Thụy Khuê
- Một thế kỷ quốc ngữ
Thử đặt giả thuyết: Nếu người Pháp bị một thế lực ngoại bang bắt buộc phải viết lại chữ Pháp bằng một ngữ tự khác, không phải ngữ tự La tinh (ngữ tự Ả Rập chẳng hạn), và thứ chữ Pháp mới này, sẽ là chữ quốc ngữ Pháp, do người ngoại quốc sáng chế ra mà không cần tới sự hướng dẫn của một người Pháp nào. Người ngoại quốc này có thể là ông Nguyễn Văn Mỗ, tương tự như ông Alexandre de Rhodes, chẳng hạn. Thì người Pháp sẽ nghĩ sao? Họ có tin được việc này không?
Tôi không nghĩ có người Pháp nào chấp nhận việc một người Việt đến Pháp ở vài năm, có thể sáng chế ra chữ mới cho người Pháp viết, làm tự điển cho người Pháp học, mà không cần sự giúp đỡ, của một người (Pháp) bản xứ nào.
Vậy mà việc này đã xẩy ra với chữ quốc ngữ Việt, và người Việt tin là thật, rằng chữ quốc ngữ hoàn toàn do người Âu sáng tạo, ông tổ là người Pháp Alexandre de Rhodes. Gần đây, xét lại, người ta đưa Francisco de Pina, người Bồ, lên làm tổ phụ chữ quốc ngữ. Tóm lại, cả hai “ông tổ” đều người Âu, không có người Việt nào cả.
Giả thuyết trên đây, dẫn đến câu hỏi thứ hai: Sau khi bị bắt buộc đổi chữ cũ sang chữ mới, tức là bị xóa sổ mười thế kỷ văn học, không đọc được Rabelais, Racine, Corneille, Voltaire, Rousseau, Balzac, Stendhal, Hugo, Baudelaire… nữa, thì người Pháp nghĩ gì?
Họ có hoan hô thứ “chữ quốc ngữ Pháp mới” này, đã “khai sáng” mở cửa cho họ vào một nền “văn minh mới” không? Chưa kể, nếu việc này xẩy ra vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (như ở nước ta), thì Marcel Proust sẽ viết A la recherche du temps perdu (Đi tìm thời gian đã mất) bằng thứ chữ gì, hay là không viết gì cả?
Chúng tôi xin mạn phép trả lời: Không. Không có người Pháp nào hoan hô và chấp nhận điều đó. Nhưng họ đã làm cho người khác.
Và chúng ta, người Việt, đã (và còn) “hàm ơn” mãi việc chữ Việt được đổi từ chữ Nôm lạc hậu sang chữ Quốc ngữ tân tiến, giúp chúng ta tiếp thụ mau chóng văn hóa Tây phương.
Điểm này, cũng chỉ là ảo tưởng: bản thân chúng tôi, được học chữ quốc ngữ từ nhỏ, năm 18 tuổi sang Pháp du học, sống trên đất Pháp hơn 60 năm, mà đến nay 80 tuổi, hàng ngày vẫn còn phải học tiếng Pháp, đọc sách Pháp, nếu muốn hiểu chút ít về văn hóa Pháp. Chữ quốc ngữ (Việt) không giúp gì cho tôi trong việc tìm hiểu văn chương, văn hóa Pháp, vì hiển nhiên hai thứ chữ này chỉ có ngoại hình a, b, c… giống nhau, còn tất thẩy đều khác: biết đọc chữ quốc ngữ, không có nghĩa là sẽ dễ học chữ Pháp, mặc dầu cả hai đều dùng ngữ tự La tinh.
Ngoài ra, trong việc phê bình, biên khảo, vì không biết chữ Hán, chữ Nôm, nên tôi không đọc được Khoá Hư Lục của Trần Thái Tôn, Bình Ngô Đại Cáo và thơ văn Nguyễn Trãi, không đọc được thơ thiền, không đọc được Kiều trong nguyên bản chữ Nôm, hay thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Cao Bá Quát… nói chi đến việc phân tích và phê bình văn thơ cổ điển của nước ta. Đối với người phê bình, đó là một sự tủi nhục. Khi về nước, tôi cũng không đọc được những gì viết trên văn bia chùa chiền, lăng miếu, không hiểu được gia phả tổ tiên. Không một nhà phê bình nào “hân hoan” chấp nhận việc họ không thể đọc và viết phê bình về mười thế kỷ văn học của nước họ.
Tình trạng mù chữ đó, chúng ta có từ nhỏ, rồi quen đi, không bàn đến nữa, thậm chí, những gì ghi bằng chữ Hán, chữ Nôm, ta cho là “không phải chữ”, không cần biết.
Sở dĩ có sự chấp nhận một chiều những gì người Pháp áp đặt cho chúng ta, mà không hề đặt câu hỏi ngược lại: nếu ta làm cho người Pháp điều đó, có được không? Bởi vì chúng ta sinh ra là người bị trị, không dám coi mình ngang hàng với người Pháp nói riêng và người Âu nói chung, luôn luôn “tưởng” người Pháp, người Âu là thày ta về mọi mặt.
- Ai tạo ra chữ quốc ngữ?
Đã hơn một thế kỷ qua, người Việt chấp nhận việc “được học” chữ quốc ngữ như một ân huệ mà không hề phản bác, hoặc chỉ cãi cọ xung quanh vấn đề: ÔNG TỔ chữ quốc ngữ là người Bồ de Pina, hay người Pháp de Rhodes? Nhưng chưa từng đặt vần đề: Vậy ai dạy cho hai “ông tổ” câu tiếng Việt đầu tiên? Ai giải thích cho hai ông tổ cách phát âm và ngữ nghĩa của mỗi tiếng Việt?
Tất nhiên không phải cậu bé được Alexandre de Rhodes nói đến trong ký sự Du hành và truyền giáo (Voyages et Missions) đã dạy ông ta tiếng Việt, mà không cần đến sự cộng tác của một hay nhiều người Việt, thông thạo tiếng mẹ đẻ.
Vậy mà chúng ta đã ngoan ngoãn chấp nhận “sự kiện” này. Thậm chí còn có những bài viết tựa đề: Tiếng Việt thời Alexandre de Rhodes. Coi de Rhodes không chỉ là “thuỷ tổ” của tiếng Việt, mà còn là một triều đại, một văn hào của nước ta.
Alexandre de Rhodes là ai? Đã làm gì cho nước Việt? Chúng ta sẽ dần dần tìm hiểu và cũng là một trong những mục đích của cuốn sách này.
Hiện nay, khuynh hướng cho rằng việc sáng tạo chữ quốc ngữ là công trình tập thể của một nhóm giáo sĩ: de Pina (Bồ), Borri (Ý), Amaral và Barbosa (Bồ) được nhiều người chấp nhận.
Từ năm 1972, linh mục Đỗ Quang Chính đã thiết lập đanh sách các giáo sĩ giảng đạo ở Việt Nam từ 1615 đến 1788, theo thống kê của Dòng Tên, gồm có: 74 người Bồ, 31 người Việt, 30 người Ý, 20 người Đức, 8 người Nhật, 5 người Pháp…[1].
Con số chính thức được ghi nhận ở đây: 31 giáo sĩ người Việt này không tìm thấy tên ở đâu cả, vì người Âu không có “truyền thống” nhắc đến tên người bản xứ, coi như 31 vô danh; chưa kể họ còn “cướp tên” hoặc tự tiện đổi tên tác giả; giáo sư Nguyễn Văn Trung từng nói đến tình trạng này trong môi trường công giáo:
Từ điển mang tên Pigneau de Béhaine hay Taberd, nhưng chính những tác giả này thú nhận vai trò chủ chốt soạn thảo là do linh mục Hồ Văn Nghị và Phan Văn Minh… Có lẽ, trường hợp Majorica thế kỷ XVII cũng vậy…[2]
[Ý ông muốn nói tới bộ Truyện Các Thánh, truyện Nôm, không phải tất cả đều của Majorica viết ra, mà còn của nhiều tác giả [Việt] khác nữa].
Về cuốn tự điển được ghi là của Pigneau de Béhaine hay Bá Đa Lộc: chúng tôi chắc chắn Bá Đa Lộc không để lại cuốn tự điển nào, vì đã đọc kỹ lá chúc thư rất chi tiết của vị giám mục, ông ghi cả đến những vật dụng nhỏ nhất, cho ai, nhưng không thấy ông nhắc đến bản thảo một cuốn tự điển nào, trừ bộ từ điển bách khoa ông biếu vua Gia Long. Vì vậy, ta có thể đoán rằng: Taberd hoặc ai đó tìm thấy trong nhà dòng bản thảo tập tự điển do linh mục Hồ Văn Nghị soạn (cha Nghị là người thân tín của Bá Đa Lộc và vua Gia Long), đưa in dưới tên Pigneau de Béhaine, rồi cộng tác với linh mục Phi-líp-phê Phan Văn Minh[3] để bổ sung và hoàn chỉnh tập tự điển, sau gọi là tự điển Taberd.
Tự điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, cũng ở trong trường hợp tương tự: Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa, hai linh mục học giả Bồ, sống ở Đàng Ngoài sáu hay bảy năm, đã soạn hai cuốn tự điển giản yếu Việt-Bồ-La và Bồ-Việt, nhưng cả hai đều mất sớm. Alexandre de Rhodes dùng tác phẩm của họ và của “nhiều cha khác cùng Dòng Tên”, việc này ông đã viết trong lời Tựa tự điển Việt-Bồ-La, nhưng, để đề cao một mình de Rhodes, các tác giả Pháp không nhắc đến, còn người Việt, hầu như không ai dùng tự điển Việt-Bồ-La (vì không biết tiếng Bồ và tiếng La), chỉ nhắc đến tên bộ tự điển này để vinh thăng de Rhodes là ông tổ chữ quốc ngữ.
- Gia Định Báo, tờ báo quốc ngữ đầu tiên
Gần mười thế kỷ văn chương cổ điển của Việt Nam đã bị xoá sổ từ khi chúng ta dùng chữ quốc ngữ, cách đây hơn một thế kỷ.
Việc này, có vẻ như tự nguyện. Trong bài nghiên cứu tựa đề Gia Định Báo, Trần Văn Chi cho biết: Trương Vĩnh Ký được Phó Đô đốc Pierre Gustave Roze, quyền Thống đốc Nam Kỳ mời ra làm quan, sau khi ông từ Pháp về năm 1865 [4], nhưng ông không nhận, mà xin được lập một tờ báo quốc ngữ:
Petrus Ký từ chối và xin lập một tờ báo quốc ngữ mang tên là Gia Định Báo. Lời yêu cầu của ông được chấp thuận và nghị định cho phép xuất bản được ký ngày 1 tháng tư, nhưng không phải ký cho ông mà lại ký cho một người Pháp tên là Ernest Potteaux, một viên thông ngôn làm việc tại Soái phủ Nam kỳ.
Tên gọi chữ quốc ngữ lần đầu tiên vào năm 1867 trên Gia Định Báo.
Tiền thân của tên gọi này là chữ Tây quốc ngữ. Về sau từ Tây bị lược bỏ khỏi tên gọi để chỉ còn là chữ quốc ngữ, có nghĩa là văn tự tiếng Việt.”[5]
Như vậy, kể từ khi chữ quốc ngữ bị ngủ quên trong các thư viện nhà dòng Âu Châu từ giữa thế kỷ XVII, Trương Vĩnh Ký là người tiên phong tự nguyện xin cho thứ chữ này được xuất hiện trở lại, dưới hình thức tờ báo quốc ngữ đầu tiên.
Tuy nhiên, Pháp chưa cho ông làm chủ bút ngay, chủ bút phải là người Pháp, Trương Vĩnh Ký được chỉ định làm trợ bút trong ba năm[6]. Trần Văn Chi viết tiếp:
Và phải đến ngày 16 tháng 9 năm 1869 mới có nghị định của Phó Đô Đốc Marie Gustave Hector Ohier ký giao Gia Định Báo cho Trương Vĩnh Ký làm “chánh tổng tài ” (tiếng Pháp: rédacteur en chef) nay gọi là giám đốc; Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút.
Từ khi được bổ nhiệm làm Chánh Tổng Tài tờ Gia Định Báo (16-9-1869), Trương Vĩnh Ký có cơ hội để phát triển dịch thuật và viết văn bằng quốc ngữ (…). Thái độ truyền bá học thuật bằng ký tự La tinh này được ông thể hiện với Richard Cortembert ngay từ chuyến công du sang Pháp.[7]
Theo Nguyễn Văn Trấn:
Đối với Trương Vĩnh Ký, chuyến đi nầy là sự kiện quan trọng nhứt đời.
Ở Penang là một khóa học Tám Năm.
Thăm Paris, lại là khóa học Tám Tháng.[8].
Tóm lại, trong chuyến đi Pháp (1863-1865), Trương Vĩnh Ký là thông ngôn của Soái phủ Nam kỳ, đã cộng tác với Richard Cortembert để “thể hiện chương trình truyền bá quốc ngữ bằng ký tự La tinh”.
Mặt khác, Trần Văn Chi còn cho biết: tờ Gia Định Báo số 4, (do Huỳnh Văn Tòng tìm thấy ở Pháp) lại ghi: phát hành ngày 15-7-1865, tại Trường Sinh Ngữ Đông Phương, Paris[9].
Như vậy, ta có thể hiểu thêm rằng: Paris quyết định việc truyền bá chữ quốc ngữ. Trương Vĩnh Ký chỉ là người thừa hành.
Gia Định Báo ban đầu chỉ đăng những thông tin của chính phủ Pháp. Sau khi Trương Vĩnh Ký lên làm tổng tài, có thêm phần dịch thuật và biên khảo.
Trần Văn Chi viết: “Đến năm 1882, chữ quốc ngữ được dùng làm văn tự chính thức (…) các quan địa phương phải học chữ quốc ngữ (…) Tới năm 1918, quốc ngữ trở thành chữ viết bắt buộc ở Bắc Kỳ“[10], và ông nhận định: “Gia Định Báo đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình” (sau gần nửa thế kỷ tồn tại, từ 15-4-1865 đến 31-12-1909)[11]. Sứ mạng này gồm 6 mục tiêu:
1- Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà (lời Trương Vĩnh Ký).
2– Gia Định Báo dùng [để] loại bỏ văn hóa Trung Hoa.
3– Gia Định Báo dạy viết nhựt trình.
4– Gia Định Báo dùng làm sách giáo khoa.
5– Gia Định Báo đào tạo công chức.
6– Gia Định Báo dạy viết văn xuôi.
Trần Văn Chi viết:
Lợi ích và vai trò của quốc ngữ còn được ông [Trương Vĩnh Ký] nhấn mạnh trong cuốn Manuel des écoles primaires (Giáo trình cho các trường tiểu học), 1876, như sau, “Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của nước nhà. Cần phải nắm vững nó cho điều tốt đẹp và cho sự tiến bộ. Vì thế, chúng ta phải tìm mọi cách để phổ biến chữ viết này.”[12]
Một thế kỷ sau, Nguyễn Văn Trung coi việc “phổ biến” này là một “điều đáng tiếc”:
Dĩ nhiên không bỏ qua việc sáng chế ra chữ viết theo mẫu tự La tinh, nhưng không nên đề cao nó quá đáng bằng cách gán cho nó những vai trò giáo dục văn hoá vượt khỏi những khả năng của nó. Bây giờ nhìn lại diễn tiến lịch sử gần đây mới thấy được những hạn chế của nó đến nỗi có thể nói xét về mặt nào đó, sự thành công trong việc phổ biến rộng rãi chữ quốc ngữ đã là một điều đáng tiếc.[13]
Từ khi chữ quốc ngữ trở thành “chữ viết của nước nhà“, phần đông người Việt không đả động đến tảng Hán Nôm nữa, coi như “tử ngữ” chết mòn trong các thư viện cổ. Tai hại hơn, hầu như chúng ta đều tưởng rằng: văn chương Việt Nam chỉ bắt đầu với chữ quốc ngữ.
- Việc khai quật lại di sản chữ Hán
Phải gần 100 năm sau, khoảng 1960, việc dịch các sách lịch sử, biên khảo và văn thơ Hán Nôm mới bắt đầu trở lại, ở Viện Sử Học, Viện Hán Nôm và Viện Văn Học, ngoài Bắc. Trong Nam, trước 1975, việc dịch thuật, không có gì đáng kể.
Để hiểu những khó khăn này, ta cần nhìn qua thời gian thực hiện vài bộ sách chính:
Về lịch sử, bộ Đại Nam Thực Lục, Viện Sử Học bắt đầu dịch từ 1962 đến 2012, mới in xong.
Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, dịch và in từ năm 1985 đến 1992.
Về văn thơ, Viện Văn Học dịch và in ba tập Thơ văn Lý Trần, từ 1977 đến 1988.
Năm 1974, Đào Duy Anh, trong bài tựa sách Khóa Hư Lục, viết: “Trong thư viện Khoa học xã hội hiện còn 11.795 cuốn sách Hán Nôm, gồm 10.609 cuốn sách chữ Hán (chỉ sách chữ Hán của Việt Nam) và 1.186 cuốn sách Nôm“[14].
Những sách này đã dịch được bao nhiêu cuốn? Chúng ta không biết rõ.
Một thí dụ: Cuốn tiểu thuyết lịch sử Nam Triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm viết về các chúa Nguyễn, mà Lê Quý Đôn, Đại Nam Thực Lục, Liệt Truyện, Cương Mục, đều phải dựa vào, tác phẩm này tương đương với Hoàng Lê nhất thống chí, viết về chúa Trịnh vua Lê, nhưng ra trước Hoàng Lê nhất thống chí gần một thế kỷ; mà mãi đến năm 2003, mới có bản dịch hoàn chỉnh[15]. Chưa kể giáo sư Ngô Đức Thọ, dịch giả, có lần cho tôi biết: thời trẻ, ông đã phải gián đoạn việc học trong nhiều năm vì lý lịch (ông là cháu nội cụ Ngô Đức Kế), sau lại gặp khó khăn trong việc dịch thuật các sách về nhà Nguyễn. (Như ta đã biết, khi Trần Huy Liệu làm Viện trưởng Viện Sử Học, nhà Nguyễn bị kéo xuống bùn).
Tóm lại, những khó khăn mọi mặt, đã tạo ra một khoảng trống sử học khổng lồ ở nước ta: trong hơn 100 năm, những người viết sử, vì không đọc hay không đọc được sách lịch sử và biên khảo chữ Hán, nên không tiến hành được việc nghiên cứu.
Vì thế, trong nửa đầu thế kỷ XX, chỉ có một cuốn Việt Nam sử lược (1920) của Trần Trọng Kim; nửa sau, có thêm Việt Nam Pháp thuộc sử (1961) và Việt sử xứ Đàng Trong (1969) của Phan Khoang. Đó là những sách sử đáng tin cậy. Trần Trọng Kim và Phan Khoang, đều biết chữ Hán, tham khảo sử của ta, nhưng Phan Khoang cũng đã tin vào lời các giáo sĩ thừa sai và sử gia thuộc địa về “việc cấm đạo” và “bế quan toả cảng”. Thế hệ tiếp nối, như Tạ Chí Đại Trường, hoàn toàn viết theo sự chế biến của sử gia thực dân.
- Di sản chữ Nôm
Nước ta có ba thời kỳ rực rỡ của nền văn học cổ điển:
– Thời Trần (thế kỷ XIII-XIV): Trần Cảnh (Thái Tôn) tác giả Khóa Hư Lục và Trần Khâm (Nhân Tôn, cháu nội), là tổ thứ nhất phái Trúc Lâm Yên Tử, tác giả hai bài phú Nôm xưa nhất còn lại, cùng các thiền sư Pháp Loa, Huyền Quang, và các tác giả như Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi… đều có thơ văn Hán Nôm để lại.[16]
– Thời Lê, tức thời Hồng Đức (thế kỷ XV), với thơ văn Lê Thánh Tôn, nhóm Tao Đàn, thi hào Nguyễn Trãi; Quốc Âm thi thập chứng tỏ Nguyễn Trãi đã làm “thơ tự do” từ thế kỷ XV.
– Triều Nguyễn, là thời kỳ cực thịnh của văn học, với Cung Oán, Chinh Phụ, Hoa Tiên, Tây Hồ Phú, Truyện Kiều, thơ chữ Hán của Nguyễn Du, Cao Bá Quát…
Hoàng Xuân Hãn nhận dịnh: “Cuối đời Trịnh, đầu đời Nguyễn là thời kỳ văn quốc ngữ [Nôm], văn Việt Nam cực kỳ thịnh. (…) Tiếng quốc ngữ được nổi lên, có nhẽ từ thế kỷ XVII, cho đến đời Minh Mạng. Quãng ấy là thịnh nhất.”[17]
Truyện Kiều là mỏ vàng ngôn ngữ dân tộc, bản thân tác phẩm đã là một “ngôn ngữ” riêng trong tiếng Việt, nhưng phải đọc được chữ Nôm, loại chữ tượng hình, mới thấy hết những khía cạnh biến hóa của mỗi chữ trong Kiều. Đào Duy Anh đã làm từ điển truyện Kiều. Hoàng Xuân Hãn dành 50 năm soạn cuốn Kiều tầm nguyên, tìm lại những chữ đích thực Nguyễn Du viết ra[18]. Ông tìm lại văn bản không kỵ húy đời Gia Long, để xác định là bản xưa hơn cả, và xác định Nguyễn Du viết Kiều thời Tây Sơn. Ông dùng 8 bản Kiều in đời Tự Đức, so sánh từng chữ một, xét lai lịch mỗi chữ, để phân biệt và xác định. Ví dụ, chữ gieo, trong “Vàng gieo bóng nước cây lồng bóng sân” và treo trong: “Giọt sương treo nặng cành xuân la đà“.
Hoàng Xuân Hãn nói: “Phải biết chữ Nôm, phải hiểu tiếng Việt, phải hiểu tiếng cổ, nhiều khi lại tiếng địa phương là chuyện khác nữa, thì lúc ấy mới hiểu thấu được những chữ ấy. Bởi vì một người như cụ Nguyễn Du, không viết những câu mà nói rằng là viết cho qua chuyện đi, ta hiểu thế nào cũng được cả. Không phải thế. Cụ viết một cách chính xác lắm. Chỉ là mình đọc không đúng mà thôi.”[19]
Việc làm của Hoàng Xuân Hãn không chỉ để tìm lại văn bản gốc, mà còn giúp chúng ta hiểu tiếng Việt thế kỷ XVIII của Nguyễn Du. Vì vậy, muốn hiểu tiếng Việt thế kỷ XV, cần có sự nghiên cứu văn bản học tương tự về Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi.
Kiều tầm nguyên của Hoàng Xuân Hãn, mãi đến nay mới được Nhã Nam, sửa soạn xuất bản, nghiã là sau khi vị học giả qua đời (1996) 27 năm.
- Tình hình nghiên cứu văn xuôi
Người Việt ngày nay không biết mình có bao nhiêu truyện ngắn, truyện dài, viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chưa được dịch hay phiên âm sang chữ quốc ngữ.
Vì không có truyền thống giữ gìn nguyên bản, nên mảng văn Nôm truyện ngắn, truyện dài của nước ta, nay đã thất truyền, một phần vì giới trí thức nho học coi thường văn Nôm nên không lưu trữ, hoặc có mà vẫn còn nằm trong tủ bụi của Viện Hán Nôm hay một thư viện công, tư nào khác, chưa được đọc đến.
Sở dĩ, chúng tôi tin là chúng ta có truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, như người Tầu, người Nhật, vì dựa trên hai dấu hiệu rõ ràng:
1– Bài tựa Thiền Tông chỉ nam ca của Trần Thái Tôn (tác phẩm này đã mất, nhưng bài tựa vẫn còn), đích thực là một truyện ngắn. Thái Tôn kể lại chuyện mình: Đêm 3 tháng tư năm Bính Thân (9-5-1236) (18 tuổi) bỏ cung điện, trốn lên núi Yên Tử đi tu. Trần Thủ Độ phải đem triều đình lên ăn vạ, rước về. Tác phẩm đầy đủ tính chất của một tự truyện hiện thực, có giá trị lịch sử và ngụ ý sâu sắc triết lý đạo Phật: “Trong núi không có Phật, Phật ở trong lòng” qua lời vị thiền sư chùa Trúc Lâm Yên Tử khuyên nhà vua trẻ.[20]
2– Mảng truyện Nôm công giáo, là một kho tàng chưa khai thác. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, năm 1953, khi giúp thư viện quốc gia Pháp làm thư mục, đã viết bài “Girolamo Majorica, tác phẩm bằng tiếng Việt của ông được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp (Girolamo Majorica, ses oeuvres en langue vienamienne conservées à la Bibliothèque Nationale de Paris)“[21].
Linh mục Thanh Lãng, cuối đời, cũng tha thiết nhắc đến mảng truyện Nôm này: “Câu truyện Tiêu-du-la hay Thêu-do-ra hoặc Théodora (…) nằm trong bộ truyện viết bằng chữ Nôm dài 1.673 trang, gồm trên dưới 500 truyện mà truyện Tiêu-du-la hay Thêu-do-ra hoc Théodora chỉ là một truyện cụ thể rút ra từ khối 500 truyện kia“. Bộ truyện này đã “được Majorica biên soạn trong khoảng thời gian từ 1632 đến 1638, tức là cách đây hơn 350 năm” tại Kẻ Rum (Nghệ An)[22].
Mới đây, qua điện thư, giáo sư Nguyễn Huệ Chi cho tôi biết: khoảng 2002-2003, ông có dịp tiếp xúc với linh mục Nguyễn Hưng ở Sài Gòn, người đã có cả bộ photocopy nguyên bản truyện Nôm và đang nhờ cụ Võ Văn Kính, một nhà Nôm học giỏi, phiên âm ra quốc ngữ. Nguyễn Huệ Chi mua được một số bản, cả Nôm cả quốc ngữ, nhưng sau khi về Hà Nội, ông được tin linh mục Nguyễn Hưng qua đời, nên công trình bị bỏ dở. Trong bài viết tựa đề “Thử tìm vài đặc điểm của văn xuôi tự sự quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu“, Nguyễn Huệ Chi cho biết những thông tin về bộ sách này:
…. Kho Truyện các Thánh 傳 各 聖” đồ sộ mà chứng tích xưa nhất hiện còn là bộ sách cùng tên do Jéronimo Maiorica (vị cha cố người Italia, 1591-1656) đứng tên tác giả, hoàn thành từ 1646, đến nay còn giữ được 4.200 trang (…) gồm nhiều truyện kể ly kỳ về sự tích các ông Thánh cả Tây lẫn Đông. Xét về thủ pháp, huyền tích Thiên chúa giáo được sử dụng ở đây cũng như các môtip kỳ ảo trong thể loại tiểu thuyết truyền kỳ Đông Á, nhằm minh họa con đường “xả thân đắc đạo” của những người một lòng theo Chúa Giêsu, giống hệt loại truyện “linh dị ký” của văn học Phật giáo Nhật Bản thời Cổ trung đại. Theo Linh mục Tiến sĩ Nguyễn Hưng thì “mỗi câu chuyện được coi như một đoản thiên tiểu thuyết… Nhiều truyện na ná như Tê-lê-mặc phiêu lưu ký. Nhiều truyện giống như truyện Đức Phật Thích Ca xuất hành ra bốn cửa thành. Không thiếu những truyện tương tự như truyện Phật bà Quan Âm Thị Kính.
Điều đáng nói là kho “Truyện các Thánh” không phải sau Maiorica thì chấm dứt mà còn được nối tiếp cho đến hết thế kỷ XIX, chẳng hạn bộ Sách Thánh 冊 聖 của cha Dominique Martigia thu thập và công bố năm 1848 cũng phải trên dưới 2.000 trang, hay bộ Sách truyện các Thánh 冊 傳 各 聖 của cố Joseph Marie Bigollet Kính tổng hợp nhiều bộ sách trước đó và công bố năm 1905 cũng không dưới 1.500 trang… [23].
Vậy, hiển nhiên chúng ta có kho truyện Nôm đạo rất lớn chưa được tìm hiểu, phân tích, và trình bày cho công chúng. Truyện Nôm đạo có thể coi là tiểu thuyết bình dân, gần với tiếng nói, khác với ngôn ngữ văn chương của các thi hào.
Nhưng sách đạo, thường không được người ngoại đạo chú ý; tệ hơn, vì đã từ hơn một trăm năm nay, chúng ta không quan tâm đến chữ Nôm, vì nhiều người coi những gì không viết bằng quốc ngữ, không phải là văn học!
Thêm một định kiến sai lầm nữa, cho rằng: chỉ châu Âu mới có truyện ngắn, tiểu thuyết hư cấu. Không. Không phải vậy! Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là một kiệt tác hư cấu, vượt Don Quichotte của Cervantes trên nhiều phương diện. Khi chúng tôi hỏi học giả Hoàng Xuân Hãn về truyện Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, ông bảo đó là một tiểu thuyết hiện thực xã hội tả chân rất kỹ như Balzac.
Nữ sĩ Murasaki Shikibu viết trường giang tiểu thuyết Truyện Gengi bằng chữ Nhật (tức là chữ Hán đọc thành tiếng Nhật) từ thế kỷ XII, đó là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của nhân loại, với giọng văn đầy chất thơ:
Ánh trăng mồng bảy khắc những tia nhợt nhạt trên gương hồ. Trong mùa buồn bã, nhánh cây mập mờ phủ lá, những giây hoa võng trên cây tùng hình thù đặc biệt, thân nghiêng, đỉnh cao chót vót, phô bày một quang cảnh quyến rũ khác thường [24].
Lối văn phong tinh tế tuyệt vời này đã ảnh hưởng sâu sắc đến Kawabata sau này. René Sieffert, dịch giả tiếng Pháp, tự hỏi có nên gọi Murasaki là Marcel Proust Nhật Bản hay phải gọi Marcel Proust là Murasaki Pháp?
Phải đợi đến khi nước Nhật trở thành một cường quốc, rồi tình trạng dịch thuật và giao lưu văn hóa mở mang hơn, thế giới mới đọc Truyện Genji và thấy giá trị của Murasaki.
Được như vậy, bởi vì người Nhật và người Tầu không bị đổi chữ viết, cho nên họ có một nền văn học và nghiên cứu cổ văn liên tục, không trải qua một trăm năm gián đoạn như chúng ta.
- Đô hộ và quốc ngữ
Một trăm năm đô hộ đi cùng với một trăm năm chữ quốc ngữ, đã khiến chúng ta coi thường, khinh mạn, không tìm hiểu nền văn học cổ điển của tiền nhân.
Tôi lấy một thí dụ: Khoá hư lục (nghiã là: tu luyện về đạo hư không)[25] của Trần Thái Tôn là một kiệt tác văn-thơ-triết, chữ Hán, được dịch nhiều lần: Phúc Điền hòa thượng (thời Tự Đức), Thiều Chửu (1932-33), Đào Duy Anh (1974)… nhưng đọc vẫn khó hiểu, các dịch giả của Viện Văn Học sau này, cũng đã hết sức cố gắng, nhưng vì bản chất tác phẩm là thơ, thứ thơ cô đọng và hàm súc, ẩn nghiã triết học, mỗi chữ là một giếng sâu khó dò. Đào Duy Anh nhận định:
Khóa Hư Lục không những là bộ sách quan trọng và xưa nhất chúng ta còn giữ được mà Trần Thái Tôn không chỉ là nhà tu hành đắc đạo mà là một nhà triết học sâu sắc và một nhà thi sĩ trữ tình dào dạt, chủ trương thanh tĩnh một cách rất sôi nổi xúc động. Tất cả các bài kệ đều là thơ, thơ thất ngôn, ngũ ngôn hoặc tứ ngôn; tất cả những bài khác đều là bài văn biền ngẫu chặt chẽ và đầy hình tượng.[26]
Chỉ mấy câu kệ:
Cào đất đùng đùng trận gió hanh,
Lão ngư say tít, chiếc thuyền chành
Bốn bề mù mịt mây sầm bóng
Một dãy lô xô sóng cuộn ghềnh
Đủ thấy những cuồng phong vũ bão trong tim Trần Thái Tôn, thấy những sôi sục trong hình ảnh, đam mê trong tình ý, đảo điên trong vũ trụ, ngụ trong lời thơ của con người đã dẹp tan quân Mông Cổ, và cũng là người yêu tha thiết say mê…
Đây mới chỉ là bản dịch của Ngô Tất Tố, mà đã “kinh hoàng”. Cho nên, nếu không giỏi chữ Nho để đọc thẳng nguyên bản, chỉ đọc những bản dịch, tất không thể thấu hết được cái hay của Khóa Hư Lục, giống như ta đọc bản dịch thơ Đường sang thơ lục bát. Tôi đã phải đọc thơ Đường qua bản dịch từng chữ một của François Cheng, mới hiểu được cái hay và tính cách độc lập của mỗi chữ trong thơ Đường; nhưng vẫn không thấy được tính cách gợi hình trong mỗi chữ Hán. Bởi vì bản dịch là một tác phẩm lai: tác giả chỉ có một phần, lớn hay nhỏ, tùy tài năng người dịch, phần kia là chữ nghiã của dịch giả.
Cho nên, việc không đọc được nguyên tác chữ Hán, chữ Nôm, là một bất lực, một tàn tật của người phê bình, trước di sản tiền nhân.
Nếu người Pháp bị xóa sổ mười thế kỷ văn học cổ điển của họ thì Rabelais, sẽ không bao giờ được đọc, và các nhà phê bình lớn như Bakhtin (Nga), Spitzer và Auerbach (Đức) không thể tìm hiểu và giới thiệu ngôn ngữ Rabelais với thế giới.
Tội ác nhân loại mà Tổng thống Emanuel Macron nói đến trong chính sách thực dân chính ở chỗ đó: không chỉ giết người cướp lãnh thổ, mà còn tiêu diệt cả đời sống tinh thần, biến người bị trị thành vô học, vô cảm, trước di sản tiền nhân.
- Mục đích của chính phủ Pháp
Khi Toàn quyền Doumer đến Đông Dương năm 1897, một trong những việc đầu tiên của ông ta là thăng viên khâm sứ Pháp ở Huế lên địa vị chủ trì Cơ Mật Viện thay vua, bằng dụ Thành Thái ngày 27-9-1897. Sau đó, tất cả các dụ khác, như dụ: bãi bỏ chức Kinh lược sứ của vua ở Bắc kỳ để thay bằng viên Công sứ Pháp; lệnh bắt buộc dạy chữ quốc ngữ ở Bắc kỳ; lệnh bãi bỏ thi Hương; lệnh đóng cửa các trường học chữ Hán, đều do triều đình Huế ký, tức là họ đã mượn chữ ký của vua để thi hành những điều phản dân tộc.
Việc đổi chữ viết, từ chữ Nôm sang Quốc ngữ, nằm trong một chính sách cai trị khôn khéo, với bốn mục đích chính:
1- Gạt bỏ từng lớp trí thức nho học ra ngoài lề xã hội. Từ địa vị quản trị đất nước và giáo dục thanh niên, họ trở thành vô dụng. Bởi vì họ là bức tường chống Pháp mạnh mẽ cuối cùng, cả về mặt quân sự, lẫn văn hoá.
2– Gạt bỏ 20 thế kỷ tư tưởng phương Đông, 10 thế kỷ văn học cổ điển, biến người Việt thành một dân tộc vô văn hóa, phải học lại mọi sự từ đầu.
3– Xoá bỏ lịch sử xâm lược Việt Nam ghi trong Đại Nam Thực Lục, để thay bằng lịch sử “khai hoá” An Nam do sử gia thực dân viết.
4– Tạo sự kính nể vô bờ nền văn hóa Pháp và Tây phương, ở những “người Việt mới”, mù chữ của tiền nhân.
Một ngàn năm đô hộ Tầu, khiến chúng ta coi chữ Hán là “chữ thánh hiền”. Một trăm năm đô hộ Pháp đã biến người Việt thành những đứa con bái phục vô điều kiện nền văn hóa nước mẹ.
Đến nỗi người Pháp dám đưa ra một “ông tổ” sáng tạo ra chữ quốc ngữ, không thạo tiếng Việt, không viết được một câu tiếng Việt cho ra hồn (xem Pháp giảng tám ngày). Vậy mà chúng ta vẫn sùng bái lập tượng, đặt tên đường.
Sự tôn sùng chữ quốc ngữ nằm trong mặc cảm tự ti của người bị trị, dẫn đến tinh thần vọng ngoại cao độ, còn tồn tại đến ngày nay: Hiếm thấy sách, báo nào trích dẫn một câu văn, một lời nói, có ý nghĩa của người Việt, mà toàn trích dịch lời các tác giả Âu, Mỹ, như thể nước ta không có nhà văn, nhà thơ, nhà tư tưởng nào cả.
- Tại sao chữ quốc ngữ không phát triển được trong ba thế kỷ?
Chữ quốc ngữ được hình thành từ đầu thế kỷ XVII, mà sao trong ba thế kỷ, XVII, XVIII, XIX, hầu như không có một tác phẩm quốc ngữ nào để lại?
Những tập Truyện các thánh, dàn trải trong ba thế kỷ, đều viết bằng chữ Nôm. Bản phóng tác Thánh Kinh của linh mục Lữ Y Đoan, ra đời nửa sau thế kỷ XVII cũng viết bằng chữ Nôm.
Trong nền văn chương thế tục, hầu hết các tác phẩm lớn, nhỏ của văn học Việt Nam trong hai thế kỷ XVIII và XIX, đều viết bằng chữ Nôm hoặc chữ Hán, không ai dùng chữ quốc ngữ cả.
Văn bản quốc ngữ đầu tiên có lẽ là Phi Năng thi tập của linh mục Phi-lip-Phê Phan Văn Minh (1842)[27], nhưng người công giáo cũng không biết đến[28]. Rồi tới Kiếp phong trần của Trương Vĩnh Ký [in lần thứ ba năm 1882][29], được giới thiệu là “áng văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ vào loại cao niên nhất“[30], chỉ là lời triết lý vụn giữa hai người bạn Trương Đại Chí và Lê Hảo Học, về những thăng trầm của cuộc đời, chưa thể gọi là truyện ngắn hay tiểu thuyết được.
Phải đến Thày Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản (1887, Sài Gòn), ta mới có tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên. Theo Nguyễn Văn Trung, truyện của Nguyễn Trọng Quản được dịch ra Pháp văn gần hết, được chú giải kỹ lưỡng và dùng để giảng dạy trong chương trình của A. Chéon, cùng với truyện ngắn của Trương Vĩnh Ký và Paulus Của. Hiển nhiên người Pháp muốn xác định rằng nền văn chương Việt Nam chỉ bắt đầu với những văn bản quốc ngữ này[31].
Tại sao dân tộc ta dị ứng với chữ quốc ngữ trong ba thế kỷ?
Tại sao Tự Lực văn đoàn phải “nhảy vọt” từ văn chương cổ điển Hán Nôm sang văn chương quốc ngữ, hoàn toàn khác?
Thực ra, không có sự “nhảy vọt” nào cả, mà nền văn học hiện đại quốc ngữ đã tiếp nối nền văn chương cổ điển chữ Nôm, dù bị thay đổi chữ viết nhưng vẫn âm ỷ sống trong lòng dân tộc như một rường cột vững chắc, về văn chương tư tưởng. Chúng ta dị ứng với quốc ngữ vì lẽ đó.
Nếu các dịch giả và học giả Việt Nam, không phiên âm Ca dao, thơ Nôm, dịch thơ chữ Hán sang chữ quốc ngữ, để nhà văn có thể tìm thấy tinh chất trong các tác phẩm cổ điển và dân gian, làm sườn cho văn chương của họ, thì nền văn học quốc ngữ chưa thể bắt đầu.
Chúng ta không nên quên rằng ngôn ngữ và tư tưởng trong Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, hoàn toàn xây dựng trên nền móng tư tưởng triết học Phật giáo và lấy chất liệu ngôn ngữ trong văn thơ Hán Nôm và Ca dao, chứ không phải từ các tiểu thuyết của Pháp.
Tất cả những chủ đề lớn của họa sư Lê Bá Đảng, suốt đời làm việc ở Pháp, Mỹ, Nhật, đều rút ra từ huyền sử Việt Nam và triết học Đông phương.
- Không thể làm lại lịch sử
Viết những điều này ra đây, không có nghĩa là chúng tôi muốn quay trở về với chữ Nôm, điều đó không thể được. Không ai làm lại lịch sử.
Ỏ đây, chúng tôi thử làm một việc có thể làm được là nghiên cứu và phục hồi phần lịch sử đích thực về truyền giáo và quốc ngữ, đã bị một số thừa sai và sử gia thực dân trá mạo, đưa ra những tuyên truyền sai lạc về lịch sử cận đại Việt Nam.
1– Về truyền giáo, việc cấm đạo ở Việt Nam, từ trước đến nay thường được quy chụp cho “sự tàn ác” của vua quan nhà Nguyễn. Nhưng khi điều tra kỹ thì việc cấm đạo có nguồn gốc khác:
Sự miệt thị những giá trị tư tưởng và tín ngưỡng chân truyền của người Việt, trong các bài giảng của giáo sĩ, đã khiến các chúa nổi giận; đã khiến linh mục học giả Lữ Y Đoan, ngay từ thế kỷ XVII, đã phải phóng tác lại Kinh thánh ra thơ Nôm, cho phù hợp với truyền thống văn hóa tư tưởng, tín ngưỡng của người Việt.
Lữ Y Đoan đã hoàn thành công trình đồ sộ: Sấm Truyền Ca, diễn Nôm năm quyển sách của Moise trong Thánh kinh cựu ước, thành thơ lục bát, làm xong năm 1670. Như vậy, việc phản kháng sự bổ báng trong các bài giảng của giáo sĩ người Âu, đã có ngay trong giáo đường của ta từ thế kỷ XVII. Sấm Truyền Ca bị các giáo sĩ Pháp triệt để cấm, khiến sau này bị mai một.
Lý do cấm đạo ở Việt Nam, vì vậy, rất phức tạp, không phải là sự cấm đoán tùy hứng và độc đoán của vua chúa “tàn ác, ngu muội” như sách vở thực dân vẫn tuyên truyền, và người Việt “hồn nhiên” chép lại trong sách sử của mình, mà không phản bác.
Lúc đầu các chúa ở hai miền Nam, Bắc đều đón nhận đạo Gia Tô một cách nồng nhiệt, rồi sau họ cấm. Lý do chính là việc phỉ báng Tam giáo (Khổng, Lão, Phật) và cấm thờ cúng tổ tiên, mà Tòa Thánh gọi chung là Nghi lễ. Việc hoàng tử Cảnh, năm 1789, 9 tuổi, ở Pháp về không chịu lạy trước bàn thờ tổ tiên, là một xì-căng-đan lớn, khiến Nguyễn Vương đã đàn hặc gắt gao Bá Đa Lộc, và từ đó triều Nguyễn cấm đạo Gia Tô. Giám mục Bá Đa Lộc đã tranh đấu với Roma về quyền thờ cúng cha mẹ cho đến hơi thở cuối cùng.
Những sự kiện này nằm trong “cuộc chiến” gay gắt giữa Giáo hoàng và các Hoàng đế phương Đông: Giáo hoàng Clément XI ra nghị định ngày 19-3-1715: tuyệt đối cấm Nghi Lễ. Hai năm sau, vua Khang Hy ra chỉ dụ triệt để cấm đạo ngày 17-5-1717. Trong bốn thế kỷ XVII, XVIII, XIX, XX, việc cấm Nghi lễ của Tòa thánh và việc Cấm đạo ở các nước Á châu, đưa đến tranh chấp đẫm máu: quân Pháp-Y Pha Nho mượn chiêu bài “thánh chiến” để đánh chiếm nước ta.
Sau khi thua trận, vua Tự Đức phải ký hiệp ước Nhâm Tuất, 1862, “nhượng” cho Pháp ba tỉnh Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, và cho Pháp, Y Pha Nho được tự do giảng đạo. Mãi đến năm 1939, Giáo hoàng Pius XII mới chịu nhượng bộ, cho phép tín đồ được quyền thờ cúng tổ tiên. Từ đó, không còn nghị định nào của Roma phủ nhận quyền này nữa.
2– Vấn đề thứ hai là chữ quốc ngữ. Ngày nay nhiều người vẫn còn cho rằng chữ quốc ngữ là lối thoát duy nhất, để ra khỏi sự chậm tiến, nhưng không nhìn sang các nước bên cạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, vẫn viết chữ của họ mà vẫn trở thành cường quốc.
Việc tìm lại lịch sử chữ quốc ngữ không dễ, bởi vì khi đọc những tư liệu về chữ quốc ngữ, trước tiên, ta sẽ bắt gặp hai thứ chữ mà phần lớn người Việt không biết đọc là chữ La tinh và Bồ Đào Nha. Biết chữ Bồ, chữ La, vẫn chưa đủ, còn phải biết cả chữ Nôm và chữ Hán nữa. Chúng tôi không có những khả năng này; là kẻ ngoại đạo, những gì chúng tôi viết ở đây, chỉ là sự thu thập những điều người trước đã viết nhưng chưa có sợi dây nối lại với nhau, thành một tiến trình lô-gích, một lập luận khoa học.
Linh mục Đỗ Quang Chính, là người đi trước, mở đầu, trong cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659[32], in năm 1972 ở Sài Gòn, ông đã tìm ra những văn bản quốc ngữ viết tay đầu tiên của nhiều giáo sĩ, được lưu lại trong các thư viện công giáo ở Roma, trong đó có bản thảo của hai thầy giảng người Việt là Văn Tín và Bento (tức Biển Đức) Thiện viết năm 1659.
Chúng ta cần nghiên cứu lại những văn bản này, để có thể xác định: tác phẩm chính của chữ quốc ngữ, thế kỷ XVII, không phải là Tự điển Việt Bồ la, hay Phép giảng tám ngày của Alexandre de Rhodes mà là Lịch sử nước Annam của Bento Thiện, vì chữ viết và cách lập ngôn trong văn bản này, khá hoàn chỉnh, gần được như chữ quốc ngữ chúng ta viết bây giờ.
Điều quan trọng hơn nữa là Biển Đức Thiện không chỉ viết những chữ quốc ngữ lẻ tẻ trong một lá thư hay bài văn bằng chữ La tinh hoặc chữ Bồ, mà ông viết hẳn một tập lịch sử ngắn bằng chữ quốc ngữ. Trong khi các giáo sĩ người Âu, dù thạo tiếng Việt đến đâu, đều chưa ai viết được một câu quốc ngữ cho đúng văn phạm tiếng Việt. Cuốn sách Catechismus (Phép giảng tám ngày) của Alexandre de Rhodes, là chứng từ hiển nhiên nhất.
- Kết luận
Sự tìm kiếm đưa chúng tôi đến một số nhận xét: chữ quốc ngữ, tuy được hình thành từ đầu thế kỷ XVII, nhưng chỉ dùng rất giới hạn trong nhà dòng, giúp một số giáo sĩ người Âu muốn học tiếng Việt để giảng đạo, chứ không truyền bá được trong dân gian.
Phải đến cuối thế kỷ XIX, khi nhà cầm quyền thuộc địa, cho ra tờ Gia Định Báo với Trương Vĩnh Ký làm tổng tài, mới bắt đầu truyền bá quốc ngữ được. Sang đầu thế kỷ XX, toàn quyền Pháp, dùng dụ của vua để ra lệnh bỏ chữ Hán, chữ Nôm, thay thế bằng chữ Pháp và quốc ngữ. Từ lúc đó chữ quốc ngữ mới “tái sinh”.
Bởi vì người Việt không còn con đường nào khác, nên các học giả và nhà văn Việt Nam, chỉ trong khoảng hơn bốn mươi năm, đã phát triển mạnh mẽ chữ quốc ngữ, để đạt tới dạng thức đầy đủ từ ngữ văn chương, khoa học, triết lý như ngày nay.
Tác phẩm quan trọng nhất trong thời kỳ quốc ngữ “tái sinh” này là Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, in năm 1895, cuốn tự vị tiếng Việt đầu tiên cho người Việt dùng, vẫn còn giá trị đến ngày nay. Xin nhắc lại một lần nữa: người Việt thường ca tụng cuốn tự điển Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes, nhưng không ai dùng cả, bởi không mấy người biết tiếng Bồ và tiếng La tinh.
Tóm lại, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của và Trương Minh Ký đã xây dựng nền móng chữ quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX; Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh cùng nhóm Đông Dương và Nam Phong tạp chí tiếp nối, đầu thế kỷ XX, rồi đến Tự Lực văn đoàn và các nhà văn hiện đại, thập niên 1930. Chỉ trong hơn nửa thế kỷ, chúng ta đã dựng được một nền văn học quốc ngữ hoàn chỉnh.
Điểm sau cùng chúng tôi muốn nói đến ở đây là: Nền văn học Hán Nôm của chúng ta cần được bảo tồn và đào sâu. Người làm việc phê bình và nghiên cứu văn học cần phải học chữ Hán, chữ Nôm. Cần phải đẩy mạnh việc phiên dịch Hán, Nôm, để lấp dần chỗ trống hiện tại: còn bao nhiêu tác phẩm Hán Nôm của tiền nhân vẫn chôn trong tủ bụi? Còn bao nhiêu truyện hay chưa khám phá, chưa được chuyển sang chữ quốc ngữ, dù việc dịch, như trên đã nói, chỉ là phương pháp bất đắc dĩ. Chúng tôi xin chép lại đây lời giáo sư Ngô Đức Thọ, người đã dịch những cuốn sách cơ bản như: Thiền uyển tập anh và Đại Việt sử ký toàn thư, trong giai đoạn mở đầu, đã qua đời năm 2019:
Tôi vẫn luôn luôn tâm niệm muốn thực hiện việc dịch thuật các tác phẩm Hán Nôm của nước ta. Nhưng muốn làm được việc này phải tự học rất nhiều, không những phải nắm vững cổ văn, các vấn đề triết học, sử học, địa lý học, ngôn ngữ học… cũng đều cần có những kiến thức nhất định. Di sản Hán Nôm của ta hàm chứa nhiều những kiến thức đó, mình hiểu biết sơ sài, khó nói đến việc chuyển tải những giá trị đó đến với mọi người.[33]
Viết những dòng này, sau hơn sáu mươi năm sống ở Pháp, chúng tôi muốn thông tin cho giới trẻ Việt Nam biết rằng nền tảng văn học của chúng ta trong mười thế kỷ, đã bị người Pháp xóa bỏ như thế nào, bằng chữ quốc ngữ, khiến chúng ta bắt buộc phải tìm lại.
Một nền văn học bất hạnh như thế, lại trải qua một thời kỳ dài toàn trị, gạt bỏ tất cả những gì không chính thống, đặc biệt Tự Lực văn đoàn và Văn học miền Nam, để chỉ quanh quẩn với những sách được cho phép, đã khiến giới trẻ cảm thấy tù túng, coi thường văn chương Việt Nam, mà họ không biết rõ, nên hết sức vọng ngoại, háo hức đọc các sách dịch, đôi khi rất tồi về chất lượng dịch thuật cũng như nội dung tác phẩm, miễn là của người nước ngoài. Chúng tôi xin chép lại dưới đây lời tự kiểm của linh mục Thanh Lãng, như một chúc thư trước khi ông qua đời, ngày 17-12-1988:
Chính chúng tôi, bỏ nước đi ra ngoài, quen nói tiếng nước ngoài, quên cả nguồn gốc ngôn ngữ của tổ tiên, đến khi về nước nghe lỏm được từ này từ nọ (…) chúng tôi hý hửng cũng đòi ngôn ngữ tôn giáo phải đổi đời theo cái sàng khôn mà chúng tôi mới võ vẽ học lỏm được. Chúng tôi cũng từng vỗ ngực miệt thị cha ông xưa là dốt nát, nhưng chính trong lúc tố cáo cái dốt nát của tổ tiên thì chúng tôi lại để lộ cái dốt tệ hại của chính mình. Chúng tôi chế diễu các bản văn cổ, chúng tôi đòi sửa cho bằng hết các bản kinh, bổn, sách xưa, sách cũ .…[34]
Những lời tự phán này, giúp chúng ta nhìn nhận lại chính mình: khi không biết đến nền văn học nước nhà trong mười thế kỷ, thì dù có đọc bao nhiêu sách nước ngoài, cũng vô bổ.
Hoàng Xuân Hãn đã viết Kiều tầm nguyên trong chiều hướng đó.
Yên Cơ, Les Issambres, ngày 30-9-2023
Thụy Khuê
[1]Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của Đỗ Quang Chính, Tủ sách Ra Khơi, in tại Sài Gòn, năm 1972, Đường Mới chụp và in lại tại Paris, năm 1985, trang 22.
[2] Nguyễn Văn Trung, Về một số sách cũ do người công giáo viết ra từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, in trong cuốn Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), do Nguyễn Văn Trung soạn, Trường Đại Học Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh in năm 1993, trang 1.
[3] Linh mục Phan Văn Minh là học giả kiêm nhà thơ, tử đạo năm 1853, tác giả tập thơ quốc ngữ Phi-Năng thi tập.
[4] Trương Vĩnh Ký là thông ngôn của Soái phủ Nam kỳ, được cử đi cùng phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp điều đình chuộc lại ba tỉnh Gia Định, Biên Hoà, Định Tường, đã mất năm 1862.
[5] Trần Văn Chi, Gia Định Báo, đăng trong cuốn Kỷ yếu triển lãm và hội thảo Trương Vĩnh Ký (ngày 12 tháng 12 năm 2018 tại Nam California), Ban tổ chức xuất bản năm 2019, trang 38.
[6] Theo Nguyễn Văn Trấn: “làm trợ bút, từ 1866 đến 1868, mới được nhắc lên làm chủ bút” (Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật) trang 29.
[7] Trần Văn Chi, Gia Định Báo, bài đã dẫn, trang 38-39.
[8] Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), Ban Khoa Học Xã Hội Thành Ủy, Tp Hồ Chí Minh, 1993, trang 25.
[9] Huỳnh Văn Tòng, Báo chí Việt Nam từ khởi thuỷ đến 1945– Nxb Tp Hồ Chí Minh, theo bài Gia Định Báo của Trần Văn Chi trong Kỷ yếu triển lãm và hội thảo Trương Vĩnh Ký, trang 42.
[10] Trần Văn Chi, Gia Định Báo, bài đã dẫn, trang 41.
[11] Trần Văn Chi, Gia Định Báo, bài đã dẫn, trang 42- 43.
[12] Trần Văn Chi, Gia Định Báo, bài đã dẫn, trang 39.
[13] Nguyễn Văn Trung, Kitô giáo trong giao lưu văn hóa Tây phương với Việt Nam, in trong cuốn Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), trang 149.
[14] Khóa Hư Lục của Trần Thái Tôn, Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải, Nxb Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1974, trang 5.
[15] Giáo sư Ngô Đức Thọ, dịch giả, một trong những chuyên gia Hán Nôm hàng đầu của ta, bắt đầu dịch Nam Triều công nghiệp diễn chí từ năm 1986, trải các năm, 1987, 1990, 1994, ông đều in các bản dịch đã chỉnh sửa theo các văn bản mới khám phá, phải đến năm 2003, mới có bản cuối cùng.
[16] Trần Cảnh (Thái Tôn), đánh quân Mông cổ lần thứ nhất với Trần Thủ Độ (1258), tác giả Khóa Hư Lục. Trần Tung (Tuệ Trung Thượng sĩ, con Trần Liễu, anh Trần Hưng Đạo) và hai con của Thái Tôn: Trần Hoảng (Thánh Tôn) và Trần Quang Khải, đều là nhà thơ. Trần Khâm (Nhân Tôn), hai lần đánh quân Mông Cổ với Trần Hưng Đạo (1285 và 1287-1288) và là Tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm Yên Tử, tác giả hai bài phú Nôm đầu tiên, tìm thấy: Cư trần lạc đạo và Đắc thú lâm tuyền thành đạo. Anh Tôn, Minh Tôn, Nghệ Tôn đều có Ngự tập. Chưa kể các tướng Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, đều làm thơ, các nhà sư lớn Pháp Loa, Huyền Quang Lý Đạo Tái, và các tác giả khác như Nguyễn Thị Điểm Bích, Đoàn Nhữ Hài, Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi… đều để lại thơ Nôm và thơ chữ Hán.
[17] Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trong Hiệp, Nxb Văn Nghệ, California 2002, trang 194.
[18] Theo Hoàng Xuân Hãn: Kiều đã được chép đi chép lại nhiều lần trước khi in, mỗi lần chép người ta lại sửa một vài chữ theo ý mình, chưa kể, khi đem vào Huế, các ông hoàng thời Minh Mạng, nổi tiếng hay chữ, lại càng thích sửa.
[19] Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn và Tạ Trong Hiệp, Nxb Văn Nghệ, California2002, trang 215.
[20] Thơ văn Lý Trần, tập II, trang 27-29, Nguyễn Đức Vân và Băng Thanh dịch.
[21] In trong Archivum Historicum Societatis Iesu, 22, 1953, trang 203-214.
[22] Thanh Lãng, Thử thiết lập hồ sơ về hai người con gái:một con của Phật, một con của chúa, in trong cuốn Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), trang 6, do Nguyễn Văn Trung tập hợp các bài viết của Thanh Lãng, Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm, Nguyễn Văn Trung, Đỗ Như Thắng, Nguyễn Nhã, Trần Thái Đỉnh, Trần Thanh Đạm, Hoàng Châu Ký, Nguyễn Lộc, Cao Xuân Hạo, Tài liệu tham khảo, do Trường Đại Học Tổng Hợp TP Hồ Chí Minh in năm 1993. Trong cuốn sách này có những bài đáng chú ý: Trích bài Thanh Lãng nghiên cứu đối chiếu truyện Tiêu-du-la (Théodora) của Majorica với Quan Âm Thị Kính; Võ Long Tê giới thiệu Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông của Majorica. Nguyễn Văn Trung giới thiệu Sấm truyền ca của Lữ Y Doan, và Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm giới thiệu: Phi Năng thi tập, thơ quốc ngữ, của Thánh Phi-Li-Phê Phan Văn Minh.
[23] Nguyễn Huệ Chi Thử tìm vài đặc điểm của văn xuôi tự sự quốc ngữ Nam Bộ trong bước khởi đầu, (24-4-2002-15-5-2006, in trong Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hoá đến các mã nghê thuật, trang 804-819.
[24] Trích dịch Le dit du Genji (Truyện Genji), bản dịch tiếng Pháp của René Sieffert, nxb Publications Orientalistes de France, 1999, trang 617. Xem bài Từ Murasaki đến Kawabata của Thụy Khuê, trên site: thuykhue.free.fr.
[25] Theo Đào Duy Anh, trong Khóa Hư Lục của Trần Thái Tôn, Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải, Nxb Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1974, trang 10.
[26] Khóa Hư Lục của Trần Thái Tôn, Đào Duy Anh phiên dịch và chú giải, Nxb Khoa Học Xã hội, Hà Nội, 1974, trang 11.
[27] Với Lời phi lộ của tác giả đề viết tại Phi-Năng ngày 25-12- 1842, trích bài Phi Năng Thi tập Thánh Phi-Lip-Phê Phan Văn Minh của Võ Long Tê và Phạm Đình Khiêm, in trong cuốn Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), trang 89.
[28] Nguyễn Văn Trung, Về một số sách cũ do người công giáo viết ra, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, in trong cuốn Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), trang 3.
[29] Theo Nguyễn Văn Trấn, Trương Vĩnh Ký (con người và sự thật), trang 241.
[30] Bản in Nhà Hàng Chiliand et Martiaux, Sài Gòn, 1882, tài liệu Lục Châu Học của Nguyễn Văn Trung.
[31] Nguyễn Văn Trung, lời giới thiệu Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản.
[32] Lịch sử chữ quốc ngữ 1620-1659 của Đỗ Quang Chính, Tủ sách Ra Khơi, in tại Sài Gòn, năm 1972, Đường Mới chụp và in lại tại Paris, năm 1985, đã dẫn ở trên.
[33] Ngô Đức Thọ, Diễn văn nhận giải thưởng dịch thuật của quỹ Phan Châu Trinh 2014.
[34]Về sách báo của tác giả công giáo (thế kỷ XVII-XIX), trang 21.
Nguồn: https://damau.org/98400/truyen-gio-v-quoc-ngu?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Chèn EmoticonsHình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)