29/11/14

Người đi qua đời tôi




Bản nhạc của Phạm Đình Chương, lời lấy từ bài thơ của Trần Dạ Từ

Thơ Cũ Của Nàng

Người đi qua đời tôi
Trong những chiều đông sầu
Mưa mù lên mấy vai
Gió mù lên mấy trời
Mây mù lên mấy biển

Người đi qua đời tôi
Hồn lưng mùa rét mướt
Đường bay đầy lá mùa
Vàng xưa đầy dấu chân
Lòng vắng như ngày tháng
Đen tối vùng lãng quên

Người đi qua đời tôi
Chiều ầm vang tiếng sóng
Bàn tay mềm khói sương
Tiếng hát nào hơ nóng

Người đi qua đời tôi
Nghe những lời linh hồn
Phi lao dài tiếng ru
Êm ái lòng hối tiếc
Trên lối về nghĩa trang
Trong mộ phần tối đen

Người đi qua đời tôi
Không nhớ gì sao người

Em đi qua đời anh
Không nhớ gì sao em


bìa tập thơ, bản in năm 1971. Hình lấy trên net
Trần Dạ Từ tên thật là Lê Hạ Vĩnh, sinh năm 1940 tại Hải Dương, Một mình vào Nam năm 1954, lúc chỉ mới 14 tuổi. Ban đầu từng đi bán báo kiếm sống, sau đó là làm báo, Ông làm thơ sớm, nhớ ko lầm thì bài thơ trên ông viết từ 1956, khi mới 16 tuổi. Tuổi ấy thơ ấy cũng lạ, là bươn chải đời sớm chăng. Trước 1975 ông đã cho xuất bản 2 tập thơ Thủa làm thơ yêu em (1960) và Tỏ tình trong đêm (1965), Nhưng người ta biết đến ông nhiều hơn trong tư cách là nhà báo. Ông cộng tác với nhiều tờ báo trong vai trò là người tổ chức biên tập. Ông cũng cộng tác làm một số chương trình phát thanh.

Sau 1975 ông bị tù từ 1976 - 1988. Ra tù, được chính phủ Thụy Ðiển bảo trợ qua định cư tại đấy. Đến 1992 sang sinh sống tại quận Cam, Hoa Kỳ, cùng với vợ, nhà văn Nhã Ca, xuất bản tờ Việt Báo. Về sau ông còn soạn nhạc, phổ khá nhiều bài thơ của chính ông.

Nghe lại bài hát với Trần Thái Hòa




- Nghe: Thuở làm thơ yêu em, Cung Tiến phổ nhạc
- Nụ hôn đầu

ref: wikivietlit và dutule.com (Trò chuyện với nhà thơ Trần dạ Từ)


27/11/14

Lệ đá xanh




Theo dõi các sáng tác của Phạm Đình Chương, dễ thấy có hai thời kỳ phân chia rõ rệt. Thời kì đầu là những bản nhạc tươi vui hào hùng hoặc lãng mạn kiểu tiền chiến như Ly Rượu Mừng, Tiếng Dân Chài, Hội Trùng Dương, Mộng Dưới Hoa .. , thời kỳ sau, là những ca khúc buồn rũ người, trong đó Nửa Hồn Thương Đau  là đỉnh cao. Khá nhiều giai thoại thêu dệt xung quanh ca khúc nổi tiếng này. Có người kể sau khi phát hiện vợ mình dan díu với ông anh rể Phạm Duy, dù còn rất yêu vợ nhưng ông cũng phải quyết định ra tòa li dị. Sau đó, một hôm đi phòng trà uống rượu giải khuây, ông gặp người vợ cũ, ca sĩ Khánh Ngọc hat trên sân khấu. Hình như hôm ấy Khánh Ngọc ốm, sắc mặt thẩn thờ. Ông đợi bà hát xong, đến đề nghị đưa bà về, nhưng bà lạnh lùng từ chối. Đấy là một đêm mưa, ông trở về nhà ngồi uống rượu nhìn mưa rơi, trong nỗi đau khôn cùng, ông quyết định tìm đến cái chết. Nhưng khi bưng chén rượu độc định uống thì tiếng khóc của đứa con 4 tuổi nằm cạnh đó vang lên, kéo ông ra khỏi cơn mê, về với trách nhiệm .. Ông ko uống li rượu độc nữa, mà trút lòng mình vào nốt nhạc .. Thật ra, Nửa Hồn Thương Đau là ca khúc ông nhận viết cho bộ phim Chân Trời Tím (1971), bấy giờ đã cách vụ scandal hơn 10 năm, bà Khánh Ngọc cũng đã qua Mỹ từ hồi 1961, và đứa con cũng ko còn 4 tuổi ... 

Ca từ của Nửa Hồn Thương Đau được Phạm Đình Chương dựa trên bài thơ của Thanh Tâm Tuyền:

Lệ Đá Xanh
thơ Thanh Tâm Tuyền

tôi biết những người khóc lẻ loi
không nguôi một phút
những người khóc lệ không rơi ngoài tim mình
em biết không
lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi
đôi khi anh muốn tin
ngoài trời chỉ còn trời sao là đáng kể
mà bên những vì sao lấp lánh đôi mắt em
đến ngày cuối
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời thơm phức những trái cây của thượng đế
mà bên những trái cây ngọt ngào đôi môi em
nguồn sữa mật khởi đầu
đôi khi anh muốn tin
ngoài đời đầy cỏ hoa tinh khiết
mà bên cỏ hoa quyến rũ cánh tay em
vòng ân ái
đôi khi anh muốn tin
ôi những người khóc lẻ loi một mình
đau đớn lệ là những viên đá xanh
tim rũ rượi


Thanh Tâm Tuyền . tranh Đinh Cường
Thanh Tâm Tuyền (1936 - 2006) tên thật là Dư Văn Tâm, sinh ngày 13/3/1936 tại Vinh, Nghệ An. Ông là nhà thơ nổi tiếng ở Nam trước 1975, được xem là một trong những người mở đầu cho thể thơ tự do ở Việt Nam.

Một số tác phẩm đã xuất bản:

Tôi Không Còn Cô Độc (thơ, 1955)
Liên, Đêm, Mặt Trời Tìm Thấy (thơ, 1964)
Khuôn Mặt (truyện, 1964)
Bếp Lửa (truyện, 1957)
Dọc Đường (truyện, 1966)
Cát Lầy (truyện, 1967)

Sau 1975 ông bị đi cải tạo một thời gian, sau đó qua Mỹ định cư. tiếp tục sáng tác. Ông bệnh mất năm 2006 tại Mỹ. 

Ngoài Lệ Đá Xanh, ông còn một số bài thơ cũng được phổ nhạc: Bài ngợi ca tình yêu, Dạ tâm khúc, Đêm màu hồng, .. Riêng Lệ Đá Xanh cũng được Cung Tiến phổ nhạc, nhan đề Lệ Đá Xanh



Nghe một số sáng tác của Phạm Đình Chương




25/11/14

Người từ đâu tới . Che Vuole Questa Musica Stasera


Người từ đâu tới ấm như một tiếng cười
Một ngày u tối có ta buồn rã rời
Người là sương rơi xuống bông hoa đời
Ngày mà hoa lá tàn úa tơi bời
Người tới ta mà lòng bồi hồi...
..
Người yêu mến ơi !
Người từ trong cõi khát khao của kiếp người
Từ mộng mơ cũ đã nuôi từ cỗi đời
Người về khi ta hắt hiu vì... lẻ loi
Ðể lòng ta vẫn mãi yêu ai.




Bản nhạc được Phạm Duy soạn lời Việt, và ghi chú: Che Vuole, nhạc Mễ.
Nhưng có lẽ đây là bản Che Vuole Questa Musica Stasera, bản nhạc nổi tiếng của nhà soạn nhạc Italia Peppino Gagliardi (1940 - ) viết năm 1968, sau đó được sử dụng trong phim Scent of a Woman (1974) của Dino Risi,



Năm 1975 bộ phim được đưa đi tham dự festival film Cannes. Năm 1976 bộ phim nhận được 2 đề cử Oscar cho Phim nước ngoài hay nhấtKịch bản chuyển thể hay nhất. Bản nhạc từ đó càng nổi tiếng khăp thế giới. Ở Nhật, năm 2004 bản nhạc đã leo đến hạng 2 trên bảng xếp hạng nước này.

Nội dung ca từ tiếng Italia cũng khác xa với bản tiếng Việt của Phạm Duy.  Theo google, tựa bài hát có nghĩa: Ai muốn nghe khúc nhạc này đêm nay.

Nội dung ca từ là những nuối tiếc về một mối tình đã xa.

Đêm nay ai muốn nghe cùng tôi.
Khúc nhạc một thời đã xa xôi.
Vài phút giây nhớ về ngày xưa ấy.
Nhớ về một chút tình em xưa.
Tôi biết làm gì bây giờ,
Với những tháng ngày dài dằng đẳng.
Khi ko có em bên đời
.. .

Đại khái thế.

Sinh năm 1940 tại Naples, Peppino Gagliardi bắt đầu được mọi người biết đến năm 1963 với tác phẩm "T'amo e t'amerò" (Tôi yêu em và sẽ mãi yêu em).



Năm 1965 ông nhận vai chính trong bộ phim truyền hình "008 Operazione ritmo", cùng với nhiều nghệ sĩ tên tuổi của Italy bấy giờ. Nhạc của ông lãng mạn, do chính ông sáng tác và trình bày, với sự hợp tác của Amendola. Mời nghe thêm vài bản nhạc




24/11/14

Vũ Thành An . Không tên và có tên


Nghe lại một số sáng tác của Vũ Thành An và vài nét về cuộc đời của ông với Thu Hương trong một chuiong trình Nhạc chủ đề của Radio Saigon Dalllas



Khi gặp những tục ngữ trái ngược nhau . Nguyễn Đức Dân


Khi gặp những tục ngữ thoạt nghe như trái ngược nhau, ví dụ Lời nói gió bay vs Lời nói đọi máu, Một giọt máu đào hơn ao nước lã vs Bán anh em xa mua láng giềng gân, .. chúng ta nên hiểu như thế nào ? Mời nghe ý kiến của GS Nguyễn Đức Dân, theo một bài được đăng trên Kiến Thức Ngày Nay số 116 (năm 1993), được in lại trong cuốn Nỗi oan thì, là, mà qua giọng đọc Ngọc Hân. 

23/11/14

Nghe GS Trần Văn Khê nói chuyện về nhạc cổ truyền


Trần Văn Khê sinh ngày 24/7/1921 trong một gia đình có bốn đời làm nhạc sĩ, nên lên 6 đã được dạy chơi đàn kìm đàn cò .. . Sau khi học xong Tiểu học, ông rời Vĩnh Long lên Saigon theo học trung học ở Petrus Ký. Ko chỉ giỏi văn hóa, ông còn cùng bạn bè (Lưu Hữu Phước, .. ) lập dàn nhạc ở trường và làm chỉ huy dàn nhạc này. Sau khi đổ thủ khoa kì thi Tú tài II năm 1941, ông ra Hà Nội học Y khoa. Tại đây ông cùng Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ, .. sinh hoạt trong Tổng hội SV, lập dàn nhạc và được giao nhiệm vụ chỉ huy dàn nhạc. Năm 1943 ông cưới vợ, sau đó xin thôi học về quê. Đến 1949 thì qua Pháp du học, đến 1958 thì bảo vệ xong TS Văn khoa (môn Nhạc học) tại ĐH Sorbonne rồi ở lại Pháp nghiên cứu, giảng dạy. Từ 2005 ông về VN sống hẳn tại Saigon. 

Mời nghe ông nói chuyện về âm nhạc cổ truyền trong một cuộc phỏng vấn do nhà báo Lê Quốc Vinh thực hiện.

22/11/14

Connie Talbot . Over the rainbow


Trong entry hôm qua đã nghe cô bé sún răng 6 tuổi Connie Taibot ca Over The Rainbow. Hôm qua cũng là sinh nhật của cô bé người Anh này. Cô bé sinh ngày 20/11/2000, được mọi người biết đến sau khi tham dự và vào đến chung kết Tv show Britain's Got Talent 2007.

Ngay sau cuộc thi, nền kỹ nghệ băng dĩa lập tức vào cuộc. Ông lớn Sony BMG định kí hợp đồng thu âm với cô, nhưng rồi đành thôi do tuổi cô còn quá bé, để lại cơ hội cho cti Rainbow Recording, và album đầu tay của Connie có tựa Over The Rainbow đã được phát hành sau đó ít lâu, đón giáng sinh 2007. Dù có một số phê bình ko thuận lợi, chỉ đứng thứ 35 trên bảng xếp hạng của UK, album cũng đã bán được 250 ngàn bản trên toàn thế giới và rất được các nước châu Á yêu thích - đứng đầu bảng xếp hạng ở Hồng Kong, Hàn Quốc, Đài Loan, hạng 3 ơ Sing .. , và đến tháng 1/2008 album đã được tái phát hành với thêm bớt vài ca khúc. Playlist sau gồm đủ các ca khúc của cả hai lần phát hành.

21/11/14

Over the Rainbow . Phía bên kia cầu vồng


Over the Rainbow (đôi khi được viết là Somewhere Over the Rainbow) là một bài hát do Harold Arlen viết nhạc, E.Y. Harburg soạn lời và được trình diễn lần đầu năm 1939 bởi ca sĩ-diễn viên Judy Garland cho bộ phim The Wizard of Oz. Tác phẩm này được coi là một trong những ca khúc đáng nhớ nhất của âm nhạc và điện ảnh Hoa Kỳ thế kỷ 20, nó được Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ bình chọn là bài hát của thế kỷ 20 và cũng được Viện phim Mỹ xếp đầu tiên trong danh sách 100 ca khúc đáng nhớ nhất của điện ảnh Hoa Kỳ thế kỷ 20. (vi.wiki).

Somewhere Over the Rainbow - Judy Garland ca. Cảnh trong phim The Wizard of Oz (1939)


Somewhere over the rainbow
Way up high
In the land that I heard of
Once, once in a lullaby

Somewhere over the rainbow
Skies are blue
And the dreams that you dare you dream
Really do come true
..


Mời nghe chương trình Tạp chí Văn Hóa của RFI nói về bài hát này.

20/11/14

Tinh khúc Phạm Đình Chương


Nghe một chương trình về nhạc Phạm Đình Chương do Thu Hương thực hiện trên Radio Saigon Dallas




19/11/14

ngày 20/11, đọc chơi


lang thang trên mạng, gặp bài thơ trên fb, cop về mọi người đọc chơi

Gởi TH

Rứa là anh lại cầm viên phấn
"giã dã chi hồ" nữa đó em
mười mấy năm bao lần đã muốn
bỏ quách nghề ra chạy kiếm tiền

nhưng rồi anh cứ lần khân mãi
hỏi dám liều không?
chả dám liều
để chế cái đớn hèn trên mắt
anh lại đâm ra nói dốc nhiều

Em biết lòng anh như ruột ngựa
rứa mà cơm áo bẻ cong queo
có đêm thao thức tròn đêm trắng
đâu phải vì chưng bởi cái nghèo !

ngày xưa em cũng thường ao ước
hết giặc dựng xây những mái trường
ai ngờ cuộc sống không lường được
em bỏ nghề lo chuyện bán buôn

còn anh cứ mãi cầm viên phấn
mười mấy năm quay quắt trong lòng
miếng cơm manh áo nhờ tay vợ
em hỏi làm chi chuyện nuôi con

xa lắc bên trời em vẫn nghĩ
rằng anh an phận với nghề sao?
em ơi có chút lòng can đảm
anh đã ra đi tự thưở nào


1986
docnguyen

18/11/14

Mùa thu chết & bài thơ L' adieu


Cuối thu, nghe lại Mùa Thu Chết với Julie, người đầu tiên đưa bài hát của Phạm Duy ra với công chúng



Hoa bruyère. Hình Google
Trước đây trong entry Lá Thu Buồn có nhắc đến bản nhạc này của Phạm Duy với ca từ lấy ý từ bài thơ L'Adieu của Guillaume Apollinaire. Nguyên văn bài thơ L’ Adieu bằng tiếng Pháp, trích từ Chanson du Mal Aime:

J’ ai cueilli ce brin de bruyère
L’ automne est morte souviens-t’en
Nous ne nous verrons plus sur terre
Odeur du temps brin de bruyère
Et souviens-toi que je t’ attends.


Trong entry Lá Thu Buồn nhắc trên có ghi lại ba bản dịch của Bùi Giáng. Liên quan đến bài thơ nổi tiếng này còn lắm điều thú vị. Mời nghe nhà văn . nhạc sĩ Hoàng Ngọc Tuấn và Tú Trinh nói chuyện về bài thơ trong một chương trình của đài Úc SBS




17/11/14

Pour que tu m'aimes encore


Nhắc đến J J Goldman, mời nghe lại Pour Que Tu M'aimes Encore được ông viết cho Céline Dion, trở thành bản nhạc cầu chứng cho tên tuổi cô, như cô từng trả lời trong một cuộc phỏng vấn, là ca khúc tiếng Pháp quan trọng nhất trong sự nghiệp của cô, Theo một thống kê, cho đến nay single này đã bán ra được khoảng 4 triệu bản trên toàn thế giới, bởi single ko chỉ được đón nhận trong cộng đồng nói tiếng Pháp, mà còn rất được hoan nghênh ngay tại Anh, một trường hợp hiếm hoi cho một ca khúc non-English trên đất nước nổi tiếng bảo thủ này. Ngay sau khi phát hành 3/1995 bản nhạc được yêu cầu nhiều trên các đài phát thanh độc lập, xếp hạng 6 ở Ireland.

Nỗi oan thì là mà


Những năm Tiểu học, môn Tập làm văn tôi chưa bao giờ vượt qua điểm 5. Thường là 3, 4. Lí do thì nhiều, nhưng chủ yếu có lẽ là ba

Một, là bẩn. Hồi ấy ở Tiểu học thầy cô cấm viết bút máy, sợ hư chữ. Đi học phải kè kè bình mực với cây bút lá tre. Chả hiểu sao dù rất chi cẩn thận, buổi học nào quần áo tay chân sách vở cứ tèm lem mực, khổ.

Hai, là chính tả, cụ thể là hỏi ngã. Nhớ năm lớp Ba gặp ông thầy dữ. Làm bài, 3 lỗi đầu chỉ trừ điểm. Từ lỗi thứ tư, cứ mỗi lỗi một roi. Ngày đầu đi học về, lúc tắm bà già thấy mông lằn ngang lằn dọc, hỏi. Kể bà nghe xong, bà khen: Thầy dạy giỏi. Nhưng vốn thông minh, chỉ vài bữa là tìm được cách đối phó: Làm bài cứ viết thoải mái hỏi ngã, đến khi chuẩn bị nộp bài thì đem hỏi sửa thành ngã, và ngược lại. Quả nhiên từ chổ 5, 7 roi/bài đã giảm xuống 2, 3 roi, cũng đỡ.

Ba, là thì là mà. Bài tập làm văn sau khi chấm chi chít những dấu gạch chéo đỏ lòm, cứ mỗi gạch chéo bị trừ 0,5 đ. Chữ bị thầy gạch chéo chỉ một trong ba: thì, là, hoặc. Bị thầy cô khủng bố mấy năm Tiểu học đến nổi cho đến nay, viết gì xong, đọc lại, thấy thì là mà là mạnh tay gạch bỏ. Tuy nhiên, tôi thấy ko phải khi nào cũng có thể bỏ được.

Sau này, khoảng 199x đọc bài báo của Nguyễn Đức Dân trên tờ Kiến Thức Ngày Nay, hóa ra đúng là lâu nay thì là mà bị oan thật. Bài báo sau này được in lại trong tập Nỗi oan thì, là, mà được nxb Tuổi Trẻ xuất bản năm 2004. Mời nghe Ngọc Hân đọc bài báo này. File audio lấy trên trang tuoitre online.

16/11/14

Trái tim xanh


Trái Tim Xanh là phim đoạt giải nhất cuộc thi phim ngắn “Hiểu về trái tim” do chương trình Hiểu về trái tim phối hợp với ĐH Sân khấu Điện ảnh Tp Hồ Chí Minh tổ chức năm 2011. Phim do Cao Cường Đặng đạo diễn, kịch bản của Trần Vũ Hà Mỹ. Diễn viên chinh là hai em bé, ca sĩ Siu Black cũng có góp mặt, trong vai một bà chủ đanh đá.

Phim kể câu chuyện một chú bé ngoan, đã trả lại 100k bị thối nhầm. Hành động này khiến cô chủ quán điêu ngoa bỗng dưng tử tế, gọi cô bé ăn xin vừa bị bà mắng đuổi trở lại, cho 5 ngàn .. Chuyện như này thật ra cũng ko quá khó gặp trong đời thường - một đứa trẻ sống được cha mẹ dạy dỗ đàng hoàng cũng sẽ trả lại tiền thối nhầm như chú bé thôi. Nhưng đấy rõ ràng cũng ko phải là cách ứng xử của đa số trẻ ta gặp hàng ngày .. Nên tôi vẫn nghĩ, giá như những bộ phim như thế này đem chiếu ở lớp cho các em xem, thay thế những buổi học tập gương với kính gì gì đấy, có lẽ sẽ có ích hơn ..

Gửi người dưới mộ


Trời cuối thu rồi, em ở đâu ..

Khuya, trời bỗng đổ cơn mưa, nhỏ thôi nhưng cũng đủ làm trời tối đen, se lạnh, ko gian sũng nước. Nhà hàng xóm có người vừa mất. Ra sân đứng, văng vẳng tiếng tụng kinh phát từ một chiếc casette nghe sao mà buồn .. Tìm nghe lại một trong những bài thơ hay nhất của Đinh Hùng


15/11/14

Je te donne . Jean-Jaques Goldman


Je te donne là bản pop song ngữ Anh Pháp, do Jean-Jaques Goldman và Michael Jones trình bày và phát hành single cuối năm 1985. Bản nhạc đã đứng đầu bảng xếp hạng 8 tuần liền ở Pháp,

14/11/14

Mười thương mười nhớ


Vừa lướt net thấy một số bạn fb dẫn lại tin báo Tuổi Trẻ đưa từ hồi 2010 về Stalin với vụ Rừng Katyn, chợt nhớ Tố Hữu, rồi nhớ đến bài Mười Thương của Phù Chí Phát



Bốn thương anh đã đánh răng hàng ngày ... Mỗi lần nghe đến câu này ko nhịn được cười. Mấy năm trước có anh bạn (nghe đâu là nhà thơ, đã xuất bản được 4, 5 tập thơ) ghé nhà chơi, ở lại. Sáng ngủ dậy bx lấy kem, bàn chải đưa, nó xua tay: anh có. Rồi mở cặp lôi ra cái bàn chải, ống kem còn chưa bóc vỏ nhựa, cười: Ra đi, vợ mua cho đồ mới chưa kịp dùng này. Trời ah, nó rời nhà gần mười ngày rồi, dọc đường ghé nhà thăm gần chục đứa bạn, tối nào cũng chuyện trò tâm sự đến khuya, sáng vội vả ra đi cho kịp xe, đến quên đánh răng .. mười ngày ..

13/11/14

Comme toi . Jean Jacques Goldman


Comme Toi là single của ca sĩ Pháp gốc Do Thái Jean-Jacques Goldman phát hành năm 1982, và ngay trong năm ấy đã bán vượt qua con số 500 ngàn bản, lấy được chứng nhận bạch kim, leo lên đứng đầu các bảng xếp hạng. Comme toi = cũng như con, là một bản pop rock được Goldman dành tặng con gái, sáng tác trong trong nỗi xúc động khi xem album ảnh gia đình, trong đó ko ít người đã chết trong các trại tập trung Đức Quốc Xã hồi Thế chiến II. Bản nhạc đã được đặt lời Anh, Do Thái, Tây Ban Nha, Ý, Tàu .. Riêng tiếng Việt có đến 2 phiên bản  "Về chốn thiên đường" (lời Lê Quang) và "Hãy đến với em" (Ngọc Lan ca). Mời nghe RFI kể về giai thoại và ý nghĩa của bản nhạc này trong một chương trình "Tạp chí văn hóa" phát ngày 8/9/2012. Ai ko thích nghe radio có thể đọc bài viết ngay dưới.

Quảng Trị trong tôi


Tôi sẽ về ăn nem chợ Sãi
Món quê hương thèm đến nao lòng


Xa quê, ngoài những nơi chốn kỷ niệm: giếng nước gốc đa, con sông nơi mối tình đầu tôi đã đánh rơi, người ta thường nhớ đến những món ăn chỉ riêng quê nhà có. Quảng Trị có khá nhiều món đặc sản được truyền tụng:

Nem chợ Sãi, vải La Vang
Khoai Quán Ngang, dầu tràm Đại Nại
Gạo Phước Điền, chiêng Sắc Tứ
Khoai từ Trà Bát, quạt chợ Sông
Cá bống Bích La, gà Trại Lộc
...

Còn nữa: bánh ướt Phương Lang, mắm đam Trà Trì, lòng thả Diên Sanh, .. Nhưng nói thật lòng, kể cho vui vậy thôi, chả mấy món kể trên đây đủ tầm vượt ra khỏi ranh giới Quảng Trị, kể cả món số 1 - nem chợ Sãi, thì cũng phải ra Quảng Trị hỏi thăm bạn bè mới được giới thiệu ăn cho biết.

Thật ra Quảng Trị có hai món đặc sản theo tôi là xứng tầm quốc gia, nhưng lại ít được nhắc đến,

Một, là cá dở. Gọi cá dở, nhưng ngon tuyệt, Chả biết tả làm sao, song so với các loại cá ngon quen thuộc như cá chim, cá thu, cá lăng, cá lóc, cá bống, cá chép, .. chả cá nào bì được. Tra cứu trên mạng, thấy loại cá này được gắn với Quảng Bình. Tuy nhiên tôi nhớ vào những năm cuối 197x, đầu 198x vào chợ Đông Hà bao giờ cũng có thể mua được cá dở, trong khi cũng thời điểm ấy có dịp ra Đồng Hới, Ba Đồn nhiều lần, tìm đỏ mắt ko ra một khúc. Tìm ở Hà Tĩnh, Huế cũng ko thấy có loại cá này. Giá cá lúc ấy ở chợ Đông Hà khá rẻ, ko nhớ cụ thể nhưng so sánh thì chỉ ngang với giá cá thu, cá chim. Ai ngờ hiện nay nghe nói giá 4, 5 trăm ngàn/kg mà ko phải khi nào cũng có. Với giá như này thì e là ăn cá dở ko phải vì bản thân con cá dở nữa rồi.

Hai, là nước mắm. Có dịp đi qua nhiều địa phương nổi tiếng về nước mắm: Thuận An - Huế, Nam Ô - Đà nẳng, Nha Trang, Phan Thiết, Phước Hải, .. ra đến tận Dương Đông, An Thới ở Phú Quốc ... phía bắc cũng đã ra đến Nghệ An, nơi từng có những con thuyền chở nước mắm nổi tiếng nặng mùi, được Cao Bá Quát ví von câu thơ thi xã con thuyền Nghệ An .. tôi chưa thấy nơi nào có nước mắm ngon như nước mắm ở vùng biển Cửa Việt, Quảng Trị. Hồi 1987 có dịp về đấy. Ngay hôm đầu, bạn cho ăn thịt ba chỉ chấm nước mắm nhà làm lấy. Hơn mười ngày còn lại ở nhà bạn, đến bữa cơm chỉ xin chén nhỏ nước mắm nguyên chất ko pha chế thêm bất kì gì, kèm trái ớt xanh .. tôm mực thịt cá gì gì nhường hết cho bạn, thế mà bữa nào bụng đã no căng, miệng vẫn còn muốn ăn thêm ... Tết vừa rồi, bạn gởi vào cho một chai 3 xị, dùng thật dè sẻn, nhưng tháng trước cũng đã hết rồi. Nghe bạn kể có cô Hằng mắm ruốc người Quảng Trị qua Úc du học lấy xong cái MS về quê lập hảng làm nước mắm, đã có chi nhánh ở Saigon. Bảo con gái tìm mua, nó cứ hẹn rày hẹn mai .. e là có người xúi nó quên, bởi nghe tên lang băm nào đó bảo ăn nước mắm ko tốt cho ngượi bị tension cao ..

Nghe Quảng Trị Trong Tôi, Nguyễn Tất Tùng phổ thơ Tạ Nghi Lễ



Bài thơ sau lấy trên một trang nhacso.net, ko phải ca từ của bản nhạc, nhưng ko rõ có phải là nguyên tác bài thơ của Tạ Nghi Lễ ko.

...Nếu một mai phải xa Quảng Trị
Nhớ quá chừng em bé Triệu Phong
Trên lưng trâu tay cầm sách học
Lời mẹ ru mài sắt nên kim
Gửi ước mơ bay cùng cánh diều...

Ôi thương quá đi thôi
Đất Vĩnh Linh tấm lòng chung thuỷ
Áo nâu sờn mẹ vẫn dạy con
Đói cho sạch rách cho thơm
Nghĩa tình nào hơn mất mạ bú dì

Nếu một mai phải xa Quảng Trị
Tôi sẽ mang theo gió cát Hải Lăng
Hoa yêu thương trên đồi vẫn nở
Như nghĩa tào khang chồng vợ Đông Hà
Cam Lộ ghi sâu tình người với đất .

Nếu một mai phải xa Quảng Trị
Lưu lạc phương Nam ngày tháng nổi trôi
Nhớ quê hương như gà nhớ mẹ
Nhớ tiếng quê mình trọ trẹ thân thương
Xa Quảng Trị sao đành ?!.

...Nếu một mai phải xa Quảng Trị
Tôi sẽ mang theo nắm đất quê hương..


Mời nghe một số bản nhạc viết về Quảng Trị



Bông súng . tranh Lê Bá Đảng

12/11/14

Thường thức về âm nhạc cổ truyền Việt Nam và Lịch sử âm nhạc


Cuốn sách được sử dụng làm giáo trình đào tạo giáo viên trung học cơ sở hệ cao đẳng sư phạm của PGS. TS. Nguyễn Thuỵ Loan, Nhà xb Giáo dục xuất bản năm 2001.


Tinh túy nhạc cổ truyền Việt Nam tại Paris


Nghe giới thiệu một số làn điệu nhạc cổ truyền: chèo cổ, xẩm, chầu văn, ca trù  
từ Chương trính âm nhạc của đài RFI (08/11/2014)



Hương Thanh và các nghệ sĩ nhạc cổ truyền Việt Nam
trình diễn tại Viện Bảo tàng Guimet ngày 07/11/2014
Hình RFI
Hôm qua, 07/11/2014, Viện bảo tàng Guimet ở Paris đã đón tiếp các nghệ sĩ danh tiếng trong làng nhạc dân tộc Việt Nam với một chương trình đặc biệt có chủ đề "Tiếng Trúc, tiếng Tơ" ( De bambou et de soie ). Khán giả thủ đô Pháp đã có dịp thưởng thức những làn điệu tiêu biểu của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, như Ca trù, Hát chèo, Hát chầu văn, Hát xẩm, Đờn ca tài tử, cũng như các điệu lý của ba miền Nam Trung Bắc.

Tham gia chương trình này, ngoài các nghệ sĩ trong nước sang còn có nữ nghệ sĩ Hương Thanh ở Paris. Sau buổi trình diễn ở Viện Bảo tàng Guimet, các nghệ sĩ tham gia chương trình “ Tiếng Trúc, tiếng Tơ” cũng sẽ có một buổi trình diễn khác vào ngày Chủ nhật 09/11/2014 vào lúc 15 giờ ở Espace Salvador Allende, tại Palaiseau, ngoại ô phía Nam Paris.

Ngay khi vừa đặt chân đến Paris, đoàn nghệ sĩ Việt Nam đã đến đài RFI để thâu một chương trình đặc biệt vào ngày 05/11/2014. Lần đầu tiên chúng tôi đã có dịp đón tiếp và hầu chuyện với các tên tuổi của dòng nhạc cổ truyền Việt Nam : Thanh Hoài, nghệ sĩ hát chèo hàng đầu ở Việt Nam hiện nay, Thanh Bình, nay là nghệ sĩ ca trù, Xuân Hoạch, với cây đàn hồ bầu do chính ông chế tạo, Công Minh, nghệ sĩ hát chầu văn, và Vũ Ngọc, nghệ sĩ bộ gõ.

Nguồn: RFI

8/11/14

Ly tao I . Bước thời gian

Mời nghe Tạ Nghi Lễ ngâm thơ



Ly Tao I
Bùi Giáng

Giờ ngẫu nhĩ như hồng bay em ạ
Và yêu thương như lá ở bên hoa
Và luyến ái như tơ vàng bốn ngả
Bủa vi vu như thoáng mộng la đà

Em đã lại với đời về nắng ấm
Thắm không gian thương nhớ bóng hình em
Anh đã đợi chờ em từ lâu lắm
Ngày đi không để lại lạnh trăng rằm

Anh mơ ước với ngàn xuân mở rộng
Quên não nùng sa mạc của yêu thương
Chân cứ bước theo nhịp hồn cử động
Em là em anh đợi khắp nẻo đường

Em có nụ cười buồn buồn môi mọng
Em có làn mi khép lá cây rung
Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
Hồ gương ơi! sao sóng lục vô chừng!

Con mắt ấy có gieo buồn rớt lệ
Trên nẻo đường lạnh lẽo lối lang thang
Môi thắm ấy mấy lần thao thức kể
Với đèn khuya vò võ mộng khôn hàn

Trời đất nhớ lần đầu... năm trước...
Đó một lần đôi mắt đã nhìn lên
Và trời hiểu ngày sau đôi mắt ngước
Một lần kia sẽ còn dịp đáp đền

Em ở lại với đời ta em nhé
Em đừng đi. Cho ta nắm tay em
Ta muốn nói bằng thơ bay nhẹ nhẹ
Vào trong mơ em mộng giấc êm đềm

Ta sẽ đặt mười ngón tay lên mắt
Để nhìn em qua khe hở du dương
Vòng theo máu hai vòng tay khép chặt
Ồ thưa em ta thấy mộng không thường


Nguồn: Bùi Giáng, Mưa nguồn, NXB Hội nhà văn, 1993
(cop lại từ thivien.net)


.

Nghe ngâm thơ và ngắm một số bức trong bộ ảnh Bước Thời Gian của Thái Phiên. Đây là bộ ảnh đã góp phần giúp ông được Hội nghệ sĩ Nhiếp Ảnh VN xét tặng danh hiệu EVAPA/G (Gold Excellence Artist of Vietnam Association of Photographic Artist - Nghệ sĩ Nhiếp ảnh đặc biệt xuất sắc) vào cuối tháng 10/2014 vừa qua.

Ngày đi như bóng nắng

Dạ khúc

Bố cục

Mê khúc

Nụ

Ký họa

Cô đơn

Nỗi niếm

Thiền

Bước thời gian

Dâng hiến

Sự nẩy mầm của hạt

Viên mãn


6/11/14

Quê mình . Tạ Nghi Lễ


Tạ Nghi Lễ ko chỉ là người có giọng ngâm thơ độc đáo mà còn là nhà văn, nhà thơ với 6 tác phẩm đã được xuất bản. Ông tên thật là Tạ Lễ, sinh năm 1951 tại Gio Linh, Quảng Trị, mất năm 2008 tại Sài Gòn. Mời nghe một bản nhạc phổ từ một bài thơ của ông

Quê Mình . thơ Tạ Nghi Lễ . Tô Thanh Tùng phổ nhạc . Vân Khánh ca

5/11/14

Những phut xao lòng


Je ne pourrai jamais t'oublier là lời thăm hỏi của một cô nàng đến người tình cũ. Nghe bản nhạc lại nhớ đến bài thơ của Thuận Hữu

Những Phút Xao Lòng
Thuận Hữu

Có thể vợ mình xưa cũng có một người yêu
(Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ)
Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế
Yêu một cô, giờ cô ấy đã lấy chồng

Có thể vợ mình vì những phút mềm lòng
Nên giấu kín những suy tư, không kể về giấc mộng
Người yêu cũ vợ mình có những điều mình không có được
Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn

Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng
Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được
Nghĩ về cái đã qua nhiều khi nuối tiếc
Mình cũng chẳng nói ra vì sợ vợ buồn

Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn
Và cảm thấy mình như người có lỗi
(Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói
Cô ấy cũng thương yêu và chăm chút mình hơn)

Mà có trách chi những phút xao lòng
Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ
Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ
Đừng có trách chi những phút xao lòng


(Biển Gọi, NXB Đà Nẵng - 2000)

Thuận Hữu (sinh 1958) tên thật là Nguyễn Hữu Thuận, người Hà Tỉnh, hiện là sếp tờ Nhân Dân. Mời nghe Tạ Nghi Lễ ngâm bài thơ

4/11/14

Je ne pourrais t' oublier


Hôm nay 4/11 kỉ niệm 8 năm ngày mất của danh cầm Paul Mauriat (4/3/1925 - 3/11/2006), mời nghe ông chơi Je Ne Pourrais T' Oublier - Chẳng thể nào quên



Bản nhạc vốn do E. Dimitrov và P. Carli sáng tác, được Nicoletta thu lần đầu năm 1970



Je Ne Pourrai Jamais T'Oublier
par E. Dimitrov/ Patricia Carli

Thiếu phụ - tranh Lương Xuân Nhị
Tiens, bonjour, comment vas-tu, dis-moi
Te’, te souviens-tu encore de moi?
Oui, dans ma vie souvent je pense a` toi
Mais a` part ca, comment ca va?

Toi, vraiment tu n’as pas trop change’
Moi, tu sais, j’ai beaucoup voyage’
Oui, en effet j’ai decouvert d’autres pays
Et toi, qu’as-tu fait de ta vie?

Je parle trop, tu es presse’
Je ne vourdrais pas te deranger
Si j’en dis trop, c’est pour t’aider
A` retrouver le temps passe’

Est-il vrai qu’elle me ressemble?
On dit qu’elle a aussi les yeux bleus
Es-tu certain d’etre plus heureux maintenant?
Moi, je t’aime, je t’aime toujours autant

C’est la vie, on n’y peut rien changer
Nous sommes aujourd’hui deux etrangers
Je vois tres bien dans tes yeux
Qu’il n’en reste rien de notre amour
Que tu es loin

Je parle trop, tu es presse’, je sais
Je ne veux plus te retarder
Encore un mot et je m’en vais, tu sais
Je ne pourrais jamais t’oublier
Encore un mot et je m’en vais, tu sais
Je ne pourrais jamais t’oublier


Bản nhạc đã được Nhật Ngân soạn lời Việt nhan đề Mưa Trên Biển Vắng. Mời nghe Ngọc Lan ca



Nghe Tòng Sơn chơi harmonica



Je Ne Porrais T'oublier có trong album The Best Of Paul Mauriat Vol.8 - Les Feuilles Mortes. Mời nghe trọn album





Bắc kim thang . Nguồn gốc và ý nghĩa


Mời nghe nghệ sĩ Chí Tâm và Ngọc Đan Thanh nói chuyện về nguồn gốc, ý nghĩa của bản nhạc quen thuộc nhưng ko dễ hiểu: Bắc Kim Thang 



Thật ra hai giả thuyết về ý nghĩa của Bắc Kim Thang đã được nhiều người nói đến từ lâu. Ví dụ trong bài sau đây trên Kênh 14

3/11/14

Bảo Yến - Giọng hát đa dạng của nền tân nhạc Việt Nam

Bài viết lấy từ nhathanhdl.blogspot 


Bảo Yến là một trong những giọng ca đặc biệt, hiếm gặp ở Việt Nam. Vì một số lí do chính trị và đời tư, hiện nay tên tuổi của cô không còn được nhắc đến nhiều, nhưng tài năng của cô là không thể phủ nhận.

Loại giọng: Nữ trung trầm (mezzo alto)
Vocal range: C3 - F5 (hai quãng 3 note)
Long note: 8s

Bảo Yến là một trong những giọng nữ trung trầm có nội lực và kĩ thuật bậc nhất nền nhạc nhẹ Việt Nam. Sở hữu một âm sắc hơi khàn, đặc trưng riêng khiến tiếng hát của cô trở nên đặc biệt, không thể lẫn với ai. Tuy không phải là một nữ trầm, nhưng cô có thể xuống tận note C3, một trong những note rất trầm mà hầu như hiếm có giọng nữ nào ở Việt Nam có thể xuống được. Khả năng control quãng trầm của Bảo Yến rất tốt, cô có thể hát liên tục trong quãng trầm, hold note C3 kèm theo vibrato với độ tối và nặng, rõ chữ, khiến cho ngay cả các giọng nữ trầm cũng phải ghen tị.

Khói trắng . Kiên Giang


Tuy không được biết nhiều như Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím hay Tiền và Lá, nhưng Khói Trắng cũng là một bài thơ đáng chú ý của Kiên Giang, viết về mẹ khá cảm động. Mời nghe Kim Lệ ngâm



Khói Trắng

Hình: trên mạng
Hương cau, thơm phức muối sau hè
Thơm  ngát mái nhà thơm áo cơm
Con  thở  trong mùi thơm bát ngát
Thịt da  mái tóc quyện mùi thơm
Nước mắt chảy xuôi tình mẫu tử
Chảy theo nước mắt cuộn mồ hôi
Mẹ đem cái chết làm men sống
Nước mắt một dòng vẫn chảy xuôi
Nầy  thuở ngày xưa  thời trẻ dại
Con đau rên xiết mẹ sầu lo
Bán đôi bông cưới mua thang thuốc
Mua bánh tai heo giấy học trò
Đêm nào con khóc đòi ru ngũ
Mẹ thức mõi mòn nhịp võng đưa
Con lạnh nằm khoanh, lòng mẹ ấm
Mẹ ơi ! con lớn giữa niềm ru
Nhớ ngày mẹ ốm nằm trong xó
Chiếu lạnh ủ không ấm dóc gầy
Đau đớn không hề rên xiết khẻ
Sợ con nghe tiếng, mà buồn lây
Nói làm sao hết , mẹ hiền ơi !
Công đức niềm đau lẫn tiếng cười
Mẹ lấy bụi đời , làm phấn sáp
Che dù trời nắng  nổi mưa rơi
Nhớ mùa cau trầu , trong vườn củ
Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân
Khói trắng lên trời như tóc bạc
Con ngở khói tóc quyện mấy tầng
Chiều nay dừng  gót trên bờ biển
Nhìn sóng bạc đầu mây trắng trôi
Con ngở khói  buồn thay tóc mẹ
Tìm con lạc bước giữa đường đời
May mốt con về thăm xóm mẹ
Thăm mùa cau trổ bóng làng xưa
Để nhìn nghe lại trong hiu quạnh
Tiếng hát ngày xưa nhịp võng đưa
Con sẽ kính dâng bên gối mẹ
Gói trà hào, gói bánh tai heo
Hương cau quyện lại hai màu tóc
Nước mắt đoàn viên ấm xóm nghèo


Kiên Giang
(13/6/1961)


-----

Bài viết sau đây cop lại từ trang web cailuongvietnam thấy ghi cuối bài là theo ngocanh, dường như gốc là bài của soạn giả Nguyễn Phương trên RFA (kể cả hình kèm theo bài). Đọc để hiểu thêm một khía cạnh khác của Kiên Giang - một soạn giả tuồng cải lương.

Soạn giả Kiên Giang, khách thơ lạc giữa dòng sân khấu

(CLVN.VN) - Soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà là một soạn giả thường trực của đoàn Thanh Minh Thanh Nga trong hai thập niên 60, 70. Soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà có nhiều vở tuồng hay mà một trong những vở tuồng của anh, vở Người vợ không bao giờ cưới đã góp phần đưa nữ nghệ sĩ Thanh Nga lên đài danh vọng với chiếc huy chương vàng đầu tiên của giải Thanh Tâm, giải diễn viên xuất sắc năm 1958.

Soạn giả Kiên Giang - ảnh CLVN
Soạn giả Kiên Giang tên thật là Trương Khương Trinh, sanh năm 1929 tại làng Ðông Thái, quận An Biên, tỉnh Rạch Giá, tức là tỉnh Kiên Giang ngày nay. Vùng quê của gia đình Kiên Giang ở ngày xưa là một vùng đất ven biển, vịnh Xiêm La với muổi mòng, đất ẩm thấp, nhiễm phèn mặn, cách trở làng nầy với làng kế bên. Người ta gọi vùng nầy là rừng U Minh.

Ở rừng U Minh, kiếm được một người biết đọc biết viết chữ quốc ngữ cũng là một điều hiếm, vậy mà theo lời tự trào của Kiên Giang, vùng khỉ ho cò gáy đó lại đẻ ra được một nhà thơ có hạng trên thi đàn cả nước. cũng là một chuyện hi hữu. Kiên Giang kể cho chúng tôi nghe nhờ ở cơ duyên nào mà anh gắn bó với thi thơ…

Chịu ảnh hưởng của nhà thơ Nguyễn Bính

Năm 1946, một thi nhân miền Bắc lưu lạc đến một vùng đất heo hút tỉnh Rạch Giá. Ông ở trọ nhà của một cặp vợ chồng trẻ, cô vợ lại thích ngâm nga thơ của ông nên anh chồng trẻ sợ bị mọc sừng bất tử nên có lời ra tiếng vào. Nhà thơ xốn xang trong bụng, bèn xách khăn gói ra đình thần Nguyễn Trung Trực ngủ nhờ.

Hồi đó Trương Khương Trinh mới có 17 tuổi, nghe đồn có một nhà thơ lớn của thi đàn Việt Nam đến xứ mính, anh bèn tìm đến để cho biết mặt. Hỏi thăm mãi Kiên Giang mới gặp thi nhân đang đắp chiếu nằm chèo queo ngủ ở cửa đình.

Kiên Giang kêu dậy, hỏi: “Anh ở đâu tới dây, tại sao ngủ ở trước cửa đình?”

Nhà thơ mở mắt nhìn Kiên Giang không trả lời, đưa hai ngón tay nơi miệng ra hiệu muốn có một điếu thuốc.

Kiên Giang nói : “Hết thuốc rồi, chỉ còn cái bao không thôi đây.”

- Vậy thì anh kêu tôi dậy để làm gì?

- Tôi là người làm thơ, nghe nói ông tới xứ nầy nên muốn gặp chơi vậy thôi.

- Hay nhỉ ! Ông khách thơ bèn nằm xuống định làm tiếp giấc ngủ trưa, nhưng rồi ông ngồi dậy nói : “Đưa cái bao thuốc cho tôi.” Ông xé cái bao thuốc ra, viết vào đó bốn câu thơ rồi trao cho Kiên Giang.

Bốn câu thơ đó như sau :

Có những dòng sông chảy rất mau 
Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu 
Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp 
Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau.

Người khách thơ lưu lạc đến tỉnh Kiên Giang đó là ông Nguyễn Bính, một nhà thơ lẫy lừng trong thi đàn Việt Nam lúc bấy giờ.

Kiên Giang khen thơ hay, từ đó anh tìm cách kết bạn với Nguyễn Bính. Kiên Giang chịu ảnh hưởng của nhà thơ đồng quê Nguyễn Bính chẳng những trong cung cách hành văn, trong cảm xúc và chọn ý thơ mà cả trong cách sống, trong sinh hoạt hàng ngày.

Nguyễn Bính vốn xuề xòa trong cuộc sống, không xem vấn đề nào quan trọng cả, giống như một người lảng du bên cạnh cuộc đời của chính mình. Kiên Giang suốt cuộc đời cũng sống một cách vô tâm vô tính, coi cuộc đời là thơ và thơ là cuộc đời.


Vần thơ chân chất

Kiên Giang viết về Mẹ, về quê hương, về tuổi học trò, về những mối tình ngây thơ trong trắng, lời thơ mang một nổi buồn nhẹ tênh, man mác, mỗi bài thơ trong vắt như một làn điệu dân ca được hát lên từ cây cỏ, đồng ruộng và tình cảm chơn chất của người thôn quê Việt Nam.

Thơ của Kiên Giang có những câu như ca dao :

- Đói lòng ăn nửa trái sim 
- Uống lưng bát nước đi tìm người thương 
- Ong bầu đậu đọt mù u, 
- Lấy chồng càng sớm, tiếng ru càng buồn.

Soạn giả Kiên Giang có những tuồng rất ăn khách như tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, tuồng Áo Cưới Trước Cổng Chùa, tuồng Ngưu Lang Chức Nữ, trong tuồng có nhiều câu thơ giọng văn bình dị như thi sĩ Nguyễn Bính.

Trong tuồng Người Vợ Không Bao Giờ Cưới, Nữ nghệ sĩ Thanh Nga đóng vai sơn nữ Phà Ca, có ngâm hai câu thơ thật buồn :

Ngày mai đám cưới người ta, 
Cớ sao sơn nữ Phà Ca lại buồn.

Trong tuồng Áo Cưới Trước Cổng Chùa, có mấy câu thơ :

Tay Bưng Quả nếp đi chùa, 
Thắp nhang lạy phật xin bùa cầu duyên.

Và bốn câu thơ kết thúc tuồng Áo Cưới trước Cổng Chùa

Áo cưới em treo trước cổng chùa 
Tình đầu trao trả lại người xưa 
Đời em như cánh phù dung rụng 
Giữa chợ đời tầm tã gió mưa.

Cuộc sống vất vả

Trước 75, Kiên Giang tuy không giàu có nhưng cũng sống được thoải mái vì anh vừa là soạn giả thường trực của đoàn Thanh Minh Thanh Nga, vừa là trưởng Ban Mây Tần đài phát thanh Saigon, anh cũng là ký giả kịch trường của nhật báo Lẽ Sống, có thơ đăng ở nhiều tờ báo khác và có bài vọng cổ được thu dĩa ở hãng dĩa Hồng Hoa, hãng dĩa Việt Nam của bà Sáu Liên. Anh rước mẹ anh từ tỉnh lên Saigon để phụng dưởng nhiều năm cho đến khi bà khuất núi vì tuổi già sức yếu.

Năm 1995, tôi được thơ của cháu tôi ở Việt Nam báo tin là nhà thơ Kiên Giang và vợ con bị đuổi ra khỏi căn nhà ở cầu chữ Y quận 8. Anh đã nhiều lần làm đơn khiếu nại nhưng kết quả vẫn là phải chịu mất nhà.

Kiên Giang và vợ con anh trôi nổi, nay ở hành lang hí viện, mai về tạm trú bên chuồng heo của một người chủ tốt bụng, sau cùng anh đến khu đất hoang cuối đường Âu Dương Lân quận 8 để xin tạm trú

Vì không tiền bạc và cũng không có cách nào làm khác hơn được nên Kiên Giang chọn bốn gốc cây bạch đàn trên khu đất đó để làm cột nhà, dùng vãi tang phúng điếu của mẹ anh và các manh vãi cũ lấy từ các banderole quảng cáo tuồng hát để dừng vách và nhờ bà con lối xóm cho mấy tấm tôn củ lợp mái nhà tạm trú. Kiên Giang viết mấy câu thơ dán trước cửa :

Lợp mái lá, dừng manh vãi cũ 
Nên mưa nhòa ướt ảnh bàn thờ 
Mẹ từ đáy mộ về trong mộng 
Trầm uất thương con giữa xác xơ.

Không sa mạc vẫn làm du mục 
Chân lạc đà dừng tạm bãi hoang 
Mai mốt người ta hăm đuổi nửa 
Kiếp không nhà lại sống lang thang.

Năm 2000, tôi về quê cưới vợ cho con và viếng cúng mồ mã ông bà cha mẹ của vợ chồng tôi, tôi có dịp gặp lại Kiên Giang. Anh và vợ con sống trong một căn nhà tình nghĩa của quận 8 tặng cho, bề ngang 1 thước 9, bề dài 7 thước, như lòng một khoan ghe tam bảng, diện tích đó dùng làm chổ ở, nhà cầu và nhà bếp cho ba người lớn. Tôi hỏi thăm về cuộc sống của anh, anh ngâm vài câu thơ nói về anh và con gái Hồng Uyên của anh cho tôi nghe:

Tạ lỗi con, Ba nghèo rách quá 
Để con đói lạnh tuổi còn thơ 
Mới ra đời ngủ trong nhà bếp, 
Mười tuổi rồi con vẫn ốm o. 
Cá hấp chợ chiều, rau muốn luộc 
Tập ăn quen vẫn sống trên đời 
Mỗi năm thêm tuổi, con thêm ốm 
Ba má nhìn con nén ngậm ngùi.

Tôi giúp cho anh để qua cơn túng ngặt bệnh hoạn và khi về Canada, tôi vận động bạn bè ở Canada, San José, Sacramento gom góp một số tiền gởi về cho anh để mua một căn nhà tiền chế mới xây cất ở vùng kinh Nhiêu Lộc và còn thừa một số tiền đủ để cho vợ anh làm vốn mua gánh bán bưng. Năm nay, tôi viết thơ về thăm hỏi, anh trả lời bằng bốn câu thơ:

Ngày qua rồi lại qua ngày, 
Tóc thêm bạc trắng, không đầy chén cơm.

Khi đời khánh tận nghĩa nhân, 
Dựng đài thơ lửa, thiêu thân đốt đời.

Tôi hy vọng lời thơ của Kiên Giang không phải là một lời cảnh báo : Dựng đài thơ lửa, thiêu thân đốt đời, vì dù Kiên Giang đói, nghèo, thất cơ lở vận, vẫn chưa phải là cái cớ để tự thiêu thân.

Theo: ngocanh
Nguồn tin: Đài Á Châu Tự Do

----------
Nguồn: cailuongvietnam
Bài trên RFA ở đây


2/11/14

Tiền và lá . Kiên Giang


Ngoài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím, Kiên Giang còn một bài thơ được nhắc nhở nhiều là Tiền và Lá cũng đã được giới thiệu ở đây. Hôm nay mời nghe lại bài thơ qua giọng ngâm Thúy Ngân



Tiền và Lá

(Riêng tặng các bạn đã dang dở với mối tình đầu...)

tranh Volegov
Ngày thơ, hớt tóc "miểng rùa"
Ngày thơ, mẹ bắt đeo "bùa cầu ông".
đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.
đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào.
đêm vàng soi bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời.
Anh moi đất nắn "tượng người",
Em thơ thẩn nhặt lá rơi làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem "người đất" đổi tiền "lá rơi".
Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua.

Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi.
Tiền không là lá em ơi!
Tiền là giấy bạc của đời in ra.
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.

Bây giờ những buổi chiều êm,
Anh gom lá đốt, khói lên tận trời!!!

Người mua đã bị mua rồi,
Chợ lòng họp một mình tôi vui gì!


(1956)

nguồn: thivien.net



Bài thơ đã được Lý Dũng Liêm phổ nhạc, mời nghe Ngọc Hồ ca




Hoa trắng thôi cài trên áo tím . Kiên Giang


Nhà thơ Kiên Giang vừa mất hôm 31/10/2014 tại Sài gòn, hưởng thọ 88 tuổi (1927 - 2014).
Ông là tác giả của những câu thơ mà bao người vẫn nhầm là ca dao

Ong bầu đậu đọt mù u
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn


hay

Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương


Đặc biệt bài thơ đi kèm với một câu chuyện tình bi tráng Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím đã tùng giới thiệu ở đây với giọng ngâm Hồng Vân. Hôm nay mời nghe Lý Bạch Huệ trình bày bài thơ

1/11/14

Sen . Romance of the Violin


Thấy trên mạng bài thơ của Thái Tú Hạp, chả biết tựa chi.
Hình minh họa lấy từ vnphoto.net

Qua vườn nắmg động chim khua
Thương câu lục bát đỏ vừa má em
Hoa chanh thơm ngọt ngào quen
Giọt long lanh rớt, cành sen trổ hồng
Bềnh bồng đứng giữa hư không
Ta cùng em hóa dòng sông hương trầm
Mái chùa xưa tỏa đầy trăng
Cành hoa cười mỉm dịu dàng nên thơ


Thái Tú Hạp



Nghe Joshua Bell chơi violin và xem mấy bức ảnh sen của tác giả Artist lấy từ trang vnphoto.net.

Nếu chỉ còn một ngày để sống . Hoài An




Tác giả của "Nếu chỉ còn một ngày để sống" là nhạc sĩ Hoài An - ko phải Hoài An của Tình Lúa Duyên Trăng, Câu Chuyện Ðầu Năm, ... thời trước 1975 ở Nam, mà là Võ Đại Hoài An, một nhạc sĩ trẻ hơn rất nhiều, sinh 1977, nhưng cũng đã tạo được tiếng tăm với nhiều tác phẩm giành được một số giải thưởng như Mai vàng, Làn Sóng Xanh, ..

Mời nghe thêm album Mai của anh.

Album Mai – 9 tình khúc Hoài An ra mắt cộng đồng người yêu nhạc gồm một đĩa CD và một tập ảnh 44 trang khổ 23 x 29 cm. Album Mai tổng hợp các phong cách đa dạng từ Pop Ballad, Pop Rock đến Latin, Acoustic và cả Alternative gồm nhiều câu chuyện xâu chuỗi nhau trong những khoảng thời gian của cuộc sống. Đó là câu chuyện buồn đã qua, nỗi đau dang dở, niềm tin đánh mất hay hoài nghi về tình yêu… bên cạnh những cảm xúc trong sáng rộn ràng của hạnh phúc mới. Album gồm 9 ca khúc qua sự thể hiện của các ca sĩ Hồ Ngọc Hà, Hiền Thục, Hồng Ngọc, Nam Khánh… và đặc biệt là nhạc sĩ Võ Hoài Phúc. (trích giới thiệu trên trang nhacso.net)