25/3/14

Sử Việt, đọc vài cuốn - Tạ Chí Đại Trường

Thời gian gần đây trên báo chí, mạng mẽo bình loạn cả lên chuyện học sinh tránh chọn môn Sử làm môn thi tốt nghiệp. Từ đó nhiều người suy ra rằng học sinh hiện nay hầu hết chán môn Sử. Thật ra suy luận như thế là ko logic: Bà xã đi vắng, tôi nấu ăn. Tôi chọn làm món trứng chiên thay cho đùi gà chiên bơ ko có nghĩa là tôi ko thích đùi gà chiên bơ.
Tuy nhiên việc học sinh hiện nay ko thích sử là có thật. Ai từng phải học / đọc qua sách sử hiện đang dùng dạy ở trường thì chắc ko nghi ngờ gì khẳng định này.

Nhớ lại hồi mới giải phóng đọc bộ Con Đường Đau Khổ của A. Tolstoy, rồi Sông Đông Êm Đềm của Sholokhov cứ lơ mơ vì ko hiểu bối cảnh lịch sử xã hội của truyện. Tức mình tìm mua một số sách lịch sử liên quan đọc cho biết. Nhưng khi cầm sách đọc, cứ ước gì tác giả bỏ đi hơn một nửa thì đỡ phí thời giờ và đỡ cả phản cảm vì lối nói lấy được .. Đang muốn đọc còn nuốt ko trôi lối viết sử kiểu thế, nên sau này con cái học sử than chán quá, chả biết nói làm sao. Khá lâu cũng ko mua cuốn sách sử nào. Mấy cuốn lỡ mua hồi mới giải phóng đều thuộc diện ưu tiên 1 gởi bà chai-bao-dép mỗi khi tủ sách chật, cần giải phóng chổ.

Mãi đến khi có internet, tình cờ đâu khoảng cuối 199x hay đầu 200x gì đó, tìm gặp mấy cuốn sách
 của Tạ Chí Đại Trường mới có hứng thú đọc sử trở lại. Lối viết nhiều lúc lan man nhưng vẫn mạch lạc, khúc chiết; nhiều lúc diễu cợt nhưng vẫn nghiêm túc, cẩn trọng; nhiều lúc nồng nhiệt nhưng vẫn lí lẻ chặt chẻ, ko cảm tính .. khiến thật khó dứt ra khỏi trang viết của ông. 

Ko có chuyên môn gì về sử nên ko đánh giá được sách ông viết giá trị đến như nào về mặt khoa học, chỉ thấy đọc ông rất thú vị. Hôm nay vào mạng đọc thấy tin Nhà nghiên cứu Sử học Tạ Chí Đại Trường được trao giải Nghiên cứu, giải Văn hóa Phan Châu Trinh lần thứ VII vì những đóng góp độc đáo và mới mẻ của ông trong nghiên cứu Sử học. Thế là các nhà chuyên môn đã đánh giá cao ông rồi

Tạ Chí Đại Trường - hình: net
Xin giới thiệu cuốn của ông đầu tiên tôi đọc và rất thích: Sử Việt, đọc vài cuốn. Cuốn này chưa được xuất bản tại Việt Nam, bạn nào muốn có thể down ebook theo link ở cuối trang.

Vài thông tin về tác giả: 

Tạ Chí Đại Trường người Bình Định, sinh ở Nha Trang. Tốt nghiệp Cao học Sử Đại học Văn khoa Sài Gòn 1964. Đi lính, Đại Úy Quân Lực VNCH. Giải ngủ 1974, về làm Tiến sĩ Sử ở Văn koa, chưa xong thì giải phóng, đi cải tạo đến 1981 thì được về. Qua Mĩ tháng 8-1994. Hiện ở Westminster, California.


Còn đây là bài giới thiệu cuốn sách cop từ BBC.

Giới thiệu sách: Sử Việt đọc vài quyển

Viết sử là một công việc khó khăn, và nhiều lúc nguy hiểm.

Tính chân thực của các bộ sử lại không chỉ phụ thuộc vào khả năng của sử quan, mà lệ thuộc cả không khí chính trị đương thời, lệ thuộc tâm tình của vị vua mà vị quan phục vụ.

Năm 1342, vua Trần Minh Tông bãi chức quan chỉ vì ông này không cho vua vào Ngự sử đài. Vua Lê Thánh Tông cũng đòi xem sử quan ghi gì về mình.

Ngay cả khi người nay đọc lại người xưa thì cũng không đảm bảo mình hiểu đúng. Như ông Tạ Chí Đại Trường, trong tập sách mới về sử Việt, nhận xét: “người ta chỉ đọc những gì người ta muốn thấy, chứ không phải những gì thực sự hiện ra qua các dòng chữ, khoan nói tới những gì phía sau các dòng chữ ấy.”

Ý nghĩa của ‘những gì phía sau các dòng chữ’ trong sách cổ sử Việt Nam là một phần nội dung trong tập sách “Sử Việt đọc vài quyển” của Tạ Chí Đại Trường, do NXB Văn Mới ấn hành năm 2004.

Đa số các bài viết trong sách đã được in trên tạp chí Văn học (California) mấy năm qua.

Có thể thấy trong sách có hai nét chính: một là những nhận xét, không phải một lần mang tính phát hiện, về những nhân vật, sự kiện trong cổ sử Việt Nam mà thời gian đã làm cho trở nên mờ ảo; và hai là nhận xét về trí thức và văn hóa Việt Nam đương đại mà về bản chất dường như có sự tiếp nối của truyền thống cũ - dù tốt hay xấu.

Nhiều ý kiến trong sách sẽ không tránh khỏi gây tranh luận, như về gốc tộc Mường của Lê Lợi, về tính huyền sử của Hùng Vương, An Dương Vương.

Giữa một không khí học thuật mà một nhà nghiên cứu (Lại Nguyên Ân) đã mô tả là 'Đại Việt trung tâm luận...đáp ứng thật đúng lúc tâm thế dân tộc chủ nghĩa đang trở nên chủ đạo cả trong giới cầm quyền lẫn trong khá đông công chúng', thì một số quan điểm trong sách có vẻ đi ngược hướng này.

Tác giả phê phán xu hướng học thuật dân tộc chủ nghĩa mà theo ông ‘đem ảo tưởng về một đất nước văn minh tuyệt vời dạy cho học trò nhỏ, chỉ tập cho chúng tính huênh hoang, mai mốt lớn lên thật khó chen chân vào thế giới.’

Xin trích giới thiệu một số ý kiến từ quyển sách. Các tiêu đề nhỏ là do chúng tôi đặt:

Vì sao có nhiều hơn, chứ không phải chỉ 12 sứ quân trong thế kỷ 10 (trích từ bài Các sử quan ẩn khuất thuở ban đầu)

“Trong đời Dương ‘Tam Kha’, đã có loạn ở hai thôn Đường, Nguyễn (950). Loạn này kéo dài đến 965, gây nên cái chết của Ngô Xương Văn, bắt đầu mối loạn mà sử cũ gọi là Mười hai sứ quân. ‘Thôn’ đời ấy không phải là thôn đời sau, nhưng hẳn là một đơn vị dân cư không lớn, vậy mà vẫn thách đố chính quyền họ Ngô, cái chính quyền có gốc gác ở không phải chính nơi, thì cũng gần nơi làm loạn ấy. Gốc gác Đường Lâm của Ngô Quyền hẳn là căn bản quyền lực để cho một người có vẻ cũng thuộc dòng đích, trở về làm sứ quân nơi ấy với tước vương tự xưng: An Vương Ngô Nhật Khánh. Hai ‘chỉ huy sứ’ là Dương Cát Lợi, Đỗ Cảnh Thạc đi theo Ngô Xương Văn dẹp loạn cũng không phải trực tiếp thuộc quyền Dương ‘Tam Kha’ nằm ở Cổ Loa, mà hành xử như các quyền lực riêng biệt trong liên minh. Bởi vì, Xương Văn mới chết năm trước thì năm sau Đỗ Cảnh Thạc đã là một sứ quân đủ quyền lực tranh giành quyền bính để sử quan phải kể ra. Theo đà suy luận hợp lý đó thì Dương Cát Lợi cũng phải là một sứ quân mà sử quan đã bỏ qua. Chỉ vì nếu kể ra thì quá con số Mười hai.

Số sứ quân hơn 12 đã có nhiều kẻ khác. Mà không phải họ không có thực lực so sánh với các nhóm được sử quan kể...Qua thiên tai thủy họa, bụi đất hằn học của con người trải dài hơn mười thế kỷ, ta còn đếm được 15,16 sứ quân. Vậy tại sao chỉ kể có 12?...Con số 12 là cố tình đếm vừa đủ cho hợp với một phạm trù nào đó của ý thức hệ đương thời. Con số 12 được gợi từ ý niệm ‘thập nhị nhân duyên’, ‘thập nhị duyên khởi’ của Phật Giáo. Chỉ vì người chép sử Đinh là một tăng lục, Ni sư Trương Ma....”

“Quan niệm về Thập nhị nhân duyên ấy được thấy khắp các phái trong thế giới Phật giáo từ lục địa lan xuống hải đảo Đông Nam Á, và nằm trên các tấm vàng lá cùng những phần chú giải, tìm được ở Java. Tất nhiên, Đại Việt từ lúc khởi thủy du nhập vẫn không xa rời nó. Người Phật từ tâm niệm hàng ngày với ‘nghiệp’, với ‘nhân duyên’..., và điều đó đi vào tâm trí người tăng lục sử quan của triều Đinh, trở thành sự kiện lịch sử muôn đời cho dân Việt. Sứ quân, không cần đếm rõ bao nhiêu cho đến hết, được coi như là mười hai ‘nhân duyên’ gây ra khổ nạn cho dân chúng. Và việc dẹp tan sứ quân, là một Giải thoát, đã được thực hiện bởi người chủ tướng, vị hoàng đế đã đem lại ân đức cho Trương Ma, cho tôn giáo của Bà. Sự kiện lịch sử trần trụi đã được lồng vào ý thức hệ để tuyên dương cho ý thức hệ vậy.”


Về cách viết sử trong miền Nam từ 1955 – 1975 (từ bài Các sử gia nho thần)

“Từ 1955, vì miền Nam có một chế độ theo Tây phương, theo một chừng mực nào đó, sử học được xem là tách rời với chính trị, với chính quyền đương chức nên từ trong các trường đại học thấy xuất hiện một số sách nghiên cứu chuyên đề theo cung cách giảng dạy ở phương Tây. Tuy nhiên như đã nói, quá khứ lại xuất hiện lẫn lộn với hiện tại theo tinh thần dân tộc huênh hoang, có khi pha lẫn một vài quan niệm xưa cũ về định mệnh, về đạo đức trung trinh của các nhân vật vốn chỉ là tán rộng từ Đại Việt sử ký toàn thư.”

“Nhà chính trị trong niềm u uất của người dân mất nước, đem phóng đại quá khứ dân tộc để vẽ ra một tương lai huy hoàng. Tương lai đó có vẻ đã trở thành hiện thực trong thời đại độc lập, nên nhà ‘nghiên cứu’ thấy quá khứ kia đúng là hiện thực của thời đã qua, liền tô vẽ thêm bằng ngôn từ khoa học, triết lí mình thu nhận của thời nay. Do đó, Khổng Nho biến thành Việt Nho, dân Việt không còn là một nhóm người ở Giao Chỉ / Giao Châu như của Ngô Thì Sĩ hay lấn lên hồ Động Đình như của Ngô Sĩ Liên mà lại đúng là chủ nhân ông của đất tộc Hán, nên cố giành lấy Hà đồ, Lạc thư về mình! Chính trị, huyền sử đã trở thành lịch sử - trong ước mơ. Tinh thần dân tộc của thời mới đã làm đảo lộn nội dung đồng văn xưa cũ. Không phải người Hán dạy dân Việt mà dân Việt đã khai phá văn minh cho dân Hán. Tiến trình vương hóa không đi theo dòng địa lý bắc – nam mà là chuyển hóa từ bên trong giữa hai dân tộc trên cùng địa vực, trong đó dân Việt là chủ thể phát tán. Tuy nhiên, khi cho rằng tương quan Thiên triều / phiên thuộc của quyền lực cụ thể trong quá khứ phải hiểu đảo lộn trong lãnh vực văn hóa, nhà ‘nghiên cứu’ triết gia muốn thành sử gia – và những đồ đệ nối tiếp trong và ngoài nước cho đến bây giờ, đã để lộ ra một tinh thần tự ti dân tộc ráng che mà không kín.”


Về cách viết sử ở miền Bắc sau 1945 (từ bài Các sử gia nho thần)

“Dưới nhãn hiệu mới, mối tương quan giữa người viết sử và người cầm quyền đã trở lại như xưa... Ý thức hệ được coi là chính thống dẫn dắt cho những nghiên cứu về ‘thời chiếm hữu nô lệ’, ‘thời phong kiến’, thời tư bản, thực dân đế quốc. Và lại cũng như xưa, người ta không bàn xem sự kiện đã xảy ra như thế nào mà lại đem so đọ các sự kiện đó theo tiêu chuẩn của ý thức hệ, không theo ông Khổng Mạnh thì theo ông Marx, Engels. Hãy đọc lại lời Ngô Sĩ Liên bênh vực Khổng Tử, Chu Hi để đối đầu với Hồ Quý Li: “Từ khi có sinh dân tới nay chưa có ai nổi tiếng hơn Khổng Tử...Chu Tử đã theo...thì không thể nghi ngờ gì cả...Người sau chỉ tô chuốt cho bóng thêm...không được chê bai bàn cãi gì cả.”


Về một xu hướng đề cao quá khứ nổi lên gần đây (từ bài Các trung tâm quyền lực trong lịch sử Việt)

“Giả thuyết của S. Oppenheimer và các thành quả về mtDNA mới đây không phải chỉ là sự lừa dối, nhưng đem áp dụng cho ‘vua Hùng’ thì có dáng như một hứng khởi vì tìm được bằng cớ mới cho một thành kiến tự tôn, thiếu cơ sở của niềm tự ti che giấu (thuyết Việt Nho...phát triển thêm lối rao giảng cũ từ thời qua Mỹ với Ngũ Kinh, Sứ điệp trống đồng...trong hoang tưởng về một giải Nobel-mới tự đặt) của LM Kim Định mà các ‘học giả’ trong nước cũng đang bắt chước... Đem ảo tưởng về một đất nước văn minh tuyệt vời dạy cho học trò nhỏ, chỉ tập cho chúng tính huênh hoang, mai mốt lớn lên thật khó chen chân vào thế giới.”


Về triều đại nhà Lí buổi đầu (từ bài Các trung tâm quyền lực trong lịch sử Việt)

“Lí Trần có điểm chung: đều là những tông tộc trị nước. Đây là dấu vết từ nơi phát tích, có thể bắt chước các tông tộc vùng Hoàng Hà khi họ chạy loạn đổ xuống nam Trường Giang lập các triều mới của thời Nam Bắc triều. Nhưng tiến trình thực hiện lại có khác vì các điều kiện thời đại, nơi chốn khác nhau. Lí tiếp quản trung tâm Đô hộ cũ tất phải giải quyết những vấn đề tồn đọng, vốn không vì năm tháng cách biệt mà coi như đã xong. Ở tận Hoa Lưu thì không có vấn đề phải quan tâm nhiều đến các tập đoàn xa nơi trung châu phía bắc, nhưng vấn đề không thể bỏ lơ khi đã ngự trị ở Thăng Long. Và thế là có cuộc chiến tranh giành giật với vương triều Tống để giữ vững cương vực, phát triển vùng ảnh hưởng.

Không có chứng dẫn nào cụ thể hơn cho sự co dãn bành trướng của Thăng Long bằng trường hợp nhân vật Tông Đản. Cũng một ông chúa Nùng đó mà khi dẫn quân bản bộ tiếp tay quân Lí đánh Tống thì được sử triều đình ghi chép để cho sử gia ngày nay coi như một anh hùng dân tộc. Còn khi trở cờ theo Tống thì sử ta lặng thinh để danh vị Tông Đản không suy suyển trên các bảng tên chỉ đường. Thật ra Tông Đản không xấu cũng không tốt, tập họp Nùng Tông Đản chao đảo chỉ vì nằm trên hướng bành trướng của Lí trong lúc Nùng Trí Cao lại có cao vọng hơn, là thoát ảnh hưởng của Tống, Việt để thành lập nước riêng. Đọc sử còn thấy các ông họ Hoàng thủ lãnh nhỏ bé nơi vạt biên giới chạy qua chạy lại nhờ cậy hay bì làm vật thí thân trao đổi. Trong các thế kỉ 17, 18 về sau, vùng biên giới phía bắc mất nhiều vào tay người Thanh chính là vì sự yếu thế của Lê Trung hưng không đủ sức vươn cánh tay quyền lực trên các tập đoàn thiểu số nơi này. Cuộc chiến Lí Tống ngày đó còn là chỉ dấu nhiều chất Trung Quốc trong triều đình Lí (xem tờ chiếu của Tống Thần Tông về việc chiêu dụ nhân vật gốc Mân của Lí) đến nỗi Lí cho mình cho quyền can thiệp vào nội tình Tống (xem Lộ bố văn của Lí), và thấy đủ sức can thiệp vì có người phe Tống giúp sức. Chỉ sau khi phải đương cự sâu vào nội địa, Lí mới thấy khả năng hạn chế của mình và tự để cho mình địa phương hóa nhiều lên.”


Vì sao ‘sự phản kháng’ trong xã hội VN thiếu bóng người trẻ (từ bài Tiến trình vương hóa mới)

Điều đó hiện trong hoàn cảnh phản kháng không có người trẻ tham dự - những người này còn đủ xung lực để thích ứng với tình thế mới, chưa kể sự cạnh tranh ‘làm giàu’ không luật pháp rõ rệt càng làm họ thấy cơ hội nảy sinh nhiều hơn. Nhưng nói điều đó rồi thì cũng phải đau lòng mà nhận rằng nguyên nhân còn bởi chiều sâu văn hóa của người Việt không nhiều. Cái làng nhàng truyền thống học theo kiểu cù cưa với Trung Quốc khiến cho người thanh niên Việt dễ bằng lòng với những gì mình có được, chịu đựng hay bằng lòng với một chút ‘có hơn’, khác với các thanh niên TQ trong các vụ nổi loạn ở thập niên 70, 80.

Sự hạn chế đó cũng thấy rõ ở lớp người già phản kháng mà chúng ta có thể hiểu khi nhắc lại tình trạng kiến thức, tâm tính của các thế hệ ở Việt Nam. Họ đã lậm sâu vào chế độ nên không dễ dàng từ bỏ nó. Chủ nghĩa cộng sản đã tạo ra cả một hệ thống chặt chẽ, chỉ có thể lấy hoặc bỏ mà thôi. Vì thế Liên Xô và Đông Âu mới sụp đổ. Vì thế lúc hưng thịnh, nó mới phát sinh những anh hùng đầy ngõ, tạo hào quang mà những người cùng một thời phục vụ khi rời bỏ vẫn hãnh diện về nó...Điều còn lại khác của ông [Trần Độ] chỉ là những chỉ trích chứ không phải lí thuyết giải đáp vấn đề, trong đó có nỗi luyến tiếc quá khứ đã không có cách nào trở lại mà không thấy rằng nó còn có thể là vật cản đến tương lai. Ông cũng như những công thần lớn nhỏ khác cùng thời, sở dĩ gây được chú ý chỉ vì mọi người đã sống trong một chế độ từng một lúc coi sự phản kháng công khai là không thể nghĩ tới, nay thực sự đã xảy ra. Nhưng mặt khác, ông không thể chối bỏ quá khứ của mình, nghĩa là chối bỏ chế độ ông đã phục vụ...Do đó ta thấy sự khó khăn vô vàn của những ‘lí thuyết gia’ muốn vượt CNXH từ trong lòng chế độ đó.


Trong mỗi người Việt là một ông quan (từ bài Giao tiếp Đông Tây ở Việt Nam)

“Thật ra thì cái học Trung Hoa của người Việt chỉ góp một phần vào việc giữ nước chứ chẳng mang chút sáng tạo nào cho tư tưởng phương Đông - khác với Triều Tiên có hai tư tưởng gia ở thế kỷ 17 đã góp phần vào việc phong phú hóa Khổng giáo. Khi tranh luận về vấn đề ‘Việt Nam có nền quốc học hay không?’ thì những kẻ bênh vực chỉ đáng khen ở tinh thần yêu nước nồng nàn, chứ kẻ phản bác không phải chỉ có ông Phan Khôi của xứ ‘hay cãi’, mà người giật mình còn có ông Thượng thư Phạm Quỳnh nữa.”

“Người ta học để mong làm quan, chứ không phải để mong hiểu biết, như Phan Huy Thực thú nhận với Minh Mạng là nhân sĩ Bắc Hà chỉ học sách Thánh hiền của thế kỉ 13 là muộn nhất. Kết quả lâu dài là người Pháp đã mỉa mai: “Mỗi người An Nam đều có một ông quan trong bụng....Trong khi đó, từ đời Đường, người Nhật đã gởi cả những phái đoàn vào lục địa học cho kì hết tinh hoa của nước lớn, lập cả một kinh đô Nara giống Tràng An, lưu giữ những hiện vật đương thời cho đến ngày nay, trước khi có các khai quật khảo cổ, các học giả phải tìm đến để có vật chứng chính xác của Trung Hoa ngày xưa. Có thể thấy rằng người Nhật đã không sợ mất bản thân khi cố tình học người tận nơi tận chốn...”

“Hình như Việt Nam không có một vị trí cách biệt với Trung Hoa như vậy để khỏi e dè không sợ đồng hóa.”


Lại nói về sự tiếp nhận văn hóa (từ bài Giao tiếp Đông Tây ở Việt Nam)

“Cái mâu thuẫn nằm trong lòng xã hội Việt như một sợi xích lằng nhằng. Xưa thì ‘Nam nữ thọ thọ bất thân’ mà trai gái trong sinh hoạt đồng áng vẫn nhiều bờ cỏ, đống rơm; ‘trung thần bất sự nhị quân’ mà giết vua như ngóe. Gần thì làm cách mạng vô sản mà lãnh tụ là con quan, con địa chủ, nhà tư sản đi theo hướng lột bỏ bản thân, thoát li giai cấp (của mình) để phục vụ giai cấp (vô sản). Nay thì ‘Kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa’ mà mạnh ai nấy làm giàu, vơ vét. Cứ toàn là khẩu hiệu, học thuộc lòng vài câu kinh sử, rốt lại muốn vượt qua thì trở thành tán rộng, nói khoác, với dân chúng thường tình là những câu chuyện vặt kiểu Trạng Quỳnh, với trí thức là những danh từ đao to búa lớn, mượn màu khoa học, triết lí Tây phương để suy ra Việt Nam.”

“Sức nặng Trung Quốc của thời mới, đúng là không thể coi thường trong sự mạnh dạn chuyển hướng theo thế giới mới. Nhưng với thời đại ngày nay, trong một chừng mực nào đó, không dễ muốn đánh ai thì đánh. Tương quan thiên triều – phiên thuộc sẽ không có hình thức như ngày xưa nếu mình không muốn và cường thịnh lên. Đại Hàn không phải chỉ nhờ tấm đệm Triều Tiên, nhưng đối phó ngang ngửa với TQ còn bởi chính sự cường thịnh của mình. Đó là kết quả của những người muốn làm lịch sử, những người cầm chính quyền thật sự. Người Việt trong nước hiện nay đã thấy rõ điều đó. Tiếc rằng sự vồ vập phim truyền hình Đại Hàn chẳng hạn lại chứng tỏ thêm một cuộc bắt chước tủi hổ, về phía khác.”


Một cách đọc văn bản về trường hợp Trần Nguyên Hãn (từ bài Tây Tiến)

“Chiến trận chống Minh như đã nói lan đến rừng núi vùng tây bắc của Đại Việt vì đến thời Minh, triều đình Hán tộc đã có mặt vững vàng trên vùng tây nam của họ nên có thể dùng đường tiến quân theo triền sông Hồng và các phụ lưu, không phải chỉ lệ thuộc vào lũng Lạng Sơn như xưa. Nên khi quân Lê tiến ra vây Đông Đô, chém Liễu Thăng khiến quân Mộc Thạnh từ Vân Nam xuống phải tan vỡ thì các tù trưởng vùng đó thấy lẽ khôn ngoan là phải liên kết với Lê. Nhân vật có liên quan ở đây là Đèo Cát Hãn, được dụ về cuối năm 1427. Nhưng Đèo Cát Hãn, như lời kể trong chiếu ban sư, cũng không dễ dàng khuất phục. Cuối năm 1430, Lê đem quân đánh Bế Khắc Thiệu, đầu 1432, thắng Đèo Cát Hãn. Lời chiếu kể tội liên can: “Năm ngoái ở trấn Thái Nguyên, thằng Bế Khắc Thiệu mưu phản, thật do thằng Hãn gây họa. Nay thằng Đèo Cát Hãn làm loạn lại bởi âm mưu thằng Xảo...”

Ta không thể biết gì hơn về âm mưu liên kết trong ngoài đó. ‘Thằng Hãn’ là Trần Nguyên Hãn, ‘thằng Xảo’ là Phạm Văn Xảo. Phan Huy Chú với ảnh hưởng của tiềm thức nghiêng về phe trung châu (đồng bằng) nên cho rằng Hãn thấy việc xa lánh Lê Lợi là phải: “Ông Hãn nói riêng với người thân: Nhà vua có tướng như Câu Tiễn, không thể cùng sung sướng được.” Nhưng ta cũng có thể nhìn vấn đề kĩ hơn. Những ‘lực sĩ xá nhân’ đi bắt (Nguyên Hãn khi ông bị cáo buộc mưu phản) hẳn là thuộc đội Thiết đột nòng cốt tin cẩn của Lê Lợi. Nói là oan nhưng Phan Huy Chú cũng cho thấy Trần Nguyên Hãn ‘về làng làm nhiều nhà cửa và đóng thuyền chở binh khí.’ Để làm gì, mơ làm Phạm Lãi ngao du sông nước mà chất binh khí theo, để làm gì? Biết vua nghi mà vẫn làm nhiều nhà cửa thì nếu không ngu độn tất cũng là có ý xây dựng đồn binh để lo thân.

Hãn chắc phải hiểu như sẽ xảy ra về sau với mấy ông phụ đạo hay con cháu họ nằm ở Đông Đô, lúc vua vui thì tha, lúc buồn thì giết. Hãn phải lo thân và chuẩn bị tìm người liên kết. Bế Khắc Thiệu có mặt cùng phe trong chuyến thề bồi của Lê với Vương Thông, ở địa vực tương đối gần, là ứng viên ưu tiên nhất của ông tướng từng xông pha trận mạc, không chịu bó tay chờ người đến bắt. Có điều cơ may của thời tao loạn đã qua, không dễ mỗi lúc lại gây nổi cơ đồ cho nên Hãn phải chịu chết. Chết vì lật thuyền hay vì người anh hùng vùng lên lần chót?”


Một ngộ nhận khi nghĩ về làng Việt Nam (từ bài Giao tiếp Đông Tây ở Việt Nam)

“Ông P. Mus, cũng như các học giả khác, đến VN, ở ngay vùng sinh hoạt cổ truyền của dân Việt thấy làng có lũy tre, có cổng vào canh gác, biết chuyện ví dụ làng có lệ cheo cưới, bắt vạ, nghe câu huênh hoang ‘Phép vua thua lệ làng’, thấy nhóm quan viên quyền hành làng xã nhóm trong cái đình với những tục lệ quái dị có vẻ cổ sơ, hoang dã, liền dễ suy ngay ra rằng cái đình và cơ sở làng xã có tận thời lập quốc, tuy không đưa lên xa đến 4000, 5000 năm như những học giả Việt, trong đó có những người chữ-nghĩa càng xa nước càng thấy phải bày tỏ tình yêu tổ quốc nồng nàn hơn...Các ông bà học giả này không biết cái đình làng mới được chính thức thành lập cuối thế kỷ 15 (1496) và theo tính chất tiến triển chậm chạp của đất nước ngày xưa thì cái đình có thành điểm tượng trưng quyền lực của làng cũng phải đợi đến một thế kỉ sau.

Các hương ước, những luật pháp của làng mà người ta tưởng là thứ đã đóng góp vào sự chận đứng quyền lực trung ương bên ngoài lũy tre, thì được thể chế hóa sớm hơn (1664) nhưng chứng tích còn lại cũng xuất hiện theo với sự nở rộ của đình làng ở các thế kỷ 17, 18, những thế kỷ của hỗn loạn, của những cuộc phân tranh...Do đó cái lũy tre làng bền chặt hơn, có cổng gác, là của các thế kỷ loạn lạc đó, của đám dân làng phải tự bảo vệ lấy thân như vẫn còn thấy trong thời Pháp thuộc, lúc quyền hành trung ương đã chặt chịa hơn nhiều. Cái cổng gác không chỉ ở làng quê mà còn nằm ngay ở phố phường ở Hà Nội, khiến người Pháp khi kiến thiết thủ phủ Đông Dương đã phải phá dỡ, san bằng đi. Bảo rằng làng xã chứa đựng sức mạnh căn bản của xã hội VN, sao không thấy rằng lũy tre, cổng gác như thế cũng là dấu hiệu rõ rệt và là mầm mống của ý thức phân li?”


Nguồn (bài giới thiệu): BBC

Link down sách: Sử Việt Đọc Vài Quyển (pdf)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)