27/2/22

Lũng Tây hành . Trần Đào


隴西行其二         Lũng Tây hành kỳ 2
誓掃匈奴不顧身 Thệ tảo Hung Nô bất cố thân
五千貂錦喪胡塵 Ngũ thiên điêu cẩm táng Hồ trần
可憐無定河邊骨 Khả liên Vô Định hà biên cốt
猶是春閨夢裡人 Do thị xuân khuê mộng lý nhân.
陳陶             Trần Đào

Chú.
- 隴西 Lũng Tây, xưa là vùng đất biên giới phía Bắc của Tàu, nay thuộc tỉnh Cam Túc.
- 行 hành: tên một loại thơ xưa, thường được viết theo thể cổ phong, nhạc phủ .. (nhưng bài Lũng Tây hành trên đây là một bài thơ luật tuyệt). Vài bài hành nổi tiếng: Tì bà hành (Bạch Cư Dị), Hiệp khách hành (Lí Bạch), Sở kiến hành (Nguyễn Du),  Hành phương Nam (Nguyễn Bính), .. 
- 匈奴 Hung Nô, chỉ bộ tộc ở vùng biên cảnh phía tây-bắc nước Tàu.
- 顧 cố: quay đầu nhìn. 不顧 bất cố: không quay đầu nhìn, không để ý tới. Bất cố liêm sỉ: ko kể gì đến liêm sỉ. 
- 貂 điêu: tên một loại chuột to, da có thể dùng làm mũ, áo ấm, rất quý. 錦 cẩm: áo gấm. 貂錦 mũ diêu áo gấm, ở đây chỉ tướng sĩ của một đơn vị được trang bị rất tốt, hẳn là một đơn vị thiện chiến. 
- 胡塵 Hồ trần: đất người Hồ. 胡 Hồ: Người Hồ, giống dân thời xưa ở phương bắc và tây Trung quốc. 塵 trần: bụi đất. 
- 可憐 khả liên: khá thương, đáng thương thay. 
- 無定河 Vô Định hà: sông Vô Định, một nhánh của sông Hoàng Hà, ở phía bắc tỉnh Thiểm Tây. Do sông chảy qua vùng đất cát bị đổi dòng luôn, nên có tên "Vô Định". Nơi đây từng là chiến trường, giữa quân Hán và Hung Nô, nơi vùi thây quân lính của hai bên. Kiều: Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.
- 猶是 do thị: như 還是 hoàn thị = vẫn còn là. 
- 春閨 xuân khuê: phòng xuân. Chỉ phòng riêng của phụ nữ còn trẻ.
- 夢裡人 mộng lí nhân: người trong mộng.
陳陶 Trần Đào (812 ~ 885), nhà thơ thời Vãn Đường. 
Ông có một chùm bốn bài Lũng Tây hành, trong đó bài thứ hai (trên đây) được nhiều người biết đến hơn cả. Tác giả sống vào thời Vãn Đường, những cuộc chiến tranh xảy ra liên miên, lúc với Thổ Phồn, Đột Quyết; lúc với các phiên trấn không quy phục triều đình, với quân khởi nghĩa Hoàng Sào, ... . Tác giả mượn chuyện Lí Lăng chinh phạt quân Hung Nô thời nhà Hán để phản ánh nỗi khổ loạn li của người dân bấy giờ.

Nghĩa. Bài hành Lũng Tây thứ 2
Thề quét sạch quân Hung Nô không tiếc thân mình, năm ngàn chiến sĩ mũ da áo gấm đã vùi thân nơi đất Hồ.
Thương thay bộ xương bên dòng sông Vô Định, vẫn còn là người trong mộng của người thiếu phụ trẻ nơi phòng khuê. 

Tạm dịch
Thề quét Hung Nô chẳng tiếc thân,
Đất Hồ vùi xác mấy ngàn quân.
Xương bờ Vô Định dầm sương gió,
Gái chốn phòng khuê mỏi giấc xuân.

.

Một số bản dịch thơ thấy trên trang thivien . net

.

Thề quét Hung Nô sá mất còn

Năm nghìn tướng sĩ đất Hồ chôn

Thương thay! Xương chất bờ Vô Định

Mà vẫn người trong mộng gối xuân.

Khương Hữu Dụng

.

Đánh Hung Nô quyết liều thân

Năm ngàn tướng sĩ vùi xuân đất Hồ

Sông Vô Định đống xương khô

Người còn trong mộng mấy cô khuê phòng

Trần Trọng Kim 

.

Quên mình thề giết Hung Nô

Năm ngàn tướng sĩ bụi Hồ vùi thân

Bên sông Vô Định xương tàn

Vẫn người trong giấc mộng xuân khuê phòng

Trần Trọng San


đống xương Vô Định đã cao bằng đầu (Kiều)


25/2/22

Tam giáo đại cương

Trần Văn Hiến Minh, Vũ Đình Trác
Sách giáo khoa lớp Đệ Nhất ban C, D ở Nam trước 1975




19/2/22

TÔI TƯ VẤN CHO BỆNH NHÂN COVID


Bài của BS Trần Văn Phúc
============================
Như tôi vẫn dự báo, trong cuộc chiến chống Covid, thì vaccine vẫn là một vũ khí cực kì quan trọng, giúp ngăn chặn hầu hết ca bệnh nặng.
Nhưng vaccine không phải là thần dược để kết thúc đại dịch.
Covid như cháy rừng, nó chỉ tự dập tắt khi đa số cây đã bén lửa, tức là đại dịch chỉ kết thúc khi đa số người trong cộng đồng bị nhiễm, tôi ước tính phải trên 70% các trường hợp dương tính .
Mặc dù VN đã tiêm chủng cho hầu hết dân số từ 12 tuổi trở lên, nhưng tôi dự đoán những ngày tới số ca nhiễm sẽ tăng đột biến, may mắn là hầu hết bệnh nhân chỉ bị nhẹ, đa phần tự khỏi mà không cần điều trị gì đáng kể.
Bản thân tôi chỉ là một bác sĩ Xquang hạng 3.
Tôi không phải là bác sĩ điều trị lâm sàng, nhưng từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội cho đến nay, nhiều bệnh nhân không có điều kiện tiếp cận y tế đã nhờ tôi tư vấn, từ những kiến thức hạn chế mà tôi có, cùng với kinh nghiệm đúc kết, cũng như kết quả bệnh nhân tôi tư vấn đều thoát khỏi Covid, nay tôi xin chia sẻ lên đây để mọi người tham khảo.
👉 TƯ VẤN 1
Mọi người tự cách li ít nhất 10 ngày khi xuất hiện bất kì triệu chứng nào sau đây:
✓ Sốt.
✓ Ho mới xuất hiện, cơn ho liên tục.
✓ Mất hoặc thay đổi khứu giác, vị giác.
Sau đó xét nghiệm test nhanh kháng nguyên, nếu âm tính xét nghiệm tiếp những ngày sau, mỗi ngày xét nghiệm 1 lần.
Ngay khi hết triệu chứng, đặc biệt là triệu chứng hết sốt, vẫn phải cách li tiếp tục ít nhất 24 giờ để không lây bệnh cho người khác.
👉 TƯ VẤN 2
Những bệnh nhân test nhanh Covid dương tính, nếu đủ tiêu chuẩn sau, thì chỉ cần ở nhà theo dõi sức khoẻ.
✓ Tuổi từ 3 tháng đến 49 tuổi.
✓ Chưa phát hiện bệnh nền.
✓ Không mang thai.
✓ Đã tiêm đủ vaccine với người từ 12 tuổi trở lên.
✓ Chưa có biểu hiện bệnh nặng và SpO2 từ 97% trở lên.
Những trường hợp không đủ tiêu chuẩn trên, cần hỏi ý kiến bác sĩ để có đánh giá, tư vấn cụ thể.
👉 TƯ VẤN 3
Bổ sung nước là ưu tiên hàng đầu với bệnh nhân Covid!
Giống như hầu hết các bệnh virus khác, uống đủ nước đứng đầu danh sách điều trị, đặc biệt là bệnh nhân sốt cao, nôn hoặc tiêu chảy gây mất nước.
Mất nước sẽ gây rối loạn điện giải, làm giảm hấp thụ và chuyển hoá các chất dinh dưỡng quan trọng, gây khô và tổn thương niêm mạc hay màng nhầy, đặc biệt niêm mạc ở đường hô hấp bị tổn thương gây ho và tạo điều kiện virus xâm nhập.
Đàn ông cần 3,5 lít và phụ nữ cần 2,5 lít nước.
Trẻ nhỏ những ngày đầu biếng ăn, tôi thường hướng dẫn cho uống nước luộc gà thêm ít bột canh vừa bổ sung nước, lại thêm chất điện giải và dinh dưỡng. Nếu uống được Oresol càng tốt. Nhưng không phải ai cũng uống được Oresol, vì thế mà luộc gà cho ít muối, thêm gừng vào nữa sẽ rất hiệu quả chữa Covid.
Người dân Nam Bộ không nên dùng nước dừa.
Bởi theo đông y, nước dừa thuộc hàn có tính lạnh, trong khi Covid giai thể nhẹ là bệnh phong hàn; hàn trị hàn làm cho bệnh càng trở nên nặng hơn.
👉 TƯ VẤN 4
Điều trị hạ sốt là chính!
Khi sốt trên 38,5 độ C thì dùng thuốc hạ sốt Paracetamol, uống cách nhau 4-6 tiếng, người lớn không uống quá 650mg mỗi lần.
Nên thận trọng sử dụng hạ sốt Ibuprofen.
Mặc dù chưa có bằng chứng Ibuprofen kém an toàn hơn, nhưng theo tôi, thuốc này nên được bác sĩ hướng dẫn chứ người bệnh không tự ý mua về dùng.
Trẻ em chưa tiêm vaccine, tôi thấy thường sốt cao và có thể rét run li bì trong 24 giờ đầu, cùng lắm là 36 giờ đã giảm căn bản, sau 48 giờ là thân nhiệt trở lại bình thường, ít trẻ quá 72 giờ.
Người lớn cũng hay sốt cao trong 24 giờ đầu.
Thông thường chỉ số trong 3 ngày, trường hợp nếu sốt cao trên 3 ngày cần hỏi bác sĩ, hoặc đến bệnh viện.
👉 TƯ VẤN 5
Ngoài thuốc hạ sốt hạn chế dùng các thuốc khác!
Hãy nhớ câu nói: “Thị dược tam phân độc”. Có nghĩa là, ngay cả thuốc bổ cũng có ba phần độc, huống chi các thuốc khác. Chính vì vậy, những bệnh nhân tôi tư vấn tại nhà, đến nay ngoài thuốc hạ sốt và cùng lắm là thuốc ho, thêm ít vitamin tổng hợp; ngoài ra tôi chưa dùng thêm thuốc gì khác.
✓ Không dùng kháng sinh khi chưa bị bội nhiễm vi khuẩn.
Bệnh nhân Covid do virus gây nên, vì thế mà 3 ngày đầu những bệnh nhân theo dõi ở nhà tôi chưa thấy trường hợp nào bị bội nhiễm, nên chưa tư vấn cho ca bệnh nào dùng kháng sinh.
Bệnh do virus nó sẽ tự khỏi.
Ngược lại, tôi thấy các bệnh nhân xui nhau uống thuốc kháng sinh ngay từ ngày đầu tiên, thậm chí uống 2 – 3 loại kháng sinh. Dùng thuốc như vậy sẽ gây tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Đồng thời, thuốc cũng gây gánh nặng cho lục phủ ngũ tạng của cơ thể, sức đề kháng suy yếu vì lạm dụng thuốc, tạo điều kiện cho virus càng phát triển.
✓ Cẩn thận khi dùng thuốc ho.
Với bệnh nhân ho ít, có thể hết sau vài ngày, không cần dùng thuốc. Trường hợp ho nhiều, gây phù nề đường hô hấp trên, mệt và mất ngủ, thì 3 ngày đầu có thể dùng Terpin Codein. Có ý kiến cho rằng thuốc ho có thành phần Codein sẽ ức chế hô hấp, nên chống chỉ định với bệnh nhân Covid. Thực tế, trong 3 ngày đầu bệnh nhân không bị suy hô hấp, vì thế mà dùng Terpin Codein rất có hiệu quả, giảm ho rõ rệt và bệnh nhân nhanh khỏi.
Thuốc ho thông thường cũng hiệu quả.
Trên thị trường có một số sản phẩm đông dược trị ho, cả thực phẩm chức năng trị ho khá đắt tiền, theo tôi cần phải thận trọng, bởi khi tôi đọc các vị thuốc tôi thấy có sự bế tà, nếu uống ở thời kì tà khí đang vượng như bệnh nhân sốt chẳng hạn, thì tà khí sẽ bị giữ lại, người bệnh đỡ ho nhưng tình trạng bệnh có thể nặng hơn hoặc kéo dài.
Đừng nghĩ cứ đông dược là an toàn, vì câu nói “Thị dược tam phân độc”, thuốc ho đông dược cũng vậy.
✓ Cẩn thận khi dùng thuốc ức chế virus.
Hiện nay có thuốc ức chế virus được cấp phép, có thuốc chưa được cấp phép nhưng bán chui bán dạo rất nhiều, giá cực kì đắt đỏ.
Chưa có thuốc ức chế virus nào thuyết phục được tôi.
Tôi cũng theo dõi những bệnh nhân dùng thuốc ức chế virus, đến nay tôi nhận thấy, dường như không mấy hiệu quả, thậm chí kéo dài ngày hơn so với không dùng.
Có lẽ do “Thị dược tam phân độc”.
Tôi cứ suy diễn thế này cho dễ hiểu, virus mãn tính giống như thằng có tính tắt mắt móc túi vặt, người bị mất trộm phát hiện được có thể dùng sức mạnh của mình để khống chế bắt tại chỗ, hoặc ngăn chặn không cho nó hành động. Ví dụ viêm gan virus B mãn, HIV chẳng hạn, thì dùng thuốc kháng virus cực kì hiệu quả.
Nhưng nếu gặp phải toán cướp có súng, khi nó đã tấn công để cướp, thì cách không ngoan nhất là bỏ chạy thoát thân, nếu dại dột tấn công lại nó thì dễ bị ăn đạn, nhẹ thì tàn phế mà nặng thì toi mạng. Virus gây bệnh Covid cũng thế, là tối cấp tính, nó xâm nhập vào cơ thể từ lúc ủ bệnh đến toàn phát đã có tỉ tỉ virus, thuốc ức chế được đáng bao nhiêu, mà lợi bất cập hại.
Tác dụng ức chế đâu chẳng thấy, nhưng có khi teo chỗ nọ liệt chỗ kia, thì thật là phiền; và trước mắt thì tốn tiền. Đó là lí do tôi không hướng dẫn cho những trường hợp điều trị tại nhà dùng thuốc kháng virus.
✓ Corticoid và chống đông chỉ nên dùng trong bệnh viện.
Thời kì đầu của đại dịch, do chưa hiểu hết về bệnh Covid, nên có giả thuyết cho rằng tình trạng viêm phổi nặng do bão Cytokine, vì thế mà dùng Corticocid sớm. Nhưng đến nay, Corticoid chỉ được dùng ở giai đoạn bệnh nặng có đông đặc nhu mô phổi, hiệu quả cũng chưa rõ ràng.
Cá nhân tôi cũng chưa bao giờ tư vấn cho bệnh nhân điều trị tại nhà bằng Corticoid, cũng như vậy với thuốc chống đông nếu bệnh nhẹ theo tôi không cần thiết.
✓ Cẩn thận khi dùng thực phẩm chức năng.
Hiện nay có một số thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị Covid, được nhiều người ca ngợi, nhưng khi đọc thì tôi thấy không nên dùng khi bệnh đang còn.
Hãy nhớ Covid là bệnh phong hàn.
Có loại thực phẩm chức năng thành phần có vị hàn, mà hàn trị hàn là không ổn. Chỉ ở giai đoạn nhu mô phổi đông đặc, đông y gọi là ngoại hàn sinh nội nhiệt, thì các sản phẩm này sử dụng mới có tác dụng.
Cũng như vậy, có loại thực phẩm chức năng bế tà, mà virus là độc bệnh gây tà khí, nếu giữ tà khí trong cơ thể thì bao giờ mới khỏi được. Nếu người bệnh muốn dùng, thì hãy đợi khi Covid đã khỏi, chỉ còn những triệu chứng như húng hắng ho, thì uống để hỗ trợ thì được.
Vì thực phẩm chức năng quá đắt, hiệu quả cũng mù mờ, nên tôi chưa hướng dẫn bệnh nhân dùng bao giờ, chỉ quan sát những bệnh nhân tự ý dùng, thì những điều tôi chiêm nghiệm rút ra từ nguyên lí đều thấy đúng.
👉 TƯ VẤN 6
Gừng tươi là vị thuốc rất quý với Covid!
Đúng ra, phải nói có hai vị thuốc đông y rất quý, đó là gừng tươi và nghệ tươi; cả hai có tác dụng chống viêm đáng kinh ngạc.
Nhưng nghệ thì ít người thích dùng.
Vây hãy dùng gừng tươi: một củ bằng ngón tay cái, cạo vỏ, giã nhỏ, hãm nước nóng, uống ngày 2 lần sáng và tối, mỗi lần 1 củ.
Ngoài ra, hành và tía tô rất tốt, nấu cháo ăn để toát mồ hôi hạ sốt.
Theo đông y, gừng và nghệ, cũng như hành và tía tô là những vị có tính ấm nóng, tác dụng giải cảm. Mà bệnh Covid là phong hàn, nên các vị này cực kì có hiệu quả.
🙏 KẾT LUẬN
Với những bệnh nhân Covid theo dõi ở nhà, tôi chỉ hướng dẫn nếu sốt trên 38,5 độ thì uống hạ sốt Paracetamol, cùng với uống nước gừng tươi sáng và tối, trước đây 3-5 ngày bệnh nhân hết triệu chứng. Ở thời điểm hiện tại, cũng chỉ cần như vậy sau 3 ngày đã hết sốt, chỉ hơi đau nhức người và húng hắng ho chút. Bệnh nhân tôi hướng dẫn chưa thấy ai phải đi viện. Tuy nhiên, tôi khuyến cáo những trường hợp sau 3 ngày vẫn có sốt cao không hạ, các triệu chứng tăng lên, thì cần khám hoặc có ý kiến của bác sĩ.
P/s: Trên đây là những chia sẻ của bác sĩ Xquang hạng 3, tôi chỉ giúp cho những bệnh nhân không có điều kiện tiếp cận y tế, bài viết của tôi chỉ có tác dụng tham khảo, không phải là khuyến cáo chính thức.
link https://www.facebook.com/Bs.Phuc.Radiologist/posts/5501831256497123?

14/2/22

Chuyện vui ngày valungtung

 (đọc được trên mạng)

1. Vợ nũng nịu hỏi chồng

- anh à, valinhtinh anh tặng chi cho em nè

- bộ em tưởng anh khùng hả? có bao giờ em thấy có người câu được cá rồi lại banh miệng nó ra đút mồi vào ko?

2. Vợ nhắn tin cho chồng:

Anh ko phải gãi đầu gãi tai nhớ màu son em dùng hay nhãn nước hoa em thích .. Anh cũng đừng khổ sở tìm món quà bất ngờ gì cho ngày valungtung anh nhé.

Cứ ting ting vào tài khoản em là được. Mọi chuyện còn lại cứ để em lo.

3. Tiền bạc ko phải là thứ quan trọng nhất trên đời. Yêu mới quan trọng. May thay, tôi yêu tiền.
Jackie Mason.


13/2/22

Cổ ý. Tùng Thiện Vương

 古意  

君家江之南
妾家江之北
一葦上可杭
相見不可得
從善王


Âm Hán Việt

Cổ ý

Quân gia giang chi nam

Thiếp gia giang chi bắc

Nhất vĩ thượng khả hàng

Tương kiến bất khả đắc

Tùng Thiện Vương.


Chú thích. 

- 古意 cổ ý: ý cũ. Tác giả mượn ý cũ trong thơ xưa.

- 葦 vĩ: loại thuyền thân hẹp mà dài như lá cỏ. 蘆葦 lô vĩ: cỏ lau, sậy.

- 杭 hàng, như chữ 航 hàng = đi qua sông.

- 相見 tương kiến = gặp nhau

- 不可得 không thể được.

Bài thơ lấy tên là cổ ý = ý cũ, là tác giả mượn ý cũ trong thơ xưa (ai bảo người xưa ko có khái niệm plagiarism?!). Trong bài này tác giả mượn hai ý cũ.

+ hai câu đầu: là từ câu thơ nổi tiếng 君在湘江頭,妾在湘江尾 quân tại Tương giang đầu, thiếp tại Tương giang vĩ (= chàng ở đầu sông Tương, thiếp ở cuối sông Tương) là ca từ của một khúc cổ cầm xưa (cũng có người cho là trích từ bài thơ của Lương Ý Nương thời Ngũ đại bên Tàu) đã rất quen thuộc với người Việt, được nhiều người mượn ý: Nguyễn Du trong Truyện Kiều 

Sông Tương một giải nông sờ
Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.

Đặng Trần Côn trong Chinh phụ ngâm khúc:

Tiêu Tương yên trở Hàm Dương thụ,
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang.
Tương cố bất tương kiến,
Thanh thanh mạch thượng tang.

được Đoàn Thị Điểm (Phan Huy Ích?) dịch

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Khoảng những năm 196x, Hoài Vũ cũng từng mượn ý viết mấy câu thơ đầu tiên trong bài Gởi miền Hạ:  

Anh ở đầu sông em cuối sông
Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông
Thương nhau đã chin ba mùa lúa
Chưa ngày gặp lại, nhớ mênh mông!

từng được Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc (1978).

+ hai câu cuối là mượn ý từ câu thơ cổ trong Kinh Thi 誰謂河廣, 一葦杭之 thùy vị Hà quảng, nhất vĩ hàng chi = ai bảo sông Hoàng Hà là rộng, một cọng lau cũng qua được.

Tác giả: Tùng Thiện Vương (1819 - 1870) tên thật Nguyễn Phúc Miên Thẩm, con trai thứ 10 của vua Minh Mạng, là nhà thơ từng được vua Tự Đức khen ngợi hết lời: "Thi đáo Tùng Tuy thất Thịnh Đường" ( = thơ đến như Tùng Thiện Vương, Tuy Lí Vương thì thời Thịnh Đường cũng không có được, ghê!)


Nghĩa: Ý cũ

Nhà chàng ở phía nam con sông,
Nhà thiếp ở phía bắc con sông.
Một chiếc thuyền lau là có thể qua sông
Mà gặp nhau thì không được.

Xưa, chỉ uống nước chung dòng mà ko gặp được nhau đã làm đôi trai gái nhớ nhung đến thế, nay nhìn thấy nhau mà không gặp được, họ đau đớn biết bao nhiêu! Tình cảnh có như nay các anh các chị có thể thấy nhau qua video mà ko thể gặp mặt nhau ko nhỉ!


Tạm dịch

Nhà chàng ở bờ nam, 

Nhà thiếp bên bờ bắc.

Chiếc thuyền lau đủ sang,

Mà gặp nhau chẳng đặng.


Đọc thêm một số bản dịch cho vui (chép lại từ trang thivien . net)


Nhà anh ở bờ nam

Nhà em ở bờ bắc

Thuyền lau có thể sang

Thấy nhau mà chẳng gặp

Trương Việt Linh


Nhà chàng ở phía nam sông

Bắc sông nhà thiếp khó lòng gì đâu

Cây lau còn bắc được cầu

Thế mà chẳng được thấy nhau dễ dàng

Nguyễn Phước Bảo Quyến


Nhà em ở phía bắc sông

Nhà anh chỉ ở cách dòng, phía nam

Một cành lau đủ đưa sang

Mà đây với đó khôn đàng gặp nhau

Lương An.

hoa trong vườn





4/2/22

Xuân hiểu . Trần Nhân Tông

春 曉

睡起啟窗扉,

不知春已歸。

一雙白蝴蝶,

拍拍趁花飛。

陳仁宗

Giản thể

春 晓
睡起启窗扉,不知春已归。
一双白蝴蝶,拍拍趁花飞。
陈仁宗

Âm Hán Việt

Xuân hiểu

Thụy khởi khải song phi,

Bất tri xuân dĩ quy.

Nhất song bạch hồ điệp,

Phách phách sấn hoa phi.

Trần Nhân Tông.

Chú thích

- 春 曉 xuân hiểu: sáng sớm mùa xuân

- 窗扉 song phi: cánh cửa sổ. 扉 phi: cánh cửa. 丹扉 đan phi = cửa son. 柴扉 cửa phên. 心扉 tâm phi: cửa lòng.

- 一雙 nhất song: một cặp. 

- 蝴蝶 hồ điệp: bươm bướm. 

- 拍拍 phách phách: (từ tượng thanh) phần phật, phành phạch.. 拍 phách: vỗ.  拍手 phách thủ: vỗ tay.

- 趁 sấn: đuổi theo.

陳仁宗 Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua thứ ba đời nhà Trần, là người lãnh đạo trong cuộc chiến tranh chống quân Nguyên Mông lần 2 và lần 3. Sau khi ở ngôi 15 năm, ông nhường ngôi cho con, làm Thái thượng hoàng, đi tu và mở ra thền phái Trúc Lâm.

Nghĩa:

Sáng sớm mùa xuân.

Ngủ dậy mở cánh cửa sổ, không hay xuân đã về.

Một đôi bướm trắng, tìm mấy bông hoa bay tới.

*

Tạm dịch

Ngủ dậy mở cửa sổ,
Ai hay xuân đã về.
Có một đôi bướm trắng,
Phấp phới bay tìm huê

*

Một số bản dịch thơ khác (chép từ trang thivien . net)


Ngủ dậy ngỏ song mây

Xuân về vẫn chửa hay

Song song đôi bướm trắng

Phất phới sấn hoa bay.

Bản dịch của Ngô Tất Tố


*

Ngủ dậy mở cửa sổ,

A, xuân về rồi đây!

Kìa một đôi bướm trắng,

Nhằm hoa, phơi phới bay.

Trần Lê Văn


*

Ngủ dậy, mở cánh cửa,

Xuân về đã chẳng hay!

Bươm bướm một đôi trắng

Phơi phới nhắm hoa bay

Lê Mạnh Thát


*

Ngủ dậy, mở cửa trông

Nào hay Xuân mênh mông

Kìa một đôi bướm trắng

Vỗ vỗ cánh vờn bông!

Nguyễn Lương Vỵ.




photo in the net