31/10/15

Còn một chút gì để nhớ


Nghe lại Sĩ Phú với ca khúc Còn một chút gì để nhớ




Bài hát do Phạm Duy phổ nhạc bài thơ cùng tên của Vũ Hữu Định sáng tác năm 1970.

Còn một chút gì để nhớ

phố núi cao phố núi đầy sương
phố núi cây xanh trời thấp thật buồn
anh khách lạ đi lên đi xuống
may mà có em đời còn dễ thương

phố núi cao phố núi trời gần
phố xá không xa nên phố tình thân
đi dăm phút đã về chốn cũ
một buổi chiều nào lòng bỗng bâng khuâng

em Pleiku má đỏ môi hồng
ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông
nên mắt em ướt và tóc em ướt
da em mềm như mây chiều trong

xin cảm ơn thành phố có em
xin cảm ơn một mái tóc mềm
mai x
a lắc trên đồn biên giới
còn một chút gì để nhớ để quên.

Vũ Hữu Định tên thật là Lê Quang Trung, sinh năm 1942 tại Thừa Thiên, lập gia đình tại Đà Nẵng, và định cư tại đây. Để trốn lính, ông vào Xây dựng nông thôn - đoàn thể bán vũ trang do nhà nước lập ra bấy giờ, về nông thôn làm công tác dân vận. Sau 1975 ông bị đi cải tạo một tháng rồi về làm công nhân nhà đèn. Năm 1981 trong một buổi nhậu với bạn bè, ông té từ lầu 1 và qua đời.

Làm thơ đăng báo từ thời 196x, được biết đến nhiều sau khi Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Còn một chút gì để nhớ. Sinh thời ông không có tác phẩm nào xuất bản. Sau khi mất, bạn bè mới đóng góp in được một tập thơ mỏng - Còn chút gì để nhớ, nxb Trẻ (1996).


Đọc thêm vài bài thơ của VHĐ


Luận với đàn bà

nói từ chuyện nắng qua mưa
chuyện sông tới biển chuyện mùa cá rô
can chi phải nói vòng vo
cứ theo chánh đạo giao hoà tự nhiên


Thấy gái luận với mình

Sài Gòn nắng bở hơi tai
ồn xe cộ với ồn người tranh nhau
thấy con gái lộ cuống bầu
mới hay ta vẫn còn cao chất người


Đứng ở bờ sông thấy cá nhảy lên bờ luận với mình

dưới sông cá nhảy lên bờ
động trong tâm cõi mịt mờ người ta
hỏi từ con cá hỏi ra
sống trên mặt đất tà tà mãi sao?


Khúc hát người lỡ vận

ta đã hát khúc hát đời lỡ vận
khúc hát buồn như một khúc sông con
khúc hát cay như những lần uống rượu
khúc hát chua như một dĩa cũ mòn

khúc hát đời cha nay tới đời con
khúc hát đời mẹ già tần tảo héo hon
mười năm cha mẹ đau chân sỏi
sớm lặn truông xa, chiều lội bãi cồn

khúc hát phần cơm ba phần sắn
khúc hát mai ăn chiều nhịn nuôi con
ấu thơ ta như cánh bèo mới nở
trôi lênh đênh theo cha mẹ mỏi mòn

bây giờ ta nửa đời dở sống
sớm lăn theo cơm áo mệt nhoài
chiều chen chân mua chút phần hơi thở
cũng lại một đời sầu chẳng nguôi ngoai

- con yêu dấu! hãy tìm hơi ấm mẹ
những đêm mưa nhà dột gió lò
- em yêu dấu hãy ru con bằng những
lời yêu đời mềm ngọt, thơm tho

đừng để con nghe những lời gian khổ
khúc hát hai ta đã hát một đời
em cứ hát, dẫu giọng khàn đứt cổ
cho con tròn những giấc thảnh thơi

ta đã hát khúc hát đời lỡ vận
hát âm u trong đêm tối một mình
nghe vợ trở trăn, lòng đau đứt ruột
thương em đời vội lỡ một thời xanh


Chẳng hay

Chiều dựng mùa đông mây xám ngắt
núi cao trời thấp có ta về
giang hồ đâu có ai phong ấn
mà nghĩ từ quan trở lại quê

Ta đi, xưa gió đưa vài dặm
ta đi, xưa mưa ướt vừa căm
quê nhà ngoảnh lại mờ trong gió
hình như không đủ buồn trong lòng

Ta đi, có những ngày trú quán
lòng mốc tình khô như lá bay
ngồi quán suốt ngày trông thiên hạ
ta có sầu không ta cũng chẳng hay

Ta đi, có những ngày khô héo
chẳng nhớ quê nhà, chẳng muốn về
mẹ, chị, đàn em như bóng khói
nương với đời ta quay quắt trong mê

Ở đâu rồi cũng đời vất vưởng
chiều lặng lòng câm dạt phố người
khi không ta có đời lang bạt
đời học trò xưa khép cánh hổ ngươi

Chiều nay không hẹn ta lại về
mùa đông dài vẫn níu chân quê
ta về, gió đón phong sương lạnh
ta về, mưa đón ta về quê

Thôi chẳng về chi thôn xóm quạnh
nhà xưa giờ chắc cũng điêu tàn
đứng đây đường cái quan bên núi
ta cũng đã trầm lòng mê mê

Chiều dựng mùa mưa bên vách núi
chiều neo sương khói buổi ta về
mẹ, chị, đàn em không có mộ
thăm ai? thăm ai? ta về quê


Cảm mà viết

một đêm say ngất bên sông
nửa khuya thức dậy ngó dòng sông trôi
mênh mông rộng bốn hướng trời
cô đơn trăng lạnh và tôi ở đời

+

khi tỉnh chẳng bao giờ ta khóc
lúc say mê khúc hát người xưa
một ý cũ như là trái đất
ngấm trong ta bật tiếng khóc òa


Đứng giữa đồng không

một bầy sáo nhỏ qua sông
một em tôi đã cầm lòng đi xa
như con sông nhỏ thật thà
sớm hiu hắt tạnh, chiều sa mưa nguồn
một bầy sáo đã đi luôn
một em tôi đã để buồn lại đây
con chim quyên đã lạc bầy
xuống sông vọc nước đợi ngày xế ngang
một bầy sáo nhỏ bay hoang
một em tôi đã bỏ làng đi xa
tôi ngu ngơ giữa chiều tà
em đi để lại mình ta giữa đồng


Năm 1982, nhân giỗ đầu nhà thơ, nhạc sĩ Trần Quang Lộc có viết một ca khúc tên Mộ Trăng

Em Pleiku má đỏ môi hồng
Có thật đã ngủ yên trên ngọn núi cao kia
Trong bóng tối ôi lạnh quá đôi chân trần
Người ơi! Ơi hỡi người ơi !
Yêu thương thế giới tơi bời trái tim
.
.



Nghe như tiếng khóc. Sao thế nhỉ. Ai chả phải chết, sớm muộn dăm chục năm ngẫm cho cùng có khác gì nhau. Nhưng Vũ Hữu Định không mất hẳn. Vẫn còn, sẽ còn bao nhiêu người nhớ. Ngắm một bức ảnh của Thái Phiên cho vui. Cũng là một em trên núi cao, nhưng không biết có phải Pleiku không


Thaiphien photo

em Pleiku má đỏ môi hồng
trên ngọn núi cao kia
ôi lạnh quá ..

6 nhận xét:

  1. link cũ bài Còn chút gì để nhớ bị die, thay lại link khác. (4/7/22)

    Trả lờiXóa
  2. Về hoàn cảnh ra đời bài hát (cop lại từ bài viết của Ngô Thế Vinh)
    Giai thoại 1: từ Lê Ngộ Châu và Trí Đăng [1970]

    “Vào khoảng năm 1970 tòa soạn Bách Khoa nhận được bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ của Vũ Hữu Định, một tên tuổi còn rất xa lạ với Lê Ngộ Châu nhưng do thấy bài thơ quá hay với hình ảnh nhẹ nhàng về phố núi Pleiku, Lê Ngộ Châu đã nhờ anh Trí Đăng [chủ nhà in Trí Đăng đang in báo Bách Khoa], chở xe gắn máy tới nhà Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh ngã tư Phú Nhuận, nơi quy tụ nhiều gia đình nghệ sĩ nổi tiếng như Năm Châu, Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Minh Trang, Kim Tước… Lê Ngộ Châu đã đề nghị Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Vũ Hữu Định – dù anh chưa biết Vũ Hữu Định là ai. Chỉ hai ngày sau Phạm Duy đã chắp cánh cho bài thơ bằng một ca khúc cùng tên và được phát ngay trên đài phát thanh Sài Gòn với giọng ca vượt thời gian của Thái Thanh. Phổ nhạc các bài thơ là một khía cạnh tài năng khác rất đặc biệt của Phạm Duy.”

    https://www.voatiengviet.com/a/bach-khoa-le-ngo-chau/5943066.html

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Giai thoại 2: từ Trương Điện Thắng với lời kể của Phạm Duy [2006]

      Theo một nhà báo trong nước, Trương Điện Thắng thì: Những năm 1971-1972, bài hát Còn Chút Gì Để Nhớ của Phạm Duy là một trong những bài hát được yêu cầu nhiều nhất trong “Chương trình nhạc yêu cầu” trên đài Phát thanh Sài Gòn. Lúc đó tác giả bài thơ là nhà thơ Vũ Hữu Định — vừa qua tuổi 30, anh đang … trốn lính ở Sài Gòn và lang bạt ở Lâm Đồng, Bảo Lộc, Pleiku… Từ trong bóng tối với nhiều bút danh như Hàn Giang Tử, Vũ Hữu Định… chàng trai gốc An Cựu nhưng nói giọng Quảng Lê Quang Trung không nghĩ mình được nhạc sĩ tài ba Phạm Duy để ý. Với bút danh Vũ Hữu Định, anh bắt đầu xuất hiện trên tạp chí Bách Khoa của Lê Ngộ Châu, tuần báo văn nghệ Khởi Hành của Viên Linh… Bài Còn Chút Gì Để Nhớ đăng trên Khởi Hành và được nhà văn Võ Phiến chép vào sổ tay. Sau này, khi chúng tôi gặp lại Phạm Duy ở Nha Trang trong chương trình Duyên dáng Việt Nam 16 (12/2006), trong buổi ăn tối, Phạm Duy kể, ông đến chơi nhà Võ Phiến nhưng bạn đi vắng. Lân la chờ bạn trong phòng viết, thấy cuốn sổ tay bỏ ngỏ, ông giở vài trang đọc và bắt gặp bài thơ. “Lúc đó, tôi chưa biết anh Định là ai nhưng nhịp điệu và ngôn ngữ bài thơ làm tôi nảy ra ý định phổ nhạc.” [Còn Chút Gì Để Nhớ hay Số phận của mỗi tác phẩm, Trương Điện Thắng @T.Van 2017]

      Xóa
    2. Giai thoại 3: từ Phạm Duy với mảng trí nhớ cuối đời [2012]

      Trong cuốn sách Vang Vọng Một Thời do Phạm Duy biên soạn, Công ty Sách Phương Nam xuất bản 2015, Phạm Duy đã lại viết một phiên bản khác nữa về trường hợp phổ nhạc bài thơ Còn Chút Gì Để Nhớ, như sau:

      “Saigon 1972. Tôi đi Pleiku để nghiên cứu nhạc Tây Nguyên. Trong một tuần lễ ở đó, tôi được gặp vài nhà thơ trẻ bị động viên đang đóng quân tại miền biên giới này. Lúc đó tỉnh lỵ Pleiku còn nhỏ hẹp lắm. Một nhà thơ trẻ Vũ Hữu Định, đã mô tả cái thành phố đi dăm phút đã về chốn cũ… trong một bài thơ rất dễ thương. Tôi phổ nhạc ngay lập tức, không thêm thắt hay sửa đổi một chữ nào trong bài thơ. Cũng vì tôi đang nghiên cứu nhạc Thượng nên tôi dùng ngay ngũ cung cơ bản – cung (do mi fa sol si do) trong phần giai điệu. [Vang Vọng Một Thời, Phạm Duy biên soạn, Phương Nam xuất bản, 2015]

      Xóa
  3. Nghe Lệ Thu ca
    https://youtu.be/_nh_rmt-qkc

    Trả lờiXóa
  4. Thái Thanh
    https://youtu.be/SfFHZKl1yU0

    Trả lờiXóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)