũng không phải là một cái gì khác với hình hài này. Điều này cũng đúng với các cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức.
“Này Śāriputra, tất cả mọi hiện tượng đều mang theo tướng không, không hiện tượng nào thực sự có sinh, có diệt, có có, có không, có dơ, có sạch, có thêm và có bớt.
“Chính vì vậy mà trong cái không, năm uẩn là hình hài, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức đều không có mặt như những thực tại riêng biệt. Mười tám lĩnh vực hiện tượng là sáu căn, sáu trần và sáu thức cũng đều không có mặt như những thực tại riêng biệt; mười hai khoen nhân duyên cùng sự chấm dứt của chúng, bốn đế là khổ, tập, diệt và đạo cũng không có mặt như những thực tại riêng biệt; tuệ giác và chứng đắc cũng đều như thế.
“Vị bồ-tát khi thực tập phép quán tuệ giác qua bờ không thấy có gì cần được chứng đắc, nên không thấy còn có gì chướng ngại trong tâm. Và vì tâm không còn chướng ngại nên vị ấy vượt thắng được mọi sợ hãi, đập tan được mọi tri giác sai lầm và đạt được Niết bàn tuyệt hảo.
“Tất cả các vị Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai nhờ nương vào phép thực tập tuệ giác qua bờ mà đạt tới chánh giác toàn vẹn.
“Cho nên, này thầy Śāriputra, ai cũng cần biết rằng tuệ giác qua bờ là một linh chú lớn, là linh chú sáng nhất, là linh chú cao nhất, là linh chú không thể so sánh được. Đó là tuệ giác chân thực có khả năng diệt trừ tất cả mọi khổ nạn. Vì vậy ta nên đọc lên câu linh chú sau đây để tán dương tuệ giác qua bờ:
“Gate, gate, pāragate, pārasamgate, bodhi, svaha!”

link: https://www.facebook.com/loc.huynhduy/posts/4626281454094271?

Bát nhã tâm kinh. Một số bản dịch khác
(https://thuvienhoasen.org/a21196/bat-nha-ba-la-mat-da-tam-kinh)

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (Prajnaparamitahridaya Sutra) là một trong các kinh căn bản và phổ thông của Phật Giáo Đại Thừa. Bài kinh nầy là một trong các bài kinh của bộ Bát Nhã kết tập tại Ấn Độ qua bảy thế kỷ, từ năm 100 T.C.N. đến 600 C.N. Khi được truyền sang Trung Hoa, Tâm Kinh đã được nhiều vị cao tăng chuyển dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán: ngài Cưu Ma La Thập dịch vào khoảng năm 402-412 C.N., ngài Huyền Trang dịch năm 649 C.N., ngài Nghĩa Huyền (700 C.N.), ngài Pháp Nguyệt (732 C.N.), ngài Bát Nhã và Lợi Ngôn (790 C.N.), ngài Trí Tuệ Luận (850 C.N.), ngài Pháp Thành (856 C.N.) và ngài Thi Hộ (980 C.N.). Trong các bản dịch nầy, bản dịch của ngài Huyền Trang là phổ thông nhất.

Riêng tại Việt Nam, bản dịch của ngài Huyền Trang được chuyển sang chữ quốc ngữ Hán Việt và thường dùng để trì tụng hằng ngày. Quý vị cao tăng cũng có phát hành nhiều sách để giải thích nghĩa kinh, trong đó các sách của quý Hòa thượng Thích Thiện Hoa, Thích Thanh Từ, và Thích Nhất Hạnh là phổ thông nhất.



Bản chữ Hán:

般 若 波 羅 蜜 多 心 經.
觀 自 在 菩 薩。行 深 般 若 波 羅 蜜 多 時 。照 見 五 蘊 皆 空 。度 一 切 苦 厄。舍 利 子。色 不 異 空。 空 不 異 色。色 即 是空 。 空 即 是 色。受 想 行 識 亦 復 如 是. 舍 利 子。是 諸 法 空 相 。不 生 不 滅。不 垢 不 淨 。不 增 不 減。是 故 空 中 無 色。無 受 想 行 識。無 眼 耳 鼻 舌 身 意。無 色 聲 香 味 觸 法。無 眼 界 。 乃 至 無 意 識 界 。無 無明 。亦 無 無明 盡。乃至 無 老 死。亦 無 老 死 盡。無 苦 集 滅道 。無 智 亦 無 得。以 無 所 得 故。菩 提 薩 埵 。依 般 若 波 羅 蜜 多 故。心 無 罣 礙 。無 罣 礙 故。無 有 恐怖。遠 離 顛 倒 夢 想。究 竟 涅 槃。三 世 諸 佛。依 般 若 波 羅 蜜 多 故。得 阿 耨 多羅 三 藐 三 菩 提。故 知 般 若 波 羅 蜜 多。是 大 神 咒 。是 大 明咒 。是 無 上咒。是 無 等 等 咒 。能 除 一 切 苦。真 實 不 虛 。故 說 般 若 波 羅 蜜 多 咒。即 說 咒曰。揭 諦 揭 諦。 波 羅 揭 諦 。波 羅 僧 揭 諦。菩 提 薩 婆 訶。

Âm Hán Việt

Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh.
Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách. Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.
Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ, tưởng, hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc, thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố. Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba la mật đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.
Tam thế chư Phật, y Bát nhã Ba la mật đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.
Cố tri Bát nhã Ba la mật đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Cố thuyết Bát nhã Ba la mật đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.

Bản dịch nghĩa:

Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba la mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.
Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế.
Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.
Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức.
Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.
Không có vô minh,mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.
Không có khổ, tập, diệt, đạo.
Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.
Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.
Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
Cho nên phải biết rằng Bát nhã Ba la mật đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.
Cho nên khi nói đến Bát nhã Ba la mật đa, tức là phải nói câu chú:

Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
(Qua rồi qua rồi, qua bên kia rồi, tất cả qua bên kia rồi, giác ngộ rồi đó!)

Bản phổ kệ:
(Thích Nhất Hạnh)

Bồ Tát Quán Tự Tại
Khi quán chiếu thâm sâu
Bát Nhã Ba La Mật
(tức Diệu Pháp Trí Độ)
Bổng soi thấy năm uẩn
Đều không có tự tánh
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn.

Nghe đây Xá Lợi Tử:
Sắc chẳng khác gì không
Không chẳng khác gì sắc
Sắc chính thực là không
Không chính thực là sắc
Còn lại bốn uẩn kia
Cũng đều như vậy cả.

Xá Lợi Tử nghe đây:
Thể mọi pháp đều không
Không sanh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt
Cho nên trong tánh không
Không có sắc, thọ, tưởng
Cũng không có hành thức
Không có nhãn, nhĩ, tỷ
Thiệt, thân, ý (sáu căn)
Không có sắc, thanh, hương
Vị, xúc, pháp (sáu trần)
Không có mười tám giới
Từ nhãn đến ý thức
Không hề có vô minh
Không có hết vô minh
Cho đến không lão tử
Cũng không hết lão tử
Không khổ, tập, diệt, đạo
Không trí cũng không đắc

Vì không có sở đắc
Khi một vị Bồ Tát
Nương Diệu Pháp Trí Độ
(Bát Nhã Ba La Mật)
Thì tâm không chướng ngại
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lià mọi vọng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Đạt Niết Bàn tuyệt đối

Chư Bụt trong ba đời
Y Diệu Pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Nên đắc vô thượng giác
Vậy nên phải biết rằng
Bát Nhã Ba La Mật
Là linh chú đại thần
Là linh chú đại minh
Là linh chú vô thượng
Là linh chú tuyệt đỉnh
Là chân lý bất vọng
Có năng lực tiêu trừ
Tất cả mọi khổ nạn

Cho nên tôi muốn thuyết
Câu thần chú Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Nói xong đức Bồ Tát
Liền đọc thần chú rằng:

Yết đế, Yết đế
Ba la Yết đế
Ba la Tăng yết đế
Bồ đề tát bà ha

Phổ thơ lục bát:
(Hệ phái Khất Sĩ)

Khi hành Bát Nhã Ba La
Ngài Quán Tự Tại soi ra tột cùng
Thấy ra năm uẩn đều Không
Bao nhiêu khổ ách khốn cùng độ qua

Nầy Xá Lợi Tử xét ra
Không là sắc đó, sắc là không đây
Sắc cùng không chẳng khác sai
Không cùng sắc vẫn sánh tài như nhau
Thọ, tưởng, hành, thức uẩn nào,
Cũng như sắc uẩn ,một màu không không

Nầy Xá Lợi Tử ghi lòng
Không không tướng ấy, đều không tướng hình
Không tăng giảm, không trược thanh
Cũng không diệt, cũng không sanh pháp đồng
Vậy nên trong cái chơn không
Vốn không năm uẩn, cũng không sáu trần
Mắt, tai, mũi, lưỡi, ý, thân
Vị, hương, xúc, pháp, cùng phần sắc, thinh
Từ không giới hạn mắt nhìn
Đến không ý thức, vô minh cũng đồng
Hết vô minh, cũng vẫn không
Hết già, hết chết, cũng không có gì
Không khổ, tập, diệt, đạo kia
Trí huệ chứng đắc cũng là không không

Sở thành, sở đắc bởi không
Các vì Bồ Tát nương tùng huệ năng
Tâm không còn chút ngại ngăn
Nên không còn chút băng khoăng sợ gì
Đảo điên mộng tưởng xa lìa
Niết Bàn mới đến bên kia bến bờ

Ba đời chư Phật sau, xưa
Đắc thành Chánh Giác cũng nhờ huệ năng
Trí huệ năng lực vô ngần
Đại Minh vô thượng, Đại Thần cao siêu
Trí huệ năng lực có nhiều
Thật là thần chú trừ tiêu não phiền
Trí huệ năng lực vô biên
Dẫn đường giải thoát qua bên giác ngàn
Liền theo lời chú thuyết rằng:
Độ tha giác ngộ khắp trần chúng sanh.

Yết đế, yết đế
Ba la yết đế
Ba la tăng yết đế
Bồ đề Tát bà ha

Bản dịch Việt:
(Thích Tâm Thiện, Sài Gòn, 1998)

Kinh Trái Tim Tuệ Giác Vô Thượng

1. Khi tiến sâu vào nguồn mạch của Tuệ giác vô thượng (1), Người Tỉnh Thức Bình Yên (2) soi sáng như thật rằng tự tịnh của năm hợp thể (3) đều là Không (4), liền thoát ly mọi khổ ách.

2. Này người con dòng Sari (5), hình thể chẳng khác chân không, chân không chẳng khác hình thể. Hình thể là chân không, chân không là hình thể. Cảm xúc (6), niệm tự (7) và tư duy (8) và ý thức (9) đều là như vậy.

3. Này người con dòng Sari, tất cả hiện hữu được biểu thị là Không, nó không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không tăng, không giảm.

4. Vì thế, này người con dòng Sari, trong Không không có hình thể, không có cảm xúc, không có niệm lự, không có tư duy, không có ý thức (10); không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý; không có hình thể, âm thanh, hương khí, mùi vị, xúc chạm (11) và hiện hữu (12). Không có đối đượng của mắt, cho đến không có đối tượng của ý thức; không có minh, không có vô minh (13), không có sự chấm dứt của minh, cũng không có sự chấm dứt của vô minh; cho đến, không có tuổi già và sự chết, cũng không có sự chấm dứt của tuổi già và sự chết; không có khổ đau, không có nguyên nhân của khổ đau, không có sự chấm dứt khổ đau và không có con đuuờng đưa đến sự chấm dứt khổ đau (14); không có tri giác (15) cũng không có sự thành tựu tri giác, vì chăng có quả vị của tri giác nào để thành tựu.

5. Người Tỉnh Thức Bình Yên, do sống an lành trong Tuệ giác vô thượng mà thoát ly tất cả chướng ngại. Và rằng, vì không có những chướng ngại trong tâm nên không có sợ hãi và xa rời những cuồng si mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.

6. Tất cả chư Phật trong ba đời (16) đều nương tựa vào Tuệ giác vô thượng mà thành tựu (17) chánh giác.

7. Vì thế, nên biết rằng Tuệ giác vô thượng là sức thần (18) kỳ vĩ, là sức thần của trí tuệ vĩ đại, là sức thần cao tuyệt, là sức thần tối hậu, vô song, có thể trừ diệt tất cả khổ đau. Sức thần thoắt sinh từ Tuệ giác vô thượng này là sự thật, là chân lý. Sức thần có năng lực tối thượng đó được tuyên nói trong kinh Trái Tim Tuệ Giác Vô Thượng rằng:

"Đi qua, đi qua
Đi qua bờ bên kia,
Đã đi qua đến bờ bên kia, reo vui!"

Chú thích:

(1) Trí tuệ Bát nhã (Prajnàpàramità).



(2) Dịch từ "Quán Tự Tại" theo cách chiết tự.
(3) Năm tổ hợp hay năm uẩn (skandhas).
(4) Vô tự tính hay bản tính Không (Sunyata).
(5) Mẹ của Sariputa là người rất thông minh nên có hiệu là Sari. Trung Hoa dịch chữ Sariputa là Xá Lợi tử, nghĩa là, đứa con dòng Xá Lợi (Sari). Do đó, tác giả dịch là Người con dòng Sari, lối dịch này đã được sử dụng trong bản dịch "Kinh Ruột Tuệ Giác Siêu Việt" của Thi Vũ, do HT. Trí Quang giới thiệu, xuất bản năm 1973, tại Paris.
(6) Thọ uẩn
(7) Tưởng uẩn
(8) Hành uẩn
(9) Thức uẩn
Bốn uẩn (hợp thể) này thuộc về tâm lý, sắc uẩn (hợp thể vật chất) thuộc về vật lý.
(10) Sắc, thọ, tưởng, hành, thức (5 uẩn).
(11) Xúc (trong sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp).
(12) Hiện hữu đọc được dùng đồng nghĩa với pháp (dharma).
(13) Vô minh (ignorance), nguồn gốc của sự khổ đau.
(14) Tứ đế (Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế).
(15) Tri giác (dịch từ Vô tri diệc vô đắc).
(16) Ba đời: quá lhứ, hiện tại, vị lai.
(17) Thành tựu ở đây có nghĩa là đã giải thoát khỏi thế giới nhị nguyên, không còn phân biệt, đối đãi nhân-pháp, hữu-vô v.v...
(18) Còn được dịch là linh ngữ hay thần chú (mantra).


Bản dịch Anh ngữ:
(cung cấp bởi: Raja Hornstein, devaraja@well.com )

GREAT WISDOM BEYOND WISDOM HEART SUTRA

Avalokiteshvara Bodhisattva, when practicing deeply the Prajna Paramita, perceived that all five skandhas in their own being are empty and was saved from all suffering.

O Shariputra, form does not differ from emptiness; emptiness does not differ from form. That which is form is emptiness; that which is emptiness form. The same is true of feelings, perceptions, formations, consciousness.

O Shariputra, all dharmas are marked with emptiness. they do not appear nor disappear, are not tainted nor pure, do not increase nor decrease. Therefore in emptiness: no form, no feelings, no perceptions, no formations, no consciousness; no eyes, no ears, no nose, no tongue, no body, no mind; no color, no sound, no smell, no taste, no touch, no object of mind; no realm of eyes...until no realm of mind-consciousness; no ignorance and also no extinction of it...until no old-age and death and also no extinction of it; no suffering, no origination, no stopping, no path, no cognition, also no attainment with nothing to attain.

A bodhisattva depends on Prajna Paramita and the mind is no hindrance. Without any hindrance no fears exist. Far apart from every perverted view one dwells in nirvana. In the three worlds all buddhas depend on Prajna Paramita and attain unsurpassed complete perfect enlightenment. Therefore, know the Prajna Paramita is the great transcendent mantra, is the great bright mantra, is the utmost mantra, is the supreme mantra which is able to relieve all suffering and is true not false; so proclaim the Prajna Paramita mantra, proclaim the mantra that says:

Gate Gate Paragate Parasamgate Bodhi Svaha



Bản dịch Anh ngữ:
(Trúc Huy tháng 11-2014)
THE HEART OF PERFECT WISDOM SUTRA
( Prajna Paramita Hridaya Sutra )
Translated by TRUC HUY

The Bodhisattva Avalokitesvara, from the deep course of Prajna wisdom, saw clearly that all five skandhas were empty, thus sundered all bonds of suffering.

Sariputra, know then: form does not differ from emptiness, nor does emptiness differ from form. Form is no other than emptiness, emptiness no other than form. The same is true of feelings, perceptions, impulses and consciousness.

Sariputra, all dharmas are marked with emptiness. None are born or die, nor are they defiled or immaculate, nor do they wax or wane. Therefore, where there is emptiness, there is no form, no feeling, no perception, no impulse, nor is there consciousness. No eye, ear, nose, tongue, body, or mind. No color, sound, smell, taste, touch, or object of mind. There is no domain of sight, nor even domain of mind consciousness. There is no ignorance nor is there ceasing of ignorance. There is no withering, no death, nor is there ceasing of withering and death. There is no suffering, or cause of suffering, or cease in suffering, or path to lead from suffering. There is no cognition, nor even attainment.

So know that the Bodhisattva, indifferent to any kind of attainment whatsoever but dwelling in Prajna wisdom, is freed of any thought covering, get rid of the fear bred by it, has overcome what can upset and in the end reaches utmost Nirvana. All Buddhas of past and present, and Buddhas of future time, through faith in Prajna wisdom, come to full and perfect Enlightenment.

Therefore, one should know the Prajna paramita as the mantra of great knowledge, the miraculous, the utmost, the unequalled mantra, whose words relieve all suffering. This is highest wisdom, true beyond all doubt.

Know then and proclaim the Prajna paramita mantra. It spells like this:
Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi svaha!
( Gone, gone, gone beyond, gone altogether beyond, Bodhi, rejoice! )

(English translation: Trúc Huy)

Chú giải

1. Mở đầu phần chú giải, mời các bạn đọc lại đoạn Kinh bằng âm Hán:

Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát nhã Ba la mật đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhứt thiết khổ ách.

Nghĩa Việt đoạn Kinh này:
Ngài Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành thâm sâu về trí tuệ Bát Nhã Ba La Mật, thì soi thấy năm uẩn đều là không, do đó vượt qua mọi khổ đau ách nạn.
Bồ Tát là một người tỉnh thức. Bồ Tát từ chữ Boddhisatava mà ra, có nghĩa là con người tỉnh thức và đang giúp người khác tỉnh thức. Quán Tự Tại là tên dịch từ Avalokiteshvara. Tại Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, và Nhật Bản, dịch Avalokiteshvara là Quan Âm, Quán Âm, có nghĩa là một người biết lắng nghe và nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh đang đau khổ.
Khi Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát thực tập thâm sâu về Bát Nhã Ba La Mật Đa ( Prajana Paramita ), tức là thứ trí tuệ có thể đưa bạn đến bờ bên kia. Thì ngài thấy năm uẩn đều không.
Vậy Năm uẩn không cái gì? Năm uẩn rỗng cái gì? Đó là một câu hỏi quan trọng.
Nếu tôi cầm một tách nước đầy và tôi hỏi bạn, "Cái tách này trống rỗng?" Bạn sẽ nói, "Không, tách này có đầy nước." Nhưng nếu tôi đổ hết nước ra ngoài và hỏi bạn lại lần nữa, bạn có thể nói, " Đúng rồi, tách là trống rỗng." Nhưng, trống rỗng cái gì? Trống có nghĩa là không chứa một cái gì đó. Tách không thể, không chứa cái gì. Tách nước đang trống rỗng nước nhưng nó chứa đầy không khí. Khi Bồ Tát Quán Thế Âm nói rằng năm uẩn đều là không, chính xác Bồ Tát Quán Thế Âm dạy rằng năm uẩn đều là không có tính riêng biệt. Tức là không có uẩn nào tồn tại một cách độc lập. Và 1 trong 5 uẩn có liên hệ tương tức với 4 uẩn còn lại.
Năm uẩn, là năm yếu tố của con người. Nó giống như năm con sông đang chảy trong mỗi người chúng ta. Con sông của hình tướng, có nghĩa là hình hài cơ thể của bạn; con sông của cảm xúc; con sông của nhận thức; con sông tinh thần; và con sông của ý thức. Nó luôn hoạt động không ngừng nghỉ.
Trong cơ thể của một người bình thường có phổi, tim, thận, dạ dày, và máu. Không có một bộ phận nào tồn tại độc lập. Chúng luôn có mối liên hệ tương tức với các bộ phận còn lại. Phổi và máu của là hai bộ phận có chức năng riêng rẻ, nhưng không thể tồn tại độc lập. Phổi để hít thở, bơm oxy vào cho máu, và đến lượt máu lại cung cấp dinh dưỡng cho phổi. Nếu không có máu, phổi không thể sống lành mạnh khỏe khoắn, và ngược lại nếu không có phổi, máu sẽ không được làm sạch và lưu thông mọi nơi trong thân thể. Vì vậy phổi và máu có quan hệ mật thiết với nhau. Khi quán chiếu các bộ phận còn lại như thận và máu, thận và dạ dày, thận và phổi, thận và tim, đều như vậy. Bạn hãy tưởng tượng, trong cơ thể con người, có rất nhiều bộ phận, thì từng bộ phận một có liên hệ với các bộ phận còn lại tạo ra mối quan hệ đan xen như thế nào. Nó như một tổ hợp hoán vị n! của một bộ phận trong cơ thể với vô số các bộ phận còn lại.
Bồ Tát Quán Thế Âm nhìn sâu vào năm uẩn của sắc, thọ, tưởng, hành, thức và nhận thấy rằng không có uẩn nào tồn tại độc lập. Và khi “ hành thâm ”như vậy ngài đã “độ nhất thiết khổ ách”
Hành thâm là thâm nhập vào một cái gì đó, không chỉ đứng bên ngoài mà nhìn vào. Khi bạn muốn hiểu rõ điều gì, bạn không thể chỉ đứng bên cạnh và ngó vào rồi nhận xét. Bạn phải đi sâu vào bên trong để thực sự thấu hiểu. Nếu bạn muốn hiểu rõ một người bên cạnh, bạn phải biến cái cảm xúc của họ thành cảm xúc của mình, phải đau khổ với nổi đau khổ của họ, phải vui với niềm vui của họ.
Nếu bạn chỉ nhìn vào tờ giấy như một người quan sát, đứng bên ngoài mà nhìn vào, bạn không thể hiểu nó hoàn toàn. Bạn phải hành thâm nó. Bạn phải là một đám mây, là ánh nắng mặt trời, và người đốn củi. Nếu bạn hành thâm được như vậy, sự hiểu biết của bạn về tờ giấy rốt ráo hơn.

Bây giờ mời các bạn đọc tiếp đoạn Kinh sau:
2. Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị.

Nghĩa Việt của đoạn Kinh:
Thầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính thực là không, không chính thực là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cũng đều như vậy.
Đoạn Kinh này, ban đầu Ngài Bồ tát Quán Thế Âm nói về uẩn thứ nhất, tức là Sắc, là thân thể của chúng ta. Sắc là tất cả những hiện tượng sinh lý, vật lý. Trong Kinh văn, chữ gây khó khăn cho nhiều người nhất là 空Không. Chữ Không ở đây, tiếng Phạn là Sunyata, Hán là 空, dịch tiếng Việt là trống rỗng. Ví dụ rau muống gọi là Không tâm thảo, thứ rau không có ruột. Khi chuyển sang dùng tiếng Việt, chúng ta có thể hiểu lầm “Không” này là “không có”.
Nhiều người không hiểu giáo lý tính Không đạo Phật nói rằng tờ giấy này nó “không có”, tại vì tuy bây giờ nó có đó, nhưng mai mốt nó sẽ không có; hoặc nó bị đốt đi, hoặc bị mục đi thành đất, cho nên tuy nó có đó mà cũng như không có đó. Câu giải thích này hoàn toàn sai với giáo lý đạo Phật.
Theo giáo lý đạo Phật, nếu tờ giấy này nó “không” thì nó không ngay từ bây giờ chứ không phải sau này nó mới không. Giáo lý đạo Phật cơ bản là giáo lý vô ngã: sự vật không có tự thể riêng biệt. Nếu mình nhìn vào tờ giấy này với con mắt của một vị Bồ Tát biết nhìn sâu vào trong lòng tờ giấy để thấy cội nguồn của nó, mình sẽ thấy có một đám mây đang bay trong tờ giấy này. Mình cũng không cần là thi sĩ mới thấy được đám mây, vì mình biết nếu không có đám mây thì không có mưa, cây rừng sẽ không thể mọc lên được, do đó chúng ta không có bột giấy. Nhìn vào tờ giấy này, bạn còn thấy mặt trời, vì nếu không có mặt trời chiếu lên thì không có loài thực vật nào mọc được, cho nên nhìn vào tờ giấy này, ta sẽ thấy ánh mặt trời chói lọi trong đó. Rồi ta còn thấy rừng cây xanh mướt, thấy những chiếc lá rụng, mục đi để cây rừng tươi tốt, ta thấy những chất khoáng trong lòng đất mà rễ cây hút lên để nuôi cây. Rồi ta thấy người tiều phu đã đốn cây đem về để làm bột giấy, thấy Ba Má của ông tiều phu. Ta thấy luôn gạo lúa mà người tiều phu ăn hàng ngày để có thể đủ sức đi đốn cây.
Tóm lại, khi nhìn tờ giấy này bằng con mắt quán chiếu nhân duyên, ta thấy rằng không có hiện tượng nào trên vũ trụ mà không có mặt trên tờ giấy. Tờ giấy, chứa đầy cả vũ trụ vạn hữu trong đó.
Khi dùng danh từ giấy, ta nên phân biệt hai thứ: một là tờ giấy và hai là những yếu tố không phải giấy. Ta có thể nói rằng: giấy được kết hợp bằng những yếu tố không phải giấy. Giấy là do những yếu tố không giấy tạo ra, giấy không thể tự có được. Giấy không có tự tánh hoặc có thể tự riêng biệt.
Nó có là nhờ những cái không phải nó bắt tay nhau tập hợp làm ra. Tờ giấy này tuy rỗng, không có tự tánh riêng, nhưng nó lại đầy cả vũ trụ vạn hữu trong đó. Vì vậy chữ “空” trong Tâm Kinh Bát chỉ có nghĩa là không có một tự thể riêng biệt.
Uẩn nào trong năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cũng không hết, vì uẩn nào cũng không thể tự mình tồn tại độc lập. Uẩn nào cũng phải nhờ các uẩn khác phụ giúp mới có thể có được.
Đồng xu có hai mặt: mặt trái và mặt phải. Sở dĩ có mặt phải là nhờ có mặt trái. Nếu một trong hai mặt mà không có thì mặt kia cũng không có luôn. Năm uẩn cũng vậy, chúng nương nhau mà có, chứ không thể có một cái tách rời. Phân chia là để tạm hiểu thôi, chứ năm uẩn không thể nào tồn tại độc lập với nhau. Trong con người chúng ta, có đủ tâm, can, tỳ, phế, thận: tuy chia ra làm năm cái nhưng kỳ thực nếu không có tâm thì can có thể tồn tại được không? Nếu không có tỳ thì phế có được hay không? Tuy rằng năm mà kỳ thực là một. Những cơ quan trong cơ thể ta không thể tồn tại độc lập, cái này nương cái kia mà có. Vì thế Phật dạy rằng: Thử hữu tắc bí hữu. Cái này có mặt cho nên cái kia có mặt, cái kia có mặt cho nên cái này mới có mặt. Tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ đã phối hợp lại để làm thành một hiện tượng. Không sự vật nào trong vũ trụ có tự tánh riêng biệt hết. Đó là giáo lý căn bản của đạo Phật.

Mời bạn đọc tiếp đoạn Kinh
3. Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm.
Dịch nghĩa Việt là : “ Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt. ”

Chư pháp tức là mọi hiện tượng. Mặt trời là pháp, dòng sông, hạt bụi, hòn sỏi, sự thương, sự ghét, con mắt, lỗ tai cũng đều là pháp.
Thể mọi pháp đều không: bản chất của mọi hiện tượng đều không, nghĩa là không có tự tánh riêng biệt.
Không sinh cũng không diệt. Các pháp chưa bao giờ sinh ra, cũng không bao giờ diệt. Câu nói này của Đức Quán Tự Tại đi ngược với nhận thức thông thường của chúng ta.
Mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta thường chứng kiến sự sinh tử. Khi một người được sinh ra, tờ giấy khai sinh công nhận thời điểm người đó sinh ra. Sau khi người đó chết, để có tính pháp lý khi chôn cất, người nhà cần phải có một giấy chứng tử. Giấy chứng tử công nhận con người đó đã chết. Chúng ta thường nghĩ cái gì cũng có sanh, cái gì cũng có diệt, và sinh diệt xãy ra hàng ngày. Vậy tại sao Đức Quán Thế Âm lại nói không sinh cũng không diệt?
Chúng ta phải nhìn sâu hơn, quán chiếu thâm sâu để xem tại sao Đức Quán Thế Âm lại nói như thế.
Ngày mà mẹ bạn sinh bạn ra, nó được ghi lại trong giấy khai sinh. Vậy trước ngày đó, bạn đã tồn tại chưa? Trước ngày sinh đó, bạn đã có mặt rồi. Nhưng chưa hội đủ duyên để bạn ra khỏi bụng mẹ bạn thôi.
Chữ sinh làm mọi người hiểu là từ không mà trở thành có. Nếu mình có rồi thì mình đâu cần phải sinh nữa? Vậy bạn không có sinh. Nếu không có sinh tức là không có diệt. Đó là sự thật mà Đức Quán Thế Âm muốn khơi mở cho chúng ta thấy.
Thể mọi pháp đều không,
Không sinh cũng không diệt.
Đã không sinh rồi thì làm sao mà có diệt? Có thể nào mình làm cho hòn đá kia từ có trở thành không? Rất khó. Mình có thể nghiền nó thành bột, rồi rãi tung ra, nhưng đó đâu phải là biến nó thành không? Hòn đá chỉ trở thành bột đá. Cây nhang mình đốt, nó cũng không phải đang từ có đi tới không. Mùi thơm của nhang đi vào trong không gian, nhiệt lượng của nó cũng đi vào không gian. Nó đang luân hồi. Tro của nhang sẽ đi vào đất để có thể trở thành một nụ hoa. Một hột bụi dù nhỏ xíu đi nữa cũng không thể nào biến mất đi được. Nó chỉ biến đổi, đi vào vũ trụ tồn tại dưới một hình thức khác.
Vì vậy, không ai có thể làm cho một vật từ có trở thành không, cũng như không ai có thể làm cho một vật từ không trở thành có. Một đám mây khi gặp khí lạnh có thể cảm thấy sợ hãi, vì nghĩ rằng mình sẽ trở thành không. Sự thực không phải thế. Khi gặp khí lạnh, nếu đám mây biết được không sinh cũng không diệt, mây chỉ trở thành mưa, để rơi xuống trên ruộng đồng, trên cây cỏ, trên hoa lá, thì đám mây sẽ cho đó là một hình thái đi chơi rất vui sướng. Đám mây sẽ rung mình biến thành mưa một cách rất tự nhiên, rất điềm tĩnh, rất hoan lạc.
Chúng ta hay lo lắng, sợ rằng sau khi mình chết, thân mình không còn nữa. Nói như nhạc sỹ Trịnh Công Sơn “ Một mai trở về cát bụi”. Nhưng điều đó không đúng sự thật. Các bạn biết đó, như phân tích ở lúc đầu, một tờ giấy mỏng cũng chứa cả vũ trụ thì hạt bụi cũng vậy. Một hạt bụi cũng chứa toàn bộ vũ trụ. Nếu như bạn lớn như mặt trời, bạn nhìn xuống trái đất, thấy trái đất nó chẳng là cái gì, vô cùng bé. Nhưng bạn là con người, bạn nhìn trái đất rất vĩ đại, to lớn vô cùng. Ý tưởng lớn nhỏ đó chỉ là khái niệm trong tâm trí của chúng ta. Ví dụ, mặt trăng, Bạn luôn nghĩ trăng tròn, trăng khuyết. Nhưng trên thực tế, mặt trăng vẫn luôn là mặt trăng. Nó không khuyết nó cũng không đầy. Lớn bé, nhỏ to, khuyết đầy là trong suy nghĩ của bạn. Vì vậy, bạn đừng sợ mất đi. Hãy quán chiếu mặt trăng. Trăng khuyết, trăng tròn, nhưng nó luôn luôn là mặt trăng đó thôi.

Mời các bạn đọc tiếp đoạn Kinh sau
4. Thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức. Vô nhãn nhĩ tỷ thiệt thân ý, vô sắc thanh hương vị xúc pháp, vô nhãn giới nãi chí vô ý thức giới. Vô vô minh, diệc vô vô minh tận, nãi chí vô lão tử, diệc vô lão tử tận. Vô khổ, tập, diệt, đạo. Vô trí diệc vô đắc, dĩ vô sở đắc cố.
Dịch nghĩa Việt của đoạn Kinh này là:
Cho nên trong cái không đó, nó không có sắc, không thọ tưởng hành thức.
Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới.
Không có vô minh,mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết.
Không có khổ, tập, diệt, đạo.
Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc.
Đọan Kinh này là phân tích mười tám giới. Đầu tiên bạn có sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sau đó có cảm nhận ( sáu trần ) về sắc, thanh, mùi, vị, xúc giác, và tâm. Sắc là đối tượng nhận biết của mắt, âm thanh là đối tượng nhận biết của tai, và tiếp tục như vậy bạn có sáu thức. Từ sắc tức là cái thấy cho đến ý thức bạn có mười tám giới . Mười tám giới, từ nhãn giới cho đến ý thức giới, đều nương nhau mà được thành lập. Không giới nào có thể tồn tại độc lập. Một giới có mặt là do mười bảy giới kia có mặt. Chữ không ở đây có nghĩa là không có sự tồn tại biệt lập.

Các bạn đọc đoạn Kinh tiếp theo
5. Bồ đề tát đõa y Bát nhã Ba La Mật Đa cố, tâm vô quái ngại, vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết bàn.

Dịch nghĩa Việt của đoạn Kinh này:
Khi vị Bồ Tát nương tựa vào trí tuệ Bát Nhã nầy thì tâm không còn chướng ngại, vì tâm không chướng ngại nên không còn sợ hãi, xa lìa được cái điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn.
Mộng tưởng điên đảo là những tri giác sai lầm của mình. Chúng tạo ra những sợ hãi và căm thù mà mình đã là nạn nhân lâu nay. Khi đám mây biết rằng nó không sinh cũng không diệt, thì khi thời cơ tới, nó có thể an nhiên biến thành mưa. Và khi biến thành mưa, đám mây sẽ cười thích thú mà rơi xuống trên cây cỏ, trên ruộng đồng, để làm tròn nhiệm vụ nước mưa của mình. Những đợt sóng trên biển cả cũng là do mưa mà thành. Một chiếc lá cây cũng vậy. Nếu biết quán chiếu theo Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa , chiếc lá sẽ thấy rằng trong suốt mùa thu và mùa hạ, nó đã làm việc hết sức mình để nuôi dưỡng cây. Chúng ta thường nghĩ lá là con cháu của cây, ít khi ta nghĩ rằng lá cũng là mẹ của cây. Sự thực, lá cũng là mẹ của cây, vì chất nhựa do các rễ cây hút từ dưới đất lên, chưa thể dùng để nuôi cây được: đó chỉ là nước lã thêm các chất khoáng mà thôi. Chiếc lá, có chức năng quan trọng của nó.
Trong sách Thế giới Khoa học của Mcgraw Hill dành cho học sinh tiểu học, đã minh họa cho học sinh hiểu rõ chức năng quan trọng của chiếc lá. Những chiếc lá nhỏ chính là những nhà máy dùng ánh sáng mặt trời và các chất khí trong không gian biến nhựa trong cây thành năng lượng. Màu xanh của lá cũng do mặt trời và những chất khí làm ra. Chiếc lá có thể quán chiếu rằng sự sống của nó chủ yếu là ở trong cây, chứ không phải là chỉ ở trong lá. Lá chỉ là một phần của cây, và là đồng nhất nó với cây.
Chiếc lá vàng nhìn lại bản thân và biết rằng trong giai đoạn này nó chỉ là một phần của lá mà thôi. Những chất bổ nó tạo ra bây giờ đang nằm trong cây. Nếu lá nhận thức ra rằng nó là cây, đồng nhất nó với cây, thì chiếc lá đó sẽ không còn sợ hãi, sẽ thấy được sự bất sinh bất diệt của nó khi nó rơi xuống đất. Nó sẽ rơi xuống, một cách rất thanh thản, vừa rơi vừa múa và biết rằng nó tiếp tục làm công việc nuôi dưỡng thân cây. Nó sẽ biến thành đất mùn để lại bón cho cây và sẽ trở lại cây. Như vậy, nó thấy được sự bất sinh bất diệt của chính nó.
Ta cũng vậy. Chúng ta sợ hãi vì chúng ta thấy sự sinh diệt qua nhận thức sai lạc của chúng ta: vì vọng tưởng của chúng ta về sinh diệt, nên ta mới sợ.
Nếu ta quán chiếu được tự thể của mình, biết rằng mình là bản thể của sự sống, chỉ chuyển biến chứ không có sinh diệt, tất ta vượt thoát khỏi sự sợ hãi về sinh diệt. Và chúng ta sẽ bằng lòng với bất cứ hình thức nào mà mình sẽ tiếp nhận sau này. Sự quán chiếu đó, ta có thể thực hiện được. Nếu không học Bát Nhã Tâm Kinh, không học quán chiếu theo đạo Phật, ta không thấy được sự diễn biến của các hiện tượng trong vũ trụ. Quán được như vậy ta sẽ thoát ra khỏi sinh tử, ta sẽ có một nụ cười, sẽ vượt ra cái mà ta gọi là sự sợ hãi.
Sự sợ hãi là gánh nặng đè trĩu lên kiếp người chúng ta từ lúc sơ sinh đến khi nhắm mắt. Đức Quán Thế Âm hiến tặng chúng ta kinh này với mục đích giúp chúng ta vượt thoát sự sợ hãi, sự sợ hãi sinh tử. Quán về nhân duyên sinh, ta có thể vượt thoát mọi khổ đau của sự sống.

Bây giờ mời đọc giả đọc đoạn Kinh tiếp theo
6. Tam thế chư Phật, y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc A nậu đa la Tam miệu Tam bồ đề.

Dịch nghĩa Việt
Các vị Phật ba đời vì nương theo trí tuệ Bát Nhã nầy mà đắc quả vô thượng, chánh đẳng chánh giác.
Đoạn Kinh này khẳng định các đức Phật thành đạo ở ba đời cũng chỉ nhờ phương pháp quán sát trí tuệ Bát Nhã này mà thôi, chứ không nhờ phương pháp nào nữa.
Mời bạn đọc tiếp đoạn Kinh sau:
Cố tri Bát nhã Ba La Mật Đa, thị đại thần chú, thị đại minh chú, thị vô thượng chú, thị vô đẳng đẳng chú, năng trừ nhất thiết khổ, chân thật bất hư.
Nghĩa Việt của đoạn Kinh
Cho nên phải biết rằng Bát Nhã Ba La Mật Đa là đại thần chú, là đại minh chú, là chú vô thượng, là chú cao cấp nhất, luôn trừ các khổ não, chân thật không hư dối.
Chú, tiếng Phạn là Dharani, có nghĩa một câu nói thoát ra trong trạng thái hết sức vững chãi. Thân, tâm và ngôn ngữ hoà hợp lại trong một định lực thật lớn, một câu nói có thể thay đổi được hoàn cảnh thì gọi là linh chú.
Khi bạn quán chiếu vào điều gì, bạn sẽ nắm bắt chúng rõ ràng như giữ trái cam trong tay. Bồ Tát Quán Thế Âm khi quán chiếu năm uẩn, ngài nhìn thấy bản chất của tương tức của năm uẩn và ngài đã vượt qua mọi nỗi đau. Bồ Tát Quán Thế Âm đã hoàn toàn được giải thoát. Đó là trạng thái thiền định, an lạc, giải thoát, vì vậy mà Bồ Tát Quán Thế Âm thốt ra một điều quan trọng. Đó là lý do tại sao Bồ Tát Quán Thế Âm nói ra câu thần chú.

Mời bạn đọc tiếp đoạn Kinh sau:
7. Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú, tức thuyết chú viết:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.


Dịch nghĩa Việt của đoạn Kinh này
Cho nên khi nói đến Bát Nhã Ba La Mật Đa, tức là phải nói câu chú:
Yết đế yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha.
Thần chú Quán Thế Âm là "Gate Gate paragate parasamgate bodhi svaha". Đọc theo âm hán là yết đế, yết đế, ba la yết đế, bồ đề tát sa va. Gate Gate: có nghĩa là qua rồi. Paragate: qua bên kia rồi. Parasamgate: tất cả vượt qua bên kia rồi. Bodhi: tỉnh thức. Svaha: tiếng reo gọi vui mừng có năng lực thúc đẩy, tương đương với tiếng chào mừng hoặc hò dô ta của mình vậy.

Khi bạn lắng nghe thần chú này, bạn nên chú ý, tập trung, từ đó bạn mới có thể nhận được năng lượng từ Bồ Tát Quán Thế Âm. Bản kinh này không chỉ sử dụng để đọc tụng. Mà Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật được xem là một công cụ Bồ Tát Quán Thế Âm ban cho phật tử để thực hiện sự giải thoát cho bản thân và cho tất cả chúng sinh. Nó giống cái cày, cái cái bừa ban cho người nông dân.
Trong đạo Phật có ba loại bố thí. Bố thí thứ nhất là bố thí vật. Thứ hai là bố thí trí tuệ, hay còn gọi là Pháp thí. Thứ ba, là loại bố thí cao nhất, vô úy thí. Quán Thế Âm Bồ Tát là vị bố thí cho chúng ta loại Vô úy thí, giúp chúng ta tự giải phóng khỏi nỗi sợ hãi. Đây là tâm Bát nhã.

Tâm Kinh Bát nhã cho phật tử một nền tảng vững chắc vô úy thí, thực hành an lạc cho bản thân, vượt qua nỗi sợ hãi của sinh tử. Trong ánh sáng của tánh không, tất cả mọi vật đều có liên hệ với nhau, mỗi vật đều có trách nhiệm với mọi điều xảy ra trong cuộc sống. Nụ cười bạn đang nở trên môi, nó không những làm cho bản thân bạn an lạc mà những người xung quanh bạn cũng an lạc, cả thế giới cũng an lạc. Phật tử khi hồi hướng đều đọc câu nguyện cho thế giới hòa bình, cho chúng sanh an lạc. Nếu bạn không an lạc, không nở nổi nụ cười thân bạn không an lạc hòa bình thì làm sao bạn làm cho mọi người xung quanh nở nụ cười và an lạc được.
Mỗi hơi thở, mỗi bước đi, mỗi hành động, mỗi nụ cười, đều có đóng góp tích cực cho sự sống an lạc của bạn và của cộng đồng. Cho nên bạn phải sống một cuộc sống có ý nghĩa ngay trong hiện tại, ngay trong phút giây này.
Cảm ơn bạn đã đọc chú giải Tâm Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa.


Ngày 03 tháng 12 năm 2014
Hoàng Phước Đại (Đồng An)
般 若 波 羅 蜜 多 心 經
Nguồn: http://phatgiao.org.vn.

9/1/22

Thu tứ. Trương Tịch

秋思

洛陽城裡見秋風,                   洛阳城里见秋风,
欲作家書意萬重。                   欲作家书意万重。
覆恐匆匆說不盡,                   覆恐匆匆说不尽,
行人臨發又開封。                   行人临发又开封。

張藉

.

Âm Hán Việt

Lạc Dương thành lí kến thu phong,

Dục tác gia thư vạn ý trùng.

Phục khủng thông thông ý bất tận,

Hành nhân lâm phát hựu khai phong.

.

Chú: 

- 洛陽 Lạc Dương: vào thời nhà Đường, được xem là kinh đô thứ hai; nay là thủ phủ tỉnh Hà Nam.

- 家 gia, bản khác chép:“歸”quy. 意萬重 ý vạn trùng: ý tứ rất, rất nhiều.

- 匆匆 thông thông = vội vội vàng vàng.

- 行人 hành nhân: người đi, chỉ người đưa thư.

- 開封 khai phong: bóc thư.

張藉 Trương Tịch (khoảng 767 - 830), tự là Văn Xương, người Hòa Châu, Điểu Giang (nay là trấn Điểu Giang, huyện Hòa, tỉnh An Huy), là nhà thơ thời Trung Đường, được người đời gọi là Thi trường 詩腸 (bụng thơ. 腸 trường = ruột. Liên quan đến nick này, có giai thoại kể rằng ông mê thơ Đỗ Phủ đến nỗi thường chép thơ Đỗ Phủ rồi đốt, lấy tro hoa nước uống, với hi vọng viết được thơ như vị thi thánh). Tác phẩm tiêu biểu: Thu tứ, Tiết phụ ngâm, Dã lão ca, .. 

Ông là đại đệ tử của Hàn Dũ, bạn thân của các nhà thơ Lí Thân, Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị. 

.

Nghĩa:

Trong thành Lạc Dương thấy gió thu nổi lên, lòng muốn viết thư gởi về nhà mà ý nghĩ ngổn ngnag. Lại sợ trong lúc vội vội vàng vàng viết không hết ý, nên người đưa thư chuẩn bị đi lại lấy thư mở ra coi lại.

.

Dịch thơ (chép lại từ trang web thivien)

Thành Lạc gió thu chợt thổi qua

Ngổn ngang trăm mối viết thư nhà

Những e vội vã lời chưa hết

Sắp gửi người đi lại bóc ra.

Nam Trân

.

Lạc Thành thấy nổi thu phong,

Thư nhà muốn viết, nỗi lòng khôn nguôi.

Vội vàng, sợ chẳng hết lời,

Sắp đi, lại mở ra coi kỹ càng.

Trần Trọng Kim

.

Hình: thư pháp lấy trên mạng.

Hình: internet




5/1/22

cử nhất phản tam



舉一反三 (举一反三)

Cử nhất phản tam /jǔ yī fǎn sān/

舉 cử: đưa ra.

一 nhất: một sự việc

反 phản: suy tính 推算

三 tam: ba, nhiều.

Cử nhất phản tam: đưa ra một điều thì suy tính ra được ba điều, từ một việc mà suy ra nhiều việc, học được điều này thì có thể suy ra điều khác.

Chữ lấy trong Luận ngữ (7.8):

Tử viết: Bất phẩn bất khải, bất phỉ bất phát, cử nhất ngung bất dĩ tam ngung phản, tắc bất phục dã =

Khổng Tử nói: "Không thấy ấm ức trong bụng thì ko gợi mở, ko chỉ ra cho; vén một góc rồi mà không nghĩ cách vén ba góc kia, thì không dạy lại nữa”. [1]

Có vẻ người xưa đòi hỏi học trò hơi nhiều. Ko như nay, ko muốn học cũng bị ép phải học cho được. Và học thì có thầy cô học suy nghĩ thay cho. Nên trò nào cũng giỏi, giỏi toàn diện. Kết quả là [cha mẹ] trò nào cũng ngộ nhận về năng lực của [con em] mình. Nhiều trường dạy nghề tiền tỉ xây xong rồi để hoang, trong khi thợ rất thiếu và thầy thì quá dư.

Các thành ngữ 舉隅反三 cử ngung phản tam, 一隅三反 nhất ngung tam phản cũng có nguồn gốc từ câu trên, ý nghĩa tương tự.

---

[1]子曰:「不憤不啟,不悱不發,舉一隅不以三隅反,則不復也。」

子曰:「不愤不启,不悱不发。举一隅不以三隅反,则不复也。」

3/1/22

Đàn cầm. Lưu Trường Khanh

彈琴

泠泠七絃上, 泠泠七弦上,

靜聽松風寒。 静听松风寒。

古調雖自愛, 古调虽自爱,

今人多不彈。 今人多不弹。

劉長卿

Chú:

- 泠泠 linh linh: chỉ tiếng đàn trong trẻo như gió như nước. 

- 弦 huyền = dây đàn. 七弦 thất huyền: đàn 7 dây, chỉ 古琴 cổ cầm , nhạc cụ truyền thống của Tàu.

- 松風 Tùng phong: tên bản nhạc, đầy đủ là 風入松 Phong nhập tùng do Kê Khang đời Tấn sáng tác. 寒 hàn: lạnh, buồn thê thiết. 

- 古調 cổ điệu (bản khác: 古曲 cổ khúc): bản nhạc xưa, chỉ bài “Phong nhập tùng” nói trên. 

劉長卿 Lưu Trường Khanh (709-780?) tự Văn Phòng, là nhà thơ thời Trung Đường. 

Sở trường của ông là thơ ngũ ngôn, tự xưng là "Ngũ ngôn trường thành". Tác phẩm tiêu biểu: Phùng tuyết túc phù dung sơn chủ nhân, Tiễn biệt Vương Thập Nhất nam du, Quá Tiền An Nghi Trương Minh Phủ giao cư .. 

Âm Hán Việt: Đàn cầm

Linh linh thất huyền thượng, 

Tĩnh thính Tùng phong hàn. 

Cổ điệu tuy tự ái, 

Kim nhân đa bất đàn.

Lưu Trường Khanh.

Nghĩa

Réo rắt tiếng đàn thất huyền, 

Lặng nghe bản Tùng phong buồn thê thiết. 

Điệu cổ nhạc tuy ta yêu thích, 

Nay chẳng mấy ai đàn. 


Tạm dịch

Bảy dây đàn réo rắt. 

Gió rừng thông rợn người. 

Điệu xưa dù rất thích, 

Nay chẳng mấy người chơi.


Một số bản dịch thơ khác (chép lại từ trang web thivien net)

Bảy dây đàn lạnh lẽo

Nghe thoảng gió thông vang

Điệu cổ tuy mình thích

Người nay ít thấy đàn.

Trần Trọng San

*

Thánh thót bảy dây rung,

Lặng nghe khúc "Gió tùng".

Điệu xưa ta mến mộ,

Giờ chẳng mấy ai dùng.

Lê Nguyễn Lưu

HÌnh: Pinterest

Photo: Pinterest