13/1/20

Bài 3. Bài đọc thêm. Thuyết văn giải tự

Thuyết Văn Giải Tự, thường được gọi tắt là Thuyết Văn (Shuowen) là cuốn từ điển chữ Hán ra đời vào đầu thế kỉ thứ 2 do Hứa Thận (khoảng 58 - 148) một học giả thời Đông Hán biên soạn.
Sách gồm hơn một trăm ngàn chữ, chia thành 15 chương, trong đó 14 chương đầu dành cho từ điển với hơn 9 ngàn mục từ. Chương cuối gồm Lời cuối sách và Bảng liệt kê các bộ thủ chữ Hán.

Thuyết Văn không phải là một cuốn từ điển như thường thấy. Nó không cho nghĩa thông dụng của từ, nghĩa nó cho, trong một số trường hợp, thậm chí đã không còn được dùng.
Ví dụ chữ bát 八 được cho nghĩa là 別也 biệt dã ( = chia, tách ra). Nghĩa này dựa trên hình chữ, là tượng hình hai người quay lưng lại với nhau. Có thể nói đây là nghĩa gốc của chữ bát 八, nhưng từ xa xưa bát 八 đã được mượn dùng (giả tá) để chỉ số 8; nghĩa "chia, tách" chỉ tồn tại, là nghĩa góp vào, khi nó làm thành phần cấu tạo của một chữ khác.
Thuyết Văn là một cuốn từ điển từ nguyên, căn cứ trên triện thư của một chữ mà chỉ ra cấu tạo của nó, từ đó chỉ ra ý nghĩa mà nó biểu thị. Tên sách Thuyết Văn Giải Tự hàm ý phân biệt hai loại chữ: văntự. Văn chỉ những chữ có tự dạng là một đồ hình không thể chia nhỏ được nữa. Tự là chữ có tự dạng là kết hợp của hai hay nhiều thành phần, có thể tách ra được.
Với văn thì thuyết giảng (thuyết văn), chỉ ra cấu tạo của nó. Ví dụ chữ thượng 上 được thuyết giảng là 指事也 chỉ sự dã (= chữ chỉ sự). Với chữ nhân 人 thì được thuyết giảng là 象臂脛之形 tượng tí hĩnh chi hình = phỏng theo hình cánh tay cẳng chân (chữ tượng hình). Chỉ sự và tượng hình là hai trong 6 cách cấu tạo chữ Hán (lục thư)
Với tự thì chiết tự, tách nó ra (giải tự), rồi chỉ ra thành phần cấu tạo của nó, đâu là hình bàng, thanh bàng (với chữ hình thanh), hoặc chỉ ra đâu là các thành phần góp nghĩa (với chữ hội ý). Hình thanh và hội ý cũng là hai cách cấu tạo chữ Hán trong lục thư.
Lục thư có từ hàng trăm năm trước đó, nhưng chỉ đến Thuyết Văn mới được định nghĩa tường minh (chương 15, Lời cuối sách), và được ứng dụng để thuyết, giải các chữ Hán thu thập được. Cho đến ngày nay, phần lớn những kiến giải về lục thư trong Thuyết Văn vẫn còn nguyên giá trị. Một số ít chữ khác thì kiến giải của Thuyết Văn tỏ ra không đủ thuyết phục sau khi các nhà khảo cổ khám phá ra giáp cốt văn, kim văn - những dạng chữ có trước triện thư (là dạng chữ mà Hứa Thận lấy làm cơ sở để thuyết, giải).

Một đóng góp to lớn hơn nữa của Thuyết Văn là cách phân loại chữ Hán theo bộ. Trước đó, từ điển chữ Hán được phân loại khá lỏng lẻo theo ngữ nghĩa, ví dụ trong cuốn Nhĩ Nhã, người ta chia ra nhóm các từ về thiên văn, các từ về địa lí, về y phục, về cây cỏ, v.v. ; dùng học tập thì cũng được, nhưng nếu dùng tra cứu thì khá khó khăn. Ở Thuyết Văn, hơn 9 ngàn chữ Hán được chia thành 540 nhóm, gọi là bộ. Chữ đứng đầu mỗi bộ gọi là bộ thủ, các chữ trong cùng một bộ thì trong tự dạng đều có chứa bộ thủ này. Tên bộ được gọi theo tên bộ thủ: bộ nhất, bộ đại, bộ thủy, .. 
Với sáng kiến phân nhóm theo hình thức, dựa vào bộ thủ này, việc sắp xếp từ điển thuận tiện hơn, người dùng tra cứu cũng dễ dàng hơn hẳn. Đáng tiếc là vì muốn có số bộ thủ tròn con số 540 (được gán cho ý nghĩa huyền bí, là tích của số âm lục 6, số dương cửu 9 và thập thiên can 10) nên việc phân bộ nhiều khi không hợp lý, có hàng chục bộ chỉ có mỗi bộ thủ! Dù vậy, cách chia nhóm theo bộ thủ tiện lợi này vẫn được các nhà làm từ điển về sau tiếp thu, cải tiến; số chữ Hán trong các từ điển ngày càng tăng nhưng được sắp xếp hợp lý hơn, số bộ thủ ngày càng giảm, và ổn định ở con số 214 bộ từ thời Minh đến nay.

Tuy có một số điểm chưa được như thế, Thuyết Văn đã có những đóng góp lớn về học thuật, đến nay bộ sách gần hai nghìn năm tuổi này vẫn là tài liệu tham khảo quý giá cho người muốn nghiên cứu, học tập chữ Hán cổ.




2 nhận xét:

  1. Hay quá cảm ơn tăc giả, mình là người mới học tiếng Trung, và muốn rõ nguyên bản gốc của chữ thời xưa ( triện, kim văn ), đọc bài của bạn rất dễ hiểu . Chứ bài khác mình đã đọc đến giờ đều không nói rõ từ Thuyết văn giải thư như bạn. Bạn còn có cả bản scan của Thuyết Văn Giải Thư nữa. Cảm ơn bạn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. cám ơn bạn. rất vui giúp được bạn chút nào trên đường học tập.

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)