29/12/14

Đợi anh về . Simonov


Nói đến đợi chờ, ko thể ko nhớ đến bài thơ của Simonov, ở Việt Nam biết qua bản dịch của Tố Hữu, dịch lại từ một bản dịch tiếng Pháp. Ghi luôn bản tiếng Pháp để đối sánh

Đợi Anh Về

Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có buồn lê thê
Em ơi em cứ đợi.

Dù tuyết rơi gió thổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh về em nhé!

Tin anh dù vắng vẻ
Lòng ai dù tái tê
Chẳng mong chi ngày về
Thì em ơi cứ đợi!

Em ơi em cứ đợi
Dù ai thương nhớ ai
Chẳng mong có ngày mai
Dù mẹ già con dại
Hết mong anh trở lại
Dù bạn viếng hồn anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì em ơi mặc bạn
Đợi anh hoài em nghe
Tin rằng anh sắp về!
Đợi anh anh lại về.
Trông chết cười ngạo nghễ.

Ai ngày xưa rơi lệ
Hẳn cho sự tình cờ
Nào có biết bao giờ
Bởi vì em ước vọng
Bời vì em trông ngóng
Tan giặc bước đường quê
Anh của em lại về.

Vì sao anh chẳng chết?
Nào bao giờ ai biết
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người.
Biết như em chờ đợi.

(nguồn: wiki)

Attends-moi

Si tu m'attends, je reviendrai,
Mais attends-moi très fort.
Attends, quand la pluie jaune
Apporte la tristesse,
Attends quand la neige tournoie,
Attends quand triomphe l'été
Attends quand le passé s'oublie
Et qu'on attend plus les autres.
Attends quand des pays lointains
Il ne viendra plus de courrier,
Attends, lorsque seront lassés
Ceux qui avec toi attendaient.
Si tu m'attends, je reviendrai.
Ne leur pardonne pas, à ceux
Qui vont trouver les mots pour dire
Qu'est venu le temps de l'oubli.
Et s'ils croient, mon fils et ma mère,
S'ils croient, que je ne suis plus,
Si les amis las de m'attendre
Viennent s'asseoir auprès du feu,
Et s'ils portent un toast funèbre
A la mémoire de mon âme..
Attends. Attends et avec eux
refuse de lever ton verre.

Si tu m'attends, je reviendrai
En dépit de toutes les morts.
Et qui ne m'a pas attendu
Peut bien dire : "C'est de la veine".
Ceux qui ne m'ont pas attendu
D'où le comprendraient-ils, comment
En plein milieu du feu,
Ton attente
M'a sauvé.
Comment j'ai survécu, seuls toi et moi
Nous le saurons,
C'est bien simple, tu auras su m'attendre,
comme personne.

(cop từ chimviet.free.fr)

Bài thơ đã được Văn Chung (1914 - 1984) phổ nhạc, nxb Cửu Long ở Hải Dương phát hành tháng 6/1954. Mời nghe Phạm Ngọc Lân đàn và hát





Mấy nhận xét sau đây của Thân Trọng Sơn về bản dịch nổi tiếng này của Tố Hữu rất có ích để hiểu thêm nguyên tác. Nhưng khá dài, để dạng ẩn cho đỡ rối mắt (ai xem blog bằng smart phone thì ko ẩn được). Ai muốn đọc thì mời click đọc

Tố Hữu dịch bài thơ này từ bản tiếng Pháp. Tra cứu trên mạng ta có thể tìm thấy nhiều bản dịch tiếng Anh khác nhau nhưng chỉ có một bản tiếng Pháp duy nhất, không ghi tên người dịch. Các bản dịch đều khá trung thành với nguyên tác, kể cả phần bố cục. Nhan đề các bài thơ dịch đều sát với nguyên tác  tiếng Nga  " Жди меня "  ( Attends-moi , Wait for me, Hãy đợi anh ). Жди меня được lặp lại ở câu đầu của cả ba khổ thơ : " Жди меня, и я вернусь." Hãy đợi anh, và anh sẽ trở về. Жди, thức mệnh lệnh của động từ  җдaть, sau đó còn được lặp lại sáu lần trong khổ thơ thứ nhất.  Hãy đợi anh, hãy đợi, hãy đợi, hãy đợi ...  Đó là lời nhắn gởi, gần như là lời cầu khẩn thiết tha, của người chiến sĩ ngoài mặt trận với người vợ / người yêu ở hậu phương, với lòng mong mỏi, niềm tin tưởng rằng sự chờ đợi kiên trì của người ở lại sẽ giúp anh vượt qua hiểm nguy, gian khổ để trở về. Điều đáng ngạc nhiên là bản dịch tiếng Pháp sau nhan đề Attends-moi dịch đúng nguyên tác Жди меня thì các câu đầu của mỗi khổ đều đổi là " Si tu m'attends " Cái ý nhắn gởi, hứa hẹn, động viên ... của Жди меня, Hãy đợi anh,  mà chuyển thành " Si tu m'attends " " Nếu em đợi anh, ... "  e  có phần yếu đuối, bi quan quá chăng.
Tuy không tham khảo nguyên tác tiếng Nga mà chỉ căn cứ vào bản tiếng Pháp để dịch, Tố Hữu đã không lệ thuộc vào mệnh đề " Si tu m'attends "đó mà vẫn viết " Đợi Anh về ", " Đợi anh hoài em nhé ..." Đó không phải là chi tiết duy nhất chứng tỏ tính độc lập của nhà thơ khi làm công việc chuyển ngữ. Nếu bản tiếng Pháp theo sát nguyên tác ở hình thức một bài thơ ba khổ, mỗi khổ mười hai câu, thì "Đợi anh về" lại là một bài có tám khổ thơ với số câu mỗi khổ không đều nhau. Bài dịch, với thể thơ năm chữ, thoát ra hẳn văn bản gốc, nhất là với những lối diễn đạt, những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với thơ Việt.

- Em ơi em cứ đợi
Em ơi, đợi anh về

- Tan giặc, bước đường quê
Anh của em lại về.

Và đây nữa, chẳng ai nghĩ là thơ dịch :

Mưa cứ rơi dầm dề
Ngày cứ dài lê thê.

Hai câu này chuyển từ :

Attends, quand la pluie jaune
Apporte la tristesse.

La pluie jaune, cơn mưa vàng, hình ảnh này chưa thấy trong thơ Pháp, trong tiếng Pháp. Cũng phải thôi vì dịch giả Pháp đã dịch sát từ nguyên tác tiếng Nga :


Жди, когда наводят грусть
Желтые дожди,
Pluie jaune, mưa vàng,  chính là желтые дожди đó.

Đọc tiếp những câu sau, ta có thể hiểu được, qua mạch văn, ý tứ của người chiến sĩ nhắn gởi người ở nhà hãy kiên trì chờ đợi bất chấp biến chuyển của thiên nhiên, qua dòng chảy của thời gian, qua tuyết đông, nắng hạ. Vậy thì mưa vàng chính là mưa mùa thu, khi cảnh vật âm u, vàng vọt, gợi nên nỗi sầu không dứt. Phải chăng với cách hiểu như thế mà một dịch giả tiếng Anh đã thêm vào tính từ " dreary " ( là thê lương, ảm đạm) không có trong nguyên tác ? :

( Wait for me, and I'll come back !
Wait with all you've got )
Wait, when dreary yellow rains
Tell you, you should not.

Tố Hữu đã thoát khỏi những hình ảnh xa lạ đó bằng hai câu " Mưa cứ rơi dầm dề / Ngày cứ dài lê thê ", đọc lên nghe như thơ sáng tác chứ không phải thơ dịch.

Ở những ví dụ nêu trên, lối dịch thoát như thế có thể tạo được sự đồng cảm nơi người đọc vì dù sao ý tưởng, tâm trạng của tác giả vẫn được tôn trọng, chỉ có cách diễn đạt là khác thôi. Tuy nhiên, khi đọc tiếp những khổ thơ sau thì người đọc khó chia sẻ được với chủ ý của dịch giả .

Dù bạn viếng hồn Anh
Yên nghỉ nấm mồ xanh
Nâng chén tình dốc cạn
Thì Em ơi mặc bạn
Đợi anh hoài nghe em
Tin rằng anh sắp về.

Đối chiếu với văn bản gốc dưới đây thì sáu câu thơ dịch trên, do " thoát " quá xa nên có phần mất đi sự tinh tế, ý nhị, nhất là ở hai câu : "Yên nghỉ nấm mồ xanh / Nâng chén tình dốc cạn "

Si les amis las de m'attendre
Viennent s'asseoir auprès du feu,
Et s'ils portent un toast funèbre
A la mémoire de mon âme..
Attends. Attends et avec eux,
refuse de lever ton verre.

Cho dù bằng hữu bỏ cuộc
Ngồi bên bếp lửa quây quần
Cùng nhau uống ly rượu đắng
Tưởng niệm linh hồn bạn thân
Thì em cũng hãy cứ chờ
Đừng vội cùng người nâng cốc !
( TTS )

Hãy đọc thêm khổ thơ tiếp theo :

Đợi anh, anh lại về
Trông chết cười ngạo nghễ
Ai ngày xưa rơi lệ
Hẳn cho sự tình cờ.

Dù ủng hộ mọi sáng tạo của nhà thơ khi chuyển ngữ, người đọc vẫn thấy có gì đó không ổn trong câu "  trông chết cười ngạo nghễ  " : trong tiếng Việt động từ " chết  " nếu dùng như danh từ phải nói là " cái chết, sự chết  ", trông ( nhìn ) cái chết, chứ nói " trông chết " nghe sao kỳ kỳ !. Chỗ này bản tiếng Pháp là "  en dépit de toutes les morts  " , và bản tiếng Anh "  despite all death can do  ", gần sát với nguyên tác tiếng Nga " Всем смертям назло " , trêu ngươi mọi cái chết . Có lẽ cũng vì thấy điều này nên nhạc sĩ Văn Chung khi phổ nhạc bài thơ này đã sửa thành " trong tiếng cười ngạo nghễ  " để giữ được tiếng Việt trong sáng, nhưng tiếc thay lại làm mất đi cái ý trêu ngươi / xem thường / bất chấp mọi cái chết.

Mạch cảm xúc đã đẩy người dịch đi quá xa ở hai câu tiếp theo " Ai ngày xưa rơi lệ / Hẳn cho sự tình cờ  " , cả tình lẫn ý không gắn với nội dung toàn bài, không hề có trong nguyên tác, cũng không thấy trong bất kỳ một bản dịch nào.

Một vài từ, một vài câu, một vài ý đọc được trong bản dịch mà khi đối chiếu với nguyên bản thấy hoàn toàn xa lạ, điều này vẫn thường xảy ra bởi, suy cho cùng, trong dịch thuật văn học, việc trung thành tuyệt đối với văn bản gốc là điều khó có thể thực hiện được. Người dịch quan tâm nhiều nhất đến việc chuyển tải nội dung, ý nghĩa của văn bản gốc bằng sự diễn đạt qua một ngôn ngữ khác với tất cả những đặc trưng về ngữ nghĩa, cú pháp, phong cách... của nó. Mỗi ngôn ngữ lại có cách thể hiện riêng cho nên thử thách lớn nhất - nếu không nói là rủi ro lớn nhất - của người dịch là việc không trung thành với nguyên tác về nội dung hay hình thức, về văn phong hay ý nghĩa, về tư duy hay tình cảm. Có vẻ như phần lớn dịch giả chuộng một bản dịch "  đẹp  " hơn một bản dịch " sát  " bởi ai cũng muốn bản dịch của mình cũng là một tác phẩm nghệ thuật đích thực.
(nguồn: chimviet.free.fr)

Nguyên tác là bài thơ của Simonov (Константин Михайлович Симонов 1915 - 1979).



Hồng Thanh Quang dịch từ nguyên tác tiếng Nga, được cho là sát với nguyên tác nhất trong số các bản dịch trước nay. Cop lại đây để hiểu thêm về bài thơ. Ko biết tiếng Nga nhưng cũng cop thêm vào đây, để ai biết nga ngố thì check lại.

click đọc thơ

Đợi Anh Về

Đợi anh, anh sẽ về,
Hãy đợi chờ anh nhé.
Hãy đợi, mặc dầm dề
Mưa giăng buồn tái tê,
Hãy đợi, mặc tuyết giá,
Hãy đợi, dù nắng nôi
Dù mọi người hết đợi,
Hôm qua quên lãng rồi.
Hãy đợi, dù xa ngái
Chẳng tới một dòng thư,
Hãy đợi, dầu tất cả
Đã chán chê đợi chờ.

Đợi anh, anh sẽ về,
Chớ mong chi điều phúc
Cho tất cả ai người
Nghĩ giờ, quên phải lúc.
Dù con ta, mẹ ta
Đều tin rằng anh chết.
Dù bạn chờ đã mệt,
Bên bếp lửa quây quần
Sẽ cạn men rượu đắng
Tưởng niệm một linh hồn...
Đợi anh. Và cùng bạn
Chớ nâng ly vội vàng.
Đợi anh, anh sẽ về,
Chẳng xá gì chết chóc.
Mặc ai đó không ngờ
Thốt lời: May được thoát

Không đợi làm sao biết
Giữa bão đạn mưa bom
Bằng mong ngóng chờ trông
Em cứu anh khỏi chết.
Anh nhờ đâu sống sót,
Mỗi hai mình hiểu thôi
Chỉ vì em biết đợi
Khác ai ai trên đời...
Làm sao anh khỏi chết?
Đơn giản thôi em ơi,
Bởi không có ai người,
Biết như em chờ đợi....

(nguồn: baomoi.com)

Жди меня

Жди меня, и я вернусь.
Только очень жди,
Жди, когда наводят грусть
Желтые дожди,
Жди, когда снега метут,
Жди, когда жара,
Жди, когда других не ждут,
Позабыв вчера.
Жди, когда из дальних мест
Писем не придет,
Жди, когда уж надоест
Всем, кто вместе ждет.

Жди меня, и я вернусь,
Не желай добра
Всем, кто знает наизусть,
Что забыть пора.
Пусть поверят сын и мать
В то, что нет меня,
Пусть друзья устанут ждать,
Сядут у огня,
Выпьют горькое вино
На помин души...
Жди. И с ними заодно
Выпить не спеши.

Жди меня, и я вернусь,
Всем смертям назло.
Кто не ждал меня, тот пусть
Скажет: - Повезло.
Не понять, не ждавшим им,
Как среди огня
Ожиданием своим
Ты спасла меня.
Как я выжил, будем знать
Только мы с тобой,-
Просто ты умела ждать,
Как никто другой.

(1941)

(cop từ thivien.net)


Khi thế chiến II nổ ra, Simonov ra chiến trường giữ chức chủ nhiệm chính trị của một Tiểu đoàn Hồng Quân, đồng thời làm nhiệm vụ của một phóng viên chiến trường cho tờ Sao đỏ. Bấy giờ ông đang yêu Valentina, một diễn viên nổi tiếng, xinh đẹp, tính tình đồng bóng, vừa góa chồng. Câu chuyện về người phụ nữ đằng sau bài thơ từng được xem là biểu tượng của sự trung trinh rất hấp dẫn, ai muốn đọc thì mới click đọc

Hai người gắn bó với nhau trong mối quan hệ vừa nồng nàn vừa mong manh vì với một người đa nhân cách, sống bản năng như Valentina, khó ai có thể nói trước một điều gì.

Valentina Selova
Và đấy cũng lại là sự quyến rũ nhất ở nàng. Simonov cảm thấy phấn chấn tới thắt lòng lại trước những cử chỉ mê đắm của nàng nhưng nhà thơ không bao giờ hiểu được là nàng yêu ông như thế nào hay có yêu ông thực không.

Đó là vì, trạng thái tình cảm của Valentina luôn luôn thay đổi, khiến nàng gần đấy mà lại xa ngay đấy, chập chờn như ảo ảnh.

Đôi khi Simonov có cảm giác rằng nàng chỉ yêu ông khi thể xác ở thế thượng phong, còn khi hồi tâm rồi nàng lại cảm thấy ông như một món nợ đời.

Anh biết em, em không giả dối,
Em đã vô cùng muốn yêu anh
Em chỉ nói dối được khi đêm tới,
Lúc thân mình chi phối tâm linh...

Nàng tiếp nhận những sự dâng hiến, những vai diễn mà Simonov dành cho nàng trong các tác phẩm của ông nhưng nàng hầu như không bao giờ nói từ “yêu” một cách rành rẽ và tỉnh táo.

Đã có lúc Simonov tuyệt vọng tới mức muốn rời bỏ nàng, nhưng không nổi! Có lẽ đó cũng là một trong những bí ẩn lớn của tình yêu, càng khó nắm bắt càng khó rời bỏ.
Simonov đã có lúc phải thốt lên vừa đắng cay vừa phấn khích:

Simonov, 1942
Tôi buồn và nhớ quá
Giá tìm được ai kia
Giống hệt như em ấy
Để khỏi quay trở về

Nhưng tìm đâu ra tay
Giống hệt đôi tay đó
Để trong cảnh chia ly
Tôi thấy buồn và nhớ?

Tìm đâu ra đôi mắt
Biết như em giận hờn
Chỉ vô cùng thi thoảng
Giọt lệ dâng nỗi buồn?

Tìm đâu ra cái miệng
Biết hát, cười như em,
Để suốt đời tôi lo
Nhỡ đâu nàng lỡ hẹn?

Tìm đâu người mà ta
Luôn thứ tha mọi nỗi
Để bên nàng vẫn sợ
Chỉ tạm thời vậy thôi...

Trong những dằn vặt thường xuyên như thế, Simonov phải ra chiến trường. Với những tâm sự riêng tư, đầy hoài nghi vào sự chung tình của ý trung nhân, trong một cơn hứng phấn gần như thiên khải, ông đã viết nên bài thơ “Đợi anh về”.
Đơn giản là nhà thơ muốn nêu bật tâm sự của người có thể ngày mai sẽ ngã xuống trên chiến trường đầy bi tráng và xin một ân huệ cuối cùng ở người mà ông yêu.
Ông đã đặt cược cả tính mạng mình vào tay người phụ nữ đa tình và nhẹ dạ mà ông yêu quý hơn mọi sự trên đời: Anh chỉ có thể sống sót trở về nếu em chung thủy.
Người lính nào ra trận mà không muốn tin vào sự vững chắc của hậu phương. Hàng triệu bản in bài thơ này (xuất hiện lần đầu trên báo Pravda (Sự thật) ngày 14/1/1942) đã trở thành cầu nối cho vô số những cặp tình nhân thời chiến.

Lời khẩn cầu bi thiết của riêng Simonov lại trở thành khúc tụng ca đức trung trinh của người phụ nữ cho tất cả thiên hạ. Trong cách cảm nhận của rất nhiều người, Valentina đã trở thành biểu tượng tuyệt vời của phụ nữ Xôviết, biết yêu và đợi chờ như không một ai khác có thể.
(cop từ vtc.vn)

Trong thực tế, số phận của các nhân vật đằng sau bài thơ bi thảm chứ ko tuyệt vời thế. Simonov năn nỉ nàng đợi anh về, bài thơ đăng báo tháng 1/1942 thì chỉ khoảng một tháng sau, nhân chuyến đi biểu diễn phục vụ ở bệnh viện, nàng gặp một bệnh nhân đặc biệt, một vị nguyên soái nổi danh gấp đôi tuổi, và bị ngay cú sét. Mặc kệ cái gì là biểu tượng trung trinh, họ lao vào vòng tay nhau đắm đuối, Nhưng Simonov cũng mặc kệ, coi cuộc tình của nàng với thủ trưởng chỉ như một cơn say nắng, vẫn tiếp tục đeo đuổi. Sự lì lợm của ông cuối cùng cũng có kết quả, năm sau thì nàng rũ bỏ mối tình với vị nguyên soái, nhận lời cưới nhà thơ, mặc kệ vị tướng già si tình nhiều năm sau đó mỗi khi có dịp lại ban đêm dừng xe dưới đường nhìn lên bóng nàng thấp thoáng sau rèm cửa sổ cho đỡ nhớ. Tuy nhiên sau khi về sống với nhau, những ảo tưởng vỡ dần. Nàng sinh ra nát rượu, ông thì kiếm một bóng hồng khác để tìm sự an ủi. Hai người chia tay năm 1957, sau 14 năm chung sống và có với nhau một cô con gái. Giờ đây nàng nhan sắc tàn phai, vai diễn ko còn, suốt ngày say xỉn, cuối cùng chết cô độc ở nhà riêng năm 1975. Simonov ko về viếng tang, chỉ gởi 58 bông cẩm chướng đỏ cho 58 năm bà tại thế. Bốn năm sau ông cũng mất.

Nghe Elvis Phương trình bày lại bản nhạc của Văn Chung, nhân tiện nghe một album nhạc cũ, thu từ trước 1975



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)