28/5/23

ĐÔI ĐIỀU VỀ VIỆC CHUYỂN NGỮ TIẾNG VIỆT LUẬN NGỮ Ở VIỆT NAM

 

Ths. TRẦN TIẾN KHÔI

Đại học Thăng Long Hà Nội

Luận ngữ là một trong những tác phẩm kinh điển lớn của Nho giáo Trung Hoa xuất hiện từ thời Xuân Thu không chỉ chi phối lĩnh vực tư tưởng và đời sống văn hóa xã hội của Trung Quốc mà còn được lưu truyền và ảnh hưởng sâu sắc ở các nước ảnh hưởng văn hóa Hán như Việt Nam, Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên. Luận ngữ xếp hàng đầu trong Tứ thư được nghiên cứu chú giải ở Trung Quốc và dịch chú ở nước ta cũng như các nước trong khu vực lưu truyền kinh điển này.

1. Về các bản dịch Việt ngữ Luận ngữ

Trước đây, Luận ngữ là loại sách hàng đầu trong chương trình cử nghiệp mà nhà Nho nào cũng phải thuộc làu. Việc nghiên cứu và giải thích ngữ nghĩa cũng như tư tưởng của Luận ngữ ở Việt Nam đã có một quá trình lâu dài, liên tục. Do được viết bằng chữ Hán nên Luận ngữ ở Việt Nam từng được chú giải bằng chữ Nôm. Sau khoa thi chữ Hán cuối cùng vào đầu thế kỉ XX bị bãi bỏ, người ta mới bắt đầu nghĩ đến chuyện dịch chú nó sang chữ Quốc ngữ để giới thiệu với người học đương thời. Đặc điểm nổi bật là các bản dịch chú này là đều chịu ảnh hưởng của các bản gốc Hán văn của các nhà Nho học thuộc các trường phái khác nhau (như huyền học, lí học, tâm học…) và yếu tố ngôn ngữ có rất nhiều điểm không thống nhất, thậm chí trái ngược nhau cần phải có sự giải thích biện luận rành mạch.

Tính đến nay, ngoài Luận ngữ trích lục diễn giải (Khổng học đăng) của Sào Nam Phan Bội Châu, có thể kể đến một số bản dịch toàn bộ Luận ngữ. Tình hình giới thiệu và dịch chú của các bản dịch có thể tóm tắt như sau:

Khổng học đăng, tác giả Sào Nam Phan Bội Châu soạn năm 1929, được nhà Anh Minh xuất bản năm 1957. Trong Khổng học đăng có Luận ngữ trích lục diễn giải. Chương I là Khổng Tử lược truyện, 18 chương còn lại tác giả trích lục và diễn giải Luận ngữ theo chủ đề như “học”, “chí”, “nhân”… chứ không theo thứ tự các chương của nguyên bản. Cách trình bày lời dịch xen kẽ lời bình, hướng người đọc đến nhận thức luân lí đạo đức. Gọi là "trích lục" nhưng phần lớn các câu trong Luận ngữ đã được dịch và diễn giải. Sách không có chú giải riêng biệt, nhất là cách hiểu khác nhau về câu chữ cũng chưa bàn tới.

Luận ngữ của Đoàn Trung Còn có thể xem là bản dịch Luận ngữ sớm nhất, xuất bản năm 1950, tại nhà in Trí Đức tòng thơ, Sài Gòn. Sách không có Phần dẫn luận. 20 chương được trình bày cả ba phần nguyên văn chữ Hán, phiên âm và dịch nghĩa. Sau văn bản dịch thường có lời bình và những tồn nghi của dịch giả. Ngoài ra còn có phần chú thích. Phần này tương đối ít, chủ yếu chú tên người, tên đất, chữ Hán dị tự, dị âm…

Cũng như Khổng học đăng của Phan Sào Nam, bản dịch Luận ngữ của Đoàn Trung Còn in đậm dấu vết của chữ Quốc ngữ thuở sơ khai trong sở học của các nhà Nho hồi đầu thế kỉ XX, cùng với một số từ còn mang nặng màu sắc địa phương mà ta dễ dàng tìm thấy trong bản dịch. Điều đó có khi lại tạo ra một hiệu quả bất ngờ! Cả hai sách trên dịch giả đều không chỉ dẫn bản dịch dựa trên văn bản chữ Hán nào.

Luận ngữ do Nguyễn Hiến Lê dịch, Nxb. Văn hóa, H. 1991, Nxb. Văn học tái bản 2003. Theo Lời giới thiệu, bản dịch hoàn thành năm 1978. Trong quá trình dịch chú, tác giả có tham khảo bản dịch của Đoàn Trung Còn. Ngoài ra, còn tham khảo Luận ngữ độc bản (sách chữ Hán) của Thẩm Tri Phương và Tưởng Bá Tiềm, Luận ngữ nhị thập giảng (sách chữ Hán) của Vương Hướng Minh. Có thể nói đây là bản dịch rất công phu và chú thích khá đầy đủ về tên người, tên đất, các trường hợp tương đồng, dị biệt... Tuy vậy, người dịch chưa so sánh với các bản dịch trong nước một cách cụ thể.

Luận ngữ do Lê Phục Thiện dịch, Nxb. Văn học, H. 2003 là bản dịch Luận ngữ do Chu Hi tập chú. Sách dịch toàn bộ nguyên văn Luận ngữ và phần chú giải của Chu Hi, có thêm chú giải của người dịch. Phần này chủ yếu chú thích tên người, tên đất, từ đa nghĩa và khó hiểu… Người dịch có đưa ra một vài trường hợp hiểu khác về chữ nghĩa nhưng chỉ so sánh cách hiểu của Chu Hi với các tác giả Trung Quốc khác mà không so sánh với các bản dịch tiếng Việt trước đó. Lời bình của dịch giả chủ yếu xoay quanh vấn đề tư tưởng, đạo đức…

- Bản dịch Luận ngữ nằm trong bộ Ngữ văn Hán Nôm, tập 1 Tứ thư, Nxb. KHXH, H. 2002 do Phan Văn Các giới thiệu và dịch chú. Người dịch cho biết đã dựa chính vào bản dịch chú của Dương Bá Tuấn và có tham khảo Chu Hy tập chú Tứ thư, Ngũ kinh. Ngoài phần dịch và chú giải, sách còn có phần dẫn luận về Luận ngữ rất chi tiết và phần chú thích tóm tắt các thiên. Cách trình bày theo từng thiên, gồm nguyên văn và phiên âm đi kèm, kế tiếp là phần chú giải, cuối cùng là phần dịch nghĩa. Riêng phần chú giải được trình bày chiếm tỉ lệ khá lớn, nội dung chủ yếu chú giải nhân danh, địa danh, sự kiện… rất đầy đủ, song chỉ nêu trường hợp cách hiểu khác nhau của từ “thúc tu”.

- Bản dịch Luận ngữ thuộc bộ Tứ thư, Nxb. Quân đội nhân dân, H. 2003 do Trần Trọng Sâm và Kiều Bách Vũ Thuận biên dịch. Các dịch giả cho biết bản Luận ngữ được biên dịch từ nguyên bản tiếng Trung Quốc do Vương Thành Trung chú dịch, Nxb. Nhân dân Hà Nam, 1998. Sách không in nguyên văn, phiên âm và chú giải mà chỉ có phần dịch nghĩa với lời bình. Có thể nói đây là bản dịch thuần túy Luận ngữ và lời bình của tác giả Trung Quốc hiện đại, không có sự đối chiếu so sánh hay tồn nghi nào.

Khổng Phu tử và Luận ngữ, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2004 do Phạm Văn Khoái biên soạn dịch chú. Ngoài phần cuộc đời và học thuyết của Khổng Tử, phần dịch chú Luận ngữ được trình bày nguyên văn chữ Hán, phiên âm và dịch. Đây là bản dịch gần đây nên thể hiện tính kế thừa rõ rệt nhất. Đặt biệt là phần chú thích, tác giả đã nêu ra các cách hiểu khác nhau của 8 trường hợp, phần lớn là ý kiến của các học giả Trung Quốc, Đài Loan và châu Âu.

Như vậy, trong các công trình dịch chú Luận ngữ kể trên tuy ít nhiều có sự kế thừa nhưng việc chú giải một cách đầy đủ các trường hợp tương đồng hay dị biệt trong các bản dịch vẫn còn để trống và nhất là chưa đưa ra hướng giải quyết các trường hợp đó.

Bài viết của chúng tôi được tổng kết trên cơ sở kết quả khảo sát 5 bản dịch toàn văn Luận ngữ được lưu hành phổ biến hiện nay bao gồm: Bản dịch của Đoàn Trung Còn (Trí Đức tòng thơ, Sài Gòn, 1950), Nguyễn Hiến Lê (Văn hóa, 1991, Nxb. Văn học, tái bản 2003), Lê Phục Thiện (Văn học, 2003), bản dịch Luận ngữ trong Ngữ văn Hán Nôm (tập 1, KHXH, H. 2002), trong Tứ thư (Quân đội nhân dân, 2003). Ngoài ra chúng tôi còn đối chiếu với một số bản chú giải mới của các học giả Trung Hoa, đặc biệt là bản Luận ngữ dịch chú của Dương Bá Tuấn và Luận ngữ kim chú kim dịch của Mao Tử Thủy.

2. Cứ liệu so sánh hiện tượng tương đồng và dị biệt

Theo Chu Hi, Luận ngữ có tất cả 20 thiên, 496 chương, chúng tôi lấy chương làm đơn vị so sánh. Đồng thời, để làm cứ liệu so sánh, chúng tôi lập 4 bảng so sánh tỉ lệ tương đồng và dị biệt giữa các bản dịch trên cơ sở lấy bản dịch của Đoàn Trung Còn làm nền.

Khi so sánh các bản dịch, trong trường hợp khác nhau về từ ngữ, cú pháp nhưng không ảnh hưởng đến nội dung tư tưởng của cả chương thì cũng như trường hợp tương đồng. Trường hợp một chương, dù dài hay ngắn, có một đơn vị từ, ngữ hay câu dịch chưa thống nhất làm ảnh hưởng đến nội dung tư tưởng của toàn chương đều được xem như một trường hợp dị biệt. Kết quả khảo sát của chúng tôi thể hiện qua các số liệu bảng sau:

Bảng so sánh bản dịch của Đoàn Trung Còn với bản dịch của Nguyễn Hiến Lê


Thiên

 

Tổng số chương

Số chương tương đồng

Tỉ lệ tương đồng %

Số chương dị biệt

Tỉ lệ dị biệt%

I

16

13

81.25

3 (3, 7, 10)

18.75

II

24

20

83.33

4 (4, 10, 19, 21)

16.67

III

26

24

92.3

2 (5, 20)

7.7

IV

26

26

100

0

0

V

27

26

96.3

1

3.7

VI

28

28

100

0

0

VII

37

33

89.19

4 (2, 13, 16, 17)

10.81

VIII

22

21

95.45

1 (1)

4.55

IX

29

26

89.65

3 (1, 5, 7)

10.35

X

17

17

100

0

0

XI

25

23

92

2 (17, 20)

8

XII

23

21

91.3

2 (1, 12)

8.7

XIII

30

28

93.33

2 (1, 22)

6.67

XIV

47

45

95.74

2 (1, 24)

4.26

XV

41

39

95.12

2 (1, 33)

4.88

XVI

14

13

92.86

1 (9)

7.14

XVII

25

23

92

2 (1, 9)

8

XVIII

11

11

100

0

0

XIX

25

24

96

1 (2)

4

XX

3

2

66.67

1

33.33

Cộng trung bình

496

463

92.124

33

7.876



Hai bản dịch này có tỉ lệ tương đồng là 92,124 %, tỉ lệ dị biệt là 7,876 %, gồm có 33 chương dị biệt.

Đây là hai bản dịch có tỉ lệ dị biệt cao nhất (7,876%). Con số này tập trung ở thiên I, II và VII. Toàn văn bản chỉ có 4 thiên dịch hoàn toàn tương đồng (IV, VI, X, XVII), số còn lại đều có từ 1 đến 3 trường hợp dị biệt.

So sánh bản dịch của Đoàn Trung Còn và bản dịch của Lê Phục Thiện có tỉ lệ tương đồng rất cao là 94,45%, tỉ lệ dị biệt là 5,55 %, gồm có 20 chương dị biệt. Toàn văn bản có tất cả 9 thiên dịch tương đồng. Thiên có tỉ lệ dị biệt cao nhất cũng chỉ có 3 chương (VII, VIII,XII), còn lại phần lớn chỉ có từ 1 đến 2 chương dị biệt. Điều đáng quan tâm là từ thiên I đến thiên VI chỉ có 2 trường hợp dị biệt.

So sánh bản dịch của Đoàn Trung Còn và bản dịch của Phan Văn Các có tỉ lệ tương đồng là 93,69 %, tỉ lệ dị biệt là 6,31%, gồm có 25 chương dị biệt. Toàn văn bản có 5 thiên dịch hoàn toàn tương đồng (III, VI, X, XVIII, XX). Các chương dị biệt tập trung ở thiên II, VII và XIX, còn lại phần lớn các thiên chỉ có 1 trường hợp dị biệt. Đây là hai bản dịch có tỉ lệ dị biệt ở mức trung bình so với các bản dịch khác.

So sánh bản dịch của Đoàn Trung Còn và bản dịch của Trần Trọng Sâm có tỉ lệ tương đồng là 96,5 %, tỉ lệ dị biệt là 3,5%, gồm có 18 chương dị biệt. Con số này cho thấy đây là hai bản dịch có tỉ lệ tương đồng cao nhất, có 8 thiên dịch hoàn toàn tương đồng. Duy nhất thiên VII có 4 trường hợp dị biệt, các thiên khác chỉ có từ 1 đến 2 chương dị biệt.

Từ các số liệu so sánh trên, chúng ta có cái nhìn tổng quát về sự “xuất nhập” trong các bản dịch Luận ngữ. Vì chúng tôi lấy bản dịch của Đoàn Trung Còn làm nền để so sánh nên số chương mà các bản dịch dịch tương đồng với bản dịch của Đoàn Trung Còn có nghĩa là số chương đó tất cả các bản dịch đều tương đồng với nhau.

Tỉ lệ tương đồng bình quân của 5 bản dịch là 94,2%. Đồng thời số chương mà các bản dịch dịch dị biệt với bản dịch của Đoàn Trung Còn chưa hẳn đã dị biệt với nhau. Bài viết lấy tỉ lệ dị biệt bình quân, con số này là 5, 8% trên tổng số 496 chương, tương ứng với 24 chương.

3. Lí giải hiện tượng tương đồng và dị biệt

3.1. Lý giải hiện tượng tương đồng

Trong 5 bản dịch trên, hai bản dịch có tỉ lệ tương đồng cao so với bản dịch của Đoàn Trung Còn là bản dịch của Lê Phục Thiện (94,45%) và bản dịch của Trần Trọng Sâm (96,5%). Sở dĩ các bản dịch có tỉ lệ tương đồng cao như vậy là do hai nguyên nhân chủ yếu sau đây:

Một là, có cùng nguồn tài liệu dịch. Bản dịch của Đoàn Trung Còn được xuất bản lần đầu năm 1950, còn bản của Lê Phục Thiện dịch từ Luận ngữ Chu Hi tập chú, có dịch cả lời bình của Chu Hi. Từ 4 bản so sánh trên cho thấy 3 thiên đầu của Luận ngữ là có số chương dị biệt nhiều nhất (9 chương Nguyễn Hiến Lê hiểu khác Đoàn Trung Còn), bản dịch của Lê Phục Thiện và Đoàn Trung Còn chỉ có 2 chương dị biệt trong 3 thiên này.

Hai là, tính kế thừa và ưu thế số nhiều theo cách hiểu của Chu Hi. Ngoài bản dịch của Lê Phục Thiện ra, bản dịch có tỉ lệ tương đồng cao nhất so với bản dịch của Đoàn Trung Còn chính là bản dịch của Trần Trọng Sâm (96,5%). Bản dịch này được Nxb. Quân đội xuất bản năm 2003, ra đời muộn nhất so với bốn bản dịch khác, do đó sự kế thừa là không tránh khỏi. Điều quan trọng hơn, dịch giả đã biên dịch từ quyển Tứ thư do tập thể các nhà chú giải Trung Quốc là Dương Hồng, Vương Thành Trung, Nhiệm Đại Viện, Lưu Phong chú dịch, Nxb. Nhân dân Hà Nam 1998. Như trong Lời nhà xuất bản của Nxb. Văn học trong quyển Luận ngữ do Lê Phục Thiện dịch có nói: “cho đến nay, chúng tôi nghĩ rằng chưa ai vượt qua Chu Tử trong việc chú giải Luận ngữ” [Luận ngữ, tr.5]. Chính vì vậy, ở Trung Quốc phần lớn các học giả đều theo cách hiểu của Chu Hi. Điều đó cho thấy bản dịch của Trần Trọng Sâm có tỷ lệ tương đồng cao so với bản dịch của Đoàn Trung Còn là không có gì lạ.

3.2. Lý giải hiện tượng dị biệt

Trong 5 bản dịch Luận ngữ nêu trên, có 57 trường hợp dị biệt. Ở đây xin được trình bày 4 trường hợp dị biệt tiêu biểu theo cách lí giải bước đầu như sau:

3.2.1 Sự dị biệt do một bên theo Chu Hy một bên theo các nhà chú giải hiện đại Trung Quốc (chủ yếu là Dương Bá Tuấn)

j子曰:攻乎异端,斯害也已” (Vi chính, 16) Tử viết: “Công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ”.

Chương này có hai cách hiểu, các bản dịch thường chọn một cách hiểu.

- Đoàn Trung Còn dịch:

Khổng Tử nói rằng: “Chuyên tâm nghiên cứu những học thuyết hoang đường, sự ấy có hại cho mình vậy.” Dịch giả bàn thêm: Nếu chọn đạo lý chơn chánh mà theo, đừng chăm học những thuyết dị đoan. Nếu theo tà mà bỏ chính, theo ngọn mà bỏ gốc, thì hại cho đức hạnh của mình vậy.” [Luận ngữ, tr.23].

- Lê Phục Thiện cũng chọn cách hiểu trên và dịch:

“Khổng Tử nói rằng: “Chuyên trị vào dị đoan, ấy là hại vậy” (Luận ngữ, tr.68). Phần chú thích của Chu Hi:

“Phạm thị (thầy họ Phạm) nói rằng: “Công là chuyên trị, như thợ sửa những đồ gỗ, đá, vàng, ngọc, gọi là công. Dị đoan là không phải đạo của thánh nhân, mà riêng biệt làm một mối, như họ Dương, họ Mặc làm cho người trong thiên hạ không biết có cha, không biết có vua. Nếu chuyên trị đạo ấy, muốn được tinh tường, rất có hại vậy.

Trình Tử nói rằng: “Lời nói của nhàPhật, so với họ Dương, họ Mặc, gần vớilẽ dị đoan hơn, càng hại nhiều nữa. Người nghiên cứu học vấn nên xem đó như tiếngdâm, sắc đẹp để tránh xa. Nếu không sẽ xăm xăm bước vào dị đoan vậy.” (Luận ngữ, tr.68-69).

- Phần chú giải của người dịch rất chí lí:

“Nếu ngày nay, chúng ta theo Tống nho mà giải nghĩa hai chữ dị đoan là “đạo trái với đạo của thánh nhân” sẽ hẹp hòi và di hại không ít. Nghĩa chữ dị đoan là trái với chính đạo tức là tà đạo (đạo quái lạ không ngay thẳng, đạo tà ma). Vậy chúng ta có thể giải nghĩa hai chữ dị đoan là đạo mê tín quàng xiên, không bổ ích cho đời sống của con người”. (Luận ngữ, tr.69)

Nguyễn Hiến Lê cũng đồng quan điểm trên (Chuyên tâm nghiên cứu những dị đoan thì có hại).

-Sách Tứ thư và Ngữ văn Hán Nôm đều chọn cùng một cách hiểu:

+ Dám mạnh dạn đấu tranh phê bình chỉ trích tệ hại thói hư tật xấu thì tự nhiên hại họa sẽ tiêu tan. [Tứ thư, tr.133]

+ Đánh vào các thuyết dị đoan thì mối hại sẽ hết. [Ngữ văn Hán Nôm, tr.247]

Đây cũng là cách hiểu của các nhà chú giải hiện đại Trung Quốc. Chúng ta có thể xem lời dịch và chú thích của Dương Bá Tuấn được dịch như sau:

Phê phán những nghị luận mà có nội dung không chân chính thì những điều tai hại (họa hại) có thể bị tiêu diệt (tan biến).

Chú thích:

1Công: trong Luận ngữ tất cả dùng bốn lần chữ “công”, như ba chữ “công” trong câu “Tiểu tử minh cổ nhi công chi” (Các trò đánh trống mà tấn công nó) của thiên Tiên tiến, “Công kỳ ác vô công nhân chi ác” (Phải công phá điều lỗi của mình chứ đừng công phá điều lỗi của người) của thiên Nhan Uyên đều có thể hiểu là “công kích”, ở đây cũng không ngoại lệ.

2. Dị đoan - thời Khổng Tử rõ ràng là chưa có Chư tử bách gia, vì thế mà rất khó để dịch rằng “những học thuyết bất đồng”, nhưng những chủ trương, những ngôn luận khác với Khổng Tử chưa hẳn là không có, cho nên dịch là “những nghị luận mà có nội dung không chân chính”.

3. Tư - liên từ, có nghĩa “chính là”.

4. Dĩ - nên xem như một động từ, nghĩa là chặn đứng. Vì thế mà tôi dịch là “tiêu diệt”. Nếu như giải thích chữ “công” là “trị”, thế thì chữ “tư” phải xem là đại từ chỉ thị, có nghĩa là “đây”; “dĩ dã” phải xem là ngữ khí từ. Toàn văn được dịch là: “Theo đuổi những cái nghiên cứu học thuật mà có nội dung không chân chính, điều này là có hại lắm”. Thông thường giảng theo cách này, văn tự cũng thuận”. (Luận ngữ dịch chú, tr.18)

Dương Bá Tuấn dịch văn cố gắng bám sát nguyên văn nên đã dịch thành câu ghép với hai vế câu rất rõ ràng. Thậm chí chúng ta có thể thêm những liên từ vào để tạo thành câu ghép nhân quả hoặc giả thiết đều rất hợp lí: Vì phê phán những nghị luận không có nội dung chân chính nên những tai hại có thể bị tiêu diệt; nếu phê phán những nghị luận không có nội dung chân chính thì những tai hại có thể bị tiêu diệt.

k: “君,不”(Bát dật, 5)

Tử viết: “Di Địch chi hữu quân, bất như chư chi vong dã.”

Chương này có hai cách hiểu.

- Đoàn Trung Còn dịch rằng: “Đức Khổng Tử than rằng: “Những đoàn rợ Nam Di Bắc Địch ngoài cõi biên thùy, họ còn có vua, chẳng như những dân tộc trong cõi Trung Quốc hiện nay chẳng có vua chúa gì cả!” (Luận ngữ, tr.33)”. Bản dịch Ngữ văn Hán Nôm, Tứ thư cũng dịch như trên. Đoàn Trung Còn bình:

“Đức Khổng Tử ở nhằm thời loạn, vua chư hầu lấn quyền Thiên tử, quan đại phu đoạt quyền vua chư hầu, lại còn tiếm tới quyền Thiên tử (như những chuyện vượtlễ trong những tiết 1, 2, 6) ở chương này. Cho nên đức Khổng Tử buồn giận mà thốt ra mấy lời trên.)” (Luận ngữ, tr.33).

- Trong khi đó, Nguyễn Hiến Lê dịch:

“Khổng Tử nói rằng: “Các nước Di, Địch (ở chung quanh Trung Quốc, lạc hậu) dù: có vua cũng không bằng các nước Hoa Hạ (Trung Quốc) không có vua (vì Hoa Hạ có lễ nghi)”. (Khổng Tử và Luận ngữ, tr.294). Dịch giả Nguyễn Hiến Lê chú thích:

“Chu Hy cho hai chữ “bất như” là không giống; và nghĩa khác hẳn: Khổng Tử có ý than thở các nước chư hầu hồi đó không coi thiên tử nhà Chu ra gì, thành thử Trung Quốc cũng như không có vua. Hiểu theo hai cách đều được cả. Phải biết trong hoàn cảnh nào, Khổng Tử nói câu đó mới rõ ông muốn nói gì”. (Khổng Tử và Luận ngữ, tr.294).

Dương Bá Tuấn và Mao Tử Thủy trình bày hai cách hiểu không đồng nhất.

- Dương Bá Tuấn giải thích được dịch như sau:

“Khổng Tử nói: Những nước có nền văn hoá lạc hậu tuy là có quân chủ cũng không bằng Trung Nguyên không có quân chủ vậy”.

Chú thích:

1. Di Địch hữu quân… vong dã: Dương Ngộ Phù trong Luận ngữ sớ chứng có nói: Di Địch có quân chủ chỉ Sở Trang Vương, Ngô Vương… Quân là ông vua hiền minh. Ý của câu là Di Địch còn có vua hiền minh, không giống như các nước Trung Nguyên không có. Nói thế cũng thông.

2. Vong: giống như “vô”. Trong Luận ngữ, sau “vong” không dùng tân ngữ, sau “vô” phải có tân ngữ”. (Luận ngữ dịch chú, tr.24).

Trong quyển Luận ngữ dịch chú, Dương Bá Tuấn còn có chú thích khác về câu này như sau:

Từ “Bất như” trong sách cổ Tiên Tần nếu như làm vị từ chính trong câu thì thông thường đều được giảng là “bất cập” (không kịp, không bằng). Người xưa giảng từ “bất như” là “không giống” e rằng sai. (Luận ngữ dịch chú, tr.26).

- Mao Tử Thủy chú rằng:

Di Địch, Hoa Hạ trong chương này là phân biệt theo trình độ văn hóa chứ hoàn toàn không phải phân biệt theo chủng tộc hay khu vực. Chữ “quân” trong chương này nên hiểu là chính phủ của một nhà nước chứ không phải chỉ người đang trị vì. "Quân" theo ý của Khổng Tử là đại diện cho pháp luật và trị an. Một đất nước có nền văn hoá thấp nhưng nếu có nền pháp luật và trị an tốt thì văn hoá sẽ dần được nâng cao mà dân sinh cũng ngày càng tiến bộ. Ngược lại một đất nước có nền văn hoá cao nhưng không có pháp luật và trị an thì văn hoá tất ngày càng suy yếu mà dân sinh cũng ngày càng khốn khổ. (Khổng Tử bàn về chính trị rất coi trọng an nhân.)

Và Mao Tử Thủy dịch chương này như sau:

Khổng Tử nói rằng: “Một đất nước có trình độ văn hóa thấp nếu có chính phủ và pháp luật thì sẽ không tệ hại giống như một đất nước có trình độ văn hoá cao mà lại không có trị an!” (Luận ngữ kim chú kim dịch, tr.30).

3.2.2. Sự dị biệt do kiến giải riêng của người Việt

j Tử viết: “Quan thư lạc nhi bất dâm, ai nhi bất thương” (Bát dật, 20).

Trong 5 bản dịch, duy có bản của Nguyễn Hiến Lê là hoàn toàn thống nhất với cách hiểu của Chu Hi, Dương Bá Tuấn và Mao Tử Thủy, chủ yếu ở chữ "dâm" [].

“Khổng Tử nói: “Thiên Thư cưu trong Kinh Thi, vui mà không quá mức, buồn mà không thương tổn” (nghĩa là vui buồn đều đúng tiết, vừa phải)” (Khổng Tử và Luận ngữ, tr.301).

- Chu Hi chú:

Chữ "dâm" nghĩa là vui quá mà mất đi sự đúng mức. (Tứ thư chương cú tập chú, tr.77).

- Dương Bá Tuấn chú:

Dâm: Cổ nhân chỉ phàm những việc gì quá mức bình thường gọi là dâm, như “dâm tự” (Không đáng cúng tế mà cúng tế), “dâm vũ” (mưa lâu ngày) [Luận ngữ dịch chú, Tr.33]

- Mao Tử Thủy dịch chương này:

Khổng Tử nói rằng: “Chương nhạc Thư cưu khiến người ta vui mà không quá mức, khiến người ta buồn mà không đến nỗi thương tổn”. (Luận ngữ kim chú kim dịch, tr.40).

Chương này hầu hết các bản dịch tiếng Việt dịch chữ “dâm” theo nghĩa hiện nay: dâm dật, dâm đãng, buông tuồng. Đoàn Trung Còn có lời bình như sau: “Khi vua Văn vương chưa được bà hậu phi thì xốn xang bức rứt, nhưng không đến nỗi bi thương chán ngán. Đến chừng ngài được bạn vàng thì vui sướng tình cảm cầm sắt, chớ chẳng dâm dật vô độ ở chốn cấm cung” (Luận ngữ, tr.45).

Thiết nghĩ chương này nên hiểu theo Chu Hi và các nhà chú giải hiện đại Trung Quốc là thỏa đáng hơn.

k Tử Hạ viết: “Sĩ nhi ưu tắc học, học nhi ưu tắc sĩ” (Tử Trương, 13)

Chung quanh chương này cũng có những cách hiểu chưa thống nhất.

- Theo Chu Hi:

“Thầy Tử Hạ nói rằng: “Người làm quan còn thừa thì giờ, thừa sức khỏe nên học thêm. Người học giỏi còn thừa thì giờ, thừa sức khỏe, nên ra làm quan”. (Lê Phục Thiện, Luận ngữ, tr.753-754). Bản của Đoàn Trung Còn, Nguyễn Hiến Lê, Tứ thư cũng thống nhất cách hiểu này.

- Lê Phục Thiện dịch lời chú giải của Chu Hi như sau:

“Ưu là có thừa sức. Làm quan và theo học cùng có chung một lẽ nhưng khác việc làm; cho nên làm việc gì, trước hết phải làm đầy đủ công việc của mình; về sau còn dư sức mới học thêm hay ra làm quan. Nhưng người làm quan còn học thêm, việc học sẽ giúp ích cho việc làm quan rất nhiều. Người học giỏi ra làm quan lại thu được nhiều kinh nghiệm cho việc học càng thêm rộng.” (Luận ngữ, tr.754).

- Dương Bá Tuấn thống nhất với Chu Hi cho rằng "ưu" nghĩa là thừa sức.

- Sách Ngữ văn Hán Nôm có cách hiểu riêng khi cho rằng ưu nghĩa là giỏi:

“Tử Hạ nói: Người làm quan nếu là quan giỏi thì luôn học. Học mà giỏi thì ra làm quan” (Ngữ văn Hán Nôm, tr.556).

- Mao Tử Thủy dịch:

Tử Hạ nói: “Làm việc mà còn có thời gian rỗi thì nên truy cầu học vấn; học vấn uyên bác rồi thì nên ra làm việc” (Luận ngữ kim chú kim dịch, tr.293).

Trên đây là 4 trong số khá nhiều những trường hợp dịch dị biệt mà theo chúng tôi bước đầu có thể lí giải theo hai hướng trên. Bên cạnh đó, khi so sánh đối chiếu các bản dịch tiếng Việt với các bản dịch bạch thoại của các học giả Trung Quốc hiện đại, chúng ta cũng có thể tìm ra không ít những dị biệt bất ngờ thú vị. Ví dụ 2 trường hợp sau:

Trường hợp 1:

Tử viết: “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi”. (Thái Bá, 10)

Tất cả 5 bản dịch tiếng Việt đều ngắt câu như trên và, cũng như hầu hết các bản tiếng Hán hiện đại, họ đều dịch thống nhất chương này là:

“Khổng Tử nói: Dân, thì có thể khiến họ làm theo chứ không thể khiến biết đạo lí”. (Ngữ văn Hán Nôm, tr.360).

Đoàn Trung Còn dịch và chú như sau:

“Đức Khổng Tử nói rằng: “Đối với dân, chuyện nào cần làm thì nên khiến họ làm, chớ không nên giảng giải nghĩa lý sâu xa, vi diệu với họ”. (Câu này, có phảiĐức Khổng Tử nói chăng? haylà cườnghào hậuthế gán cho đức Khổng đặng dễ sai dân?) (Luận ngữ, tr.125).

Cách lý giải của tác giả Đồng Bình trong cuốn Bán bộ Luận ngữ học tố nhân hoàn toàn mới mẻ:

Dịch văn:

Dân chúng có thể làm theo yêu cầu của quan phủ thì mặc họ; nếu không thể đi làm theo yêu cầu của quan phủ thì dạy bảo họ. (Luận ngữ bán bộ học tố nhân, tr.18).

Bình luận:

“Hầu hết các bản dịch đều dịch câu này là: Đối với dân, chỉ có thể khiến họ làm theo ý của mình, chứ không thể khiến họ hiểu tại sao phải làm như thế.

Cá nhân tôi (Đồng Bình) thấy rằng có vẻ như quan điểm ngu dân trong câu này mâu thuẫn với quan điểm đề cao hiếu học, truy cầu nhân ái của Khổng Tử.

Tư tưởng của Khổng Tử là xây dựng một xã hội lý tưởng. Chủ trương của Khổng Tử là thông qua giáo dục toàn dân để nâng cao tố chất của họ, từ đó mà phổ cập nhân ái trong toàn quốc. Điều đó chứng minh Khổng Tử là người đầu tiên đề xuất tư tưởng “hữu giáo vô loại”, đem giáo dục từ phạm vi quý tộc mở rộng ra toàn dân. Trong học thuyết của Khổng Tử, ta không hề tìm thấy quan điểm nào cấm dân thành quan, ngược lại có thể tìm thấy rất nhiều luận thuật “học nhi ưu tắc sỹ”. Vì vậy đem câu nói này hiểu ra Khổng Tử thừa nhận chính sách ngu dân thì thật hoang đường và nguy hiểm!

Tại sao lại xuất hiện “dân khả sử”? Điều này chỉ xuất hiện trong “nhân” của Khổng Tử. Trong cục diện này, mối quan hệ "quan - dân" như "phụ - tử", quan dân hòa hợp, nên dân chúng rất vui vẻ nghe theo quan chỉ dẫn. Vì thế mà hàng loạt các điều cấm kị và trừng phạt trở thành đồ thừa, và cũng không cần quản lí dân một cách nghiêm khắc, cho nên “do chi”. Nếu quan và dân không có mối quan hệ hòa hợp như thế thì dân sẽ không nghe theo sự chỉ đạo và sai khiến của quan. Cũng không thể dùng khốc hình để trừng phạt họ mà cần phải tiến hành giáo dục, chính là “tri chi”. Cũng chính trong Luận ngữ, Khổng Tử dạy Tử Du rằng “quân tử học lễ nhạc thì có thể yêu người, tiểu nhân học lễ nhạc thì dễ quản lí”. Câu này có thể chứng minh cho chủ trương của Khổng Tử “dân khả sử tri chi”.

Khổng Tử cả cuộc đời truy cầu nhân ái, Ngài không hề cho rằng nhân ái chỉ thuộc quan mà không liên can gì đến dân. Chúng ta không thể tưởng tượng ra rằng: một mặt Khổng Tử muốn toàn dân theo đuổi nhân ái, một mặt lại cường điệu không thể bảo cho dân biết tại sao cần phải nhân ái?

Sở dĩ xảy ra tình trạng hiểu sai như trên là vì: Vốn Luận ngữ không có dấu câu, dấu câu ngày nay là do người đời sau thêm vào. Vì thế mà chúng ta mạnh dạn sửa dấu câu của câu nói này thành:

“Dân khả sử, do chi; bất khả sử, tri chi”. (Luận ngữ bán bộ học tố nhân, tr.18)

- Trường hợp 2:

Tử viết: “Triêu văn đạo, tịch tử khả hỹ”.(Lý nhân, 8)

Tất cả các bản dịch tiếng Việt đều dịch chữ "đạo" [] là "đạo lý" hoặc "chân lý":

Buổi sáng được nghe đạo lý, buổi tối dù chết cũng được vậy” (Bản dịch của Lê Phục Thiện Luận ngữ, tr.130), và hầu như không chú giải chữ đạo ở đây là từ đa nghĩa.

Mao Tử Thủy giải thích ý nghĩa của từ "đạo" rất thỏa đáng và khác hẳn cách hiểu của Chu Hi cũng như các nhà chú giải hiện đại Trung Quốc:

Kim chú, Tập giải: “đi du thuyết đến sắp chết vẫn chưa nghe được thế chi hữu đạo (thiên hạ thái bình)”. “thế chi hữu đạo” ở đây tức là “thiên hạ hữu đạo” (thiên hạ thái bình). Tập giải đã giải thích chữ "đạo" thật là hợp với ý của "kinh"! Chữ "đạo" trong câu “Lỗ nhất biến chí ư đạo” thiên Ung dã cũng giảng theo ý nghĩa này. Chữ "đạo" trong chương kế tiếp “sỹ chí ư đạo” cũng giảng theo ý nghĩa này là hợp nhất. Những chữ “đạo” này thực tế bao hàm ý nghĩa “thiên hạ hữu đạo”, hoàn toàn không giống với chữ “đạo” trong câu “ngô đạo nhất dĩ quán chi”, “cổ chi đạo dã”! Nhưng từ đời Hán về sau, ngoài Hà Án ra, những người đọc Luận ngữ hầu như giảng sai câu nói “triêu văn đạo” của Khổng Tử. Thái bình ngự lãm 607 dẫn lời của Thận Tử: “Khổng Tử nói: “Khâu thuở nhỏ hiếu học, về sau thì nghe đạo, vì thế mà uyên bác vậy”; Trang Tử, Thiên vận viết: “Khổng Tử du thuyết đến năm 51 tuổi thì không nghe đạo nữa. Hai chữ “văn đạo” ở đây khác với hai chữ “văn đạo” trong Luận ngữ, nhưng có thể nói lại tương tự với “văn đạo” trong chương 41 (bản Hà Thương Công) của Lão Tử. Nhìn chung từ “văn đạo” mà các học giả thời Chiến quốc dùng đã khác với cách dùng ở chương này, ngay cả chữ “văn đạo” trong sách của Mạnh Tử cũng thế. Hứa Hành phê bình Thắng Văn công rằng: “Ông Thắng quả là bậc hiền tài, tuy nhiên vẫn chưa nghe đạo vậy”. (Mạnh TửThắng Văn công thượng). Và cũng chính Mạnh Tử cũng nói Bồn Thành Khoát: “chưa nghe đạo lớn của ngài” (Mạnh Tử, Tận tâm hạ). Chữ "đạo" của Hứa Hành tức là đạo của phái Nông gia; đạo của Mạnh Tử cũng không ngoài nhân nghĩa. Chúng ta có thể nói từ “văn đạo” trong sách của Mạnh Tử về ý nghĩa không giống với “văn đạo” trong Luận ngữ, mà chỉ ý nghĩa nhân nghĩa. Hai chữ "triêu tịch" trong chương này của Luận ngữ không phải biểu thị khoảng cách thời gian, mà biểu thị ý nghĩa thời gian ngắn, nối tiếp. Từ hai câu nói chúng ta có thể hiểu được tình cảm ưu thế ái dân suốt cuộc đời của Khổng Tử. (Luận ngữ kim chú kim dịch, tr.48-49).

Mao Tử Thủy dịch:

Khổng Tử nói rằng: “Nếu như có một ngày nghe được tin thiên hạ thái bình thì lập tức chết đi cũng an lòng”. (Luận ngữ kim chú kim dịch, tr.49)

Tác giả Đồng Bình trong quyển Bán bộ cũng có lời bình khá thú vị: “triêu văn đạo tịch tử khả hỹ”, cho dù chữ đạo có ý nghĩa là gì đến nay vẫn chưa có ý kiến thống nhất nhưng hai nghìn năm trăm năm nay nó vẫn được nhiều người trích dẫn, cho thấy sức hấp dẫn mạnh mẽ của câu nói. Trên thực tế thì khi chúng ta trích dẫn câu nói này chúng ta thường gắn một ý nghĩa nào đó cho chữ đạo, thậm chí một chàng trai bày tỏ quyết tâm theo đuổi một cô gái cũng có thể dẫn câu nói này. Tôi nghĩ câu nói này của Khổng Tử biểu thị hai tầng ý nghĩa, một là bày tỏ quyết tâm theo đuổi một chân lý, hai là nói việc theo đuổi chân lý không phải ở chỗ sớm hay muộn, cho dù bạn đã bước vào những năm tháng cuối cuộc đời, nhưng chỉ cần có quyết tâm và hành động theo đuổi chân lý thì cũng không phải là muộn (Luận ngữ bán bộ học tố nhân, tr.193).

Chữ đạo chương dưới đây cũng cùng một ý nghĩa với chương trên:

Tử viết: “Tề nhất biến, chí ư Lỗ; lỗ nhất biến, chí ư đạo”. (Ung dã, 22)

Chương này tất cả các bản dịch tiếng Việt đều thống nhất, và dịch chữ đạo là: Đạo đức của Thánh hiền, đạo của Tiên vương, đạo của tiên vương, hoặc đạt được vương đạo… Mao Tử Thủy cho rằng:

Đạo: chính là đạo trong câu “triêu văn đạo tịch tử khả hĩ”, nghĩa là “thiên hạ hữu đạo” (Luận ngữ kim chú kim dịch, tr.49).

-Mao Tử Thủy dịch rằng:

Khổng Tử nói: “Nền chính trị của nước Tề cải biến một chút thì có thể đuổi kịp nền chính trị nước Lỗ; nền chính trị nước Lỗ cải biến một chút thì có thể đạt đến cảnh thái bình” (Luận ngữ kim chú kim dịch, tr.49).

Tóm lại, năm bản dịch có sự thống nhất rất cao, tỉ lệ tương đồng giữa chúng là 94,2 %. Con số này cho thấy các dịch giả Việt Nam đã làm việc hết sức thận trọng. Các bản dịch này xứng đáng làm cầu nối văn hóa cho đông đảo bạn đọc đến được với tinh hoa văn hóa nhân loại. Bên cạnh đó, những tài liệu này còn là tài liệu thiết thực giúp ích cho những ai muốn tìm hiểu về Khổng Tử hay nghiên cứu về Nho giáo.

 

Tài liệu tham khảo

·Tài liệu tiếng Việt:

1. Luận ngữ. Đoàn Trung Còn dịch Trí Đức tòng thơ, Sài gòn 1950.

2. Nguyễn Hiến Lê: Khổng Tử và Luận ngữ, Nxb. Văn học, H. 2003.

3. Ngữ văn Hán Nôm: Trần Lê Sáng (chủ biên), Nxb. KHXH, H. 2002.

4. Tứ thư. Trần Trọng Sâm, Kiều Bách Vũ Thuận dịch, Nxb. Quân đội nhân dân, H. 2003.

5. Luận ngữ. Lê Phục Thiện dịch, Nxb. Văn học, H. 2002.

·Tài liệu tiếng Trung

6 (1958) - 注,古社,北.

7. 毛子水 (1984) - 译,台行,台.

8.  (2001) - 注,上社、安.

9. 佟平 (2005) - 人,金社,北./.

(Tạp chí Hán Nôm, Số 3 (94) 2009; Tr. 65-77)