30/11/22

Hạ nhật tuyệt cú

 夏日絕句


生當作人傑, Sanh đương tác nhân kiệt,

死亦為鬼雄。 Tử diệc vi quỷ hùng.

至今思項羽, Chí kim tư Hạng Vũ,

不肯過江東。 Bất khẳng quá Giang Đông.

李清照 Lí Thanh Chiếu.


Giản thể.

生当作人杰,死亦为鬼雄。

至今思项羽,不肯过江东。


Nghĩa. Bài tuyệt cú viết trong ngày hè.

Sống thì phải làm người hào kiệt, 

Chết cũng làm ma anh hùng.

Đến nay vẫn nhớ Hạng Vũ (sau khi thất bại), 

(Thẹn với người Giang Đông nên chịu chết mà) không trốn qua Giang Đông (chờ cơ khôi phục).


Chú.

- 人傑 nhân kiệt: bậc hào kiệt trong đời. Hán Cao tổ Lưu Bang từng ca ngợi Trương Lương, Tiêu Hà và Hàn Tín (ba vị khai quốc công thần của nhà Hán) là “nhân kiệt” 

- 鬼雄 quỷ hùng: anh hùng trong loài quỷ. Khuất Nguyên trong bài Quốc thương viết tế tướng sĩ trận vong có câu: Thân ký tử hề thần dĩ linh, Hồn phách nghị hề vi quỷ hùng (Thân mất rồi anh linh vẫn còn, hồn phách trở thành quỷ anh hùng).

- 項羽 Hạng Vũ, tức Tây Sở Bá Vương, người cùng Lưu Bang tranh đoạt thiên hạ.  

- 江東 Giang Đông, nơi thủa ban đầu Hạng Vũ theo người chú khởi binh chống Tần. Trong trận Cai Hạ, Hạng Vũ thua to, chỉ còn ít quân lính theo hầu, chạy đến bờ sông Ô giang. Tại đây có người cắm thuyền đợi ông vượt sông qua Giang Đông tìm cơ phản công. Nhưng Hạng Vũ tự thẹn vì đã dẫn mấy ngàn con em Giang Đông ra trận, nay trở về chỉ được mấy người. Bèn tự sát, tặng đầu mình cho người dân Giang Đông đem đi lãnh thưởng.

李清照 Lí Thanh Chiếu là nữ từ gia nổi tiếng thời Tống, được người Tàu tôn xưng là “Thiên hạ đệ nhất tài nữ”. Bà sinh ra trong gia đình thế tộc, cha mẹ đều là người giỏi văn chương; lớn lên lấy chồng cũng thuộc dòng dõi quyền quý. Gặp buổi loạn li, cha mẹ hai bên dính líu vào những phe phái trong triều đấu đá nhau, nên cuộc đời bà cũng đắng cay nhiều nỗi. 

Bài thơ trên đây bà viết khi quân Kim tiến vào Trung nguyên, quân binh nhà Tống nhiều nơi không đánh mà chạy.


Tạm dịch.

Sống phải làm hào kiệt, 

Chết thành ma cũng hùng. 

Nhớ Hạng Vũ thà chết,

Không chịu lánh Giang Đông.  


Mấy ngày này đang có biểu tình "bạch chỉ" ở Tàu. (Hình nytimes)



29/11/22

Hỏa lô tiền tọa

火爐前坐  

孤燈照不寐      Cô đăng chiếu bất mị,

風雨滿西林      Phong vũ mãn tây lâm.

多少關心事      Đa thiểu quan tâm sự,

書灰到夜深      Thư hôi đáo dạ thâm.

李群玉                    Lí Quần Ngọc.

Giản thể. 火炉前坐. 孤灯照不寐,风雨满西林。多少关心事,书灰到夜深

Nghĩa. Ngồi trước lò sưởi.

Ngọn đèn lẻ loi chiếu sáng không ngủ được, rừng phía tây mưa gió đầy trời.
Chuyện nhà, chuyện thời thế, bao nhiêu chuyện khiến lòng băn khoăn lo lắng,
nên ngồi mãi đến tận khuya lò sưởi tro đã tàn mà vẫn không viết được gì.

Tạm dịch

Đèn hắt hiu không ngủ,

Ngoài trời mưa gió to.

Loạn tâm còn lắm chuyện,

Ngồi hoài bên đám tro.

Chú

火爐 hỏa lô: hỏa lò, lò sưởi.

不寐 bất mị: không ngủ. 西林 tây lâm: rừng phía tây nhà tác giả.

書灰 thư hôi: viết bên đám tro tàn. Ở đây, thư hôi được nhiều nhà bình luận cho là tác giả mượn cách dùng chữ 書空 thư không (dùng tay viết lên không) trong chuyện Ân Hạo: Ân Hạo là danh tướng thời Đông Tấn dẫn quân bắc phạt thất bại, bị cách chức, ngày ngày cử ngơ ngẩn giơ tay viết lên không (書空) bốn chữ đốt đốt quái sự 咄咄怪事 (ôi chao kì quái). Thư hôi như thế, ý là nhà thơ có những cái băn khoăn thao thức mà khó lòng nói ra hết được. 灰 hôi (khôi), từ điển Thiều Chữu giảng: tro; vật gì đốt ra tro rồi không thể cháy được nữa gọi là tử hôi 死灰. Vì thế nên sự gì thất ý không có hi vọng nữa gọi là tâm hôi 心灰. 
李群玉 Lí Quần Ngọc (813-860) tự Văn Sơn, là thi nhân thời Vãn Đường. Giỏi thư pháp, thích thổi sáo, từng thi tiến sĩ không đậu, sau đến Trường An cũng nhận được một chức quan nhỏ. Được ít lâu thì từ chức về quê. Đa tài nhưng không gặp thời, lại mắc bệnh tiểu đường, phải sống trong nghèo khó, nên thơ ông thường buồn.  

28/11/22

Trúc lí quán

 竹裏館                   

獨坐幽篁裏      Độc tọa u hoàng lí,

彈琴復長嘯      Đàn cầm phục trường khiếu.

深林人不知      Thâm lâm nhân bất tri,

明月來相照      Minh nguyệt lai tương chiếu.

王維                          Vương Duy

Giản thể. 独坐幽篁里,弹琴复长啸。深林人不知,明月来相照

Nghĩa: Nhà trong rừng trúc

Ngồi một mình trong rừng trúc âm u, gảy đàn rồi ngâm thơ ca hát nghêu ngao.
Rừng sâu nên người không biết đến, Chỉ có trăng sáng tới soi lên người.

Tạm dịch:

Một mình rừng trúc vắng,

Đàn chán hát nghêu ngao.

Rừng rậm không ai biết,

Chỉ trăng sáng ghé vào.

Chú

- 竹裏館 Trúc lí quán là một căn nhà trong sơn trang của Vương Duy khi ẩn cư ở Võng Xuyên, chung quanh nhà là rừng tre nên có tên vậy. quán: phòng xá

- 幽篁 u hoàng: rừng tre thâm u.  hoàng: bụi tre, rừng tre.

- lâm, rừng, chỉ rừng trúc thâm u ("幽篁”).

- 長嘯 trường khiếu: chúm miệng huýt sáo, ở đây là ca, ngâm.

Vương Duy là nhà thơ thời Thịnh Đường, tài kiêm thi thơ nhạc họa, tinh thông Phật pháp, người đời sau tôn xưng là Thi Phật.

Hình trên mạng


27/11/22

Tạp thi kì 3

 雜詩其三 

已見寒梅發      Dĩ kiến hàn mai phát,

復聞啼鳥聲      Phục văn đề điểu thanh.

愁心視春草      Sầu tâm thị xuân thảo,

畏向玉階生      Úy hướng ngọc giai sanh.

王維                          Vương Duy

Giản. 已见寒梅发,复闻啼鸟声。心心视春草,畏向阶前生

Nghĩa.

Đã thấy mai nở trong (mùa đông) giá lạnh, lại nghe tiếng chim hót (trong mùa xuân).
Lòng buồn nhìn cỏ xuân, sợ rằng nó sẽ lan tới bậc thềm mà mọc.

Tạm dịch

Đã thấy hoa mai nở,

Lại nghe chim hót ca.

Xuân buồn nhìn cỏ biếc,

Sợ lấn tới thềm nhà.

Chú

寒梅 hàn mai: hoa mơ, vì hoa nở khi thời tiết giá lạnh, nên gọi hàn mai (hàn : lạnh).

復聞 phục văn: lại nghe. phục (phó từ): lại.

啼鳥聲 đề điểu thanh: tiếng chim hót. đề: kêu.

玉階 ngọc giai: thềm ngọc; thường chỉ là cách nói khoa trương, thực ra chỉ là 石階 thạch giai: thềm đá. ngọc: đá quý. bản khác: “階前” giai tiền: trước thềm.

úy: sợ.

Bài thơ tả tâm tình một thiếu phu. có chồng đi lính thú xa. Ngày xuân nhìn hoa nở chim hót lòng xót xa nhớ chồng. Nhìn đám cỏ xuân xanh tươi, lại lo nó sẽ lan đến thềm, vì chàng vẫn chưa về, cỏ mọc thềm hoang.


Mai điểu. Tranh thủy mặc Tàu. Hình internet


24/11/22

Tạp thi kì 1

 雜詩其一

家住孟津河      Gia trú Mạnh Tân hà,

門對孟津口      Môn đối Mạnh Tân khẩu.

常有江南船      Thường hữu Giang Nam thuyền,

寄書家中否      Kí thư gia trung phủ?

王維                          Vương Duy

Giản thể. 家住孟津河,門對孟津口。 常有江南船,寄書家中否

Nghĩa.

Nhà ở bên sông Mạnh Tân, trước cửa nhà là bến sông mạnh Tân.
Thường có thuyền cập bến Giang Nam, (trong nhà có ai) đã gởi thư về nhà chưa?

Tạm dịch

Nhà ở cạnh bờ sông,

Đối diện bến đò đông,

Thuyền ở quê thường tới,

Thư nhà có gởi không?

Chú

孟津河 Mạnh Tân hà: sông Mạnh Tân, chỉ phần sông Hoàng Hà ở phía bắc Lạc Dương, Hà Nam; một con đường giao thông quan trọng thời xưa.

孟津口 Mạnh Tân khẩu: bến sông Mạnh Tân. khẩu: cửa, (chỗ ra vào, thông thương). Như: cảng khẩu 港口 cửa cảng, môn khẩu 門口 cửa ra vào, hạng khẩu 巷口 cửa ngõ hẻm, hải khẩu 海口 cửa biển.

江南 Giang Nam: tên tỉnh.

寄書 kí thư: gởi thư. kí: gởi.

phủ (phó từ): không, hay không (dùng để hỏi). 知道否 tri đạo phủ? biết hay không?

Tranh thủy mặc Tàu (Hình trên mạng)



22/11/22

Tạp thi 2

雜詩 (其二)          

君自故鄉來,         Quân tự cố hương lai,

應知故鄉事      Ưng tri cố hương sự.

來日綺窗前,         Lai nhật ý song tiền,

寒梅著花未。            Hàn mai trước hoa vị.

王維                          Vương Duy

Giản thể. 君自故乡来,应知故乡事。来日绮窗前,寒梅著花未

Nghĩa: Thơ linh tinh (bài 2)

Anh từ quê ra, hẳn biết rõ chuyện quê nhà.
Hôm anh đến nhà tôi, cây mai trước cửa sổ trong thời tiết giá lạnh đã nở hoa chưa vậy.

Tạm dịch:

Bác ở quê vừa ra,

Hẳn hay biết chuyện nhà.

Hôm ấy bên song cửa,

Thấy chăng mai nở hoa?

Chú

- 其二 kì nhị: bài hai. Vương Duy có chùm ba bài nhan đề “Tạp thi”, đây là bài hai, nổi tiếng hơn cả.

- 君自故鄉來 quân tự cố hương lai: bác từ quê ra. quân: đại từ ngôi 2 (tôn xưng).

- 應知:知道 Ưng tri = tri đạo: biết rõ.

- 來日 ngày ấy (ngày bác đến nhà).

- 綺窗 ỷ song = cái cửa sổ đẹp đẽ. khỉ (ta quen đọc là ỷ): nghĩa gốc là loại lụa có hoa văn đẹp, nghĩa rộng là đẹp đẽ.

- 寒梅 hàn mai: cây mơ (không phải cây mai vàng ở ta). Mơ thường ra hoa trong thời tiết lạnh lẽo, nên gọi hàn mai ( hàn: lạnh). 著花 trước hoa: nở hoa.

- vị (phó từ): chưa, đặt ở cuối câu, dùng để hỏi, tương đương với phủ “否”).

王維 Vương Duy, nhà thơ thời Thịnh Đường, tài kiêm thi, thư, nhạc, họa; tinh thông Phật pháp, được người đời sau tôn là Thi Phật.
Tô Đông Pha, nhà thơ nổi tiếng đời Tống, nhận xét về Vương Duy: Vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi: Nhắm thơ ông Ma Cật làm, thấy trong thơ có họa; ngắm bức họa ông Ma Cật vẽ, thấy trong họa có thơ.



Hàn mai ngạo tuyết. Hình trên mạng


20/11/22

Nhạc sến

(Ghi chép cũ trên fb 20/11/2016)

--------------------------------------

Gần đây thấy Lê Minh Sơn bị ném đá ghê quá, tò mò tìm đọc bài phỏng vấn LMS trên Zing. Câu bị ném đá, nguyên văn như này: “Dưới góc độ kiếm tiền thì việc bùng nổ các đêm nhạc bolero là rất tốt nhưng đối với người sáng tạo thì đấy là sự trì trệ và đau khổ". [1] Thú thật, tôi không biết khi nói như thế LMS sai cái gì ?

Hãy cứ cho là nhạc bolero là hay, quí cỡ .. Kiều, thơ Lý Bạch hay tranh Raphael đi. Và hãy thử tưởng tượng nếu như bây giờ bỗng dưng ai cũng làm, cũng đọc thơ lục bát hay thơ Đường luật hoặc đâu đâu cũng vẽ, cũng xem tranh tả chân .. thế không phải trì trệ thì là gì ?

Huống gì nhạc boléro đâu đã hay đã quí cỡ đó ?..

Nhạc boléro là từ được dùng thay cho từ "nhạc sến" mang tính dè bĩu được dùng trước đây, dù thật ra nhạc sến không chỉ mỗi boléro. Có lẽ sến hay không là do cách hát. Nhạc gì vô tay Chế Linh, Thanh Thúy cũng thành sến, ngược lại một bản bolero vô tay Thái Thanh, Lệ Thu nghe vẫn rất sang. Nhưng dĩ nhiên nhạc viết theo điệu bolero dành nhiều đất để "sến" hơn.

Trước 1975 thiệt tình tôi không mấy khi chủ động tìm nghe nhạc sến, nhưng từ radio, từ băng dĩa ai đấy mở .. tôi cũng nghe được hàng ngày. Và những lúc buồn, hay học hành mệt nhọc, nghêu ngao dăm câu hát, chợt nhận ra mình vừa ca mấy câu nhạc sến. Nhìn quanh bạn bè là hs sv, thấy hầu hết cũng thế, không mấy ai đánh giá cao, tìm nghe dòng nhạc này.

Nói chung hồi ấy nhạc được chia thành hai dòng chính, nhạc sến và nhạc sang. Dĩ nhiên không ít bản nhạc sến rất hay, cũng như không ít bản nhạc sang dở ẹt; nhưng sự phân loại là thế, và ít thấy anh chàng svhs nào chủ động tìm nghe nhạc sến. Ông giáo sư triết học Nguyễn Văn Trung lò mò đi phòng trà nghe Thanh Thúy ca cũng là để về viết nhận định Ảo ảnh Thanh Thúy, chứ nhạc nhẽo thì chắc ông chả chú ý gì, là tôi đoán thế.

Vì gần đây, đọc trên mạng hồi ức của một số người sống trong giai đoạn ấy cũng thấy cái suy nghĩ ấy - không coi trọng nhạc sến mấy.

Đây là nhà thơ Đỗ Trung Quân, hiện giờ rất thích bolero nhưng hồi ấy thì: Thuở ấy, tôi nghe Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên... tôi cũng đã từng cười vào những bài hát boléro: "Mưa ướt lạnh trong đêm... Đứng bên thềm ga vắng… hắt hiu ngọn đèn vàng em tiễn anh…". Tôi từng bĩu môi: "Gác lạnh về khuya cơn gió lùa… trăng gầy nghiêng bóng cài song thưa… nhớ ai mà ánh đèn hiu hắt… gác trọ buồn đơn côi, phố nhỏ vắng thêm một người…" [2]

Đây là nhạc sĩ Nam Lộc, sáng tác nhạc sến theo yêu cầu nhà sản xuất nhưng không dám kí tên: "Nhưng mà đến khi một nhà sản xuất, là anh Ngọc Chánh, yêu cầu tôi viết bài “Mùa thu lá bay” nhạc Tàu thì tôi cũng viết nhưng ông ấy bắt tôi viết đến cái độ mà nó sát, hát lên là mọi người có thể hát được một cách dễ dàng, và hiểu được.

Nhạc điệu thì nó không quá trau chuốt giống như là nhạc Tây phương của các loại nhạc mà chúng ta gọi là “nhạc sang” có vẻ nhạc thính phòng. Nhạc đại chúng thì những cái điệu như là Boléro, nhịp ¾ rồi sau đó vào điệp khúc rồi trở lại.

Khi mà hoàn tất thì tôi lại không dám ký tên tôi mà tôi dùng cái bút hiệu Lệ Thanh, là tên cái rạp Tàu mà chiếu cái phim này." [3]

Đây là ý kiến của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: "Không phải mình phân chia giai cấp, nhưng loại nhạc đó được giới bình dân nghe nhiều hơn. So với nhạc vàng, lời nhạc sến còn bình dân hơn: Ước gì nhà mình chung vách, anh khoét bức tường, anh qua thăm em. Chung quy cũng là nhạc trữ tình. Nhạc cho người có hiểu biết chút xíu gọi là nhạc vàng, còn cho người ít hiểu biết gọi là nhạc sến." [4]

Sau 1975 tôi thường chủ động tìm nghe nhạc sến hơn, và đến lúc ấy mới biết đến tên Trúc Phương, Vinh Sử, Lam Phương .. dù nhạc của họ, như đã nói, từng nghe trước đó nhiều lần, một cách thụ động. Phải chăng vì bây giờ mới thấm được "Bolero là nhạc. Nhưng nó không chỉ là nhạc. Nó mang tâm tình của một xứ sở, kí ức của nhiều thế hệ. Nó mang trong nó cái dấu ấn của thời đại bi thương đã sản sinh ra nó, dấu ấn của hàng triệu thân phận mà nó chia sẻ", như lời bình trong một phim tài liệu mới xem gần đây ? [xem video cuối bài]

Cho dầu vậy, tôi vẫn nghĩ việc cả nước từ nam ra bắc, từ già đến trẻ, từ sân khấu đến TV đều nghe, đều hát bolero là một sự trì trệ. Và cho dù (nếu như) Lê Minh Sơn chưa có những sáng tác hay, thuyết phục được mọi người, thì với tư cách một nghệ sĩ sáng tác, ông lo lắng, đau khổ về sự trì trệ ấy là đúng rồi, còn gì. Trong một đoạn dưới trong bài phỏng vấn dẫn trên, Lê Minh Sơn viết rõ hơn: “Tôi là người sáng tạo và tôi muốn mang đến những sản phẩm mới thay vì những thứ cũ

Chợt nhớ chuyện mấy ông đồ nho mắng Xuân Diệu hồi đầu thế kỷ trước, rằng những câu ông viết nửa tây nửa ta, tiếng quốc ngữ chưa rành, nói chi vần điệu, thế mà cũng dám gọi là thơ!.

Xem bộ phim tài liệu về dòng nhạc boléro dẫn trên:

https://www.youtube.com/embed/uqBe9Qz1VQw

-------------

[1] http://news.zing.vn/le-minh-son-bung-no-dem-nhac-bolero-la-tri-tre-va-dau-kho-post694365.html

[2] http://vietbao.vn/Van-hoa/Nhac-sen-la-nhac-gi/45165146/181/

[3] http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VnMusicForTheMassAndForMidLevelClassP2_TNga-20061105.html

[4] https://www.facebook.com/notes/nh%E1%BA%A1c-v%C3%A0ng/nguy%E1%BB%85n-%C3%A1nh-9-gi%E1%BA%A3i-th%C3%ADch-v%E1%BB%81-nh%E1%BA%A1c-v%C3%A0ng-nh%E1%BA%A1c-s%E1%BA%BFn/553103564749011/

19/11/22

6 BÀI HỌC XƯƠNG MÁU

đọc được trên fb
-------------------
Bài học 1:
Một con đại bàng đang đậu trên cây nghỉ ngơi, chẳng làm gì cả. Một con thỏ con nhìn thấy thế hỏi:
- Tôi có thể ngồi không và chẳng làm gì như anh được không?
Đại bàng trả lời:
- Được chứ, sao không.
Thế là con thỏ ngồi xuống nghỉ ngơi. Bỗng dưng 1 con cáo xuất hiện, vồ lấy ăn thịt con thỏ.
Bài học xương máu:
Để được ngồi không chẳng làm gì thì phải ngồi ở vị trí thật cao.

Bài học 2:
Một tu-sĩ nam ngỏ ý mời tu-sĩ nữ đi chung xe.
Người nữ chui vào xe, ngồi bắt chéo chân để lộ 1 bên bắp đùi trắng muốt. Người nam suýt nữa thì gây tai nạn. Sau khi điều chỉnh lại tay lái, người nam thò tay mò mẫm lên đùi người nữ. Nữ kêu:
- Xin ngài, hãy nhớ điều răn 129.
Nam liền bỏ tay ra. Nhưng sau khi vào số, nam lại tiếp tục sờ soạng chân nữ. Một lần nữa, nữ kêu:
- Xin ngài, hãy nhớ điều răn 129.
Nam thẹn quá:
- Xin lỗi nữ, tôi trần tục quá.
Tới nơi, nữ thở dài và bỏ đi. Vừa tới nhà tu, nam vội chạy vào thư viện tra cứu ngay cái điều răn 129 ấy, thấy đề: "Hãy tiến lên, tìm kiếm, xa hơn nữa, con sẽ tìm thấy hào quang."
Bài học xương máu:
Làm gì mà không nắm rõ thông tin thì sẽ luôn bỏ lỡ các cơ hội.

Bài học 3:
1 nhân viên bán hàng, 1 thư ký hành chính và 1 sếp quản lý cùng đi ăn trưa với nhau sau một cuộc họp căng thẳng. Vô tình cô thư ký bắt được 1 cây đèn dầu cổ. Họ xoa tay vào đèn và thần đèn hiện lên.
Thần đèn bảo:
- Ta cho các con mỗi đứa 1 điều ước.
- Tôi trước! tôi trước! cô thư ký hành chính nhanh nhảu nói: Tôi muốn được ở Venice thơ mộng, lái canô và quên hết sự đời.
Puff. Cô thư ký biến mất.
- Tôi! Tôi! anh nhân viên bán hàng nói: tôi muốn ở Hawaii nằm dài trên bãi biển có nhân viên massage riêng, nguồn cung cấp Pina Coladas vô tận và với người tình trăm năm.
Puff. anh nhân viên bán hàng biến mất.
- Ok tới lượt anh. Thần đèn nói với ông quản lý.
- Ông quản lý nói: tôi muốn 2 đứa đấy có mặt ở Văn phòng làm việc ngay sau bữa trưa.
Bài học xương máu:
Luôn luôn để Sếp phát biểu trước.

Bài học 4:
Một con gà rừng trò chuyện với một con bò.
- "Tớ muốn mình có thể trèo tới trên ngọn cây kia". Nói xong, nó thở dài than: “Nhưng tớ chẳng đủ sức.”
- “Hả, sao cậu không chén một ít phân của tớ?” Con bò đáp, “Phân tớ bổ lắm đó, toàn chế biến từ cỏ tươi. Chén xong sức lực sẽ tăng lên gấp bội.”
Con gà đớp vào đống phân bò và thực sự có được đủ sức mạnh để trèo được lên một cành cây thấp nhất.
Ngày hôm sau, sau khi đớp thêm một mớ phân bò nữa, con gà rừng leo lên được cành thứ hai.
Cuối cùng, sau bốn hôm đớp phân bò như thế, con gà hãnh diện trèo được lên đậu trên ngọn cây. Tức thì nó bị một nông dân trông thấy, và ông ta bắn nó rơi khỏi ngọn cây.
Bài học xương máu:
Những thứ rác rưởi có thể đưa anh lên một đỉnh cao, nhưng không thể giúp anh bám trụ được lâu dài ở đó.

Bài học 5:
Con chim nhỏ bay về phương Nam tránh rét. Trời lạnh quá con chim bị đông cứng lại và rơi xuống 1 cánh đồng lớn.
Trong lúc nó nằm đấy, 1 con bò đi qua ỉa vào người nó.
Con chim nằm giữa đống phân bò nhận ra rằng người nó đang ấm dần. Đống phân ấy đã ủ ấm cho nó. Nó nằm đấy thấy ấm áp và hạnh phúc, nó bắt đầu cất tiếng hót yêu đời.
1 con mèo đi ngang nghe tiếng chim hót liền tới thám thính. Lần theo âm thanh con mèo phát hiện ra con chim nằm dưới đống phân, nó liền bới và kéo con chim ra. Dĩ nhiên sau đó là ăn thịt con chim.
Bài học xương máu:
1. Không phải thằng nào ị vào mình cũng là kẻ thù của mình,
2. Không phải thằng nào kéo mình ra khỏi đống phân cũng là bạn mình,
3. Khi đang ngập ngụa trong đống phân thì tốt nhất là ngậm cái mồm lại.

Bài học 6:
Ông chồng vào buồng tắm sau khi vợ vừa mới tắm xong, ra khỏi buồng tắm nhưng chưa kịp mặt quần áp. Đúng lúc đó có tiếng chuông cửa reo. Cô vợ vội quấn khăn tắm vào và chạy xuống mở cửa. Cửa mở, thì ra là ông hàng xóm Bob. Chị vợ chưa kịp nói gì thì Bob đã bảo: Tôi sẽ đưa chị 800 đô nếu chị buông cái khăn tắm kia ra .
Suy nghĩ 1 chút, thấy trên phố không có ai, chị vợ buông khăn tắm, đứng trần truồng trước mặt Bob.
Sau hơn một phút ngắm nghía, Bob đưa 800 đô cho chị vợ rồi đi.
Chị vợ quấn lại khăn tắm vào người rồi quay vào nhà. Vào đến cửa phòng tắm, chồng hỏi:
- Ai đấy em?
- Ông Bob hàng xóm.
- Nó có đưa em 800 đồng trả cho anh không?
Bài học xương máu:
Nếu trao đổi trung thực, kịp thời thông tin tài chính với cổ đông của mình thì sẽ không bị lột truồng sự thật một cách bất ngờ.

18/11/22

Tương tư

相思                      

紅豆生南國      Hồng đậu sinh Nam quốc

春來發幾枝      Xuân lai phát kỉ chi?

願君多採擷      Nguyện quân đa thái hiệt,

此物最相思      Thử vật tối tương tư.

王維                          Vương Duy.

Giản thể. 红豆生南国,春来发几枝。 愿君多采撷,此物最相思

 Nghĩa: Nhớ nhau

Đậu đỏ sinh ra ở đất phương nam, Mùa xuân đến, nẩy được bao nhiêu cành mới.
Xin người hãy hái cho nhiều, Vật ấy gợi nhiều nỗi tương tư.

Tạm dịch:

Đậu đỏ phương Nam trồng,

Xuân về nhiều nhánh không.

Người ơi hái nhiều nhé,

Mỗi hạt mỗi chờ mong.

Chú

- 紅豆 hồng đậu: là loại cây sinh trưởng vùng Giang Nam, có hột hình tròn, màu đỏ tươi, rất cứng, có thể làm thành đồ trang sức cài lên tóc hay vòng đeo tay đeo cổ .. Tương truyền xưa có người vợ nghe tin chồng đi lính thú mất nơi biên địa, khóc đến chết, nước mắt hóa thành hồng đậu, nên còn gọi là 相思子 hạt tương tư, là đề tài của nhiều thơ, ca. Có thể tìm trên Youtube các bài hát nhan đề 紅豆 (Đặng Lệ Quân, Vương Phi), 紅豆生南國 (nhạc phim Hậu Tây du kí, Đồng Lệ ca). Bài thơ của Vương Duy cũng đã được phổ nhạc, có thể tìm nghe trên Youtube.

- 南國 Nam quốc: chỉ vùng Ngũ Lĩnh, Lĩnh Nam (Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Đông, Quảng Tây, ...), vùng đất phía nam của nước Tàu.

- 採擷 thái hiệt, dị bản: 採摘 thái trích, đều có nghĩa ngắt hái.

王維 Vương Duy (701 – 761), tự Ma Cật, nhà thơ thời Thịnh Đường, tài kiêm thi thư nhạc họa, am tường Phật pháp, hậu thế tôn xưng là Thi Phật.



14/11/22

Xuân giang khúc

 春江曲 

江水春沉沉      Giang thủy xuân trầm trầm,

上有雙竹林      Thượng hữu song trúc lâm.

竹葉壞水色      Trúc diệp hoại thủy sắc,

郎亦壞人心      Lang diệc hoại nhân tâm.

郭震                          Quách Chấn.

Giản thể. 江水春沉沉,上有双竹林。竹叶坏水色,郎亦坏人心

Nghĩa. Khúc hát sông xuân.

Sông mùa xuân nước xanh thăm thẳm, Trên hai bên bờ sông có rừng tre.
Lá tre làm hỏng màu nước, còn chàng thì làm hỏng trái tim em.

Tạm dịch.

Xuân nước sông thăm thẳm,

Bờ tre xanh biếc màu.

Lá làm hư sắc nước,

Chàng khiến tim em đau.

Chú

沉沉 trầm trầm: nặng nề; sâu thẳm. trầm: chìm. Cũng viết . 沉沒 trầm một: chìm đắm. 石沉大海 thạch trầm đại hải: đá chìm đáy biển. 深沉 sâu sắc.

() hoại: phá hỏng, mục nát. 破壞 phá hoại: phá hỏng. 敗壞 bại hoại: làm hỏng.

lang: chàng (tiếng phụ nữ gọi chồng hay tình nhân).

Quách Chấn 郭震 (656 - 713) nhà thơ thời Sơ Đường. Vốn là danh tướng, tể tướng triều Đường, về sau bị bãi chức, biếm đến Tân Châu (nay thuộc Quảng Đông) làm tư mã, bệnh chết trên đường đi nhậm chức.

13/11/22

Trái tim mùa đông

Như Quỳnh sinh 1970, từng đoạt giải nhất Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 1991, đã cùng cha qua Mĩ định cư theo diện HO năm 1993. Năm sau, 1994, cô kí hợp đồng với TT Asia, xuất hiện trong chương trình "Asia 6 - Giáng Sinh Đặc Biệt" với bài hát Người Tình Mùa Đông. Và từ đó bài hát đã gắn liền với tên tuổi cô ca sĩ người Quảng Trị này. 


Người tình mùa đông do Anh Bằng đặt lời Việt từ ca khúc “Ruju” (Thỏi son hồng) sáng tác vào năm 1972 của nữ nhạc sĩ người Nhật Miyuki Nakajima. Nghe bài hát qua giọng ca của nữ ca sĩ Naomi Chiaki.


Bài hát trước đó cũng đã được đặt lời Hoa với nhan đề 容易受傷的女人 - Dung dị thụ thương đích nữ nhân = Người con gái dễ bị tổn thương do Vương Phi trình bày trong album “Coming Home” ra mắt năm 1992. Nghe Vương Phi ca


Nghe Người tình mùa đông với vài giọng ca khác

Quốc Khanh và Hoàng Thục Linh


Jack và Thai Binh







12/11/22

Đăng U châu đài ca

 登幽州臺歌         

前不見古人                  Tiền bất kiến cổ nhân,

後不見來者                  Hậu bất kiến lai giả.

念天地之悠悠             Niệm thiên địa chi du du

獨愴然而涕下             Độc sảng nhiên nhi thế hạ.

陳子昂                                Trần Tử Ngang

Giản thể. 前不见古人,后不见来者。 念天地之悠悠,独怆然而涕下

Nghĩa: Bài ca viết khi lên đài U châu.

Trước không thấy người xưa, sau không thấy người đến.
Ngẫm trời đất mênh mông, một mình cảm thương rơi nước mắt.

Tạm dịch

Trước không thấy người xưa,

Sau không thấy ai tới.

Ngẫm trời đất mênh mang,

Một mình nước mắt rơi.

Chú

- 幽州 U Châu: tên đất, nay là Bắc Kinh. 幽州臺 U Châu đài: địa điểm nay ở Đại Hưng, Bắc Kinh, do Yên Chiêu Vương (thời Chiến quốc) xây dựng để làm nơi chiêu nạp hiền sĩ.

- 古人 cổ nhân: người xưa.

- 來者 lai giả: người đến.

- niệmtưởng đến。悠悠 du du: dằng dặc, mênh mang, cũng viết攸攸.

- 愴然 sảng nhiên: bi ai, buồn bã. thế nước mắt

陳子昂 Trần Tử Ngang nhà thơ thời Sơ Đường. Làm quan dưới triều Võ Tắc Thiên, tính thẳng, dám phản bác, từng bị tù. Bất đắc chí, năm 38t xin từ chức. Nhưng sau vẫn bị bách hại chết trong tù lúc mới 41 tuổi.

Nhận thấy thơ văn bấy giờ lời lẽ đẹp đẽ mà sáo rỗng, ông cổ súy việc phục cổ, lấy lại cái hồn cốt của thơ văn Hán Ngụy, thơ văn phải có “kí thác”. Nói là phục cổ, thật sự là cách tân, về sau được nhiều nhà thơ tài năng khác tiếp sức, mở ra một thời đại thi ca rực rỡ nhất trong lịch sử Tàu. Vì thế ông được tôn xưng là Thi tổ của thơ Đường.

11/11/22

Sơ nhập Thiểm khổ phong kí hương thân hữu

 

初入陝苦風寄鄉親友

故鄉今日友      Cố hương kim nhật hữu,

歡會坐應同      Hoan hội tọa ưng đồng.

寧知巴峽路      Ninh tri Ba hạp lộ,

辛苦石尤風      Tân khổ Thạch Vưu phong.

陳子昂                    Trần Tử Ngang.

Giản thể. 故乡今日友。 欢会坐应同。 宁知巴峡路。 辛苦石尤风。

Nghĩa. Mới vào đất Thiểm gặp gió rét viết gởi bạn bè người thân nơi quê nhà.

Hôm nay bạn bè nơi quê nhà hẳn là đang vui vẻ ngồi chơi với nhau.
Nên biết trên đường qua Ba hạp, ta đang khổ sở với những ngọn gió ngược.

Tạm dịch

Bè bạn nơi quê cũ,

Hôm nay tụ họp vui.

Hay chăng trên sóng nước,

Ta gió dập mưa vùi.

Chú

Thiểm: tên gọi tắt của 陝西 Thiểm Tây /shǎnxī/, một tỉnh nằm ở vùng Tây bắc nước Tàu. (Thiểm Tây còn đucợ gọi là Tần, hay Tam Tần).

苦風 khổ phong: tức 苦風凄雨 hay 悽風苦雨 thê phong khổ vũ: mưa to gió rét, chỉ hoàn cảnh khắc nghiệt.

鄉親友 hương thân hữu: bạn bè người thân ở quê nhà.

ưng: có lẽ, có thể, hẳn là.

ninh: thà, nên. 寧死不屈 ninh tử bất khuất: thà chết chứ không chịu khuất phục.

巴峽 Ba hạp: địa danh. Sông Trường Giang chảy tới núi Ba, nước chảy rất siết, nên khúc này gọi là Ba hạp. hạp, thường đọc là giáp, hiệp; là dòng nước hẹp và dài chảy giữa hai núi; eo biển; chỗ mỏm núi thề vào trong nước.

石尤風 Thạch Vưu phong: cơn gió ngược. Truyện kể nàng họ Thạch có chồng họ Vưu, thường dùng thuyền đi buôn xa lâu ngày, nàng ở nhà mong chồng mòn mõi đến chết. Trước khi chết nguyện hóa thành cơn gió ngược cản trở thuyền ra khơi để những phụ nữ bớt đi nỗi khổ chờ đợi như nàng.

10/11/22

Tặng Kiều thập nhị thị ngự

 題祀山烽樹贈喬十二侍御

Đề Tự Sơn Phong thụ tặng Kiều thập nhị thị ngự

漢庭榮巧宦      Hán đình vinh xảo hoạn,

雲閣薄邊功      Vân các bạc biên công.

可憐驄馬使      Khả liên thông mã sứ,

白首為誰雄      Bạch thủ vị thùy hùng.

陳子昂                    Trần Tử Ngang.

Giản thể. 汉庭荣巧宦,云阁薄边功。可怜骢马使,白首为谁雄

Nghĩa. Đề cây ở  Tự Sơn Phong để tặng quan thị ngự Kiều thứ mười hai

Triều đình nhà Hán vinh danh những quan chức có được nhờ khéo chạy chọt,
Cơ quan có tránh nhiệm ghi công thì coi thường người có công nơi biên cương.
Khá thương cho vị quan chính trực,
đầu bạc rồi còn vì ai mà lập công.

Tạm dịch

Hán triều khen đứa nịnh,

Xử bạc kẻ công cao.

Thương quý người ngay thẳng,

Tận tâm đến bạc đầu..

Chú

祀山烽 Tự Sơn phong: tên đất nơi biên cương, nay thuộc tỉnh Cam Túc.

喬十二 Kiều thập nhị: bạn Trần Tử Ngang, không rõ hành tích.

侍御 thị ngự: chức quan, đủ là Thị ngự sử 侍御史.

漢庭 Hán đình: Hán triều, nhà Hán. Ở đây mượn nhà Hán mà nói nhà Đường.

榮巧宦 Vinh xảo hoạn: vinh hiển nhờ khéo xoay xở chạy chọt chức quan.

雲閣 vân các: tức Vân đài và Kì lân các, nơi triều đình nhà Hán ghi danh các công thần.

bạc: coi nhẹ.

驄馬使 thông mã sứ: chỉ Hoàn Điển, giữ chức Thị ngự sử, làm quan chính trực. Đi đâu thường cỡi thông mã (ngựa lông trắng xám), nên dân chúng gọi ông là Thông mã sứ. Ở đây chỉ Kiều Thị ngự. thông: ngưa có lông trắng lông xanh lẫn lộn.
thùy: gì. hùng: hiệu lực.
陳子昂 Trần Tử Ngang: nhà thơ thời Sơ Đường, nổi tiếng với bài thơ Đăng U châu đài ca.