Ai ko thích đọc thì nghe nhạc nhé, cuối bài có playlist của Kenny G. , tuyệt.
1.
Xa Thật Rồi
xa thật rồi …
xa thật rồi …
em đã cắt mọi liên hệ
anh ngồi trước màn hình ngày cúp điện
như một ân huệ cuối : rút ống thở khỏi người chết não
anh vẫn nhớ những đêm mưa
những đêm mưa …vỉa hè sài gòn
ngồi bên nhau lòng bập bồng bong bóng
những ngày lang thang tỉnh lẻ
nói về giờ phút biệt ly
em đi xa thật rồi …
xa thật rồi…
mùa mưa kéo dài kéo dài kéo dài
chợt hiện về ký ức
ở một nơi xa ngày xưa
em nhắn:
nhớ
bàn tay anh trên vùng ẩm ướt em…
Nguyễn Đình Bổn
Anh xa nàng, nhưng trước đó ít ra vẫn còn chút tin tức, dù chỉ là qua màn hình máy tính. Nay thì mất tăm .. May mà gặp ngày mất điện, giúp anh thôi tìm kiếm dấu tích nàng trên không gian ảo mà anh thừa biết là vô vọng. Rồi anh ngồi thẩn thờ nhớ lại những kỉ niệm xưa ..
Đọc, và không khỏi nghĩ vẩn vơ:
- nếu bàn tay anh không trên vùng ẩm ướt em thì liệu em có nhớ không ?
- đang nhớ về những đêm mưa ngồi với nhau bên vỉa hè Saigon, chổ nào chẳng ẩm ướt, vậy chổ ẩm ướt em mà tác giả muốn nói là chổ nào ? đôi môi ?
2.
Mai Thảo cũng có một bài thơ nói về một nơi bí hiểm như thế
chỗ đặt
Đặt tay vào chỗ không thể đặt
Vậy mà đặt được chẳng làm sao
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào
Mai Thảo
chỗ không thể đặt ? nách chăng ?.
vậy mà đặt được chẳng làm sao. Cô nào mà tài thế. Kinh nghiệm của tôi là tay đưa chưa tới, em đã khép chặt tay, cười đến không thở nổi, mắt nhắm tít ..
Mười năm gặp lại trên hè phố
Cười tủm còn thương chỗ đặt nào
Đến mười năm sau gặp, nhớ lại vẫn còn tủm tỉm cười, còn thương ... Hình như không phải là nách ..
3.
Trên Tạp chí Sông Hương số 32 (tháng 7&8 1988) có một trang dành cho thơ Hoàng Cầm, chọn giới thiệu 3 bài thơ của ông, trong đó có bài Theo đuổi.
Theo đuổi
Em ơi thử đếm mấy giêng hai
Đêm hội Lim về
đê quai rảo bước
Đuổi tà lụa nhạt
Ánh trăng đầm thấm đường sương
Ấy bởi thương em
vườn khô bỏ ngỏ
Gió vào ra bưởi trụi hồng thui
Ấy bởi thương em
mái nhà um cỏ
Chim vào ra vách đứng cột ngồi
Em về đồng chiêm đất rạn chân chim
Em đi mưa ngâu nước ngập đồi chè
Hồ nghe đêm hội ới a
Lại xót mắt em mi trường khép bóng
Lòng tay êm mát rừng tơ xa
Lại xót tay anh đêm trường ru võng
Rừng chân mây chưa động sấm quê nhà
Chân em dài đi không biết mỏi
Má em hồng lại nổi đồng mùa nước lụt mênh mông
Lưng thon thon cắm sào em đợi
Đào giếng sâu rồi
Đừng lấp vội đầu xanh
Lý lý ơi khát khô cả giọng
Tình tình ơi chớ động mành thưa
Chìa vôi quệt gió hững hờ
Bờ ao sáo tắm bao giờ…
…hở em.
Hoàng Cầm
Từ mấy câu đầu, dễ thấy nhà thơ đang có ý theo đuổi một cô nàng nào đấy vừa đi hội Lim về. Nhưng vì sao ông theo đuổi ? nàng đẹp ? Hẳn nhiên rồi. Xem ông tả
Lại xót mắt em mi trường khép bóng
Lòng tay êm mát rừng tơ xa
nàng có đôi mày dài (mi trường) - hẳn là đôi lông mày hình bán nguyệt rất được ưa chuộng trước đây. Nhưng đang nói về đôi mày dài xinh đẹp, sao lại nghĩ đến Lòng tay êm mát rừng tơ xa ? Nhà thơ đang định vẽ mày cho nàng như anh chàng Trương Vô Kỵ chăng ? Nhưng nếu thế thì rừng tơ gần chứ sao lại là rừng tơ xa ?
Đọc tiếp xem nhà thơ tả sắc đẹp của nàng
Chân em dài đi không biết mỏi
cô nàng cũng có cặp chân dài miên man, chắc không kém Ngọc Trinh. Nhưng đi đâu mà không biết mỏi ?
Má em hồng lại nổi đồng mùa nước lụt mênh mông
cô nàng có đôi má hồng. Má hồng thì rất đẹp rồi, chẳng thế mà cụm từ má hồng thường dùng để biểu thị cho phụ nữ đẹp - Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Nhưng má hồng thì liên quan gì đến nổi đồng nước lụt mênh mông ?
Lưng thon thon cắm sào em đợi
Đào giếng sâu rồi
Đừng lấp vội đầu xanh
cô nàng còn có cái lưng thon. Và hình ảnh tiếp theo là cái giếng sâu ..
Nếu như ta nhớ lại chân dài chữ Hán là trường túc, má hồng là hình ảnh của hồng diện, lưng thon là eo nhỏ lưng ong, tức chiết yêu; và nhớ đến mấy câu xem tướng phụ nữ rất phổ biến xưa nay, những hình ảnh ấy sẽ không còn đột ngột, khó hiểu .. Cả những câu tiếp theo, cũng trở nên rõ ràng. Cả những câu thơ ở đầu
Ấy bởi thương em
vườn khô bỏ ngỏ
Gió vào ra bưởi trụi hồng thui
Ấy bởi thương em
mái nhà um cỏ
Chim vào ra vách đứng cột ngồi
lần đầu đọc qua không chú ý lắm, giờ đọc lại cũng trở nên huyền ảo, mông lung ..
Hóa ra nhà thơ cũng đang theo đuổi một chổ đặt ?
4.
Mai Thảo là nhà văn thuộc vào hàng đầu ở miền Nam trước 1975. Ông viết rất nhiều truyện dài truyện ngắn tùy but biên khảo .., nhưng không thấy ông cho in bài thơ nào. Mãi lúc cuối đời, ở Mỹ, do bạn bè hối thúc, ông cho in một tập thơ mỏng, ta thấy hình ta những miếu đền. Đọc bài thơ có tên được lấy làm nhan đề tập sách:
ta thấy hình ta những miếu đền
Ta thấy tên ta những bảng đường
Đời ta, sử chép cả ngàn chương
Sao không, hạt cát sông Hằng ấy
Còn chứa trong lòng cả đại dương
Ta thấy hình ta những miếu đền
Tượng thờ nghìn bệ những công viên
Sao không, khói với hương sùng kính
Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên
Ta thấy muôn sao đứng kín trời
Chờ ta, Bắc Đẩu trở về ngôi
Sao không, một điểm lân tinh vẫn
Cháy được lên từ đáy thẳm khơi
Ta thấy đường ta Chúa hiện hình
Vườn ta Phật ngủ, ngõ thần linh
Sao không, tâm thức riêng bờ cõi
Địa ngục ngươi là, kẻ khác ơi!
Ta thấy nơi ta trục đất ngừng
Và cùng một lúc trục trời ngưng
Sao không, hạt bụi trong lòng trục
Cũng đủ vòng quay phải đứng dừng
Ta thấy ta đêm giữa sáng ngày
Ta ngày giữa tối thẳm đêm dài
Sao không, nhật nguyệt đều tăm tối
Tự thuở chim hồng rét mướt bay
Ta thấy nhân gian bỗng khóc oà
Nhìn hình ta khuất bóng ta xa
Sao không, huyết lệ trong trời đất
Là phát sinh từ huyết lệ ta
Ta thấy rèm nhung khép lại rồi
Hạ màn. Thế kỷ hết trò chơi
Sao không, quay gót, tên hề đã
Chán một trò điên diễn với người
Ta thấy ta treo cổ dưới cành
Rất hiền giấc ngủ giữa rừng xanh
Sao không, sao chẳng không là vậy
Khi chẳng còn chi ở khúc quanh.
Bài thơ đã được Trần Duy Đức phổ nhạc. Khánh Ly ca
Cũng lại là những suy tư về chổ đặt. Một thủa mong ước tên được đặt trên những bảng đường, trong sử sách, ở miếu đền .. Đến khi tấm rèm nhung khép lại, mới thấy mình vừa tham dự một tấn trò đời, ở vị trí một vai hề .. Game over, nhìn lại thấy đặt ở vị trí nào cũng chỉ là trò điên diễn với người. Đọc cả tập thơ gần trăm bài (phần lớn ngắn, mỗi bài chỉ bốn câu), đều là cái sự suy tư ấy. Khi trăn trở ray rứt, khi trầm ngâm chiêm nghiệm .. Duy chỉ có chổ đặt, nhớ lại với một nụ cười tủm tỉm, thương yêu ..
5.
Nguyễn Bắc Sơn sau những suy tư về chiến tranh, về thế sự, về tình đời .. cuối cùng hình như cũng thấy ra sự diệu kì của chổ đặt ấy
Thiếu nữ thôn làng
Gà trưa gáy một tiếng cười
Có người thôn nữ vén đùi qua khe
Quân tử nằm dưới bụi tre
Hoát nhiên ngộ Đạo, Đạo toe toét cười!
6.
Nhắc đến khe suối thì không thể không nhớ đến Bùi Giáng với
Ảnh Đặng Thành |
Gái lội qua khe
Nước tự rừng về
Chân gái có gót
Và năm ngón chân
Và một đầu gối
Và trên nữa rất tròn
Đầu tôi có mắt
Nhìn với hai con
Tên là con mắt
Đầu tôi có tóc
Thờ phượng tổ tiên
Vấn khăn quanh tóc
(Mỗi khi khấn vái tổ tiên)
Gái lội qua khe
Tấm quần gái ướt
Hãy ngồi bờ khe
Vắt quần phơi khóm trúc
Tôi cho gái mượn
Khăn tóc trên đầu
Gái lau cho khô
Lau chân ngón gót
Lau hai đầu gối
(Lau bất cứ chỗ nào tùy ý)
Tôi nhắm con mắt
Gái cứ tự nhiên
Tùy nghi sử dụng
Tôi nghe Tổ Tiên
Ở dưới mồ thức dậy
Lại gần bảo rằng:
Gái cứ tự nhiên
Tùy nghi sử dụng
Gái cứ tự nhiên
Lau bất cứ chỗ nào cũng được
Bùi Giáng
(Gái lội qua khe - Lá hoa cồn).
Về bài thơ này, Trần Nữ Phượng Nhi trong luận văn cao học (DH KHXH&NV tp HCM, tháng 4/2011) viết
Bài thơ này Phạm Duy phổ nhạc, thành Tục Ca 3. Nhưng audio tìm được trên mạng chất lượng kém quá. Nghe Kenny G thổi kèn thích hơn.
-----------
- tuongtri.com
- ta thấy hình ta những miếu đền
- Thơ Hoàng Cầm
- facebook Nguyễn Bắc Sơn
- Thơ Bùi Giáng dưới lăng kính phê bình cổ mẫu
ảnh minh họa: net
Nhớ có lần nghe đâu đó (VOVN Houston ?) rằng Mai Thảo viết bài thơ Chổ Đặt khi gặp lại Thái Thanh trên đất Mỹ. MT trước từng yêu TT, và (cũng nghe nói) cuốn Mười Đêm Ngà Ngọc là một loại tự truyện của hai người. Không biết thực hư như nào, trưa ngồi chờ ăn vào face không được vì mạng cajat, buôn chuyện cho vui
Trả lờiXóaEm đang héo như lá khô mà đọc bài này không nhịn được cười, nhất là những lời bình loạn của chính chủ .... :)) :))
XóaBài "Xa thật rồi" tác giả nhớ lại kỷ niệm trong bối cảnh "những đêm mưa …vỉa hè sài gòn...ngồi bên nhau lòng bập bồng bong bóng", mà dưới mưa thì tránh sao được không ướt ? Ướt lưng, ướt tóc, ướt vai ! Rồi bên nàng cũng mưa nên nàng nhắn: nhớ bàn tay chàng năm xưa từng vuốt những giọt mưa trên tóc nàng, trên môi hay trên mắt nàng ... thế thôi !
Ai bẩu anh cứ suy nghĩ cắc cớ chi ! :))
em nhắn:
Xóanhớ
bàn tay anh trên vùng ẩm ướt em…
Uh, đọc mấy câu này anh cũng nghĩ rất trong sáng như em (viết). Chỉ hơi thắc mắc tác giả kiêng kị gì mấy cái từ tóc môi vai lưng ấy, không viết huỵch toẹt ra, lại viết ỡm ờ lu lu tỏ tỏ thế, dễ làm người đọc suy diễn lung tung ..
lu lu tỏ tỏ
à hơ ! Thì thơ mà anh, phải ẩn dụ để mặc tình ai hiểu sao hiểu chớ ! Suy diễn cũng được, cơ mà suy diễn theo lối anh thì thặc là nguy hiểm :p
XóaAnh thấy nguy hiểm gì đâu, chỉ là tóc môi vai lưng gì đấy thôi mà. Hay em suy diễn theo lối khác nên mới thấy nguy hiểm nhỉ :-?
XóaUi ! Lại đổ thừa em ?
XóaThì đấy, nghe em nói nên đoán thế thôi, cơ sở rõ ràng, đổ thừa gì đâu.
Xóa