30/11/13

Đau thương - Hàn Mặc Tử

Hàn Mặc Tử là nhà thơ duy nhất có những câu thơ hay có thể vượt sự trác tuyệt của Nguyễn Du.
Nhà phê bình Thụy Khuê

Người ơi đừng buồn. Tranh Trần Trung Tín
Sau khi cho xuất bản Gái Quê (1936) bệnh phong bắt đầu lộ rõ, nhưng thời gian đầu Hàn Mặc Tử vẫn gặp gỡ bạn bè tại nhà, đứng tên xuất bản đặc san Nắng Mới. Đến khi bệnh trở nặng, ông cắt mọi liên hệ với bạn bè, chỉ còn Mai Đình thỉnh thoảng tới thăm. Ông thu thập số thơ đã làm thành tập Thơ Điên nhưng không tìm được ai chịu xuất bản. Tập thơ về sau đổi tên thành Đau Thương.

Tập thơ Đau thương gồm 3 phần.

I.  Hương thơm
II. Mật đắng
III. Máu cuồng và hồn điên

Hôm trước đã đọc Đà lạt trăng mờ, một bài thơ xếp ở phần I Hương thơm. Hôm nay mời nghe ngâm mấy bài thơ cũng nằm ở  phần này

Giả sử thơ Võ Thị Quỳnh - saxo Lê Tấn Quốc

blue sadness - Joseph Falco
Mấy năm trước lang thang trên mạng gặp một chùm thơ của một tác giả lạ, Võ Thị Quỳnh. Tìm hiểu thêm trên mạng biết nguyên là một cô giáo trường Đồng Khánh, Huế.

Hôm nay tình cờ tìm thấy lại trong máy. Ngồi đọc thơ và nghe Lê Tấn Quốc chơi saxo.

29/11/13

Songs from a secret garden


Nhóm nhạc Secret Garden được xem là nhóm nhạc điển hình dòng nhạc New Age, gồm hai thành viên là Fionnuala Sherry là một nữ nghệ sĩ vĩ cầm người Island và Rolf Lovland, nam, nhà soạn nhạc và là một nghệ sĩ dương cầm người Na Uy, tên tuổi đã được biết rộng rãi từ ca khúc “La Det Swingge” (Let it swing) do ông sáng tác được Bobysocks mang đi dự thi Eurovision 1985 mang chiến thắng về cho Na Uy.

Thành lập năm 1994, qua năm sau họ đã đem về cho Nauy giải nhất trong cuộc thi Eurovision Song Contest với bản Nortune với nhạc do Rolf Lovland và lời của Petter Skavlan

28/11/13

Một mai em đi - Họa Mi




Bài hát Lam Phuong viết cho Họa Mi, vừa được chính Họa Mi trình bày. Đằng sau bài hát là một chuyện tình buồn ...

Họa Mi tên thật là Trương Thị Mỹ, sinh năm 1955. Nghệ danh Họa Mi do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đặt khi ông mời cô đi hát cho nhà hàng của ông lúc cô đang học năm ba thanh nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sàigon (nay là nhạc viện TP.HCM).

Năm 1976 Họa Mi lấy Lê Tấn Quốc (sinh 1953), nghệ sĩ saxophone chơi cho các phòng trà ca nhạc Sài gòn từ trước 75. Hai người sống với nhau, đêm đêm chàng thổi kèn đệm cho nàng hát .. ba đứa con lần lượt ra đời, cuộc sống thêm nặng nề trong thời khốn khó. Mắt chàng vốn đã kém, dần không còn thấy gì. Đêm đêm chàng vẫn đệm đàn cho nàng hát .. tiền catxê kiếm được chỉ đủ năm miệng ăn sống chật vật, tiền thuốc thang chữa bệnh lấy đâu .. Và thế là năm 1988 trong dịp xuất ngoại biểu diễn, Họa Mi quyết định xin ở lại Pháp. Hai năm sau, nàng đã bảo lãnh được cho chồng và ba con qua Pháp, hi vọng ở đất nước có nền y học tiên tiến vào bậc nhất ấy có thể chữa được mắt cho chàng. Nhưng các bác sĩ Pháp lắc đầu, bệnh đã để quá trể. Nàng tâm sự với chàng những ngày mới qua bơ vơ nơi đất khách, nàng có cảm tình với một Kỷ sư người Việt lớn hơn nàng 12 tuổi. Chàng mừng cho nàng và để lại ba con cho nàng nuôi để bảo đảm tương lai của chúng, một mình về lại Saigon, đêm đêm lại thổi kèn, nhưng không phải đệm cho nàng hát nữa ..

Năm 2009, sau hơn 20 năm xa quê, nữ danh ca thập niên 70 của Sài Gòn, giọng ca quen thuộc của đoàn Kim Cương những năm đầu giải phóng, đã trở về VN cho ra mắt album đầu tay "Một thời yêu nhau" do Phương nam phim phát hành ...

Trong lời đề từ CD "Một thời yêu nhau", Họa Mi viết: "Ngày thàng đã qua đi trong chớp mắt, tóc đã điểm bạc. Có chăng là kỷ niệm, là hạnh phúc, là khổ đau. Tôi muốn giữ mãi những phút giây quý giá của hạnh phúc. Tôi muốn tôi quên đi những chuỗi ngày của buồn đau, của những vết thương lòng đã chôn chặt từ lâu"…

Mời nghe album Một Mai Em Đi để nghe chàng lại thổi kèn đệm cho nàng hát ..



----
bài cũ từ yahoo blog

Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng ..

Tai nạn lớn lao nhất trong đời tôi là phải chịu đọa đầy làm thần đồng lúc còn thơ dại, rồi lúc lớn lên làm thanh niên thì phải chịu đọa đầy làm thiên tài. 

(Phạm Công Thiện. Ý Thức Mới trong Văn Nghệ và Triết Học)

Phạm Công Thiện
(1941 - 2011)

Ngày 15/3/2011 này tại Già Lam làm lễ cầu siêu cho Phạm Công Thiện. Ông đã ra đi ngày 8/3/2011 tại Houston, Texas; thọ 71 t.
Thầy Tuệ Sỹ niệm hương trước bàn thờ PCT
tại Quảng Hương Già Lam

Thanh niên miền Nam một thời mê say sự nổi loạn của ông:

Thời gian tao ở Huê Kỳ, tao đã bỏ học, vì tao thấy những trường đại học mà tao học, như trường đại học Yale và Columbia chỉ toàn là những nơi sản xuất những thằng ngu xuẩn; ngay đến những giáo sư của tao chỉ là những thằng ngu xuẩn nhất đời; tao có thể dạy họ nhiều hơn là họ dạy tao. Qua Pháp, tao đã sống nghèo đói thế nào thì mày cũng đã biết rõ rồi; những lúc tao nằm ngủ tại những vỉa hè Paris vào những đêm đông đói lạnh, những lúc đói khổ như vậy, tao vẫn còn cảm thấy sung sướng hơn là ngồi nghe mấy thằng giáo sư đại học Yale hay Columbia giảng cho tao nghe về Aristote hay Hegel, về Heidegger hay Héraclite. Tao đọc Heidegger hay Héraclite bằng máu với nước mắt; còn mấy thằng giáo sư ấy chỉ đọc bằng đôi mắt cận thị! Những thằng ấy hiểu gì về tư tưởng mà có thể dạy tao? Bây giờ nếu có Phật Thích Ca hay Chúa Giêsu hiện ra đứng giảng trước mặt tao, tao cũng chẳng nghe theo nữa.(Im lặng Hố Thẳm)

Khoái chí nghe ông ngông nghênh:

Ivo Andritch và Erich Fromn, bây giờ tao thấy hai tên này hoàn toàn non nớt; còn về Somerset Maugham, André Gide, Fédérico Schmidt, Aldoux Huxley, Hemingway, Jean-René Huguenin, tao thấy chỉ nên liệng họ vào cầu tiêu công cộng. Mới đây, tao đọc xong quyển A Movable Feast của Hemingway, tao buồn muốn khóc được. Tất cả những ngọn lửa đều tắt: đó là bi kịch của thiên tài. Một lần nữa, tao lại hiểu thêm rõ ràng ý nghĩa chuyến bỏ đi của Rimbaud.

Còn trường hợp Faulkner, Nikos Karzantzakis, Kafka, Saroyan, Thomas Wolfe, Jean-Paul Sartre thì tao đã dứt nợ với họ rồi, những tên này chỉ đáng bỏ vào một xó tối ở công cộng, dành riêng cho những mụ đàn bà có chửa, dành riêng cho đàn bà đọc những lúc sắp sinh con hay những lúc chờ chồng đi xa trở về. Tao không phải là đàn bà; tao xin gửi những tên ấy về cho đàn bà.


Mê PCT, bao người lấy sách ông làm sách gối đầu giường theo đúng nghĩa đen của từ. Vì, đúng như Nguyễn Ngọc Tuấn nhận xét:

Phạm Công Thiện có một cái tài đặc biệt rất hiếm người có là ông có thể làm cho độc giả đọc ông một cách thích thú, say mê và thán phục mặc dù, khi gấp sách lại, người ta hoàn toàn không hiểu là ông nói cái gì cả. Bởi vậy, mặc dù tác phẩm của ông nổi tiếng là khó hiểu, ông vẫn có một lượng độc giả khá lớn, khá trung thành, và đôi khi khá bình dân. Nói như thế cũng có nghĩa là nói thế mạnh đầu tiên và nổi bật nhất của Phạm Công Thiện chính là ở khả năng diễn đạt, hay nói cách khác, ở giọng văn của ông. Đó là một giọng văn có sức hấp dẫn lạ lùng, một giọng văn vừa uyên bác vừa sôi nổi, vừa rất trí tuệ và lại rất giàu chất thơ. (tienve.org)

Phạm Công Thiện là tên thật, sinh năm 1941 tại Mỹ Tho. Ông còn dùng bút hiệu Hoàng Thu Uyên trong một số truyện dịch thời mới viết.

PCT nổi tiếng từ rất sớm.
15 tuổi ông đã vang tiếng thần đồng về ngôn ngữ, thông thạo Anh, Pháp, Nhật, Hoa, Tây Ban Nha, và còn biết tiếng Sanscrit, tiếng La Tinh.
16 tuổi đã cho xb Anh Ngữ Tinh Âm Từ Điển.
19 tuổi, viết Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học
23 tuổi viết Tiểu luân về Bồ Đề Đạt Ma.
Rồi tiếp tục Im Lặng Hố Thẳm, Hố Thẳm Tư Tưởng .. cho đến cuối đời ông đã cho xb khoảng 20 tác phẩm, trong đó có 2 tập thơ Ngày Sinh của Rắn in 1967 và Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Sự Lặng Im in ở Mỹ, không kể một số sách dịch các tác phẩm của Krishnamurti, Nikos Kazanzakis, Heidegger ..

Tuổi thiếu niên, chưa có mảnh bằng tú tài dắt lưng đã đi dạy trung học.
Thủa thanh niên bỏ đi tu, là Thích Nguyên Tánh, chưa thi Tú tài, vẫn được mời về giảng dạy tại Đại Học Vạn Hạnh và phụ trách tờ tạp chí Tư Tưởng của viện ĐH này. Rồi cởi cà sa, cưới vợ .. lưu lạc khắp nơi, từ Pháp, Israel, Đức, Úc, cuối đời định cư ở Mỹ, viết sách, dạy học ..

Xung quanh cuộc đời ông có rất nhiều huyền thoại. Người ta gọi PCT bằng nhiều danh xưng: triết gia, nhà tư tưởng, học giả, giáo sư, .. Riêng ông, ông vẫn tự nhận mình là thi sĩ, dù trước 1975 sách ông viết, dịch hầu hết là sách triết học, còn thơ ông chỉ cho xb một tập thơ mỏng dính gồm 12 bài, Ngày sinh của rắn, trong đó có bài chỉ có 2 câu. Đến sau này qua Mỹ, ông mới cho xb tập thơ thứ hai, Trên tất cả đỉnh cao là lặng im

Mời nghe Lê Uyên Phương ca bản nhạc Tôi Đứng trên Đồi Mây trổ Bông do chính Lê Uyên Phương phổ từ bài thơ đánh số VIII  trong tập Ngày Sinh Của Rắn .





Ca khúc Thôi hết còn gặp nhau sau đây do Jazzy Dạ Lam phổ từ bài thơ “Buồn” trong thi tập Trên tất cả đỉnh cao là lặng im của Phạm Công Thiện. Mời nghe tác giả tự đệm và hát





tranh Đinh Tiến Luyện
Có chuyện buồn trên cao
phù phép nổi lào rào
có chuyện buồn hôm nao
thôi hết còn gặp nhau...

Có chuyện buồn hôm sau
có nàng tiên cởi áo
đôi vú nhỏ nghẹn ngào
thơm nóng đỏ trăng sao

Có chuyện buồn chiêm bao
nàng tiên cài khuy áo
mưa dột mấy rừng đào
thôi hết còn gặp nhau...



nguồn: thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn trên net, như Tiền Vệ, ..
--------------------------
Bài cũ thời Yahoo blog.

27/11/13

Đà Lạt Trăng Mờ


tranh Đinh Cường
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu.


Mấy câu thơ trích trong Đà Lạt Trăng Mờ được Hàn Mặc Tử sáng tác năm 1933, nằm trong tập Đau Thương. Mời nghe Quốc Anh ngâm

Gái quê audio book

Năm 1936, Hàn Mặc Tử xuất bản tập thơ Gái quê. Tập này được in tại nhà in Tân Dân, Hà Nội. Sách gồm 48 trang, khổ 12,5x19,4 với 34 bài thơ do tác giả tự phát hành.

Năm 1992, nhằm khẳng định những đóng góp của phong trào Thơ Mới cho nền văn học nước nhà, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP HCM đã in và giới thiệu lại một số tập thơ tiêu biểu của các nhà thơ đại diện cho dòng Thơ Mới. Riêng với Hàn Mặc Tử, tập thơ Gái quê bản in năm 1936 của ông không tìm được nên NXB đành sử dụng bản thảo theo bản chép tay của nhà thơ Chế Lan Viên do nhà văn Vũ Thị Thường trao lại. Từ đó, tập Gái quê (bản in ở nhà in Tân Dân năm 1936) luôn được NXB tiếp tục tìm kiếm.

Đêm khuya đoc sách

Ngồi đọc thơ thầy Tuệ Sỹ, gặp hai câu thơ
Kí ức Huế - lụa
Nguyễn Khoa Nhi & Ton Nu Tuong Hoa

Anh ôm chồng sách cũ
Trầm mặc những đêm dài


Chợt nhớ mấy câu còm trên blog bạn thời Yahoo

đêm khuya đọc sách phòng trong
chợt nghe tiếng hát thong dong đường ngoài
mấy pho sách nát miệt mài
ngẩn ngơ một tiếng cười dài tịch liêu



26/11/13

Trầm mặc Tuệ Sỹ

Không chỉ Trăng của Hàn Mặc Tử mới làm người ta bẽn lẽn. Mời đọc Trăng của Tuệ Sỹ

Trăng

1

Thầy Tuệ Sỹ - Vạn Giã 7/11/2013
Nhà đạo nguyên không khách
Quanh năm bạn ánh đèn
Thẹn tình Trăng liếc trộm
Bẽn lẽn núp sau rèm.

2


Yêu nhau từ vạn kiếp
Nhìn nhau một thoáng qua
Nhà đạo nguyên không nói
Trăng buồn trăng đi xa.

Tình quê 2

Thiếu nữ trên cầu ao.
Lụa của Lê Văn Đệ
Hôm trước đã đọc Tình Quê và nghe Duy Quang, Thái Thanh hát bản Phạm Duy phổ nhạc bài thơ. Hôm nay mời nghe Phan Anh Dũng ca bản do Phan Bá Chức phổ nhạc

Love is real

Hôm trước ngồi nghĩ lan man rồi chợt nhớ đến Tuệ Trung Thượng Sĩ với phản quan tự kỷ. Hồi hôm nói đến chuyện dối trá. Ngẫu nhiên sáng nay ngủ dậy vừa đọc báo vừa cho list nhạc chạy random thì lại nghe đúng bài Love của John Lenon

Love is real, real is love ..

Bẽn lẽn

"Hàn Mặc Tử có khoảng bảy bài hay, trong đó có bốn bài đạt đến độ toàn bích. Còn lại là những câu thơ thiên tài. Những câu thơ này, phi Hàn Mặc Tử, không ai có thể viết nổi. Tiếc là những câu thơ ấy lại nằm trong những bài thơ còn rất nhiều xộc xệch..."
(Nhà thơ Trần Đăng Khoa)

Bẽn Lẽn
Tien Dung tắm  (1973)
lụa Nguyễn Phan Chánh

Hàn Mặc Tử

Trăng nằm sóng soải trên cành liễu
Đợi gió đông về để lả lơi
Hoa lá ngây tình không muốn động
Lòng em hồi hộp, chị Hằng ơi

Trong khóm vi vu rào rạt mãi
Tiếng lòng ai nói? Sao im đi?
Ô kìa, bóng nguyệt trần truồng tắm
Lộ cái khuôn vàng dưới đáy khe

Vô tình để gió hôn lên má
Bẽn lẽn làm sao lúc nửa đêm
Em sợ lang quân em biết được
Nghi ngờ tới cái tiết trinh em


Hồng Vân ngâm



RFA có dành một chương trình nói về Hàn Mặc Tử, Thy Nga phụ trách. Mời nghe

Hàn Mặc Tử, chàng thi sĩ đa tình nhưng bạc mệnh



25/11/13

Vua muỗng Trần Quang Hải

cha con GS Trần Văn Khê song tấu kìm và muỗng
Trần Quang Hải sinh 1944 tại Thủ Đức. Năm 1961 sau khi tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Sài gòn ông qua Pháp, đến 1973 làm xong Tiến sĩ Dân tộc nhạc học tại Sorbone, vào làm việc tại Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp.

Ông là hội viên của 20 hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế; dạy nhạc ở trên 100 trường đại học của 50 quốc gia trên thế giới; đã trình diễn gần ba nghìn buổi cho trên 100 đại hội liên hoan nhạc cổ truyền quốc tế của 60 quốc gia từ năm 1966 tới nay; đã có 15 đĩa nhựa 33 vòng, 8 CD, và 4 phim video, và tham gia vào 10 CD của những cơ quan nghiên cứu ngoại quốc; chuyên gia duy nhất trên thế giới về hát song thanh, có 8.000 học trò theo học bộ môn này ở 70 quốc gia...

Ông biết chơi 15 loại nhạc khí, từ mandolin, violon, đến piano, rồi đàn tranh, đàn cò, đàn bầu, sinh tiền, ghi ta, sáo tây... trong đó đặc biệt là đàn môi và đàn muỗng do những sáng tạo kỹ thuật độc đáo của ông trong hai nhạc cụ này.

Đặc biệt với muỗng, ông là người duy nhất trên thế giới chơi độc tấu .. Mời xem ông biểu diễn với muỗng

Buổi sáng mùa đông . Les matins d' hiver

tranh mực tàu Phương Bình

1. Phú Quang. Catinat Cà Phê Sáng

Những gương mặt lạ quen,
Những giọt cà phê đen đặc,
Anh ngồi một mình
Khuấy loãng thời gian...

...

Sáng nay ngồi một mình
Với nỗi buồn xa vắng...
Từng giọt từng giọt đắng,
Anh uống cạn lạ quen.

Lại lạ chưa hic

Anh bạn lại nhắn tin: Chính xác abcxyz mày ah. Này nhé ..

Uh, thì tôi chỉ cảnh báo anh bạn nên thận trọng, cần có phương cách đáng tin trước khi kết luận thôi, chứ tôi đâu khẳng định rằng abc phải / ko phải xyz , vì thật ra yes/no tôi đều ko có cơ sở.

Nhưng nếu abcxyz thì sao nhỉ, mà anh bạn cứ phải lăn tăn ?

Phải nhắn tin hỏi lại anh bạn mới được. Rằng liệu những khi đang nói chuyện tiếu lâm quanh bàn nhậu với bạn bè, anh có muốn vợ con, đặc biệt con còn nhỏ, nghe ko ?

Đấy chẳng phải là chuyện đạo đức giả hay gì gì, mà chỉ là sự thích hợp. Ko thể đem ngôn ngữ phòng ngủ vào công sở, hay ngôn ngữ công sở vào bàn nhậu chổ bạn bè thân quen .. thế thôi.

Trong đời sống ta có thể tách bạch các đối tượng rất dễ dàng để nói năng sao cho phù hợp. Trên mạng thì khác. Trang blog mở public ai cũng có thể vào đọc. Thế nên chuyện một người có nhiều blog, face cho nhiều đối tượng người đọc khác nhau cũng là bình thường chứ nhỉ ? Nơi dành cho người thân, gia đình. Nơi dành cho đối tác làm ăn, công việc. Nơi dành cho bạn bè chung chung để bông phèng ... Mỗi người đọc cũng cần biết mình dang vào blog loại gì để có thái độ thích hợp. Nếu là blog bạn bè chung chung thì thoải mái còm kiếc nếu thấy thích. Nếu là blog chuyên môn thì góp còm nếu có khả năng. Còn nếu là blog người ta trút nỗi niềm tâm sự  sâu kín với ai đấy, nếu mình có thể đồng cảm thì còm để chia sẻ, như chia nhau chút hơi ấm tình người .. Còn nếu ko hiểu mô tê gì thì vào đấy làm chi, vì người ta có dành cho mình đâu ? Bảo người ta sống hai mặt, lừa dối .. thì có chắc mình hiểu đúng ko, về những nguyên nhân tình tiết bên trong í. Và nếu mình thấy họ lừa tình lừa tiền gì đấy thật thì đừng vào, còn những người khác thì liệu có cần ta lo cho họ ko ? Khi ko lại đòi làm bão mẫu cho người ta, ko sợ người ta mắng cho ư.

Bản thân tôi cũng có vài blog, vài cái face. Và thực tình chẳng thích người đọc blog này biết blog kia. Nói riêng cái blog Khùng này, nguyên xưa dành để vào quán Bựa chửi nhau, giờ chán chửi nhau nên kiếm thơ nhạc nghe chơi đỡ buồn .. Cũng có mấy bạn tò mò hỏi Khùng là ai. Chẳng có gì phải dấu diếm, nhưng thực sự ko cần thiết, vì nếu ai đã biết rõ tôi là ai thì tên Khùng hay tên cu tèo gì cũng như nhau. Ngược lại nếu ko biết thì Khùng hay Hùng hay Tùng .. cũng như nhau nốt. Thậm chí theo tôi, tên Khùng còn tốt hơn Hùng (giả sử thế), vì nghe tên Khùng người ta biết ngay là tên không thật, nên có ngay sự cảnh giác đề phòng, mình chả phải lo lắng đang lừa dối ai ..

Nói chuyện quán Bựa lại nhớ mấy năm trước có cô bạn quen, ko hiểu sao cổ biết chồng hay vào quán Bựa chửi nhau. Đêm nào anh chồng ra phòng khách online thì cổ ở phòng ngủ cũng lấy điện thoại theo vào nghe chửi bậy trỏng, rùi ới tôi than thở rằng thì là sao ông chồng ngoài đời dịu dàng thế, vào đấy lại ăn nói bỗ bã .. đặc biệt khi chồng bị bọn bựa chửi, cô cứ như mình bị chửi ko bằng .. Tôi bảo cô nên học vợ của mấy tay võ sĩ quyền Anh hay mấy người biễu diễn những trò mạo hiểm í, đừng xem. Thế nhưng cổ có nghe đâu, đêm nào chồng vào là vợ cũng lẻo đẻo vào rồi xót xa, rồi tức giận .. hai ba giờ sáng ngoài kia chồng tắt máy, trong này vợ mới tắt điện thoại, vờ ngủ .. Chẳng phải chổ của mình, vào chi khổ thân thế nhỉ ?

.

Mấy hôm nay tay hàng xóm vừa mới mua cái TV LG led 48 in, nghe nói hình nét như thực .. chưa qua coi đã thấy ngứa mắt, hc. Hồi sáng bảo bx hôm nay chủ nhật rảnh mình đi mua cái Panasonic led 60 in, bx chưa chịu, lấy cớ là mua về ko biết bỏ đâu.

Nhớ lại lâu lâu rồi, hồi ấy nhà dang xài cái TV trắng đen, tên hàng xóm mua cái JVC 14 in màu về, đúng mùa Euro. Cả xóm tới xem, trong nhà ko đủ chổ, đứng tràn ngoài hiên. Mấy đứa con cũng tối tối đòi qua nhà bác X xem màu mới đã .. Tôi ngứa mắt, mua luôn cái Sony màu 17 in để phòng khach, ôm cái TV đen trắng vào phòng ngủ để nằm xem tin tức những khi bị cu bé dành xem hoạt hình hay bx dành xem phim Hàn. Mấy năm trước, tay hàng xóm lại tậu cái Samsung flat 22 in thay cho cái TV cũ bị hỏng đèn màu. Đúng lúc cái TV đen trắng trong phòng ngủ bị hỏng, thế  là tôi mua luôn cái Samsung LCD 32 in đem về bỏ phòng khách, đưa cái Sony 17 in vào phòng ngủ. Còn bây giờ thì ko biết cái Samsung flat có hư ko mà tay hàng xóm ôm về cái led 40 in về, hic, hay hắn định chơi mình nhỉ ?

- Mua về chả biết để đâu anh ah. Nhà hai người hai TV rồi, mà anh có mấy khi coi TV đâu, hai cái đã thừa ..
- Nhưng hắn mới mua cái led 40 n về, anh ngứa mắt quá đi.
- Thôi kệ người ta đi anh, ngứa mắt làm gì, hàng xóm láng giềng cả mà ..

Đúng là đàn bà, thế cũng nói được. Thì anh em bạn bè thân quen, hay ít cũng hàng xóm gần gũi mới thấy ngứa mắt. Chứ người lạ thì ai thèm ngứa mắt chi cho mệt ?

24/11/13

Âm thầm

Cô hàng xén - lụa Nguyễn Phan Chánh
Mời đọc tiếp một bài thơ trong tập Gái Quê của Hàn Mặc Tử

Âm thầm

Từ gió xuân đi gió hạ về
Anh thường gởi gắm mối tình quê
Bên em, mỗi lúc trên đường cái
Hóng mát cho lòng được thoả thuê!

Em có ngờ đâu trong những đêm
Trăng ngà giãi bóng, mặt hồ êm
Anh đi thơ thẩn như ngây dại
Hứng lấy hương nồng trong áo em

Bên khóm thuỳ dương em thướt tha
Bên này bờ liễu anh trông qua
Say mơ vướng phải mùi hương ướp
Yêu cái môi hường chẳng nói ra

Độ ấy xuân về em lớn lên
Thấy anh em đã biết làm duyên
Nhưng thời gian vẫn trôi đi mãi
Yêu dấu lòng anh ôm hận riêng


Nguồn: Hàn Mặc Tử, Gái quê, Nxb Hội nhà văn, 1995
Trích lại từ thivien.net

Hàn Mặc Tử - Tình quê

Hàn Mặc Tử sáng tác tổng cộng 9 tác phẩm.. nhưng sinh thời ông chỉ tự xuất bản được một tập thơ là Gái Quê (1936). Đây là tác phẩm đánh dấu sự từ giả thơ Đường luật mà ông đã theo đuổi 10 năm trời. Ở đấy ta vẫn gặp lại những bài thơ còn giữ khá đầy đủ những luật tắc về thanh âm, vần điệu của thơ Đường, nhưng các loại đối ngẫu ko còn nữa, và bài thơ cũng ko hạn định trong 4 hay 8 câu. Đặc biệt về tình ý thì phát triển những cái mới mẻ về tứ về từ, nhất là chất sex mà thời làm thơ Đường chỉ mới manh nha.

Bài thơ Tình Quê sau đây nằm trong tập Gái Quê, đã được Phạm Duy phổ nhạc. Mời nghe Duy Quang ca

23/11/13

Nỗi nhớ mùa đông

1.

Nỗi Nhớ Mùa Đông là tên một bài thơ của Thảo Phương.

Thảo Phương tên thật Nguyễn Mai Hương, sinh năm 1949 tại Ninh Bình, vốn là cô giáo từng dạy học ở Đà lạt, sau bỏ dạy về Sài gòn làm báo. Chính tại nơi đây, khi cô đang nắng cháy da thì Hà Nội một thời thơ ấu của cô đi vào mùa đông với những cơn mưa rét cắt thịt .. và cô đã viết Không đề (gửi mùa đông) năm 1982 trong nỗi nhớ những cơn mưa rét ấy của mùa đông Hà Nội.

22/11/13

Hàn Mặc Tử - thi sĩ của đau thương và bất hạnh

Hàn Mặc Tử
tranh Thanh Trí
Hôm trước đã đọc mấy bài thơ thất ngôn Đường luật của Hàn Mặc Tử. Dù làm theo lối thơ luật cũ, nhưng mấy câu thơ như

Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ chút buốn thôi.

(Buồn thu)

đặc biệt hai câu

Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.

(Thức khuya)

thì ý tình đã rất mới, thoát hẳn những ý tình thường gặp trong thơ Đường luật cũ.

21/11/13

Apres toi - Vicky Leandros

Trong một entry trước có nhắc chuyện Vicky Leandros lúc 18 tuổi đã dự thi Eurovision Song Contest 1967 với L'amour est bleu chỉ được xếp hạng 4.

Chưa thỏa mãn, năm 1972 cô lại tiếp tục đại diện Luxembuorg dự thi với Apres Toi, một sáng tác của cha cô, hòa âm do Klaus Munro - nhạc sư nổi tiếng của nhạc viện Hamburg, Đức. Và lần này cô gái Hy Lạp xinh xắn nhưng đôi mắt hơi buồn buốn và giọng ca cao vút đã giúp Luxembourg xếp hạng nhất trong số 18 quốc gia dự thi năm ấy.

Chú bé đánh trống

Xem mấy chú bé đánh trống cho vui.













Nói đến chú bé đánh trống lại nhớ câu chuyện trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng của Edmondo de Amicis Hà Mai Anh dịch đọc thủa còn bé tí .. Hồi ấy nhớ đọc xong cảm động lắm. mà chuyện nào trong cuốn ấy đọc ko cảm động ? Cop lại đây cho ai có con nhỏ đọc cho các anh các chị ấy nghe, còn hơn chán vạn những bài học đạo đức sáo rỗng hiện nay ở trường .. Mời click để mở trang đọc truyện

CẬU BÉ ĐÁNH TRỐNG NGƯỜI XÁCĐÊNHA

(Truyện đọc hàng tháng)

Ngày mở đầu trận Cuxtôtza tức là hôm 21 tháng bảy năm 1848, sáu mươi người lính thuộc liên đội bộ binh kia được lệnh lên núi chiếm đóng một căn nhà bỏ không thì thình lình bị hai đội quân Áo đến đánh. Quân địch bắn súng liên thanh túi bụi đến nỗi toán bộ binh phải vất vả mới trốn được vào nhà và phải bỏ tại trận mấy người chết và mấy người bị thương.
The drummer boy by William Morris Hunt
Thế rồi quân Italia cứ trong cửa sổ bắn ra, bên ngoài quân Áo tiến theo hình vòng cung và bắn trả rất dữ.
Cầm đầu đội quân Italia, có hai hạ sĩ quan và một viên đại uý là một vị đã có tuổi, người cao lớn khô khao, râu tóc bạc phơ. Trong đội có một chú lính đánh trống, người đảo Xarđenha là một đứa trẻ, da vàng tóc đen, trạc 14 tuổi, nhưng người bé nhỏ chỉ bằng đứa 12. Đại uý đứng chỉ huy việc phòng ngự một căn buồng trên gác, hạ lệnh như tiếng sét. Chú lính đánh trống, mặt hơi xám nhưng chân vẫn vững trên bàn, nhìn qua cửa sổ thấy khói mù và một dải trăng trắng đang tiến dần vào trong bãi.
Quân địch bắn vào như mưa : tường thủng, ngói tan, đồ đạc, trần, cửa đổ vỡ, mảnh gỗ, mảnh bát, mảnh kính bắn tung toé.
Chốc chốc lại có người lính đứng bắn ở cửa sổ gục xuống ván, người ta phải lôi vào buồng. Mấy người lính nữa, tay bóp vết thương, chân bước lảo đảo ở phòng nọ sang phòng kia. Trong bếp, có một người chết, vỡ óc, coi rất thê thảm.
Vòng cung bao vây của quân địch càng thắt chặt thêm.
Đại uý trong buồng chạy ra nói chuyện với viên đội. Ba phút sau, viên đội chạy tìm chú lính đánh trống. Khi chú lên thấy đại uý đang tì giấy vào cửa kính viết bằng bút chì. Dưới chân đại uý có một cuộn dây thừng xách nước.
Đại uý gấp giấy, nhìn thẳng cậu bé bằng đôi mắt lạnh lùng, đôi mắt mà xưa nay quân lính vẫn từng sợ hãi, đại uý gọi :
_ Thằng đánh trống !
Chú lính con liền giơ tay lên rìa mũ.
_ Mày có can đảm không ?
Hai mắt nổi một luồng chớp sáng, cậu đáp :
_ Bẩm, có .
Đại uý đẩy cậu lại cạnh cửa sổ trên mái, trỏ ra và nói :
_ Mày trông đằng xa kia, trong cánh đồng gần toà biệt thự Phrunca, chỗ lưỡi lê lấp lánh kia là quân của ta. Mày cầm giấy này, lấy dây leo xuống rồi theo sườn núi lẩn qua cánh đồng, chạy về liên đội ta và giao thư cho sĩ quan nào mày gặp trước nhất. Giờ mày hãy vứt dây lưng và túi đạn đi.
Viên đội liền giữ một đầu dây, còn đại uý đỡ cậu bé trèo qua cửa sổ và dặn thêm :
_ Mày phải thận trọng. Sự thoát nguy của chi đội ta đều trông cậy vào tấm lòng can đảm và đôi chân mạnh mẽ của mày.
Cậu bé vừa bám dây vừa đáp :
_ Bẩm đại uý, xin ngài hãy tin vào con.
Một lát sau, chú lính nhỏ đã tới mặt đất. Viên đội kéo dây lên. Đại uý nhìn thấy cậu bé xuống núi và chạy.
Đại uý đang mong sao cho cậu bé đi thoát, bỗng có năm, sáu đám bụi mù nổi lên trước mặt và sau lưng chú, ông biết rằng địch quân đã nhìn rõ. Họ bắn từ trên đồi xuống. Cậu bé đang thoăn thoắt chạy như con thỏ, bỗng ngã rạp xuống đất. Đại uý đã thất vọng, nhưng rồi lại thấy cậu trở dậy chạy, chân hơi khập khiễng. Cậu chạy mỗi lúc một khó nhọc thêm. Thỉnh thoảng lại lảo đảo hoặc đứng hẳn lại.
_ Có lẽ hắn bị đạn.
Đại uý đoán thế, nhưng lại thấy cậu bé chạy tiếp.
Một viên sĩ quan lo sợ, vào trình đại uý rằng quân địch bắn luôn tay lại dựng "cờ trắng" truyền lệnh cho ta hàng.
Đại uý vừa nhìn theo cậu bé vừa đáp :
_ Không ai được trả lời chúng.
Lúc ấy, người ta trông thấy đầu cậu bé nhấp nhô trong ruộng lúa rồi lại chẳng thấy nữa, có lẽ cậu ngã, sau lại thấy đầu cậu hiện ra ; cuối cùng cậu biến trong hàng giậu, đại uý không trông thấy nữa.
Quân Áo đã ập đến. Ngừơi ta thấy tiếng hò reo và tiếng súng bắn ầm ầm. Ngoài có tiếng hô :
_ Hàng đi ! Hàng đi !
Đại uý thét lớn :
_ Không đời nào !
Lửa cháy đùng đùng tứ phía. Nhiều quân ngã lăn. Mấy cửa sổ đã bỏ không, không người chiến đấu. Cái phút nguy cấp dã bày ra trước mắt. Đại uý nghẹn ngào kêu :
_ Quân ta không đến rồi ! Thôi quân ta không đến rồi !
Đại uý nói xong, chạy đi chạy lại, điên khùng rút kiếm toan tự vẫn, bỗng một viên đội ở trên mái trèo xuống reo ầm :
_ Quân ta đã đến !
_ Quân ta đã đến !
Đại uý nhắc lại câu ấy bằng giọng vui mừng.
Thế rồi, quan quân, kẻ bị thương, kẻ còn mạnh, thẩy đều ra cửa sổ chiến đấu kịch liệt.
Một lát sau, người ta thấy có sự hỗn loạn trong hàng quân địch.
Viện binh đến kịp thời, phá tan quân địch và giải vây cho đội bộ binh.
Hôm sau, đại uý vào nhà thương thăm một viên trung uý bị gẫy tay. Đại uý đang ngơ ngác tìm giường, bỗng nghe có tiếng gọi se sẻ :
_ Đại uý !
Đại uý quay lại thì ra chú lính chạy giấy hôm trước, đại uý hỏi :
_ Con ở đây à ? Giỏi lắm ! Con đã làm tròn nghĩa vụ của con. Con có bị thương không ?
Cậu bé đáp :
_ Tránh sao được ! Quân Áo nhìn thấy con chạy liền bắn theo. Nếu con không bị thương thì đã đến sớm hơn được 20 phút nữa. May con gặp ngay được viên sĩ quan ở bộ tham mưu và trao giấy.
Đại uý nhìn kỹ cậu bé và hỏi :
_ Trông con xanh quá ! Chắc con mất nhiều máu lắm ?
Cậu bé mỉm cười đáp :
_ Vâng nhiều máu, nhưng còn có điều hơn máu nữa. Ngài thử nhìn xem.
Nói xong cậu mở chăn ra.
Đại uý kinh ngạc, lùi lại một bước. Chú lính đánh trống chỉ còn một chân. Chân trái đã bị cưa ở trên đầu gối.
Lúc ấy, quan thầy thuốc nhà binh đi qua, trỏ cậu bé và nói vội vàng :
_ Thực là một trường hợp đáng tiếc. Chân nó bị thường xoàng thôi, nhưng vì gượng đi một cách quá đáng nên vết thương sưng lên đến nỗi phải cưa. Nhưng nó là một đứa trẻ can đảm, đáng khen ! Nó không hề khóc và cũng không hề kêu đau. Khi tôi chữa cho nó, tôi rất tự hào rằng nó là một đứa con nước Italia !
Nói xong quan thầy thuốc lại chạy đi chỗ khác.
Đại uý cau mày, nhìn kỹ cậu bé rồi kéo chăn lại. Xong lẳng lặng trông vào cậu bé, đại uý đứng thẳng người, tay giơ lên mũ.
Cậu bé ngạc nhiên hỏi :
_ Bẩm đại uý ! Ngài làm gì thế ? Cái chào ấy để cho con sao?
Vị quân nhân đầu bạc kia, không quen nói ngọt với kẻ dưới bao giờ liền đáp bằng một giọng rất thân thuộc và nhẹ nhàng :
_ Phải. Ta chỉ là một viên đại uý. Chứ con, con mới là một vị anh hùng !

Nguồn: vnthuquan

20/11/13

Lạ chưa ?

Hôm nay rảnh thử test mấy cái ip.

Hì, nhưng có lẻ nên dừng lại chút để giải thích ip là gì cho các lazy lady dễ theo dõi nhỉ. :-D

Nói gọn, khi bạn mở máy, bật modem để kết nối mạng, nhà cung cấp (ISP) sẽ gán cho máy bạn một dãy số, gọi là địa chỉ IP, có tác dụng như số nhà để gởi, nhận thông tin từ các máy khác. Nó hơi khác số nhà một tí vì IP này thường là IP động, tức thay đổi chứ ko cố định như số nhà. Khi bạn tắt máy thì ISP sẽ thu lại số IP cấp cho máy khác, khi bạn kết nối lại thì sẽ lại cấp cho bạn IP mới. Thường là thế, để tiết kiệm tài nguyên IP.

Hàn Mặc Tử - buồn thu

Hàn Mặc Tử (1912 - 1940) tên thật Nguyễn Trọng Trí, quê Quảng Bình. Thủa bé sống và học tiểu học ở Qui Nhơn, trung học ở Huế. 1934 - 1935 vào Sài gòn làm báo, đến 1936 bị bệnh phong phải vào nhà thương Qui Nhơn và mất ở đó.

Hàn Mặc Tử làm thơ từ khi mới 14 tuổi. Trong thời gian đầu thơ ông làm theo thể Thất ngôn bát cú Đường luật gởi đăng báo với bút danh Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh. Về sau ông chuyển qua làm thơ mới, giọng thơ lãng mạn, lấy bút hiệu Hàn Mặc Tử, và cuối cùng là Hàn Mạc Tử. Sau khi bệnh, thơ ông chuyển dần qua tượng trưng, siêu thực, giọng thơ ngày càng lạ lùng huyền bí.

Nhà phê bình Đặng Tiến có nhận xét đại ý là xưa nay người ta chú ý đến Hàn Mặc Tử chủ yếu vì cuộc đời bi thiết của ông, mà không đánh giá đúng và đủ về cuộc đời thơ của ông. Người ta thêm bớt tạo ra bao huyền thoại về cuộc đời, đặc biệt về những mối tình của ông, trong lúc cái đáng nói hơn là đóng góp của ông cho nền thi ca Việt Nam thì làm còn khá sơ sài ..

Ai muốn tìm hiểu sâu hơn về Hàn Mặc Tử có thể tìm đọc khá nhiều tài liệu ở đây

Hôm nay mời đọc phần thơ Đường luật của ông. Phần sau đây trích từ bài viết của Quách Tấn. Phần ngâm thơ là tôi đưa thêm vào.

Hàn Mặc Tử vốn từ địa hạt thơ Đường luật bước sang địa hạt Thơ Mới, cho nên tuy vui duyên mới mà vẫn không quên hẳn tình xưa. Thỉnh thoảng Tử cũng làm đôi bài Đường luật. Và theo chỗ nhận xét của tôi, thì thơ Đường luật Tử làm sau này có phần trội hơn trước, phần nghệ thuật cũng như phần tình tứ. Ví dụ, 

Vịnh Đàn Nguyệt:

Hỏi cho mấy tuổi? Đáp mười lăm.
Non nước từng phen nổi tiếng tăm.
Bạc mạng đàn chơi đau nửa kiếp,
Đồng tâm tơ buộc chặt quanh năm.
Chường mình trước án trông đầy đặn,
Nép mặt trong hoa nói thỉ thầm.
Mười khúc đoạn trường say chửa tỉnh,
Thuyền ai thấp thỏm muốn ôm cầm!


Bài này tôi có gởi ra cho Tản Đà tiên sinh duyệt lãm. Tiên sinh rất thưởng thức và hứa sẽ phê bình trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy là tờ tuần san tiên sinh phụ trách mục văn chương. Nhưng rồi tiên sinh qui tiên, nên ý kiến của tiên sinh đối với bài thơ không được phổ biến.

Những thơ Đường luật Tử làm từ trước đến khi nhập tịch làng Thơ Mới, Tử đã dồn lại thành một tập gồm gần trăm bài, lấy tên là Lệ Thanh Thi Tập.

Trong tập Lệ Thanh, ngoài những bài Chùa Hoang, Gái Ở Chùa, và Thức Khuya được Phan Sào Nam tiên sinh ca tụng, còn nhiều bài khả ái.

Thơ Đường luật, Tử làm gần đủ các lối Thủ- Vỹ ngâm, Thuận-Nghịch độc, Song-Thanh, Song- Điệp... Lối nào cũng luyện. Tử có hai bài đọc xuôi đọc ngược được sáu cách. xin trích một bài, 


Cửa Sổ Đêm Khuya: (Trang Nhung ngâm)


Hoa cười nguyệt rọi cửa lồng gương,
Lạ cảnh buồn thêm nợ vấn vương.
Tha thướt liễu in hồ gợn bóng,
Hững hờ mai thoảng gió đưa hương.
Xa người nhớ cảnh tình lai láng,
Vắng bạn ngâm thơ rượu bẽ bàng.
Qua lại yến ngàn dâu ủ lá,
Hòa đàn sẵn có dế bên tường.


Sáu cách đọc bài này là:
- Đọc xuôi
- Đọc ngược,
- Bỏ hai chữ sau đọc xuôi,
- Bỏ hai chữ sau đọc ngược,
- Bỏ hai chữ trước đọc xuôi,
- Bỏ hai chữ trước đọc ngược.

Phải công nhận là tài. Tài nhất là đọc cách nào cũng hay.
Nhưng do đâu mà có bài ấy?

Nguyên tôi có viết trong Phụ Nữ Tân Ván một bài nói về thơ vua Tự Đức. Trong bài tôi khen bài thơ Vô Đề đọc được 6 cách của nhà vua. Tử xem thấy, viết thư bảo:
- Ai làm lại chẳng được mà khen.

Tôi đáp rằng tôi xin hàng và yêu cầu Tử cho nghe một bài. Tử liền gởi ngay vào hai bài là bài trên và bài Đi Thuyền, nhưng bài sau có phần gượng ép, không được thích khoái.

Kể lại chuyện này để bà con thấy tài về thơ Đường luật của Tử, và để chứng một lần nữa rằng lời khen của Sào Nam tiên sinh không chút quá đáng.

Song đem so những thơ trong Lệ Thanh Thi Tập cùng những thơ làm sau này, thì thơ sau này xuất sắc hơn. Như bài Đàn Nguyệt thượng dẫn, tứ thật mới, từ thật luyện, hơn hẳn những bài đã nổi tiếng trước kia.

Cũng thật là hay, bài Buồn Thu sau đây: (Trang Nhung ngâm)


Ấp úng không ra được nửa lời!
Tình thu bi thiết lắm thu ơi!
Vội vàng cánh nhạn bay đi trớt,
Hiu hắt hơi may thoảng lại rồi.
Nằm gắng đã không thành mộng được,
Ngâm tràn cho đỡ chút buốn thôi.
Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Cảnh sắc về đông mắt lệ vơi!


Thơ Đường luật như bài này là đã nhập diệu.
Và trong bài này, câu kết có nhiều chỗ chép khác. Chỗ thì chép là :

Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Chỉ có thông kia chịu với trời.


Chỗ thì chép rằng:

Ngàn trùng liễu rủ cây e lạnh,
Chỉ có thông kia chịu với trời.


Có những chỗ khác biệt như thế là vì câu thơ bị sửa đi sửa lại nhiều lần.
Ban đầu Tử viết là:

Ngàn trùng liễu rủ cây e lạnh
Đông tới rồi đây nước mắt vơi.


Nhiều người chê là trệ. Tử bèn sửa câu chót ra:

Chỉ có thông kia chịu với trời.

Ai nấy đều khen là câu thơ "khẩu khí". Tôi lại chê:
- Làm thơ kiểu Lê Thánh Tôn thì phiền lắm.
Tôi đã hất hủi bài Đau Bụng của tôi, mặc dù được một số bạn đọc rất thích.

Tử nói:
- Chớ người ta bảo rằng trệ không tốt.
- Chỉ có những anh thợ vụng mới sợ trệ, chớ anh mà còn sợ nỗi gì. Tôi đề nghị anh dùng câu cũ nhưng sửa văn lại cho thật chỉnh. Câu kết bài này phải là một tiếng khóc để cho những lời than ở trên được giải thoát.

Sau khi thảo luận, câu thơ được sửa lại là:

Ngàn trùng bóng liễu trông xanh ngắt,
Cảnh sắp về đông mắt lệ vơi.


Câu này riêng Tử và tôi thích, còn phần đông các bạn đều lấy câu:

Ngàn trùng bóng liễu cây e lạnh,
Chỉ có thông kia chịu với trời.


Bài Buồn Thu rất được truyền tụng trong làng Thơ Cũ.

Trong khoảng 1936-1939, những thơ Đường luật Tử làm không quá 5 bài. Tôi biết được rõ là vì những bài Đường luật đó, Tử vì tôi, "con người ngoan cố, bo bo giữ gốc tre làng", mà làm ra, để cho tôi khỏi "bị mồ côi một mình".

Nguồn: hocxa.com

Mời đọc thêm bài thơ hai bài thơ Đường luật của Hàn Mạc Tử:

Thức Khuya

Non sông bốn mặt ngủ mơ màng,
Thức chỉ mình ta dạ chẳng an.
Bóng nguyệt leo song sờ sẫm gối,
Gió thu lọt cửa cọ mài chăn.
Khóc giùm thân thế hoa rơi lệ,
Buồn giúp công danh dế dạo đàn.
Trở dậy nôm na vài điệu cũ,
Năm canh tâm sự vẫn chưa tàn.


Cụ Phan Sào Nam bây giờ bị an trí ở Huế, sau khi xem thơ đã viết cho Tử: "Từ khi về nước đến nay, tôi được xem thơ quốc âm khá nhiều, song chưa gặp bài nào hay đến thế... Ôi hồng nam nhạn bắc, ước ao có ngày gặp gỡ để bắt tay cười lên một tiếng lớn, ấy là thỏa hồn thơ đó"...

Và cụ họa thơ

Chợ lợi trường danh tớ chẳng màng
Sao ăn không ngọt, ngủ không an
Trăm năm ngăn đó tuồng dâu bể
Muôn họ nhờ ai kẻ chiếu chăn
Cửa sấm gớm ghê người đánh trống
Tai trâu mỏi mệt khách đưa đàn
Lòng sen đằng đẵng tơ sen vướng
Mưa gió bao phen gộc chữa tàn.


Mời nghe Linh Nhâm ngâm thêm bài Chuyến Đò Ngang: 



Chẳng hẹn hò sao gặp gỡ đây
Người thời như tỉnh kẻ như say
Trong veo làn nước soi đôi mắt
Xa tít quê nhà trở một tay
Tâm sự mới trao bờ đã đến
Nỗi niềm chưa cạn khách về ngay
Ba sinh duyên nợ âu như thế
Một chuyến đò đưa nghĩ một ngày.



Ghi chú tí về thơ Đường luật.

Thơ Đường luật là thể thơ làm theo luật đề ra từ đời Đường bên Tàu (618 - 907). 
Thơ Đường luật có 4 loại: Thất ngôn bát cú (7 câu, mỗi câu 8 chữ), thất ngôn tư tuyệt, ngũ ngôn bát cú, ngũ ngôn tứ tuyệt.

Luật thơ Đường khá phức tạp, dài dòng, ai muốn xem tóm tắt thì có thể vào đây ai muốn tìm hiểu kỉ hơn thì vào đây  .

Thơ Đường luật gọi là thơ cận thể, phân biệt với thơ cổ thể, không theo luật Đường.

Nói chung thì hoặc ko làm thơ luật, hoặc chấp nhận làm thơ luật thì phải cố theo đúng luật. Làm thơ luật mà ko đúng luật tất bị chê, đặc biệt các lỗi nghiêm trọng như thất vận, thất niêm, đối không chỉnh .. Tuy nhiên làm thơ ko phải là trò chơi chữ, mà để gởi gắm tâm tư tình cảm, thơ chỉ là phương tiện. Vì vậy rất nhiều trường hợp thi nhân chấp nhận sai luật để giữ đúng tình ý của mình. Ví dụ điển hình là bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, bài thơ mà tương truyền rằng, Lý Bạch khi đến Hoàng Hạc Lâu định làm thơ, đã thấy thơ Thôi Hiệu đề trên vách, đọc xong, vứt bút, ngửa mặt than rằng:

Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu..
(Trước mắt thấy cảnh không tả được
Vì Thôi Hiệu đã đề thơ trên đầu)

Bài thơ ấy như sau:

Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,          
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.         
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,       
Bạch vân thiên tải không du du.              
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Đối chiếu với các luật thơ Đường thì bài thơ bị thất niêm thất luật thất vận thất đối .. (có thể cóp bài thơ đem vào trang này kiểm tra lỗi). Bài thơ Đèo Ba Dội nỗi tiếng của Hồ Xuân Hương cũng là bài thơ phạm khá nhiều luật. Còn rất nhiều bài thơ hay khác cũng rơi vào tình trạng thất luật như thế .. Ngay mấy bài thơ Đường luật trên đây của Hàn Mặc Tử dù được Tản Đà, Sào Nam khen ngợi, nhưng xét kỉ bài nào cũng bị niêm luật, vần .. ko chuẫn; chưa kể những lỗi  phong yêu, hạc tất, chánh nưỡu .. Tuy nhiên, chúng vẫn được nhiều người khen là thơ hay, được lưu truyền qua năm tháng, trong khi hàng vạn bài thơ được viết ra trong các trường thi của các ông đồ xưa niêm luật hẳn là chỉnh chu nhưng chẳng ai còn nhớ .. 

Mời nghe ngâm bài thơ Hoàng Hạc Lâu. Giọng ngâm chưa hay, nghe cho đỡ buồn thôi

19/11/13

Et si tu n'existais pas

Lâu rồi, Mít có giới thiệu bản nhạc Et si tu n'existais pas (trong một còm ở đây), định bụng đưa lên thành một entry nhưng quên bẳng .. Hôm nay ngồi đọc lại entry cũ mới nhớ. Mời mọi người nghe lại bản nhạc này cho .. vui nhé.

18/11/13

Phản quan tự kỷ

Trong entry trước GS Ngô Bảo Châu kể chuyện nhờ một câu trả lời của người bạn, ông đã tìm thấy mảnh ghép cuối cùng của bức tranh, giải quyết được bài toán ông miệt mài tìm cách giải suốt ba năm trời, tưởng chừng đã tuyệt vọng ...

Trong cuộc sống cũng thường gặp những những điều tương tự - một câu nói, một cuốn sách, một sự việc .. gợi cho ta một điều gì đấy, đôi khi làm thay đổi cả cuộc đời.

Những sự gặp gỡ ấy, đôi khi là do duyên may mà có, chẳng phải cầu mà được. Nhưng nhiều lúc là do sự nỗ lực tìm kiếm ..

Như vị sư cô cũng trong entry ấy kể lại sau khi có cơ duyên nghe giảng, xác quyết được con đường  tu tập, nhưng tu tập như nào còn phải mày mò tìm tòi ... Một hôm đọc sách, đến chuyện Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy thái tử Trần Khâm "Phản quan tự kỷ bổn phận sự" tâm trí như có tia chớp lóe qua, thấy sáng rõ mình cần phải làm gì trên con đường tu tập ..

17/11/13

GS Ngô Bảo Châu - Một số suy nghĩ về việc học.

Sáng hôm trước ngồi nói chuyện với một sư cô, nghe sư cô kể chuyện tu hành của mình. Rằng thủa đôi mươi, sau khi tu một thời gian, cô rơi vào tình trạng hoang mang, bế tắc, tâm trạng hầu như tuyệt vọng. Một hôm lên Dalat, tình cờ được tham dự một buổi giảng của một sư ông. Vừa nghe, cô vừa chảy nước mắt, vì có cảm tưởng như sư ông đang giảng riêng cho mình, rất nhiều vướng mắc được gỡ bỏ .. Cô trở về lập một cốc riêng, an tâm tu tập từ bấy đến giờ, mấy chục năm qua  ...

Hôm nay nghe lại clip GS Ngô Bảo Châu nói chuyện torng khóa tu Hè 2013 tại chùa Hoằng Pháp, hóa ra trong nghiên cứu khoa học, và có lẽ trong nhiều chuyện khác trong cuộc đời, cũng có chuyện tương tự. Hòa thượng Thích Học Toán kể lại, sau khi để ra ba năm miệt mài ngiên cứu mọi phương án có thể để giải quyết một bài toán mà ko thành công, ông thưc sự hoàn toàn tuyệt vọng. Mặc dầu vẫn tin con đường mình đi là đúng, ông nghĩ có lẽ Trời dành việc giải bài toán cho một người khác  .. Tình cờ gặp một đồng nghiệp, hỏi ông ta một vấn đề, và câu trả lời như mảnh ghép cuối cùng của một bức tranh ..

Trong cuộc sống mỗi người đều gặp bao nhiêu lần thất bại .. Với những thất bại nhỏ, mỗi người có thể vượt qua bằng sự tu tập, bằng ý chí, nỗ lực cá nhân, bằng sự giúp đỡ của người khác .. Nhưng khi gặp những vấp váp thực sự lớn, thì vượt qua được hay không còn nhờ vào cái duyên của mỗi người ..

14/11/13

Bên cầu biên giới

Ngồi nghe lại Phố Buồn, chợt nhớ đến Bên Cầu Biên Giới, cũng là một trong vài bản nhạc hiếm hoi của Phạm Duy viết theo điệu Tango.

Phạm Duy viết Bên Cầu Biên Giới năm 1947. Nghe ổng kể:

13/11/13

Tình em - Huy Du và Hồ Ngọc Sơn

Bài thứ 7 trong album Anh Thơ vol 6Tình Em. Hôm nay mời nghe Quý Dương hát



Thiếu nữ chải tóc
tranh lụa Nguyễn Văn Long
Bản nhạc phổ thơ Hồ Ngọc Sơn.

Hồ Ngọc Sơn sinh năm 1932, Quảng Ngãi. Năm 1954 tập kết ra Bắc. Bài thơ viết năm 1962 tại Gia Lai, khi nhận được thư người vợ từ xứ Nghệ gởi vào. Bài thơ thể hiện nỗi nhớ nhung da diết người vợ vừa mới cưới, sống với nhau được 5 ngày thì đã phải chia tay trờ về Nam chiến đấu. Nhan đề bài thơ là Tình Em, giọng thơ thiết tha nhưng đằm thắm và ko đắm đuối; trong trẻo mà ko quá lên gân .. Dù vậy, ông cũng ngại, chi đọc cho vài người bạn. Ko biết ai gởi cho báo Sức trẻ. Bài được chọn đăng, nhưng người ta sửa cái tên "ủy mị" ấy thành “Gửi em dưới quê làng” nghe chất phác công nông hơn ..

đọc thơ: Gửi em dưới quê làng

Gởi H.

Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh rời rợi

Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống
Nên nắng hửng trong lòng
Mạch đời căng máu nóng

Anh đi xa bao núi…
Tình em như khe suối
Lưu luyến và nhớ thương
Chảy theo anh khắp rừng

Anh đi xa càng xa
Tình em như cỏ hoa
Âu yếm và thiết tha
Theo anh dài nương rẫy

Anh đi xa xa mãi
Đường giải phóng gian nan
Tình em là buồm căng
Qua bão bùng sóng lộng

Tình em là lửa hồng
Rực cháy giữa đêm đông
Mặt trời lên đỏ mọng
Như môi em tươi hồng

Vì sao khuya đỉnh đồi
Là mắt em xa xôi
Làm cánh gió em ơi
Chắp cánh chim em ơi

Chắp cánh ta yêu nhau
Trọn đường đời chiến đấu
Anh đi biệt tháng ngày
Tình em như sông dài…



Huy Du phổ nhạc bài thơ khoảng cuối 1962, sau khi vừa tốt nghiệp nhạc viện Bắc Kinh, được đưa về Đoàn ca múa Tổng cục Chính trị. Tình cờ Huy Du đặt tên bản nhạc là Tình Em, đúng cái tên ban đầu của bài thơ.

Huy Du (1926 - 2007), tên thật Nguyễn Huy Du quê Bắc Ninh, tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng một thời.

Anh Vẫn Hành Quân sáng tác năm 1964, phổ thơ Trần Hữu Thung.


Nổi Lửa Lên Em sáng tác 1968, phổ thơ Giang Lam


Đường Chúng Ta Đi, phổ thơ Xuân Sách.


Đường Chúng Ta Đi cũng là tên một ca khúc nổi tiếng trong phim Tây du, chắc ko ai chưa nghe. Nghe lại cho vui



Sau 1975 ông vẫn tiếp tục sáng tác, nhưng ko có mấy bản nổi tiếng ..

Chiều Không Em phổ thơ Nguyễn Thụy Kha

.. Chiều không em chiều buồn không em
Trái tim ta ai ném bên thềm ..

Mời nghe Thuỳ Dương (?) hát



Bài thơ này cũng được Phú Quang phổ nhạc, hình như sau Huy Du.



đọc thơ: Chiều Không Em

thơ Nguyễn Thụy Kha

Chiều không em chiều buồn không em
Trời đầy mây mà trời một mình
Cây nối cây mà xanh xao cô đơn
Nghe trống vắng trống vắng từng giọt chiều

Chiều không em mặt hồ buồn tênh
Mãi lang thang cơn gió vô tình
Chiều không em chân quay về ngơ ngác
Ta còn gì để mà nhớ mà quên

Chiều không em chiều buồn không em
Trái tim ta ai ném bên thềm
Chiều không em câu ca vàng sương khói
Biết về đâu để mà nhớ mà quên

Chút gì để nhớ


Chút gì để nhớ - thơ Thục Nguyên - Bích Ngọc ngâm


CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ

Chút gì để nhớ ở đâu ?
Mà vang vọng mãi trong sâu sâu thẳm lòng
Chút gì có chút gì không ?
Sao thương ? sao nhớ ? sao mong ? sao tìm ?
Lửa tình ai nhóm vào tim
Mãi âm ỉ cháy giữa im ắng đời ?
Cúi mình nhặt cánh phượng rơi
Chợt nghe kỹ niệm một thời chạm tay
Chút gì để nhớ là đây
Tình thơ ai tặng, hàng cây phượng buồn
Ta về, hạ vắng, chiều buông
Trường xưa còn đó, người thương đâu rồi
Ngàn ve ngân chẳng thành lời
Hồn như xác lá lặng rơi cuối ngày
Đành thôi thả cánh phượng gầy
Xuôi theo gió hạ vơi, đầy nhớ nhung
Tìm ai giữa cõi vô cùng
Lối xưa dịu vợi, mịt mùng tìm đâu ?
Chút gì để nhớ trong nhau
Là vuông tưởng niệm, là câu tạ tình.


Thục Nguyên

*
Nghe thêm một bài hát đã rất quen thuộc
Còn chút gì để nhớ . thơ Vũ Hữu Định . Phạm Duy phổ nhạc . Duy Quang ca




tranh Nguyễn Trung

--------
Thơ Thục Nguyên: xem


12/11/13

Paul Mauriat

Paul Mauriat
(1925 - 2006)

Sinh ngày 4/3/1925 tại Marseilles (Pháp).

Tốt nghiệp Đại học âm nhạc Marseille năm 1941 về piano và cembalo.

Hoạt động âm nhạc từ những năm đầu 194x nhưng chỉ được biết đến từ khi lập ra dàn nhạc hòa tấu của riêng mình, nỗi tiếng từ năm 1968 khi bản L'amour est bleu do ông soạn hòa âm và trình diễn được xếp đầu bảng ở Mỹ và sau đó đoat giải Grammy

Phát hành tính đến nay khoảng hơn 100 album.
Ông trình diễn khắp thế giới, được yêu mến đặc biệt ở Nhật.
Nghỉ biểu diễn từ năm 1998 do sức khỏe.
Mất ngày 04/11/2006.

Ca khúc xứ nghệ

Nghe mấy ca khúc xứ Nghệ và ngắm tranh của Volegov cho vui









10/11/13

L'amour est bleu

Chủ nhật đi đám cưới về, nghe bản nhạc ướt át tí cho tình cảm nào

L'amour est bleu sáng tác năm 1967 với nhạc của André Popp, lời của Pierre Cour. Cũng trong năm ấy bản nhạc được ca sĩ người Hy Lạp Vicky Leandros đại diện cho Luxemburg đem dự thi Eurovision.


Bản nhạc ko làm Vicky Leandros hài lòng lắm vì chỉ mang lại cho cô hạng 4, dù sau đó nó cũng đem về cho cô cả triệu đô, giúp cô được biết đến rộng rãi hơn trên phạm vi thế giới .. (bốn năm sau Vicky lại dự thi Eurovision với Apres Toi và thành công rực rỡ) .. .

Nhưng bản nhạc đã làm nên tên tuổi một nhạc trưởng người Pháp - Paul Mauriat khi bản phối của ông được xếp đầu bảng tại Mỹ năm 1968

3/11/13

Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn

Bài thứ 6 trong album Anh Thơ vol 6Hương Thầm nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ thơ Phan Thị Thanh Nhàn. Hôm trước nghe Anh Thơ ca, hôm nay mời nghe Trọng Tấn



Phan Thị Thanh Nhàn sinh năm 1943 tại Hà Nội, đầu những năm 1960 đã có thơ đăng báo. Ngoài làm thơ, bà còn viết báo, truyện ngắn, truyện cho thiếu nhi.

Hương Thầm viết năm 1969 khi người em trai đi bộ đội, và đến giờ bà cũng ko chắc em trai đã đọc được bài thơ chưa, vì người em ấy hi sinh trên chiến trường năm 1974. Cùng năm 1969, bài thơ được trao giải nhì báo Văn Nghệ, và được giọng ngâm hàng đầu ở miền Bắc thời bấy giờ giới thiệu trên đài Tiếng nói VN. Bản ngâm của Trần Thị Tuyết chưa tìm được, mời nghe giọng ngâm của Trịnh Thu Hương

2/11/13

Bim Trắng Tai Đen

Cuối tuần đọc truyện xem phim nào.

Ko nhớ còn cuốn truyện nào từng làm mình đọc mà rơi nước mắt, ngoài cuốn này ..

Bim Trắng Tai Đen (Белый Бим Чёрное ухо - White Bim Black Ear)


Hầu như mỗi thế kỷ đều mở đầu bằng một tác phẩm làm chấn động cả dư luận và trở thành những sự kiện đặc sắc trong đời sống văn học của xã hội: Con Bim trắng tai đen chính là sự kiện văn học của thế kỷ 20. Câu chuyện viết về thân phận một con chó. Dưới ngòi bút kỳ diệu của Trôiepônxki và với sự hiểu biết sâu sắc khiến ta phải kinh ngạc của tác giả về đời sống của loài vật, Bim xuất hiện trên những trang sách như một nhân vật độc lập, sinh động có tính cách hẳn hoi với một thế giới nội tâm tinh tế và phong phú đã chinh phục hoàn toàn độc giả khiến chúng ta thương mến, thông cảm và bùi ngùi khi phải chia tay với con chó hết sức tinh khôn và rất mực trung thành ấy