2/11/21

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du


Quách Tấn

Những ai đã biết đến Đoạn trường tân thanh, đã biết đến Nguyễn Du, thì không mấy ai không thuộc câu:

Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Nghĩa là:

Ba trăm năm nữa trên trần thế
Ai biết là ai khóc Tố Như.

Hai câu này, phần nhiều các nhà viết về Nguyễn Du và Truyện Kiều đều bảo rằng là lời khẩu chiếm của Tố Như tiên sinh lúc sắp mất. Mãi đến năm 1943, học giả Đào Duy Anh mới cải chính.

Đó là câu kết của bài “Độc Tiểu Thanh ký” của Tố Như. Và toàn thiên rằng:

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lạy phần dư!
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.

Bài thơ tuyệt diệu. Nhưng có rõ sự tích mới nhận thức trọn cái hay.

Tiểu Thanh là ai? Là một giai nhân có tài, có sắc, sống vào khoảng đầu nhà Minh. Nàng họ Phùng, lấy lẽ một người tên Phùng. Kiên tên chồng. Nàng tự hiệu là Tiểu Thanh. Vợ cả ghen bắt nàng lên ở trên núi Cô Sơn, cạnh Tây Hồ. Không bao lâu, nàng buồn mà chết. Mồ chôn dưới chân núi Cô Sơn, trên bờ Tây Hồ. Khi chết nàng mới mười tám tuổi.

Bình sinh nàng có tập thơ ký thác tâm sự. Nàng chết rồi, người vợ cả lấy đem đốt cho tuyệt tích. Nhưng may còn sót lại được một ít, người đương thời sưu tập thành sách gọi là Phần dư cảo (Cảo thơ đốt còn sót lại).

Nhân đọc bài ký về Tiểu Thanh, Nguyễn Du xúc cảm làm thơ ai điếu. Đại ý nói rằng:

“Vườn hoa bên Tây Hồ đã hoá thành gò cả rồi.
Điếu nàng chỉ hướng vào trang sách đọc trước cửa sổ.
Son phấn có thần chắc phải thương xót vì những việc xảy ra sau lúc chết.
Văn chương không mệnh nên bị lụy về nạn đốt dở.
Những mối hận xưa nay khó hỏi trời được,
Ta tự coi như người đồng hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong lưu.
Nhưng không biết sau ba trăm năm lẻ nữa,
Trên trần thế ai là người sẽ khóc Tố Như”.

Nguyễn Du điếu Tiểu Thanh, cũng như Thuý Kiều khóc Đạm Tiên: Thương người nhưng thật ra là tự thương mình vậy.

Bài thơ hàm súc, diễn ra thơ quốc âm không thể lột hết ý nghĩa. Xin tạm phỏng dịch:

Hồ Tây hoa kiểng: giải gò hoang,
Cửa hé trang thơ chạnh điếu nàng.
Hận luống vương thêm hồn phấn dại,
Tro chưa tàn hết lụy văn chương.
Thanh thương khó hỏi oan chồng chất,
Phong nhã đành chung nợ vấn vương.
Rồi Tố Như, sau ba kỷ nửa,
Trần gian ai kẻ sụt sùi thương?

Đọc bài nguyên tác, có người thấy chuyển kết không niêm với những câu trên nên ngờ rằng có sự chắp nối của người đời sau. Không nên ngờ. Bởi người xưa, nhất là các đại gia văn chương, không câu chấp niêm luật. Huống nữa với câu “bất tri…”, bài thơ được kết thúc một cách chặt chẽ, mà tứ thơ lại lai láng vô cùng.

Có người lại hỏi: Tại sao tác giả nói “tam bách dư niên” mà không nói “nhất bách hoặc nhị bách”? Theo các nhà khảo cổ thì từ ngày Tiểu Thanh mất đến ngày Nguyễn Du làm thơ điếu nàng, tính trên ba trăm năm. Nguyễn Du và Tiểu Thanh là người đồng hội. Tiểu Thanh mất rồi, ba trăm năm sau, có Nguyễn Du khóc. Sau ba trăm năm Nguyễn Du chết, biết ai là người khóc Nguyễn Du?

Thơ chữ Hán của Nguyễn Du còn truyền lại được nhiều. Nhưng từ khi cựu học cáo chung, thì bị chôn vùi trong tàng cổ viện như muôn ngàn giai phẩm khác bằng Hán văn. Thỉnh thoảng sách báo trích đăng năm ba bài không đủ làm cho nhiều người chú ý. Có lắm bài được truyền tụng trong dân chúng. Nhưng vì truyền miệng nên không tránh khỏi sai lạc hoặc ít hoặc nhiều. Có khi lầm lẫn cả tên tác giả. Như bài “Điệp tử thư trung” sau đây là một.

Điệp tử thư trung

Vân song tằng kỷ nhiễm thư hương,
Tạ khước phong lưu vị thị cuồng.
Bạc mệnh hữu duyên lưu giản tịch [1]
Tân hồn vô lệ khốc văn chương.
Đố ngư di tỉnh phiền ba mộng,
Huỳnh hỏa nan khói cẩm tú trường.
Văn đạo đã ưng cam nhất tử,
Dâm thư do thắng vị hoa vương [2] .

Phỏng dịch:

Song vân từng thấm vị thư hương.
Bỏ thú phong lưu há phải cuồng.
Mệnh bạc còn duyên vương sách sử,
Hồn tàn không lệ khóc văn chương.
Khó mong lửa đóm thiêu lòng gấm,
Dễ khiến thân sâu tỉnh mộng vàng.
Đạo lý sớm nghe chiều chết hả,
Hoa đâu bằng chữ dám cưu mang.

Thời tiền chiến, cụ Nguyễn Dật, một túc nho thôn Phú Phong, quận Bình Khê, tỉnh Bình Định, đọc bài “Điệp tử thư trung” cho tôi nghe, và bảo rằng đó là của một người Tàu ở Quy Nhơn. Cụ nói rằng: “Người Tàu ấy có nhiều sách quý. Cụ Nghè Vân Sơn Nguyễn Trọng Trí [3] cùng các bạn thường đến tiệm mượn xem. Một hôm chủ nhân phơi sách nơi sân. Tình cờ gió lật một quyển, để lộ một con bươm bướm đã chết khô. Cụ nghè liền thách làm thơ. Người Tàu làm xong trước. Đọc lên, cử toạ đều thất kinh gác bút. Bài thơ quá hay, nên không mấy chốc mà truyền xa”.

Thời kháng chiến chống Pháp, nhân ra Huế, tôi đọc bài thơ và kể câu chuyện lại cho cụ Vân Bình Tôn Thất Lương nghe. Cụ bảo: “Tôi nhớ chừng đã có đọc trong một tập sách nào đây một câu chuyện nói về bài “Thư trung tử hồ điệp”. Đại khái rằng có một thi nhân cho in một tập thơ, trang đầu chép bài “Thư trung tử hồ điệp”. Một vị quan lớn xem thấy quở rằng: “Không có sĩ hạnh nên đề cao giá trị của giống tiểu nhân. Văn chương phải dùng tải đạo thì văn chương mới khỏi giảm giá, người làm văn mới nêu cao được phẩm cách”. Lời của vị quan kia là lời của một người hủ nho. Thi nhân không thèm đáp, chỉ mỉm cười cáo lui. Tập sách ấy không trích lục bài thơ. Tôi nghi là bài này. Người Tàu Quy Nhơn đã lấy lầm của mình cũng không biết chừng”.

Còn một bài nữa cũng rất được truyền tụng. Đó là bài:

Vọng phu thạch

Thạch da? Nhân da? Bỉ hà nhân?
Độc lập sơn đầu thiên bách xuân.
Vạn kiếp điểu vô vân vũ mộng,
Nhất trình lưu đác cổ kim thân.
Lệ ngân bất tuyệt tam thu vũ,
Đài triện trường minh nhất đoạn văn.
Tứ vọng liên sơn diếu vô tế,
Độc giao nhi nữ thiện di luân.

Tạm dịch:

Đá hay người? Ấy ai người ấy?
Đầu non cao trải mấy nghìn xuân.
Giấc không bén, mộng Vu Thần,
Tấm thân kim cổ trong ngần gương trinh.
Mưa ba thu lệ tình lai láng,
Ngàn rêu in một áng sầu văn.
Non xanh vướng mắt, xa gần,
Gánh luân thường để riêng phần thuyền quyên!

Ở Bình Định, trên hòn núi Bà thuộc quận Phù Cát có Đá Vọng Phu. Khách phong tao thường đến tưởng vịnh. Bài thượng dẫn tương truyền là của một “ông Đồ Nghệ”.

Gần đây ông bạn Thi Vũ ở Pháp gởi về tặng tôi ba tập thi Hán văn của Tố Như mà bạn chép được: Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục.

Những bài “Độc Tiểu Thanh ký”, “Hồ điệp tử thư trung”, “Vọng phu thạch” thấy chép trong Thanh Hiên thi tập.

Tôi tự nghĩ: Nếu không có Đào Duy Anh, thì chắc ít người biết rõ câu “Tam bách dư niên hậu…” ở trong bài “Độc Tiểu Thanh ký”. Và đến như cụ Nguyễn Trọng Trí, cụ Nguyễn Dật và cụ Tôn Thất Lương là những bậc túc nho tiền bối đọc nhiều sách, thuộc nhiều thơ xưa Việt Nam cũng như Trung Quốc, mà còn đọc không hết được thơ Tố Như, huống hồ phần đông kẻ hậu sinh chỉ có sách Việt văn và sách Âu Mỹ để đọc.

Tôi mong gặp được thiện duyên để công bố cả ba tập thơ Tố Như hầu giúp người háo cổ. Nay để mua vui cùng bạn đọc chưa được biết mà lòng muốn biết, tôi xin nói qua ba tập ấy, và trích dịch một ít bài làm duyên.

Thanh Hiên thi tập gồm những bài làm từ lúc tác giả còn lận đận phong trần cho đến lúc ra làm quan cùng nhà Nguyễn, ở Bắc Hà (…? – 1804).

Nam Trung tạp ngâm gồm những bài làm trong khoảng tác giả được triệu vào làm quan ở Kinh đô Huế rồi ra làm quan ở Quảng Bình (1805 – 1812).

Bắc hành tạp lục gồm những bài làm trong lúc tác giả đi sứ sang Trung Quốc (1813).

Toàn bộ gồm bao nhiêu bài không biết. Những tập thơ của bạn Thi Vũ gởi cho tôi gồm tất cả 249 bài, toàn thơ thất ngôn và ngũ ngôn, bát cú có, tứ tuyệt có, trường thiên có. Trong số này có 78 bài ở Thanh Hiên, 40 bài ở Nam Trung và 131 bài ở Bắc hành.

Thơ gồm đủ các loại: tả tình, tả cảnh, vịnh cổ, ký sự… Bài nào cũng mang tâm sự của tác giả, cũng biểu lộ thái độ của tác giả đối với hoàn cảnh xã hội đương thời.

Xưa nay nói về Nguyễn Du, phần đông chỉ dựa vào tập Đoạn trường tân thanh và bài văn Chiêu hồn. Hai bản Việt văn tuyệt tác này phản ảnh phần nào tâm hồn của tác giả mà thôi. Đọc ba tập thơ chữ Hán chúng ta mới thấy được chân tướng của Tiên Điền.

Các tác phẩm chữ Hán cho chúng ta thấy cuộc đời của Nguyễn Du rất khổ. Chẳng những khổ về mặt tinh thần, mà về phần vật chất cũng không chút sướng. Mặc dù cả nhà, từ ông cha cho đến anh em đều làm quan to, gia đình tiên sinh rất nghèo. Nghèo vì Nguyễn Du mồ côi sớm, lại con vợ lẽ, không hưởng được gì nhiều. Kế đến khi lớn lên gặp cảnh loạn lạc, tiên sinh phải chạy, nay đây mai đó, nghèo túng, đau ốm ngót mười năm trời. Sau ra làm quan cùng nhà Nguyễn, lương ít con đông. Tình cảnh thật là chua xót. Hoàn cảnh khổ, tâm sự khổ, nên thơ của tiên sinh bài nào cũng chứa chan nỗi buồn, “nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!”.

Đây xin trích đôi bài làm chứng:

U cư

I.
Đào hoa đào diệp lạc phân phân
Môn yểm tà phi nhất viện bần
Trú cửu đốn vong thân thị khách,
Niên thâm cách giác lão tùy thân.
Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục,
Loạn thế toàn sinh cửa ủy nhân.
Lưu lạc bạch đầu thành để sự
Tây phong xuy đảo tiểu ô cân.

II.
Thập tải phong trần khứ quốc xa
Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia.
Trường đồ nhật mộ tân du thiểu,
Nhất thất xuân hàn cựu bệnh đa.
Hoại bích nguyệt minh bàn tích dịch,
Hoang trì thủy hạc xuất hà ma.
Hành nhân mạc tụng “đăng lâu phú”
Cường bán xuân quang tại hải nha.

Phỏng dịch:

I.
Đào rụng đầy sân lá tiếp hoa,
Một gian lều nát khép lơ là.
Trọ lâu quên bẵng thân là khách,
Tới mãi thành quen tuổi cũng già.
Thời loạn, nể người mong sống trọn,
Thói đời, giả vụng chút phòng xa.
Nổi chìm bạc tóc chưa nên việc
Thổi bật khăn đầu trận gió qua.

II.
Mười năm gió bụi biệt gia hương,
Nương cửa người trơ mái tóc sương.
Bạn ít ngày chiều được diệu vợi,
Bệnh nhiều xuân vắng quán thê lương.
Trăng soi vách nát đoanh lằn mối,
Nước cạn đầm hoang rộn ễnh ương.
Già nửa xuân quang thân góc bể,
Qua đường chớ đọc phú chàng Vương [4] .

Đó là hoàn cảnh lúc chạy loạn, tấm thân lưu lạc quê người. Chúng ta không lấy gì làm lạ cho lắm. Chúng ta có ngờ đâu, nỗi đau buồn thương tủi vẫn đeo nặng tác giả lúc không còn phải “ăn gởi nằm nhờ nhà người”, tức là lúc đã đi làm quan. Chúng ta hãy đọc hai bài tác giả đề trên vách công đường lúc làm quan ở Huế:

Xương hạp môn tiền xuân sắc lan,
Cách giang diêu đối Ngự Bình san.
Xuân tòng giang thượng lai hà xứ?
Nhân ỷ thiên nhai trệ nhất quan.
Mãn địa phồn thanh văn dạ vũ,
Nhất sàng cô muộn dịch xuân hàn!
Đào hoa mạc trượng đồng quân ý
Bằng hữu phong di tính tối toan.

Tạm dịch:

Hồ nhạt màu xuân trước cửa rồng,
Xanh xanh núi Ngự phía kia sông.
Xuân theo ngọn nước về đâu tá?
Quan lụn chân trời nghĩ chán không!
Rả rích đêm dồn mưa nhẫy đất
Im lìm muộn chống lạnh qua song.
Hoa đào chớ cậy Đông quân luyến,
Dì gió cay chua chất chứa lòng.

Thật là buồn! Nhưng chưa thảm bằng tình cảnh tả trong bài thứ hai:

Đông vọng giang đầu vọng cố giao
Phú vân vô định thủy thao thao
Phong xuy cổ trủng phù vinh tận,
Nhật lạc bình sa chiến cốt cao!
Sơn nguyệt giang phong như hữu dãi,
Nham thê cốc ẩm bất từ lao.
Bình sinh dĩ tuyệt vân tiêu mộng,
Phạ kiến bàng nhân vấn vũ mao.

Tạm dịch:

Trông vời quê cũ nước mông mênh,
Cuộn cuộn mây theo sóng bập bềnh,
Cát phẳng ngày tà vun chiến cốt,
Mồ xưa gió lạnh lấp phù vinh
Gió sông trăng núi như chờ khách,
Uống hố nằm hang cũng thoả tình.
Lông cánh những e người hỏi đến,
Tung mây đã dứt mộng bình sinh.

Ở trong cảnh “ơn vua lộc nước” mà đưa những cảnh thương tâm về chết chóc, về tàn tạ ra mà nói, đem cảnh uống hố nằm hang ra mà suy, thì đủ biết lòng tác giả đã đau buồn chán ngán đến đâu! Tuy thế nỗi lòng vẫn còn “nửa mở nửa khép”. Bài “Ngẫu đề” sau đây mới cho chúng ta thấy rõ tình cảnh tác giả lúc bấy giờ:

Bạch địa đình trì dạ sắc không,
Thâm đường tiễu tiễu hạ liêm lung.
Đinh đông châm chử thiên gia nguyệt,
Tiêu ác ba tiêu nhất viện phong.
Thập khẩu đề cơ Hoàng Lĩnh bắc,
Nhất thân ngọa bệnh Đế Thành đông.
Tri giao quái ngã sầu đa mộng,
Thiên hạ hà nhân bất mộng trung.

Tạm dịch:

Trống trải thầm sân đêm nhạt suông,
Nhà sâu im ỉm bức rèm buông.
Tiếng chày lay động trăng nghìn nóc,
Tàn chuối đìu hiu gió một phòng.
Mười miệng đòi cơm ngoài cõi Bắc,
Một thân nằm bệnh góc thành Đông.
Người quen trách tớ hay sầu mộng,
Thiên hạ còn ai tỉnh táo không?

Cảnh tịch liêu đến thế là cùng, tình thảm đạm đến thế là cực! Một người ra làm quan, dù quan nhỏ đến đâu cũng không đến nỗi bơ vơ trơ trọi đến thế, cũng không đến nỗi con cái ở nhà phải chịu cảnh cơ hàn như thế, huống hồ tác giả lúc vào Huế đã được thăng đến hàm đông các họa sĩ! Đọc đến câu:

Mười miệng đói cơm ngoài cửa Bắc
Một thân nằm bệnh góc thành Đông

Nếu không nghiên cứu kỹ thân thế và gia cảnh của Nguyễn Du, thì chúng ta có thể ngờ rằng tình cảnh đã bị tác giả “bi thảm hoá” vậy. Nhưng sự thiệt quả là thế. Nguyễn Du vào Huế có một mình. Bà vợ lớn họ Đoàn sinh được một trai, bà thứ họ Võ sinh được một trai, và người thiếp sinh được mười trai và sáu gái [5] . Bà nào nuôi con nấy. Lương bổng của tác giả chỉ đủ uống thuốc để sống cho qua ngày!

Tình cảnh của Nguyễn Du thật không khác tình cảnh Đỗ Phủ đời Đường. Và tuy tấm thân không bị đày đọa như Khuất Nguyên đời Đông Châu, nhưng nỗi lòng vẫn tương tự. Cho nên khi đi sứ sang Trung Quốc, Nguyễn Du có đến Lỗi Dương viếng mộ Đỗ Phủ và khi qua Tương Đàm có làm thơ điếu Khuất Nguyên. Văn chương thống thiết.

Điếu Khuất Nguyên đến hai bài, nhan là:

Tương đàm điếu Tam lư Đại phu

I.
Hiến tu nhân khứ nhi thiên tải
Thử địa do văn lan chỉ hương
Tông quốc tam niên bi phòng trục,
Sở từ vạn cổ thiện văn chương.
Ngư long giang thượng vô tàn cốt
Đỗ nhược châu biên hưu chúng phương.
Cực mục thương tâm hà xứ thị,
Thu phong lạc mộc quá Nguyên Tương.

II.
Sở quốc oan hồn táng thử trung,
Yên ba nhất vọng điều hà cùng!
Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ,
Hà hữu Ly Tao kế quốc phong.
Thiên cổ thuỳ nhân liên độc tỉnh?
Tứ phương hà xứ thác cô trung!
Cận thời mỗi hiếu vi kỳ phục,
Sở hội tiêu lan cánh bất đồng.

Để các bạn ít đọc sách Tàu, dễ nhận thức ý nghĩa trong bài thơ, xin nói qua về thân thế Khuất Nguyên và về xuất xứ của đôi chữ không được phổ biến.

Khuất Nguyên là người nước Sở, đời Chiến quốc (thế kỷ IV trước Công nguyên). Ông làm chức Tam lư Đại phu. Ban đầu được Sở Hoài Vương tín nhiệm, bằng lòng thực hành chủ trương chính sách của ông. Nhưng rồi nghe lời gian thần gièm xiểm, nhà vua đày ông đi Trường Sa (Giang Nam). Ông qua hồ Động Đình, theo dòng sông Nguyên, đến vùng Thần Dương, Tự Phố, rồi lại theo sông Tương đến Mịch La. Ở Mịch La được ít lâu ông buồn chán quá, trầm mình mà chết. Ông chết nhằm ngày mồng năm tháng năm.

Ở nơi đất trích ông có soạn bộ Ly Tao, văn chương tuyệt diệu. Đó là một kiệt tác trong văn học cổ điển Trung Hoa. Tiếp theo Kinh Thi đời Xuân Thu, Ly Tao là nguồn của bao nhiêu dòng thơ Trung Quốc.

Những chữ như “hiếu tu” (chăm sửa sang đức tốt), “chỉ lan” (cỏ chỉ hoa lan), “đỗ nhược” (hoa màu trắng có sáu cánh, giống như hoa sen), “độc tỉnh” (một mình tỉnh), “cô trung” (lòng trung không ai biết đến), “tiêu lan” (hoa tiêu hoa lan)… đều là những chữ mượn trong Ly Tao, và Ly Tao cũng thường gọi là “Sở từ” (những bài từ của nước Sở. Ngoài Ly Tao ra, sở từ còn gồm nhiều tác phẩm của các thi gia khác, nhưng phần nhiều đều bắt nguồn ở Ly Tao).

Nguyễn Du đến Tương Đàm (Trường Sa) mùa thua năm Quý Dậu (1813) và từ phía Nam lên Bắc Kinh có đi trên dòng sông Tương. Cho nên cảnh Nguyên Tương trong thơ vừa nói đến Khuất Nguyên vừa nói đến mình vậy.

Xin tạm dịch hai bài điếu Khuất Nguyên như sau:

I.
Hai nghìn năm vắng người sửa đức,
Nơi đây còn thơm nức chỉ lan.
Ba năm đất trích phũ phàng,
Sở từ muôn thuở rỡ ràng văn chương.
Sông cá rồng nắm xương không giữ,
Bãi hoa lồng trăm thứ cỏ thơm.
Nơi nào gởi mối thương tâm!
Lá thu gió rụng nẻo tầm Nguyên Tương.

II.
Nơi đây chốn hồn oan Sở quốc,
Mắt muôn trùng khói nước chơi vơi.
Vì ban hiến lệnh xuống đời,
Ly Tao đâu để nối lời Quốc Phong.
Hồn độc tỉnh ai lòng tưởng tới?
Niềm cô trung biết gởi phương nao?
Đời nay chuộng lạ xiết bao,
Đeo lan dắt ngọc nhưng nào giống xưa!

Trong buồn thương đau xót có oán hận mỉa mai! Và ngoài hai bài “Tương đàm điếu Tam lư Đại phu” trên, trong Bắc hành tạp lục còn ba bài nữa cũng nói về Khuất Nguyên: “Phản chiêu hồn”, “Biện giả”, “Trường sa Giả thái phó”. Văn chương đều ngầm chứa bi phẫn. Đó là Nguyễn Du mượn Khuất Nguyên, chẳng những để gởi gắm tâm sự, mà còn để làm điển hình cho kẻ trung lương bị bọn gian nịnh làm hại, ở khắp mọi nơi, mọi thời đại.

Tương đàm ở phía Bắc Lỗi Dương, sang Bắc Kinh, Nguyễn Du phải qua Lỗi Dương trước. Nhưng không biết tiên sinh ghé thăm mộ Đỗ Phủ lúc đi hay lúc về. Lúc đến thăm có cảm tác một luật, nhan là:

Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ

Thiên cổ văn chương thiên cổ sư
Bình sinh bội phục vị thường ly.
Lỗi Dương tùng bách bất tri xứ!
Thu phố ngư long hữu sở ti.
Dị đại tương liên không sái lệ,
Nhất cùng chí thử khởi công thi?!
Trạo đầu cựu chứng y thuyên vị!
Địa hạ vô linh quỷ bối xy.

Phỏng dịch:

Thơ thiên cổ cũng thầy thiên cổ,
Vốn một lòng ngưỡng mộ bấy nay.
Lỗi Dương tùng bá đâu đây
Cá rồng thu lạnh sông đầy nhớ thương.
Há văn chương luỵ người đến thế?!
Chạnh nghìn xưa dòng lệ khôn ngăn
Lắc đầu bệnh cũ còn chăng?
Suối vàng chớ để mấy thằng quỷ trêu.

Văn tiêu dao, tình thâm thiết. Thật là lời của “nòi tình thương người đồng điệu”.

Nhưng Đỗ Phủ vốn người huyện Trường An, tỉnh Thiểm Tây sau dời đến Tương Dương, tỉnh Hồ Bắc, mà sao mộ lại ở Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam?

Nguyên năm Đại lịch thứ 5 (770), Đỗ Thiếu Lăng chạy loạn đến Hồ Nam, nương nhờ nhà Thôi Vĩ ở Lỗi Dương. Một hôm lên núi Hành Sơn yết miếu Nhạc Phi, gặp lụt. Nước dâng to ngót mười hôm không về được. Quan huyện lệnh Lỗi Dương do họ Nhiếp hay tin đưa thuyền đến rước về. Đêm ấy rượu say rồi mất ở huyện đường, hưởng dương 59 tuổi. Vì nhà nghèo không đưa hài cốt về quê được, phải táng ở Lỗi Dương. Bốn mươi ba năm sau (813), cháu là Đỗ Tư Nghiệp mới đưa di cốt về chôn gần mộ ở núi Thú Dương.

Nguyễn Du đến thăm mộ ở Lỗi Dương vào khoảng 1813-1814, nghĩa là ngót một ngàn năm sau khi mộ Đỗ đã cải táng. Cho nên mới có câu:

Lỗi dương tùng bà bất tri xứ.

Tuy tìm không biết đích xác nền mả cũ nơi nào, nhưng lòng nhớ thương vẫn có chỗ đình đậu: Những áng văn chương tuyệt tác mà trong đó có câu:

Ngư long tịch mịch thu giang lãnh
Cố quốc bình cư hữu sở ti.

Nghĩa là:

Cá rồng vắng vẻ sông thu lạnh,
Thong thả lòng thêm nhớ cố hương.

Câu thơ của Nguyễn Du:

Thu phố ngư long hữu sở ti

là đúc hai câu thơ của Đỗ Phủ lại làm một. Câu này vừa tả cảnh trước mắt, vừa nói lên nỗi lòng của Đỗ Phủ ngày xưa, vừa tỏ tấm tình của Nguyễn Du đối với Đỗ Phủ trong khi đến thăm mộ. Thật tài tình mà cũng thật cảm động!

Cập luận, Nguyễn Du vừa khóc Đỗ Thiếu Lăng vừa khóc mình. Vì cảnh nghèo khó cảnh nổi cảnh chìm thật không khác nhau. Không khác nhau cho đến cảnh “con đói”. Đỗ Phủ có câu:

Hậu ộc cố nhân thư đoạn tuyệt,
Hằng cơ trĩ tử sắc thê lương!

Nghĩa là:

Bạn xưa nhiều bỗng tình lơ láo,
Con trẻ không cơm mặt võ vàng.

Tình cảnh có khác gì tình cảnh trong câu Nguyễn Du:

Thập khẩu đề cơ Hoành Tĩnh Bắc,
Nhất thân ngoạ bệnh Đế Thành Đông.

Đồng bệnh tương liên, nên không cầm được giọt lệ! Nhưng có phải vì thơ hay mà đời phải chịu đến thế? Chưa chắc đã đúng. Nhưng trên đời đã không ra sao rồi, thì xuống âm phủ đừng để lũ quỷ nhạo báng nữa! Đó là ngụ ý nghi ngờ người hậu thế. “Bất tri tam bách dư niên hậu!”.

Con bệnh “lắc đầu” Nguyễn Du nói trong thơ, có lẽ là một tật do tuổi già sinh ra. Nguyên Đỗ Phủ bình sinh mắc nhiều bệnh, lúc về già tai bị điếc, cánh tay phải bị tê liệt. Nói chuyện phải bút đàm một cách khó khăn. Cho nên khi nói chuyện với người, thường chỉ gật đầu, lắc đầu, ra dấu. Lâu ngày thành tật. Có lẽ trong một bài thơ nào Đỗ có nói đến tật ấy, nên Nguyễn Du mới nhắc đến.

Xem qua một ít thơ chữ Hán của ba tập Thanh Hiên, Nam Trung, Bắc hành, chúng ta nhận thấy thi tài của Nguyễn Du thật lỗi lạc. Và ba tập thơ kia, ngoài giá trị về mặt văn chương, còn giúp cho nhà khảo cổ biết rõ tâm sự tác giả Đoạn trường tân thanh. Không biết trong Thư viện Quốc Gia Saigon có đủ ba tập thơ ấy và các nhà hữu trách hiện đại ở trong chính quyền có nghĩ đến việc bảo tồn nền văn hoá cũ của Việt Nam?
(nguồn: Talawas.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)