19/2/19

Giải ảo lịch sử


Nghe Trần Quốc Vượng (1935 - 2005) nói về một số vấn đề lịch sử VN. Bài phát trên BBC từ 2003, nghe lại



Đọc thêm một tác phẩm của ông.
Trong Cõi được xb đầu tiên tại Mỹ năm 1993, hiện cũng đã được phép xb tại VN, tuy nhiên bị luoc5 bỏ chương 15, viết về dòng dõi HCM. Bản pdf sau đây là bản đủ



17/2/19

10 mẫu chuyện ngắn

Đọc được trên mạng, cop về mọi người đọc cho vui. Sau mỗi câu chuyện có phần cảm ngộ, đại khái là bài học rút ra từ câu chuyện ấy, tôi đã bỏ đi. Cuối tuần đọc chơi thôi, ko học. Ai đọc xong thích thì ngẫm, được gì thì tùy.

1. Trong bữa tiệc

Trong bữa tiệc Mark Twain ngồi đối diện với một phụ nữ trẻ, theo phép lịch sự ông nói:

– Cô quả thật rất đẹp!

Quý cô này không hiểu thiện ý của ông, bèn cao ngạo nói:

– Đáng tiếc là tôi không thể nào dùng lời như thế để khen ông được.

Mark Twain bình thản nói:

– Không sao, cô có thể làm giống như tôi, cứ nói dối một câu là được rồi.

Người phụ nữ đó không biết làm gì hơn, đành cúi đầu xấu hổ.


2. Khi vợ nấu ăn

Trong bếp, vợ đang lúi húi nấu ăn. Người chồng đứng bên cạnh nói liên hồi:

– Chậm một chút!

Lát sau anh nói:

– Cẩn thận, lửa to quá rồi! Mau mau lật cá đi. Dùng thìa lật nhanh lên, sao mà nhiều dầu quá.

Chưa được bao lâu, anh lại kêu lên:

– Cắt đậu phụ bằng phẳng một chút, chứ sao lại lem nhem thế này.

Cuối cùng, anh nói:

– Ái chà, em biết nấu ăn như thế nào mà.

Người vợ thấy trong lòng khó chịu, bèn buột miệng nói:

– Dĩ nhiên là em biết rồi!

Lúc này người chồng mới nháy mắt nói với vợ rằng:

– Anh chỉ muốn để em biết rằng khi anh đang lái xe, em ngồi bên cứ liên chi hồ điệp thì cảm giác của anh như thế nào.

3. Bác thợ sắp nghỉ hưu

Bác thợ già sắp nghỉ hưu, ông chủ quý mến không nỡ xa bác, bèn bảo bác làm thêm một căn nhà nữa rồi hãy về nghỉ. Bác thợ già miễn cưỡng nhận lời, nhưng không còn để tâm vào công việc. Vì để nhanh chóng được về quê, bác thợ chỉ làm quấy quả cho xong.

Khi nhà mới hoàn thành, ông chủ cười tươi nói rằng đây là quà nghỉ hưu của bác. Bác thợ không ngờ ngôi nhà này lại là nhà của chính mình, trong lòng vừa xấu hổ vừa hối hận.


4. Cụ già trên tàu cao tốc

Trên chuyến tàu cao tốc, một cụ già bất cẩn làm văng chiếc giày mới mua ra ngoài cửa sổ tàu, mọi người xung quanh ai nấy đều cảm thấy nuối tiếc thay cho cụ. Nào ngờ cụ già cầm chiếc giày còn lại ném qua cửa sổ…

Hành động này khiến mọi người kinh ngạc. Cụ già giải thích:

– Chiếc giày này dẫu có đắt giá đến mấy thì đối với tôi cũng là vô dụng. Nếu có ai đó nhặt được một đôi giày, chưa biết chừng họ còn có thể đi được.


5. Thỏ con câu cá

Ngày thứ nhất đi câu cá, thỏ con không câu được con nào. Ngày thứ hai thỏ con lại đi câu, nhưng kết quả vẫn như cũ. Ngày thứ ba, khi thỏ con vừa đến nơi thì một con cá lớn ở dưới sông nhảy lên quát to:

– Nếu ngươi vẫn còn dùng cà rốt làm mồi câu thì ta sẽ…


6. Người bạn là tiến sỹ y khoa

Một bác sĩ làm phẫu thuật ung thư cho người bạn cũ của mình. Sau khi mổ ra mới phát hiện rằng khối u này không thể cắt được, anh đành phải khâu lại.

Sau đó anh giải thích tình hình với bệnh nhân. Bệnh nhân không hiểu các thuật ngữ y học, cứ tưởng rằng đã mổ xong thì bệnh sẽ khỏi.

Bác sĩ không làm cách nào giải thích cho người bạn cũ của mình hiểu được, đành phải cấp giấy cho xuất viện. Sau một năm người bạn cũ quay lại khám, bác sĩ kinh ngạc phát hiện ra rằng bệnh đã khỏi rồi, tế bào ung thư cũng hoàn toàn biến mất.

7. Tình cờ gặp nhau ở quán cà phê

Cô bước tới hỏi:

– Anh là người mà dì Vương giới thiệu phải không?

Anh ngẩng đầu nhìn cô, quả đúng là mẫu người mà anh thích. Trong lòng anh thầm nghĩ: “Đã nhầm thì nhầm một thể”, thế là vội vàng trả lời:

– Vâng, mời cô ngồi.

Hôm kết hôn, anh thẳng thắn thừa nhận rằng anh không phải người dì Vương giới thiệu, và hôm đó anh đến cũng không phải để gặp mặt làm quen. Vợ anh cười và nói:

– Em cũng không phải đến gặp mặt làm quen, chỉ là em lấy cớ để bắt chuyện với anh…

8. Hai con hổ

Có hai con hổ: một con trong chuồng và một con trong rừng. Cả hai con hổ đều cho rằng hoàn cảnh của mình không tốt, kẻ này luôn ngưỡng mộ kẻ kia.

Thế là chúng quyết định đổi chỗ cho nhau. Ban đầu chúng vô cùng vui sướng hạnh phúc. Nhưng không lâu sau, cả hai con hổ đều chết: Một con chết vì đói, một con chết vì buồn rầu.


9. Nữ sinh chọn hoa khôi

Một cô gái dung mạo bình thường đã có bài diễn thuyết như sau:

– Nếu tôi được chọn làm hoa khôi thì mấy năm sau, các chị em hiện đang ngồi tại đây có thể tự hào nói với chồng mình rằng: “Khi em học đại học, em còn đẹp hơn hoa khôi của lớp”.

Kết quả cô đã chiến thắng với số phiếu bầu tuyệt đối.


10. Chuột sa chĩnh gạo

Một con chuột vô tình rơi vào chĩnh gạo. Sự cố bất ngờ này khiến nó vui sướng khôn nguôi. Sau khi xác định không có nguy hiểm gì, nó bèn ăn ngốn ăn ngấu, ăn no rồi lại nằm ngủ, ngủ dậy rồi lại ăn no.

Cứ như thế, nó ở trong chĩnh gạo ăn rồi ngủ, ngủ rồi lại ăn. Cuộc sống hạnh phúc êm đềm trôi đi khoan khoái.

Đến khi chĩnh gạo vơi dần, vơi dần và lộ đáy, nó vẫn không thoát khỏi sức quyến rũ của những hạt gạo ngon lành còn sót lại. Cuối cùng nó đã ăn hết sạch sành sành. Lúc đó nó mới phát hiện ra rằng, nhảy ra khỏi chĩnh gạo chỉ là giấc mộng xa vời, hết thảy đều đã vô phương bất lực rồi.


Theo Cmoney
Nam Phương biên dịch

10/2/19

Gởi đôi mắt




Bài hát Phú Quang viết lời trên ý thơ Từ Kế Tường.

Gửi về đôi mắt

Từ Kế Tường

Có điều gì làm nhói lòng ta sau đôi mắt ấy
Đôi mắt em ôi thăm thẳm nỗi sầu xưa
Như đời ta cứ lầm lũi những mùa mưa
Căn phỏng cũ lẻ loi ngày thiếu nắng.


Tiếng chim hót chiều nay càng quạnh vắng
Nằm ở đây ta đợi tiếng chân về
Như đã bao lần thao thức dưới mưa khuya
Đèn hiu hắt cùng ta chung một bóng.

Hạnh phúc tìm đâu trong mơ hồ ảo mộng
Những cuộc tình hôm sớm đã phôi pha
Tỉnh giấc nhàn du hiu hắt lá ngô già
Con chim phượng lại độc hành qua vạn dặm

Những cơn say dốc đời ta vào mây trắng
Nên ngàn năm phiêu dạt một dòng sông
Hết buổi lang thang đến sầu quán vắng
Có ngờ đâu em lại đến bên lòng.


Em là ai - có phải đã hóa thân làm một cánh mai trong
Màu hoa ấy rưng rưng ngày hạnh ngộ
Đôi mắt một màu sương đã theo chân ta về viễn phố
Gỡi lại chút buồn vui cho ngôi quán bên đường

Gặp gỡ làm chi trong vô vị đời thường
Hỡi cánh mai trong, xanh một màu kỉ niệm
Những cơn mưa lại về, những nhớ nhung lại đến
Trái đắng trên môi cười lại ngọt lúc bên nhau

Ôm em trong tay để nhớ mãi ngàn sau
Ai biết được nỗi đau ngày viễn cách
Vị ngọt trên môi em ta biết lần đầu
Sẽ ở lại như những giọt mưa ngậm ngùi tháng 6

Có điều gì ngỡ như là mộng ảo
Đôi mắt em vời vợi ở bên đời
Ta vẫn lẻ loi như chiếc lá cuối trời
Căn phòng vắng tiếng căn phòng vắng chân em xa khuất

Từ Kế Tường tên thật Võ Tấn Tước sinh năm 1946 tại Bến Tre. Trước 1975 là cây bút quen thuộc trên Tuổi Ngọc, tờ tuần báo dành cho tuổi học trò do Duyên Anh chủ trương. Sau 1975 ông gia nhập Hội Văn Nghệ Giải phóng, làm cho các tờ báo Công an, Văn nghệ thành phố.

Lời bài hát của NS Phú Quang

Gửi đôi mắt

Có điều gì nhói lòng anh sau đôi mắt ấy
đôi mắt em thăm thẳm nỗi buồn xưa
Chiều chơi vơi ta ngồi bên quán vắng
nghe hoàng hôn chết lặng trên phố buồn


Từ bao giờ dạt trôi đời con sóng
những cuộc tình năm tháng đã tàn phai
Ngỡ chỉ còn cơn say bồng bềnh men đắng
sao chiều nay tình chợt dâng đầy

Sẽ còn lại với ta một hoàng hôn ấy
dù mai đây tình như chiếc lá cuối trời
Có điều gì giống như hư ảo
khi mắt em ấm áp một tình yêu


Hình trên mạng


6/2/19

Bài ca Tết cho em


Đầu năm nghe Bảo Yến trình bày Bài Ca Tết Cho Em. Theo BY thì đây là bài ca Quốc Dũng làm để tán cô. Nhưng nghe lời ca, rõ là qua giai đoạn tán rồi chứ nhỉ.

Tết này anh không thèm kẹo mứt
Vì đã có môi em thơm ngọt tựa sen hồng.

Đã hôn nhau thắm thiết. Chắc bấy giờ chàng nịnh để tính chuyện xa hơn ..



5/2/19

Ly rượu mừng


Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương sáng tác từ 1952, từ lâu đã thành bài ca quen thuộc mỗi dịp xuân về.
Trước đây, bài hát bị cấm, nên thường chỉ nghe lại phiên bản của Ban Thăng Long, hoặc của những ca sĩ hải ngoại.
Ba năm trước, bài hát đã được cấp phép hát trở lại, đã có thêm nhiều phiên bản của các ca sĩ trong nước.
Ngày tết nghe lại bài hát này, và cả tiếng pháo lâu nay vắng, cho vui.



*
năm mới, chúc mọi người vui, khỏe.
riêng các cô các em chúc ăn nhiều ăn ngon người vẫn thon, ko tập người vẫn ko mập.



4/2/19

Cuối năm nhìn những chuyến xe qua




Bảo Yến trình bày bài hát của Vĩnh Điện phổ nhạc bài thơ cùng tên của Nguyễn Thị Thanh Bình

Cuối năm nhìn những chuyến xe qua

Chuyến xe metro cuối cùng
về trạm hay chưa
cuối năm rồi
cuộc đời thêm trống trải
tôi vẫn làm người di dân
                                                        mong ngóng mãi
chuyến xe nào mang tôi về quê hương

sao lâu quá chuyến xe
không về bến
tôi muốn khóc khi làm người đứng đợi
tuyết miền đông trời bỗng thả
giao thừa
đưa tay hứng
mấy mươi năm trời bạt xứ

tôi nào biết chuyến xe
                                                   không hồi khứ
người tài xế da màu nhìn tôi không do dự:
“chuyến xe này không bán vé khứ hồi”
người lưu vong
sao mua vé một chiều (?)

ngày tháng chết chuyến xe đời
mệt mỏi
dẫu thế nào tôi cũng xin làm người
đứng đợi
hơn nửa đời
kiệt lực với hụt hơi
đêm 30 không đen
                                           mà khoảng tối trắng mờ

bên kia đường gã homeless đưa tay vào mồm
phù phù khoảng trống
điệu sáo miệng nghe rầu rầu
kiếp bô-hê-miêng
tôi cũng đâu còn sinh khí
để thổi vào những chuyến đi
người công dân hạng hai
chỉ muốn biết ơn những con người lương thiện

ai không biết
chuyến xe cuối rồi tạt ngang qua đây
chúng ta chẳng còn thêm cả nửa phút giây
hòng nói lời tiễn biệt chia tay
yêu hay hận
thì cũng lên xe thôi
nổi lửa cho rồi
chờ ấm một chuyến về.

Nguyễn Thị Thanh Bình


Ảnh: vietnamphoto.net

3/2/19

Chiều cuối năm


Thơ Từ Kế Tường, nhạc Trọng Khôi



KHÚC BA MƯƠI

"Tụi nhỏ không biết, thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài dài xóm, khi ba và anh tắm táp xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt lửa vàng run rẫy trước sân, khi má nhốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị đứng chải tóc trước gương, thì Tết đã chớm hết, Mùng Một, Mùng Hai là Tết phai; Mùng Ba Mùng Bốn Tết tàn.

Tụi nhỏ không biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…"


KHÚC BA MƯƠI | Nguyễn Ngọc Tư

----

Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực không mà hôm đó cả nhà đều phải làm công chuyện tối mắt tối mũi. Đến nỗi, nhắc tới Tết là thấy chữ “Ba Mươi” chình ình, choán chật cả ký ức.

Đó là cái ngày duy nhất trong năm cả nhà sum họp mà không sum họp. Ai nấy túi bụi với chuyện của mình. Cánh đàn ông con trai (nói cánh cho ham vậy, chỉ hai người thôi, chứ mấy), cánh này quan trọng, lãnh phần dọn dẹp, lau chùi, làm đẹp nhà. Nào là quét mạng nhện trên trần, lau cửa kính, tủ bàn, kỳ cọ mấy cái lư đồng, đem phơi nắng. Mệt phờ. Lúc dọn dẹp, bày biện bàn thờ thì mùi chiên xào dưới bếp bay lên, trời, lại phải bỏ ngang công việc đang làm dở, chuẩn bị mâm bàn cúng rước ông bà. Xế chiều rồi, chớ giỡn…

Cúng kiếng xong, cánh đàn ông tiếp tục chuyển sang đánh trận… ngoài sân, còn má vẫn hì hụi trong bếp, vừa trông chừng nồi thịt kho, vừa làm thịt nguội, sau lưng má, củ cải với dưa leo đang chờ tới phiên mình trở thành món… dưa chua. Tết của má dài thăm thẳm, phải kể từ hôm tát đìa bắt cá làm mắm, xẻ khô. Cá còn phơi trên mấy hàng bông bụp má bắt tay vào làm củ kiệu. Hồi chị còn nhỏ, má lãnh luôn phần làm mứt, nướng bánh kẹp, bánh bông lan. Chị lớn, chị giành lấy, nói để chị làm, nên cả ngày ba mươi tụi nhỏ không thấy chị liếc, chị rầy, bởi chị cũng cắm đầu làm mứt, nào là mứt chùm ruột, mứt gừng, không biết ai ăn cho hết mà ôm đồm, vừa ngào chảo mứt dừa vừa chạy ra coi mớ mứt tắc (quất) phơi ngoài sân không biết có kiến bò lên không. Cái dáng chị khum khum, tay đấm lia lịa vào lưng, than mỏi quá nhưng vẻ mặt thì tươi rói, ngây ngất. Giống hệt cả nhà, miệng kêu cực mà hớn hở, như thể ngày cuối năm này không có việc gì làm mới là niềm đau khổ lớn.

Tụi con nít cũng bận lắm, chạy đi chạy lại, “lấy dùm ba cây bàn chải”, “chặt dùm má mấy trái dừa”, “ê, coi chừng mấy con chó chạy giỡn làm đổ mớ mứt đang phơi…”, “chạy đi mua cho má mấy bịt muối, cho đầy hũ, nhỏ ơi”. Trên đường chạy đầu này đầu nọ, tụi con nít không quên thò đầu vô tủ vuốt ve mấy bộ đồ mới, ứa nước miếng, trông mau tới chiều để mặc, nên có khi má kêu hai ba lần mới chịu đi làm, bịu xịu càu nhàu trong bụng, không biết ông trời sinh ra ba mươi Tết làm chi, công chuyện quá trời.
Mà, việc nào cũng quan trọng, quan trọng khủng khiếp, không thể để đến ngày mai. Tuyệt nhiên, chẳng ai chần chừ, “để làm sau..”. Cứ như là không còn ngày mai nữa, cả nhà làm cho bằng hết việc, đến xanh mặt, mướt mồ hôi, như ai đó đuổi đằng sau, như làm bây giờ để mai mốt không động tay vào bất cứ việc gì nữa.
Tụi con nít buồn cười, vì cữ kiêng lắm thì chỉ thảnh thơi được ngày mùng Một, bữa sau ba má cũng ra vườn tưới rau, chị nhất định phải rửa chén, giặt đồ, anh đến cơ quan, mọi người trở lại với công việc thường ngày của mình, Ba Mươi cũng đâu có thay đổi được gì mà làm muốn nín thở?

Tụi nhỏ không biết, thật sự của Tết là bữa ba mươi này. Khi tụi nhỏ mặc bộ đồ mới đi khoe dài dài xóm, khi ba và anh tắm táp xong ra hàng ba ngơ ngẩn ngắm hoa sao nhái đốt lửa vàng run rẫy trước sân, khi má nhốt than trong những bếp lửa tàn, khi chị đứng chải tóc trước gương, thì Tết đã chớm hết, Mùng Một, Mùng Hai là Tết phai; Mùng Ba Mùng Bốn Tết tàn.

Tụi nhỏ không biết, mãi về sau, khi lớn lên, trong ký ức Tết ấu thơ, những ngày mùng rất nhạt, đơn điệu, chỉ chơi và chơi. Nhưng bữa ba mươi luôn sống động, lung linh những mồ hôi, những nụ cười, những khoan khoái, những ngọt ngào…


2/2/19

Cherish Kool & The Gang

Let’s take a walk together near the ocean shore
Hand in hand you and I
Let’s cherish every moment we have been given
The time is passing by
I often pray before I lay down by your side
If you receive your calling before I awake
Could I make it through the night

Hãy cùng nhau đi dạo bên bờ bể
Tay trong tay anh và em
Hãy yêu quí từng khoảng khắc chúng ta được tặng
Thời gian đang trôi đi
Anh vẫn thường nguyện cầu trước khi nằm xuống cạnh em
Rằng nếu như em được ơn trên gọi đi trước khi anh thức giấc
Thì anh cũng có thể được đi cùng ngay trong đêm.




E-book sách cũ.


Trùng Dương: Điểm qua vài Web sites lưu giữ sách báo xuất bản trước 1975 tại Miền Nam

Hôm nay, một ngày đầu năm, nơi tôi ở trời lấm tấm mưa và sương mù còn giăng mắc mặc dù đã 10 giờ sáng. Có lẽ không hạnh phúc nào bằng ngồi trước lò sưởi với ly cà phê và vài cuốn sách -- chính xác thì phải nói là với mấy Web sites sách điện tử, hay e-book, trên cái iPad. Bằng hữu ở xa, giờ già cả cũng ít hoặc hết còn đi thăm nhau được. Ngoài trao đổi điện thư ngày một thưa thớt, chỉ còn cái thú làm bạn với sách. Thú thật chưa bao giờ tôi đọc sách báo nhiều như những lúc về sau này.

1/2/19

Chửi

“Có lẽ không có dân tộc nào trên thế giới văng tục, chửi tục nhiều và hay như dân tộc Việt nam.” (Nguyễn Văn Trung).

Trong tạp bút này Võ Phiến, một cây bút hàng đầu của miền Nam hồi xưa, tìm hiểu cái hay ấy.

Cop về định dành mấy ngày đầu năm rảnh mọi người đọc cho vui, nhưng đầu năm nghe chửi xui, thôi post luôn. Mấy ngày cuối năm ai rỗi thì đọc chơi.

CHỬI

Hồi tiền chiến, báo chí có kể câu chuyện một người ngoại quốc nghiên cứu về lối chửi nhau của các dân tộc, đến Việt nam, nhân đọc một đoạn văn của Thanh Tịnh, đã nhắn hỏi và được Thanh Tịnh cung cấp cho tài liệu. Nhà khảo cứu nhận rằng tài liệu rất quí báu, lối chửi ở Việt nam rất xuất sắc, đã gửi biếu Thanh Tịnh một món quà (hình như là cái máy chụp hình?) để đền ơn.

Hiện thời nghe nói linh mục Trương đình Hòe đang soạn một luận án tiến sĩ ở Pháp về ý nghĩa của cái chửi Việt nam.

Trong cuốn Ngôn ngữ và thân xác vừa xuất bản, Nguyễn văn Trung cũng có nghiên cứu về vấn đề chửi tục. Ông mở đầu: “Có lẽ không có dân tộc nào trên thế giới văng tục, chửi tục nhiều và hay như dân tộc Việt nam.”

Hay ra làm sao? Không thấy ai phân tích. Vả lại, cái hay cái đẹp là chuyện thẩm mỹ; sự nhận định, thưởng lãm, có thể chủ quan. Kẻ yêu thì cho là hay, người không thích lại chê dở. Chờ cho dứt khoát hãy còn lâu.

Cái nhiều dễ chứng minh hơn. Và nguyên một cái nhiều ấy đã mang nhiều ý nghĩa. Nếu Nguyễn văn Trung đã so sánh với các dân tộc trên thế giới và nhận thấy người Việt chửi nhiều, thì thôi, không còn gì để biện luận nữa; đó là sự thực khách quan, chửi là một đặc điểm của dân tộc.

Vấn đề chỉ còn là tìm hiểu đặc điểm ấy.

*​
* *​

Chửi là một cách xung đột bằng lời. Và chỉ bằng lời thôi, chứ không phải bằng những lý luận do lời nói phô diễn ra. Do đó chửi nhau khác với cãi nhau.

Hai kẻ cãi cọ cố thắng địch bằng lý lẽ. Dĩ nhiên khi đôi bên đã to tiếng, mặt mày đã sưng sỉa lên, thì giá trị luận lý của những câu cãi thường không thể xuất sắc. Lúc bấy giờ ở mỗi người chỉ có tình cảm sôi sục hoành hành, chứ lý trí không còn sáng suốt bình tĩnh để đi sâu vào những suy luận tinh tế nữa. Dù sao, nội dung một cuộc cãi nhau cũng là lý luận; kẻ thua cuộc là kẻ “bí". Để khỏi bí, người cãi phải lắng nghe, theo dõi lời lẽ của đối phương, hầu tìm cách bắt bẻ.

Chửi nhau thì, trái lại, không cần nghe gì ở đối phương cả. Cơ sự đã bùng nổ, mạnh bên nào nấy chửi, lấy hơn. Kết thúc cuộc chửi lộn, không ai thua vì bí. Thua ở đây có nghĩa hoặc là không đủ hơi sức để tiếp tục nên phải ngừng lời trước, hoặc là phải lãnh những lời nặng của đối phương mà vốn liếng hiểu biết của mình ít oi không cho phép trả lại những đòn nặng tương đương.

Như thế, một trận chửi lộn giống như một trận đánh lộn. Một đàng vung tay vung chân vung cây vung gậy đập loạn xạ xuống kẻ thù; một đàng đập loạn xạ bằng lời. “Đò bò. Đồ chó. Quân súc sinh. Đ. mẹ mày. Ị vào mặt mày" v.v... Đó là những đòn quất xuống, mong cho kẻ địch bị đau, không mong kẻ địch phải bí. Việc thiết yếu trong trận chiến này là đánh thật mạnh và làm thế nào để chịu đựng nổi những cú đánh của đối phương. Đánh được mạnh hay không là tùy thuộc cái vốn kiến thức chuyên môn của kẻ chửi. Để chịu đòn, người ta cố gắng để khỏi phải nghe tiếng nói kẻ thù; hoặc bịt tai lại, hoặc chửi to và liền hơi để lấp lóng. Trong trường hợp không chửi lại, người ta phớt tỉnh, làm lơ, tỏ vẻ như không hề nghe thấy tiếng chửi của đối phương, như những tiếng đó không ăn nhằm gì, không đụng chạm và làm tổn thương mình chút nào.

Phương thức tấn công cũng như phương thức phòng vệ của chửi lộn cho thấy nó gần với chiến tranh, mặc dù phương tiện của chửi lộn là lời nói vốn có công dụng giúp cho hiểu nhau. Trong tấn công, những câu mà người chửi văng rakhông chứa đựng một lý sự gì. Hoặc ngắn ngủi, cộc lốc như: “Đồ chó đ... Đồ ăn c...”, hoặc dài dòng văn tự như “Cha năm đời mười đời thằng đẻ ra bố đứa nào lấy con vịt của bà, nó mà không đem trả thì bà đào mả ông bà ông vải nó lên, bà bắt nó chui vào váy bà, bà bắt nó liếm 1... bà”, những lởi lẽ như thế cũng không nhằm phân giải một sự thực nào, một lẽ phải trái nào cả. Tác dụng của nó là tác dụng tàn phá, gây đau đớn, như đạn, như mìn. Cuộc trao đổi giữa đôi bên là trao đổi những thứ như vậy: càng nhiều càng tốt, hỏa lực càng mạnh càng hay. Trong phòng vệ, thì bịt tai là khiên, là mộc, là áo giáp, mũ sắt, là công sự, phòng tuyến v.v... Trong một cuộc chửi lộn, có kẻ nói qua người nói lại, nhưng rõ ràng không có đối thoại. Cãi nhau thì phải vểnh tai nghe, chửi nhau phải vít tai lại. Trong trường hợp này không cần biết gì về ý nghĩ của đối phương nữa, không cần đếm xỉa đến lập trường của họ: Giữa đôi bên, tuyệt đường tương thông.

*​
* *​
Giữa hai người, một khi có sự xích mích phải dùng lời lẽ để giải quyết, sự việc diễn tiến qua nhiều chặng đường trước khi đến chỗ chửi nhau.

Trước hết, đôi bên có thể bình tĩnh, hòa nhã. đối chiếu quan điểm trong một cuộc thảo luận có tính cách xây dựng, nhằm đi đến cảm thông, dàn xếp.

Nếu quan điểm bất đồng, không dàn hòa được, bấy giờ là khởi đầu của xung đột. Lời lẽ được sử dụng dần dà đi xa mục đích biện giải mà nhằm công dụng gây tổn thương; người ta nói mát, nói cạnh, nói khoé, nói kháy, nói bóng nói gió, nói khích, người ta chế giễu, châm chọc. Đó là những hoạt động phá rối, du kích. Nếu không chấm dứt, nó dẫn tới xung đột trực diện: cãi vã om sòm. Cuối cùng chửi nhau. Đến đây là biện pháp mạnh rồi. Là hành hung, là bạo động. Và bạo động (bằng ngôn ngữ cùng vậy) gây cảm tưởng khiếp sợ, ghê tởm. Nghe lời chế giễu, nói cạnh nói khóe, lắm khi thấy thích thú nếu gặp được những đối thủ thông minh, láu lỉnh. Ở đây, còn có sự biểu diễn của lý trí. Trái lại, chửi nhau thì chỉ còn tranh đua ở mức độ tàn nhẫn.

Đi đôi với lời lẽ, ở mỗi giai đoạn có những điệu bộ tư thế tương xứng. Khi chế nhạo, nói mát v.v..., người ta có thể cười mỉa, cười khẩy, giọng nói có thể ôn tồn, ngọt ngào mặc dù giả tạo. Bất chợt tìm được câu hài hước thú vị, chính kẻ nói có thể phát ra cười thực tình. Người ta còn thưởng thức được cái hay ho, còn khinh khoái, thỉnh thoảng còn vượt được lên trên sự tức giận.

Trong khi cãi vã, hai bên đương sự có lúc tức tối, có lúc tỏ thái độ kinh ngạc, có lúc làm ra vẻ khinh thị, mỉa mai v.v... Biểu lộ của con người hãy còn linh động, phong phú.

Nhưng đến độ chửi nhau thì cả con người đơn giản chì còn là phẫn nộ ngùn ngụt. Trong những trận thư hùng như thế diễn ra ngoài đường ngoài chợ, thường trông thấy những đối thủ xắn váy, xắn quần, chổng mông, vỗ vào chỗ kín đôm đốp, mắt long lên sòng sọc, người chồm tới, miệng gào nổi gân cổ... Tư thế của chiến sĩ ở trận tiền.

Vậy chửi là hình thức xung đột mạnh nhất bằng lời.

*​
* *​
Thi sĩ Paul Valéry có ý nghĩ ngộ nghĩnh về chuyện chửi rủa. Theo ông, sở dĩ bị chửi rủa xỉ vả mà thấy đau, ấy là vì ta chỉ nhìn có một phần con người đang làm nhục ta: cái phần bên ngoài lúc hắn đối diện hành hung ta. Hãy hình dung lúc chưa gặp ta, hắn một mình hậm hực, hì hục bấu xé băm vằm một kẻ thù tưởng tượng, một hình ma. Trông thấy trọn vẹn hắn, là trông thấy một tên khùng. (Qui voit donc tout l'insulteur, voit un fou.)

Thiết tưởng chỉ cần trông một nửa con người đang chửi, chửi theo lối Việt nam, cũng thấy được cái gì khá lạ lùng, lý thú.

Xin tưởng tượng hai người đối mặt nhau, xướng lên những câu thế này:

“Mẹ mày, cả nhà mày ra đường bị gà nó mổ mất dái từ già đến trẻ.

— Con khỉ trù, chó nó ăn mất cu, chết đi thành con ma trơi bay dọc đường xó chợ.

— Đ. mẹ mày.

— Tao ỉa vào đầu lâu hoa cái nhà mày.

— Tiên sư mày, tao chẻ xương mày ra.

— Đồ chết tiệt, mày đi ra đường xe nó đè, thuyền nó chìm v.v...”

Ý nghĩa những câu ấy đại loại là:

1/ Nêu lên những nhận định rất bất lợi về giá trị của đối phương (Đồ chó đéo, đồ đĩ điếm, con khỉ trù v.v...)

2/ Nêu lên những tai họa mong xảy đến cho phương (Bị gà mổ mắt dái, chó ăn mất cu, xe đè, thuyền chìm v.v...)

3/ Nêu lên những hành động bạo tàn mà ta muốn tự mình thực hiện đối với chính kẻ địch và những người thân yêu của hắn (Chẻ xương ra, đ... mẹ nhà nó, ị vào mồm, đào mả tiên sư v.v...)

Hà tất ngồi một mình tưởng tượng chẻ xương hay ị vào mồm, một kẻ vô hình mới là khùng? Gặp mặt nhau, cách nhau gang tấc, có thể túm lấy người ta để chẻ xương để ị vào mồm mà không hề túm lấy, chỉ đứng cách xa kê khai những ước muốn, những hành vi mình mong làm, kê khai nhiệt liệt hàng giờ như vậy, đó cũng là một cảnh tượng khác thường chứ, không sao?

Khi chửi, tình cảm trong lòng là thứ tình cảm ngùn ngụt của lúc lâm trận, tư thế bên ngoài là tư thế hầm hầm của chiến đấu, dự tính của hành động là những dự tính cực đoan ác liệt; tuy vậy rốt cuộc bạo động thực sự không xảy ra, tổn thương cụ thể không hề có.

Bảo chửi là hành hung thì quá đáng: kẻ chửi chưa có hành động hung dữ. Nhưng bảo chửi chỉ là ước muốn điều dữ cho kẻ khác thì lại không đủ: kẻ chửi đã đi quá sự ước muốn suông. Hắn đã thét to sự ước muốn đó vào mặt kẻ thù. Như vậy tuy không gây tổn hại cụ thể trên thân xác kẻ thù, hắn cũng làm cho đối phương đau đớn. Không thực hiện hoàn toàn nhũng ước muốn độc hại, nhưng hắn đã đi tới nửa con đường thực hiện.

Bởi không ra tay làm được những điều mình mong muốn cho nên người chửi thường ước mong quá trớn. Trong một trận chửi, có thể nghe kê khai liên tiếp các việc: nào là đ. mẹ kẻ địch, đút c... vào mồm kẻ địch, nào là bắt kẻ địch liếm 1... mình v.v... Giá có thể xông tới thực hiện lấy một chuyện thôi trong bấy nhiêu chuyện thì đã đủ hả giận rồi. Chính vì không làm một chuyện nào cả nên mới ao ước nhiều đến thế.

Một phần vì không phải đánh nhau bằng chân tay gậy gộc, không nhằm một cái đích xác thịt cụ thể; mà đánh nhau bằng lời nên được tha hồ vung vít vào những mục tiêu rộng lớn. Một phần khác vì đánh bằng lời, bằng tưởng tượng, không thỏa mãn được ước muốn, nên người chửi có xu hướng đi quá xa: sau khi giày xéo đối thủ, hắn còn xâm phạm tới tất cả những gì là quí trọng thân yêu nhất của đối thủ. Việc đụng chạm tới mồ mả, tổ tiên kẻ thù, có lẽ là do đó.

Nguyễn văn Trung cho rằng “lời chửi thiết yếu bao hàm một niềm tin tôn giáo dựa trên đạo thờ tổ tiên, vì giả sử một ngày kia người Việt không còn thờ ông bà ông vải, khấn vái, cúng giỗ, thì đã hẳn lúc đó lời chửi sẽ không còn ý nghĩa, tác dụng gì nửa,” và “người ta không thể chửi tục nếu không dựa trên một số niềm tin có tính chất tôn giáo.”

Thật vậy chăng? Nói những câu như “Đồ mất dạy, mày cứ há hốc mồm ra thì ông ị vào!” hay “Mày khôn hồn cút đi, không có tao ị vào mặt bây giờ” thì cần gì phải dựa trên một số niềm tin tôn giáo? Không thờ ông bà ông vải tưởng cũng cứ đòi làm dơ mồm kẻ khác được, đâu có sao. Và không thờ ông bà ông vải, bị kẻ khác đòi làm dơ mồm mình tưởng vẫn chịu một tác dụng đau lắm, đâu phải không tác dụng gì.

Trong chửi rủa, có những hành động bạo tàn muốn nhằm vào đối thủ, có những hành động bạo tàn muốn vượt quá đối thủ nhằm tới thân nhân họ, cũng như có những tai họa mong được do ta gây ra, có những tai họa mong quỷ, thần, gà, chó, xe cộ v.v..., những rủi ro huyền bí gây ra. Như vậy việc chửi rủa có biểu lộ sự tín ngưỡng của dân tộc, và những ai muốn tìm hiểu về tín ngưỡng Việt nam có thể tìm hiểu được một phần qua các câu chửi cũng như qua nhiều phong tục khác; nhưng chửi không đến nỗi thiết yếu bao hàm tín ngưỡng, không đến nỗi không tín ngưỡng không chửi được.

Không có tín ngưỡng, quyền lực của kẻ đánh đá bằng mồm sẽ bị giảm sút đi nhiều. Chỉ có vậy thôi. Và như thế kẻ chửi thiệt thòi tội nghiệp: không ra tay đánh thực mà chỉ đánh gió, hắn nên được đền bù bằng cách tha hồ loạn đả lung tung cho hả.

*​
* *​
Chửi là đi nửa con đường hành hung. Điều làm chúng ta thắc mắc là tại sao lại chỉ đi có nửa đường? Tại sao chọn dừng lại đó?

Bảo rằng gây đau đớn cho đối thủ đến như thế là tột độ, rằng như thế ta đủ trọn vẹn hả giận rồi, nhất định không đúng. Vậy tại sao không thượng cẳng chân hạ cẳng tay.

Đến đây, bất giác nghĩ đến một nhân vật lừng danh khắp Á đông: ả Q.

Ả Q., trong suốt cuốn chính truyện, không thấy có kẻ thân, chỉ thấy người thù, nếu chẳng ra hẳn là thù hằn thì cũng ghét bỏ khinh bỉ ả. Đối với mỗi hạng đối thủ, ả Q. có thái độ khác nhau. Thằng Đôn Oắt Tì và lão già Vương Xồm coi bộ yếu kém, nên vừa gặp nhau ả Q. khiêu khích và vung tay sấn ngang tới hành động. Còn quan tú “Tây Giả Cầy" với quan cử, thì ả chỉ đối phó bằng cách chửi “con mẹ nó." Có một lần ả chửi thành tiếng: “Thằng trọc... con lừa," và bị thằng Tây Giả cầy đập cho mấy cây ba-toong lên đầu, vì vậy để bảo đảm an ninh, ả Q. ưa chọn cách chửi thầm trong bụng. Ả Q. có biết câu “quân tử động khẩu bất động thủ,” nhưng xử sự linh động: gặp kẻ yếu thì ả vui lòng làm tiểu nhân mà gặp phải kẻ mạnh hơn mình, ả đề nghị làm người quân tử.

Như vậy, cái gì ngăn chặn một người chửi rủa đi thẳng tới hành động ấy là sự nguy hiểm.

Nét tâm lý ấy ở ả Q., theo lời ông Giản Chi thì nó tiêu biểu cho cái mà người phương bắc nước Trung hoa gọi là "phạp". Phạp là ươn hèn.

Ở đời, những kẻ khỏe mạnh, không e ngại vũ lực, thường không chịu ngừng mãi ở thái độ quân tử. Vì thế hạng khỏe chửi không phải là hạng vai u thịt bắp; thực vậy, hiếm khi trông thấy cảnh tượng một người đàn ông vạm vỡ chửi bới dai dẳng. Trái lại, chửi rủa ác độc và dông dài thường thường là sở trường của phái yếu.

Thế gọi là phạp? Nhận xét phũ phàng quá. Nhất là khi chửi rủa đã được nhận làm một đặc điểm của dân tộc. Bởi vậy, nên đề nghị một cách giải thích khác. Thiết tưởng chửi có thể coi như hình thức xung đột khôn ngoan của một dân tộc khôn ngoan.

Các va chạm trong cuộc sống một khi không thể thu xếp ổn thỏa, được giải quyết hoặc bằng cách nhịn nhục cho qua hoặc kết thúc bằng vũ lực. Nhịn nhục thì bề ngoài êm thấm đấy, nhưng bên trong nó đầu độc con người do niềm uất hận bị đè nén. Ả Q. đánh nhau thua mãi, về sau không dám đánh ai nữa, mỗi lần tức giận đành cứ quắc cặp mắt im lặng nhìn kẻ thù: sự suy đốn tinh thần của ả có thể một phần do đó mà ra. Nuốt lịm cơn giận, đó không phải là phản ứng thuận với tự nhiên. Trong tự nhiên, con người, cũng như con thú khi bị tấn công đe dọa, cơ thể tự động chuẩn bị để tức khắc đối phó: tim đập mạnh, hơi thở gấp, huyết quản trong phổi căng lên, dưỡng khí được hít vào máu, chất đường được rót vô máu nhiều hơn, máu dồn ra các bắp thịt, bắp thịt co lại, sẵn sàng hành động. Nếu hành động bị chận, các năng lực vừa huy động mà phải kìm hãm không dùng tới nó trở lại phá phách làm ta khó chịu, cáu kỉnh. Ta cáu kỉnh, giận dữ, thì các hạch thượng thận bị kích thích, chất thận tuyến tố (adréaline) tiết ra nhiều, huyết áp cao, mạch máu căng v.v... Cơn giận là cái gì độc hại; giận không nên nuốt; nuốt giận, tất sinh ra bệnh hoạn. Nổi tam bành lên mà được đập nhau một trận mới hả. Nhưng đập nhau thì nhiều khi hỏng việc hết, cho nên để cứu vãn tình vợ chồng trong gia đình người ta đập tạm bát, đĩa, ly, cốc v.v...

Cái cần lúc bấy giờ là cần một hành động mạnh, thật mạnh, có tác dụng giải toả. Những ràng buộc của cuộc sống trong xã hội văn minh không cho phép chúng ta mỗi lúc mỗi bạo động, sự dồn nén làm phát sinh nơi chúng ta nhiều chứng bệnh thần kinh. Bà Laura Archera Huxley nghĩ ra mấy cách chữa bệnh rất ngộ. Bà mách chúng ta mua ở tiệm bán đồ thể thao một trái banh về treo sẵn trong nhà, lúc nào có điều giận ai, có chuyện bực mình, cứ vô phòng mà đấm liên hồi kỳ trận vào trái banh ấy. Bắp thịt co lại đòi hành động? Cứ cho nó hành động. Chất thận tuyến tố kích thích? — Đập cho dữ vào, nó sẽ hết kích thích. Đập banh xong, tâm hồn sẽ thư thái, đời sẽ tươi sáng. Bà L. A. Huxley lại mách ta nhúng chân vào một thùng nước nóng, úp mặt vào một thau nước thật lạnh, rồi cứ thế thổi vào thau nước cho nổi bong bóng lên, càng uất ức càng thổi. Không thét mắng những lời cộc cằn vào kẻ thù, hãy thổi xuống nước, bong bóng sẽ nói thay lời, tha hồ nói mà không xúc phạm ai, không gây đổ vỡ. Nếu uất hận quá, vừa thổi bong bóng vừa khóc cũng được, càng hay.

Chửi là một biện pháp đại khái giống như đấm trái banh, như thổi bong bóng nước, vào những lúc cơ thể đòi hỏi phải lảm một cái gì thật hung dữ mà hoàn cảnh, quyền lợi, không cho phép làm như thế. Chỉ giống đại khái. Thực ra thổi bong bóng so với chửi cũng như chửi bới so với đánh đấm chém giết. Có lẽ nhờ chửi, hay chửi, mà người bình dân Việt nam bị thiệt thòi, áp bức, lại không mang nhiều ẩn ức trong tâm hồn, có thể lập được quân bình tinh thần, bớt cay đắng.

Giữa bọn trẻ chơi ngoài đường, thỉnh thoảng có những cuộc xung đột không cân sức, đứa lớn đánh, đứa nhỏ chửi; lớn càng đánh, nhỏ càng chửi. Vì yếu nên phải chọn chửi, Nhưng chửi là phản ứng can đảm của kẻ yếu.

Nếu cả đôi bên mạnh yếu cùng thỏa thuận dùng chửi để thay thế cho cuộc đấu lực thực sự, thì đó quả là khôn ngoan. Và dân tộc Việt nam khôn ngoan đã sử dụng chửi như một biện pháp giải tỏa, trau dồi nó thành nghệ thuật.

Thực vậy, xem truyện xem phim nước người, nhất là các nước Âu Mỹ thấy họ đánh đấm nhau nhiều quá, dễ dàng quá, như thể trẻ con. Cứ có chuyện xích mích, bên nầy văng qua một lời, bên kia văng lại một lời thô tục, thế là đánh nhau. Nguyên do một phần bởi tính khí, một phần có thể bởi vốn liếng từ ngữ chửi rủa của họ nghèo nàn quá. Trong cuộc chiến đấu bằng lời mỗi bên vừa tung ra mấy món thì đã sạch kho hoả lực rồi, cuộc chiến này bế tắc, đành phải leo thang lên hình thức chiến đấu của đám tiểu nhân.

Trái lại, người Việt có thể kéo dài cuộc chiến bằng mồm rất lâu, có thể tăng cường nó lên nhiều mức độ. Hơn nữa, chúng ta có những câu chửi dài, có vần, có điệu, tiết tấu nhịp nhàng, âm thanh dìu dặt. Những câu chửi như thế có tác dụng trấn ủy, làm nguôi dịu. Một cơn giận được đưa vào âm vận là đã chịu tuân theo một thứ kỷ luật. Cũng như một niềm vui biểu diễn bằng khiêu vũ, một xúc động được biểu hiện trong câu nhạc, câu thơ. Vui mà nhảy cỡn lên là cái vui hoang dại đột ngột. Giận mà thét lên “Đồ chó!" là cái giận phá hoại, nhưng giận một đứa trộm gà mà đã dông dài kể tội nó: “bắt con gà vàng khoan cổ con gà nổ khoan lông, nó nấu nồi đồng, nó nấu nồi đất, nó ăn lật đật v.v...” thì vần ấy điệu ấy xoa dịu cơn giận, sẽ làm cho nó ngoan ngoãn, hiền lành. Trong tiểu thuyết và ngoài xã hội chúng ta, có những người đàn bà hoặc tức hàng xóm hoặc giận con cháu, ban đầu lồng lên thét chửi, rồi lần lần vừa chửi vừa chải đầu gỡ tóc, vừa chửi vừa quét nhà, vừa chửi vừa lặt rau... Cơn giận cứ thế tự kết thúc.

Ở địa vị của một dân tộc mà người này có thể bới mả tam đại người kia, chẻ xương róc thịt người kia, và ngược lại, hai bên được phép băm vằm lẫn nhau thỏa thích hàng giờ mà rốt cuộc không ai sứt mẻ gì, ở địa vị như thế trông xuống những dân tộc cứ hễ lời qua tiếng lại vài câu là xông tới đấm đá, đâm chém nhau, chúng ta thấy họ sao mà nông nổi, rồ dại!

Không ai biết trong lịch sử tục lệ chửi bới đã tránh cho dân tộc ta được bao nhiêu cuộc ẩu đả, bao nhiêu vụ lưu huyết, đã cứu được bao nhiêu ức triệu nhân mạng. Thật đáng tiếc, vì chúng ta ước ao có chút ít số liệu rõ ràng trong tay khi nêu cao một đặc điểm của dân tộc. Dầu sao, không còn nghi ngờ gì nữa: chửi bới, khi thực hiện một cách đứng đắn, theo đúng tinh thần lề thói Việt nam, khi hai bên tham dự đều biết tôn trọng qui tắc của cuộc chơi, không bốc đồng xé rào tiến tới hành động, thì một trận chửi có tác dụng thật lốt đẹp. Trong cuộc đụng độ ấy có mức độ ác liệt đủ giải tỏa uất hận, đủ thỏa mãn những bản năng hung bạo trong người, mà khỏi gây kết quả khốc hại. Cái chửi Việt nam, nó như một cuộc chiến tranh trong đó đạn mã tử được bắn thả cửa, nhưng bắn nhịp nhàng theo điệu nhạc quân hành. Bắn không để giết người mà đề xoa dịu cân não mình.

Dân tộc ta chửi hay. Cái hay ở đó chăng?

Tràng Thiên - Võ Phiến
IV. 1968​