21/11/19

Vườn xưa

Nghe Trịnh Công Sơn kể một câu chuyện tình



Một hôm chàng ghé thăm nhà một người bạn cũ, đã rất lâu chưa gặp.

Người lên tiếng hỏi người có không
Người đi vắng về nơi bế bồng

Một chiếc thuyền hoa nào đã rước mất thuyền quyên ... Chỉ còn lại nơi vườn xưa một bông hồng trắng hờ hững, chiếc lá vàng quạnh quẽ như chuyện tình xưa ..

Một chuyện tình buồn man mác. Và chắc không ngắn như lời kể lại ..

Tế Hanh cũng có bài thơ mang tên Vườn Xưa kể câu chuyện hai người yêu nhau nhưng không được gặp mặt. bài thơ được nhiều người phổ nhạc. Nghe lại bản do Phạm Anh Dũng phổ.




Coffee on terrace. tranh Volegov

20/11/19

Bài 1. Âm vần tiếng Hoa. Pinyin


Âm vần tiếng Hoa
Tương tự tiếng Việt, một câu nói tiếng Hoa có thể có một hay nhiều tiếng, mỗi tiếng ứng với một âm tiết; viết ra chữ, mỗi tiếng ứng với một chữ.
Lại cũng giống tiếng Việt, trong tiếng Hoa mỗi âm tiết cũng có các thành phần:
- phụ âm đầu (thanh mẫu) [có thể có hay không]
- vần (vận mẫu)
- thanh (thanh điệu)
Hệ thống ngữ âm tiếng Hoa có 21 phụ âm đầu, 36 vần và 5 thanh.

Pinyin
Có nhiều cách ghi âm tiếng Hoa, thông dụng nhất là dùng hệ thống phiên âm pinyin. Đó là cách dùng các chữ cái latin a, b, c .. cùng với 4 dấu chỉ thanh điệu để ghi âm đọc tiếng Hoa.
Tiếng Hoa nói đây là chỉ Tiếng Hán Tiêu Chuẩn, hiện đang được nói ở Trung hoa lục địa, lẫn Đài Loan, và cả Singapore, Malaysia. Điều này sẽ trình bày thêm sau.

Còn giờ thì mời các bạn nghe một cô giáo trẻ xinh đẹp hướng dẫn cách phát âm tiếng Hoa. Học tiếng thì phải nghe trực tiếp mới quen tai được, không thể chỉ nghe mô tả ..
Playlist sau gồm 5 bài học và một bài ôn, chia ra thành 7 clip, mỗi clip chạy khoảng 15 phút. Một số bài có phần bài tập, phần đáp án các bài tập thường nằm ở phần comment bên dưới.

https://www.youtube.com/playlist?list=PLGFHzdaCORrxxFCEJUTsvpei1dGSBHsdF

Nếu mỗi ngày xem một clip (vài lần), thì trong một tuần là xong. Ai có ý định học tiếng Hoa để giao tiếp thì cần học kĩ bài này, luyện phát âm những âm vần cơ bản thật tốt. Thật ra nếu chỉ có ý định học nghe nói tiếng Hoa cơ bản, thậm chí chỉ cần học pinyin, không cần học chữ Hán cũng được.

*
Nói thêm về tiếng Hoa.
Người ta kể ngày xưa cụ Phan Bội Châu khi qua Nhật gặp nhà cách mạng Tàu Lương Khải Siêu hay các quan chức Nhật đều có thể nói chuyện với nhau .. bằng bút.
Không chỉ giữa người Việt với người Tàu hay người Nhật, mà ngay giữa người Tàu với nhau, người vùng này nói người vùng kia nghe cũng không hiểu được. Các vị anh hùng Lương Sơn Bạc hay các hiệp khách trong truyện Kim Dung tứ xứ gặp nhau vẫn có thể chuyện trò thì hẳn đều đã học Quan thoại (tiếng Anh: Mandarin), một thứ tiếng chính thức dùng chung trong cả nước Tàu ngày xưa, mà xét riêng về mặt ngữ âm, dựa chủ yếu trên âm Bắc Kinh. Hiện nay, hết thời vua quan, thứ tiếng quan phương ấy được gọi là tiếng Hán Tiêu Chuẩn; còn gọi là tiếng Phổ thông (ở Lục địa) hoặc Quốc ngữ (ở Đài Loan), hoặc Tiếng Hoa (ở Singapore, Malaysia - ở hai nước này, Tiếng Hoa là một trong các ngôn ngữ chính thức của họ).

Ở Hong Kong và Macao thì dùng tiếng Quảng Đông (Cantonese) làm ngôn ngữ chính thức.

19/11/19

Tự học chữ Hán

Xưa có học võ vẽ ít chữ Hán, nay quên gần hết. Hồi ấy học phồn thể, đọc theo âm Hán Việt.
Nay định học lại, nhân tiện học luôn cả giản thể, và âm Bắc Kinh. Học giản thể, để tiện tra cứu các tài liệu chữ hán trên mạng, phần lớn viết bằng giản thể. Học âm Bắc Kinh để, nếu có hứng, học vài câu đàm thoại tiếng Tàu, biết thêm một ngoại ngữ, cũng hay..

Nhớ cụ Nguyễn Hiến Lê có dạy, rằng cái gì chưa biết rõ thì hãy viết về nó. Nên tôi sẽ tự soạn tài liệu để học. Nội dung tập tài liệu này đại khái sẽ như sau:
1. Âm, vần tiếng Tàu. Phiên âm pinyin.
2. Lục thư. Giới thiệu 6 cách cấu tạo chữ Hán.
3. Bộ thủ. Ý nghĩa, công dụng. Giới thiệu vài bộ thủ.
4. Bút thuận. Các qui tắc viết chữ Hán.
Sau bốn bài mở đầu, bắt đầu từ bài thứ 5, mỗi bài sẽ giới thiệu một từ ghép, một thành ngữ, một câu danh ngôn hay một bài thơ, một đoạn văn .. thông qua đó, sẽ giới thiệu từ mới. Mỗi bài học sẽ có khoảng từ 5 -10 chữ mới.
Mai sẽ bắt đầu học.

Trình bày rõ như thế, để ai thấy thích, hợp thì xin mời vào cùng học cho vui.

Trên bài, có mấy chữ in nghiêng, ý nghĩa chắc nhiều người đã biết. Dù vậy, cũng xin nói qua chút, để tiện theo dõi các bài sau, .

Chữ Hán, chữ Nho, chữ Nôm
Chữ Hán là chữ của người Hán (người Tàu, người Hoa, người Trung Quốc). Người Việt thường gọi là chữ Nho, vì trước đây người Việt dùng thứ chữ này để học kinh thư đạo Nho.
Chữ Nôm là chữ do người Việt đặt ra, dựa trên chữ Hán, để ghi âm tiếng Việt.
Người Hàn (Triều) người Nhật xưa cũng như người Việt, dùng chữ Hán và đọc theo cách của mình; ở Hàn gọi là Hanja, ở Nhật gọi là Kanji. Về sau hai nước cũng đã tạo ra được bộ kí tự riêng của mình, nhưng chữ Hán vẫn tiếp tục giữ vai trò đáng kể. Hiện nay ở Nhật cũng như ở hai miền Hàn quốc, học sinh phổ thông được quy định phải học ít nhất khoảng 2 ngàn chữ Hán.

Phồn thể, giản thể
Từ xưa để viết được nhanh, người ta đã lược bớt nét. 
Thời Quốc Dân Đảng nắm quyền ở Hoa lục đã đưa ra danh sách 324 chữ Hán thường dùng được lược bớt nét, nhưng không được ủng hộ mấy. Phải chờ sau khi Mao nắm quyền ở Hoa lục, với lí do giúp dân dễ học, nhanh chóng thoát mù, việc giản hóa mới được đẩy mạnh. 
Để giản hóa một chữ, người ta hoặc bỏ bớt nét, hoặc thay bằng chữ đồng âm, một dị thể có sẵn, hoặc đặt ra chữ mới ít nét hơn. Tính luôn những chữ có từ trước, khoảng hai ngàn chữ đã được đơn giản hóa, gọi là giản thể; phân biệt với dạng viết cũ gọi là phồn thể. Trong số 3500 chữ Hán thường dùng, khoảng 1100 chữ có giản thể.
Ngày nay Đài Loan, Hồng Kong, Macau vẫn dùng chữ Hán phồn thể làm chữ viết chính thức; ở Hoa lục, Malaysia, Singapore thì dùng giản thể. 
Ngày càng nhiều người, cả ở Hoa lục, tỏ ra tiếc nuối khi dùng giản thể thay phồn thể, biến một thứ chữ mà mỗi chữ như một bức tranh có ý nghĩa sâu xa với logic nội tại chặt chẽ thành một thứ kí hiệu thuần túy, vô hồn. Dù vậy thì hiện nay kho tài liệu chữ Hán khổng lồ trên mạng hầu hết đều viết bằng giản thể.

Âm Hán Việt
Tiếng Hán Việt là tiếng Việt có nguồn gốc là tiếng Hán được du nhập vào đời Đường, tức khoảng thế kỉ thứ IX, bấy giờ quan lại nhà Đường trực tiếp cai trị nước ta. Từ đầu thế kỉ thứ X, VN giành được độc lập, không còn học trực tiếp với người Tàu nữa, nên không cập nhật những biến đổi ngữ âm của họ, mà giữ nguyên cách đọc thời Đường, được Việt hóa ít nhiều cho phù hợp ngữ âm Việt, lưu truyền đến ngày nay, tạo ra lớp từ vựng gọi là tiếng/từ Hán Việt.
Những tiếng Hán du nhập trước đó không đọc theo âm Đường thì gọi là tiếng Hán Việt cổ, ví dụ xưa (âm Hán Việt: sơ), bố (HV: phụ), buồng ( Hán Việt: phòng); nhen (âm HV: nhiên) ...
Những tiếng Hán du nhập sau đời Đường, đọc theo phương ngữ nào đó của Tàu, như mì chính (HV: vị tinh), màn thầu ( HV Man đầu) cũng không được coi là tiếng Hán Việt.
Theo nhiều nhà nghiên cứu, từ Hán Việt chiếm khoảng hơn 70% kho từ vựng tiếng Việt.
Âm Hán Việt là âm người Việt đọc các từ Hán Việt này. Có thể nói cách khác: Âm Hán Việt là âm đọc chữ Hán đời Đường, có bị biến đổi ít nhiều do ảnh hưởng ngữ âm tiếng Việt.

Âm Bắc Kinh, pinyin (mai tiếp)

*

wow, cuối cùng rồi cũng đã bắt đầu thực hiện lời hứa đã lâu với nhiều bạn. Hứa, để có động lực thúc đẩy làm việc, nhưng vẫn lần lữa đến giờ. Sorry!

18/11/19

214 bộ thủ chữ Hán diễn ca.

Học chữ Hán tôi vẫn chủ trương học bộ thủ thông qua chữ, học chữ thông qua câu; không bỏ công học ngay từ đầu 214 bộ thủ vừa chán vừa khó nhớ.
Nhưng lâu rồi có đứa cháu học tiếng Nhật, về nhà than thở cô bắt học 214 bộ nhưng khó nhớ qua, trên mạng cũng có mấy bài vè giúp trí nhớ nhưng trúc trắc khó đọc. Nên đã bịa ra một bài vè giúp cháu, chuyện này đã kể ở đây.
Đặt vè xong, in đưa cho nó, coi như hết việc. Hồi hôm tình cờ ngồi coi lại, dựa theo góp ý của bạn đọc, sửa lại thành phiên bản 2.0 này :) Post lên cho ai cần.

1. CỔN丨sổ, PHIỆT 丿phết, QUYẾT亅móc câu;
NHẤT 一 một, CHỦ 丶chấm, ĐẦU 亠 đầu, MỊCH 冖 che.
HÁN 厂 sườn, ẤT 乙 can ất, TIẾT卩 㔾 đốt tre,
NGHIỄM 广 hiên, PHƯƠNG 匚 tủ, HỆ 匸 che, MIÊN 宀 nhà.
QUYNH 冂 ngoài, KHẢM 凵 há, QUA 戈 cái qua.
TƯ 厶 riêng, HỰU 又 lại, BÌ 皮 da, NHẬP 入 vào.
CHỦY 匕 thìa, LỰC 力 sức, ĐAO 刀 dao;
NHỊ 二 hai, BÁT 八 tám, BAO 勹 bao, THẬP 十 mười.
CÔNG 工 công, KỶ 几 ghế, NHÂN 人 儿 亻người;
TỊCH 夕 đêm, THỔ  土 đất, NHẬT 日 trời, NGUYỆT 月 trăng.

11. MỘC 木 cây, THỦY 水 氵nước, BĂNG 冰 冫băng;
KIM 金 vàng, HỎA 火  灬  lửa, VIẾT 曰 rằng, THI 尸 thây.
KHẨU 口 mồm,  VÕNG 网 罒 罓 lưới, VI 囗 vây;
TRUY 夂 sau, TUY 夊 chậm, CỦNG 廾 chắp tay, THỊ 示  礻thần.
UÔNG 尢 yếu, YÊU 幺 nhỏ, KỶ 己 bản thân;
ĐẨU 斗 đong, THỐN 寸 tấc, rìu 斤 CÂN, MÃNH 皿 bồn.
CAN 干 khiên, HUYẾT 血 máu, cửa MÔN 門 ;
PHỘC 攴 攵 đánh, TRẢO 爪 vuốt, ẤP 邑 阝thôn, PHỤ 阜 阝đồi.
TỰ 自 từ, CỮU 臼 cối, CÁCH 鬲 nồi;
BỐC卜 bói, PHIẾN 片 miếng, THẦN 臣 tôi, CHI 支 cành.

21. KHÍ 气 hơi, TƯỜNG 爿tấm, SINH 生 sanh;
CUNG 弓 cung, DẶC 弋 bắn, ĐẤU 鬥 (斗) tranh, HỘ 戶 nhà.
TỬ 子 con, THỊ 氏 họ, PHỤ 父 cha
HIỆT 頁 (页) đầu NỮ 女 gái, LÃO 老 già, CÂN 巾 khăn.
SAM 彡 lông, KỆ  彐 彑 nhím, VĂN 文 vằn;
HÀO 爻 hào, ĐÃI 歹 tệ, THỰC 食 ăn, SĨ 士 trò.
CAO 高 cao, TIỂU 小 nhỏ, ĐẠI 大 to;
NHA 牙 răng, THIỆT 舌 lưỡi, TỈ 比 so, TRƯỜNG 長 (长) dài.
THỦ 首 đầu, MỤC 目 mắt, NHĨ 耳 tai;
THỦ 手 扌tay,  KIẾN 見 (见) thấy, MA 麻 gai, BỐI 貝 tiền.

31. MÂU 矛 mâu, BÁT 癶 đạp, CHU 舟 thuyền,
SƠN 山 non, THẠCH 石 đá, ruộng ĐIỀN 田 , XUYÊN 川 巛 sông.
CÁCH 革 da, NHỤC 肉 thịt, MAO 毛  lông;
SUYỄN 舛 sai, KHIẾM 欠 thiếu, VÔ 无 không, GIÁC 角 sừng.
XÍCH 彳 đi, DẪN 廴 bước, CHỈ 止 dừng;
TÚC 足 chân, TẨU  走 chạy, VÔ 毋 đừng, HUYỆT 穴 hang.
HÀNH 行 đi, SƯỚC 辵 辶 bước, LÝ 里 làng;
ĐÃI 隶 kịp, CHÍ 至 đến, HOÀNG 黃 vàng, TRÚC  竹 tre.
NGƯU 牛 牜trâu, KHUYỂN 犬 犭chó, XA 車 (车) xe
NGÕA 瓦 ngói, NGỌC 玉 ngọc, Á 襾 覀 che, NHI 而 mà.

41. SẮC 色 màu, DIỆN 面 mặt, lúa HÒA 禾 ;
XỈ 齒 răng, TỊ 鼻 mũi, VI 韋 (韦) da, TÂM 心 忄lòng.
CỐT 骨 xương, NẠCH 疒 bệnh, gió PHONG 風 .
CỐC 谷 hang, NHỰU 禸 dấu, LONG 龍 (龙) rồng, VŨ 雨 mưa.
MẠCH 麥 (麦) mì, ĐẬU 豆 đậu, QUA 瓜 dưa;
Áo Y 衣 衤, MỄ 米 gạo, MỊCH 糸 (纟) tơ, LỖI 耒 cày.
TRÃI 豸 sâu, SƯỞNG 鬯 rượu, TÂN 辛 cay ;
THỈ 豕 heo, chim ĐIỂU 鳥 (鸟), PHI 飛 (飞) bay, TRÙNG 虫 trùng.
Cá NGƯ 魚 (鱼), MÃ 馬 (马) ngựa, ĐỈNH 鼎 chung;
CHUY 隹 chim, LẬP 立 đứng, DỤNG 用 dùng, dê DƯƠNG 羊

51. THỬ 黍 kê, THẢO 艸 艹cỏ, thơm HƯƠNG 香 .
VŨ 羽 lông, DẬU 酉 dậu, vuông PHƯƠNG 方 , PHẪU 缶 sành.
THÌN 辰 thìn, CỔ 鼓 trống, ÂM 音 thanh;
CHỈ 黹 may, XÍCH 赤 đỏ, THANH 青  xanh, đen HUYỀN 玄 .
CỬU 韭 rau hẹ, THÙ 殳 giáo, THỈ 矢 tên;
NGÔN 言 lời, DUẬT 聿 bút, HẮC 黑 đen, TRIỆT 屮 mầm
BƯU 髟 tờ, THẤT 疋 匹 tấm, BIỆN 釆 phân.
LỘC 鹿 hươu, HÔ 虍 da cọp, THÂN 身 thân, TỀ 齊 (齐) bằng.
QUỶ 鬼 quỷ, DƯỢC 龠 sáo, ngọt CAM 甘 ;
LỖ 鹵 (卤) muối, MÃNH 黽 (黾) ếch,  THỬ 鼠 chuột lang, QUY 龜 (龟) rùa.

Ghi chú
- Chữ in hoa là âm Hán Việt, chữ thường là nghĩa. Một bộ có nhiều nghĩa, ở đây chọn ra nghĩa hợp vần, có thể không phải là nghĩa chính, nghĩa thường dùng của bộ ấy (nhưng điều này sẽ cố gắng hạn chế).
- Một số bộ có biến thể, ghi ngay sau dạng chính, ví dụ nhân 人 có hai biến thể là 亻 và 儿
- Một số bộ thủ có giản thể thì ghi trong ngoặc đơn, ví dụ: hiệt 頁 (页)
- Trên đây là 214 bộ thủ chữ Hán. Kanji (chữ Hán của Nhật) một số bộ viết khác, ai học tiếng Nhật cần lưu ý. vd:

Hộ 戶 dạng này ít dùng trong Kanji, dạng thường dùng hơn là: 戸. Cũng vậy:
Hoàng 黃 >> Kanji : 黄
Xỉ 齒 >>  歯
Hắc 黑 >> 黒

16/11/19

Vắng bóng người yêu

Vắng bóng người yêu là lời Việt do Phạm Duy soạn cho ca khúc Apres toi, ca khúc mang về cho ca sĩ Hi lạp Vicky Landros giải quán quân trong kì Eurovision Song Contest 1972. Bài này đã được giới thiệu ở đây
Hôm nay chỉ gom lại các clip trong entry cũ làm thành playlist nghe cho tiện. So với entry cũ, playlist này có thêm bớt một vài clip. Ngoài các phiên bản tiếng Pháp, Anh và Đức do chính Leandros trình bày, còn một số bản cover của các nghệ sĩ khác, kể cả một phiên bản piano của P. Mauriat. Riêng tiếng Việt thì ngoài phiên bản của Thanh Lan, nay thêm hai phiên bản của Kiều Nga và Elvis Phương. Nghe cho vui.




Thiếu nữ bên hoa sen. Sơn dầu của Nguyễn Sáng

15/11/19

Những lỗi sai phổ biến khi dùng từ Hán Việt

TTO - LTS: Khảo sát tần suất sử dụng tiếng Hán Việt cũng như những bất cập trong việc dùng từ Hán Việt trên truyền thông hiện nay, TS Lê Thị Bích Hồng (giảng viên cao cấp Trường đại học Sân khấu - điện ảnh Hà Nội) gửi đến Tuổi Trẻ bài viết này.
.
Lớp từ Hán Việt thường có sắc thái trang trọng, trong khi lớp từ thuần Việt lại bình dân và sinh động hơn. Nhiều từ Hán Việt đã được Việt hóa thông dụng, có từ đã biến đổi ý nghĩa.

Khi từ gốc Hán được Việt hóa

Nhiều người dùng mượn hình thức ngữ âm của từ Hán rồi thay đổi nghĩa, thu hẹp nghĩa, cho thêm nghĩa mới.

Ví dụ, “phương phi” nghĩa Hán là “hoa cỏ thơm tho”, người Việt hiểu sang “béo tốt”.

Tương tự, “khôi ngô” nghĩa “to lớn, cao to” sang nghĩa “mặt mũi sáng sủa, dễ coi”; “bồi hồi” nghĩa “đi đi lại lại” sang nghĩa “sự xúc động”; “đinh ninh” nghĩa “dặn dò” sang nghĩa “tin chắc, yên chí”; “lang bạt kỳ hồ” nghĩa “lúng túng, quanh quẩn tại chỗ” sang nghĩa “lang thang khắp nơi khắp chốn” (Theo Đặng Đức Siêu, Ngữ văn Hán Nôm)...

Từ “khuyến mãi” nay dùng thành “khuyến mại”. Cụm từ “kích thích nhu cầu tiêu dùng” rút thành “kích cầu” - từ này đang dần được chấp nhận. Từ “yêu cầu” là một động từ. Nhưng hiện từ “yêu cầu” hay được dùng với nghĩa danh từ. Ví dụ: “mục đích yêu cầu”...

Từ “đáo để” trong tiếng Hán có nghĩa là “đến đáy”, nhưng khi đi vào tiếng Việt nó lại có nghĩa là cách cư xử không đẹp, khiến người ta khó gần; hoặc có khi nó được dùng làm tiếng đệm nhằm nhấn mạnh ý nghĩa của tính từ giống như các từ chỉ mức độ “vô cùng”, “rất”, “lắm”... (Theo Hữu Đạt, Sai, đúng trong cách dùng từ Hán Việt và vấn đề "giải pháp").

Trên thực tế, các từ gốc Hán khi du nhập vào tiếng Việt hầu hết đã bị biến đổi do áp lực của cấu trúc tiếng Việt.

Chỉ sau một thời gian, bản chất Hán của các từ này đã bị tiếng Việt đồng hóa để không còn cái vẻ nguyên dạng ban đầu. Hoặc là nó bị biến đổi về ngữ âm, hoặc là nó bị biến đổi về ngữ nghĩa theo cách tri nhận mới của người Việt Nam qua cái vỏ âm thanh ban đầu. Hoặc nhiều tiếng Hán Việt bị hiểu sai; lâu dần, cái nghĩa hiểu sai được phổ biến hơn nghĩa tinh xác và do đó được công nhận là nghĩa đúng (Theo Bùi Đức Tịnh, Ngữ pháp Việt Nam giản dị và thực dụng).

Những lỗi thường gặp

Nhiều trường hợp người sử dụng chưa nắm được nghĩa của từ Hán Việt, khiến từ trở nên vô nghĩa hoặc dẫn đến sai trầm trọng.

Dùng từ sai vì không hiểu nghĩa gốc Hán Việt: nhầm lẫn giữa hai từ “khả năng” - năng lực của con người có thể làm được việc gì đó với “khả dĩ”. Từ “quá trình” là đoạn đường đã đi qua: “quá” là đã qua, “trình” là đoạn đường. Nếu viết từ “quá trình” dùng ở thì tương lai “quá trình thực hiện công tác sắp tới của tôi sẽ rất thuận lợi” là sai.

Có thể dùng từ “tiến trình” cho câu trên. Ta có thể viết “hôn lễ” (lễ cưới), “hôn phối” (lấy nhau). Nhưng nếu nói hôn phu, hôn thê, hôn quân lại mang nghĩa là người chồng u mê, người vợ u mê, nhà vua u mê...

Sai vì không phân biệt được tiếng Hán Việt với tiếng thuần Việt (tiếng Nôm): chữ “góa phụ” trong sách báo chỉ người đàn bà có chồng đã chết. Tính từ “góa” là tiếng Nôm không thể đặt trước danh từ “phụ”. Nên gọi là gái góa (toàn Nôm), hay “quả phụ” (toàn Hán Việt).

Từ “nữ nhà báo” thường được dùng trên các phương tiện truyền thông. Nhà báo là tiếng Nôm nên phải dùng văn phạm xuôi là “nhà báo nữ”, hoặc dùng ba từ Hán Việt là “nữ ký giả” hay “nữ phóng viên”.

Lạm dụng và dùng sai từ Hán Việt khá phổ biến khi kết hợp từ “tặc” (ăn cướp) với các từ khác như: tôm tặc, vàng tặc, cà phê tặc, đinh tặc... để chỉ những tên ăn trộm.

Cách dùng này sai về ngữ pháp (từ đơn thuần Việt không thể ghép với một từ đơn Hán Việt để thành một từ kép), sai về nghĩa: tặc là ăn cướp, đạo () là ăn trộm. Thay vì sính dùng từ Hán Việt, ta có thể nói là: bọn ăn trộm tôm, trộm vàng, trộm cà phê...

Hiện từ “đinh tặc” đang được nhiều báo chí dùng với tần suất lớn với nghĩa chỉ bọn rải đinh trên đường, trong khi “đinh tặc” chỉ có nghĩa là bọn ăn cướp đinh, chỉ bọn rải đinh trên đường là sai nghĩa...

Nhiều từ Hán Việt hiểu sai nên viết sai: từ “tham quan” nghĩa là đi chơi để ngắm cảnh thay từ “thăm quan”; “chấp bút” viết thành “chắp bút”, “lặp lại” viết thành “lập lại”, “trùng lặp” viết thành “trùng lắp”, “hằng ngày” viết thành “hàng ngày”, “thập niên” viết thành “thập kỷ”, “điểm yếu” thành “yếu điểm”...

Tất nhiên, khi xem xét tới tính sai, đúng của việc dùng từ Hán Việt, việc đối chiếu từ nguyên là việc làm có phần cứng nhắc, dễ dẫn đến việc làm mất đi tính năng động của từ Hán Việt với tư cách là một sự sáng tạo rất linh hoạt của người Việt Nam.

Từ Hán Việt tuy có nguồn gốc từ tiếng Hán, nhưng nó đích thị hoàn toàn là của người Việt Nam, được dùng theo cách của người Việt Nam. Nên hiểu đúng và dùng đúng ngữ nghĩa của từ Hán Việt là chúng ta đang góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bổ sung, làm giàu thêm vốn từ vựng phong phú, nối dài nét đẹp văn hóa và chữ viết của người Việt.

Vai trò của báo chí trong chuẩn hóa và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt có ý nghĩa quan trọng. Bởi tiếng Việt là một trong số gần 50 ngôn ngữ đang được sử dụng rộng rãi nhất trái đất. Không phải tự dưng tiếng Việt có thể tồn tại và phát triển, trong khi đã có hàng ngàn ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc bị hủy diệt theo dòng chảy phát triển của nhân loại.

Nhiều người dùng chưa nắm được nghĩa từ Hán Việt

Từ Hán Việt là một loại từ đặc biệt trong vốn từ vựng tiếng Việt, là một bộ phận rất quan trọng của kho từ vựng tiếng Việt.

Lớp từ Hán Việt có khối lượng lớn, được sử dụng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, nghệ thuật...

Tuy nhiên, theo thống kê sơ bộ của khoa ngôn ngữ, có tới 16 hình thức sử dụng sai từ Hán Việt khá phổ biến hiện nay như: sai vì không hiểu gốc Hán Việt, sai vì cố ý sửa gốc của từ, sai vì không hiểu văn phạm giữa Hán Việt và Hán Nôm, sai vì dùng từ thiếu chính xác ngữ cảnh; dùng sai nghĩa từ thuần Việt lại tưởng từ Hán Việt, dùng từ Hán Việt vô nghĩa và lộn xộn, cóp y nguyên tiếng Tàu đang sử dụng và coi đó là từ Hán Việt, đảo ngược ngữ pháp hay cấu trúc từ Hán Việt, đảo từ ghép Hán Việt sai và không đúng cách, thiếu từ cho các thuật ngữ khoa học công nghệ hay chuyển nghĩa từ ngoại ngữ phương Tây sang...

LÊ THỊ BÍCH HỒNG
Nguồn: https://tuoitre.vn/hon-phu-hon-the-la-nguoi-chong-nguoi-vo-u-me-1216045.htm?

12/11/19

Tequila

Coi một thí sinh độc đáo trong kì American Got Talent mấy tháng trước. Anh nhận  được 4 yes trong khi chỉ lập lại ba lần một từ duy nhất



Nhìn cái mặt anh ta trên sân khấu đúng là không nhịn cười được.

Bài hát anh ta trình bày, Tequila, do Daniel Flores, cây saxo trong nhóm The Champs sáng tác. Đây là một bài hát mang phong cách RnR Latin, rất độc đáo với tiếng saxo nghe rất đã lỗ nhĩ, và lyrics thì chỉ mỗi một từ tequila được lặp lại ba lần (trong bản gốc dưới đây là do chính Flores hét).

Tequila chiếm vị trí #1 cả trên hai bảng xếp hạng nhạc pop và R&B Billboard tháng 3/1958 chỉ sau hai tháng single được thu, và nhận được một Grammy cho hạng mục Trình diễn R&B hay nhất vào năm sau.

Bài hát viết trong phút ngẫu hứng của cây saxophone Daniel Flores, được đưa vào mặt B, bởi cũng không hi vọng gì nhiều. Lúc mới phát hành bài hát cũng chỉ gây được chú ý chút chút, nhưng sau khi một DJ ở Cleveland chơi, vị thứ Tequila mới bay bổng lên như tên lửa trên bảng xếp hạng, vượt xa bài hát được kì vọng, Train to nowhere, nằm ở mặt A.

Cho đến nay Tequila vẫn còn được yêu thích, vẫn còn được nhiều nghệ sĩ cover, sử dụng trong nhiều phim, trên show truyền hình, trong các trận tranh giải thể thao của nhiều trường trung đại học ở Mỹ, .. . Tác giả Danny Flores (đã mất năm 2006) được tôn xưng như là Bố già của rock Latin.





3/11/19

Trương Chi

Chuyện tình Trương Chi chắc nhiều người nghe. Tôi nghe kể chuyện lần đầu là vào năm lớp Ba. Cả lũ học trò há mồm nghe kể, đến khi kể xong, thấy nhiều cô bản rươm rướm nước mắt, có cô còn thút thít .. tôi lại thấy buồn cười.
Tóm tắt lại câu chuyện cho ai quên.

Ngày xưa có cô Mị Nương rất đẹp, con của ông quan rất to. Một hôm ngồi chơi, nàng chợt nghe tiếng hát, lòng mê mẫn sinh nhớ thương, thành bệnh. Ông cha thấy thế, tìm hiểu biết nguyên nhân, bèn cho mời  người hát tới nhà đứng ngoài phòng khách hát cho con gái nghe. Trong khuê phòng cô gái nghe xong quả nhiên hết bệnh, bèn ra gặp chàng trai. Tới khi gặp, nhác thấy chàng mặt rỗ răng vẩu thì vội vàng quay gót trở vô, ko kịp chào.
Trương Chgi, tên chàng trai, sau hôm ấy lại mơ màng bóng hình giai nhân, thành bệnh. Tiếng hát ngày càng thiết tha, nhưng ko còn làm động lòng giai nhân, để được mời gặp lại một lần. Cuối cùng thì một hôm đang hát, anh đứt hơi mà thác. Bạn bè đem chôn, mấy năm sau bốc mộ cải táng thấy chỉ còn lại một viên ngọc.
Cha Mị Nương tình cờ gặp viên ngọc thấy đẹp mua về, làm thành cái chén uống trà. Một hôm Mị Nương cầm chén rót trà, cầm lên định uống thì thấy trong chén hiện lên hình bóng anh thuyền chài ngày nọ, tai nghe văng vẳng tiếng hát năm xưa. Mị Nương chạnh lòng thương cảm, một giọt nước mắt rơi xuống, chén trà bỗng tan thành khói.
Nhiều người cho bối cảnh câu chuyện là vùng Kinh Bắc, nơi quê hương quan họ. Có bài Quan họ kể lại câu chuyện này:

Ngày xưa có anh Trương Chi
Người thì thậm xấu hát thì thậm hay
..



Chuyện tình Trương Chi từ lâu đã là đề tài gợi hứng cho nhiều thi, nhạc sĩ. Riêng trong nhạc thì ngay thời kì đầu của nên tân nhạc Việt đã có hai bài, một của Văn Cao và một của Phạm Duy.



Khối tình Trương Chi Phạm Duy



Nhạc sĩ lớp sau vẫn tiêp tục viết về Trương Chi & Mỵ Nương: bài hát của Tùng Châu & Lê Hựu Hà.



Chuyện tình Trương Chi, Mỵ Nương của Anh Bằng



Gab62 đây, trong "Phía tối tâm hồn tôi" của Phú Quang cũng nhắc đến chàng Trương Chi tội nghiệp