15/4/15

Về Cách Nói (Và Viết) "Lòng quyết tâm còn cao hơn núi"


Cao Xuân Hạo

Có những sai sót tưởng chừng như vô hại trong câu nói hay câu văn, thật ra có thể rất có hại, trước hết là cho người nói hay người viết. Nó cho thấy một trình độ hiểu biết rất thấp về tiếng mẹ đẻ và về cách tư duy, khiến người nghe hay người đọc khó lòng có thể không cười thầm.

Có lẽ không mấy ai không thuộc lòng câu hát trong bài Hò kéo pháo sáng tác từ hồi ta đánh trận Điện Biên Phủ lẫy lừng :

Dốc núi cao cao,
Nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi!

Nội dung câu hát thật là hào hùng!. Nhưng hình thức thì sao?

Có lẽ ít người để ý đến một cái lỗi ngữ pháp kếch sù mà các giáo viên dạy tiếng Việt đã tốn không biết bao nhiêu thì giờ và công sức để sửa mà cho đến nay hình như vẫn không phải lần nào cũng thành công.

Đó là cái lỗi có tên là trùng ngữ, một lỗi rất nặng cả về tiếng Việt lẫn về tư duy lôgích, làm cho người nghe (hay người đọc) thấy người nói (hay người viết) không hiểu đúng những từ ngữ mình dùng, cho nên nói hay viết thừa một chữ hoàn toàn vô ích và có hại. Đó là những lỗi mà người ta phạm khi nói hay viết "rất trắng nõn", "chủ yếu nhất", "ánh nắng mặt trời", v.v...

Một lỗi có phần tương tự cũng đã bị dân gian chế giễu trong câu ca dao:

Nửa đêm giờ tý canh ba,
Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi.

Nhưng kiểu lỗi này (thường gọi là trùng ngôn - tautology) còn nhẹ hơn rất nhiều so với trùng ngữ (pleonasm) (1), vì kiểu lỗi thứ hai này làm cho người nghe hay người đọc thấy rõ người nói hay người viết hoàn toàn không hiểu cái từ ngữ mà mình dùng. Chẳng hạn người nói "rất trắng nõn" không hiểu rằng trắng nõn đã có nghĩa là "rất trắng" rồi (2); người nói "chủ yếu nhất" hoàn toàn không hiểu rằng "chủ yếu" đã có nghĩa là "quan trọng nhất" rồi; người nói "ánh nắng mặt trời" không hiểu rằng ánh nắng chỉ có thể là ánh sáng trực tiếp của mặt trời, chứ không thể có thứ ánh nắng nào khác (nếu thay mặt trời bằng mặt trăng, sao, đèn, lửa, chớp, ai cũng sẽ thấy ngay là hết sức vô lý) .

Nhưng có lẽ những lỗi trùng ngữ đã kể trên đây cũng dễ tránh đối với người có trình độ trung học, hay đối với bất cứ ai có suy nghĩ một chút trong khi nói hay viết. Những lỗi thường phạm phải trong khi dùng những từ thường gọi là Hán-Việt (3) hình như phổ biến hơn nhiều.

Chẳng hạn, có một số ít từ gốc Hán có trật tự ngược với trật tự bình thường của tiếng Việt (phụ trước chính sau, trong khi tiếng Việt quen hơn với trật tự chính trước phụ sau), trong đó từ có cương vị trung tâm là danh từ, rất hay gây nên những lỗi trùng ngữ như lòng quyết tâm.

Có khá nhiều người Việt không hiểu thật rõ rằng quyết tâm là một danh ngữ có chữ "tâm" làm trung tâm, cho nên hay dùng nó như một vị từ ("động từ"), chẳng hạn khi lẽ ra phải nói: Tôi quyết thi đỗ, thì người ta lại thích nói: Tôi quyết tâm thi đỗ.

Từ đó, chữ tâm dần dần mòn nghĩa rồi trở thành hoàn toàn vô nghĩa, cho nên khi cần đến một danh từ như trong câu hát hào hùng đã dẫn ở đầu bài, người ta "danh hoá" hai chữ quyết tâm, vốn có nghĩa là "lòng cả quyết" bằng cách thêm một chữ "lòng" ở phía trước, làm thành một trùng ngữ điển hình.

Những trường hợp dùng thừa một danh từ để tạo trung tâm cho một danh ngữ đã có sẵn trung tâm rồi như vậy là khá phổ biến vì, do chưa quen với trật tự phụ trước chính sau, người nói hay hiểu lầm danh ngữ thành vị ngữ. Chỉ riêng những trường hợp phạm lỗi với chữ tâm cũng đã khá nhiều (chẳng hạn hảo tâm có nghĩa là "lòng tốt", cho nên có thể nói Tôi xin cảm ơn hảo tâm của các vị là được rồi, thế nhưng người ta lại thích nói Cảm ơn lòng hảo tâm, và phạm lỗi trùng ngữ chỉ vì tưởng "hảo tâm" chưa có đủ tư cách của một danh ngữ.

Đối với những danh ngữ Hán - Việt có trung tâm là ý, chí, tình, huyết cũng vậy: Người ta dễ có xu hướng thêm một danh từ ở phía trước để có được một danh ngữ thật đầy đủ, do đó mà tạo thành những lỗi trùng ngữ như sự nhã ý, hành động thiện chí, sự nhiệt tình, lòng nhiệt huyết.

Nhưng ở đây, ngoài lỗi trùng ngữ ra còn có một lỗi khác nữa do không hiểu cái thái độ khiêm tốn cố hữu của người Á Đông tôn vinh người đối thoại với mình, trong khi bản thân mình thì tự hạ thấp bằng những từ xấu nghĩa, cho nên dần dần chuyển thành một nghĩa khác. Chẳng hạn chữ "quý" trong quý phương, quý nữ hay chữ "nhã" trong nhã ý, chữ "cao" trong cao kiến đã trở thành một đại từ sở hữu chỉ ngôi thứ hai (có nghĩa là "của ngài") chữ "tệ" trong tệ xá hay chữ "hàn" trong hàn gia, chữ "ngu" trong ngu ý đã trở thành một đại từ sở hữu dùng cho ngôi thứ nhất ("của tôi").

Vì không hiểu những ý nghĩa phái sinh này, có khá nhiều người nói những câu như Tôi có nhã ý mời anh chị đến dùng cơm hay Theo thiển ý của bố tôi thì họ rất tốt đều không ổn, vì "nhã ý" chỉ có thể dùng cho ngôi thứ hai ("cái ý nhã nhặn của ngài"), còn "thiển ý" chỉ có thể dùng cho ngôi thứ nhất (vì tôi không có quyền "khiêm tốn giùm" cho bất kỳ ai khác).

Nhưng nó còn có hại hơn nữa cho người nghe còn ở tuổi đi học, vốn có xu huớng bắt chước ngay những cách nói hơi lạ tai của người lớn, nhất là thứ người lớn có uy tín, như cách nói "chí ít"(4) chẳng hạn - dấu hiệu rõ rệt của một trình độ hiểu biết cực thấp về tiếng Việt cũng như về tiếng "Hán-Việt" và cũng là dấu hiệu của thói a dua theo thời thượng một cách mù quáng và thiếu thông minh.


Chú thích:

(1). Thật ra trong nhiều trường hợp, trùng ngôn rất có ích với tính cách là định nghĩa ("tam giác là hình có ba góc") hay là lời nhắc nhở, như câu "Anh là đàn ông, sao không khiêng giúp chị ấy?."

(2). Cũng như trắng bóc, trắng toát, trắng phau, trắng hếu, trắng xoá, trắng nhỡn, trắng bệch, trắng ngần, trắng dã, tuy có những sắc thái nghĩa và tu từ khác nhau, song đều có chung ý nghĩa "cực cấp" tuyệt đối (hay "tối cao") như nhau, cho nên không thể thêm rất, lắm, nhất mà cũng không thể thêm hơi, khá, hay hơn, kém, không bằng. Trong trường hợp thứ nhất, ta có những lỗi trùng ngữ; còn trong mấy trường hợp sau, ta lâm vào tình trạng mâu thuẫn nội tại.

(3). Thuật ngữ "Hán-Việt" rất hay bị hiểu lầm là chỉ những từ tiếng Hán được đưa vào câu tiếng Việt, được quan niệm như đối lập với những "từ thuần Việt" hay "chữ Nôm". Thật ra đó hầu hết là những từ Thái hay Môn- Khmer. Trong tiếng Việt hiện đại, không có từ nào có thể coi là gốc thuần tuý Việt Nam".
Phải nhấn mạnh rằng từ Hán-Việt, tuy có nguồn gốc Hán, nhưng từ hàng ngàn năm đã được đồng hoá hoàn toàn và trở thành tiếng thuần Việt, vì đều được người Việt hiểu rõ nếu đủ thông dụng, trong khi người Trung Quốc chưa học tiếng Việt thì không thể hiểu được. Trong dân gian, từ "Hán-Việt" thường được gọi là chữ Nho để phân biệt với chữ Nôm. Cách gọi này cho thấy rằng người Việt không quan niệm từ Hán-Việt như một cái gì của nước ngoài. Chữ Nho được trọng vọng hơn chữ Nôm ("Nôm na mách qué"), với điều kiện là biết tránh lạm dụng, vì "Xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ". Dốt mà hay nói chữ thì có nguy cơ rơi vào những cái lỗi đáng buồn như "ánh nắng mặt trời" hay "chí ít" chẳng hạn.

(4). Người tử tế đều biết rằng tiếng Việt đã có sẵn hai cách nói đúng đắn hơn nhiều là ít ra (cũng) và ít nhất, và mặt khác, dù không biết chữ Nho, cũng hiểu rằng chí có nghĩa là "rất" (như trong chí hiếu, chí tôn, chí phải chứ không bao giờ có nghĩa là "nhất" như trong cách nói chí ít.

nguồn: laodong.com.vn




Cây bằng lăng trước ngõ vừa trổ bông

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)