12/1/14

Đêm đông - Nguyễn Văn Thương

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời
...

Bản nhạc được Nguyễn Văn Thương, bấy giờ là một cậu học sinh 20 tuổi, sáng tác vào một đêm 29 tết rét mướt và rất nhiều gió trên một gác trọ ở Hà Nội, trong nỗi nhớ nhà .. 1939 - gần 80 năm kể từ ngày ra đời, bản nhạc vẫn còn làm người nghe dẫu ko ở trong cảnh xa nhà, vẫn lặng người đi trong những đêm đông ..


lyrics

Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống
Đâu đấy buông lững lờ tiếng chuông
Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời
Cùng mây xám về ngang lưng trời
Thời gian như ngừng trong tê tái
Cây trút lá cuốn theo chiều mây
Mưa giăng mắc nhớ nhung, tiêu điều
Sương thướt tha bay, ôi! đìu hiu

Đêm đông, xa trông cố hương buồn lòng chinh phu
Đêm đông, bên song ngẩn ngơ kìa ai mong chồng
Đêm đông, thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư
Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng
Gió nghiêng, chiều say
Gió lay ngàn cây,
Gió nâng thuyền mây
Gió reo sầu miên
Gió đau niềm riêng
Gió than triền miên
Đêm đông, ôi ta nhớ nhung
Đường về xa xa
Đêm đông, ta mơ giấc mơ, gia đình, yêu đương
Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha phương
Có ai thấu tình cô lữ, đêm đông không nhà


Nhạc sĩ kể lại hoàn cảnh ra đời của bản nhạc:

Mùa đông Hà Nội rét như cắt. Có bao nhiêu quần áo mặc vào tất và tôi ra đi khỏi phòng trọ cho khuây khỏa. Bất giấc bước chân dẫn tôi về phía Ga Hàng Cỏ - thấy mọi người khăn gói chen nhau ra cửa, tôi cũng xông vào, để có cảm giác mình cũng được về quê. Nhưng ai cho người không có vé vào cửa!

Khi tàu chuyển bánh, tôi cũng theo con tàu đi về phương Nam, dọc theo đường Nam Bộ bây giờ. Tiếng còi tàu mỗi lúc một xa càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhà da diết! Đến chỗ chắn tàu ở phố Khâm Thiên, tôi chợt nảy ra ý định đi tìm những người cùng cảnh ngộ với mình trong đêm nay. Phố Khâm Thiên hồi ấy có nhiều nhà hát ả đào. Tôi muốn xem trong đêm giao thừa này, có người nào không ở nhà với gia đình mà đi hát. Hoặc ca nhi nào, vì kế sinh nhai mà phải ở lại hành nghề không? Đêm ấy, có hai nhà còn để đèn ngoài cổng để chờ khách. Tôi đi qua nhà đầu tiên. Cửa mở, nhưng không có người ra. Đến nhà thứ hai thì có một ca nhi đi ra mở cửa. Nhưng khi nhìn thấy một cậu thanh niên, tuổi vưà đôi mươi, ăn mặc lôi thôi thì cô ta đã thất vọng. Khi quay trở vào, cô không quên soi mình trong tấm gương treo cạnh cửa, và đưa cánh tay để trần vuốt nhẹ lên mái tóc.

Tôi còn đi lang thang mãi trên nhiều đường phố Hà Nội tối hôm đó - cho đến khuya, khi thấy các bà mang hương, đèn ra cúng trước thềm nhà tôi mới quay về căn gác trọ số 10 Ngõ Hội Vũ.

Lên giường nằm, nhưng nỗi nhớ nhà và cảm giác cô đơn nơi đất khách, khiến tôi không tài nào ngủ được. Và nảy ra ý định sáng tác một bài hát để nói lên cảm xúc và suy nghĩ của mình trong đêm giao thưà đầu tiên phải xa nhà. Tôi đã đưa vào ca khúc hình ảnh thực tế đã đập vào mắt tôi lúc đi qua phố Khâm Thiên. Đó là người "ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng". Còn "Thi nhân lắng nghe tâm hồn tương tư" hoặc "Cô lữ đêm đông không nhà" là hình ảnh của bản thân mình - còn chinh phu, chinh phụ là những hình ảnh mượn từ trong tiểu thuyết thứ bảy của Tự Lực Văn Đoàn rất thịnh hành lúc bấy giờ, chứ ta có đi chinh phục ai đâu mà có chinh phu để nói! Gác trọ tôi ở chỉ có  một cửa sổ làm bằng gỗ.

Mùa đông hanh khô, nên có nhiều kẽ hở, gió luồn qua đó, tạo những âm thanh, y như tiếng sáo, lúc như tiếng rít não nuột, da diết. Vì vậy mà ở đoạn giữa điệp khúc, có sáu câu tả về gió: "Gió nghiêng chiều say, gió lay ngàn cây, gió nâng thuyền mây, gió gieo sầu miên, gió đau niềm riêng, gió than triền miên!".

Nhưng đêm hôm ấy mới chỉ là những phác thảo với ý đồ: Ở điệp khúc câu nào cũng bắt đầu bằng hai chữ "Đêm đông", chỉ trừ câu kết thì đổi thành "Có ai...". Sau một thời gian, tôi và Kim Minh, một cậu học trò theo học guitar với tôi cùng trau chuốt lại lời ca, mới cho bài hát ra đời.

(theo Tôn Nữ Hỷ Khương)

Mời nghe lại Đêm Đông với Lê Dung



nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương
khoảng thời gian viết Đêm đông
Nguyễn Văn Thương sinh năm 1919 tại Huế. Năm lên 9 đã chơi được đàn nguyệt, tự học nhạc theo sách Pháp. Tác phẩm đầu tay là Trên Sông Hương, viết năm mùa hè năm 1936, kỉ niệm một chuyến đi thuyền chơi đêm trên sông Hương cùng bạn bè trước khi ra Hà Nội học chuẩn bị cho kì thi Tú Tài.

Chiều tàn trên bến Hương Giang lờ trôi
Bóng chim bay về chân núi xa vời
Chiều tàn trên bến mang theo hoàng hôn
Giòng sông buồn mơ chiếu áng mây hồng
Khóm lau mờ nghiêng mình bên dòng nước
..
Trên sông Hương khách đắm say trong giấc mơ màng
Rồi bao năm sau lòng ai nhớ nhung



Trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Văn Thương làm công tác tuyên truyền ở Bình Trị Thiên, viết nhiều ca khúc, trong đó có Bình Trị Thiên khói lửa.



Sau 1954 ông tập kết, sáng tác nhiều, ngoài ca khúc còn có các` tác phẩm khí nhạc. Ông từng là Giám đốc nhạc viện Hà Nội.
Ông mất năm 2002 tại Saigon.

Bài Ca Trên Núi do Nguyễn Văn Thương viết cho bộ phim Vợ Chồng A Phủ (1961). Tô Hoài, tác giả của tiểu thuyết Vợ Chồng A Phủ viết lời. Mời nghe Tùng Dương ca



Mời nghe lại tiếng hát Bạch Yến ngày xưa với đĩa hát Asia Sóng nhạc 45 vòng, ban nhạc & hòa âm: Nghiêm Phú Phi.



Đêm Đông qua tiếng kèn saxo của Lê Tấn Quốc



Nghe vợ nhạc sĩ kể về Đêm Đông





4 nhận xét:

  1. Em tem vàng nhá :))... dưng mờ anh ui em đọc cuốn hồi ký của Nguyễn Văn Thương lại thấy nói là viết bài Đêm đông vào đêm giao thừa năm 1936... dzị theo thông tin nào cho chính xoác nhể :-/

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Em kiểm tra lại nhé: Nếu cuốn Hồi Ký ấy là sách in, do chính Nguyễn Văn Thương viết thì nó đáng tin cậy. Còn nếu là bản đện tử trên mạng thì phải xem nó nằm ở trang web nào.

      Thông tìn anh cũng lấy trên mạng thôi, và lấy từ nhiều nguồn độc lập nhau (ko phải là bản sao từ một nguồn) nên anh nghĩ là có thể tin được. Theo đó thì năm 1936 ông còn ở Huế, sáng tác nhạc phẩm đầu tay Trên Sông Hương. Còn Đêm đông là sáng tac vào 29 tết năm 1939.

      Xóa
    2. Dạ! em đọc cũng khá lâu rùi nên k nhớ là sách in hay gì nữa nhưng k phải ở mạng hôm nay anh nói thế em lần tìm cuốn "Âm nhạc tác giả và tác phẩm" thì thấy viết như này:
      Tôi viết đêm đông (Trích hồi ký)
      1936...
      Sau khi đỗ Thành Chung, tôi ra Hà Nội học ban tú tài tại trường Thăng Long - Tôi ở trọ trên gác nhà số 10 ngõ Hội Vũ, cùng với người bạn học quê ở Huế. Thấm thoát đã hết học kỳ I. Trường nghỉ tết, học sinh ở tỉnh xa đua nhau về quê, ra phố thấy vắng ngắt bóng bạn bè. Hai chúng tôi nôn nao chờ nhà gửi tiền ra để về quê ăn tết, nhưng thư cuối cùng đã làm chúng tôi thất vọng, đành ở lại ăn tết tại Hà Nội..."
      Đoạn sau thì ta đã biết rùi... mà em khoái nhất cái đoạn 2 bạn dặn nhau khi đi đến xóm cô đầu "Nếu nó kéo vào nhà, thì tụi mình phải giữ chặt tay nhau lại và đẩy nó ra nhé!" :)) - Nếu là anh thì "Nó kéo" vậy anh "Vào" hay "Đẩy ra":-?:-?:-?... cuối cùng thì 36 hay 39 nhở anh nhở :-/

      Xóa
    3. em đọc kỉ lại. 1936 là đổ thành chung, ra Hà Nội. Trước khi ra HN thì đi chơi đò Sông Hương, nhân đó sáng tác trên Sông Hương.
      Ra Hà Nội trọ học, mấy năm đầu có tiền về nhà. Tết năm 1939 nhà ko gởi tiền nên ở lại HN ăn Tết.
      Có người bảo Tết Ông ko về nhà ko phải gia đình ko gởi tiền mà vì ông lấy tền mua cây đàn Guitar Hawaii. Nhưng anh nghi người ta bịa cho thêm phần lãng mạn ..
      Em có thể nghe cuộc phỏng vấn bà vợ của nhạc sĩ ở clip cuối bài

      --
      Hì, ai lại để người ta chèo kéo thế em, cứ đàng hoàng mà vào chứ :d

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)