30/12/23

Khất thực

 

乞食 
嶒崚長劍倚青天,輾轉泥塗三十年。

文字何曾為我用,饑寒不覺受人憐。阮攸

Âm

Tằng lăng trường kiếm ỷ thanh thiên, Triển chuyển nê đồ tam thập niên.
Văn tự hà tằng vi ngã dụng? Cơ hàn bất giác thụ nhân liên!
Nguyễn Du

Nghĩa

Thanh kiếm dài ngang tàng hướng lên trời xanh, Lăn lộn bùn dất ba mươi năm nay.
Chữ nghĩa nào đã dùng được việc gì cho ta?
Đói rét không ngờ phải nhận lòng thương hại của người khác.

Tạm dịch.

Bên trời ngang dọc một thanh gươm,
Ba chục năm qua lấm bụi đường.
Chữ nghĩa giúp gì cho cuộc sống,
Đói no còn phải cậy người thương.

Giản thể

嶒崚长剑倚青天,辗转泥涂三十年。文字何曾为我用,饑寒不觉受人怜。

Chú

-          乞食 khất thực: xin ăn.

-          嶒崚 高而险峻貌;不平貌。Tằng lăng: cao lớn hiểm trở; tỉ dụ không tầm thường, cứng cỏi, ngang tàng bất khuất

-          輾轉 triển chuyển: lăn lóc, trăn trở.

-          泥塗 nê đồ: bùn đất

-          何曾: 反问表示未曾. Hà tằng: chưa từng.

-          饑寒 cơ hàn: đói rét.

-          不覺 bất giác: không ngăn được, không ngờ đến.

-          受人憐 thụ nhân liên: nhận sự thương hại của người khác.

 



28/12/23

Phép Đối Trong Thơ Đường Luật

 

Nếu so sánh với các thể thơ khác, thơ Đường Luật có điểm đặc sắc nhất, độc đáo nhất chính là phép Đối ở hai câu 3-4 (Thực) và 5-6 (Luận).
Một bài thơ Đường Luật mà không có đối thì không còn là thơ Đường Luật.
Chính phép đối này đã từng khiến tôi rất khó khăn khi học và làm thơ Đường Luật.
Thế nào mới gọi là đối, đối thế nào cho đúng trong thơ Đường Luật?
Câu hỏi ấy luôn theo tôi trong thời gian trước.  Xin được nêu ra đây với mục đích trao đổi, học hỏi với Quý Cô Bác Anh Chị và những ai yêu thích thơ Đường Luật.



***
"Thi luật xuất phát từ đời nhà Ðường bên Tàu cho nên gọi là Đường Luật Thi.
Tiền Mộc Yêm, tác giả sách Ðường âm thẩm thể nói rằng: "Luật đây là sáu luật, là luật hoà hợp âm thanh. Luật thơ cũng giống như kỷ luật dụng binh, pháp luật hình án, nghiêm ngặt chặt chẽ, không được vi phạm". Có thể giải thích thêm về thể cách của thi như sau:
a) Trong một câu, bằng trắc cần phải điều tiết;
 b) Trong khoảng hai câu liền nhau, sự đối ngẫu cần phải khéo;
 c) Trong một bài, âm thanh cần phải chọn sao cho có sự cao thấp, bổng trầm.
Tóm lại, ba điều kiện cần thiết của luật thi là Niêm, Luật và Đối.

Ðường Luật không phải do một cá nhân hay một nhóm thi nhân cao hứng đặt ra theo sở kiến, sở thích của mình, mà chính là sự đúc kết những kinh nghiệm kỹ thuật lâu đời đã thành công, và điển chế những thành công ấy làm khuôn phép chung cho làng thơ . ...

Thật như vậy: từ đời Xuân Thu đến đời nhà Ðường, trên 1.000 năm, thơ Trung Quốc lần lần biến chuyển từ giản dị đến phức tạp, từ tự do đến câu thúc. Thơ trong bộ Kinh Thi do Khổng Phu Tử san định thời Xuân Thu (722- 479) trước Kỷ nguyên Thiên Chúa, số câu trong mỗi thiên, số chữ trong mỗi câu, đều không nhất định, cách hạ vần cũng tùy nghi. Ðến đời Tấn (265-420), thơ mới bắt đầu khép vào khuôn là mỗi câu 5 chữ, nhưng số câu thì dài ngắn tùy hứng tùy thích của thi nhân. Sang đời Lục Triều (420- 621), thi nhân lại tìm thêm một khuôn nữa là mỗi câu 7 chữ. Thời ấy văn học lại xu hướng thể biền ngẫu . Thẩm Ước lại xướng thuyết tứ thanh, bát thể (bát bệnh) đem áp dụng vào thơ ngũ ngôn. Từ ấy, thi nhân phải theo những quy tắc về âm thanh về đối ngẫu; nhưng quy tắc không mấy chặt chẽ, ngòi bút vẫn tung hoành được tự do. Thi sĩ đời Ðường (618-907) phát huy phép đối ngẫu và thuyết thanh bệnh của Thẩm Ước. Âm vận và cách luật được giảng cầu tinh tường : Thi Luật được sáng chế và được phần đông thi nhân hoan nghênh. Người có công lớn trong việc chỉnh đốn Thi Luật là Tống Chi vấn và Thẩm Thuyên Kỳ thời Sơ Ðường . Rồi từ đời Ðường đến đời Thanh (1616- 1911), trên 1.000 năm, thể thơ Ðường luật rất được phần đông thi nhân ưa chuộng".


"Thơ Nôm Ta làm theo phép tắc thơ Tàu, mà âm thanh tiếng Ta cũng tương tự tiếng Tàu (cũng là thứ tiếng đơn âm và cũng chia làm tiếng Bằng tiếng Trắc). Nên Thi pháp của Ta là thi pháp của Tàu, và Niêm luật thơ Ta cũng phỏng theo thơ Tàu cả..."

Thanh, Vận, Đối ngẫu, Niêm, Bố Cục. Đó là 5 qui tắc bắt buộc người làm thơ Đường Luật phải giữ. Mỗi qui tắc có những qui định riêng.

1/ Thanh: có thanh Bằng thanh Trắc. Trong một câu, cần phải biết điều tiết Bằng Trắc, sao cho câu thơ có sự trầm bổng. Bằng Trắc cũng có nhiều Bằng Trắc.
 Theo Dương Quảng Hàm:
- Bằng có Trầm Bình Thanh (chữ có dấu huyền)và Phù Bình Thanh (Chữ không có dấu).
- Trắc Phù thượng dấu Ngã. Trầm thượng dấu Hỏi. Phù khứ dấu Nặng. Phù nhập dấu Sắc. Trầm nhập dấu Nặng.

2/ Vận: gọi nôm là vần. Rất quan trọng trong các thể loại thơ. Vần là những chữ khi đọc lên có âm giống nhau. Tuỳ theo thể loại thơ Vần có thể Bằng hoặc Trắc. Nhằm mục đích kết nối các câu lại và tạo âm điệu trong bài thơ. Trong thơ Đường Luật chỉ có gieo vần ở cuối câu gọi là Cước Vận.
Vận là gì? Theo quyển Bội Văn Vận Phủ thi vận xếp theo ngũ thanh (thượng bình, hạ bình, thượng trắc, khứ trắc, nhập trắc) và có tất cả 106 vận. Thượng bình có 15 vận là Ðông (phương Ðông). Đông (mùa Ðông), giang, chi, vi, ngư, ngu , tề, giai, khôi, chân, văn, nguyên, hàn, san. Hạ bình có 15 vận là tiên, tiêu, hào (hỗn hào), hào (hào kiệt), ca, ma, dương, canh, thanh, chưng, vưu, xâm, đàm, điêm, hàm. Hai thanh Bình hợp lại gọi là Bằng, vần Bằng. Còn vần Trắc thì gồm tất cả các vận trong các thanh Thượng, Khứ, Nhập, tất cả có 76 vận. Ðể khỏi bị lạc vận, cổ nhân thường học thuộc lòng những chữ xếp vào bình thanh và khi cần, mở sách ra tra cứu.

Đúng là lạc vào mê hồn trận. Để đơn giản hoá, chúng ta chỉ tìm hiểu Vận qua cách gieo vần mà thôi. Vần có Chính Vận (vần chính) là những chữ có cùng một âm : anh - thanh, minh - tình, thi - gì...
Thông Vận (vần thông) là những chữ có âm đọc giống hoặc hơi giống, nhưng viết khác nhau: ăn - trăng, mong - ông, tăm - thầm, bên - triền...

Vận theo nghĩa Việt gồm 2 nghĩa:
- Có nghĩa như trên.
- Ghép các nguyên âm, phụ âm của mẫu tự gọi là Vần. Thí dụ như: au, oi, eo ương, en, it, anh...Chúng ta gọi là ráp vần.

3/ Đối Ngẫu: thường nói cho gọn là Đối. Đối Ngẫu là đối nhau từng cặp một. Trong Đối ngẫu, có nhiều cách đối. Cũng như Thanh và Vận, Đối cũng có năm bảy cách đối (không phải chỉ có một cách Đối Tự Loại như nhiều người thường nghĩ).

Lưu Hiệp đời Lục Triều, tác giả sách Văn tâm điêu long, đã phân biệt bốn cách là: Ngôn đối, Sự đối, Chính đối và Phản đối.Ngôn đối là đối bằng lời suông. Sự đối là đối bằng điển cố. Hai câu mỗi câu trình bày một sự việc nhưng nói lên cùng một ý, là chính đối. Nếu hai sự việc đó trái ngược nhau, thì gọi là phản đối. Sự đối và phản đối khó làm hơn và có giá trị hơn là ngôn đối và chính đối.

Ðến thời Sơ Ðường, Thượng Quan Nghi phân biệt sáu cách đối là:
1) Chính danh đối, như thiên địa đối với nhật nguyệt
2) Ðồng loại đối, như hoa diệp đối với thảo mao
3) Liên châu đối, như tiêu tiêu đối với hách hách
4) Song thanh đối, như hoàng hoè đối với lục liễu
5) Ðiệp vận đối, như bàng hoàng đối với phóng khoáng
6) Song nghĩ đối, như xuân thụ đối với thu trì (Theo sách Thi uyển loại cách).

Về sau  các học giả Trung Hoa đã soạn nhiều bộ Thi Vận Tập Thành, thường gọi là sách Quan vận, là Vận thư. Ðời Tùy có sách Thiết Vận; đời Ðường có sách Ðường vận, Quảng Vận; đời Tống theo những bộ sách đời trước, soạn ra bộ Lễ Bộ Vận Lược, được triều đình dùng làm chữ an tắc cho thi vận trong việc khảo thí. Các đời sau cũng theo gương đời Tống, soạn ra những sách Quan vận mới. Nhà Nguyên có sách Trung Nguyên Âm Vận; nhà Thanh có sách Bội Văn Vận Phủ; Trung Hoa dân quốc có Trung Hoa Tân Vận ...Sách Trung Hoa Tân Vận chưa được đem ra áp dụng . Ðược thông dụng nhất là Bội Văn Vận Phủ. Nước Việt Nam chưa có sách Quan vận. Các cụ ngày xưa đều dùng sách Tàu khi làm thơ chữ Nôm cũng như khi làm thơ chữ Hán.
Qua các sách Quan Vận của Tàu, vào thế kỷ 20, các Học giả Việt Nam đã đúc kết về Đối như sau:

- GS Dương Quảng Hàm: Đối gồm có Đối ý (Khoan Đối)và Đối Từ (Chỉnh Đối). Nhưng Ông không phân tích rõ ràng.
Như Đối Từ, Ông chỉ nói khái quát về Đối Từ và Đối Thanh. Từ loại nào đối theo loại đó Danh từ đối Danh từ, Động từ đối Động từ...được gọi là Đối Tự Loại. Đối Thanh là đối Bằng Trắc.
Còn về Đối ý, Ông chỉ vắn tắc "đối ý là tìm hai ý tưởng cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau".

-  Nhà Thơ Nhà Giáo Quách Tấn: Ông đã liệt kê và phân tích hàng loạt các phép đối, trong sáu, tám nội dung đối. Sáu, tám hình thức đối... Nhưng cuối cùng, Quách Tấn quy tụ lại năm phép đối cơ bản gồm: Chỉnh đối, Tá Tự đối, Cú Trung đối, Bất Đối Chi Đối, và Lưu Thủy đối.. 

Nhưng Quách Tấn cũng nhắc nhở chúng ta, nếu chưa nắm vững về các phép Đối trong Đường Luật Thi, chỉ nên dùng 3 phép đối : Chỉnh Đối, Cú Trung Đối và Lưu Thuỷ Đối.

Các Phép Trong Thơ Đường Luật
 
1 - Phép Chỉnh Đối : Đây là phép đối thông dụng nhất, các chữ của câu trên và câu dưới theo thứ tự đối nhau từng chữ một hay từng cặp chữ kép một.

 

  Lom khom dưới núi tiều vài chú   
Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
              (Bà Huyện Thanh Quan)
 
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh

                          (Hồ Xuân Hương)

 

2 - Phép Tá Tự Đối : Đây là phép đối tiếng đối bóng

 Hai mái trống tung đành chịu dột
Tám giờ chuông điểm phải nằm co
                            (Trần Tế Xương)
Chúng ta thấy ý của từ Trống và Chuông trong câu không hề đối nhau. Nhưng nếu tách ra xét về tự (chữ) lại đối. 

Chẳng long lay đến lòng son sắt
Há hổ ngươi vì miếng bạc đen
                    Phan Sào Nam
Khéo làm sao khi ông mượn chữ long đối với hổ.

3 - Bất Đối chi Đối: Không đối tự loại mà đối ý. Cách đối này, Tiền Nhân rất thích dùng theo quan điểm Ý trọng hơn Từ.
 
Ba Vì tây lĩnh nom thêm trẻ
Một dải thu giang nước vẫn đầy
                                   Tản Đà

Vàng tung cánh hạc bay bay mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời

                       (Vũ Hoàng Chương)
 
Bóng chiều đã ngả đâu quê cũ.
Xưa nay chinh chiến mấy ai về
            (Tổng trấn Nguyễn Văn Thành)

U uất nơi lòng mòn mỏi đợi
Xuống lên con nước cứ vơi đầy
                            (Quên Đi)
- Các cặp câu này nếu so tự loại, chúng ta thấy chẳng hề đối theo phép Chỉnh Đối. Nhưng ý lại đối rất chặt chẽ. Riêng ở hai câu thơ trích từ "Về Quê Nhà Cảm Tác " của Tản Đà, ta thấy còn dụng cách Tá Tự Đối :Đó là "Ba Vì" và "Một dải". Ba Vì là tên ngọn núi ở Hà Tây.

  4- Phép Đối Lưu Thuỷ : ý câu dưới tiếp ý câu trên

Thôi về bãi biển cho êm ái
Để mặc bên sông nó gật gù
              Nguyễn Khuyến

Bước chân mong ngóng vòng tay mở
Dạo ấy người ơi xa lắm đâu
                       Vũ Hoàng Chương

Tiệc tùng chủ yếu cầu vui khoẻ
Nào phải kinh doanh để nhận quà
                            Quên Đi

- Chúng ta thấy hai câu này xét tự loại không thể đối nhau. Nhưng  ý được nối tiếp với nhau như dòng nước chảy liên tục.

5 - Cú Trung Đối: Còn gọi là Tiểu Đối. Tự đối nhau trong từng câuCâu trên tự đối, câu dưới cũng tự đối.  Hai câu đều tự đối. Tự Đối dùng để đối với Tự Đối.
 

 Lấy của đánh người quân tệ nhỉ
Xương gà da cóc có đau không

                   
 (Nguyễn Khuyến)
- Lấy của đối với đánh người. Xương gà đối với da cóc.

 Chim trời cá nước duyên ai đó 
Vía dại hồn khôn chết dễ chơi 
                                           (Tản Đà)                 
 - Chim trời đối với cá nước. Vía dại đối với hồn khôn.

Nếu quả trời xanh ghen má phấn
Đừng mong cưới vợ để sinh con

                           (không biết Tác Giả)
- Trời xanh đối với Má phấnCưới vợ đối với Sinh con.
- Trong câu này có thêm phép Đối Lưu Thuỷ.

 

Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
Yêu đêm chưa phỉ lại yêu ngày
                        (Hồ Xuân Hương)Càng nóng đối với càng mát. Yêu đêm đối với yêu ngày.
 

  6- Giao Cổ Đối: Từng nhóm hay từng chữ của câu trên đối chéo với  từng nhóm hay từng chữ của câu dưới

Chân bước vững đường chiều khấp khểnh
Rừng cây rậm rạp trúc vươn cao.
 
                       (Trần Tuấn Ngọc)  


Chân bước vững của câu trên đối chéo với trúc vươn cao của câu dưới
đường chiều khấp khểnh của câu trên đối chéo với Rừng cây rậm rạp của câu dưới.

 

  Bèo mây xuôi ngược nhiều sương nắng
Thương nhớ ngày đêm lẫn tủi hờn
 

 
Bèo mây của câu trên đối chéo với Ngày đêm của câu dưới
Xuôi ngược của câu trên đối chéo với Thương nhớ của câu dưới
Trong 2 câu này còn có Tiểu Đối:
Bèo mây đối với Sương nắng.

Thương nhớ đối với Tủi hờn

Kết Luận
Do ngày nay, những người làm thơ Đường Luật hầu hết đều làm thơ theo phép Chỉnh Đối, dần dà quên đi các phép đối khác. Từ nguyên nhân này, một số người đã ngộ nhận trong Thơ Đường Luật chỉ có một phép đối duy nhất. Vì thế, khi gặp một bài thơ áp dụng những phép đối khác, đã vội cho rằng sai luật đối, hoặc giả cho rằng Phá Cách, kể cả thơ của Tiền Nhân.
Huỳnh Hữu Đức  

Theo :
- "Việt Nam Văn Học Sử Yếu" Dương Quảng Hàm
- "Thi Luật Trong Thi Pháp Thơ Đường" Quách Tấn
- "Những Vấn Đề Ngữ Văn" Trần Trọng San
- "thoduongdatviet.com"
- "tho.com.vn"

23/12/23

Ngẫu thành

 

偶成 
世上黃粱一夢餘,
覺來萬事總成虛。

如今只愛山中住,
結屋花邊讀舊書。

阮廌

Chú

黃粱 Hoàng lương: Kê vàng. Xưa có anh chàng hỏng thi, ghé vào quán ăn bữa trưa. Trong lúc chờ ăn, anh chàng thiếp đi. Trong mơ thấy mình thi đỗ làm quan, sự nghiệp hiển hách vợ đẹp con ngoan. Sau vì dâng sớ đàn hặc nịnh quan nên bị tù tội đói khát. Anh chàng tỉnh giấc, thấy nồi cháo kê còn chưa chín.

Âm

Thế thượng hoàng lương nhất mộng dư,
Giác lai vạn sự tổng thành hư.
Như kim chỉ ái sơn trung trú,
Kết ốc hoa biên độc cựu thư.
Nguyễn Trãi

Nghĩa

Cuộc đời chỉ là dư âm của một giấc hoàng lương, Tỉnh ra thấy vạn sự đều hư huyễn.
Như nay chỉ thích ở trong núi, Làm nhà bên luống hoa mà đọc sách xưa.

Tạm dịch

Cuộc đời như một giấc mơ trưa,
Tỉnh dậy mọi điều thật huyễn hư.
Nay chỉ thích vào trong núi ở,
Cất lều bên suối đọc thơ xưa.

tranh Đặng Can


21/12/23

HÁN-VIỆT KỲ ĐÀM



1
Vụ "cưỡng hôn" trong thang máy: Dùng từ đúng hay sai?
Hán-Việt thông dụng cho rằng cách dùng từ "cưỡng hôn" trong trường hợp này là KHÔNG SAI.
Trước hết, phải thừa nhận chúng ta đều nhất trí với nhau rằng thực tế có tồn tại một từ "cưỡng hôn" gốc Hán mang ý nghĩa là "ép cưới". Tuy nhiên, điều này không tương đương với việc nhất quyết không thể tồn tại một từ "cưỡng hôn" trong tiếng Việt mang một ý nghĩa khác là... ép người khác phải hôn mình, miễn là khi này ta xác định từ ấy không là một từ gốc Hán thuần tuý.
Ủa vậy cũng được hả ta? HVTD xin trả lời rằng: Tại sao không!
Theo tiến trình thời gian, mọi ngôn ngữ, không kể riêng tiếng Việt, đều cần thiết tạo ra những từ vựng mới để có thể gọi tên những khái niệm mới mẻ, bằng cách này hay cách khác. Như những bài viết trước, HVTD đã giới thiệu một số từ tiếng Việt cấu tạo bằng cách kết hợp cả yếu tố Hán-Việt lẫn yếu tố thuần Việt. Việc kết hợp yếu tố Hán-Việt và phi Hán-Việt (bao gồm từ thuần Việt và từ mượn ngôn ngữ khác tiếng Hán) cũng là một trong những cách để tiếng Việt tăng thêm từ vựng và có thể gọi tên những khái niệm mới, một ví dụ:
"Hoá" (化) là từ gốc Hán chỉ sự biến đổi thành một cái gì đó. Có một cấu trúc "+ hoá" thông dụng trong tiếng Hán, như lão hoá, nhân hoá,... Cấu trúc này được tiếng Việt vay mượn và có thể sử dụng theo cách riêng là ghép với một gốc phi Hán-Việt, như ô-xi hoá, trẻ hoá, thay vì dùng từ gốc Hán thuần tuý. Tương tự với cấu trúc "+ tặc", "+ kế",... Vì thế, cấu trúc "cưỡng +" không là ngoại lệ.
Bằng cách này, tiếng Việt có thể linh hoạt lựa chọn từ ngữ gần gũi với cộng đồng để ghép với yếu tố Hán-Việt còn lại, ví như dùng chữ "ô-xi" sẽ gần gũi hơn là "dưỡng khí" ("ô-xi hoá" thay vì "dưỡng hoá"). Vì vậy trong trường hợp từ "cưỡng hôn", chữ "hôn" thuần Việt đã được chọn vì người Việt không phải ai cũng hiểu chữ Hán "vẫn" có nghĩa là hôn để có thể sử dụng từ "cưỡng vẫn" như Trung Hoa.
Nhưng không may, từ "cưỡng hôn" lại đồng âm với từ Hán-Việt mang ý nghĩa khác, và dấy lên một cuộc tranh luận đúng sai và phê bình cách dùng từ "cưỡng hôn" trên các trang báo. Giờ đây, nhiều người cẩn trọng viết trong ngoặc kép cho chắc ăn hoặc thay hẳn thành cụm từ khác như "hành vi sàm sỡ" để tránh... vạ lây. Chúng ta bắt đầu dè dặt về hiện tượng đồng âm dị nghĩa hơn bao giờ hết, vì sợ mắc một lỗi-sai-nhưng-không-sai.
Tuy vay mượn nhiều từ mang gốc Hán, nhưng tiếng Việt vẫn luôn là một ngôn ngữ tự chủ từ trước đến nay, người Việt tự do tạo ra những bản sắc riêng cho tiếng nước mình. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không thể khư khư dùng tiếng Hán để làm thước đo chuẩn mực, ví như chúng ta không thể nói chữ "cù lao" phải mang ý nghĩa "công lao cha mẹ" theo Hán-Việt chứ không được mang ý nghĩa "hòn đảo nhỏ" theo thuần Việt, hay ta không thể bắt buộc người Việt phải gọi đúng tên toà nhà có nhiều người chung sống cùng nhau là "chúng cư" theo Hán tự thay vì "chung cư". Người Việt không nhất thiết phải hiểu thêm ý nghĩa rằng "kinh tế" vốn dĩ là "kinh bang tế thế" mà ra, hay ta không phải viết đúng thứ tự các từ "nhiệt náo", "linh lung", "chế tiết" như nguyên bản chữ Hán của chúng,... Đó là những nét đặc sắc của tiếng Việt: học hỏi và cải biến có chừng mực, tự do và linh hoạt trong khuôn khổ cho phép.
Vậy, sẽ thật bất công khi từ "cưỡng ôm" vẫn có thể tiếp tục được sử dụng một cách tự do tự tại vì không có từ gốc Hán đồng âm nào với nó cả, bạn nhỉ?

2
Từ Hán-Việt gốc... Nhật Bản!
Chúng ta đều biết số lượng từ Hán-Việt trong tiếng Việt hiện đại chiếm một khối lượng lớn, được du nhập vào tiếng Việt thông qua nhiều thời điểm và nhiều con đường khác nhau. Trong đó, có một lớp từ Hán-Việt được người Việt tiếp thu chủ yếu qua con đường sách báo của người Trung Hoa, nhưng hoá ra lại có... gốc Nhật.
Chữ Hán được du nhập và sử dụng trong tiếng Nhật cùng với các ngôn ngữ khác trong khối đồng văn (Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc), là một nguồn từ vựng bổ sung để các ngôn ngữ này có thể gọi tên và diễn tả đầy đủ các khái niệm trong cuộc sống hơn. Theo thời gian, vào thời kì cận đại, nhu cầu tiếp nhận những kiến thức mới từ văn minh phương Tây đòi hỏi việc dịch thuật phải càng được đẩy mạnh. Các từ vựng sẵn có của tiếng Hán chưa có những khái niệm tương ứng với những thuật ngữ mới, vì vậy việc tạo ra các từ vựng mới là điều cần thiết bấy giờ. Và Nhật Bản chính là một bậc tiên phong trong việc này.
Trong bài viết “Từ Hán Việt gốc Nhật trong tiếng Việt” của GS-TS Trần Đình Sử, GS đã nhắc đến như sau: “Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết, các từ ngữ, thuật ngữ khoa học xã hội và nhân văn Trung Quốc hiện đại có tới 70% nhập từ tiếng Nhật (Xem Vương Bân Bân: Mối quan hệ giữa từ vựng Trung Quốc cận đại với Nhật Bản). Tác giả Vương Bân Bân nói: ‘Ngày nay hàng loạt khái niệm mà người Trung Quốc dùng để cao đàm khoát luận, bàn đông nói tây, phần lớn là từ ngữ do người Nhật làm ra cả’”.
Vào giai đoạn này, cả Trung Hoa và Nhật Bản đều nỗ lực để dịch các khái niệm mới sang Hán tự, nhưng cách dịch của người Nhật lại hiệu quả hơn hẳn. Người Trung ban đầu thực hiện 2 cách dịch, một là dịch theo lối phiên âm, ví dụ “romantic” thì dịch là “la mạn thế khắc”, “inspiration” dịch là “yên sĩ phi lí thuần”, “telephone” dịch là “đức luật phong”, hai là dịch nghĩa, ví dụ, “individualism” dịch là “cá nhân độc nhất giả”, “sosiologie” dịch là “quần học”, economie dịch là “lí tài”, “philosophie” dịch là “học lí”. Vương Bân Bân nhận xét: “Cùng một từ mà người Trung Quốc dịch phần lớn đều thất bại, còn người Nhật dịch thì thành công”. Các từ do người Nhật dịch vừa ngắn gọn, vừa hàm ý. Ví dụ đơn cử, sau năm 1917 người Nhật Tá Tá Chính Nhất dịch “inspiration” là “linh cảm”, thế là người Trung Quốc dùng theo.
Các từ Hán gốc Nhật không du nhập trực tiếp vào Việt Nam mà gián tiếp thông qua con đường sách báo Trung Quốc, sau đó được người Việt phiên âm mặt chữ ra thành từ Hán-Việt. Dựa vào “Từ điển từ ngoại lai tiếng Hán” do các tác giả Lưu Chính Đàm, Cao Danh Khải, Mạch Vĩnh Càn, Sử Hữu Vi biên soạn từ năm 1958, xuất bản năm 1984 tại Nxb Từ Thư, Thượng Hải, các nhà nghiên cứu đã xác định có trên 350 từ gốc Nhật ngày nay vẫn được sử dụng trong tiếng Việt. Các từ vựng về lĩnh vực xã hội, chính trị, khoa học, triết học, giáo dục chiếm một số lượng rất lớn, đánh dấu sự trưởng thành của ý thức xã hội về các mặt ấy.
Tuy nhiên cần làm rõ, dù có rất nhiều từ Hán gốc Nhật nhưng không phải tất cả đều được du nhập vào Việt Nam. Phần do tiếng Việt đã có sẵn những từ cùng nghĩa nên không cần vay mượn thêm nữa, phần do tiếng Việt vừa tiếp thu, vừa sáng tạo ra các từ của riêng mình (như thay vì mượn cả 2 từ “bi kịch” và “hỉ kịch” của người Nhật, người Việt chỉ vay mượn “bi kịch”, còn “hỉ kịch” thì người Việt sáng tạo ra chữ “hài kịch” thay thế, vì người Việt quan niệm hài kịch không chỉ là kịch “vui” nên dùng chữ “hỉ” thì chưa hợp bằng).
Các từ Hán-Việt gốc Nhật có thể được chia thành 2 loại chủ yếu như sau:
- Dùng yếu tố Hán kết hợp lại với nhau để tạo ra các từ mới mang nét nghĩa hiện mà không gây hiểu nhầm về nghĩa: công dân, dân chủ, tuyên truyền, tế bào, chân không,...
- Vay mượn thư tịch cổ Trung Hoa rồi gán cho một ý nghĩa mới, vì vậy cần phân biệt giữa nghĩa cổ xưa và nghĩa hiện đại: văn minh, văn hoá, tinh thần, tưởng tượng, cách mạng,...
Theo GS Trần Đình Sử, “loại từ thứ hai này chỉ là một lối vay mượn từ có sẵn từ xưa để dịch nghĩa một từ mới của các nước, đó là một ước lệ, thiết nghĩ nên hiểu theo nghĩa mới đó trong dòng chảy của từ vựng”.
Có thể thấy, từ Hán-Việt gốc Nhật đánh dấu một bước phát triển mới của từ Hán Việt, tạo nên tiềm lực của đời sống tinh thần và tư duy khoa học hiện đại. Trong bối cảnh mới, song song cùng các từ Hán-Việt gốc Nhật là các từ Hán-Việt có gốc từ những từ Hán mới do người Trung Quốc tạo ra và cả do người Việt sáng tạo cho riêng mình. Nhìn xa hơn, việc xác lập các từ có nguồn gốc Nhật sẽ góp phần để xác lập các từ Hán Việt gốc Việt, do người Việt sáng tạo ra. Đó hứa hẹn sẽ là một đề tài thú vị để chúng ta cùng nhau nghiên cứu!
Tư liệu tham khảo:
Trần Đình Sử, Từ Hán Việt gốc Nhật trong tiếng Việt, 2/2013

3:
Từ ngữ “Hán-Việt Việt tạo”: Tiếp thu song hành cùng sáng tạo
Từ ngữ tiếng Hán đã được các ngôn ngữ đồng văn vay mượn như một tất yếu lịch sử-xã hội. Bên cạnh đó, hệ thống ngữ âm tiếng Hán thời Vãn Đường dưới sự chi phối của hệ thống ngữ âm tiếng Việt để trở thành cách đọc Hán-Việt chính là một ưu thế khiến cho tiếng Việt tiếp nhận số lượng từ ngữ gốc Hán lớn hơn nhiều so với các yếu tố ngoại lai khác. Nhưng quan trọng nhất, hình trạng của tiếng Việt hiện nay đã cho thấy rõ rằng quá trình giao thoa giữa tiếng Việt với tiếng Hán không đơn giản chỉ là việc không có thì mượn hay mượn thế nào cũng được, mà đó chính là quá trình tiếp thu song hành cùng sáng tạo.
Xét trên dòng chảy chuyển di từ tiếng Hán sang tiếng Việt, ta có thể xếp thành 3 cấp độ của lớp từ ngữ Hán-Việt trong tiếng Việt:
1. Yếu tố Hán-Việt: Đó là các đơn vị ngữ pháp nhỏ nhất, gốc Hán, có kích thước ngữ âm là một âm tiết, được đọc theo cách đọc Hán-Việt và được sử dụng trong tiếng Việt. Ví dụ: thiên, địa, nhân, vô, bất, sơn, thuỷ,... Theo cách gọi của ngôn ngữ học, đây được xem là các “hình vị”, với đặc điểm là đơn vị nhỏ nhất có nghĩa, là đơn vị cơ sở để tạo thành từ nhưng không độc lập về cú pháp (tức khổng thể dùng trực tiếp để giao tiếp mà cần các yếu tố kết hợp khác).
2. Từ ghép Hán-Việt (không kể đến các từ ghép Hán-Việt gốc Nhật): Các từ ghép này bao gồm 2 lớp từ. Một là các từ mượn nguyên khối từ tiếng Hán, ví dụ: thiên hạ, địa phương, vô lý, thuỷ triều. Hai là các từ do người Việt tự tạo bằng cách vay mượn các yếu tố Hán-Việt và/hoặc mẫu cấu tạo tiếng Hán, người Hán không sử dụng những từ này trong ngôn ngữ của họ, ví dụ: đoàn viên, ca sĩ, hoa hậu. Lớp từ thứ 2 ở trên sẽ được bàn sâu hơn ở phần tiếp theo của bài viết này.
3. Thành ngữ Hán-Việt: Cách gọi này ám chỉ những thành ngữ chứa đựng toàn bộ yếu tố cấu tạo là từ Hán-Việt, bao gồm cả các thành ngữ vay mượn nguyên khối từ tiếng Hán hoặc dị bản của chúng trong tiếng Việt và các thành ngữ do người Việt tự tạo trên cơ sở Hán-Việt. Đối tượng này cũng sẽ được nói thêm vào phần tiếp sau của bài viết.
Bàn sâu hơn về các từ ghép Hán-Việt, điều đáng nói là bên cạnh các từ được vay mượn nguyên khối, người Việt cũng đã sáng tạo hoặc cải biến cho mình một lớp từ riêng, có thể được gọi là các từ “Hán-Việt Việt tạo”. Lớp từ ghép này có thể được phân tách ra thành 2 phân nhóm dựa trên mô hình cấu tạo từ, một nhóm dựa trên mẫu cấu tạo từ của tiếng Hán, nhóm còn lại dựa trên mô hình cấu tạo từ tiếng Việt. Đặc điểm chung của 2 nhóm này đều là sử dụng hoàn toàn các yếu tố Hán nhưng theo cách kết hợp riêng hoặc trật tự riêng của người Việt mà không xuất hiện trong từ vựng của người Hán. Với nhóm dựa trên mẫu cấu tạo từ tiếng Hán, khi nhận ra khả năng phái sinh từ vựng của các mô hình tồn tại trong cách nói của người Hán, người Việt đã tiếp thu rồi sau đó thay đổi các yếu tố, ghép với yếu tố chưa từng có tiền lệ kết hợp để tạo ra khái niệm mới. Ví dụ, dựa trên mô hình “x + sĩ” để chỉ người chuyên làm công việc nào đó như “y sĩ”, “nhạc sĩ” mà người Việt sáng tạo ra từ “ca sĩ”, “nha sĩ”. Với nhóm dựa trên mô hình cấu tạo từ tiếng Việt, đặc điểm chính của các từ này đó là chúng đi theo trật tự sắp xếp các yếu tố trong từ ghép của tiếng Việt. Ví dụ như các từ “sử tiền”, “chiến tiền” trong tiếng Hán, người Việt đã thay đổi trật tự thành “tiền sử”, “tiền chiến”, hay các từ do người Việt tự tạo ra như “tiền trạm”, “truyền hình”, “phát thanh”, “trường học”.
Ấy là còn chưa xét đến các trường hợp từ ghép Hán-Việt đẳng lập và từ láy Hán-Việt. Ở đây sẽ không xét đến các từ ghép đẳng lập dùng để chỉ tập hợp như “quần áo”, “hoa quả” vì có thể hiểu chúng theo kiểu “quần và áo”, “hoa và quả”. Chúng ta sẽ xét các từ ghép và từ láy mà trong đó các yếu tố của chúng đi liền cạnh nhau. Một phương thức thường gặp đối với các từ này là hiện tượng đổi trật tự sắp xếp so với nguyên bản chữ Hán như “nhiệt náo > náo nhiệt”, “thích phóng > phóng thích”, “cáo tố > tố cáo”, “linh lung > lung linh”. Một phương thức phổ biến hơn là người Việt tự tạo ra các kết hợp, như “suy nghĩ”, “hãm hiếp”.
Ta có thể chia thành 3 trường hợp từ ghép Hán-Việt Việt tạo như sau:
1. Từ ghép Hán-Việt Việt tạo bộ phận: đạo điện > dẫn điện, chu tế > chu cấp, thư báo > sách báo,...
2. Từ ghép Hán-Việt Việt tạo hoàn toàn: kí lục > biên bản, tá liệu > gia vị, biên tả > soạn thảo,...
3. Từ ghép Hán-Việt Việt tạo theo phương thức nói tắt: ngữ ngôn tài liệu > ngữ liệu, cao cấp ủy viên > cao ủy,…
Đặc biệt, khả năng phái sinh từ và khả năng kết hợp của các yếu tố Hán-Việt được người Việt tận dụng để tạo ra các từ được cấu tạo bằng yếu tố Hán-Việt (được đọc theo cách đọc Hán-Việt) tổ hợp với yếu tố phi Hán-Việt (bao gồm các từ thuần Việt, các từ mượn trực tiếp thông qua các ngôn ngữ khác Hán, các từ Việt gốc Hán được đọc theo âm cổ hoặc âm Việt hoá) theo mô hình cấu tạo từ tiếng Hán (cát tặc, ô-xi hoá, vôi hoá,...) hoặc theo mô hình cấu tạo từ tiếng Việt (trường đua, điểm đến,...).
Một cách sáng tạo từ Hán-Việt khác của người Việt đó chính là sáng tạo trên phương diện ngữ nghĩa. Người Việt gán cho những từ Hán-Việt những tầng nghĩa mới mà trong nhiều trường hợp các từ ấy được người Việt hiểu theo nghĩa gán ấy chứ không theo nghĩa vốn có. Ví dụ, “đô hộ” vốn là tên một chức quan xưa của người Hán, sau được người Việt gán thêm nghĩa “cai trị” mà chỉ có người Việt mới hiểu theo nghĩa này, hay “trường” vốn để chỉ một nơi đông người tụ tập thì người Việt hiểu theo nghĩa “nơi dạy học”.
Bàn nhanh về thành ngữ Hán-Việt, chúng đã có những điểm giữ nguyên và thay đổi như sau. Có thành ngữ giữ nguyên nghĩa (ác giả ác báo) hay được dịch hẳn sang tiếng Việt (khuynh quốc khuynh thành > nghiêng nước nghiêng thành). Có thành ngữ phát triển thêm nghĩa mới (cao lưu sơn thủy – tiếng Hán là “tri âm tri kỉ hoặc khúc nhạc hay”, tiếng Việt thêm nghĩa “núi sông, nơi thiên nhiên thanh tĩnh”). Có thành ngữ thay đổi (tác oai tác phúc > tác oai tác quái) và đặc biệt là có thành ngữ do người Việt tạo ra trên cơ sở tiếng Hán (hào hoa phong nhã, yểu điệu thanh tân).
Từ tất cả những phân tích bên trên, tất nhiên vẫn còn rất nhiều trường hợp mà ta chưa có thời gian bàn đến ở bài viết này, HVTD tin rằng chúng ta đã có thể nhìn thấy được việc vay mượn tiếng Hán vào tiếng Việt là một quá trình tiếp thu nhưng không tách rời sáng tạo. Điều đó không chỉ thể hiện tính linh hoạt của các ngôn ngữ, tính sáng tạo và chọn lọc của những người xây dựng tiếng Việt suốt hàng ngàn năm qua mà hơn hết còn là những nét riêng của tiếng Việt: hoà nhập nhưng không hoà tan!

Tư liệu tham khảo:
Phạm Hùng Việt, Lê Xuân Thại, Lý Toàn Thắng, Trịnh Thị Hà, Nguyễn Hoàng Anh, Nguyễn Thị Tân, Nguyễn Thị Huyền, Dương Thị Thu Trà (2018). Từ ngữ Hán Việt: Tiếp nhận và sáng tạo, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
Nguồn: https://www.facebook.com/hanvietth.../posts/589782878097449/

Học triết học như thế nào

 

HỌC TRIẾT NHƯ THẾ NÀO? 

TS. Dương Ngọc Dũng

Giám đốc Chương trình Triết học, Khoa KHXH, Đại học Hoa Sen

Nhiều sinh viên hâm mộ triết học thường hỏi tôi những câu sau đây:

1-Học triết nên bắt đầu từ đâu?

2-Học triết theo phương pháp nào?

3-Học triết có cần một năng khiếu đặc biệt gì không?

4-Nên tập trung vào những triết gia nào?

Bài viết này sẽ tập trung vào việc giải đáp các câu hỏi trên.

Dĩ nhiên ngay cả hành nghề xoa bóp hay nấu ăn cũng cần phải có năng khiếu. Vì không phải tự nhiên ai cũng có khả năng làm thiên hạ thư giãn thể xác hay chế biến ra những món ăn hấp dẫn. Nhưng nếu cho rằng triết học chỉ dành cho những bậc trí tuệ thiên tài, những người có năng khiếu đặc biệt, thì cũng sai lầm. Càng lầm lẫn hơn khi đồng hóa các triết gia với những người gàn dở, lập dị, lúc nào cũng thích nói những câu ngông cuồng, quái đản, không ai hiểu được. Đức Phật, Khổng Tử, hay Jesus đều nói năng hết sức giản dị mặc dù từ ba vĩ nhân này đã sản sinh ra ba truyền thống triết lý và thần học vĩ đại. Nāgārjuna (Long Thọ 龍樹) và Asanga (Vô Trước 無著), hai bậc tông sư của truyền thống Trung Quán và Duy Thức trong triết học Đại Thừa Phật giáo , cũng chỉ xây dựng hệ thống triết học vĩ đại của mình dựa trên những câu nói giản dị của Đức Phật. Dĩ nhiên văn phong triết học của những triết gia Tây phương không dễ hiểu và đôi khi thật tối tăm, nhưng nguyên nhân chính vẫn là vấn đề ngôn ngữ và văn hóa. Chẳng hạn ngôn ngữ và truyền thống văn hóa Đức đã sản sinh ra triết học Kant, Hegel, Habermas, Gadamer, Husserl. Chính ngôn ngữ và văn tự Trung Hoa đã tạo ra và khuôn định truyền thống tư tưởng Trung Quốc, cũng như tiếng Hy Lạp đã chi phối toàn bộ sự vận hành của triết học phương Tây. Còn chúng ta sống trong truyền thống văn hóa Việt Nam mà lại cố gắng nói năng giống như Hegel thì chỉ là làm dáng hay đóng kịch triết học mà thôi. Cũng như truyền thống văn hóa Mỹ đã sản sinh ra những triết gia lớn như William James, John Dewey, Charles Peirce, và hiện nay Hilary Putnam, nhưng họ viết bằng một văn phong khác hẳn với văn phong của các triết gia Đức, giản dị hơn, gần với ngôn ngữ đời thường hơn, và hầu như không bao giờ ẩn nấp sau những đám mây mù siêu hình học như các đồng nghiệp ở Đức. 

Những điểm giống nhau kỳ lạ giữa Đức Phật và Chúa Giê-su
Đức Phật và Jesus

Như vậy, học triết học cần những năng khiếu gì? Tôi xin đưa ra bảng nhận xét sau đây để các bạn trẻ tự đánh giá. Nếu các bạn thấy mình đều trả lời “không” cho các câu hỏi sau đây thì cứ nên vui vẻ “thu dọn đời mình” mà học môn khác cho đỡ tốn thì giờ, phí năng lực:

1-Nhật xét căn bản nhất về các triết gia là họ rất thích đọc sách, không hẳn là sách triết, cũng không phải sách chuyên môn về toán hay vật lý. Thái độ chung của triết gia là ham tìm hiểu nhưng không khoái chuyện thực hành (chẳng hạn mổ xẻ trong phòng thí nghiệm) nên chuyển mọi năng lực của họ vào việc đọc sách, đọc tất tần tật mọi thứ trên đời, từ Kinh Thánh cho đến thuyết tương đối của Einstein. Nói chung là họ tò mò về mọi thứ. Ken Wilber là trường hợp điển hình. Karl Popper thì nghiên cứu từ vật lý, chính trị, cho đến sử học. Nếu ngay từ lúc còn nhỏ bạn không thích đọc sách (sách nói chung: tiểu thuyết, văn chương, thơ ca, nghệ thuật, tôn giáo v.v…) và đến bây giờ sách vẫn là liều thuốc ngủ tốt nhất của bạn thì nên vui vẻ giã từ triết học vì bạn sẽ không bao giờ đọc xong nổi một trang sách triết thứ thiệt. Và đây cũng là tiêu chuẩn hàng đầu để nhận diện các triết gia “dỏm”: họ chẳng bao giờ đọc sách hay chỉ giả vờ mua sách về chất đầy trong tủ. Ham mê đọc sách là điều kiện tiên quyết của việc học triết. 

https://bizweb.dktcdn.net/100/440/144/files/hoc-triet-nhu-the-nao-jpeg.jpg?v=1649133168294

2 – Đặc tính thứ hai của triết gia là thích tranh luận, phân tích và hay giảng giải. Do lúc nào nào cũng đọc sách và suy tư nên sự hiểu biết và óc phán đoán của triết gia đương nhiên phải nhạy bén, sâu sắc, và linh hoạt hơn những người không bao giờ quan tâm đến sách vở. Nhưng cũng cần thận trọng phân biệt: triết gia thích phân tích, tranh luận, giải thích, không có nghĩa là họ chỉ khéo léo trưng bày các tên tuổi triết học nổi tiếng mà không bao giờ đưa ra ý kiến của mình. Chẳng hạn nhiều người mở miệng ra là dẫn Derrida, Foucault, Sartre, Merleau-Ponty, Husserl, toàn những tên tuổi làm người nghe khiếp đảm, nhưng thật ra chính họ cũng chẳng biết mấy triết gia nổi tiếng kia nói gì hay cũng chỉ hiểu một cách mơ màng. Triết gia không thích “triển lãm hàng hóa,” nhưng ông thích biện luận, giảng giải về mọi vấn đề, và thông thường ông không chấp nhận các ý kiến sẵn có, mà luôn có một thái độ hoài nghi, châm biếm nhẹ nhàng trước những khẳng định “chắc như đinh đóng cột” của bất kỳ ai đó. Nếu các bạn thấy mình không có ý kiến gì cả: lúc nhỏ thì hỏi cha mẹ, lúc đi học thì hỏi bạn bè, lúc lấy chồng (hay vợ) chỉ biết hỏi chồng (hay vợ), chồng (hay vợ) chết thì hỏi con, đi làm thì hết sức ngoan ngoãn sợ sếp như cha, nói chuyện với bạn bè thì hết sức “kính trên nhường dưới”, ai nói gì cũng cho là phải, nếu các bạn thấy mình như thế thì không nên học triết vì học triết chỉ khiến bạn đâm rối loạn hết mọi sự và quả thật giả sử bạn có hiểu được triết học là gì đi nữa thì nó cũng chẳng giúp ích được gì cho cuộc sống vốn quá bằng phẳng của bạn. Về một phương diện nào đó, triết gia là một người thực sự có lòng can đảm, theo nghĩa ông ta đủ sự dũng cảm và sự lương thiện trí thức để phản đối những quan điểm mà ông cho rằng chúng sai trái hay nguy hiểm. Socrates là hình mẫu của một triết gia đích thực.  

3 -Triết học quả thật chỉ dành cho những người thích suy tư, thiên về cuộc sống trí tuệ, nội tâm, nhàn tản, thích ngồi đọc sách hay thích đàm đạo với các bạn thân, nên nếu bạn là mẫu người quá sung sức, thích hoạt động ngoài trời, thích thể thao, thì rõ ràng cũng không có năng khiếu học triết. Lịch sử triết học Hy Lạp cho biết rằng Platon là một động viên điền kinh hoàn mỹ. Nhưng đó là ngoại lệ: chúng ta không phải là Platon thì không nên bắt chước để cầu được “văn võ song toàn” vì nếu cố gắng quá chúng ta chỉ có khả năng trở thành “văn dốt vũ dát,” một thứ “triết gia ba rọi” không giống con giáp nào. 

4-Triết học có liên quan sâu xa đến vấn đề ngôn ngữ nên nếu không có một quan tâm thực sự cụ thể và nghiêm túc đến việc học ngoại ngữ thì cũng không nên học triết làm gì. Ngay cả những cuốn sách viết bằng tiếng Việt để trình bày triết học phương Tây cho sinh viên ban triết (của các tác giả Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm, Lê Thành Trị, Kim Định, Nguyễn Văn Trung các giáo sư triết ở Văn Khoa trước năm 75) cũng không thể hiểu nổi nếu người đọc không có kiến thức căn bản về Pháp văn (hay Hán văn trong trường hợp đọc sách của Kim Định) vì các tác giả trình bày đều dựa vào nguồn tư liệu tiếng Pháp và đa số đều dịch được từ các nguồn tư liệu này sang tiếng Việt. Học triết Trung Quốc thì đỡ khổ hơn vì các thuật ngữ phổ biến như Đạo, Lý, Khí, Tâm, Nhân, Nghĩa, Chính, Danh, v.v.. đều đã được Việt  hóa từ lâu nên giai đoạn đầu không nhất thiết phải biết chữ Hán. Triết học Ấn Độ sở dĩ không phát triển nổi trong văn hóa Việt Nam chính do trở ngại chính là tiếng Phạn và phong cách tư duy quá xa lạ của các triết gia Ấn, tập trung bàn chuyện Thực Thể Tuyệt Đối (Brahman) chứ ít khi ngó ngàng đến chuyện con người, xã hội, chính trị, trong khi đây lại là những mối quan tâm chính trong tư tưởng Trung Hoa và Việt Nam.

https://bizweb.dktcdn.net/100/440/144/files/ho-c-trie-t-nhu-the-na-o.png?v=1649133480315

Đại khái các tiêu chuẩn học triết chỉ cần có thế. Với một sự thông minh trên mức trung bình, và một sự kiên nhẫn học ngoại ngữ liên quan, không cần phải là thiên tài, bất cứ ai cũng có thể trở thành triết gia. Mạnh Tử và Tuân Tử trong truyền thống Nho giáo còn khẳng định bất cứ ai cũng có thể trở thành thánh nhân. Các thiền sư Trung Hoa đều khẳng định ai cũng có khả năng trở thành Phật. Sự khó khăn bắt đầu ở chỗ khi bắt đầu công việc học triết chúng ta phải học như thế nào vì triết học bản thân nó có hệ thống (system) và truyền thống (tradition), chúng ta không thể nhào đại vào bất cứ một cuốn sách triết nào đó, chẳng hạn tác phẩm Hữu thể và thời gian (Sein und Zeit) của Heidegger (nhất là đọc bản dịch của Trần Công Tiến), để rồi thất vọng ê chề phải nhảy ngược trở ra, mang theo một lòng thù ghét triết học vô tận. Các sinh viên học triết đều công nhận rằng khó khăn ban đầu lớn nhất là vấn đề thuật ngữ chuyên môn. Chính các thuật ngữ chuyên môn này đều xuất phát từ các bản dịch hết sức phiến diện và thiếu sót các khái niệm trong tiếng Anh, Pháp, hay Đức, nên càng làm tăng thêm sự rối rắm. Chẳng hạn chữ “being” trong tiếng Anh (être trong tiếng Pháp hay sein trong tiếng Đức) được dịch sang tiếng Việt là “hữu thể” hay “tính thể.” Đố ai biết được “hữu thể” là cái gì, nhưng nếu biết ngoại ngữ thì khó khăn sẽ giảm đi một nửa. Chúng ta sẽ lờ mờ đoán ra rằng “being” hay “être” có liên quan đến những câu trong đó hai thuật ngữ này được sử dụng như động từ: I am a student (Tôi “là” một học sinh) hay Je suis un homme (Tôi “là” một người đàn ông). Như thế “being” hay “être” dùng để chỉ trạng thái “là,” trạng thái “hiện hữu,” trạng thái “tồn tại.” Tôi “là” một học sinh, có nghĩa là tôi “tồn tại” như một học sinh. Triết gia là người nghiên cứu về “sự tồn tại” (beingness= Existenz) này trong mọi khía cạnh của nó. 

Như vậy một trong những điều kiện đầu tiên để học triết là phải học ngoại ngữ. Cần ghi chú thêm là hầu hết các triết gia có tên tuổi trong lịch sử triết học đều có năng khiếu ngoại ngữ. Chúng ta có thể giải thích là do triết gia đều là những người thông minh xuất chúng nên việc học giỏi ngoại ngữ đối với họ là chuyện bình thường. Không hẳn như thế. Triết học liên quan đến ngôn ngữ ở một tầng nấc rất sâu, đến mức Heidegger phải cho rằng: “Nhiệm vụ sau cùng quan trọng nhất của triết học chính là bảo tồn được sức mạnh của những ngôn ngữ sơ nguyên nhất trong đó Tính Thể tự thể hiện, và giữ cho sự hiểu biết thông thường không san phẳng chúng vào sự hoàn toàn không thể hiểu nổi, mà chính sự thiếu hiểu biết này sau cùng là suối nguồn cho tất cả những vấn đề giả tạo.” (am Ende das Geschäft der Philosiphie, die Kraft der elementasten Worte, in denen sich das Dasein ausspricht, davor zu bewahren, dass sie durch den gemeinen Vestand zur Unverstaendlichkeit nivelliert werden, die ihreseits als Quelle für Scheinproblem fungiert).  Wittgenstein thì viết rằng “Giới hạn thế giới của tôi là giới hạn trong ngôn ngữ của tôi” (The limits of my world is the limits of my language). Khi suy tư chúng ta đều di chuyển trong các phạm trù khái niệm do ngôn ngữ thiết lập, nên sự biện luận của các triết gia đều xoay quanh việc làm rõ ý nghĩa của một số thuật ngữ nào đó (chẳng hạn cách dùng các thì, cách dùng giới từ, tổ hợp cấu trúc ngữ pháp trong câu…) nên có thể khẳng định bước đầu tiên để học triết là học ngôn ngữ thuần túy. Không nhất thiết phải học đúng thứ tiếng trực thuộc một truyền thống triết học cá biệt (chẳng hạn phải học Hán ngữ nếu muốn nghiên cứu triết học phương Đông) vì học ngoại ngữ đây chính là các rèn luyện các kỹ năng phân tích tối cần thiết cho việc học triết chứ không phải để phục vụ cho các mục tiêu khác. 

Một sự kiện thông thường khác là do thiếu hiểu biết về ngoại ngữ liên hệ nhiều người đã tranh cãi hay ngộ nhận về một câu phát biểu nào đó. Thí dụ nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo (nói chung cả Công Giáo lẫn Tin Lành) đã tranh cãi về thông điệp quan trọng nhất trong Tân Ước: nước Chúa (regnum dei). Một qua điểm, căn cứ trên Tin Mừng theo thánh Mác cô (1.14), cho rằng nước Chúa đã đến, đã được thiết lập trong hiện tại. Quan điểm thứ hai cho rằng nước Chúa sẽ được thiết lập trong một tương lại rất gần. Nhưng động từ Hi Lạp thánh Mác cô sử dụng êggiken là một động từ diễn tả một hành động khởi sự từ trong quá khứ và đang tiến về tương lai, nghĩa là một sự kiện chưa hoàn tất. Như thế nước Chúa (Hi Hạp: basileia tou theou) đang đến gần và con người có thể đáp ứng với tin mừng (Phúc Âm) đó. Có lẽ vấn đề chính không phải chuyện nước Chúa sẽ đến trong một ngày rất gần đây, mà trọng tâm vấn đề nằm ở thái độ, phản ứng của con người đối với sự xuất hiện của nước Chúa như thế nào: tin tưởng hay chối bỏ, lãnh đạm, v.v.. Động từ êggiken không hề cho thấy rằng nước Chúa đã đến (has arrived) hay đã sát gần kề (to be at hand) như các dịch bản Anh ngữ phổ biến vẫn dịch. 

Cũng nhiều học giả cho rằng các tín đồ Thiên Chúa Giáo đầu tiên rửa tội trong nước (dìm trong nước). Nhưng trong Kinh Thánh danh từ Hi Lạp được sử dụng là ơdsti hay ên ơdsti có nghĩa là “bằng nước” (by means of water, with water), chứ không phải “dìm trong nước” (in water). 

Xin dẫn thêm một ví dụ khác. METANOIA trong tiếng Hi Lạp μετάνοια, có nghĩa là “một sự chuyển hóa tâm hồn” (a transformative change of heart) hay cụ thể là “sự chuyển hướng về phương diện tâm linh/ tinh thần” (spiritual conversion). Trong tiếng Hi Lạp cổ METANOIA chỉ đơn giản có nghĩa là “thay đổi quan điểm/ ý kiến về một sự việc nào đó.”  Trong Kinh Thánh bản King James, động từ metanoeo/μετανοέω lại được dịch sang tiếng Anh (một cách sai lầm) là “ăn năn/ hối cải/ sám hối= REPENT.”

Những bản dịch Tân Ước sang tiếng Anh đều thống nhất dùng từ REPENTANCE (=sám hối/ ăn năn) cho cả hai từ METANOIA và METAMELOMAI. Trong Tin Mừng của thánh Mác-cô Giê Su loan báo Vương Quốc của Thiên Chúa đã đến gần và yêu cầu mọi người hãy sám hối (repentance). METAMELOMAI còn có thêm một ý phụ (connotation) là sự “buồn đau và tiếc nuối” (pain, sorrow, and regret). Trong các cộng đoàn Thiên Chúa Giáo sơ kỳ METANOIA được dùng thống nhất với ý nghĩa là “một sự thay đổi triệt để trong tư duy và hành động,” rất giống với khái niệm CHUYỂN Y trong PHẬT GIÁO DUY THỨC. Vào năm 2006 một nhóm các học giả trong phong trào đại kết công bố một nghiên cứu về sám hối trong Kinh Thánh và Hội Thánh. Nghiên cứu này khẳng định rằng vào thời Giê Su Ki Tô văn hóa Do Thái vẫn cho rằng METANOIA (=mà ngày nay chúng ta dịch là SÁM HỐI/ THỐNG HỐI) thật ra chỉ có ý nghĩa “thay đổi triệt để tư duy và hành động” mà thôi.   Theo học giả David N. Wilkin (trang web Millennium Web Catalog của chủng viện Virginia): “Các Giáo Phụ La tinh đã dịch METANOIA thành PAENITENCIA (=chữ này mới thực sự có nghĩa là SÁM HỐI). Bản thân cha đẻ của thần học phương Tây là Tertullianô đã phản đối cách dịch tiếng Hi Lạp METANOEO sang tiếng La Tinh PAENITENTIAM AGO. Thánh nhân cho rằng “trong tiếng Hi Lạp, METANOIA is KHÔNG PHẢI LÀ SỰ THÚ NHẬN TỘI LỖI MÀ LÀ SỰ THAY ĐỔI TÂM HỒN.” Thuật ngữ tiếng Anh “Conversion” (từ gốc La Tinh conversiōn-em=xoay chuyển lại) mới diễn tả đúng ý của chữ METANOIA hơn là REPENTANCE (PAENITENCIA). Như vậy chúng ta thấy một sự giống nhau khá thú vị: METANOIA tiệm cận với āśraya-parivṛtti (=CHUYỂN Y) trong triết học Duy Thức của Phật Giáo. Theo Duy Thức Học, A Lại Da Thức là thức thứ tám, thức cuối cùng, nền tảng cho bảy thức còn lại. Tạm thời hãy hình dung TÀNG THỨC này như một cái bể chứa khổng lồ chứa rất nhiều hạt giống nghiệp phục vụ cho việc tái sinh trong cõi luân hồi. Có rất nhiều hạt giống khác nhau vì đã được tích lũy, huân tập ở đây không biết bao nhiêu đời kiếp, nhưng đại khái gồm 2 loại chính: TỊNH và BẤT TỊNH. Những hạt giống TỊNH (TỐT ĐẸP) khi đúng thời điểm sẽ nảy sinh thành những QUẢ tốt đẹp cho người thụ hưởng, còn những hạt giống XẤU (BẤT TỊNH) đương nhiên sẽ tạo nhân cho các ác quả ngay trong kiếp này hay trong một kiếp lai sinh. CHUYỂN Y chính là dò tìm đến tận TÀNG THỨC này để chỉnh sửa tận gốc: LOẠI BỎ NHỮNG HẠT GIỐNG XẤU RA KHỎI TÂM THỨC, giống như cài đặt một phần mềm chống virus cực mạnh vào máy tính vậy, phục hồi chức năng vận hành hiệu quả của máy. Cách phát biểu đầy hoa mỹ của các thiền sư Mỹ là “quay nguồn sáng vào trong tâm để tự soi sáng chính mình” (turn the light around and shine it on yourselves). SAU KHI ĐÃ SOI SÁNG HẾT NHỮNG GÓC TỐI TRONG TÂM THỨC DO VÔ MINH TẠO NÊN, HÀNH GIẢ HIỂU RẰNG MỌI HIỆN TƯỢNG GÂY RA PHIỀN NÃO TRONG CUỘC SỐNG CHỈ LÀ DO CHUYỂN BIẾN CỦA TÀNG THỨC KHI PHẢN ỨNG VỚI NGOẠI CẢNH MÀ THÔI. Công phu chính để chuyển y chính là THIỀN QUÁN và thực hành các nguyên tắc giới luật Phật trong đời sống hàng ngày. Thông qua việc thực hành thiền định TÂM (THỨC) sẽ trải qua một quá trình sàng lọc, tẩy rửa, loại bỏ tất cả những hạt giống bất tịnh được lưu trữ trong tàng thức từ muôn vạn kiếp. Nếu chọn tu theo pháp môn Tịnh Độ, thông qua việc niệm hồng danh phật A Di Đà và quán tưởng những hảo tướng của Đức Phật, hành giả cũng có thể đạt đến mục tiêu này SAU KHI được vãng sinh vào Tịnh Độ.

Việc nắm vững ngoại ngữ do đó không thể thiếu trong khi nghiên cứu các văn bản cổ. Chẳng hạn các vị giáo sư dạy triết Trung Quốc hay những học giả viết sách về tư tưởng Trung Quốc thường khởi sự ngay với tư tưởng Khổng Tử và Nho Giáo. Đôi khi họ khởi sự với thời Hạ Thương, Chu và phân tích những tác phẩm tiền Nho Giáo như Kinh ThiKinh ThưTả Truyện, cho đó thuộc về sử liệu hơn là các văn bản triết học. Chính vì thế họ không biết rằng chữ nhân 仁 dùng trong Kinh Thi không có nghĩa “nhân ái” như trong tư tưởng Khổng giáo về sau mà thực ra dùng để chỉ vẻ đẹp ngoại hình của nam nhi và thậm chí còn dùng để mô tả các nhân vật chẳng đạo đức nhân ái một chút nào cả [Xem Takeeuchi Teruo, “A Study of the Meaning of Jen Advocated by Confucius,” Acta Asiatica 9 (1965), 57- 77).  Đọc Tả Truyện chúng ta thấy rằng chữ dùng để chỉ sự săn bắnliệp 獵 đồng thời cũng dùng để chỉ sự tấn công của một đạo quân. Như thế trong nhãn quan thời Xuân Thu Chiến Quốc, săn bắn là một hình thức của chiến tranh và ngược lại.  Nói chung, ý thức sâu sắc về vấn đề ngôn ngữ chính là cửa ngõ đầu tiên dẫn đến triết học. Thiếu hiểu biết về ngôn ngữ trong đó tư tưởng tự thể hiện, chúng ta chỉ dừng lại ở mức sao chép, lặp lại những ý kiến công ước đã được chế tạo sẵn trong sách giáo khoa mà thôi.  Thậm chí tôi dám quả quyết rằng đọc mười cuốn sách viết về tư tưởng chính trị Nho giáo không bổ ích bằng bỏ một giờ học Hán ngữ để thấy rằng chữ “chính” 政  là trong “chính trị” liên quan mật thiết đến “chính” 正= ngay thẳng để chỉ đạo đức cá nhân. Người làm chính trị phải có đạo đức cá nhân, đó là điều quá hiển nhiên trong bối cảnh văn minh Đông Á, nhưng lại không hiển nhiên chút nào trong lịch sử chính trị học Tây phương. 

Sau khi trình độ ngoại ngữ tương đối tạm ổn chúng ta sẽ bắt đầu công việc học triết một cách có hệ thống bằng cách kiếm một cuốn sách lọai “nhập môn triết học” (introduction to philosophy) loại dễ nhất để đọc. Theo kinh nghiệm bản thân, sách loại này các tác giả Mỹ viết là tốt nhất: trình bày gọn gàng, có thứ tự, hệ thống, và nhất là sáng sủa, dễ hiểu. Ngay cả khi mục tiêu lâu dài của bạn là nghiên cứu triết học Trung Hoa hay Ấn Độ các bạn cũng nên bắt đầu bằng “nhập môn triết học Tây phương” trước. Việc đó giống như rèn luyện các kỹ năng cần thiết trước khi leo lên những ngọn núi cao hơn. Đừng bao giờ hiểu lầm rằng triết học chỉ dành cho các thiên tài lập dị hay dở hơi, điên điên khùng khùng.

Who's who in Raphael's School of Athens?

Triết học là một môn học nghiêm túc như tất cả các môn học khác và cũng đòi hỏi một sự nghiên cứu có hệ thống, thứ bậc rõ rệt. Không nên quá nóng vội hay chỉ vì muốn theo kịp các thời trang trí thức bằng cách nhồi nhét tác phẩm của Heidegger, Sartre, Husserl, Foucault, Habermas, Gadamer vào đầu một cách vô ích. Học triết mà khởi đầu với các tác giả Đức như Hegel, Heidegger, Husserl thì sẽ tẩu hỏa nhập ma luôn, chẳng bao giờ muốn cầm cuốn sách triết lên lần thứ hai. Cũng không nên bắt đầu ngay với các tác giả Pháp thuộc thế hệ những năm 68 như Foucault, Derrida, Bourdieu (một nhà xã hội Pháp nổi tiếng nhất hiện nay), Lacan, Barthes, Althusser, Lévi-Strauss, vì họ phủ nhận, phê phán, tàn phá tất cả các bậc triết gia đàn anh đi trước, đặc biệt là Derrida, hủy diệt cả truyền thống siêu hình học Tây phương. Nhưng cũng không nên khởi đầu theo thứ tự thời gian theo kiểu mấy cuốn giáo khoa vẫn thường làm vì nếu làm thế chúng ta bắt buộc phải khởi đầu với các triết gia Hi Lạp thời tiền Socrates và sẽ ngán ngẩm khi nhận ra họ cũng chẳng phải là triết gia. Nếu giáo sư là người có nghiên cứu triết học Hi Lạp thì cũng sẽ vô cùng lúng túng khi phải thông báo cho sinh viên biết rằng cần phải biết tiếng Hi Lạp để hiểu được tiếng Hi Lạp, một yêu cầu thật quá xa vời và xa xỉ trong điều kiện hiện  nay. 

Nên chọc học triết khởi sự từ những chủ đề mà bản thân người học quan tâm nhất, và điều quan trọng là không nhất thiết phải khởi sự với một tác phẩm triết học. Thí dụ nếu người học thích thú với những vấn đề chính trị, xã hội, thì không gì tốt hơn là đọc Marx trước, sau đó sẽ đến những thế hệ giải thích Marx như Lukács, Lichtheim, Manheim, Althusser, Adorno, Horkheimer, Habermas, v.v..và không nên quên đọc các nhà xã hội học kinh điển như Max Weber, Émile Durkheim, Vilfredo Pareto. Đó là những tác phẩm nhập môn triết học tốt nhất. Đặc biệt là nên nghiền ngẫm quyển Thuốc phiện của giới trí thức (L’Opium des Intellectuels) một kiệt tác của Raymond Aron, một nhà xã hội học kiêm triết gia, trước khi đọc Marx hay Hegel. 

Nếu chúng ta quan tâm đến những vấn đề thuộc phạm vi tâm lí, gia đình, cá nhân, thì không còn cách nào tốt hơn là đọc Sigmund Freud, Carl G. Jung, Erich Fromm và Adler (các tác giả này được dịch khá nhiều sang tiếng Việt, nhưng cũng chỉ nên dùng tạm trong lúc đầu thôi. Công cụ học triết chính vẫn là ngoại ngữ). Tuy không phải là một triết gia chuyên nghiệp nhưng Sigmund Freud vẫn tạo ra một dấu ấn sâu đậm trong lịch sử tư tưởng thế giới, đặc biệt là quan niệm của ông về Vô Thức. Herbert Marcuse, một triết gia Đức di cư sang Mỹ giảng dạy, đã viết một tác phẩm rất hay về tư tưởng của Freud, Dục tính và văn minh (Eros and Civilization, đã được Hoàng Thiên Nguyễn (tức Như Hạnh) dịch sang tiếng Việt từ trước 1975). 

Nếu bạn quan tâm đến những vấn đề siêu hình và tôn giáo thì không nên khởi sự với Marx, tác giả của câu nói lừng danh “tôn giáo là thuốc phiện của quần chúng” (Die Religion ist das Opium des Volkes) cũng không nên khởi sự với Freud, người cho tôn giáo là một ảo tưởng ấu trĩ, một thứ bệnh tâm thần, mà nên khởi sự với Teilhard de Chardin (nếu bạn là người Công giáo), với Paul Tillich (nếu bạn là người Tin Lành) và với Nishida Kitarō (nếu bạn theo Phật giáo). Nishida Kitarō (西田 幾多郎) là triết gia vĩ đại nhất của Nhật Bản luôn luôn viết trong sự đối thoại với tư tưởng Tây phương dựa trên kinh nghiệm Thiền học Phật giáo. Chính ông là thủ lĩnh của trường phái triết học Kyoto lừng danh và là tác giả của Nghiên cứu về cái thiện (善の研究, Zen no kenkyū). 

Nói chung để có một cái nhìn tổng quan về triết học Tây phương, chúng ta nên bắt đầu với ba người: Marx, Nietzsche, và Freud. Marx không phải dễ đọc, nhưng ông bàn ngay vào những vấn đề xã hội cụ thể, và hiểu được ông thì cũng như cầm chắc được phân nửa triết học phương Tây trong tay, vì hầu hết lịch sử triết học hiện đại Đức (từ Horkheimer, Adorno, Marcuse, cho đến Habermas) chỉ là những nỗ lực đối thoại với Marx, phủ nhận ông, phê phán hay mở rộng một số quan niệm triết học căn bản của Marx. 

Kế đến là Nietzsche. Triết gia này viết triết học không hề giống với bất kì triết gia nào: không có hệ thống phân tích lôi thôi dài dòng gì cả mà chỉ có những đoạn văn ngắn, rất mạnh mẽ, rất linh động, chẳng hạn “tình yêu là một cơn điên ngắn ngủi và hôn nhân là một sự ngu xuẩn dài hạn”. Một trong những tác phẩm chính của Neitzsche đã được Trần Xuân Kiêm dịch sang Việt ngữ, Zarathustra Đã Nói Như Thế (Also sprach Zarathustra) là một dẫn dụ rất tốt vào con đường suy tư triết học nhưng nó đồng thời cũng có thể là một thứ kháng sinh quá mạnh sẽ tận diệt mọi “tế bào triết học” trong cơ thể bạn. Nietzsche là người nổi tiếng với câu “Thượng Đế đã chết” (Gott ist tot). Chúng ta không chắc là “Thượng Đế” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng có thực sự chết hay không, nhưng những kẻ ghét Nietzsche có thể khẳng định “Nietzsche đã chết” mà không sợ phạm sai lầm. Đọc Nietzsche, do đó, là một kinh nghiệm thú vị nhưng cũng có thể là kinh nghiệm cuối cùng đối với triết học. 

Freud là một bác sĩ y khoa. Tên tuổi ông gắn liền với học thuyết phân tâm học (psychoanalysis). Ông trình bày vấn đề sáng sủa và giản dị như một nhà khoa học có năng khiếu viết văn. Chỉ cần đọc đi đọc lại tác phẩm của Freud, đặc biệt là Văn minh và Những Bất Mãn của nó (Civilization and Its Discontents), chúng ta cũng sở đắc được những tri thức sâu sắc về con người, quan hệ giữa người và người, quan hệ xã hội, lịch sử văn minh. Tư tưởng của Freud có thể giúp con người thanh lọc bớt rất nhiều các ảo tưởng đầy rẫy trong cuộc sống hàng ngày bằng cách tạo cho người đọc cơ hội tự phản tỉnh, suy nghĩ về chính bản thân, một quá trình đầy hứng khởi mà Nho giáo gọi là “cải quá tự tân” (sửa đổi lỗi lầm, làm mới bản thân). Nhưng tin rằng phân tâm học là một khoa học dẫn bạn vào những chân lý vĩnh cửu trong tâm hồn con người thì lại là sai lầm lớn. Việc bài bác tôn giáo trong quan niệm Freud là một ví dụ. Chính Jung và Otto Frank, cũng như Erich Fromm, Karen Horney, Sullivan sau này đã mạnh mẽ vạch ra nhiều thiếu sót trong học thuyết của Freud. Nhưng nên xem Freud là một triết gia hơn là một khoa học gia. Khoa học gia cần phải chính xác trong từng chi tiết cụ thể. Triết gia cung cấp những cái nhìn lớn, một thứ ánh sáng thật mạnh để soi sáng cuộc sống nhân sinh trong toàn thể tính của nó. Ông không có nhiệm vụ tìm ra những giải pháp cụ thể cho những vấn đề cụ thể nên không cần phải quá chính xác trong những chi tiết.

https://bizweb.dktcdn.net/100/440/144/files/marx-nietzsche-va-freud-jpeg.jpg?v=1649133756553

Về việc đọc ba triết gia hàng đầu này nên đọc bằng tiếng Anh hơn là đọc các bản dịch tiếng Việt. Dĩ nhiên cả ba đều viết bằng tiếng Đức nhưng việc tìm ra các nguyên tác Đức ngữ của các tác giả trên đây không phải dễ trên thị trường sách vở hiện nay, trừ khi người học “chơi sang” đặt mua thẳng từ bên Đức với một giá rất mắc không thể tưởng tượng nổi. Chẳng hạn một cuốn sách triết loại bỏ túi (dày 300 trang) thông thường của Nhà Xuất Bản Suhrkamp ít nhất là ba chục mác (tương đương 30 đô la Mỹ). Trọn bộ ba tác phẩm của Nietzsche (khoảng 7 cuốn) hàng năm được tái bản với giá 500 mác, chỉ chuyên gia nghiên cứu về Nietzsche may ra mới chịu bỏ tiền ra mua. Trong khi sách dịch tiếng Anh hay tiếng Pháp thì tràn ngập với giá rẻ mạt (ý tôi muốn nói là sách cũ) và cũng tương đối dễ kiếm tại Sài Gòn.

Một phân ngành khác của triết học gần đây cũng được rất nhiều người quan tâm và nó gắn liền với tên tuổi của triết gia kiêm giáo sư đại học Harvard Michael Sandel: đó là triết học cộng đồng (public philosophy). Môn học này có ưu điểm là không hề trừu tượng một chút nào mà tập trung vào những vấn đề xã hội cụ thể. Triết học cộng đồng có thể giúp nâng cao ý thức về những vấn đề thực tiễn đang diễn ra trong cộng đồng (địa phương hay toàn cầu) và giúp chúng ta áp dụng những kiến thức triết học đã học vào việc phân tích, đánh giá, và xử lý những vấn đề xã hội thiết thực (trẻ vị thành niên phá thai, quan hệ tình dục trong giới sinh viên, rối loạn giao thông công cộng, nạn tham nhũng, mại dâm, mua bán nội tạng, đẻ thuê…v…v…). Mục tiêu của môn học này nhằm chứng minh rằng triết học không hề giới hạn trong các vấn đề trừu tượng như siêu hình học hay bản thể học mà thực ra có thể có sức ứng dụng rất cao. Triết học cộng đồng rất thực tế theo nghĩa nó giúp chúng ta đào sâu vào tận nền tảng những vấn đề thoạt nhìn hết sức bình thường nhưng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày như:

• Tại sao chúng ta phải đóng thuế?

• Tình yêu là gì? 

• Tình dục là gì?

• Tại sao cần phải nâng cao kỹ năng giao tiếp?

• Tiền là cái gì?

• Hạnh phúc là gì? Phải chăng “đời là bể khổ?” Thiên đường có thật hay không?

• Tại sao phải có chính phủ?

• Thế nào là tự do? 

• Tại sao không thể hợp pháp hóa mãi dâm?

• Hôn nhân có thực sự cần thiết?

• Có phải tôn giáo là nguồn gốc của bạo lực xã hội?

• Chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội cái nào tốt hơn?

• Có cần bãi bỏ án tử hình? Tại sao cần phải tử hình? 

• Có nên cho phép đẻ thuê? Dựa trên cơ sở triết học nào?

• Tại sao lại cấm đoán việc sinh sản vô tính (cloning)?

• Nên xử lý trường hợp “sống thực vật” như thế nào?

• Có cách gì để giảm bớt hay kết thúc tình trạng giao thông bát nháo hiện nay? Nguyên nhân từ đâu? 

Chúng tôi xin đề nghị một danh sách tài liệu sau đây để người học tham khảo nếu muốn đào sâu thêm về triết học cộng đồng và đúng theo tinh thần “cộng đồng” chúng ta nên thành lập một nhóm các bạn “đồng chí” để cùng nhau phân tích và thảo luận.

1-“What is the Public Philosophy?” của James W. Caeser (trong cuốn Public Philosophy and Political Science do E. Robert Statham chủ biên, 2002, NXB. Lexington Books). Chủ đề: xác định nội hàm ý nghĩa “triết học cộng đồng.”

2-“Tiền không mua được gì? (What money can’t buy) của Michael Sandel (đã có bản dịch tiếng Việt). Chủ đề: Tiền, hạnh phúc, và công bằng xã hội.

3-Justice: What’s the Right Thing to Do? của M. Sandel (có bản dịch tiếng Việt). Chủ đề: thế nào là công bằng xã hội? 

4-Freakeconomics (bản dịch tiếng Việt: Kinh tế học hài hước) của Stephen Levitt. Chủ đề: vai trò của kinh tế học trong việc giải mã hành vi con người. 

5-Làn sóng thứ ba (The Third Wave) và Chuyển đổi quyền lực (Power Shift) của Alvin Toffler. Chủ đề: quan hệ giữa tri thức, công nghệ, và quyền lực.

6-Public Philosophy: Essays on Morality in Politics của M. Sandel. Chủ đề: quan hệ giữa đạo đức và chính trị.

7-Public Philosophy in a New Key của James Tully (cuốn 1, NXB. Cambridge University Press, 2008). Chủ đề: chế độ dân chủ và tự do dân sự. 

8-Dân chủ và Giáo dục của John Dewey (bản dịch của Phạm Anh Tuấn. NXB. Tri Thức, 2008). Chủ đề: quan hệ giữa chế độ dân chủ và cải cách giáo dục.

Sau khi đọc qua các tác giả trên đây (Freud, Marx, Nietzsche, Sandel), ít nhất là các tác phẩm chính, nếu người học cảm thấy thích thú với môn triết thì có thể tiếp tục học môn này ở một bình diện cao hơn và sâu hơn. Dĩ nhiên là việc học triết đòi hỏi sự kiên trì và nhẫn nại rất cao. Lúc đầu nên đi thật chậm và có người cùng học thì hay nhất. Không nên bao giờ có thái độ xem triết học là một thứ trang sức cho bản thân. Nhiều người học triết xem triết học là một loại tri thức như tri thức khoa học có thể đem ra phô trương hay biểu diễn. Đó là một lầm lẫn lớn. Triết học không phải là tri thức. Nó là phương tiện giúp chúng ta chất vấn đời sống, đặt lại mọi vấn đề từ nền tảng, không chấp nhận những ý kiến, phán đoán làm sẵn, những chân lý “đóng hộp”. Triết học giúp chúng ta sáng suốt hơn, tỉnh táo hơn trong nhận thức, chứ không cung cấp tri thức như các ngành khoa học khác. Tại sao lại như vậy? Tri thức hiện đại kể từ thế kỷ thứ XVIII đã bắt đầu một tiến trình chuyên môn hóa và cho đến cuối thế kỷ XX này thì không một nhà bác học nào có thể biết rõ có bao nhiêu lãnh vực chuyên môn chứ đừng nói là nắm vững tất cả các ngành chuyên môn đó. Chính vì thế triết học không còn đóng vai trò “ông trùm tối cao” trong lãnh vực trí thức như ngày xưa. Triết gia phương tây bây giờ gom tất cả năng lực phân tích của mình vào việc phê phán các chân lý đang được chấp nhận đương thời, phê phán không phải để phá hoại niềm tin của kẻ khác, mà để xây dựng một nhãn quan tỉnh táo hơn, không để bị lừa gạt bởi các chuyên gia chế tạo huyền thoại. Triết gia không phải và không muốn đồng hóa với chuyên gia, mặc dù ông ta ngoài chức năng triết lý vẫn có thể là chuyên gia trong một lãnh vực nào đó. Khi khởi sự triết lý thì ông không còn nói năng với tư cách của một chuyên gia tự hạn chế trong một lãnh vực chuyên môn hẹp, mà nói với tư cách một người chất vấn các nền tảng của đời sống, nền tảng của xã hội, của ái tình, của nghệ thuật và đem lại một nhận thức mới mẻ, một cách nhìn sự vật trong viễn cảnh chuyển hóa. Trường hợp Wittgenstein, một triết gia người Áo, là một ví dụ điển hình: ông được đào tạo thành kỹ sư hàng không và có một đam mê mạnh mẽ đối với toán học. Trong khi nghiên cứu về nền tảng của toán học với Bertrand Russell, một triết gia người Anh, Wittgenstein dần dần đi đến triết học và trở thành một trong những triết gia vĩ đại nhất thế giới trong thế kỷ 20.

Chính nơi đây mà tôi muốn quay lại với lập luận chính của mình: học triết không cần thiết (thậm chí không nên) bắt đầu với sách triết chuyên ngành. Theo kinh nghiệm của tôi, các sinh viên nên bắt đầu với các sách viết về khoa học tự nhiên (tôi đề nghị sinh học, vật lý học, khoa học thần kinh, trí tuệ nhân tạo), khoa học xã hội (xã hội học, tâm lý học, chính trị học, quan hệ quốc tế, luật pháp), thậm chí cả sử học (các tác giả kinh điển Will Durant, Arnold Toynbee, Niall Ferguson, theo tôi là hay nhất, đầy đủ nhất) và dần dần chuyển qua các triết gia có xuất thân là các nhà khoa học (tôi chọn Edmund Husserl, Merleau-Ponty, Raymond Aron, Henri Bergson, Karl Popper, Thomas Kuhn, Nick Bostrom),  còn những tên tuổi cây đa cây đề cỡ Kant, Hegel, Plato tôi đề nghị đọc sau cùng, trước khi bạn sang thế giới bên kia. Nhưng nếu bạn muốn làm ra vẻ “ta đây hiểu triết học” trước năm 30 tuổi thì xin cứ tự nhiên: ít nhất thì đã có những bản dịch của Bùi Văn Nam Sơn (dịch Kant và Hegel) và Đỗ Khánh Hoan (dịch Plato) sẽ giúp bạn làm điều đó.

NGUỒN: https://exlibrishermes.com/hoc-triet-nhu-the-nao