30/12/18

Truy niệm tiền nhân. Lưu phúc lưu ân. Vĩnh miên thế trạch





追念前恩 truy niệm tiền ân = tưởng nhớ ơn tiền nhân. 
留福留恩 lưu phúc lưu ân = giữ phước lưu ơn.
永綿世澤
 vĩnh miên thế trạch = ơn trạch dài lâu muôn đời. Đại ý cũng như câu萬世澤 vạn thế trạch.

@Hình trong bài: trên mạng

29/12/18

Ballet


Chiều mưa, coi múa ballet cho vui.






Hoành phi. Ẩm thủy tư nguyên. Hữu khai tất tiên


Có người bạn hỏi về mấy bức hoành phi, câu đối. Nên coi lại tập tài liệu Tự Học Chữ Hán đang soạn dở, chỉnh sửa lại và post dần lên đây, mọi người đọc cho vui. Nếu được, cho vài nhận xét thì rất cảm ơn.

Đây là một bài lấy ngang từ tập tài liệu dài nên khi đọc có một số bất tiện, có thể gây khó chịu, xin được thưa rõ, để bạn đọc dễ theo dõi hơn:

- mỗi chữ được trình bày theo thứ tự: chữ Hán, giản thể (nếu có, đặt trong ngoặc tròn), Âm Hán Viết. Bính âm [pinyin, đặt trong ngoặc vuông]. Nghĩa của chữ (đặt sau dấu = ). Bộ chữ Hán mà chữ đang xét thuộc vào. Giải thích cấu trúc của chữ giúp người học dễ nhớ mặt chữ hơn, giáp cốt văn chữ đang học (có thể có).
- những chữ đã học trong các bài trước, ở đây nói chung sẽ dùng mà ko nhắc, giải nghĩa lại.
- số thứ tự bài học, chữ Hán đánh liên tục từ bài 1.
- một số chữ viết tắt: BT = biến thể. TH = tượng hình. HT = hình thanh. CS = chỉ sự, HY = hội ý, GT = giả tá, CC = chuyển chú. Đây là tên các phép cấu tạo chữ hán (lục thư), ý nghĩa của chúng đã được giải thích trong phần trước của tài liệu nên ở đây không nhắc lại. Bạn thắc mắc có thể tự tìm hiểu trên mạng, cả trong blog này cũng có.
- ngoài ra, tài liệu soạn trên MS Word, khi chuyển qua blog phải chèn lại hình ảnh (khá nhiều trong bài) rất bất tiện; chưa kể một số font chữ Hán có thể ko đọc được trên số máy. Nên tôi chuyển qua file pdf. Các bạn có thể cuộn đọc ngay trên blog này, hoặc click vào nút mũi tên ở góc trên bên phải để đọc trên google drive, hay down về đọc online.



Đọc từ phải qua: Ẩm hà tư nguyên

Mộc bản thủy nguyên

Hình ảnh dùng trong bài lấy trên mạng.


25/12/18

Ngữ học . Nguyễn Hiến Lê

Tuyển tập những công trình về ngữ học của Nguyễn Hiến Lê.

- Để hiểu văn phạm
- Khảo luận về ngữ pháp VN
- Chúng tôi tập viết tiếng Việt
- Luyện Văn (I, II, III)

Và một số bài báo về Ngôn ngữ học.






24/12/18

Noel nghe Kenny G. và ngắm tranh mẹ con


Noel, nghe Kenny G. chơi saxo và
ngắm tranh một số họa sĩ thể hiện thời khắc hạnh phúc của mẹ & con


23/12/18

Góa Phụ

thơ Tô Thùy Yên



Góa phụ

Con chim nhào chết khô trên cửa,
Cửa đóng muôn ngàn năm bặt âm,
Như đạo bùa thiêng yểm cổ mộ.
Sao người khai giải chưa về thăm?

Em chạy tìm anh ngoài cõi gió,
Lửa oan khốc giỡn cười ghê hồn,
Tiếng kêu đá lở long thiên cổ,
Cát loạn muôn trùng xóa dấu chôn.


Em độc thoại lời kinh ánh xanh,
Trăng lu, khuya mỏi, nén nhang tàn.
Chó tru thăm thẳm ngây thiên địa.
Mái ngói nghiêng triền, trái rụng lăn.

Ngọn đèn hư ảo chong linh vị,
Thắp trắng thời gian mái tóc em.
Tim đập duỗi ngoài thân nỗi lạnh.
Hồn xa con đóm lạc sâu đêm.

Cỏ cây sống chết há ta thán.
Em khóc hoài chi lẽ diệt sinh?
Thảng như con ngựa già vô dụng
Chủ bỏ ngoài trăng đứng một mình.

1972


tranh Lương Xuân Nhị

21/12/18

Vũ Thành An . Tình thư tạm biệt


Ngày mai rồi mình cũng già
Nhưng đời người không thể hết



Em yêu dấu,

Tháng 7 năm 2002, anh được mời tham dự Đại hội Giới Trẻ Thế Giới tại Toronto, Canada. Dịp này anh có mang theo nhiều CD, trong đó có 3 CD Thánh Ca: Teresa Ơi, Mẹ rất ThánhCon nâng tâm hồn lên tới Chúa. Nhiều bạn trẻ đã ủng hộ nhiệt tình 3 CD này. Anh nghĩ không thể dùng cho riêng mình số tiền đã bán được từ các CD Thánh Ca, nên quyết định dành số tiền đó làm việc từ thiện.

Trong khoảng thời gian đi học tập cải tạo ở miền Bắc, anh đã được rất nhiều anh em giúp đỡ, từ những chén cơm đến vài viên đường. Một chút no lòng trong lúc đói khát, anh không thể nào quên được. Rồi sau này trên bước đường định cư ở Mỹ, anh cũng được rất nhiều bạn bè giúp đỡ, không biết có thể lấy gì đền ơn họ.

Anh cảm ơn Em đã đồng ý cho anh đi học để trở thành Phó Tế đạo Công giáo. Được dâng mình cho Chúa là ước vọng của anh từ năm 1981 khi anh tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời. Đó là sống vì người khác. Nhiệm vụ Phó Tế là đi phục vụ. Anh tạ Ơn Trời đã cho anh được làm từ thiện giúp đỡ các cụ già. Anh cám ơn các thân hữu đã cùng với anh trong Sứ Vụ Teresa từ năm 2002 đến nay. Anh hân hạnh đã có dịp để báo đáp biết bao Ơn Lành anh nhận từ Thiên Chúa qua những ân nhân của anh. Những ân nhân mấy chục năm từ những ngày trong trại cho đến sau này khi bắt đầu cuộc sống mới tại Mỹ. Anh rất vui vẫn tiếp tục được giúp các cụ cao niên trong khi chính anh cũng đã ở trong độ tuổi trên 70.

Ngày mai rồi mình cũng già 
Không thể nào níu lại nữa ! 
Ngày xưa như mới hôm qua 
Một đóa hoa trong cơn phong ba. 

Thời gian tựa cánh chim bay 
Tiếng cầu kinh đời đời vẫn vậy. 
Từ nghìn trùng ta gặp nhau đây 
Rồi thiên thu mãi mãi xum vầy. 

Ngày mai rồi mình cũng già 
Thân thể này sẽ tàn úa. 
Được thua thì cũng thế thôi 
Lời nói yêu xin trao cho nhau. 

Còn dăm ngày nữa vui chơi 
Hãy nhìm xem vẻ đẹp cõi đời 
Được làm người ôi kỳ diệu thay 
Tạ ơn trên ta sống chốn này. 

Ngày mai rồi mình cũng già 
Nhưng đời người không thể hết 
Hồn ta là đốm tinh hoa 
Về viễn phương bay xa bay xa.

Anh vẫn nhớ câu ca dao Mợ anh vẫn thường hay hát: Thương người như thể thương thân. Chúng ta hãy sống nhân ái với nhau. Hãy chia sẻ miếng cơm, manh áo với những người nghèo khó cơ hàn. Một mai chúng ta ra đi cũng chẳng thể đem theo được gì. Vậy hãy mở rộng vòng tay nhân ái với đồng loại cho tâm hồn được mênh mông và để ấm lòng nhau. Người sẽ biết ơn, Trời sẽ thưởng công.

Thương người như thể thương thân
Xin ai hạnh phúc dư đầy
Chia cho người quá đau khổ
Một miếng cơm, một tấm áo.

Mai rồi cũng phải ra đi
Lâu rồi cũng phải đi thôi !
Bao năm chỉ sống cho mình
Xuôi tay rồi chẳng còn gì
Cũng đành về với tay không.

Một trăm năm là kiếp người 
Khổ đau kia luôn chồng chất
Cùng sẻ chia một chút tình
Một chút tình ấm lòng nhau.

Tâm hồn sẽ rộng mênh mông
Khi mình biết mở tay ôm
Ôm ai nghèo khó cơ hàn
Thương ai sầu khổ hơn mình.

Người biết ơn, Trời thưởng công
Người biết ơn, Trời thưởng công
Người biết ơn, Trời thưởng công

(Ca từ trong ca khúc Thương người như thể thương thân)

Nếu tính từ năm 2005 là thời điểm anh về thăm lại Việt Nam lần đầu tiên cho đến nay anh đã về quê nhà được 10 lần. Anh cũng ghé qua Phi Luật Tân được 10 lần. Anh đã đi Úc châu, đi Canada, đi Na Uy. Anh đã đi Hòa Lan đến thành phố Hilversum để tìm lại những kỷ niệm năm 1974 khi anh tu nghiệp ở đây, rồi đến thành phố Amsterdam. Anh cũng có dịp đi Pháp ghé qua Paris – Kinh đô Ánh sáng; đến được hai nơi hành hương nổi tiếng: Lourdes – nơi Đức Mẹ Maria hiện ra và Lisieux – quê hương của Thần Tượng muôn đời của anh, Thánh Nữ Teresa. Rồi anh có dịp đi Anh quốc, đi Ý, Thụy Sỹ … Đi đâu anh cũng cố gắng gặp lại các người bạn cũ và có dịp được quen biết thêm các bạn mới.
Anh đã sống một cuộc đời quý báu. Anh từng được vút lên trời cao và cũng đã ngã chúi xuống vực sâu. Từng bị gói lại trong bốn bức tường rồi đến lúc được vươn rộng ra vạn dặm. Rồi sau này sẽ tới muôn trùng nào? Anh cũng không biết nữa! Lắm lúc anh cũng thấy hơi ái ngại vì có cảm giác rằng mình nhận hết ơn phúc của các em trong nhà. Nhưng nghĩ lại chắc gì các em anh có thể chịu đựng được những đau khổ mà anh đã phải chịu?

Giờ đây anh đã lớn tuổi rồi, đã yếu rồi và chắc sẽ không thể đi lại nhiều như thế được nữa. Trong cuộc đời này từ đây anh sẽ khó còn được gặp lại những bạn bè, người thân quen ở nơi xa. Anh cũng có thể sẽ ra đi thật xa vào bất cứ giờ phút nào. Cho nên anh có lời muốn nhắn nhủ với Em, với mọi người …

Nếu không gặp lại ở thế gian
Thì xin hẹn ước tìm nhau bên kia đời
Cũng thôi, phải vậy mà thôi
Đời ta thoảng đó một cơn gió thổi
Cám ơn mọi sự gửi đến nhau
Tạ ơn được nếm buồn vui với người
Biết ơn sầu hận khổ đau
Để cho vị muối ngọt hơn ong mật.
Đã sống bảy chục năm
Vẫn thấy còn trẻ thơ
Tâm hồn ngu ngơ quá.
Sống nữa vài chục năm
Có thấy được gì hơn
Xin người thương xót người.
Nếu không gặp lại ở thế gian
Thì xin cầu chúc bình an cho đời.
Hãy vui từng ngày còn nhau
Một hơi thở cũng là ơn cao vời.
Ngàn năm xưa đã bắt đầu bước trên đường lữ thứ
Ngàn năm sau ta vẫn còn phiêu du theo tinh cầu

Cầu mong Em luôn được bình an.




20/12/18

Hoành phi 2. Đức lưu quang




Chú: Đọc trên trang mạng baike.baidu.com:
释义 德:道德,德行;厚:重;流:影响;光:通“广”。指道德高,影响便深远。
Giải nghĩa: Đức: đạo đức, đức hạnh; trọng: nặng; lưu: ảnh hưởng; quang: rộng. Chỉ đạo đức cao, ảnh hưởng sâu xa.
Đây là câu lấy từ Cốc Lương truyện: (谷梁传): 德厚者流光,德薄者流卑 Người đức cao thì ảnh hưởng sâu xa, kẻ đức mỏng thì ảnh hưởng thấp.

Đọc từ phải qua: Đức hậu lưu quang


Tổ đức lưu phương

Có người bạn hỏi về mấy bức hoành phi, câu đối. Nên coi lại tập tài liệu Tự Học Chữ Hán đang soạn dở, chỉnh sửa lại và post dần lên đây, mọi người đọc cho vui. Nếu được, cho vài nhận xét thì rất cảm ơn.

Đây là một bài lấy ngang từ tập tài liệu dài nên khi đọc có một số bất tiện, có thể gây khó chịu, xin được thưa rõ, để bạn đọc dễ theo dõi hơn:

- mỗi chữ được trình bày theo thứ tự: chữ Hán, giản thể (nếu có, đặt trong ngoặc tròn), Âm Hán Viết. Bính âm [pinyin, đặt trong ngoặc vuông]. Nghĩa của chữ (đặt sau dấu = ). Bộ chữ Hán mà chữ đang xét thuộc vào. Giải thích cấu trúc của chữ giúp người học dễ nhớ mặt chữ hơn, giáp cốt văn chữ đang học (có thể có).
- những chữ đã học trong các bài trước, ở đây nói chung sẽ dùng mà ko nhắc, giải nghĩa lại.
- số thứ tự bài học, chữ Hán đánh liên tục từ bài 1.
- một số chữ viết tắt: BT = biến thể. TH = tượng hình. HT = hình thanh. CS = chỉ sự, HY = hội ý, GT = giả tá, CC = chuyển chú. Đây là tên các phép cấu tạo chữ hán (lục thư), ý nghĩa của chúng đã được giải thích trong phần trước của tài liệu nên ở đây không nhắc lại. Bạn thắc mắc có thể tự tìm hiểu trên mạng, cả trong blog này cũng có.
- ngoài ra, tài liệu soạn trên MS Word, khi chuyển qua blog phải chèn lại hình ảnh (khá nhiều trong bài) rất bất tiện; chưa kể một số font chữ Hán có thể ko đọc được trên số máy. Nên tôi chuyển qua file pdf. Các bạn có thể cuộn đọc ngay trên blog này, hoặc click vào nút mũi tên ở góc trên bên phải để đọc trên google drive, hay down về đọc online.



Hình lấy trên mạng


Vu Thanh An. Tình thư thứ mười bốn


Lòng người như lá úa trong cơn mưa chiều
Nhiều cơn gió cuốn xoay xoay trong hồn
Và cơn đau này … vẫn còn đây!



Em yêu dấu,

Em từng hỏi anh: “Nguyên do nào khiến anh bước chân vào con đường nghệ thuật và tại sao anh viết ra những bản tình ca buồn đến thế?”.

Để trả lời câu hỏi của Em, Anh xin nói thế này: “Anh nghĩ đó chính là tặng phẩm quý giá mà Tạo hóa đã ban tặng cho anh!”. Anh không hề theo học ở trường âm nhạc chuyên nghiệp nào. Gia đình anh cũng không phải gia đình làm nghệ thuật. Ông nội anh chỉ là một nông dân chất phác. Cậu anh cũng không phải là một nghệ sỹ nhưng ông ấy rất yêu nghệ thuật. Ông biết làm thơ và đặc biệt rất mê âm nhạc! Giọng hát làm mê hoặc ông chính là của ca sỹ Thanh Thúy. Do vậy, khi anh chưa được 10 tuổi, ông đã mua cho anh cây đàn Mandoline và anh đã mò mẫm tự học chơi chiếc đàn này từ hồi đó. Sau này khi học Trung học, anh có được học những giờ Âm nhạc do thầy phụ trách là nhạc sỹ Chung Quân như anh đã kể.

Khi còn nhỏ tên anh là Vũ Thành. Đến khi vào Nam năm 1954, Cậu anh đi làm Giấy khai sinh lại và đã thêm vào chữ An. Sở dĩ ông đặt như thế là vì ông muốn tên anh có thể đứng đầu trong mọi danh sách . Ông bảo: “Nếu con đi thi thì Cậu muốn được nghe tên con đầu tiên khi công bố kết quả!”. Cậu anh cũng muốn có con trai làm nghệ thuật nên ông đã đặt tên cho cậu em trai kế anh là Vũ Xuân Bính. Em có biết vì sao là Xuân Bính không ? Xuân Bính là ghép từ Xuân Diệu và Nguyễn Bính (vì ông rất mê thơ của hai nhà thơ này!). Cậu anh ở trong quân ngũ nên thường xuyên phải xa nhà. Nhưng ông luôn mang theo quân trang một máy Radio đèn điện tử hiệu Phillips do Hòa Lan sản xuất để nghe nhạc trên sóng phát thanh. Về sau này ông còn dùng thêm máy cassette băng từ để nghe nhạc nữa!

Hôm nào anh đi học về, chưa vào nhà mà nghe tiếng nhạc mở lớn từ bên trong vọng ra và đặc biệt là nghe giọng hát liêu trai của ca sỹ Thanh Thúy thì anh biết ngay là Cậu anh được về phép thăm nhà. Những hôm ấy nhà thật vui, thật hạnh phúc. Không chỉ Cậu anh thích giọng hát của ca sỹ Thanh Thúy mà phải nói hồi đó anh cũng rất mê Thanh Thúy nữa! Tuy nhiên anh may mắn hơn những người khác mà cũng có thể nói là “liều” hơn người khác là anh đã dám đến gõ cửa nhà thần tượng của mình để xin được gặp !

Năm 1960, lúc ấy ca sỹ Thanh Thúy đã là giọng hát ăn khách tại các phòng trà nổi tiêng ở Saigon! Trong khi đó anh chỉ là cậu học trò 17 tuổi mà lại dám đến gõ cửa nhà cô (lúc đó ở đường Cao Thắng) chỉ để tặng những ca khúc đơn sơ của mình. Vậy mà chị Thúy cũng vui vẻ tiếp và nhận những bản thảo của anh cho dù chị chưa bao giờ hát! Dẫu vậy, anh rất quý đức tính khiêm nhượng và sự bình dị của chị! Nổi tiếng nhưng không xa cách với mọi người. Và thật may mắn, sau này anh có dịp mời được ca sỹ Thanh Thúy cộng tác với anh trong các chương trình âm nhạc do anh thực hiện.
Đến năm 1965, anh đã bắt đầu con đường nghệ thuật của mình bằng bài hát Tình khúc thứ nhất, lời thơ Nguyễn Đình Toàn. Bài hát này đã được chính anh Toàn hát lần đầu tiên trong chương trình Văn học Nghệ thuật của Đài phát thanh Saigon, khi ấy nhạc sỹ Nhật Bằng là người đệm đàn guitare. Bài hát đã được nhiều người thích ngay từ lần đầu tiên được phát thanh qua làn sóng điện. Sau đó anh Toàn đã bàn với anh là cùng nhau làm Chương trình nhạc chủ đề và phân công trách nhiệm. Anh toàn chịu trách nhiệm viết Lời giới thiệu còn anh đứng tên Trưởng Ban có trách nhiệm mời ca sỹ, nhạc sỹ và điều hành việc thu âm chương trình cũng như làm bảng trả thù lao cho các em ca sỹ, nhạc sỹ tham gia. Thù lao khi đó có thể gọi là khá lớn, mỗi lần thu thanh ca sỹ và nhạc sỹ được trả như nhau là 200 đồng (lúc đó một tô phở giá 10 đồng).

Ca sỹ Lệ Thu là người đầu tiên hát Tình khúc thứ nhất trên Chương trình Nhạc chủ đề với phần đệm Piano phóng túng của nhạc sỹ Nghiêm Phú Phí (lúc đó ông đang là Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Saigon). Giờ nhớ lại buổi thu âm hôm ấy, anh vẫn còn cảm nhận được sự xuất thần của ca sỹ Lệ Thu khi hát bài này! Chỉ với một lần thu âm duy nhất, Lệ Thu đã xuất sắc thể hiện được chất phiêu lãng của ca khúc bằng phong cách riêng rất độc đáo.

Chương trình Nhạc chủ đề được thu thanh vào trưa thứ Hai hàng tuần để phát vào lúc 10 giờ 15 mỗi tối thứ Sáu và phát lại vào lúc 1 giờ đêm Chủ nhật. Chương trình được nhiều thính giả theo dõi và gửi Thư yêu cầu. Về Ban nhạc phụ trách, ngoài nhạc sỹ Nghiêm Phú Phi còn có sự tham gia của các nhạc sỹ khác như Nhật Bằng, Nguyễn Hiền …, tiếng kèn Clarinet của nhạc sỹ Đỗ Thiều. Về ca sỹ tham gia, thường xuyên có cô Thái Thanh và các ca sỹ khác như Bạch Tuyết (em ca sỹ Mai Hương), ca sỹ Duy Trác … Về nội dung, mỗi tuần Chương trình giới thiệu về các tác phẩm của một nhạc sỹ hoặc giới thiệu một giọng hát hay.

Giữa năm 1965, anh có dịp lên Đà Lạt chơi và được nghe dòng nhạc tuyệt vời của một nhạc sỹ trẻ. Đó là nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, khi đó anh Sơn đang sống tại thành phố thơ mộng này. Khi trở về Saigon, anh đã bàn bạc với mọi người trong Chương trình. Sau đó, các anh đã liên tiếp giới thiệu các ca khúc Da vàng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong hai Chương trình Nhạc chủ đề. Anh còn nhớ một cảm giác thảng thốt khi nghe ca khúc Ca dao Mẹ trong khi thu âm Chương trình. Có thể nói sau khi phát thanh Chương trình, nhiều thính giả tiếp nhận ca khúc Da vàng với thái độ khá rụt rè. Nhưng sau đó, Trịnh Công Sơn đã trở nên nổi tiếng rất nhanh chóng như Em biết.

Cuối năm 1965, anh có dịp mời ca sỹ Thanh Thúy tham gia Chương trình. Sau khi thu thanh xong cả nhóm đi ra quán trà gần Đài phát thanh để giải khát. Anh gọi ly Hồng Trà và bất ngờ thay Thanh Thúy đã múc một thìa đường cho vào ly khuấy cho anh. Một cử chỉ thân thiện tự nhiên nhưng làm anh rất cảm động và nhớ mãi. Thần tượng của thời tuổi trẻ đã khuấy đường cho ly trà của mình!

Năm 1966, các anh tổ chức Kỷ niệm một năm Chương trình Nhạc chủ đề. Buổi tiệc được tổ chức tại Nhà hàng Ánh Hồng ở đường Nguyễn Minh Chiếu, Phú Nhuận (nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển) sát đường ray xe lửa, chuyên bán Bò Bảy Món. Hôm đó anh nhờ được ca sỹ Duy Trác lái chiếc Lambretta đi đón Cậu anh đến cùng tham dự. Anh đã xếp chỗ cho ông được ngồi gần ngay thần tượng của mình là ca sỹ Thanh Thúy. Anh nghĩ chắc hôm ấy ông vui lắm! Bây giờ ông đã lên Trời và chắc đang đợi anh nơi ấy. (Lúc đó anh mới 22 tuổi và Cậu anh 44 tuổi).

Từ khi mới bắt đầu, chương trình Nhạc chủ đề đã được các thính giả yêu thích và trở nên rất nổi tiếng. Chương trình từ đó vẫn giữ được phong độ cho đến tháng 4 năm 1967 phải dừng lại vì anh đi nhập ngũ, còn anh Toàn quá bận rộn với nhiều công việc khác. Mấy tháng sau, khi anh đang còn trong Quân trường thì anh Toàn có tiếp tục cho làm lại Chương trình.

Em yêu dấu,

Đến giữa năm 1968, anh may mắn được trở lại Đài Phát thanh Saigon làm việc. Bên cạnh đó, anh tiếp tục học và hoàn thành Chương trình Cử nhân Luật tại Luật khoa Saigon. Trong thời gian này, anh đã thực hiện Chương trình Vũ Thành An tại Đài Phát thanh Quân đội. Và cũng chính qua Chương trình này, anh có cơ hội để tự khẳng định khả năng của mình.

Lúc này anh đã hoàn thành Bài không tên số 2 và anh đang tìm ca sỹ để giới thiệu ca khúc này. Anh đã nghĩ đến nhiều người, trong đó có ca sỹ Lệ Thu. Rồi bất chợt anh nhớ đến Thanh Lan. Thật ra, anh đã để ý Thanh Lan từ năm 1965 hoặc năm 1966, khoảng đó. Lần ấy, Thanh Lan hát trong một buổi trình diễn của Đoàn Văn nghệ Sinh viên Học sinh Nguồn Sống sủa Nghiêm Phú Phát (em nhạc sỹ Nghiêm Phú Phi) tại trường Quốc gia Âm nhạc Saigon. Giọng hát và phong thái trẻ trung, vui tươi của Thanh Lan đã làm sống động buổi sinh hoạt văn nghệ hôm đó. Do vậy, anh đã quyết định mời Thanh Lan thu âm lần đầu tiên và giới thiệu Bài không tên số 2 trên sóng phát thanh của Đài phát thanh Quân đội trong Chương trình nhạc Vũ Thành An vào năm 1969.

Bài không tên số 2 với tiếng hát trẻ trung của Thanh Lan đã được thính giả hưởng ứng nồng nhiệt. Thế là anh mạnh dạn giới thiệu những bài không tên kế tiếp (Bài không tên số 4, số 6) …) cho đến tất cả là 10 bài không tên trong các chương trình sau đó. Vậy là anh đã hoàn tất tuyển tập Những bài không tên, nhạc và lời Vũ Thành An, vào năm 1970. Sau đó ấn phẩm Những bài không tên đã ra mắt mọi người do Hiện Đại tổng phát hành (44/5 Công Lý – nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Saigon).

Anh cảm ơn Tạo hóa đã ban tặng tặng phẩm quý giá cho anh.
Anh cảm ơn Em đã cho anh những cảm xúc mạnh mẽ từ tình yêu chân thật để anh viết nên những bài tình ca này!

Cầu mong Em luôn được bình an.




19/12/18

Vu Thanh An . Tình thư thứ mười ba


Có oằn mình đớn đau,
Mới hiểu được tình yêu!



Em yêu dấu,

Vào một ngày cuối tháng 12 năm 1974, có cấp trên đến thăm Bộ Thông tin. Anh đứng trên hành lang ngoài văn phòng nhìn xuống thấy mấy vị khách ở dưới nói chuyện với nhau rất khẩn thiết. Anh linh tính như có một biến cố rất lớn sắp xảy ra! Anh tự hỏi các vị này rồi sau sẽ ra sao? Mình sẽ ra sao? Nhìn vách tường thẳng đứng trước mắt, anh có cảm tưởng như mình là con thạch sùng đang bò trên vách và một câu hát chợt vang lên:

Ta lần mò theo mãi, không qua được vách sầu

Lúc đó anh 31 tuổi, đang được hưởng những điều mà nhiều người phải mơ ước. Về tài chính thì anh cũng khá rủng rỉnh, từ năm 1965 đã nhận lương Phóng viên, nhận nhuận bút làm Trưởng Chương trình Nhạc chủ đề, có lương dạy học trường Trung học Hưng Đạo (Anh dạy môn Giảng Văn bậc Trung học Đệ Nhất cấp) và những bản thu tác quyền khác.

Về danh vọng, anh đã có một chút tên từ năm mới 22 tuổi qua bài Tình khúc thứ nhất và những Bài không tên. Về quyền lực, anh cũng được nếm trải đôi chút, cũng có nhân viên, có tài xế, được nhiều người trọng vọng. Chỉ riêng về tình yêu, anh đã trải qua nhiều mối tình nhưng không có mối tình nào đem lại hạnh phúc. Và cuối cùng, không điều nào mang lại hạnh phúc mà chỉ đem đến nỗi sầu.
Tương đối thành công như vậy nhưng khát vọng vẫn chưa đạt được!

Ước vọng ngày thơ ấu, chưa xin được chút nào
Suốt đời còn ước ao, khát vọng còn cấu cào

Đã nửa cuộc đời, đã đi những bước dài thành công, thế nhưng vẫn cảm thấy mình mất phương hướng!

Ô hay! Tại sao ta sống chốn này?
Quay cuồng mãi hoài, có gì vui?

Thế là anh đang suy tư về một bài hát cho chính đời anh!

Ta lần mò leo mãi, không qua được vách sầu 
Ta tìm một tiếng yêu, thấy toàn là sầu đau 
Ước vọng ngày thơ ấu, chưa xin được chút nào 
Suốt đời còn ước ao, khát vọng còn cấu cào 
Ôi thôi, đời ta phung phí trong cơn buồn phiền 
Ta xin tháng ngày rồi bình yên 
Ô hay tại sao ta sống chốn này 
Quay cuồng mãi hoài, có gì vui?

Nhưng bài hát đã ngừng ở đây,
Không viết tiếp được!

Gần hai mươi năm sau … năm 1993, Em và anh cùng hai con định cư tại Portland, Oregon, Hoa Kỳ. Trong căn phòng nhìn ra ngoài trời mưa tuyết lạnh giá, sau khi trải qua một giai đoạn đau thương, anh viết tiếp và hoàn thành bài hát Đời đá vàng:

Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc 
Có oằn mình đớn đau, mới hiểu được tình yêu 
Qua dầm dề mưa tuyết, mới vui ngày nắng về 
Có một thời khóc than, mới hiểu đời đá vàng

Lời hát Có một lần mất mát, mới thương người đơn độc là lời cảm thông của anh dành cho Em – người vợ của anh. Em đã mất chồng khi còn quá trẻ, đã một mình đơn độc, bươn chải nuôi dạy hai đứa con khôn lớn trong suốt 15 năm trước khi gặp anh. Trong suốt bao năm chiến tranh, với bao mất mát, nhưng Em vẫn vững vàng chịu đựng và trung trinh sống.

Để hoàn thành được bài hát này, anh đã qua nhiều mối tình đau, đã cảm nhận hết được những nỗi đau của một kiếp người! Anh còn hiểu thêm được trận đòn kinh khiếp mà Chúa Giêsu đã phải gánh chịu chỉ vì Yêu Thương loài người.

Có oằn mình đớn đau, mới hiểu được Tình yêu!

Đúng như vậy đó Em, chỉ có khi nào chúng ta vượt qua những gian nan trong cuộc đời, chúng ta sẽ hiểu rõ giá trị và trân trọng cuộc sống mà ta đang có!

Có một thời khóc than, mới hiểu đời đá vàng.

Đến năm 2002, trước khi được chịu chức Phó Tế, anh đã viết thêm

Xuống tận cùng dưới đáy, mới thấy mênh mông rộng cõi trời
Hãy mở lòng chúng ta, đón nhận biển Tình Yêu
Có nghìn lần tha thứ cũng chưa là ái từ
Hãy cảm tạ biết ơn, có được đời đá vàng.

38 năm sau khi viết lời đầu tiên, qua nhiều bước thăng trầm, được sống trong Ân Nghĩa của Chúa, anh mới biết cảm tạ ngay cả những đau khổ. Bởi vì chính nhờ những đau khổ đó, anh mới vươn lên được như ngày hôm nay.

Cầu mong Em luôn được bình an.

---------
Bonus: Bài trên vnexpress

Vũ Thành An lặng người khi nhắc đến người vợ hiện tại. Ông bảo những năm gần đây, sức khỏe vợ ông xuống dốc do bệnh nặng. Nhạc sĩ túc trực, chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho bà. Không có ông ở bên, dù cơm canh ngon ngọt ra sao, bà  không chịu ăn. Về già, ông và bà hay ngủ phòng riêng, nhưng khi đau ốm, nếu không có chồng vỗ về, bà không yên giấc. Gần một đời đi đó đây, ông chợt nhận ra không bao giờ nỡ xa bà nữa. "Không đi nơi nào nữa/ Đến lúc dừng lại thôi/ Sẽ sống hàng triệu năm/ Đâu vội chi hỡi người", nhạc sĩ ngâm nga câu thơ. Thế nhưng, vì quá nhớ thân hữu quê nhà, lần này, ông vẫn xa bà để tái ngộ mọi người.

Vũ Thành An và vợ đến với nhau sau khi cuộc hôn nhân đầu của ông tan vỡ, bà cũng đã qua một đời chồng. Thương người vợ đơn côi suốt mười mấy năm nuôi con khi chồng cũ qua đời, ông sáng tác ca khúc Đời đá vàng (Bài không tên số 40). Ca từ in đậm hình bóng người vợ tảo tần và tình thương ông dành cho bà: "Có một lần mất mát mới thương người đơn độc/ Có oằn mình đớn đau mới hiểu được tình yêu".

18/12/18

Vu Thanh An . Tình thư thứ mười hai


Có một lần mất mát,
Mới thương người đơn độc



Em yêu dấu,

Năm 1986, anh được anh Phạm Huy Trung giới thiệu vào sinh hoạt văn nghệ. Trong khi đi sinh hoạt, anh có quen anh Nguyễn Tấn Xuân. Anh Xuân có sáng tác vài ca khúc và cả làm thơ nữa. Anh Tấn Xuân lúc đó làm công việc chính là sơn lại các khung sườn xe đạp cũ. Trên sân nhà anh lúc nào cũng có cả chục khung xe được anh Tấn Xuân sơn lại mới. Đối với anh, anh chị Nguyễn Tấn Xuân lúc đó có cuộc sống quá vững. Nhà anh chị mặt tiền ở quận Bình Thạnh, trước nhà có một cái hiên đang để trống (hiên này ngang khoảng 3m, sâu hơn 1m). Anh nhìn hiên nhà mà rất thèm và ước giá như mình có được chỗ này!

Số là từ khi về nhà năm 1985, anh phải tá túc ở nhà Cậu anh. Nhà Cậu anh hồi đó tất cả con cháu gần hai mươi người đều trở về ở chung nên rất chật chội. Cậu anh đã già nhưng cố gắng mua cây gỗ về tự tay đóng cho anh một tầng gác nhỏ áp sát mái ngói. Mỗi tối anh trèo lên căn gác bằng một cái thang gỗ nhỏ để vào chỗ nằm nghỉ. Vào mùa mưa thì bị dột, mùa nắng thì thật là nóng. Có một hôm anh bị một loại côn trùng gì đó rất lạ cắn sưng to cả bàn chân.

Do vậy, anh đã nói với anh Tấn Xuân cho anh thuê hiên nhà để quây lại làm chỗ nghỉ. Anh Xuân lúc đầu nghe anh nói không trả lời gì. Anh tưởng anh ấy từ chối nên cũng không dám nhắc lại. Vài ngày sau anh Xuân hỏi anh: “Anh có muốn lấy vợ không? Anh có vợ thì có chỗ ngủ tốt đẹp hơn mái hiên này nhiều”. Anh nghe xong không dám trả lời gì.

Khi đi xa về, nhiều bạn bè, thân hữu biết gia đình anh đổ vỡ nên đã có nhiều người muốn mai mối, giới thiệu vợ cho anh. Tất cả đều vì thương anh, muốn anh xây dựng lại cuộc đời.

Bản thân anh sau khi được rửa tội theo đạo Công giáo năm 1981, anh đã tự nhủ sẽ dùng thời gian còn lại phục vụ Chúa. Cách cụ thể nhất là đi tu làm Linh mục. Anh đã ký giấy tờ ly dị ngay khi còn trong trại để vợ con anh được đi định cư tại Hoa Kỳ.

Rồi có một lần trên đường đi tìm đường Tu, anh xuống Dòng Châu Sơn ở Củ Chi nghỉ lại một đêm. Trong số những vị cùng đường đi tìm đường Tu với anh hôm đó, có vị đã thành công và sau này trở thành Linh mục Ân Đức rất nổi tiếng với bài Dấu ấn tình yêu. Trên đường về anh có hỏi một vị khách đi chung rằng anh nên tiếp tục tìm đường đi tu hay nên lập gia đình. Vị ấy khuyên anh nên đi lấy vợ! Không biết có phải là định mệnh không? Vị cho anh lời khuyên sau này đã bỏ tu đi lấy vợ!

Và rồi anh đã gặp Em.

Những lúc vui Em thường kể lại duyên cớ mà Em đồng ý gặp anh. Em có hai người bạn rất thân, đó là chị Huê – vợ anh Tấn Xuân và chị Hộ. Cả hai đều có ước muốn Em được hạnh phúc cho nên đã xuống nhà em ở Bà Quẹo nhiều lần để nói với Em là muốn giới thiệu Em cho một người.

Khởi đầu Em không chịu vì Em không muốn lấy chồng nữa! Đến lần thứ năm, sau khi chị Huê nhắc lại việc giới thiệu người cho Em thì lúc đó Em có hỏi: “Thế ông ấy có đẹp trai không?”. Chị Huê nói: “Anh ấy đẹp!”. Em đáp lại: “Em không tin! Đi lao động 10 năm làm sao còn đẹp được!”. Thế nhưng chị Huê quả quyết xác nhận: “Ông An còn đẹp lắm!”. Em lại hỏi thêm: “Thế da ông ấy có trắng không ?”. Chị Huê lại nói: “Da anh này trắng lắm!”. Em cũng bán tín bán nghi nhưng rồi cuối cùng thì Em cũng ưng thuận để vợ chồng anh Tấn Xuân đưa anh xuống giới thiệu với Em.

Lúc xuống chơi nhà Em, anh cứ luôn nhắc đến việc đi tu khiến Em hơi bực mình. Đi tán vợ mà cứ nói chuyện đi tu! (Có lẽ nhờ vậy mà sau này Em đã ký giấy đồng ý để anh đi học làm Phó Tế).

Em có biết vì sao anh chọn Em không? Em là người đẹp nhất trong số những người tình trước đây của anh. Một người thân của anh từng so sánh Em với T.T.H. – một tài tử điện ảnh nổi tiếng ở Saigon trong thập niên 1960-1970. Em rất ngay chính. Chồng mất năm 1972, Em đã ở vậy nuôi hai con suốt gần 15 năm. Cho đến khi gặp anh năm 1986, cuộc sống của Em không hề có bất cứ điều tiếng gì. Em lại là người giỏi giang, rất chịu khó, đã vất vả kiếm sống và tự xây dựng được sự nghiệp bằng chính khả năng của mình. Lại nữa Em là người hiền hậu, anh tin là chúng ta sẽ sống trong bình an. Thế là sau hơn một năm thăng trầm, chúng ta trở thành vợ chồng. Anh đã quyết định sống cuộc sống bình yên cùng với người vợ hiền Trời dành sẵn cho mình.

Khi sống với anh, Em đã hy sinh rất nhiều! Em đã cho anh cơ hội để anh thực hiện những hoài bão cuối cùng. Em hy sinh những niềm hạnh phúc riêng để anh có thể đi xa hoạt động phụng sự xã hội.

Anh cảm ơn Em.



16/12/18

Hán văn tân giáo khoa thư 1

Đây là bộ sách dạy chữ Hán do Nha Học chính Đông Pháp giao cho các ông Lê Thước và Nguyễn Hiệt Chi biên soạn. Bộ sách gồm 5 cuốn dành cho 5 lớp bậc tiểu học (thời Pháp thuộc).

Bộ sách được học giả Nguyễn Hiến Lê đánh giá rất cao. Trong cuốn Tự học, một nhu cầu thời đại (1954), sau khi xét qua một số sách dạy chữ Hán có thời bấy giờ, ông giới thiệu: "Bộ nầy có giá trị nhất, viết có phương pháp, lựa những tiếng thường dùng, những thành ngữ cùng danh ngôn để dạy, có chỉ cách viết chữ, ít qui tắc về ngữ pháp và phép đặt câu. Sau mỗi bài học có một bài tập. Cuối mỗi cuốn có một tự vựng nhỏ trong đó chữ sắp theo bộ.
Mỗi cuốn có 30 bài, mỗi bài chừng mươi, mười lăm chữ mới với nhiều từ ngữ đi với những chữ đó. Học mỗi ngày một bài (mất độ 1-2 giờ) thì 6 tháng sẽ hết bộ và sẽ biết được độ 2000, 3000 chữ"

Biết 2000 chữ Hán được coi là đạt chuẩn xóa mù chữ tại Trung quốc, cũng là gần với số chữ Hán tối thiểu mà các nước đồng văn Hàn, Nhật qui định hoc sinh của họ phải nắm được.



Chữ Nho Tự Học 1 . Đào Mộng Nam




5/12/18

Vũ Thành An: Tình thư thứ tư


Đến khi lên Trời
Chỉ còn khối tình mang theo …



Em yêu dấu,

Đầu năm 1967, một ngày thật trống rỗng và ảm đạm, định mệnh đã cho anh gặp được Em. Như một tia nắng ấm cuối Đông, Em đã sưởi ấm tâm hồn anh ngay buổi đầu gặp mặt.

Anh nhớ rõ chiều ngày hôm ấy, anh và một vài người bạn đang chơi bài tại nhà anh Nguyễn Đình Toàn thì Em theo cô Th. Của Em đến chơi với chị Toàn. Em là nữ sinh trường Trưng Vương vừa đỗ Tú tài, thật tươi trẻ trong tà áo dài màu xanh, đã làm tim anh rung động. Anh quyết định ngay là phải làm quen cho bằng được cô bé này. May mắn cho anh là chẳng bao lâu sau đó anh đã quen được Em. Ngày em lái chiếc xe Opel màu xanh đón anh đi chơi, anh đã hơi khựng lại. Lại như có linh tính một chuyện không hay sẽ xảy ra với mình. Anh đâu ngờ Em là con nhà giàu như vậy! Nếu biết trước anh đã không dám quen. Hai mối tình trước đổ vỡ cũng có nguyên do vì giàu nghèo cách biệt.

Cũng vì vậy, trong những tháng ngày sau đó, dù yêu nhau nhưng chúng ta chưa bao giờ nói chuyện tương lai.

Em đã cho anh một thời gian tuyệt vời trước ngày anh nhập ngũ. Sau này anh mới biết, trong thời gian ba tháng huấn nhục (giai đoạn mới vào quân trường, bị hành xác rất cực nhục), dẫu biết anh không được ra trại nhưng em đã nhiều lần lái chiếc Opel – chứng nhân mối tình thơ mộng của chúng ta – đi vòng qua các bãi tập của Quân trường Thủ Đức với hy vọng sẽ được nhìn thấy anh. Ngoài những ngày phép thường lệ cuối tuần, anh còn tìm dịp lén xuất trại để về với em. Chúng ta chỉ biết yêu nhau say đắm nhưng vẫn giữ trong vòng lễ giáo. Tất cả những mối tình của anh, trước và sau em, đều như vậy. Chắc không ai ngờ một Vũ Thành An với lời nhạc lãng mạn như thế mà các cuộc tình chỉ ở mức độ của tình học sinh mới lớn! Cao nhất cũng chỉ là những nụ hôn!

Tháng 5 năm 1968, hôm anh tốt nghiệp trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, đáng lẽ có mấy ngày phép anh sẽ dành riêng cho Em. Thế nhưng anh phải ra Vũng Tàu trình diện lớp đào tạo chuyên biệt ngay, cho nên chúng ta chỉ có một buổi tối đi chơi với nhau. Anh còn nhớ rõ hôm ấy Em đã ôm anh rất đắm đuối và bảo anh đừng đi trình diện ngày mai, hãy ở lại với Em. Anh không dám trái lệnh cấp trên và đã không thể ở lại với Em. Thật không ngờ đó là lần cuối cùng chúng ta bên nhau. Chiếc ôm bá cổ ghì chặt anh vào mình của Em sẽ là một kỷ niệm mãi mãi. Em ra đi trong chỉ sáu tháng sau đó. Sự ra đi rất bí ẩn của Em làm anh không thể nào hiểu nổi! Anh vẫn tự hỏi: Nguyên nhân phải chăng từ anh, đã không đáp ứng được tình Em? Thế nhưng trong lòng anh lúc nào cũng yêu thương và tôn trọng Em. Chúng ta luôn yêu thương nhau mặn nồng, chưa bao giờ có xung đột, chưa một lần cãi nhau. Anh nhận được lá thư chia tay của Em khi ngồi trong bãi tập ngoài Vũng Tàu. Lá thư đã làm tâm hồn anh chao đảo, dường như cả bầu trời đã đổ ụp lên đầu anh.

Vào một ngày tháng 12 năm 1968, anh ngồi uống café tại bàn ở góc trong cùng của nhà hàng Brodard, nơi anh vẫn thường ngồi. Trời vừa tạnh cơn mưa. Anh bỗng nhớ Em vô cùng và quyết định phải đến thăm Em. Tới nhà gõ cửa, nhìn vào trong, anh thấy cảnh một bữa tiệc vừa tàn. Chính lúc đó Em ra mở cửa mời anh vào. Sau đó Em đưa một người đàn ông đi ra cùng và giới thiệu: “Đây là hôn phu của em và hôm nay là ngày Lễ Hỏi”. Nghe câu nói đó của Em, anh tê điếng cả người, không biết phải nói gì, chỉ lẳng lặng ra về.

Sự thật là anh đã mất Em! Nhưng anh vẫn cứ tin rằng Em vẫn còn yêu anh. Có lẽ có một nguyên do gì thật bí ẩn như chính sự ra đi rất bí ẩn của Em, đã khiến Em phải quyết định như vậy. Anh đã mất Em khi tình yêu đang nồng thắm!

Khi viết Bài không tên số 2, anh đã nhớ đến Em và đã hát:

Đời một người con gái
Ước mơ đã nhiều
Trời cho không được mấy
Đến khi lấy chồng
Chỉ còn mối tình mang theo.

Bây giờ đã sau gần 50 năm. Chúng ta đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống. Anh muốn tặng lại Em câu nói trên cùng dòng âm thanh ấy:

Đời một người dưới thế
Ước mơ đã nhiều
Trời cho không được mấy
Đến khi lên Trời
Chỉ còn KHỐI TÌNH mang theo.

Chúng ta giờ đây đã ở trên tuổi 70. Chắc chắn một ngày nào đó chúng ta sẽ rời khỏi thế gian này. Chúng ta sẽ không thể mang theo những vật chất chúng ta đã dày công tìm kiếm, xây đắp. Sẽ chỉ là tay không ra đi. Mọi sự là phù du nhưng chắc chắn Tình Yêu của anh và Em từng có là thật. Anh cám ơn Em, mối tình si của anh. Việc chúng ta yêu nhau là có thật. Mối tình đó chúng ta sẽ mang theo cùng với những tình yêu khác, cho cha mẹ, con cái, cho anh chị em, bạn bè và đồng loại … Tất cả sẽ gộp lại trong một KHỐI TÌNH. Anh chúc Em có được một Khối Tình Lớn Tinh Tuyền. Sẽ chỉ giữ lại cho mình Tình Yêu. Tình yêu sẽ đưa ta nhanh lên Trời. Những bỡn gợn của căm ghét, hận thù … sẽ chỉ ghì chúng ta lại xuống dưới mà thôi. Hãy vất bỏ hết chúng, ta sẽ bay nhanh lên cao. Như một chiếc khinh khí cầu, chúng ta sẽ bay nhanh hơn nếu khối tình chúng ta càng lớn.

Cầu mong Em luôn được bình yên.


Hình mạng



3/12/18

Vũ Thành An. Tình thư thứ hai


Chiều thơm du hồn người bềnh bồng



Em yêu dấu,

Cuối năm 1962, anh gặp Em ở trường Hưng Đạo. Hồi đó anh thường tự hào nói với các bạn của mình: ”An tán gái không phải bằng lời mà bằng mắt thôi!”. Và anh đã nhìn Em đắm đuối đến nỗi cuối cùng Em không thể cưỡng lại được, chúng ta bắt đầu quen nhau. Em học lớp Đệ Nhị, anh học lớp Đệ Nhất. Mối tình học trò của chúng ta thật êm đềm, trong trắng.

Anh đón Em đi học, anh đưa Em từ trường về nhà. Con đường Lê Lợi từ nhà Em đến trường, rồi con đường Cao Thắng tấp nập xe cộ trên đường về đã quá quen thuộc với hai đứa. Anh thường đến nhà thăm Em vào buổi tối, những lần đó anh thường thấy một chiếc xe Jeep và đoàn xe Moto của nhóm cận vệ đưa một vị tướng không quân đến thăm chị M. là chị họ đang ngụ chung nhà với em. Về sau này nghe người ta đồn là anh có quan hệ tình cảm với chị M., anh phải luôn đính chính anh là đàn em của chị M. thôi (và chính chị M. là người đã dạy cho anh những bước nhảy đầu tiên).

Năm đó, anh tham gia Ban Văn nghệ của trường và đã có cảm hứng viết ra nhiều melody nhạc chủ đề. Tuy vậy, tâm hồn anh khi ấy còn quá non nớt chưa viết được thành lời, nhưng dòng âm thanh đã bắt đầu nảy nở và anh lưu giữ lại. Sau này anh đã viết lời cho một melody của những ngày bên nhau ấy thành Bài không tên số 8 để kỷ niệm mối tình thơ dại của chúng ta và cũng để dành tặng Em.

Chiều thơm du hồn người bềnh bồng
Chiều không im gọi người đợi mong
Chiều trông cho mềm cây ươm nắng
Nắng đợi chiều nắng say, nắng nhuộm chiều hây hây.

Ngày đi qua vài lần buồn phiền
Người quen với cuộc tình đảo điên.
Người quên một vòng tay ôm nhớ,
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay.

Vắng nhau một đêm càng xa thêm nghìn trùng
Tiếc nhau một đêm rồi mai thêm ngại ngùng
Mai sau rồi tiếc những ngày còn ấu thơ
Lần tìm trong nụ hôn lời nguyện xưa mặn đắng.

Về đâu tâm hồn này bềnh bồng
Về đâu thân này mòn mỏi không
Về sau và nhiều năm sau nữa
Có buồn nhưng vẫn chưa bao giờ bằng hôm nay

Tình cảm của Em dành cho anh thật thơ ngây, trong sáng. Anh còn nhớ hôm Trụ sở Tổng hội Sinh viên bị cháy, Em đã vội vã chạy tới để tìm hiểu xem anh có được bình an không. Thấy anh không bị gì, nét mặt Em đã tươi vui khôn tả. Anh nhớ mãi suốt đời nét mặt mừng vui vì anh ấy.

Rồi cuộc đới xô đẩy hai chúng ta đi mỗi người một hướng…
Sau này anh được biết cuộc sống gia đình của Em cũng bình yên.
Anh mừng và xin chúc Em và gia đình được nhiều phước lành.


hinh mang

1/12/18

Vũ Thành An. Tình thư thứ nhất

Vũ Thành An từng nổi tiếng một thời với Mười bài không tên. Đấy là những giai điệu buồn bã, day dứt về những cuộc tình dang dở, với một chút trách hờn, nhưng rất nhiều những nhớ nhung da diết, những tiếc nuối nghẹn ngào. Xen lẫn, là những khái quát xót xa về nhân tình thế thái khiến người nghe nhiều lúc ko khỏi giật mình ngẫm ngợi về bản thân, nhớ lại một cuộc tình ..

Sau 1975, sau khi ra tù rồi qua định cư ở Mỹ, ông tiếp tục viết thêm, cùng với những bài cũ, cộng khoảng 50 bài không tên, trong đó một số bài "không tên" nhưng lại có kèm theo tên - như Bài không tên số 11: Cuối dòng sông khô; Bài không tên số 12: Bên nhau chiều lộng gió; Bài không tên số 13: Tình xưa gái Huế; ...

Bao nhiêu bóng hồng thấp thoáng sau những bài hát kia? Nhiều người nghe tò mò đã hỏi thẳng ông. Thường ông chỉ cười, lảng chuyện. Những người con gái ấy hầu hết vẫn còn đó, đang bình an với chồng con, ông không muốn làm ảnh hưởng đến cuộc sống họ.
Vượt qua tuổi 70, ông quyết định mở hé chút chút về những bóng hồng kia qua tập hồi ức Chuyện tình không tên, viết dưới dạng bức thư gởi cho những người Em xưa cũ ... Sách do Phương Nam Books - NXB văn Nghệ Tp HCM in và phát hành tháng 8/2017.

Mời đọc những bức thư và nghe lại những bài hát .. Đọc được bao nhiêu bức thư còn tùy em Ớt.