10/5/21

ma xử thành châm

磨杵成針(磨杵成针)

[mó chǔ chéng zhēn]

磨 ma = mài, 杵 xử = chày, 成 thành = nên, 針 châm = kim.

磨杵成針 ma xử thành châm = mài cái chày thành cây kim, hay như ta thường nói mài sắt nên kim, ý cũng như câu  有志竟成 hữu chí cánh thành ( = có chí thì nên) đã học hôm trước.

Thành ngữ này lấy từ một truyện tích xưa, kể rằng Lí Bạch thuở bé hay lười, bài học chưa xong thường bỏ đi chơi. Có lần gặp một bà già ngồi mài chày sắt bên đường. Hỏi, bà lão trả lời muốn mài thành cái kim. Câu nói làm Lí Bạch suy nghĩ, từ đó, chăm chỉ học tập hơn, sau trở thành nhà thơ lớn của Tàu. 

HỌC CHỮ

木 mộc [mù] = cây; gỗ. Giáp cốt văn là hình cái cây có đủ rễ, thân, cành.
Thảo mộc: cây cỏ. Mộc ỷ: ghế dựa bằng gỗ. Mộc tinh: sao Mộc
广 nghiễm [yăn] = mái nhà. Vẽ hình mái nhà. Vốn chỉ là một bộ nét, dùng kết hợp với các chữ khác để tạo chữ mới; về sau được mượn để làm giản thể cho chữ quảng = rộng.
麻 ma [má] = cây đay. Hình những cây đay 林 phơi dưới hiên nhà 广.
石 thạch [shi] = đá. Vẽ hình một hòn đá nằm bên triền núi.
Thạch nữ 石女 = đàn bà không sinh đẻ được. Dĩ noãn đầu thạch = lấy trứng chọi đá.
磨 ma [mó] = mài. Chữ hình thanh, gồm bộ thạch 石 (đá) chỉ ý nghĩa (mài thì phải dùng đá mài) + ma 麻 (cây đay) chỉ âm đọc.
Ma đao 磨刀 = mài dao. 

午 ngọ [wŭ] = buổi trưa, khoảng thời gian 11 - 13 giờ; chi ngọ. Hình cái chày, nghĩa gốc là cái chày (xưa người Tàu dùng giã gạo hay giặt quần áo), bị mượn (giả tá) chỉ chi thứ 7 trong 12 chi.
Thượng ngọ 上午 = buổi sáng. Hạ ngọ 下午 = buổi chiều. Chánh ngọ 正午 = đúng giữa trưa. Ngọ nguyệt 午月 = tháng 5. Ngọ nhật 午日 = ngày 5/5 â.l. Ngọ môn 午門 = cửa chính hoàng thành xưa. Ngọ dạ 午夜 = nửa đêm.
杵 xử [chǔ] = chày gỗ. Cũng đọc: chử. Vốn viết 午 tượng hình cái chày, bị mượn mất (làm chữ ngọ 午 , chỉ chi thứ 7 trong 12 chi), nên thêm bộ mộc 木 (gỗ) tạo chữ mới. (Thêm bộ mộc 木 vì xưa chày thường làm bằng gỗ - dù trong câu thành ngữ đang xét thì chày làm bằng sắt!). 

戊 mậu [wù] = can mậu. Hình một loại binh khí xưa, mượn (giả tá) chỉ can thứ 5 trong thập can.
丁 đinh [dīng] = can đinh; trai tráng. Hình cái đinh, nghĩa gốc là cái đinh (về sau viết là 釘). Cũng dùng chỉ người con trai đã trưởng thành. Lại mượn (giả tá) chỉ can đinh.
人丁 Nhân đinh = trai thành niên, xưa là đối tượng tính thuế (thuế đinh). Bạch đinh = chỉ người thuộc giới bình dân.
成 thành [chéng] = xong. Chữ hình thanh, gồm mậu 戊 (một loại binh khí cổ) chỉ ý + đinh 丁 (can đinh) chỉ âm đọc; nghĩa gốc: đánh dẹp.
Thành nhân 成人 nên người. Lão thành = già đời, hiểu nhiều. Sinh thành = đẻ ra và nuôi lớn. Thập thành = mười phần, đầy đủ. 

今 kim [jīn] = hiện nay. Hình miệng ngậm vật gì, nghĩa gốc là ngậm. Bị mượn dùng với nghĩa hiện nay, bây giờ. (Còn nghĩa ngậm thì đặt chữ mới).
今人 người đời nay. 今日, 今天 hôm nay
含 hàm [hán] = ngậm. Vốn viết 今 (hình miệng ngậm một vật), bị mượn (làm chữ kim 今 nay), nên thêm bộ khẩu 口 (miệng) đặt chữ mới.
Bao hàm 包含 = bao gồm. Hàm tiếu = cười nụ. Công hàm = văn thư chính thức trao đổi giữa hai nước.
王 vương [wáng] = vua. Hình cái lưỡi búa, tượng trưng uy quyền.
Vương thất = bà con họ nhà vua. Cần vương = hết lòng giúp vua;vua gặp nạn, dấy binh giúp vua.
金 (钅) kim [jīn] = phiếm chỉ kim loại; vàng; màu vàng. Chữ hình thanh, gồm kim 今 ( = nay, viết thành 亼) chỉ âm đọc + vương 王 (nét ngang trên viết nhập chung với 亼) là hình cái búa [dùng khai thác mỏ] + hai mẫu kim loại (biểu thị bằng hai chấm). Giản thể 钅 chỉ dùng làm bộ thủ khi kết hợp với chữ khác tạo chữ mới.
Kim ngư 金魚 = cá vàng. Kim ngôn 金言 = lời vàng. Kim tự tháp = tháp hình chữ kim 金.
 thập [shi] = số 10. Vốn vẽ gạch ngang chỉ nhất 一 (số 1), gạch đứng | chỉ thập (số 10), sau sợ nhầm số 1 nên đánh thêm một dấu ngang ở giữa.

針 (针) châm [zhēn] = cây kim. Chữ hội ý, gồm kim 金 chỉ ý (kim thường làm bằng kim loại) + hình cây kim, viết thành thập 十 (mười).

*
Chú: Bộ thủ chữ Hán
Trong từ điển tiếng Việt người ta sắp các mục từ theo thứ tự abc, trong từ điển chữ Hán thì sắp theo bộ thủ và số nét. Bộ thủ ít nét xếp trước, trong mỗi bộ, chữ ít nét xếp trước.
Khái niệm bộ thủ được Hứa Thận đưa ra lần đầu tiên trong cuốn Thuyết Văn Giải Tự (năm 121). Trong cuốn từ điển này ông đã sắp gần 10 ngàn chữ Hán thu thập được thành khoảng 500 nhóm, được ông gọi là bộ. Mỗi chữ Hán thuộc một và chỉ một bộ. Chữ đứng đầu mỗi bộ gọi là bộ thủ, các chữ còn lại trong bộ đều có chứa bộ thủ ấy. 
Về sau người ta sắp xếp lại các bộ hợp lí hơn, số bộ giảm nhiều, hiện phần lớn các từ điển chỉ còn dùng 214 bộ với 214 bộ thủ, trong đó có một số bộ thủ có một hay vài biến thể dùng khi kết hợp với chữ khác để tạo chữ mới. Vd bộ nhân 人 (người) còn có hai biến thể là 亻 và 儿 .
Ngày nay, từ điển điện tử (online hoặc offline) đã rất phổ biến, tra chữ dễ dàng, vai trò của bộ thủ không còn quá quan trọng như xưa. Tuy vậy, viêc nhớ 214 bộ thủ cũng rất có ích trong việc học chữ Hán, vì đó là những chữ cơ bản nhất, thường dùng kết hợp với các chữ khác để tạo thành các chữ Hán khác phức tạp hơn. Bắt đầu từ bài sau, mỗi chữ sẽ ghi kèm bộ thủ của nó để nhớ dần.

*
Chữ kim 今 theo thời gian (Hình trên trang qiyuan.chaziwang)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)