Nghe Tuấn Thảo (RFI) nói chuyên về ca khúc Let It Be Me đã gt hôm trước
Có những bản nhạc ăn khách trên thị trường đến nổi người Anh Mỹ không nghĩ rằng nguyên tác là một ca khúc tiếng Pháp. Trước khi có hiện tượng của bài My Way (1969), nhiều bài thịnh hành trong tiếng Pháp chẳng hạn như tình khúc Je t’appartiens (Let It Be Me) đã mở đường cho phong trào chuyển dịch các bản nhạc Pháp trứ danh sang tiếng Anh.
Nhạc phẩm Je t’appartiens (Ta thuộc về em) là một sáng tác của nhạc sĩ Pierre Delanoë với danh ca Gilbert Bécaud (năm nay là đúng 10 năm ngày giỗ của nam ca sĩ). Bản nhạc này ăn khách trong tiếng Pháp vào năm 1955 rồi được tác giả Mann Curtis dịch sang tiếng Anh vào năm 1957. Phiên bản tiếng Anh đầu tiên không hái ra tiền và mãi đến 3 năm sau, một khi được viết lại với phần sửa đổi trong điệp khúc, phiên bản tiếng Anh thứ nhì mới trở nên thịnh hành.
Ban song ca Everly Brothers là nhóm đầu tiên ghi âm phiên bản hoàn chỉnh của bài hát vào năm 1960. Sau đó, đến lượt các danh ca crooner như Elvis Presley, Paul Anka, Tom Jones, Engelbert Humperdinck đều đưa ca khúc này vào các vòng lưu diễn của họ. Từ đầu thập niên 1970 trở đi, bản nhạc tiếng Pháp này sẽ có thêm lời tiếng Đức, Ý và Tây Ban Nha.
Khi đặt bút sáng tác bản nhạc trong tiếng Pháp, hai tác giả Bécaud và Delanoë thật ra gợi hứng từ ý tưởng của tình khúc Ne Me Quitte Pas (Đừng nở bỏ anh, trong tiếng Anh là bài If You go Away) của danh ca Jacques Brel. Đối với các nhà phê bình, bài hát này khuynh đảo khuôn thước ở chỗ lần đầu tiên một người đàn ông qụy lụy khóc than để van xin người yêu đừng ra đi. Lần đầu tiên, phái nam cho thấy sự yếu đuối, bộc lộ sự bất lực tuyệt đối của mình mà không sợ bị chê là hèn nhát, nhu nhược.
Lấy cảm hứng từ bài này, hai tác giả Bécaud và Delanoë mới viết thành bài Ta thuộc về em, dùng ẩn dụ để biến người đàn ông thành nô lệ tình yêu. Theo lời nhà phê bình Bertrand Dicale trong quyển sách Những bài hát đánh dấu lịch sử âm nhạc, sinh thời khi được nghe bản nhạc này nữ danh ca Edith Piaf lắc đầu thở dài rồi nói rằng : đàn ông như vậy thì còn gì là đàn ông.
Về phần mình, nam danh ca Bob Dylan rất thích ý tưởng hoán đổi trật tự trong bài hát này. Theo anh, một bản nhạc dung hình ảnh người đàn bà qụy lụy khóc than thì chẳng ai nói gì, nhưng không hiểu vì sao đến khi người đàn ông qùy gối van xin thì lại thành vấn đề. Vào năm 1970, Bob Dylan ghi âm ca khúc này trên tập nhạc Self Portrait (Bức chân dung tự vẽ) và anh cho rằng nếu có cơ hội sáng tác nhạc nhẹ thì anh sẽ viết một bài như thế. Bất ngờ thay, phiên bản rất mộc của Bob Dylan giúp cho bài Let It Be Me trở thành một ca khúc kinh điển của làng nhạc đồng quê (country) Hoa Kỳ.
Cuối thập niên 1970, ca sĩ Dolly Parton chọn ca khúc Let It Be Me làm một trong những bản nhạc mở đầu show truyền hình. Còn Willie Nelson giúp cho bài hát nhảy vọt lên hạng đầu thị trường trong thể loại nhạc country. Hàng loạt tên tuổi khác đều đưa ca khúc vào trong các bản nhạc tủ của họ. Trong giai đoạn sự nghiệp thứ nhì, danh ca Lobo hát bài này theo điệu pop folk, Nina Simone chuyển thể bài hát sang điệu Phúc Âm (gospel). Andrea Bocelli thì phối theo phong cách bán cổ điển. Gần đây hơn nữa, ca sĩ Rod Stewart ghi âm bài hát với Jennifer Hudson theo điệu easy listening trên tuyển tập Songbook của anh.
Với hơn 700 phiên bản khác nhau, nhạc phẩm Je t’appartiens (Let It Be Me) được liệt vào danh sách các ca khúc thịnh hành nhất thế giới. Người Pháp khám phá lại ca khúc này nhờ cac phiên bản của các sĩ vùng Québec như Ginette Reno, Isabelle Boulay, Roch Voisine... Sự thành công của bản nhạc vào giữa thập niên 1950 dẫn đến một sự hợp tác đều đặn giữa danh ca danh ca Gilbert Bécaud với nhạc sĩ Pierre Delanoë. Sinh thời, hai tác giả này đã soạn ra hàng trăm ca khúc, trong đó có ít nhất bốn bài thuộc vào hàng kinh điển một khi được chuyển dịch sang nhiều thứ tiếng.
Trước hết có nhạc phẩm Et Maintenant (Và bây giờ - sáng tác vào năm 1961 - tựa đề tiếng Anh là What Now My Love). Bản nhạc này được phóng tác từ giai điệu cổ điển Bolero của Ravel, một khi được đặt lời tiếng Anh lại trở thành một ca khúc bất tử của làng nhạc jazz. Bản nhạc thứ nhì là bài Le jour où la pluie viendra (Ngày mưa đến - sáng tác vào năm 1957 - tựa tiếng Anh là The day the rains came).
Nhiều người thường nhầm lẫn bài này với nhạc phẩm Raindrops keep falling on my head (Mưa vẫn rơi trên đầu) của tác giả Burt Bacharach. Bản nhạc thứ ba là nhạc phẩm C’est en septembre (Bình minh tháng 9 - sáng tác vào năm 1979 - tựa tiếng Anh là September Morn). Đây là một trong những bài hát ưng ý nằm trong répertoire của Neil Diamond và danh ca Andrea Bocelli.
Nhưng ca khúc đầu tiên giúp cho nhóm sáng tác Bécaud & Delanoë nổi danh ở nước ngoài vẫn là Je t’appartiens (Let It Be Me - Ta thuộc về em). Đó là viên gạch lót đường cho nhóm sáng tác này chinh phục thị trường quốc tế. Họ viết thêm một số ca khúc theo đơn đặt hàng, dựa trên bí quyết thành công của các tác giả nhạc Pháp trong thời kỳ huy hoàng : ca từ thường vấn vương trong sáng, giai điệu luôn du dương nhẹ nhàng.
Tuấn Thảo (RFI 23/7/2011)
Hình (wikipedia): Gilbert Bécaud (1927 - 2001)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Chèn EmoticonsHình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)