23/9/23

Nghĩa của một số 'yếu tố láy'

Bài của An Chi
(Chuyên mục lắt léo chữ nghĩa, Thanh Niên [1])

---
Từ điển từ láy tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên (NXB Giáo dục , Hà Nội, 1994) đã thu nhận nhiều trường hợp bị mặc nhận là âm tiết láy (của các từ láy), trong khi đó vốn là những từ (hoặc hình vị) có (hoặc vốn có) đầy đủ ý nghĩa.
Thậm chí có những tổ hợp Hán Việt hiển nhiên cũng bị các tác giả xem là từ láy. Mục đích của bài này là giải oan cho một số “âm tiết láy” trong Từ điển từ láy tiếng Việt (TĐTLTV).
.
1. Ái trong êm ái: Ái là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [藹], có nghĩa là “êm ả, dễ chịu”.
2. Bạc trong bàn bạc: TĐTLTV của Viện Ngôn ngữ học do Hoàng Văn Hành chủ biên ghi nhận bàn bạc và giảng là “bàn đi bàn lại, trao đổi ý kiến giữa nhiều người”, vì mặc nhận rằng bạc là một yếu tố láy, tức một âm tiết vô nghĩa (còn bàn hiển nhiên là một từ độc lập như trong bàn lùi, bàn tới bàn lui, miễn bàn...). Thực ra, bàn bạc là điệp thức của biện bạch [辯白], trong đó bạch là âm Hán Việt hiện hành của chữ [白] mà bạc là một âm rất xưa, khi mà phụ âm cuối C [k] của nó chưa chuyển thành CH [c]. Đây cũng chính là chữ bạc trong vàng bạc.
3. Bặm trong bụi bặm: TĐTLTV đã ghi nhận bụi bặm nhưng lại chuyển chú vế bụi bậm mà giảng là “bụi bẩn (nói khái quát)”. Thực ra, chính bụi bặm mới là hình thức chính tả thông dụng. Mà bặm cũng không phải là một yếu tố láy vì đây là một từ (ít nhất là một hình vị) tiếng Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [湴], mà âm Hán Việt hiện hành là bạm. Đây là một chữ thuộc vận mục hãm [陷], vận bộ hàm [咸] trong Quảng vận. Thiết âm của nó là “bồ giám thiết” [蒲鑑切]. B[ồ] + [gi]ám = bạm (bồ mang dấu huyền thì bạm phải mang dấu nặng). Quan hệ ngữ âm AM « ĂM giữa bạm và bặm còn có thể thấy với một số trường hợp khác như: - (hổ thị) đam đam « (nhìn) đăm đăm; - tàm trong tàm tang « tằm trong tơ tằm; - thám trong do thám « thăm trong thăm dò. Vậy bặm không phải là một yếu tố láy.
4. Bảy trong bóng bảy: TĐTLTV cũng ghi nhận bóng bảy và giảng là “1/ Có vẻ đẹp hào nhoáng bề ngoài” và “2/ (Lời văn) có nhiều hình ảnh, trau chuốt và có sức gợi cảm”. Quyển từ điển này cũng xem bảy là một yếu tố láy nhưng thực ra thì đây là một yếu tố gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [斐] mà âm Hán Việt hiện hành là phỉ, mà nghĩa gốc là “có màu sắc rực rỡ”, rồi nghĩa bóng là “văn vẻ, bay bướm”. Bảy « phỉ thì cũng hoàn toàn giống như bay « phi. Mối quan hệ giữa B « PH cũng từng được Vương Lực chứng minh và khẳng định tại thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” (Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.290 - 406). Còn giữa I « AY thì: - di [移] trong di chuyển « day trong day qua day lại (của phương ngữ Nam bộ); - ly [離] trong phân ly « lay trong lay chuyển, lung lay; nghi [宜] trong thích nghi « ngay trong ngay thẳng...
5. Bao trong bảnh bao: TĐTLTV ghi nhận bảnh bao với nghĩa “(Ăn mặc) sang, trau chuốt, tươm tất, có vẻ trưng diện”. Nhưng bao cũng chẳng phải là một yếu tố láy, còn bảnh bao chẳng qua là điệp thức của hai chữ Hán bính bưu [炳彪], mà Hán điển (zdic.net) giảng là “ban lan đích hổ văn” [斑斓的虎纹], nghĩa là “những cái vằn tươi sáng, rực rỡ [trên lông] hổ”. Hai chữ này còn có một hình thức đảo là bưu bính [彪炳] mà Việt - Hán thông thoại tự-vị của Đỗ Văn Đáp giảng là “rực rỡ”.
Ở đây, bảnh hiển nhiên là một từ độc lập. Còn về hiện tượng bao là điệp thức của bưu [彪] thì ta có một trường hợp tương tự sát sườn với nó là chữ bảo [寳] trong bảo vật cũng đọc bửu theo tương quan AO « ƯU (không kể đến điệp thức báu, như trong châu báu). Vậy bao không phải là một yếu tố láy và bảnh bao vốn là một cấu trúc đẳng lập do bảnh và bao hợp thành.
6. Bối trong bối rối - Từ điển Từ láy tiếng Việt (TĐTLTV) ghi nhận bối rối và giảng là “Gặp tình huống bất ngờ, chưa kịp chuẩn bị đối phó, chưa biết nên làm thế nào”.
Lời giảng này hiển nhiên mặc nhận rằng bối là một yếu tố láy (còn nghĩa của rối thì đã rõ). Thực ra đây là một yếu tố Hán Việt, mà chữ Hán là [哱]. Hán ngữ đại tự điển (Thành Đô, 1993) cho biết đây là một chữ thuộc vận mục đội [隊] và thanh mẫu bang [幫] và cho thiết âm của nó là “bổ môi/muội thiết” [補妹切]. B[ổ] + [m]ội = bối (Bổ dấu hỏi thì bối phải theo dấu sắc chứ không phải dấu nặng). Quyển từ điển này cho nghĩa của nó là “loạn dã”, nghĩa là “rối vậy”. Đây chính là hình vị bối trong bối rối, chứ không phải là một âm tiết láy. Chúng tôi đã có lần nói bối có nghĩa là “búi”, là “nùi” và bối rối là “cái búi, cái nùi bị rối” (!). Nay xin cải chính.
7. Cáp trong cứng cáp - Cứng cáp cũng được TĐTLTV thu thập vì mặc nhận rằng cáp chỉ là một yếu tố láy, nghĩa là một âm tiết vô nghĩa. Cáp là một yếu tố có nghĩa đấy. Đây là một hình vị Hán Việt mà chữ Hán là [砝]. Chữ này có hai âm: kiếp và cáp. Với âm kiếp, nó có nghĩa là “cứng, rắn” còn với âm cáp thì nó chỉ tiếng đá (vang, kêu). Tiếng Việt đã dùng âm cáp để chỉ nghĩa “cứng, rắn”. Chú ý: Chữ [砝] còn có một âm nữa là pháp.
8. Chạ trong chung chạ - Đây không phải là chữ chạ trong làng trên chạ dưới. Với chữ chạ này thì chung chạ (nếu có người dùng) chỉ có nghĩa là “cùng làng cùng xóm, cùng quê hương với nhau”. Còn chung chạ ở đây thực chất là một tổ hợp có tính chất xấu nghĩa (pejorative), dùng để chê bai sự ăn chung ở lộn. Ở đây, chạ bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ tạ [藉] trong lang tạ [狼藉]. Lang tạ có nghĩa là “(ăn ở, sinh hoạt) bừa bãi”, thường được dịch sang tiếng Anh là “in complete disorder”. Về tương quan T CH, ta còn có: - chạc, thừng bện bằng lạt tre, nứa tạc [笮], thừng bện bằng tre; - chép trong chép miệng táp [咂], đớp; chỉ dáng miệng cử động...
9. Chang trong chói chang - Đây cũng chính là chữ chang trong nắng chang chang. Vậy nó không phải là một yếu tố láy (vì hiện diện trong hai cấu trúc khác nhau với cùng một nội dung ngữ nghĩa). Chang chang chỉ “(ánh nắng) gay gắt tỏa đều ra chung quanh”.
10. Chỉ trong chăm chỉ - Chỉ là điệp thức của hình vị Hán Việt chí [覟], có nghĩa là “nhìn kỹ”.
11. Chút trong chăm chút - Chút là một yếu tố gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [𧠫,眰] mà âm Hán Việt là chất, có nghĩa là “nhìn”. Chút là âm xưa của chất, cũng như bụt là âm xưa của phật. Chữ [筆] mà đọc bút là đọc theo một âm rất xưa còn tồn tại dai dẳng cho đến ngày nay vì âm Hán Việt hiện đại của nó phải là bất. Lụt trong lụt lội là âm rất xưa của chữ lật [塛], có nghĩa là “tắc, nghẽn” (vì tắc, nghẽn làm cho nước không thoát được nên mới sinh ra lụt).
12. Cọ trong cãi cọ - Cãi thì khỏi nói. Còn cọ ở đây cũng chính là cọ trong cọ xát mà nguyên từ (etymon) là cự [拒], có nghĩa gốc là “chống lại”, rồi một vài nghĩa phái sinh “nhẹ” hơn như “từ chối”, “phản đối”... Về quan hệ Ư O giữa cự và cọ, tuy ít nhưng ta vẫn có: - hư [噓, 歔] là “thổi; thở hắt ra” ho trong ho hen (khái [咳] chỉ có nghĩa là “ho” chứ không liên quan gì đến ho về từ nguyên); - lự trong tư lự lo trong lo lắng; -ngữ là nói ngỏ trong ngỏ lời.
13. Cỏi trong kém cỏi - Cỏi là một hình vị gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [寡], mà âm Hán Việt hiện hành là quả, có nghĩa là “ít ỏi, không đáng kể”. Về mối quan hệ giữa WA (trong quả, loa, tọa,...) với OI, ta còn có: - ngõa [瓦], là ngói ngói trong gạch ngói; - quá [過] khỏi trong khỏi bệnh; - thoa [梭] thoi trong con thoi; - thỏa [椭] vật có hình tròn (hình trụ) mà hơi dài thỏi trong thỏi sắt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)