31/10/20

ôn 3. thành ngữ chữ Hán

 Thành ngữ đã học

同生共死 đồng sinh cộng tử [tóng shēng gòng sǐ]
百年偕老 bách niên giai lão [bǎi nián xié lǎo]
一舉兩得 nhất cử lưỡng đắc [yī jǔ liǎng dé] Giản thể: 一举两得
不恥下問 bất sỉ hạ vấn [bù chǐ xià wèn](不耻下问)
同甘共苦 đồng cam cộng khổ [tóng gān gòng kǔ].

Chữ đã học:

  1. 百 bách [băi] = 100. Cũng đọc là bá. Bạch 白 chỉ âm đọc + nhất 一 , chỉ nghĩa một trăm. Chữ này dễ nhớ: Đặt nó nằm ngang, là số 100! 
  2. 白 bạch [bái] = sáng; trắng. Hình cây nến cháy. 
  3. 不 bất = không. Hình mầm cây còn nằm dưới mặt đất. Nghĩa gốc là mầm cây. Chữ giả tá.
  4. 貝 bối = tiền, đồ quý. Hình cái vỏ sò. Nghĩa gốc là cái vỏ sò. Xưa dùng vỏ sò làm vật trung gian trao đổi hàng hóa, nên mở rộng nghĩa thành thành tiền, đồ quý.
  5. 甘 cam [gān] = ngọt. Bộ cam 甘. Hình miệng ngậm một vật. Nghĩa gốc là ngọt; cũng có nghĩa là cam chịu (ngậm miệng!). Bất cam = không nguyện, không khứng chịu.
  6. 止 chỉ = dừng. Hình bàn chân. Nghĩa gốc là bàn chân. 
  7. 匕 chủy [bǐ] = con dao găm; cái muỗng. Giáp cốt văn vẽ hình con dao, chữ khải thì giống hình cái muỗng (thìa) hơn.
  8. 古 cổ = cũ. Chữ hội ý: chuyện đã qua mười 十 miệng 口 thì hẳn không mới.共 cộng = gộp vào, cùng chung. Hình hai tay cùng nâng một đồ vật.
  9. 舉 cử = đưa lên. Cũng viết 擧. Gồm thủ 扌 (hay 手 = tay ) chỉ ý + dữ 與 chỉ cách đọc. GT: 举
  10. 與 dữ = trao cho. Hình hai đôi tay trao nhau cái ngà voi. Tặng dữ = tặng cho.
  11. 得 đắc = được. Ban đầu chữ đắc viết là 㝵, gồm bối 貝 (viết thiếu nét) + thốn 寸, là chữ hội ý: tay cầm được tiền. Bộ xích彳 được thêm sau. (Lấy được tiền rồi thì đi thôi!)
  12. 同 đồng = phàm 凡 (số đông) + khẩu 口 (miệng). Chữ hội ý, nghĩa: cùng chung.  
    Để nhớ: người sống chung một nhà 冂, nói cùng một 一 giọng 口
  13. 下 hạ = bên dưới. Đánh dấu phần dưới mặt đất 丅 (chữ chỉ sự)
  14. 行 hành = đi. Hình một ngã tư. Nghĩa gốc là đường đi, mở rộng nghĩa là đi, làm. 
  15. 皆 giai [jiè] = đều, cùng. Giáp cốt văn là hình hai người (viết thành 比) + cam 甘, ý là hai người cùng chia ngọt sẻ bùi. Chữ cam 甘 về sau bị viết nhầm thành chữ bạch 白, thành ra hội ý: hai cái muỗng 比 đều trắng sáng 白 cả.
  16. 偕 giai [xié] = cùng nhau. Nhân 人 chỉ nghĩa + giai 皆 chỉ âm.
  17. 口 khẩu = miệng. Vẽ hình cái miệng. 
  18. 苦 khổ = đắng. Chữ hình thanh, thảo 艹 chỉ ý + cổ 古 chỉ âm đọc.老 lão [lǎo] = già lão. Hình ông lão chống gậy (viết thành 耂 ) lưng còng (viết thành 匕 ). 老人 ông già. Lão sư = thầy giáo. Lão hổ = con cọp. Lão thử = con chuột.
  19. 兩 lưỡng = hai, cặp. Cũng viết 两. Hình cái ách và hai cái yên ngựa trên cỗ xe song mã xưa (Đọc lượng (lạng) = đơn vị đo lường khối lượng cổ, bằng 1/16 cân).
  20. 門 môn = cửa. Hình cái cưử có hai cánh. Giản thể: 门
  21. 年 niên [nián] = năm. Hình người vác lúa 秂 , chỉ mùa gặt, tức một năm (xưa mỗi năm chỉ làm một vụ lúa). (Bạn) vong niên = (bạn) không phân biệt tuổi tác. Đồng niên = người đỗ cùng khoa (xưa). 
  22. 牙 nha = răng; ngà voi. Hình hai cái răng. 
  23. 一 nhất = một. gạch một gạch chỉ 1. Chữ chỉ sự.
  24. 耳 nhĩ = tai. Hình lỗ tai.
  25. 凡 phàm. Hình cái khay, nghĩa gốc là cái khay, cái mâm. Mượn dùng làm danh từ với nghĩa cõi trần tục, hoặc làm phó từ với nghĩa nói chung, phần đông, ..
  26. 恥 sỉ = xấu hỗ. Chữ hình thanh, tâm 心 chỉ ý + nhĩ 耳 chỉ âm đọc. Giản thể: 耻 = nhĩ + chỉ.
  27. 生 sinh = ra đời, nảy nở, sống. Hình cây cỏ mới mọc. Sát sinh = giết một mạng sống. Sinh tồn = sống còn. Sinh bệnh = phát bệnh. Sinh sự = gây chuyện. 
  28. 寸 thốn = tấc. Hình bàn tay với một gạch nhỏ đánh dấu ở cổ tay. Khoảng cách từ cườm tay đến vị trí đánh dấu được lấy làm đơn vị đo, gọi là thốn, bằng khoảng 3 cm. Khi kết hợp với chữ khác để tạo chữ mới, thốn 寸 góp nét nghĩa tay. 
  29. 心 tâm = tim. Hình trái tim.
  30. 艸 thảo. Hình cây cỏ. Nghĩa: cỏ. Khi kết hợp với các chữ khác để tạo chữ thì có dạng 艹十 thập = mười. Xưa kí hiệu số 10 bằng một gạch đứng, có đánh một dấu chấm nhỏ ở giữa để khỏi nhầm với 1. Chấm nhỏ ở giữa theo thời gian phát triển thành gạch ngang như hiện thấy.手 thủ = tay. Hình bàn tay. Cũng viết 扌 khi kết hợp với chữ khác để tạo chữ mới.
  31. 比 tỉ [bǐ] = so sánh, ví như. Bộ 比 tỉ. Hai người (viết thành 匕 ) đặt cạnh nhau so hơn kém.
  32. 死 tử = chết. Gồm hình bộ xương 歹 và một người quỳ bên cạnh khóc thương (viết thành 匕) Cảm tử = không sợ chết. Tử nạn = bị nạn mà chết. Tử vong = chết. 
  33. 問 vấn = hỏi. Chữ hình thanh, khẩu 口 chỉ ý + môn 門 chỉ âm đọc. Cũng có thể coi là chữ hội ý: hỏi từ cửa 門 miệng 口.
  34. 彳 xích. Chữ hành 行 tách làm hai, nửa bên trái 亍 đọc là xúc, có nghĩa là bước chân bên phải;nửa bên trái là 彳, đọc là xích = bước chân bên trái. Xích 彳 là một bộ thủ chữ Hán. 


30/10/20

đồng cam cộng khổ

同甘共苦 tóng gān gòng kǔ.
同 đồng = cùng, 甘 cam = ngọt, 共 cộng = chung, 苦 khổ = đắng. 
同甘共苦 đồng cam cộng khổ = ngọt bùi cùng chia, đắng cay cùng chịu. Chỉ những người sống với nhau đầy tình nghĩa, vui buồn có nhau, có phúc cùng hưởng, có nạn cùng chịu. (Anh: share weal and woe with;share with sb. through thick and thin)
Trong cuộc sống, hạt muối cắn đôi thấy cũng nhiều, nhưng cục đường phèn chia đôi thì khá hiếm. 

HỌC CHỮ
凡 phàm. Hình cái khay, nghĩa gốc là cái khay, cái mâm. Mượn dùng làm danh từ với nghĩa cõi trần tục, hoặc làm phó từ với nghĩa nói chung, phần đông, ..
口 khẩu = miệng. Tượng hình cái miệng
同 đồng = phàm 凡 (số đông) + khẩu 口 (miệng). Chữ hội ý, nghĩa: cùng chung.  
甘 cam. Tượng hình cái miệng 口 + một vật ngậm trỏng. Nghĩa: ngọt.
共 cộng. Hình hai tay nâng một vật. Nghĩa: chung nhau, góp vào.
十 thập = mười. Xưa kí hiệu số 10 bằng một gạch đứng, có đánh một dấu chấm nhỏ ở giữa để khỏi nhầm với 1. Chấm nhỏ ở giữa theo thời gian phát triển thành gạch ngang như hiện thấy.
艸 thảo. Hình cây cỏ. Nghĩa: cỏ. Khi kết hợp với các chữ khác để tạo chữ thì có dạng 艹
古 cổ = cũ. Chữ hội ý: chuyện đã qua mười 十 miệng 口 thì hẳn không mới.
苦 khổ = đắng. Chữ hình thanh, thảo 艹 chỉ ý + cổ 古 chỉ âm đọc.

*
cam 甘 = ngọt. Hình: qiyuan.chaziwang


28/10/20

nhất cử lưỡng đắc

一舉兩得 yī jǔ liǎng dé Giản thể: 一举两得 

一 nhất = 1, 舉 cử = nhấc tay, cử động, 兩 lưỡng = hai, 得 đắc = được. 
一舉兩得 nhất cử lưỡng đắc = làm một việc được hai việc. Ta thì thường nói nhất cử lưỡng tiện. Ý nghĩa cũng như nhau, và tương tự như nhất thạch nhị điểu (một hòn đá ném được hai con chim), hay nhất tiển song điêu (một mũi tên bán được hai con chim).  (Anh: shoot two hawks with one arrow; kill two birds with one stone).

HỌC CHỮ
一 nhất = một. gạch một gạch chỉ 1. Chữ chỉ sự
牙 nha = răng; ngà voi. Hình hai cái răng. 
與 dữ = trao cho. Hình hai đôi tay trao nhau cái ngà voi. Tặng dữ = tặng cho.
手 thủ = tay. Hình bàn tay. Cũng viết 扌 khi kết hợp với chữ khác để tạo chữ mới.
舉 cử = đưa lên. Cũng viết 擧. Gồm thủ 扌 (hay 手 = tay ) chỉ ý + dữ 與 chỉ cách đọc. GT: 举
兩 lưỡng = hai, cặp. Cũng viết 两. Hình cái ách và hai cái yên ngựa trên cỗ xe song mã xưa.
(Đọc lượng (lạng) = đơn vị đo lường khối lượng cổ, bằng 1/16 cân).
行 hành = đi. Hình một ngã tư. Nghĩa gốc là đường đi, mở rộng nghĩa là đi, làm
彳 xích. Chữ hành 行 tách làm hai, nửa bên trái 亍 đọc là xúc, có nghĩa là bước chân bên phải;nửa bên trái là 彳, đọc là xích = bước chân bên trái. Xích 彳 là một bộ thủ chữ Hán. 
貝 bối = tiền, đồ quý. Hình cái vỏ sò. Nghĩa gốc là cái vỏ sò. Xưa dùng vỏ sò làm vật trung gian trao đổi hàng hóa, nên mở rộng nghĩa thành thành tiềnđồ quý.
寸 thốn = tấc. Hình bàn tay với một gạch nhỏ đánh dấu ở cổ tay. Khoảng cách từ cườm tay đến vị trí đánh dấu được lấy làm đơn vị đo, gọi là thốn, bằng khoảng 3 cm. Khi kết hợp với chữ khác để tạo chữ mới, thốn 寸 góp nét nghĩa tay
得 đắc = được. Ban đầu chữ đắc viết là 㝵, gồm bối 貝 (viết thiếu nét) + thốn  寸, là chữ hội ý: tay cầm được tiền. Bộ xích彳 được thêm sau. (Lấy được tiền rồi thì đi thôi!)

*
Chữ cử 舉 theo thời gian:
- giáp cốt văn là hình người cha dùng hai tay đưa đứa con nhỏ cao lên đầu, có lẽ đang đùa chơi với con. Chữ được cấu tạo theo kiểu hội ý.
- kim văn đơn giản hóa, chỉ còn lại hình hai đôi bàn tay một trên một dưới. 
- tiểu triện: biến thành chữ hình thanh, gồm thủ 手 chỉ ý + dữ 與 chỉ âm đọc. 


(Hình trên mạng)




27/10/20

bách niên giai lão

 百年偕老 bách niên giai lão [bǎi nián xié lǎo]

bách = 100; niên = năm; giai = cùng; lão = già.
百年偕老 là lời chúc vợ chồng chung sống với nhau đến lúc đầu bạc răng long.

HỌC CHỮ

白 bạch [bái] = sáng; trắng. Hình cây nến cháy.

bách [băi] = 100. Cũng đọc là bá. Bạch 白 chỉ âm đọc + nhất 一 , chỉ nghĩa một trăm. Chữ này dễ nhớ: Đặt nó nằm ngang, là số 100!

niên [nián] = năm. Hình người vác lúa 秂 , chỉ mùa gặt, tức một năm (xưa mỗi năm chỉ làm một vụ lúa)
(Bạn) vong niên = (bạn) không phân biệt tuổi tác. Đồng niên = người đỗ cùng khoa (xưa).

匕 chủy [bǐ] = con dao găm; cái muỗng. Giáp cốt văn vẽ hình con dao, chữ khải thì giống hình cái muỗng (thìa) hơn.
比 tỉ [bǐ] = so sánh, ví như. Bộ 比 tỉ. Hai người (viết thành 匕 ) đặt cạnh nhau so hơn kém.
甘 cam [gān] = ngọt. Bộ cam 甘. Hình miệng ngậm một vật. Nghĩa gốc là ngọt; cũng có nghĩa là cam chịu (ngậm miệng!). Bất cam = không nguyện, không khứng chịu.
 giai [jiè] = đều, cùng. Giáp cốt văn là hình hai người (viết thành 比) + cam 甘, ý là hai người cùng chia ngọt sẻ bùi. Chữ cam 甘 về sau bị viết nhầm thành chữ bạch 白, thành ra hội ý: hai cái muỗng 比 đều trắng sáng 白 cả.

 giai [xié] = cùng nhau. Nhân 人 chỉ nghĩa + giai 皆 chỉ âm.

lão [lǎo] = già lão. Hình ông lão chống gậy (viết thành 耂 ) lưng còng (viết thành 匕 ).
老人 ông già. Lão sư = thầy giáo. Lão hổ = con cọp. Lão thử = con chuột.

*
chữ niên 年 giáp cốt văn (Hình trên mạng)






26/10/20

đồng sinh cộng tử

 同生共死 tóng shēng gòng sǐ

同 đồng = cùng, 生 sinh = sống, 共 cộng = cùng, 死 tử = chết.

同生共死 = cùng sống cùng chết, chỉ tình nghĩa sâu nặng, sống chết với nhau. Đây là lời các anh chị thường thế thốt với nhau, khi chưa bỏ nhau. Các anh chị giang hồ cũng hay nói thế, khi còn trong nghèo khó. (Live and die together).

HỌC CHỮ

口 khẩu = miệng. Vẽ hình cái miệng. 

同 đồng = cùng nhau. Mọi người cùng sống một nhà 冂, nói cùng một giọng 一 口.

生 sinh = ra đời, nảy nở, sống. Hình cây cỏ mới mọc.

Sát sinh = giết một mạng sống. Sinh tồn = sống còn. Sinh bệnh = phát bệnh. Sinh sự = gây chuyện.

共 cộng = gộp vào, cùng chung. Hình hai tay cùng nâng một đồ vật.

死 tử = chết. Gồm hình bộ xương 歹 và một người quỳ bên cạnh khóc thương (viết thành 匕) 

Cảm tử = không sợ chết. Tử nạn = bị nạn mà chết. Tử vong = chết. 

*
chữ cộng 共 khắc trên xương thú/yếm rùa (hinh trên mạng)






24/10/20

ôn 2 thành ngữ chữ Hán

Thành ngữ đã học 

坐井觀天 zuò jǐng guān tiān. Giản thể: 坐井观天
六問三推 liù wèn sān tuī. Giản thể: 六问三推 
班門弄斧 bān mén nòng fǔ Giản thể: 班门弄斧
九死一生 jiǔ sǐ yī shēng
一本萬利 yī běn wàn lì 一本万利

Chữ đã học:

  1. 班 ban = chia cho, ban phát. Hình lưỡi dao (viết thành刂) đang chia hai một chuỗi ngọc. 
  2. 本 bản = gốc. Đánh dấu (chỉ sự) phần gốc cây 木. Nghĩa mở rộng: vốn liếng.
  3. 斤 cân = cái búa (rìu, công cụ để chặt cây, ..). Hình cái rìu.
  4. 隹 chuy = loài chim đuôi ngắn. Hình con chim đuôi ngắn. Chữ này đã học trong một bài trước, nếu ai còn nhớ hẳn thấy hình con chim khắc trên xương thú rất giống. 
  5. 九 cửu = chín. Hình cái khuỷu tay, nghĩa gốc là cái cùi chỏ. Mượn (giả tá) chỉ số 9. 
  6. 大 đại = to. Hình người 人 đứng dang tay.雚 hoàn = một loài chim 隹 giống cò, với hai mắt to 吅 và chỏm lông trên đầu 艹 (trong hình minh họa dười đây trông giống con cú mèo!). 
  7. 禾hòa = cây lúa. Hình cây 木 lúa với bông lúa ở ngọn. đao = dao. Vẽ hình cây dao. Cũng viết 刂 (chỉ dùng khi kết hợp với chữ khác để tạo chữ mới) 
  8. 口 khẩu = miệng. Hình cái miệng.
  9. 見 kiến = nhìn. Hình người 儿 (nhân đứng, xem trên) + con mắt 目. Giản thể: 见 
  10. 弄 lộng = chơi. Hình hai tay (viết thành 廾) đang mân mê chuổi ngọc 玉 (viết thiếu nét). 弄月 Lộng nguyệt = chơi trăng, thưởng trăng. Lộng địch = thổi sáo. Trào lộng = đùa tếu. Lộng quyền = lạm dụng quyền lực. 
  11. 利 lợi = lời. Gồm hòa 禾 lúa + đao 刂 dao, nghĩa gốc là sắc bén. Nghĩa rộng là lời lãi. Lợi trong lợi ích, tiện lợi cũng là chữ lợi 利 này.
  12. 六 lục = sáu. Hình cái lều nhỏ, nghĩa gốc là cái chòi. Mượn (giả tá) chỉ số 6.
  13. 木mộc = cây. Hình một cái cây với đủ thân, cành và rễ. 
  14. 門 môn = cửa. Hình cánh cửa có hai cánh.
  15. 目 mục = mắt. Hình con mắt.
  16. 玉 ngọc = ngọc. Hình xâu chuỗi ngọc.
  17. 人 nhân = người. Hình người đứng. Chữ tượng hình. Nhân khi kết hợp với chữ khác để tạo chữ mới có thể viết khác đi (gọi là biến thể): 亻 (nhân đứng), 儿 (nhân đi), .. 
  18. 斧 phủ = cái rìu (búa). Chữ hình thanh, cân 斤 chỉ nghĩa + phụ 父 chỉ âm đọc.
  19. 父 phụ = cha.Hình bàn tay cầm chiếc rìu, nghĩa gốc là người đàn ông lao động. MJở rộng nghĩa, thành nguuờ cha, là người lao động để nuôi gia đình.
  20. 觀 quan = xem xét, ngắm nhìn. Chữ hình thanh, 見 kiến = nhìn, chỉ ý + 雚 hoàn chỉ âm. Giản thể: 观 土 thổ = đất. Hình đống đất. Chữ tượng hình. 
  21. 生 sinh = ra đời, nảy nở, sống. Hình cây cỏ mới mọc.
    Sát sinh = giết một mạng sống. Sinh tồn = sống còn. Sinh bệnh = phát bệnh. Sinh sự = gây chuyện. 
  22. 三 tam = ba. Gạch ba gạch, chỉ 3.
  23. 十 thập = mười. Vẽ 1 gạch ngang chỉ số 1, một gạch đứng chỉ số 10. Để khỏi nhầm lẫn, đánh dấu một chấm nhỏ trên gạch đứng. Nét chấm đánh dấu này theo thời gian dài ra, thành nét ngang, như ta hiện thấy.
  24. 天 thiên = trời. Gạch một gạch 一 đánh dấu (chỉ sự) cái nằm trên đầu người 大.
  25. 推 thôi [tuī] = đẩy. Gồm bộ thủ 扌 chỉ ý + chuy 隹 chỉ âm đọc. 
    推門 thôi môn = đẩy cửa. Thôi xa = đẩy xe. Thôi động = thúc đẩy, lay động.
  26. 手 thủ = tay. Hình bàn tay với các ngón tay. Khi tham gia tạo từ, 手 còn viết là 扌
  27. 井 tỉnh = giếng. Hình cái giếng, miệng giếng có xây thành.
  28. 坐 tọa = ngồi. Hình hai người 人 ngồi trên mặt đất 土. 
  29. 死 tử = chết. Gồm hình bộ xương 歹 và một người quỳ bên cạnh khóc thương (viết thành 匕) Cảm tử = không sợ chết. Tử nạn = bị nạn mà chết. Tử vong = chết. 
  30. 萬 vạn = vạn, mười nghìn. Chữ giáp cốt là hình con bọ cạp, là nghĩa gốc là con bọ cạp. Mượn (giả tá) chỉ mười ngàn. Thường dùng để chỉ ý nhiều lắm lắm. Giản thể: 万 
  31. 問 vấn = hỏi. Chữ hình thanh, gồm khẩu 口 (miệng) chỉ ý + môn 門 (cửa) chỉ âm đọc.
    Để nhớ chữ: vấn 問 = hỏi là từ cửa 門 miệng 口.

(Hình trên mạng)

23/10/20

nhất bản vạn lợi

 一本萬利 yī běn wàn lì Giản thể: 一本万利

一 nhất = một, 本 bản = vốn, 萬 vạn = vạn, 利 lợi = lời.

一本萬利 nhất bản vạn lợi = một vốn vạn lời. Người Việt thì quen nói "khiêm nhường" hơn: một vốn bốn lời. Đây là câu rất thường dùng để chúc nhà buôn vào dịp năm mới hay khai trương hiệu buôn, v.v.

HỌC CHỮ

 nhất = một. Gạch một gạch, chỉ 1.

木mộc = cây. Hình một cái cây với đủ thân, cành và rễ

 bản = gốc. Đánh dấu (chỉ sự) phần gốc cây 木. Nghĩa mở rộng: vốn liếng.

 vạn = vạn, mười nghìn. Chữ giáp cốt là hình con bọ cạp, là nghĩa gốc là con bọ cạp. Mượn (giả tá) chỉ mười ngàn. Thường dùng để chỉ ý nhiều lắm lắm. Giản thể: 万

禾hòa = cây lúa. Hình cây 木 lúa với bông lúa ở ngọn.

刀đao = dao. Vẽ hình cây dao. Cũng viết  (chỉ dùng khi kết hợp với chữ khác để tạo chữ mới)

 lợi = lời. Gồm hòa 禾 lúa + đao 刂 dao, nghĩa gốc là sắc bén. Nghĩa rộng là lời lãi. Lợi trong lợi ích, tiện lợi cũng là chữ lợi 利 này.

*

Chữ vạn 萭 theo thời gian


Hình: qiyuan.chaziwang 


22/10/20

cửu tử nhất sinh

九死一生 cửu tử nhất sinh [jiǔ sǐ yī shēng ]

九 cửu = chín, 死 tử = chết, 一 nhất = một, 生 sinh = sống.

九死一生 cửu tử nhất sinh = chín phần chết một phần sống, ý nói ở trong hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm, gian truân. Ta thì quen nói thập tử nhất sinh 十死一生 mười chết một sống. 

HỌC CHỮ

九 cửu = chín. Hình cái khuỷu tay, nghĩa gốc là cái cùi chỏ. Mượn (giả tá) chỉ số 9

死 tử = chết. Gồm hình bộ xương 歹 và một người quỳ bên cạnh khóc thương (viết thành 匕) 
Cảm tử = không sợ chết. Tử nạn = bị nạn mà chết. Tử vong = chết. 

一 nhất = một

生 sinh = ra đời, nảy nở, sống. Hình cây cỏ mới mọc.
Sát sinh = giết một mạng sống. Sinh tồn = sống còn. Sinh bệnh = phát bệnh. Sinh sự = gây chuyện. 

thập = mười. Vẽ 1 gạch ngang chỉ số 1, một gạch đứng chỉ số 10. Để khỏi nhầm lẫn, đánh dấu một chấm nhỏ trên gạch đứng. Nét chấm đánh dấu này theo thời gian dài ra, thành nét ngang, như ta hiện thấy.

*

Chữ tử 死 qua các thời kì (hình trên mạng)



17/10/20

Ôn 1

Thành ngữ đã học 

一石二鳥 yì shí èr niǎo. Giản thể: 一石二鸟

三人為眾 sān rén wéi zhòng. Giản thể: 三人为众

唇三口四 chún sān kǒu sì

一日三秋 yī rì sān qiū

四分五裂 sì fēn wǔ liè

九牛一毛  jiǔ niú yī máo

 以一當十 yǐ yī dāng shí. Giản thể: 以一当十

朝三暮四 zhāosān-mùsì 

八兩半斤 bā liǎng bàn jīn. Giản thể: 八两半斤


Chữ Hán đã học

  1. 半 bán = một nửa. Chữ hội ý, gồm bát 八 (chia ra) ngưu 牛 bò (viết thiếu nét) = chia hai con bò, mỗi phần là một nửa.
  2. 八 bát = tám. Hình một vật bị chia hai. Nghĩa gốc là chia ra. Mượn dùng (giả tá) chỉ 8.
  3. 斤 cân = cái rìu. Hình cái rìu (búa). Cũng mượn chỉ đơn vị đo lường khối lượng, 1 cân = 16 lượng.
    Hiện hai từ cân, lượng vẫn còn dùng, nhưng với nghĩa không giống xưa. Cân, khẩu ngữ, chỉ kilogam. 1 cân = 10 lạng; 1 lạng = 100 g. Lượng (hoặc lạng) còn dùng làm đơn vị đo lường khối lượng kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim; còn được gọi là cây. 1 lượng = 37,5 g = 10 chỉ.
  4. 眾 chúng = đám đông. Giáp cốt văn vẽ hình ba người là việc dưới ánh mặt trời (xem hình). Ba người, tượng trưng (hội ý) đám đông. Về sau người ta thay hình ông mặt trời bằng hình con mắt 罒 , hẳn là của một ông chủ nào đó đang canh chừng đám nô lệ làm việc. Cũng viết: 衆. Giản thể: 众 gồm ba chữ nhân, phần dưới của dạng phồn 眾
  5. 九 cửu = chín. Vẽ (tượng hình) cái khuỷu tay, nghĩa gốc của nó cũng là cái khuỷu tay. Mượn (giả tá) chỉ số 9.
  6. 以 dĩ = lấy. Giáp cốt văn vẽ cái lưỡi cày, nghĩa gốc của nó là lưỡi cày. Nghiã mở rộng là lấy, dùng, làm ..  hoặc làm giới từ, với nghĩa vì, do, bằng, .. về sau chỉ dùng các nghĩa mở rộng, còn nghĩa "lưỡi cày" thì dùng chữ khác.
  7. 鳥 điểu  = chim. Chữ tượng hình. Ở dạng giáp cốt văn (chữ thời kì đầu) hình khá giống con chim. Các nét vẽ theo thời gian bị lược bớt, giờ nhìn không mấy giống nữa. 
  8. 當 đương. Là chữ hình thanh, gồm thượng 尚 (thích) chỉ âm + điền 田  (ruộng) chỉ ý. Nghĩa gốc là hai mảnh ruộng bằng nhau, mở rộng thành tương đương, tương xứng, như trong thành ngữ môn đương hộ đối. Để được tương xứng thì phải chăm sóc, nên đương 當 có thêm nghĩa cai quản, trông coi, như đương quyền là nắm quyền, đương vị là nắm giữ chức vị, đương gia là chăm sóc việc nhà. Lại do cai quản chăm sóc nên phải đối phó nhiều thứ vấn đề, nên nghĩa của chữ đương lại mở rộng thêm là đối mặt, đương đầu, hướng vào. .. Đây là nghĩa của chữ đương trong câu đang xét.  
  9. hòa 禾 = cây lúa. vẽ (tượng hình) cây lúa với bông lúa trên ngọn. 
  10. hỏa 火 = lửa. Vẽ hình ngọn lửa. 
  11. 口 khẩu = miệng.
  12. 列 liệt gồm bộ xương 歹 và cây dao 刂 (cách viết khác của chữ đao 刀), nghĩa gốc là chia ra (lấy dao lóc xương ra). Nghĩa rộng là bày ra, dàn hàng. Dùng làm danh từ thì có nghĩa là hàng, dãy, đoàn. Liệt trong liệt vị, liệt cường, liệt kê đều là chữ liệt 列 này. (Liệt trong liệt sĩ thì viết khác).
  13. 裂 liệt = vải vụn sau khi cắt 列 áo 衣 còn dư. Liệt 列 còn chỉ âm đọc. Mở rộng nghĩa thành cắt, rách, xé ra rồi chia tách, li tán
    列 cũng có một nghĩa là chia tách, nên có khi cũng dùng thay 裂. 
  14. 兩 lưỡng = hai, cặp. Đọc (chuyển chú) lượng (lạng) = đơn vị đo lường khối lượng cổ, bằng 1/16 cân. Cũng viết 两. Hình cái ách và hai cái yên ngựa trên cỗ xe song mã xưa.
  15. 莫 mạc. Hình mặt trời 日 đã khuất sau đám lá ( viết thành 艹 và 大) Nghĩa gốc là chiều tối, về sau bị mượn (giả tá) làm phó từ, có nghĩa là đừng, chớ. Nghĩa gốc chiều tối thì thêm chữ nhật 日 đặt chữ mới: 暮 mộ
  16. 毛 mao = lông. Vẽ hình cái lông chim
  17. 暮 mộ = chiều tối. 朝暮 triêu mộ = sáng sớm và chiều tối. Nhà văn Võ Hồng có tập truyện ngắn Tiếng chuông triêu mộ, từng có người nhầm thành Tiếng chuông chiêu mộ!
  18. 五 ngũ = năm. Dùng số gạch 一 二 三 để biểu thị 1, 2, 3 thì rất trực quan, nhưng nếu tiếp tục dùng với 5 thì sẽ rất rối mắt. Vì thế người ta dùng hai gạch chéo nhau X biểu thị 5. Theo thời gian hai gạch chéo ban đầu thành chữ 五 ngày nay. 
  19. 月 nguyệt = mặt trăng. Vẽ hình mặt trăng.
  20. 牛 ngưu = con bò, trâu. Vẽ hình đầu bò với cái sừng. 
  21. 人 nhân = người. Chữ tượng hình. Giáp cốt văn vẽ hình một người đứng. 
  22. 一 nhất = 1. Gạch một gạch chỉ số 1 (chỉ sự) 
  23. 日 nhật = mặt trời. Vẽ (tượng hình) ông mặt trời. Nghĩa mở rộng: ngày. 日日 ngày ngày. 一日 một ngày.
  24. 二 nhị = hai. Chữ chỉ sự: vẽ hai gạch, chỉ 2.
  25. 分 phân = chia. Dùng dao 刀 (hình cây dao, âm Hán Việt là đao) phân chia một khúc cây thành hai đoạn 八. 
  26. 三 tam = ba. Chữ chỉ sự: Gạch ba gạch, chỉ 3. 
  27. 石 thạch = đá. Chữ tượng hình: vẽ hình hòn đá nằm bên sườn núi. 
  28. 唇 thần = môi. Gồm chữ thần 辰 và bộ khẩu 口. Là chữ hình thanh, với 口 khẩu = miệng là phần chỉ nghĩa + 辰 thần, cũng đọc là thìn = chi thìn trong 12 chi (tí sửu dần ..) là phần chỉ âm đọc.
    唇 cũng viết 脣 gồm thần 辰 ( = thìn) + bộ nhục 月 ( = thịt).
  29. 十 thập = mười. Ban đầu để kí hiệu số mười thì vẽ một nét đứng. Sau để tránh nhầm với 1, người ta đánh một dấu ngang nhỏ ở giữa. Theo thời gian nét ngang dài ra, thành chữ thập như hiện thấy.
  30. 秋 thu = mùa lúa 禾 chín đỏ (như màu lửa 火). 秋日 ngày thu.
  31. 朝 triêu = sáng sớm. Là lúc mặt trời đã nhô lên khỏi đám lá chiếu những tia sáng đầu tiên 𠦝 nơi chân trời, nhưng mặt trăng 月 vẫn còn. Chữ này còn đọc (chuyển chú) là triều, như trong triều đình = nơi vua tôi bàn việc nước; triều đại = thời gian trị vì của một nhà: Triều Nguyễn, Triều Lê.  
  32. 四 tứ = bốn. Hình lỗ mũi với hai vệt nước. Nghĩa gốc là nước mũi, mượn (giả tá) chỉ số 4. Nghĩa (nước mũi) bị mượn, người ta sẽ đặt chữ mới (là chữ 泗 - thêm ba chấm thủy ở trước, vẫn đọc là tứ)
  33. 為 vi = làm, là. Giáp cốt văn là hình bàn tay dắt con voi đi làm việc. Cũng viết 爲. Giản thể: 为
  34. 衣 y = áo. Vẽ hình (tượng hình) cái áo.

Lục thư: 6 phép cấu tạo chữ Hán: Thượng hình, chỉ sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú và giả tá.

*

Chữ vi 爲 theo thời gian (hình trên trang http:// qiyuan.chaziwang.com/)




16/10/20

bát lạng bán cân

八兩半斤 bā liǎng bàn jīn 八两半斤
八 bát = tám, 兩 lạng = lạng, 半 bán = nửa, 斤 cân = cân.
八兩半斤 bát lượng bán cân = (bên) tám lạng (bên) nửa cân. Đơn vị đo lường xưa, một cân = 16 lạng. Nên tám lạng = nửa cân, lực lượng (tài sức, .. ) ngang nhau. 

HỌC CHỮ
bát = tám. Hình một vật bị chia hai. Nghĩa gốc là chia ra. Mượn dùng (giả tá) chỉ 8.
lưỡng = hai, cặp. Đọc (chuyển chú) lượng (lạng) = đơn vị đo lường khối lượng cổ, bằng 1/16 cân. Cũng viết 两. Hình cái ách và hai cái yên ngựa trên cỗ xe song mã xưa.
bán = một nửa. Chữ hội ý, gồm bát 八 (chia ra) ngưu 牛 bò (viết thiếu nét) = chia hai con bò, mỗi phần là một nửa.
cân = cái rìu. Hình cái rìu (búa). Cũng mượn chỉ đơn vị đo lường khối lượng, 1 cân = 16 lượng. 
Hiện hai từ cân, lượng vẫn còn dùng, nhưng với nghĩa không giống xưa. Cân khẩu ngữ, chỉ kilogam. 1 cân = 10 lạng; 1 lạng = 100 g. Lượng (hoặc lạng) còn dùng làm đơn vị đo lường khối lượng kim loại quý như vàng, bạc, bạch kim; còn được gọi là cây. 1 lượng = 37,5 g = 10 chỉ.

*
Chữ lưỡng 兩 theo dòng thời gian (hình trên mạng)



15/10/20

triêu tam mộ tứ

朝三暮四 zhāosān-mùsì 

朝 triêu = buổi sáng, 三 tam = ba, 暮 mộ = chiều tối, 四 tứ = bốn. 

朝三暮四 sáng (thì bảo) ba, chiều (lại nói) bốn. Ban đầu vốn dùng chỉ kẻ lường gạt, khi nói thế này lúc nói thế kia; về sau thường dùng chỉ người hay thay đổi ý kiến, do dự bất quyết, tính tình sáng nắng chiều mưa. (Say three in the morning but four in the evening​; to change sth that is already settled upon, indecisive, to blow hot and cold)

HỌC CHỮ:
nhật = mặt trời. Vẽ hình mặt trời.
nguyệt = mặt trăng. Vẽ hình mặt trăng
triêu = sáng sớm. Là lúc mặt trời đã nhô lên khỏi đám lá chiếu những tia sáng đầu tiên 𠦝 nơi chân trời, nhưng mặt trăng 月 vẫn còn. Chữ này còn đọc (chuyển chú) là triều, như trong triều đình = nơi vua tôi bàn việc nước; triều đại = thời gian trị vì của một nhà: Triều Nguyễn, Triều Lê,  
 tam = ba. Chữ chỉ sự: Gạch ba gạch, chỉ 3.
mạc. Hình mặt trời 日 đã khuất sau đám lá ( viết thành 艹 và 大) Nghĩa gốc là chiều tối, về sau bị mượn (giả tá) làm phó từ, có nghĩa là đừng, chớ. Nghĩa gốc chiều tối nên thêm chữ nhật 日 đặt chữ mới:
mộ = chiều tối. 朝暮 triêu mộ = sáng sớm và chiều tối. Nhà văn Võ Hồng có tập truyện ngắn Tiếng chuông triêu mộ, từng có người nhầm thành Tiếng chuông chiêu mộ!
 tứ = bốn. Hình lỗ mũi với hai vệt nước. Nghĩa gốc là nước mũi, mượn (giả tá) chỉ số 4.

*
Chữ triêu 朝 qua các thời kì

(Hình trên mạng)

14/10/20

mưa khuya

 Mình tôi thức với mưa đêm thật buồn.
Cảm ơn những trận mưa nguồn ...


Mưa khuya, nhạc Thiên Toàn phổ nhạc thơ Phạm Bá Nhơn. Bảo Yến trình bày.

Nguyên tác bài thơ của Phạm Bá Nhơn

Nửa khuya mưa trút từng cơn
Nằm nghe tiếng gió oán hờn trên cây
Nỗi buồn muôn kiếp về đây
Giữa lòng lá úa rụng đầy lối đi
Giọt mưa ướt đẫm đôi mi
Thấm tan thảm cỏ xanh rì bãi nương
Khuya mưa lạnh cả phố phường
Ngập chìm lối cũ trên đường em qua
Ta mơ thành giọt mưa sa
Hôn lên mái tóc, thơm tà áo bay
Mưa đang rớt xuống nơi này
Chảy tràn vạt đất tôi cày năm xưa
Thấm lòng giọt nước say sưa
Vỡ tan bong bóng lưa thưa bên thềm
Tôi nghe giữa trái tim mềm
Mình tôi thức với mưa đêm thật buồn
Cảm ơn những trận mưa nguồn
Để cho nỗi nhớ chảy tuôn vào hồn.





dĩ nhất đương thập

 以一當十 yǐ yī dāng shí. Giản thể: 以一当十

以 dĩ = lấy, 一 nhất = một, 當 đương = chống lại, 十  thập = mười.
以一當十 Dĩ nhất đương thập = Lấy một chống mười, lấy ít chống nhiều; ý là rất tài giỏi lợi hại. Coi phim cao bồi, phim /truyện võ hiệp, truyện con nít .. ta thường gặp cảnh nhân vật chính một mình đánh nhau với cả một đám côn đồ, và dĩ nhiên là đánh thắng, cứu được công chúa v.v. Đọc sử VN bây giờ ta cũng thường gặp những nhân vật tài giỏi như thế.

HỌC CHỮ

 以 dĩ = lấy. Giáp cốt văn vẽ cái lưỡi cày, nghĩa gốc của nó là lưỡi cày. Nghiã mở rộng là lấy, dùng, làm ..  hoặc làm giới từ, với nghĩa vì, do, bằng, .. về sau chỉ dùng các nghĩa mở rộng, còn nghĩa "lưỡi cày" thì dùng chữ khác.

 一 nhất = 1 

當  là chữ hình thanh, gồm thượng 尚 (thích) chỉ âm + điền 田  (ruộng) chỉ ý. Nghĩa gốc là hai mảnh ruộng bằng nhau, mở rộng thành tương đương, tương xứng, như trong thành ngữ môn đương hộ đối. Để được tương xứng thì phải chăm sóc, nên đương 當 có thêm nghĩa cai quản, trông coi, như đương quyền là nắm quyền, đương vị là nắm giữ chức vị, đương gia là chăm sóc việc nhà. Lại do cai quản chăm sóc nên phải đối phó nhiều thứ vấn đề, nên nghĩa của chữ đương lại mở rộng thêm là đối mặt, đương đầu, hướng vào. .. Đây là nghĩa của chữ đương trong câu đang xét.  

十 thập = mười. ban đầu để kí hiệu số một người ta vẽ một gạch ngang, kí hiệu số mười thì vẽ một nét đứng. Sau để tránh nhầm với 1, người ta đánh một dấu ngang nhỏ ở giữa. Theo thời gian nét ngang dài ra, thành chữ thập như hiện thấy.

*

Hình (trên mạng): Chữ dĩ 以 theo thời gian (bên phải, từ trên xuống): Giáp cốt văn, kim văn, triện thư, lệ thư, khải thư, thảo thư và hành thư




13/10/20

cửu ngưu nhất mao

 九牛一毛  jiǔ niú yī máo

 cửu = chín. Vẽ (tượng hình) cái khuỷu tay, nghĩa gốc của nó cũng là cái khuỷu tay. Mượn (giả tá) chỉ số 9.

牛 ngưu = con bò, trâu. Vẽ hình đầu bò với cái sừng. 

一 nhất = 1. gạch một gạch chỉ số 1 (chỉ sự) 

毛 mao = lông. Vẽ hình cái lông chim

九牛一毛 cửu ngưu nhất mao = chín bò một sợi lông, ý là không đáng kể, không có chút ảnh hưởng gì. Như một giọt nước trong biển cả, một hạt cát trong sa mạc. 

Tiếng Anh: a single hair out of nine ox hides, a drop in the ocean.

Chữ ngưu 牛 qua các thời kì: giáp cốt văn, triện thư, lệ thư và khải thư


(hình trên mạng)




12/10/20

mưa Huế

bổ sung và làm playlist cho một entry cũ

https://8khung.blogspot.com/2016/11/mua-hue.html



tứ phân ngũ liệt



四分五裂 sì fēn wǔ liè

四 tứ = bốn. Hình lỗ mũi với hai vệt nước. Nghĩa gốc là nước mũi, mượn (giả tá) chỉ số 4.
分 phân = chia. Dùng dao 刀 (hình cây dao, âm Hán Việt là đao) phân chia một khúc cây thành hai đoạn 八. 
五 ngũ = năm. Dùng số gạch 一 二 三 để biểu thị 1, 2, 3 thì rất dễ thấy, nhưng nếu tiếp tục dùng với 5 thì sẽ rất rối. Vì thế người ta dùng hai gạch chéo nhau X biểu thị 5. Theo th gian hai gạch chéo ban đầu thành chữ 五 ngày nay.

Trước khi học chữ tiếp theo, ta cần học hai chữ sau:
liệt gồm bộ xương 歹 và cây dao 刂 (cách viết khác của chữ đao 刀 vừa học trên), Nghĩa gốc là chia ra (lấy dao lóc xương ra). Nghĩa rộng là bày ra, dàn hàng. Dùng làm danh từ thì có nghĩa là hàng, dãy, đoàn. Liệt trong liệt vị, liệt cường, liệt kê đều là chữ liệt 列 này. (Liệt trong liệt sĩ thì viết khác)
y = áo. Vẽ hình (tượng hình) cái áo.
裂 liệt  = vải vụn sau khi cắt 列 áo 衣 còn dư. Liệt 列 còn chỉ âm đọc. Mở rộng nghĩa thành cắt, rách, xé ra rồi chia tách, li tán
列 cũng có một nghĩa là chia tách, nên có khi cũng dùng thay 裂. 

*
四分五裂 tứ phân ngũ liệt = chia bốn tách năm, hay như ta hay nói chia năm xẻ bảy. Tiếng Anh là to disintegrate; be all split up; fall apart; be at sixes and sevens. 

*
Chữ 裂 ở ba dạng: triện, lệ và khải thư. Hình trên trang http://qiyuan.chaziwang.com/ 



10/10/20

nhất nhật tam thu

 一日三秋 yī rì sān qiū

  nhất = một; 

tam = ba. 

        Nhất và tam là hai chữ chỉ sự: một gạch chỉ 1, ba gạch chỉ 3

nhật = mặt trời. Vẽ (tượng hình) ông mặt trời. Nghĩa mở rộng: ngày

        日日 ngày ngày. 一日 một ngày.

thu = mùa thu. 秋日 ngày thu. 

秋 gồm hai chữ hội ý mà thành:

  • hòa = cây lúa. vẽ (tượng hình) cây lúa với bông lúa trên ngọn
  • hỏa = lửa. Vẽ hình ngọn lửa. 
  • thu 秋 = mùa lúa 禾 chín đỏ (như màu lửa 火) 

一日三秋 một ngày (dài như) ba mùa thu. A day absent from you is like three seasons, a single day apart seems like three years.

Thành ngữ này lấy từ một câu thơ ở bài Cát đằng trong Kinh Thi, một trong ngũ kinh của Nho giáo: Nhất nhật bất kiến như tam thu hề = một ngày không gặp như ba mùa thu. Câu thơ diễn tả nỗi nhớ người yêu. Nguyễn Du đã mượn ý câu thơ này để tả nỗi nhớ Kim Trọng của Kiều: 

Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.

Khi lòng có sự trông ngóng thì thấy thời gian như dài ra. Không chỉ ngóng người yêu. Ngóng được tự do cũng vậy. Nên còn có câu: Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại = một ngày trong tù bằng ngàn năm ở ngoài. Phan Châu Trinh khi bị giam ở Côn Lôn đã lấy ý này để hài hước, rằng ông Bành Tổ được tiếng sống lâu, cũng ko so được với mình:

Dầu ai tại ngoại đù thiên thu
So lại không qua nhất nhật tù
(..)
Thong thả co tay ngồi tính thử
Thần tiên chưa dễ sánh ta đâu.

Thế nhưng khi không có gì mong ngóng, thời gian dường như trôi đi rất nhanh, mới thôi mà đã một đã một đời .. 


*
Hình chữ thu 秋 mùa thu được vẽ trên yếm rùa hoặc xương thú (giáp cốt văn) cách đây hơn ba ngàn năm:




一日三秋

(hình trên mạng)

9/10/20

thần tam khẩu tứ

唇三口四 chún sān kǒu sì
thần = môi. Gồm chữ thần 辰 và bộ khẩu 口. Là chữ hình thanh, với
  • 口 khẩu = miệng là phần hình (chỉ nghĩa)
  • 辰 thần, cũng đọc là thìn = chi thìn trong 12 chi (tí sửu dần ..) là phần chỉ âm đọc.
    唇 cũng viết 脣 gồm thần 辰 ( = thìn) + bộ nhục 月 ( = thịt).
tam = ba. Chữ chỉ sự: Gạch ba gạch, chỉ 3.
khẩu = miệng. Tượng hình cái miệng.
tứ = bốn. Tượng hình cái lỗ mũi với hai vệt mũi, nghĩa gốc là nước mũi. Sau người ta mượn để chỉ 4. Đây là loại chữ giả tá. Nghĩa (nước mũi) bị mượn, người ta sẽ đặt chữ mới (là chữ 泗 - thêm ba chấm thủy ở trước, vẫn đọc là tứ)
唇三口四 = môi ba miệng bốn. Ý nghĩa đại khái là mồm năm miệng mười, nói nhiều nhưng linh tinh lang tang, chẳng trúng vào đâu.
Giản thể: 唇三口四 



8/10/20

tam nhân vi chúng

 三人為眾 sān rén wéi zhòng

  tam = ba. gạch ba gạch, chỉ 3 (chữ chỉ sự, như nhất 一, nhị 二.)

  nhân = người. Chữ tượng hình. Giáp cốt văn (loại chữ Hán thời sơ khai) là hình người đứng. 

  vi = làm, là. Giáp cốt văn là hình bàn tay dắt con voi đi làm việc. Cũng viết 爲. Giản thể: 为

 chúng = đám đông. Giáp cốt văn vẽ hình ba người là việc dưới ánh mặt trời (xem hình). Ba người, tượng trưng (hội ý) đám đông. Về sau người ta thay hình ông mặt trời bằng hình con mắt 罒 , hẳn là của một ông chủ nào đó đang canh chừng đám nô lệ làm việc. 
Cũng viết: 衆. Giản thể: 众 gồm ba chữ nhân, phần dưới của dạng phồn 眾

三人為众 có nghĩa là ba người thì tạo nên đám đông, ba người thì không coi là số ít nữa. Ở đây còn có sự chơi chữ: bà chữ nhân 人 ghép lại thì thành chữ chúng 众 tức 眾. 

Thật ra nhiều lúc chỉ một người cũng tạo thành đám đông. Nhất là trong thời facebook này, chỉ cần một người tung ra một tin đủ hấp dẫn, lập tức tạo thành một đám đông khổng lồ.
Nhớ một chuyện kể (chẳng biết thiệt hay đùa) thời còn xếp hàng. Một anh chàng đi ngang qua cửa hàng bách hóa thì sút dây giày, bèn dừng lại cúi xuống cột. Khi anh đứng dậy thì thấy sau lưng một người đã sắp thành một hàng dài.

Giản thể: 三人为众

Dạng giáp cốt văn của chữ chúng 眾 (hình trên mạng)



6/10/20

nếu có yêu tôi

 Nếu có yêu tôi là bài hát của Trần Duy Đức phổ nhạc bài thơ của Ngô Tịnh Yên, từng được giới thiệu trên blog này, ở đây, với tiếng hát Khánh hà trên sân khấu Paris By Night. 

Hôm nay mời nghe lại bài hát với Nam Khánh, trong chương trình Âm nhạc Việt Nam  Những chặng đường của VTV3. Clip cũng có phần phỏng vấn Trần Duy Đức, nhà thơ Ngô Tịnh Yên. 



2/10/20

Tự học chữ Hán

Đây là tập sách do Lưu Khôn, vốn là giảng viên Hán văn Đại học Văn Khoa Sài gòn trước 1975 biên soạn. 
Sách gồm 54 bài học, trừ hai bài đầu, mỗi bài có bố cục như sau:
- bài khóa
- học tiếng
- ghép chữ làm câu
- một số ghi chú về văn phạm.
Các bài khóa phần lớn được trích ra từ bộ Tân Quốc văn giáo khoa thư của người Tàu biên soạn làm sách giáo khoa cho hs tiểu học của họ (thời Dân quốc). Thỉnh thoảng tác giả xen vào một số bài thơ nổi tiếng nhưng dễ đọc của các nhà thơ Tàu xưa. 

Riêng hai bài đầu, một bài giới thiệu nguồn gốc, cách cấu tạo chữ Hán (Lục thư), một bài hướng dẫn cách học. Cuối sách có bảng kê các chữ đã học theo âm Hán Việt và theo bộ thủ. 
Sách có một bản mục lục đặt cuối sách, nhưng khá tệ: Quá sơ lược, nên muốn tìm một bài nào đó, chỉ có cách lật tìm từng trang!

Tập sách này hiện được nhiều nơi in lại, có thể tìm mua ở các nhà sách, kể cả online.



1/10/20

Tiếng Việt: Hiện tượng biến âm

 Qua trường hợp biến đổi từ “bợ chồng” thành “vợ chồng”, chúng ta tiếp cận được một hiện tượng rất phổ biến trong tiếng Việt: hiện tượng biến âm.

Biến âm không phải chỉ vì nói ngọng, kiểu “long lanh” thành “nong nanh” hay “nôn nao” thành “lôn lao” như một số người ở một số địa phương nào đó. Biến âm cũng không phải chỉ vì phương ngữ, kiểu “về” thành “dề” như ở miền Nam, hay “nhà” thành “dà” như ở một số làng huyện ở miền Trung, “trung trinh” thành “chung chinh” như ở miền Bắc.

Ðiều đáng nói hơn là những hiện tượng biến âm xuất phát từ những quy luật nội tại của ngôn ngữ, những sự biến âm có mặt ở mọi vùng đất nước và nếu không tự giác và tốn công truy lục, chúng ta sẽ không thể nào tái hiện được nguyên dạng của nó. Chúng ta dễ ngỡ biến âm là chính âm. Dễ ngỡ nó tự nhiên là thế.

Ví dụ, để diễn tả tâm sự buồn nào đó dần dần giảm nhẹ đi, chúng ta hay dùng chữ “nguôi ngoai”. Ðúng ra là “nguôi hoai”. Trong các từ điển cổ, “hoai” có nghĩa là phai nhạt. Nghĩa ấy, cho đến bây giờ chúng ta vẫn dùng trong chữ “phân đã hoai”. “Nguôi hoai” là từ ghép chỉ sự phai dần của một nỗi buồn, một niềm đau.

Tương tự như vậy, chữ “yếu ớt” chúng ta hay dùng ngày nay là do chữ “yếu nớt”. “Ớt” thì không có nghĩa gì cả. Trong khi “nớt” có nghĩa là sinh thiếu tháng, vẫn còn dùng trong từ “non nớt”. “Yếu nớt”, do đó, có nghĩa là yếu đuối, là non nớt.

Chữ “nói mớ” thật ra là biến âm của chữ “nói mơ”, nói trong giấc mơ. “Nước miếng” thật ra là biến âm của “nước miệng”, nước chảy ra từ miệng, cùng cách kết cấu với các chữ nước mắt hay nước mũi.

Chữ “to tát” hiện nay tất cả các từ điển đều viết với chữ T ở cuối, TÁT; nhưng trong Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của thì lại viết chữ TÁC kết thúc bằng C: “to tác”, kèm theo lời định nghĩa là: thô kệch, lớn tác. Mà chúng ta đều biết chữ TÁC có nghĩa là tuổi hay vóc dáng, như trong các từ tuổi tác, tuổi cao tác lớn, hay ngày xưa người ta nói bạn tác, tức bạn hữu; trang tác, tức cùng lứa, cùng tuổi với nhau.

Các con số đếm, nơi rất cần sự chính xác, cũng không thoát khỏi luật biến âm.

Như số 1, chẳng hạn. Ðứng một mình là một. Ðứng trước các con số khác cũng là một. Nhưng khi đứng sau các con số khác, trừ số 10, nó lại biến thành “mốt”: hai mươi mốt; ba mươi mốt, bốn mươi mốt. Những chữ “mốt” ấy chính là biến âm của “một”. Nhưng không phải lúc nào “mốt” cũng có nghĩa là một: “Mốt” trong một trăm mốt hay trong một ngàn mốt, một triệu mốt... không phải là một.

Con số 5 cũng vậy. Ðứng một mình là năm. Ðứng trước các số khác cũng là năm. Nhưng khi đứng sau các số, từ 1 đến 9, nó lại biến thành “lăm”: mười lăm, hai mươi lăm... Con số hai mươi lăm ấy lại được biến âm thêm một lần nữa, thành “hăm nhăm”.

Số ba mươi lăm cũng thường được biến âm thành “băm nhăm”. Từ số bốn mươi lăm trở lên thì chỉ có một cách rút gọn là bốn lăm; năm lăm, sáu lăm, bảy lăm, tám lăm, và chín lăm chứ không có kiểu biến âm như “hăm nhăm” và “băm nhăm”.

Con số 10, cũng vậy. 10 là mười. Nhưng từ 20 trở lên thì “mười” biến thành “mươi”: hai mươi, ba mươi, bốn mươi... Dấu huyền bị biến mất. Có điều, “mươi” không phải lúc nào cũng có nghĩa là mười. Trong nhóm từ “mươi cái áo”, chẳng hạn, “mươi” lớn hơn hoặc nhỏ hơn mười: một con số phỏng định, ước chừng, bâng quơ.

Con số còn thay đổi được, huống gì những từ khác.

Như từ “không”, chẳng hạn. Phủ định điều gì, người ta có thể nói “không”, mà cũng có thể nói “hông”, nói “khổng”, nói “hổng”. Xuất hiện trong câu nghi vấn, chữ “không” ấy có thể có thêm một biến âm khác là “hôn”: “nghe hôn?” Chưa hết. Một số âm vị trong cụm “nghe hôn” ấy bị nuốt đi; “nghe hôn” biến thành “nghen”, rồi đến lượt nó, “nghen” lại biến thành “nghén” hay bị rút gọn lần nữa, thành “nhen”, rồi “hen”, rồi “hén”, rồi “nhe”, v.v...

Như vậy, biện pháp biến âm trở thành một biện pháp tạo từ. Ðã có từ “vậy”, chỉ cần thay dấu nặng bằng dấu huyền, chúng ta có từ mới: “vầy” (như vầy nè!). Ðã có từ “lui hui”, người ta tạo thêm các chữ “lúi húi” rồi “lụi hụi”. Ðã có từ “chừ bự”, người ta tạo thêm các từ mới: chư bư, chừ bư, chừ bử, chử bử, chứ bứ, chự bự. Ðã có “trật lất”, người ta tạo thêm: trết lết, trét lét, trớt lớt, trớt huớt...Ðã có từ “ngoại” vay mượn từ chữ Hán, chúng ta tạo thêm hay từ khác: “ngoài” để các quan hệ không gian cũng như thời gian và “ngoái” để chỉ quan hệ về thời gian: “năm ngoái”.

Biện pháp biến âm như vậy đã dẫn đến một hiện tượng khá thú vị trong tiếng Việt: hiện tượng từ tương tự, tức những từ hao hao gần nhau về cả ngữ âm lẫn ngữ nghĩa, chẳng hạn: các chữ bớtngớt; đớp, tợp, hớpđợp; bẹp, xẹp, lép, khép, népnẹp; khan, khànkhản; xẻ, chẻ, bẻxé; xoăn, xoắn, quăn quắn; tụt, rụt thụt; véo, nhéo, và béo; v.v...


Nhưng hiện tượng từ tương tự trong tiếng Việt thì dài lắm. Sẽ bàn sau, khi thấy…ngứa.

nguồn: VOA https://www.voatiengviet.com/a/a-19-2009-11-30-voa31-81513787/486857.html?