27/8/20

25/8/20

Ngôi sao ban chiều

Màn chiều dần buông xuống, gió ngàn vi vu, lấp ló đầu hiên ngôi sao ban chiều.
Gợi lòng ta xao xuyến nhớ người yêu nơi phương trời xa.
Em thân yêu nơi đâu, có nhớ tới chăng, đôi ta năm xưa chung lời hẹn ước?
Bấy lâu con tim ta vẫn nhớ tới em, như ngôi sao hôm bao ngày không mờ.
Vì lòng ta mãi mãi vẫn còn yêu em không bao giờ phai.



Ngôi sao ban chiều là bài hát khá quen thuộc với nhiêu người nghe nhạc, lâu nay được ghi là nhạc Liên Xô. Trong một cuốn sách nhạc do Đào Ngọc Dung (nguyên hiệu trưởng trường Cao đẳng Nhạc họa Trung ương) tuyển chọn còn ghi tên tác giả của khúc tình ca là  I.P.Tchaikovsky. Trong hình dung của nhiều người, bài hát diễn tả tâm tình một anh hồng quân trong một buổi chiều tà, nhìn những ngôi sao lấp ló bên trời, chợt xao xuyến nhớ người yêu nơi quê nhà ... 

Khá bất ngờ, gần đây, bài hát được xác định là của Đinh Tiến Hậu.

Đinh Tiến hậu sinh năm 1944, quê Hà Nội, nhưng sinh tại Hải phòng. Mồ côi từ sớm, ông đucợ gnười bác họ ở Hải Phòng đem về nuôi. Học xong cấp 2 thì đi làm công nhân cơ khí. Có năng khiếu âm nhạc, anh trở thành cây văn nghệ của nhà máy. 

Nhà báo kể chuyện ông tự học nhạc: "hồi đó Đinh Tiến Hậu mới chỉ "thuộc" bảy nốt nhạc cơ bản. Nghĩa là ông còn "tít mít" với âm nhạc nói chung chứ đừng nói tới viết bài hát. Ông học sáng tác theo cách chắc chỉ có ở mỗi mình ông mà thôi. Ngày đó những khi rảnh rỗi là Hậu đem bản nhạc bướm (nhạc giấy) ra mở bày trên bàn. Anh căng tai ngồi nghe những giai điệu cất lên từ chiếc đài bán dẫn. Anh nghe người ta hát bài hát mà anh đang để trước mắt.

Nghe người ta hát câu "A" xong thì anh trai trẻ lại vội cúi nhìn vào bản nhạc. Và anh vui mừng tự đánh dấu ca từ đó để hiểu và ghi nhớ người nhạc sĩ đã viết trên khuôn nhạc một nốt nhạc như thế nào. Dần dà bài này qua bài khác Hậu đã tự tìm được một "cách viết ca khúc" riêng của mình. Chẳng cần nhịp điệu, chẳng biết móc đơn móc kép. Chẳng hay luyến lên luyến xuống. Cứ tự học kiểu mầy mò vậy mà Đinh Tiến Hậu cũng "cho ra đời" những bài hát cho mình cho bạn cùng vui" [1].

Vất vả thế, nhưng đến năm 1962, khi rời Hải Phòng lên Hà Nội để có môi trường thuận lợi hơn thực hiện mơ ước của mình, ông cũng đã kịp sáng tác một ca khúc tặng người bạn gái. Chính là bài Ngôi sao ban chiều nổi tiếng sau này. 

Bài hát cũng được ông dùng dự thi vào khoa sáng tác trường Trung cấp âm nhạc VN năm 1964. Anh có giấy báo trúng tuyển, nhưng địa phương phê “Có người nhà ở miền Nam” nên đã không vào được trường nhạc như mong ước [2]. 

Một tài năng âm nhạc đã sớm lụi tàn như thế. Thật vậy, qua bài hát đầu tay và hình như duy nhất (?) này, ông đã thể hiện một tài năng âm nhạc lớn. Cho đến thời điểm ấy, ông chưa hề xa người yêu ngày nào, ông vẫn viết được những lời nghe như thật: 

Màn chiều dần buông xuống, gió ngàn vi vu, lấp ló đầu hiên ngôi sao ban chiều. Gợi lòng ta xao xuyến nhớ người yêu nơi phương trời xa. Em thân yêu nơi đâu, có nhớ tới chăng, đôi ta năm xưa chung lời hẹn ước? Bấy lâu con tim ta vẫn nhớ tới em, như ngôi sao hôm bao ngày không mờ.

Về phần nhạc thì đến ngay một HT của một trường nhạc còn lầm là do Traixopxki soạn, vì mang đậm âm hưởng Nga. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khen không tiếc lời [2].

Không thể tưởng tượng đấy là một sáng tác đầu tay của một anh thợ trẻ, chỉ mới học hết cấp hai, tự học nhạc qua radio. 

Không biết từ con đường nào, bài hát sau đó được phổ biến dưới dạng "nhạc Nga" mà tác giả của nó không hề biết, mãi đến ba mươi năm sau mới hay và lên tiếng đính chính.

Hi vọng đây không phải là trường hợp bài Nỗi lòng người đi từng ồn ào một dạo, với phát hiện cũng do nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, rằng tác giả không phải là Anh Bằng!


[1] Nguyễn Trọng Văn. Đoạn vĩ thanh của "ngôi sao ban chiều". http://vnca.cand.com.vn/Tu-lieu-van-hoa/Doan-vi-thanh-cua-ngoi-sao-ban-chieu-542007/

[2] Nguyễn Thụy Kha. Sau nửa thế kỷ tìm được tác giả ca khúc “Ngôi sao ban chiều”https://laodong.vn/archived/sau-nua-the-ky-tim-duoc-tac-gia-ca-khuc-ngoi-sao-ban-chieu-675992.ldo


12/8/20

Ly tao

Ly tao, thơ Bùi Giáng qua giọng ngâm Tôn Nữ Lệ Ba 


Ly tao

Giờ ngẫu nhĩ như hồng bay em ạ

Và yêu thương như lá ở bên hoa

Và luyến ái như tơ vàng bốn ngả

Bủa vi vu như thoáng mộng la đà


Em đã lại với đời về nắng ấm

Thắm không gian thương nhớ bóng hình em

Anh đã đợi chờ em từ lâu lắm

Ngày đi không để lại lạnh trăng rằm


Anh mơ ước với ngàn xuân mở rộng

Quên não nùng sa mạc của yêu thương

Chân cứ bước theo nhịp hồn cử động

Em là em anh đợi khắp nẻo đường


Em có nụ cười buồn buồn môi mọng

Em có làn mi khép lá cây rung

Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng

Hồ gương ơi! sao sóng lục vô chừng!


Con mắt ấy có gieo buồn rớt lệ

Trên nẻo đường lạnh lẽo lối lang thang

Môi thắm ấy mấy lần thao thức kể

Với đèn khuya vò võ mộng khôn hàn


Trời đất nhớ lần đầu... năm trước...

Đó một lần đôi mắt đã nhìn lên

Và trời hiểu ngày sau đôi mắt ngước

Một lần kia sẽ còn dịp đáp đền


Em ở lại với đời ta em nhé

Em đừng đi. Cho ta nắm tay em

Ta muốn nói bằng thơ bay nhẹ nhẹ

Vào trong mơ em mộng giấc êm đềm


Ta sẽ đặt mười ngón tay lên mắt

Để nhìn em qua khe hở du dương

Vòng theo máu hai vòng tay khép chặt

Ồ thưa em ta thấy mộng không thường


Nguồn: Bùi Giáng, Mưa nguồn, NXB Hội nhà văn, 1993.

(cop lại từ thiviên.net)



9/8/20

Liên khúc Trịnh Công Sơn

Nghe lại một chương trình nhạc Trịnh Công Sơn do Huỳnh Thanh Điền làm với Mỹ Tâm, Quang Dũng, Lam Trường, Đan Trường, Hồng Ngọc, Đàm Vĩnh Hưng, Thanh Thảo, Tuấn Hưng, Phương Thanh, Siu Black ... tự hát tự đệm đàn, thời họ đều còn rất trẻ


tranh Volegov

6/8/20

Sometimes When We Touch

Sometimes when we touch
The honesty’s too much
And I have to close my eyes and hide
I want to hold ya till I die
Till we both break down and cry
I want to hold you till the fear in me subsides
Subsides ..

Có đôi lúc ta gần gũi
thật tình quá đỗi 
và anh phải nhắm mắt giấu biệt
anh muốn ôm em vào lòng đến chết
đến khi cả hai gục ngã khóc sầu
anh muốn ôm em đến khi nỗi sợ lắng sâu
lắng sâu ..



Sometimes When We Touch nằm trong một album của ca sỉ người Canada Dan Hill (s. 1954) phát hành năm 1977, do chính anh viết lời và barry Mann viết nhạc. Trong một cuộc phỏng vấn của kênh CBN, Hill cho biết anh viết bài hát vào năm 1973, từ một mối tình đơn phương năm 19 tuổi với một cô gái. 
Đây là bài hát thành công nhất của anh, đứng thứ #3 trên BXH Mỹ Hot 100, đã được vài nghệ sĩ khác cover. 

3/8/20

Những con đường tiếng Hán đi vào tiếng Việt





NGUYỄN PHƯƠNG TRÂM


Bởi lẽ tự nhiên là "Việt Nam Trung Hoa, núi liền núi, sông liền sông", mà sự tiếp xúc văn hoá - ngôn ngữ giữa hai nước Việt–Trung đã diễn ra từ rất lâu đời và vô cùng sâu đậm. Từ những thế kỉ trước Công nguyên cho đến thế kỉ X là thời kì nước ta chịu sự đô hộ của phong kiến phương Bắc, sự tiếp xúc ngôn ngữ Việt Hán chủ yếu là thông qua "con đường khẩu ngữ".

Giới quan chức cũng như những người dân thường (đặc biệt là thương nhân) đã sang cai trị và làm ăn sinh sống ở đất Việt, và qua họ người Việt đã thu nạp vào trong tiếng nói của mình không ít những từ ngữ thông thường, mà phần nhiều vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay, như: buồng (房), buồm (帆), đuốc (烛), đũa (箸), mùa (务), múa (舞)... Từ thế kỉ X trở đi, nước ta giành được độc lập, bắt tay vào công cuộc xây nền tự chủ. Trong bước đầu gây dựng đất nước, từ thời Lý–Trần, cha ông chúng ta đã biết dựa vào văn hoá Hán và chữ Hán để đào tạo nhân tài. Trong công cuộc này, người Việt đã ít khi có dịp tiếp xúc trực tiếp với người Trung Hoa, cho nên "con đường khẩu ngữ" đã lùi dần vị thế gần như độc tôn trước đây để nhường chỗ cho "con đường sách vở". Và đây chính là lúc cách đọc chữ Hán ở Việt Nam bắt đầu thoát ly khỏi ngữ âm thực tế của tiếng Hán ở Trung Hoa, dần dần hình thành hệ thống âm Hán Việt. Cũng từ thời trung đại, tiếng Việt và tiếng Hán đều rất gần gũi nhau về mặt loại hình: đều là ngôn ngữ đơn lập âm tiết tính. Với hai ngôn ngữ cùng chung loại hình, lại có cách đọc Hán Việt hoàn chỉnh như vậy, thì hàng loạt các từ ngữ tiếng Hán đi vào tiếng Việt để làm thành một lớp từ ngữ Hán Việt khá phong phú trong tiếng Việt là điều rất tự nhiên.

Như vậy, từ ngữ Hán Việt đi vào tiếng Việt là qua con đường sách vở và có lẽ chỉ những người có học mới thực sự am hiểu và thường xuyên sử dụng. Còn đại đa số người dân thất học, những người nông dân chân lấm tay bùn, thì họ chỉ có thể nắm biết được một ít những từ Hán Việt đơn tiết thông thường (như: thiên (天), địa (地), quỷ (鬼), thần(神), cúng 供, tế (祭),...), những từ Hán Việt đã Việt hoá triệt để đôi khi cả về mặt ngữ âm, được gọi là từ ngữ "Hậu Hán Việt" (như: gan (胆), gương (镜), rồng (龙), rạng (朗), vạch (划), vẽ (画), ...), những từ gốc Hán từ trước khi hình thành âm Hán Việt, được gọi là từ ngữ "Tiền Hán Việt" (như đã dẫn ở trên: buồng (房), buồm (帆), đuốc (烛), đũa (箸), mùa (务), múa (舞),...) và cả những từ đi vào tiếng Việt theo con đường khẩu ngữ từ bà con Hoa kiều ở thời hiện đại (như: vằn thắn, tào phớ, phá xang, tổ tôm, tài xế, mì chính). Chỉ từ sau Cách mạng Tháng Tám, những người nông dân mù chữ ấy mới có dịp học hành, mới có dịp tham gia vào các sinh hoạt đoàn thể, sinh hoạt xã hội, khi ấy họ mới có dịp tiếp xúc với những từ Hán Việt đánh dấu cho sự khởi đầu cuộc sống mới của họ: "Có khai hội, yêu cầu, chất vấn. Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa" (như nhà thơ Hồng Nguyên đã ghi lại trong bài Nhớ). Nhờ vậy, từ Hán Việt chẳng những không bị bài trừ, mà còn có cơ hội phát triển thêm lên.

Trong đời sống ngôn ngữ hôm nay ở Việt Nam, dường như đã và đang có một xu hướng khác rất đáng ghi nhận. Đó là ngày càng xuất hiện nhiều hơn những từ ngữ Hán Việt tự tạo (nội sinh), tức là những từ ngữ được chính người Việt tạo ra trên cơ sở vốn liếng đã có từ cha ông để lại – những ngữ tố gốc Hán đọc với âm Hán Việt. Đó là trường hợp của những từ ngữ như: sơ tán, di tản, cư xá, tiếp viên, tiếp thị, hội nhập, hội thảo, hội chứng, lập trình, ứng viên, ứng xử, cư xá,.... Những từ ngữ như vậy, tuy có thể "phiên chuyển" thành chữ Hán như: 初散,移散,接员,接市,会入,会讨,会症,立程,应员,应处,居舍... nhưng trong một số từ điển tiếng Hán hiện đại như Từ điển Hán ngữ hiện đại (现代汉语词典), Từ điển quy phạm Hán ngữ hiện đại (现代汉语规范词典) đều không hề tìm thấy chúng. Đó chính là sản phẩm của người Việt một khi họ thực sự làm chủ cái vốn ngữ tố Hán Việt cơ bản từ lâu đã có cuộc sống riêng trong tiếng Việt. Một đôi khi chính những từ ngữ Hán Việt nội sinh này đã đẩy lùi những từ ngữ Hán Việt nguyên ngữ đã một thời vang bóng trước đây, như hội thảo đã thay thế hẳn khai hội (开会), và phần nào thay thế cho hội nghị (会议). Tuy nhiên, cũng không nên nghĩ rằng ngày nay không còn dịp để mượn từ Hán Việt "nguyên khối" từ tiếng Hán. Chẳng hạn, gần đây Bộ Giáo dục đã cho thành lập Cục Khảo thí và Kiểm tra chất lượng giáo dục, trong tên gọi đó có từ Hán Việt "nguyên khối" khảo thí(考试), chứ không phải là từ Hán Việt tự tạo thi cử.

Trong khoảng một hai chục năm gần đây, có một con đường mới hẳn đang hình thành để từ ngữ tiếng Hán đi vào sách báo tiếng Việt. Đó là "con đường dùng phiên âm" dựa theo "phiên âm tự mẫu" của tiếng Hán. "Phiên âm tự mẫu" là bộ chữ cái Latin dùng để chú âm (phổ thông) cho chữ Hán, được Chính phủ Trung Quốc công bố năm 1958. Hiện nay, bộ chữ cái này đã được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc cũng như trên quốc tế, khi có nhu cầu ghi âm cho các chữ Hán, đặc biệt là dùng cho nhân danh, địa danh, tên các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, bộ môn, các sản phẩm và tác phẩm v.v... Chữ Quốc ngữ của ta cũng là một thứ chữ ghi âm theo chữ cái Latin, cho nên việc tiếp nhận các từ ngữ Hán vào văn bản Việt dưới hình thức "phiên âm tự mẫu" là việc quá ư thuận lợi. Qua khảo sát bước đầu của chúng tôi trên một vài tờ báo ở Hà Nội (báo "Thể thao và Văn hoá) và Thành phố Hồ Chí Minh (báo "Thanh niên") trên các số phát hành gần đây (tháng 2 và tháng 3/2006), xin nêu một vài thí dụ như sau:

"Với số dân 60.000 người, nằm cách thành phố Thượng Hải khoảng 130 km về phía bắc, làng Huaxi thuộc tỉnh Giang Tô là niềm mơ ước của nhiều người. Thứ đồ trang trí đẹp nhất, giá trị nhất cho những con đường làng ở Huaxi chính là hình ảnh những nụ cười rạng rỡ của người dân nơi đây..." (trong bài "Thiên đường" ở Trung Quốc, báo Thanh Niên, số 87, thứ ba, 28/3/2006).

"Người đề ra công thức này không ai khác chính là vị cựu trưởng làng Wu Renbao..." (trong bài "Thiên đường" ở Trung Quốc, báo Thanh Niên, số 87, thứ ba ngày 28/3/2006).

"Đối với người dân Wuli, một ngôi làng ở miền đông Trung Quốc, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước chẳng phải chỉ là chuyện trên bàn giấy..." (trong bài Làng ung thư ở Trung Quốc, báo Thanh Niên, số 80, thứ ba, ngày 21/3/2006).

"Tây An, thành phố lịch sử nổi tiếng thuộc tỉnh Thiểm Tây, tây bắc Trung Quốc, hiện đang tìm kiếm vốn cho chu kì trùng tu mới tại khu lăng mộ của Hoàng đế, nhà cai trị huyền thoại của Trung Quốc, toạ lạc trên đồi Qiaoshan ở huyện Huangling..." (trong bài "Tây An tìm tài trợ trùng tu mộ Hoàng đế Tần Thuỷ Hoàng, báo Thể thao và Văn hoá, số 36, thứ bảy, ngày 25/3/2006).

"Giáo sư He Weifang thuộc khoa Luật của Đại học Bắc Kinh cho biết tình trạng trên xảy ra tại hầu hết các đại học danh tiếng của nước này..." (trong bài Trung Quốc: 60% tiến sĩ đạo văn, báo Thanh Niên, số 75, thứ năm, ngày 16/3/2006).

"Trong số các quan tham bị sa lưới có cựu giám đốc một chi nhánh của Công ti điện lực Chuanhong ở tỉnh Tứ Xuyên, ..." (trong bài Trung Quốc: bắt giữ hơn 400 quan tham bỏ trốn, báo Thanh Niên, số 85, chủ nhật, ngày 26/3/2006).

"Được biết trong dịp Tết vừa qua, các thành viên của đoàn xiếc (gồm Wang Ji Feng, Chen Dao Mei, Jiao Shi Guo, Sun Hua Dong, Liu Jian Nan...) đã được người xem đón nhận nông nhiệt, đặc biệt là các khán giả nhí..." (trong bài Đoàn xiếc mô tô bay Vương Trung Vương (Trung Quốc) đã "đáp" về Thảo Cầm Viên Sài Gòn, báo Thanh Niên, số 72, thứ hai, ngày 13/3/2006).

"Dạ Yến sẽ nằm trong cuộc tranh đua giành đề cử Oscar năm sau", Wang Zhonglei, Giám đốc công ti Huayi Brothers, nơi sản xuất bộ phim, cho biết..." (trong bài Phùng Tiểu Cương hi vọng được đề cử giải Oscar năm sau với Dạ Yến, báo Thể thao và Văn hoá, số 22, thứ ba, ngày 21/2/2006).


Như vậy, chỉ lướt qua gần chục bài báo có nội dung liên quan đến Trung Quốc, thì ta đã gặp hàng chục những từ ngữ tiếng Hán dưới dạng phiên âm bằng chữ cái Latin. Điều này chứng tỏ rằng, tiếng Hán đang du nhập vào tiếng Việt một cách khá "rôm rả" qua "bộ áo" phiên âm. Vì sao vậy? Theo chúng tôi quan sát, thì không phải bất kì bài báo tiếng Việt nào viết về Trung Quốc cũng có "tài liệu nguồn" là tiếng Hán, tức là bản nguyên văn của chúng đã được viết bằng ngôn ngữ có chữ viết Latin, như tiếng Anh, tiếng Pháp... Nếu đã như vậy, thì dịch giả (biết hay không biết tiếng Hán) không còn cách nào khác là "bê nguyên xi" những cụm từ ngữ dạng phiên âm đó, vừa thuận tiện, lại bảo đảm được độ chính xác, trung thực của bài báo. Hay ngay cả khi "tài liệu nguồn" được viết chính bằng tiếng Hán, và người viết tin tiếng Việt (cũng là dịch giả) đương nhiên là biết tiếng Hán, thì việc xuất hiện các từ ngữ tiếng Hán dưới dạng phiên âm cũng không phải là không phổ biến. Bởi đâu phải bất kì người dịch nào cũng thông thạo cách đọc Hán Việt, để có thể ngay tức khắc, phiên chuyển những danh từ tiếng Hán ấy ra âm Hán Việt. Muốn làm được thế, họ phải mất thời gian tra cứu, mà xem ra cũng không thực sự cần thiết. Vậy thì, chi bằng cứ theo âm đọc mà phiên viết những từ ngữ Hán đó sang văn bản chữ Việt, cũng rất là thuận tiện, lại không kém phần chính xác. Nói như vậy không có nghĩa là những danh từ riêng tiếng Hán được viết theo âm Hán Việt đã hoàn toàn vắng bóng trên mặt báo. Ngược lại, chúng thường xuyên xuất hiện trên báo chí, thậm chí còn xuất hiện đồng thời, trong cùng một bài báo, với những từ ngữ tiếng Hán viết theo lối phiên âm. Chẳng hạn như:

"Những cảnh đấu võ và bay người trên không trung, yếu tố cơ bản đã tạo nên thành công quốc tế cho bộ phim Ngoạ hổ tàng long của đạo diễn Lý An, cũng được đạo diễn Phùng vận dụng triệt để trong Dạ Yến. Và để đạt được điều đó, ông đã phải "cậy nhờ" tới bộ ba góp phần làm nên thành công của Ngoạ hổ tàng long, gồm chuyên gia võ thuật Yuen Woo Ping, nhà soạn nhạc Tan Dun và đạo diễn nghệ thuật Tim Yip...Vai nữ chính trong phim vẫn được giao cho Chương Tử Di..." (trong bài Phùng Tiểu Cường hy vọng được đề cử Oscar năm sau với Dạ Yến, báo Thể thao và Văn hoá, số 22, thứ ba, ngày 21/2/2006).


"Liang Liang, nhà phê bình phim Đài Loan, thì nhận định, chiến thắng của Lý An có thể sẽ là nguồn cảm hứng cho nhiều đạo diễn châu Á muốn thử vận may ở Hollywood,..." (trong bài Sau giải Oscar của Lý An, Hollywood không ưu ái hơn với các đao diễn châu Á, báo Thể thao và Văn hoá, số 29, thứ sáu, ngày 10/3/2006).

"Những ai muốn khám phá về các màn xiếc độc đáo của nhân vật dặc biệt Liu Jian Nan cũng như của đoàn xiếc Vương Trung Vương có thể đến Thảo Cầm Viên vào khoảng thời gian từ 17–22 giờ mỗi ngày để thưởng thức." (trong bài Đoàn xiếc mô tô bay Vương Trung Vương (Trung Quốc) đã "đáp" về Thảo Cầm Viên Sài Gòn, báo Thanh Niên, số 72, thứ hai, ngày 13/3/2006).

Từ những thí dụ trên, ta thấy rằng, những từ ngữ tiếng Hán được phiên ra âm Hán Việt hầu như đều là những từ ngữ quá đỗi quen thuộc với độc giả Việt Nam. Chẳng hạn như: Ngoạ hổ tàng long, Lý An, Chương Tử Di,... Thượng Hải, Tây An, Thiểm Tây, Tứ Xuyên,... Khi gặp các từ ngữ này, dù là ở dạng phiên âm trong văn bản ngoài chữ Hán, thì dịch giả, với vốn âm Hán Việt nào đó đã nằm lòng, vẫn thích đưa chúng quay trở về dạng từ ngữ Hán Việt đã quen thuộc đối với người Việt Nam. Và rõ ràng, khi tiếp xúc với những từ ngữ Hán Việt này, độc giả Việt Nam sẽ thấy gần gũi hơn rất nhiều so với những từ ngữ tiếng Hán viết theo lối phiên âm tự mẫu.

Ngoài ra, có một điều cần nói thêm rằng, trong những năm gần đây, không chỉ trên mặt báo, mà còn trên truyền hình hay trong những câu chuyện đời thường của người dân Việt Nam, ta vẫn thường nhìn thấy, nghe thấy những từ ngữ tiếng Hán vô cùng quen thuộc như wushu, sanshou, hay gần đây nhất là gongfu (trong bộ phim võ hiệp nổi tiếng của Trung Quốc – Gongfu – 功夫). Đây đều là những từ ngữ tiếng Hán chỉ các bộ môn võ thuật của Trung Quốc, đó là 武术,散手,功夫. Điều đáng chú ý là trong khi sanshou và gongfu còn được nhắc đến cả dưới dạng âm Hán Việt là tán thủ và công phu, thì ta không hề thấy wushu xuất hiện dưới hình thức âm Hán Việt tương ứng với nó là võ thuật. Nhất định phải gọi môn võ này là wushu theo chữ cái phiên âm. Bởi lẽ, trong tiếng Việt, võ thuật từ lâu đã là một danh từ chung dùng để chỉ các môn phái võ nghệ, chứ không phải đặc chỉ môn phái wushu với những đặc điểm riêng của nó. Vậy là, trong trường hợp này, con đường du nhập của từ ngữ tiếng Hán theo lối phiên âm tự mẫu đã phát huy thêm một tác dụng quan trọng nữa, nó giúp ta khu biệt danh từ chỉ một môn võ cụ thể với một danh từ chỉ võ nghệ nói chung.

Như vậy là, từ ngữ tiếng Hán du nhập vào tiếng Việt cho dù là bằng con đường khẩu ngữ, con đường sách vở hay là dạng phiên âm theo tự mẫu, thì từ thời xa xưa cho đến thời hiện đại cũng đều hết sức mạnh mẽ và bền bỉ. Cùng với sự trôi đi của thời gian, khi mà tình trạng cộng cư của người Hoa và người Việt không còn vị thế nổi bật trong sinh hoạt kinh tế thời hiện đại, khi mà tầng lớp nho sĩ am hiểu âm Hán Việt thưa thớt dần, thì sự du nhập của từ ngữ tiếng Hán vào tiếng Việt theo con đường khẩu ngữ hoặc con đường phiên âm Hán Việt sẽ không còn đậm nét như trong quá khứ nữa. Bù lại, xu hướng sử dụng ngữ tố Hán Việt để tạo từ mới ngày càng được hưởng ứng, và một con đường mới mẻ cho sự du nhập từ ngữ tiếng Hán vào tiếng Việt – con đường dùng "phiên âm tự mẫu" đang hình thành. Trên con đường mới mẻ này, số phận của các từ ngữ Hán phiên âm trong văn bản Việt sẽ ra sao? Chắc chắn chúng sẽ vấp phải không ít khó khăn để được tiếp nhận, song triển vọng của chúng cũng khá rõ ràng, vì sự tiện lợi và cần thiết của chúng ở những tình cảnh nhất định là không thể phủ nhận.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Lý Hành Kiện (chủ biên). Xiandai Hanyu Guifan Cidian (现代汉语规范词典). Nxb Ngoại ngữ Giáo học dữ Nghiên cứu & Nxb Ngoại văn, Bắc Kinh, 2004.
Nguyễn Tài Cẩn. Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt (tái bản có sửa chữa). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
Nguyễn Quang Hồng. Âm tiết và loại hình ngôn ngữ (tái bản). Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002.
Nguyễn Quang Hồng. Giữ gìn và phát triển tiếng Việt, ngôn ngữ chung của các dân tộc Việt Nam. Tạp chí "Ngôn ngữ & Đời sống", số 1+2/2004.
Phòng Từ điển Viện Ngôn ngữ học Trung Quốc biên soạn (tu đính bản). Xiandai Hanyu Cidian (现代汉语词典). Nhà in Thương Vụ, Bắc Kinh, 1999.

Theo Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 5/2006, trang 34–37
(nguồn: vnthuquan.net)