30/6/15

Pronunciation Workshop




Pronunciation Workshop (Speaking English with an American accent) của Paul S. Gruber là bộ giáo trình dạy phát âm tiếng Anh giọng Mỹ bằng video nổi tiếng, được nhiều người dạy / học tiếng Anh tin dùng. Mấy năm trước trên Youtube thấy có, ít lâu thì bị xóa, chỉ còn vài clip. Hôm nay thấy có người vừa up lên Youtube lại, lấy về ai cần thì down về lưu xem.



Sách dùng kèm (pdf) có thể down theo link: Manual


25/6/15

Giọt đàn bầu


Nghe nhạc sĩ Toàn Thắng, giảng viên đàn bầu nhạc viện tp HCM giới thiệu về cây đàn bầu, đồng thời nghe một số nghệ sĩ độc tấu đàn bầu




24/6/15

Tương tiến tửu


Tương tiến tửu có nghĩa là (Mời) cùng uống rượu, nguyên là tên một điệu nhạc xưa, được lấy đặt tên cho một bài thơ của Lý Bạch, nhà thơ nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử văn học Trung quốc, sống vào đời Đường.

23/6/15

May It Be . Enya




Khi bắt tay thực hiện bộ phim giả tưởng The Lord of the Rings (2001) dựa trên bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn đồng thời là nhà ngữ học J.R.R. Tolkien, đạo diễn Peter Jackson hỏi Enya liệu có hứng thú viết một bản nhạc cho bộ phim của mình. Tolkien vốn đồng hương Ireland với Enya. Phong cảnh ông mô tả trong truyện phảng phất bóng dáng núi đồi của quê hương. Thấy hấp dẫn, Enya đã bay tới New Zealand gặp Jackson. Và tiếp đó là hai bản nhạc ra đời.

19/6/15

Đôi khi


Đôi khi thèm thấy nụ cười
Nở trên môi của một người chưa quen

Đôi khi thèm một chút men
Để quên đi những bon chen quanh mình

Đôi khi thèm một chút tình
Đêm đông giá buốt yên bình bên nhau

Đôi khi trong cuộc bể dâu
Nhân tình thế thái biết đâu mà lường

Vẫn thèm một chút can trường
Vượt qua giông bão cản đường ta đi

18/6/15

Phố Nắng


Tiếp tục nghe thơ của các nhà thơ nữ.
Hôm nay nghe Hương Nhu ngâm Phố Nắng của Ý Nhi



16/6/15

Trời và Đất . Phan Thị Thanh Nhàn


 Thơ: Phan Thị Thanh Nhàn. Diễn ngâm: Thanh Na


Tự hát . Xuân Quỳnh


VOV. "Tự hát" là một trong những bài thơ "hát" lên được phong cách thơ của Xuân Quỳnh: một giọng thơ giàu chất "đàn bà". Qua giọng ngâm của NSUT Linh Nhâm, bài thơ đã vượt qua thời gian, ở lại với cuộc đời và trái tim người yêu thơ (Nhật Minh) (Dấu ấn VOV2 22/1/2015)



Tự Hát

Chả dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em, anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay

Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em

Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu

Mùa thu nay sao bão giông nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn

Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi


Nguồn: Xuân Quỳnh, Tự hát, NXB Tác phẩm mới, 1984
(cop lại từ thivien.net)

Soi gương . lụa của Nguyễn Phan Chánh

15/6/15

Tiếng Việt: Có còn trong sáng


PGS.TS Phạm Văn Tình

     Kể từ khi cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động công cuộc “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” (Tạp chí Học tập, s. 4-1966) cho đến nay đã tròn 44 năm. Phong trào này đã được toàn xã hội, đặc biệt là giới Việt ngữ học hưởng ứng với một “lộ trình”  lúc lên, lúc xuống, lúc rầm rộ, lúc âm ỉ… Nhưng chưa bao giờ vấn đề giữ gìn và bảo vệ tiếng Việt lại được dư luận quan tâm nhiều như thời gian vừa qua.

Tiếng Việt đang ở đâu?

      Tiếng Việt đang là ngôn ngữ chính thức của nước CHXHCN Việt Nam, có hơn 86 triệu dân (mà người Việt chiếm đa số). Với một diện tích hơn 329 ngàn km2, kéo dài trên một dải đất hình chữ S, tiếng Việt phân nhánh ra nhiều vùng phương ngữ khác nhau (tiêu biểu là 3 phương ngữ Bắc, Trung, Nam). Nhưng dù đã qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, tiếng Việt vẫn là một ngôn ngữ thống nhất, giữ vai trò là công cụ giao tiếp quan trọng trong một cộng đồng cư dân rộng lớn, đa dạng…  Tiếng Việt chính là một nhân tố không thể thiếu được làm nên đặc thù và bản sắc văn hoá Việt Nam.
      Nhưng ít có ngôn ngữ nào chịu sức ép từ các nhân tố lịch sử - địa lí mạnh mẽ như tiếng Việt. Lịch sử bốn ngàn năm của chúng ta “lên bổng xuống trầm” mà dấu ấn rõ nét nhất là chúng ta phải chịu gần 1.000 năm Bắc thuộc và hơn 80 năm đô hộ của Pháp. Không thể nói là ngôn ngữ (một hiện tương xã hội đặc biệt) lại đứng ngoài những biến cố đó. Trái lại, chính ngôn ngữ lại là nhân tố đầu tiên đứng trước sự đồng hoá. Chính phủ ngoại bang nào cũng muốn áp đặt các thiết chế quyền lực, trong đó có chính sách ngôn ngữ đối với quốc gia họ vừa thôn tính. Và thực tế, nhà nước phong kiến Việt Nam đã dùng chữ Hán trong các văn bản hành chính quốc gia trong suốt quá trình tồn tại. Tiếp đó, khi các giáo sĩ phương Tây vào truyền giáo rồi thực dân Pháp xâm lược, chữ Quốc ngữ xuất hiện và đây là bước thay đổi quan trọng trong tiến trình phát triển ngôn ngữ Việt. Cả tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Hán cùng tồn tại nhưng đó chỉ là một dạng “tam ngữ bất bình đẳng”. Tiếng Pháp dần dần giữ vai trò độc tôn, đẩy chữ Hán vào miếu đường cổ hủ của các nhà Nho và coi chữ Quốc ngữ là một văn tự “không chính thống”, sống “kí sinh” trong lòng tiếng Pháp.
      Một trong những sự khác biệt rõ rệt của mỗi dân tộc chính là ngôn ngữ. Tiếng Việt với sức sống kì lạ, lâu bền của mình đã trường tồn cùng lịch sử. Giờ đây, ta vẫn nhận chân được giá trị của tiếng Việt ngàn đời qua các tác phẩm còn lưu truyền của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… và vô vàn những tác phẩm dân gian truyền khẩu (ca dao, dân ca, tục ngữ…). Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng phải thừa nhận một điều: Dấu ấn của văn hoá Hán và tiếng Hán, văn hoá Pháp và tiếng Pháp còn biểu hiện rất rõ trong tiếng Việt. Hơn 60% từ Việt có gốc Hán (theo thống kê của H. Maspéro, 1972) và quãng hơn  2.000 từ gốc Pháp (thống kê của Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Đức Dân, 1992). Gần đây, tiếng Việt thu nhận thêm nhiều từ ngoại lai nữa (chủ yếu là tiếng Anh). Từ điển từ mới  (Viện Ngôn ngữ học, 2002) đã thu thập khoảng 3.000 từ mới các loại trong vòng 15 năm (1985-2000). Đây là hệ quả của nhiều năm mở cửa, đổi mới, hội nhập. Và không chỉ tiếng Việt, nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới (kể cả các ngôn ngữ mạnh như tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung) cũng phải “gồng” lên chống đỡ cơn bão tiếng Anh thổi khắp hoàn cầu. Yếu tố kinh tế, thương mại trong bối cảnh hoà nhập vô hình trung đã biến tiếng Anh thành ngôn ngữ “number one (số 1)” trên thế giới.

Tiếng Việt hôm nay: Có còn trong sáng?

      Đứng trước thực trạng thay đổi khá nhanh chóng gần đây của ngôn ngữ, dư luận xã hội, rất nhiều người lo lắng và lên tiếng cảnh báo về hiện tượng sử dụng ngôn ngữ tuỳ tiện, cẩu thả làm “vẩn đục” tiếng Việt, thậm chí nhiều người còn cho rằng “tiếng Việt đang bị làm hỏng”, “sự xuống cấp trầm trọng của tiếng Việt” và “chúng ta phải có thái độ kiên quyết và rõ ràng để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, phải hành động trước khi quá muộn”, v.v.
      Những bức xúc như vậy không phải là không có căn cứ. Đó là hiện tượng nói và viết tiếng Việt tuỳ tiện, bừa bãi, trong đời sống hàng ngày và cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chả cần bước chân ra ngõ là đã có thể nghe thanh thiếu niên nói bậy, chửi tục, nói trống không, trái với thuần phong mĩ tục… Sách báo thì in sai, in lỗi hoặc để cho nhiều phát ngôn kém văn hoá ngang nhiên tồn tại (ngày xưa báo, nhất là sách lỗi in sai rất ít). Nhưng ngôn ngữ trên mạng mới thực sự là đáng sợ. Nó bát nháo, tuỳ hứng trăm hình vạn vẻ. Từ chuyện nói năng văng mạng (nói cho hả, nói lấy được) đến chuyện viết văng mạng, bất chấp các chuẩn mực chính tả tối thiểu. Đáng lo ngại là hiện tượng nói bậy, viết sai, nói lóng … lại phổ biến trong giới trẻ, ở tuổi học đường. Mà thế hệ này lại chiếm một tỉ lệ lớn trong cơ cấu dân số (chỉ riêng học sinh phổ thông năm 2009-2010 đã xấp xỉ 24 triệu). Họ sẽ là chủ nhân tương lai của đất nước. Không rõ là cứ với đà này, tiếng Việt sẽ ra sao?
      Theo tôi, muốn nhìn nhận, đánh giá đúng vấn đề này chúng ta phải có cái nhìn biện chứng, toàn cục, phải xuất phát từ quan điểm toàn diện, cụ thể. Và, trước tiên chúng ta phải cùng xác lập một vấn đề: Thế nào là trong sáng?
      Có thể dẫn nghĩa 2, mục từ trong sáng trong Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Phê chủ biên, 2006) là “ở trạng thái giữ được bản sắc tốt đẹp, không có hiện tượng pha tạp” để áp dụng cho tổ hợp “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Một tiếng Việt trong sáng là phải cơ bản thuần nhất, có cách nói, cách dùng từ chuẩn với đại đa số, mang tư duy dân tộc. Tôi chắc là đại đa số mọi người không phản đối cách định nghĩa trên. Tuy nhiên, cách hiểu “thế nào là trong sáng” đang có sự phân hoá, chưa thống nhất. Thể hiện rõ nhất là thái độ đối với việc sử dụng từ nước ngoài.
      Nhiều người cho rằng, phải căn cứ vào nguồn gốc của nguyên ngữ mà dùng từ cho chuẩn. Như vậy, có nhiều từ Hán - Việt ta mượn và dùng đúng theo nghĩa Hán (cả âm và nghĩa). Chẳng hạn, theo quan điểm của một số tác giả,  phải dùng cứu cánh với nghĩa là “mục đích cuối cùng” chứ không dùng như hiện nay là “chỗ dựa, để thoát khỏi một tình trạng không hay”; phải dùng trầm kha (hay bệnh nặng) chứ không được dùng “bệnh trầm kha”, tham quan chứ không phải “thăm quan”, Hợp Chúng Quốc Mỹ chứ không phải “Hợp Chủng Quốc Mỹ”, v.v.  Nhưng có rất nhiều trường hợp, trong quá trình thu nhận và sử dụng, tiếng Việt đã có sẽ điều chỉnh, sai lệch. Chẳng hạn,  vô tình  ít dùng nghĩa “không có tình, bất nghĩa” như tiếng Hán mà dùng “ngẫu nhiên, không chủ định, không cố ý”, khiêm tốn không chỉ với nghĩa chỉ “ý thức và thái độ đúng mực” mà còn dùng chỉ sự “ít ỏi, nhỏ bé” (đồng lương khiêm tốn, chiều cao khiêm tốn…), lẽ ra viết thống kế nhưng từ trước đến nay vẫn viết là “thống kê”, trụ ngụ lại viết là “trú ngụ”, trú sở viết thành “trụ sở”, lẽ ra phải nói tiếng Hán (tiếng Hoa, tiếng Tàu) nhưng hiện nay trong giao tiếp, đa số dùng “tiếng Trung”,… Đó là những lỗi quy về gốc là “sai”. Nhưng hiện tại chúng ta sử dụng trong giao tiếp đã hết sức quen thuộc đến mức không nhận ra lỗi sai và những cái sai đó đã được bình thường hoá (do không có sự hiểu lệch lạc, phù hợp với hiện tại). Ngay cả những cách nói được coi là “thừa” như: đường quốc lộ (lộ: đường), cây cổ thụ (thụ: cây), bà quả phụ (phụ: bà), ngày sinh nhật (nhật: ngày), vius HIV (V = virus),… nhiều khi vẫn được sử dụng (như một “độ dư cần thiết”) để hoặc là làm rõ nghĩa, hoặc là tăng sắc thái biểu cảm (Hôm qua còn theo anh/ Đi ra đường quốc lộ; Ngày sinh nhật Bác nắng đầy tiếng chim; Chúng tôi bước dưới tán cây cổ thụ; Xin mời bà quả phụ X. lên nói lời cảm ơn; v.v.).
      GS Hoàng Phê từng nói rằng: “Khi ta mượn một từ nước ngoài, thì với một ý nghĩa nào đó, chúng ta đã “tạo” một từ mới của ta: từ tiếng Việt này sẽ có một đời sống riếng của nó” (Hoàng Phê, Tuyển tập Ngôn ngữ học, 2008). Tiếng Việt vay mượn khá nhiều. Có từ do áp lực ta phải dùng. Có từ ta chưa có mà phải “vay” (vay muợn thuật ngữ là rõ rệt nhất). Hoặc nhiều  từ ta có rồi nhưng vẫn mượn thêm để làm phong phú hơn cách sử dụng (tiếng Nga, tiếng Pháp là một ví dụ, vẫn mượn thêm từ tiếng Anh, sử dụng song song). Khi ta mượn, có nhiều từ, dựa trên cơ sở âm và nghĩa gốc, người Việt đã uốn nắn lại (la plat = lập là, la clé = lắc lê, mangouste = măng cụt, casserol = xoong,  caporal = cặp rằng, club = câu lạc bộ,…). Từ show (sô)  trong tiếng Anh có nghĩa là “buổi trình diễn nghệ thuật, suất diễn” nhưng hiện tại sô tiếng Việt còn thêm nhiều nghĩa: một phi vụ làm ăn (bể sô), một công việc nào đó đòi hỏi luân phiên, nhiều lần (chạy sô đi dạy, chạy sô đám cưới, chạy sô thuyết trình …). Từ hủ hoá, nghĩa gốc tiếng Hán là “thối nát” dùng để chỉ sự “hư hỏng, biến chất, sa đoạ”. Nhưng trong dân gian hay dùng để chỉ chuyện nam nữ “quan hệ bất chính, buông thả” (Anh ta mắc tội hủ hoá, làm cô hàng xóm mang bầu). Như vậy, nếu so sánh nhiều từ, ta thấy âm và nghĩa gốc có khi đã bị “mờ” đi. Đó là sự phát triển tự nhiên của ngôn ngữ vay mượn. Khi mượn một cách đúng mức và có phần sáng tạo, người Việt đã thực hiện một công cuộc Việt hoá triệt để nhiều từ ngữ, người cách nói từ tiếng nước ngoài để làm phong phú vốn từ của mình. Trên báo chí hiện nay, các cách nói: … tại sao không (why not), từ… đến… (from… to…), vấn đề là ở chỗ… (tiếng Nga: delo v tom, chto…)… đã quá quen thuộc và thông dụng. Chúng ta dùng theo cách của ta, hoà vào cách nói chung của tiếng Việt và rõ ràng, câu văn vì thế mà sinh động, uyển chuyển hơn. V. I. Lênin đã từng  nói một ý rất hay: “Cái cốc ở nhà anh dùng để đựng nước. Nhưng sang nhà tôi, nó có thể được dùng  làm cái chặn giấy hoặc để nhốt một con bướm”. Đánh giá việc vay mượn từ ngữ cần phải có một cái nhìn lịch sử cụ thể, theo chiều hướng động. Ta chống việc vay mượn tràn lan, song cũng có cái đáng mượn. Có những cái ta mượn và biến thành “tài sản” của ta, khác đến nỗi “chủ nhân” của nó không còn nhận ra khi gặp lại. Phải nói rằng, tiếng Việt đã “giàu” và sinh động hơn nhờ vay mượn và Việt hoá một cách tuyệt vời một số lượng đáng kể từ ngữ gốc Hán và gốc Pháp.
      Một vấn đề nữa vẫn còn gây tranh cãi, đó là việc nên phiên âm, chuyển tự hay để nguyên dạng tiếng nước ngoài? Tôi không bàn đến việc dùng tiếng Anh trong biển hiệu quảng cáo hay thương hiệu hàng hoá. Tôi muốn đề cập tới việc sử dụng trên báo chí. Vì nhiều ý kiến cho rằng phải phiên cách đọc, như thế mới là trong sáng, phục vụ cho đông đảo quần chúng.
      Giao tiếp ngôn ngữ được thực hiện qua 2 “kênh” khác nhau: nói bằng lời (phát âm truyền qua không gian) và đọc bằng mắt (qua tự dạng, nét chữ). Đọc qua kênh thị giác là một cách cảm nhận văn bản phổ biến đối với mọi dân tộc trên thế giới kể từ khi con người phát minh ra chữ viết. Tiếng Việt văn hoá hình thành từ khi có chữ viết. Tên nước ngoài vào Việt Nam (trừ tiếng Hán sẽ đọc theo âm Hán Việt) thường chủ yếu theo các hệ chữ: Xlavơ (như Nga, Bungari và một số nước cộng hoà thuộc Liên Xô cũ), Latin (gồm các nước nói tiếng Pháp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha - ngữ hệ Latin, các nước thuộc Liên hiệp Anh - ngữ hệ Angle-Saxon, Đức - ngữ hệ German), Sanscrit … Với tên riêng viết theo hệ chữ Xlavơ, chúng ta phải chuyển tự (chuyển từ mẫu tự này sang con chữ tương đương ở mẫu tự khác, cụ thể là theo bảng chữ cái Latin có ở hầu hết các máy chữ). Còn với các tên viết theo mẫu tự Latin thì cách tốt nhất là để nguyên dạng.
      Bởi như trên tôi đã nói, giao tiếp bằng mắt phải lấy tự dạng làm căn cứ. Việc phiên cách đọc sẽ dẫn đến hệ quả đầu tiên là đưa ra một cách đọc chủ quan (đúng và sai rất mong manh). Không ai dám chắc là mình sẽ phiên đúng một từ nào đó theo nguyên ngữ (tên của cựu Tổng thống R. Reagan mà người Mỹ cũng còn có 2 cách đọc, Thủ đô Moskva (Nga) sẽ được đọc khác nhau giữa tiếng Nga, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Trung (Moskva, Moscow, Moscou, Moscau). Hệ quả thứ hai là người đọc mất cơ sở để truy tìm. Tôi đảm bảo là nếu phiên âm thì chỉ sau một đêm chúng ta sẽ biến toàn bộ mấy chục cầu thủ 4 đội tham gia tứ kết Cup C1 châu Âu 2010 thành mấy chục cái tên khác. Trừ cái cái tên quá quen (Messi, Ronaldo, Kaka, Rooney, Arshavin…)  phiên ra ta còn nhận được, chứ đa số tên khác, ta rất khó nhận diện (chẳng hạn, Pơ-phap = Pfaff, Cơ-rao = Crouch, Hât-lơ-xtôn-nơ = Huddlesstones…). Để nguyên dạng không làm ảnh hưởng nhiều tới việc cảm thụ. Chính sự nguyên dạng này giúp người đọc theo dõi dễ dàng, không bị gây trở ngại, dùng quen thì điều đó trở nên rất bình thường. Bởi có nhiều tên, do có nhiều cách phiên khác nhau mà người đọc chịu không biết đó là ai. Tôi nhớ năm 2005, Liên hiệp các hội KH&KT VN có tổ chức hội thảo về vấn đề này. Một nhà khoa học đã nói gay gắt: “Các anh cứ ủng hộ việc phiên âm tiếng nước ngoài để phục vụ đa số quần chúng, vì nếu để nguyên dạng thì khác nào đánh đố “dân thường”. Nghĩ như vậy là chúng ta đánh giá thấp quần chúng quá. Quần chúng bây giờ khác xưa rồi. Và ngay cả với những ai còn kém hiểu biết thì thử hỏi các vị phiên âm ra có ích gì? Chẳng có ai đọc báo mà đọc choang choác thành tiếng cả. Nếu cần đọc, họ sẽ đọc theo cách của họ. Có thể chưa chuẩn (mà khó có chuẩn) cũng hề gì. Cứ cho là để nguyên dạng là đánh đố “thằng ít học” đi. Nhưng nếu phiên âm thì vô tình chúng ta đã đánh đố cả “thằng ít học” lẫn “thằng nhiều học”. Ngay các nhà khoa học cũng chẳng biết đâu mà lần”.
      Chúng ta chấp nhận điều này như một “giải pháp tình thế”, giúp cho tiếng Việt ổn định và phát triển đúng hướng. Một văn bản có lẫn vài tên riêng tiếng Anh không hề làm giảm giá trị tiếng Việt mà còn thể hiện tiếng Việt chấp nhận được một biến thể và chứng tỏ trình độ người nói tiếng Việt được nâng cao. Phát triển đúng hướng là tôn trọng những chuẩn mực (từ vựng, ngữ âm, chính tả,…). Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt không thể thoát li vấn đề chuẩn hoá. Mà chuẩn hoá có nghĩa là “lựa chọn một biến thể hợp lí trong những biến thể đang tồn tại”. Nhưng thế nào là chuẩn? Đó là một phạm trù mang tính xã hội. Bởi chuẩn của ngôn ngữ tự nhiên không thể căn cứ vào lí lẽ thuần tuý logic, là ý muốn chủ quan, là những áp lực mang tính quyền uy… Chuẩn ngôn ngữ là một quá trình kiểm nghiệm, sàng lọc, chọn lựa. Có những chuẩn cũ bị phá bỏ để thay bằng chuẩn mới và nhiều khi cả 2 chuẩn này song song tồn tại trong một thời gian (lưỡng khả). Chuẩn là cái đã được định hình, truyền thống nhưng có khi nó lại hình thành từ một “sự vi phạm chuẩn”. Sự sáng tạo ngôn từ của các nhà văn, nhà thơ là một ví dụ. Không ít những lối nói “phá cách” của các nhà văn đã đem lại hiệu ứng bất ngờ và trở thành một nhân tố mới, giúp cho ngôn ngữ phát triển đa dạng hơn.
      Chuẩn luôn tôn trọng tính cộng đồng và dân chủ. Tuy nhiên, chính từ cách hiểu “dân chủ” kia mà hiện tại tiếng Việt đang đứng trước nguy cơ của sự vi phạm. Điển hình là cách nói lóng trong học đường. Đầu tiên chỉ nói cho vui, hoặc nói trong phạm vi hẹp, rồi nhanh chóng lây lan trong diện rộng. Thí dụ,  gọi bố mẹ là “tiền bối lỗi thời”, xe máy là “con nghẽo”, tiền bạc là “máu khô, tiền âm phủ”, bạn gái là “gà tóc nâu”, bạn trai là “xe ôm”, bị kiểm điểm là “chào cờ thứ hai”, ăn điểm kém là “vác gậy Trường Sơn”,… Rồi nói tiếp âm các từ với các tên nổi tiếng: yết kiêu vừa chứ, lỗ tấn to rồi, chớ hồng lâu mộng, phí phạm văn đồng, vô lý thường kiệt, không phan đình rót (mà phan đình tu),… Đáng ngạc nhiên (và đáng sợ) hơn cả là ngôn ngữ chat (tán gẫu trên mạng). Nếu ai đã từng vào mạng, xem các trang blog, email… thì sẽ thấy chỉnh tả tiếng Việt biến dạng như thế nào. Có thể nói là bát nháo, thiên hình vạn trạng.
      Nhiều người cho rằng mạng ở nơi nào cũng thế. Sang Mỹ, Hàn Quốc, Nga, giới trẻ có khi còn “quậy” hơn. Ngôn ngữ chat của họ “khủng” hơn nhiều.  Đó là một trò chơi tiêu khiển mà (!). Nhưng dù là giải trí thì cái gì cũng phải có chừng mực. Hơn nữa, cách dùng theo kiểu tự sáng tạo như vậy không khéo sẽ bị lệch lạc. Cái lạ nhiều khi bị giới trẻ nhầm lẫn với cái tôi và “cái sáng tạo”, “cái hay”. Những cái mới lạ đó rất dễ lây lan, khi đã lây nhiễm rồi, nó cứ như một “con đỉa” bám rất chặt, rất khó gỡ bỏ. Thực tế vừa qua, trong một đợt khảo sát bài viết và bài thi của một số trường THPT tại Hà Nội, chúng tôi phát hiện ra rất nhiều lỗi được cho là “nằm ngoài kiến thức”. Đó là việc viết tắt, viết hoa, viết kèm tiếng nước ngoài vô lối, viết theo ngôn ngữ biến dạng xuất hiện (nhiều ít khác nhau) ở các văn bản học đường đòi hỏi phải tuân thủ các nguyên tắc trường quy. Và mức độ vi phạm lỗi ngày một tăng.
      Đáng tiếc là nhà trường, giáo viên, bố mẹ các em ít quan tâm và nhắc nhở. Giáo dục ngôn ngữ là một mặt quan trọng của giáo dục tri thức học đường. Thật buồn là một bộ phận giới trẻ chỉ mải mê vào các cuộc giải trí mang tính công nghệ (chat, game online…) mà quên không chịu đọc (và không thích đọc) sách báo nói chung. Phải chịu đọc nhiều, tham gia giao tiếp xã hội, chịu “va chạm”  thì chúng ta mới hình thành một “ngữ năng” ổn định, có khả năng đánh giá sự đúng sai và có khả năng trau dồi sự diễn đạt ngôn ngữ của mình.
      Nhìn lại cả quá trình lịch sử, tiếng Việt hôm nay đã thay đổi rất nhiều về diện mạo: giàu hơn và đa năng hơn trong việc thể hiện công cụ giao tiếp ở mọi lĩnh vực. Tiếng Việt chưa đến nỗi rung chuông báo động, giương “đèn đỏ” về sự “mất trong sáng trầm trọng”. Nhưng rõ ràng, tiếng Việt có nhiều vấn đề phải quan tâm nếu không, ngôn ngữ yêu quý này có nguy cơ bị vẩn đục, do chính thái độ của chúng ta. Không có gì là không thể xảy ra, kể cả điều tốt và cái xấu. “Ngôn ngữ là linh hồn dân tộc”. Câu nói của W. Humboldt cần phải nhắc lại như một lời nhắc nhở về lòng tự hào và bổn phận của tất cả những ai thuộc cộng đồng tiếng Việt hôm nay.

nguồn: tgn.edu.vn

Vội vàng


Khuya nghe ngâm thơ cho vui

VOV. Bài thơ "Vội vàng" được in trong tập "Thơ thơ" của Xuân Diệu. Bài thơ tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật thơ Xuân Diệu trước Cách mạng tháng 8 và cũng là một trong những bài thơ hay nhất trong phong trào thơ mới: yêu đời yêu người, song lúc nào nhà thơ cũng trong tâm trạng lo âu tình yêu sẽ bỏ mình ra đi nên lúc nào cũng cuống quýt, vội vàng...

13/6/15

Nhà thơ Nguyên Sa và sự thay đổi cảm nhận thi ca VN


Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-08-02





Kho sách xưa







Gustave Courbet táo bạo, khuynh đảo tư tưởng phải đạo


Những ngày này năm ngoái (2014) dư luận Pháp xôn xao với vụ một nữ nghệ sĩ thoát y trước bức tranh L'Origine du Monde tại bảo tàng Orsay (Paris). Nhiều tờ báo đã đưa tin, ví dụ Le Figaro

Nue devant L'Origine du Monde

L'artiste Deborah de Robertis exhibe son sexe devant le tableau L'origine du Monde de Gustave Courbet au musée d'Orsay en mai 2014, ..  (Le Firago)

11/6/15

Thái Bảo


Nghệ sĩ Thái Bảo . Photo: net
Thái Bảo quê ở Vinh, là một nghệ sĩ đàn bầu, xa nhà ra Hà Nội theo học đàn từ 9 tuổi. Ngoài ra cô còn là một ca sĩ thành công ở cả hai thể loại nhạc nhẹ và dân ca. Cô được nhận xét là "Một giọng hát không quá trẻ mà cũng chẳng chịu già. Cô như người đứng giữa hai thế hệ ca hát để mang thông điệp tình yêu đến cho mọi người: luôn lặng lẽ, cẩn trọng và nghiêm túc trau dồi nghệ thuật ca hát và diễn tấu cây đàn bầu". (wiki).

Nghe cô ca hát và chơi một số ca khúc nổi tiếng. Mấy hôm nay đường truyền tệ, không xem video cô biểu diễn được.




8/6/15

nhạc sĩ Quốc Bảo



Quốc Bảo, tên thật Bùi Quốc Bảo, sinh năm 1973, người Sài Gòn. Tác phẩm đầu tay Em Về Tinh Khôi viết năm 1991, được Thu Hà thu năm 1997 và đã làm nên tên tuổi cô. Ông cũng là người góp công rất lớn trong việc tạo dựng nên tên tuổi Mỹ Tâm, Ngô Thanh Vân, Thủy Tiên, ..

Nghe Quốc Bảo nói chuyện trong một chương trình Tác giả & Tác phẩm của VOH

7/6/15

English-Time for Children


Chương trình tiếng Anh khá vui nhộn, gồm 20 episodes, mỗi epi khoảng 10 phút, rất thích hợp với trẻ em 5 - 10 tuổi, bước đầu làm quen với tiếng Anh.



Gogo's Adventures for English
Disney Magic English 

5/6/15

Vết chim bay


Cõi người có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tưởng
Hay một vết chim bay!

nhà thơ Phạm Thiên Thư. Hình: net
Phạm Thiên Thư tên thật là Phạm Kim Long, sinh năm 1940 tại Hải phòng, quê Thái Bình. năm 1954 theo gia đình di cư vào sống ở Saigon cho đến nay. Có một thời gian (1964 - 1973) ông vào chùa khoác áo thầy tu.

Tác phẩm đã in:

Thơ Phạm Thiên Thư (1968); Kinh Ngọc (Thi hoá Kinh Kim Cương); Động Hoa Vàng (Thơ) 1971); Đạo ca (Nhạc Phạm Duy); Hậu Kiều - Đoạn Trường Vô Thanh, 1972; Kinh thơ (Thi hoá Kinh Pháp Cú); Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài (Thơ); ..

Hôm trước đã nghe một số bản nhạc Phạm Duy phổ từ thơ của ông. Hôm nay nghe Vết Chim Bay do Cung Tiến phổ, Camille Huyền ca

4/6/15

Bài La Paloma do đâu lại được phổ biến nhất thế giới ?


Hôm trước đã từng giới thiệu bản nhạc bất hủ này (xem lại ở đây).
Hôm nay nghe Tuấn Thảo phân tích vì sao nó được phổ biến nhất thế giới.
 Bài phát trong chương trình Tạp Chí Văn Hóa của RFI hôm 25/7/2014

Bài La Paloma do đâu lại được phổ biến nhất thế giới ?

Tuấn Thảo



2/6/15

Gọi em là đóa hoa sầu

Ẩn Lan ơi, em dỗi em hờn .. 

Đoạn Trường Vô Thanh gồm hơn 3 ngàn câu lục bát được Phạm Thiên Thư hoàn thành cuối thập niên 196x (Nến Hồng xb 1972), với ý định muốn viết tiếp câu chuyện về nàng Kiều của Nguyễn Du. Tác phẩm sau đó đã được trao giải nhất Giải Văn học toàn quốc (của miền nam) 1973. Phạm Duy đã lấy một đoạn trong tác phẩm này (từ câu 1717 đến 1750 nằm trong chương XVI Ai để hoa dung) để phổ nhạc thành Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu.

Nghe Vũ Khanh ca