19/9/20

Phó Đức Phương về quê

 Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã về quê sáng sớm hôm nay, 19/9/2020. 

Nghe ông và một số ca sĩ trình diễn Về quê  

Theo em anh thì về
Theo em anh thì về thăm lại miền quê
Nơi có một triền đê
Có hàng tre ru khi chiều về
.. 

Bài hát ông viết năm 1998 cho đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh tham gia hội diễn do Bộ Văn hóa tổ chức lúc ấy, được nhiều người cho là bài hát hay nhất của ông. Một số khác thì chê bài hát hơi sến. Trong bài phỏng vấn do Hồng Thanh Quang thực hiện đăng trên ANCT,  ông kể ông đã nhiều lần khóc với bài hát của mình.

Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hưng Yên. Ông là tác giả của nhiều ca khúc đẫm chất dân ca rất nổi tiếng: Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Khúc hát phiêu ly...


15/9/20

tương tư

 Tương tư là nhan đề một bài thơ nổi tiếng của nhà thơ trứ danh đời Đường, Vương Duy

相思

紅豆生南國,

春來發幾枝?

願君多采擷,

此物最相思。

王維。

Âm Hán Việt:

Hồng đậu sinh Nam quốc,

Xuân lai phát kỉ chi?

Nguyện quân đa thái hiệt,

Thử vật tối tương tư.

Nghĩa

Hồng đậu sinh ở nước Nam,

Xuân vể mọc được mấy nhánh?

Xin chàng hái nhiều vào,

Vật này rất gợi nhớ nhau.

Dịch đại

Hồng đậu nơi trời nam,

Xuân về nẩy mấy cành?

Người ơi hái nhiều nhé,

Hạt hạt nhớ khôn khuây!

*

Hồng đậu là đậu đỏ, một loại đậu trồng ở vủng Lĩnh Nam (vùng Hồ Nam, Giang Tây, Quảng Tây, Quảng Đông ngày nay. Chữ Nam quốc trong bài là chỉ vùng đất này). Không giống đậu đỏ ở ta, loại  đậu đỏ này hạt rất cứng, có thể dùng làm đồ trang sức để cài tóc, đeo tay, .. Có một truyền thuyết về loại đậu này, na ná như loài cây for-get-me-not ở phương Tây: Xưa có anh chàng đi lính thú xa, người vợ ở nhà ngày ngày ngóng mong thương nhớ. Một hôm tin dữ bay về, chàng đã vị quốc vong thân. Người vợ khóc đến chảy máu mắt mà chết. Sau đó, trên mộ nàng mọc lên cây đậu, hột tròn đỏ, như những giọt lệ máu, lại rất cứng, như tấm lòng kiên trinh của nàng. Thế nên Hồng đậu còn được gọi là hạt tương tư (Chữ Hán 相思子 tương tư tử).Có khá nhiều thơ nhạc sử dụng hình ảnh hạt đậu đỏ này. Như bài Hồng đậu sinh Nam quốc, nhạc phim Hậu Tây Du Kí do Đồng Lệ trình bày. Đặng Lệ Quân, Vương Phi cũng đều có thu mỗi người một bài nhan đề Hồng đậu (khác nhau). Bài thơ của Vương Duy cũng đã được phổ nhạc. Mời nghe, 3/4 bài hát có vietsub: 



(hình: baike.baidu.net)

13/9/20

Đồng chí của tôi

 Trong những ngày CCRĐ, Văn Cao viết bài thơ "Đồng chí của tôi". Trong những ngày này, những người đồng chí kia lại bắn giết nhau (lại ruộng đất!). Không biết có ai trong số họ thấy đau xót như VC xưa, hay chỉ sùng sục căm thù. Để dành lại sự thương xót cho những người ko phải đồng chí, nhưng ko thể tự đặt mình ngoại cuộc. Xót cho họ, lại thương cho mình.

ĐỒNG CHÍ CỦA TÔI

Người ta các đồng chí của tôi

Treo tôi lên một cái cây

Đợi một loạt đạn nổ

Tôi sẽ dẫy như một con nai con

Ở đầu sợi dây

Giống như một nữ đồng chí

Một anh hùng của Hà Tĩnh

Tôi sẽ phải kêu lên

Như mọi chiến sĩ bị địch bắn

Đảng Lao động Việt Nam muôn năm

Cho mọi người hiểu khi tôi chết

Vẫn còn là một đảng viên

Cho mọi người hiểu khi tôi chết

Máu của tôi vẫn còn là máu của Việt Nam

Ở dưới gốc cây có các cụ già các bà mẹ

đã nuôi cách mạng

Các em nhỏ từ ba tuổi đứng nhìn tôi

dẫy chết

Có mẹ tôi

Ba lần mang cơm đến nhà tù

Hãy quay mặt đi

Cho các đồng chí bắn tôi

Tôi sợ các cụ già không sống được

Bao năm nữa

Để nhìn thấy xã hội chủ nghĩa

Của chúng ta.

Chết đi mang theo hình đứa con

Bị bắn

Tôi sợ các em còn nhỏ quá

Sẽ nhớ đến bao giờ

Đến bao giờ các em hết nhớ

Hình ảnh tôi bị treo trên cây

Bị bắn

Hãy quay mặt đi

Cho các đồng chí bắn tôi…

Nước mắt lúc này vì Đảng nhỏ xuống

Dòng máu lúc này vì Đảng nhỏ xuống

Đảng Lao động Việt Nam muôn năm

Đảng Lao động…

(1956) 


Bài thơ được Nguyễn Trọng Tạo công bố sau khi văn Cao đã mất, trong bài viết  nhan đề bài viết là "Ba biến khúc của Văn Cao" [1]. Văn Cao có bài thơ nhan đề gần giống thế.

BA BIẾN KHÚC TUỔI 65

I

Một người cho tôi con dao găm

Không biết dùng làm gì

đêm nhìn qua cửa sổ

một khoảng trống đen

tôi ném vào khoảng trống

con dao găm ấy

có phải đấy là sự nghịch ngợm

bỗng nhiên có tiếng ngã ngoài sân

một người trúng tim đã chết

tôi không hề biết người ấy

tôi là kẻ không muốn giết người

chỉ biết bóng tối

mà tôi đã ném dao

II

Tôi đi trên phố

bỗng nhiên mọi người nhìn tôi

một ai đó kêu lên: thằng ăn cắp

tôi chạy

tôi chạy

tại sao tôi chạy?

tôi không hiểu tôi

cả phố đuổi theo tôi

xe cộ đuổi theo tôi

tôi chạy bạt mạng

gần hết đời

tới chỗ chỉ còn gục xuống

tỉnh dậy mồ hôi chảy

tôi lại thấy tôi là người chưa phạm tội.

III

Tôi rơi vào mạng nhện

mạng nhện cuốn lấy tôi

không còn cách gì gỡ được

tôi như con sâu tằm

cuộc đời cứ như thế

muốn phá cái mạng nhện

tôi không đủ tay.

Tháng 9-1988

Ở tuổi 65 nhìn lại, ông thấy việc giết người chỉ là sự "nghịch ngợm" thời trẻ tuổi, ông ko muốn giết người, chỉ muốn xóa đi bóng tối. Nhưng cái bóng tối kia, cuối cùng đã chụp lấy ông, đến cả con cháu ông còn chưa thoát. Lúc cuối đời, ông có từng nghĩ mình là hiệp sĩ của bóng tối? [2]

[1] http://www.viet-studies.net/NguyenTrongTao_BienKhucVanCao.html

[2] http://giadinh.net.vn/giai-tri/nhac-si-van-cao-tung-di-tru-khu-viet-gian-2010052711077417.htm



8/9/20

Tình bỗng khói sương

Một ngày em đã xa tôi
Đường mây hướng gió xa xôi ngàn trùng
Quanh tôi là cõi thinh không
Tìm đâu lại áng mây hồng vụt bay

...

Tình Bỗng Khói Sương (thơ Phạm Ngọc, nhạc Phạm Anh Dũng) Bảo Yến hát, Quốc Dũng hòa âm. (video trên thvn 2005)


















sơn dầu alphonse jules debaene