15/1/15

Người đương thời ? Hãy đợi đấy!


Có khá nhiều từ dùng sai nhưng được dùng nhiều thành quen, lâu dần hóa đúng: đại bàng, chung cư, .. Một số từ đang tranh chấp, nhưng với đà phát triển của đài báo hiện nay, có lẽ ko lâu nữa cũng hóa đúng: đọc giả, thăm quan, yếu điểm (với nghĩa điểm yếu), cứu cánh (với nghĩa cứu giúp) .. Bài báo sau đây của tác giả Bùi Việt Bắc phân tích một số từ dùng sai hiện rất phổ biến: đỉnh olympia, (người) đương thời, ... Hình cây me chụp trước nhà, ko liên quan gì đến bài, chỉ để nhem thèm chơi ..


Nạn dịch sai đang phá hỏng tiếng Việt
(Phát hiện một số từ dùng sai trong tiếng Việt và chứng minh chúng do những người dịch đưa vào)

Có lần, một ông đồng nghiệp từng cùng đi làm chuyên gia xuất bản với tôi trong một nhiệm kỳ thông báo cuốn sách ông ấy vừa in. Trong đó ông dành 85 trang để liệt kê và phân tích các lỗi dịch sai của một cuốn sách khác. Ðiều đáng nói là người dịch sai hơi bị nhiều kia lại từng nhiều chục năm đứng trên bục giảng đại học để dạy chính môn dịch tiếng Anh. Ðể chia sẻ, tôi đưa ông một trang bản thảo cùng với photo nguyên bản: cả thảy 15 câu tiếng Anh mà dịch sai 14 lỗi! Và đây là trang bất kỳ tôi mở ra ngay sau khi nhận bản thảo. Người dịch này cũng khá lâu năm.

Tháng 11 năm 1999 tôi có viết một bài báo dẫn chứng Ðài Truyền hình Trung ương (ÐTHTƯ) dịch sai hơi nhiều. Trong bài báo đó tôi có gợi ý đổi tên chương trình Ðường lên đỉnh Olympia vì ở Hy Lạp không có đỉnh Olympia mà chỉ có đỉnh Olympus (ta gọi là Ôlanhpơ). Ba tờ báo lần lượt khước từ đăng vì họ không muốn đụng đến đồng nghiệp quá to lớn này. ÐTHTƯ độc quyền phục vụ hàng chục triệu người cả nước, cái sai của họ tác hại rất lớn.

Vai trò của công tác dịch thuật đối với sự phát triển của văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ, nâng cao dân trí… chắc chắn là không ai nghi ngờ cả. Cho nên nếu ta còn làm ẩu thì hậu quả sẽ vô cùng tai hại.

Tiếng Việt đang mất dần bản sắc do chúng ta phải nghe quá nhiều lối hành văn của những người dịch không thoát. Thí dụ “thú nhỏ nhất là một loài dơi đến từ Thái Lan” (trên một tờ báo to), “Ðội tuyển bóng đá Việt Nam đã bị thua trước đội Mianma 3-0” (trên một tờ báo khác), “Ban Văn hoá Giáo dục trong thành phần của Quốc hội”, “Những chiếctrên một cành cây đang tỏ ra rung rinh trước những cơn gió”, “Cụ Nguyễn Trãi được biết đến như một nhà thơ lớn”… Rất nhiều người không biết tiếng Tây mà vẫn có lối hành văn với những chữ thừa kiểu như vừa nêu.

Trong bài này tôi không nói về lỗi dịch sai của từng cá nhân (việc đó phải nhiều tập sách mới kể hết) mà đi thẳng vào những cái sai đã qua mắt gần như tất cả chúng ta, nghiễm nhiên đi vào tiếng Việt, được sử dụng rộng rãi, chưa có ai phát hiện, để làm sáng tỏ một trong những tác hại của dịch sai là phá hỏng tiếng Việt.

Có một từ mà tần số xuất hiện chắc chắn là hàng đầu trong lời nói hằng ngày, trên sách báo, phát thanh truyền hình, văn bản giao dịch, tài liệu khoa học… Có thể nói là mỗi chúng ta hằng ngày đều đụng đến.

Ðó là từ vi tính!

Từ này có nguồn gốc dịch sai.

Máy tính trước những năm bảy mươi to bằng cả gian nhà. Nhờ có phát minh ra bóng bán dẫn vào cuối những năm bốn mươi và vi mạch silicôn những năm sáu mươi mà vào đầu thập kỷ bảy mươi chiếc máy tính kích thước nhỏ đầu tiên ra đời. Ðó là tiền thân của toàn bộ thế hệ máy tính ta dùng bây giờ. Tại nơi sinh ra, nó được gọi là microcomputer (máy tính cực nhỏ). Tôi gặp cụm từ máy vi tính lần đầu tiên vào khoảng giữa những năm tám mươi trong quyển sách của một dịch giả lớn, nhưng chắc là không phải ông này đã dịch từ này đầu tiên. Với đà phát triển vũ bão của microcomputer cường độ sử dụng từ vi tính ở ta cũng theo đó mà tăng ồ ạt! Không hề có một ai do dự khi dùng từ này. Trên sạp báo thường có một tờ báo tên là Vi tính, một tạp chí là Thế giới vi tính.

Chúng ta đều biết trong các tổ hợp từ vi trùng, thế giới vi mô… thì vi bổ nghĩa cho từ đứng sau nó để đem lại ý nghĩa cực nhỏ: trùng cực nhỏ, thế giới cực nhỏ… Như vậy vi tínhtính cái cực nhỏ. Nhưng trong chữ microcomputer thì cái cực nhỏ là cái máy chứ đâu phải việc tính. Các loại máy tính bây giờ so với thế hệ cũ thì tất nhiên là cực nhỏ rồi. Còn việc tính ở đây đâu có nhỏ! Ðó là cái sai thứ nhất: Hiểu sai ý.

Cái sai thứ hai là chữ tính không phải là âm Hán Việt để mà kết hợp với chữ vi theo kiểu này! Cùng xuất hiện với từ microcomputer trong tiếng Anh còn có từ microplane (máy bay cực nhỏ). Nếu mà cứ dịch theo kiểu máy vi tính thì trong tiếng Việt ta còn có thêm máy vi bay (!)

Cái sai thứ ba là theo lôgíc thông thường nhất: Khi tất cả các máy tính đều vi cả thì việc gì phải gọi chúng là vi nữa! Ngay trong tiếng Anh, người ta chỉ gọi microcomputer lúc vừa mới xuất hiện để phân biệt với các máy tính thế hệ cũ, sau đó chỉ là computer thôi.

Bớt chữ vi, đỡ nhiêu khê lại tiết kiệm biết bao giấy mực và thời gian!

Có cụm từ mà tôi thấy phân vân ngay khi nghe lần đầu tiên. Ðó là tên bộ phim hoạt hình Nga nhiều tập Hãy đợi đấy. Phim hay, tiếc là dịch cái tên chưa đúng. Trong Từ điển tiếng Nga bốn tập do Viện tiếng Nga thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô xuất bản năm 1984, từ pogodit ngoài nghĩa là đợi còn một nghĩa khác nữa là lời đe doạ (khi ở mệnh lệnh thức). Thế thì phải dịch là Liệu hồn chứ. Về lời dịch này tôi đã trao đổi với vài đồng nghiệp người Nga, họ hoàn toàn nhất trí. Có người nói Hãy đợi đấy cũng ngụ ý lời đe doạ. Theo tôi thì đó là do nghe mãi thành quen. Nhưng cứ cho đó là lời de doạ đi nữa thì lời đe doạ này nghe èo uột quá, không giống với lời đe doạ tức đầy ruột như nội dung phim.

Từ đầu những năm 70 trong nhiều bài báo ở ta, tôi thấy tên tạp chí Nga Sovremennik được dịch là Người đương thời. Các dịch giả đã mắc một lúc hai cái sai.

Trong tiếng Nga danh từ Sovremennik chỉ có một nghĩa duy nhất là Người cùng thời mà thôi! Có nghĩa là những người sống cùng thời với nhau, không nhất thiết trong quá khứ hay hiện tại. Họ đã nhầm với một trong các nghĩa của tính từ sovremennưi là hiện thời, hiện nay. Còn cái sai thứ hai là diễn đạt tiếng Việt cũng sai nốt! Từ xưa đến nay chúng ta đều hiểu đương thờithời bấy giờ, thời đó, tức là quá khứ chứ đâu phải là bây giờ! Cho đến nay, tất cả các từ điển của nước ta và kể cả của Trung Quốc chưa thấy chỗ nào viết đương thời là thời đang diễn ra cả.

Ba mươi năm trôi qua, từ dịch sai, viết sai, đọc mãi, nghe mãi thành quen, thành khái niệm. Khi viết bài này tôi có hỏi một loạt dịch giả, nhà văn, biên tập… Họ đều trả lời: “Người đương thời là đang sống với chúng ta bây giờ, vì đương =đang. Ðương đại cũng thế”. Ðài truyền hình cũng có một chương trình mang cái tên sai tiếng Việt này nên số người hiểu sai do đó càng tăng nhanh.

Chúng ta đều biết trong các kết hợp Hán-Việt, các âm Hán chỉ kết hợp với Hán và tính từ đi trước danh từ. Tổ hợp từ này đọc lên nghe loảng xoảng như âm Hán-Việt, đáng tiếc là trong Từ hải (từ điển tiếng Hán), đương có 14 nghĩa nhưng không hề có nghĩa nào là bây giờ, đang diễn ra cả! Ðương=đang là của tiếng Việt chứ không phải tiếng Hán, đương tiếng Hán kết hợp với thời sẽ ra nghĩa khác. Trong tổ hợp từ “đương kim vô địch” thì từ tố kim mới là bây giờ, chứ không phải là đương. Ðương ở đây có nghĩa là đích thị. Nhầm lẫn chính là ở đây.

Cái sai của đương thời cũng như của thăm quan, yếu điểm, đọc giả

Tương tự, đương đại cũng được hiểu là đang diễn ra. Những người được hỏi còn giải thích: là những gì diễn ra trong vòng mươi, mười lăm năm lại đây. Hiểu như thế là chưa được chuẩn. Thứ nhất: nếu xem đươngđang thì nó là âm Việt, không thể kết hợp với đại vì đại là âm Hán-Việt. Thứ hai, những người soạn ngữ pháp tiếng Việt gọi đương=đang là hư từ (một dạng trạng từ), chỉ có thể đi kèm động từ hoặc tính từ chứ không thể bổ nghĩa trực tiếp cho danh từ. Thứ ba: đã là thời đại thì phải mang tính thời đại, không thể là giai đoạn ngắn trước mắt được!

Trong tiếng Hán hiện đại người ta có dùng từ đương đại nhưng không phải là khoảng thời gian ngắn đang diễn ra. Một giáo sư Hán ngữ giải thích cho tôi rằng đương đại được xem là từ 1949, để phân biệt với hiện đại được xem là từ 1911 (hoặc 1919). Ta có thể thấy đương ở đây không phải là đang mà là ở tại, giống như trong đương cục, đương đạo. Ðại ở đây tôi cho là cách hiểu ngầm của thời đại Này cũng như khi nói người giàu nhất hành tinh thì hành tinh đây mọi người đều hiểu ngầm là hành tinh Này, tức là Trái đất.

Tạp chí Ogoniok, trong tất cả các bản dịch ở ta là Ngọn lửa nhỏ. Tên này đem lại ý nghĩa và ấn tượng gì (?) khi trong tiếng Nga nghĩa bóng Ogoniok là chất lửa, nhiệt tâm!

Từ sotrudnik (Nga) tôi chưa thấy ai dịch khác là cộng tác viên trong khi sotrudnik là những người cùng công tác chính thức trong một cơ quan còn cộng tác viên là người ngoài cơ quan, chỉ cộng tác mà thôi.

Trong nền văn hoá phương Đông có con vật linh thiêng tưởng tượng là con rồng. Chúng ta đều hình dung được hình hài và bản chất của nó: mình dài, có vảy, không cánh nhưng bay trong mây, phun ra mưa…, không hề gây ác, là biểu tượng của sự cao sang hùng vỹ, của vua chúa.

Trong kho tàng huyền thoại phương Tây có con quái vật hình thù gớm ghiếc: mình ngắn, bụng to, có cánh, phun lửa, tác quái hại dân. Nó có tên là dragon trong tiếng Anh, tiếng Pháp và drakon trong tiếng Nga. Trong các truyện cổ thường có các anh hùng diệt dragon cứu dân. Theo hình hài các hoạ sỹ mô tả, tính chất kể trong các truyện cổ cũng như theo định nghĩa trong các từ điển giải thích của họ thì con dragon này chính xác là con chằn tinh trong tiếng Việt.

Con rồng không hề có trong văn hoá các dân tộc phương Tây. Ðáng tiếc là người phương Tây không hề nghĩ ra con vật tương tự con rồng. Khi phải dịch từ con rồng Trung Hoa ra tiếng phương Tây, các dịch giả không thể tìm được từ tương ứng nên họ đành phải chọn con chằn tinh để thay con rồng. Cú dịch này quả nhiên là có khiếm khuyết! Tuy nhiên ở mức độ ta có thể thông cảm được. Thứ nhất là vì không có từ thích hợp hơn và thứ hai là vì người đầu tiên dịch từ này có lẽ đã lâu lắm rồi, lúc đó sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nền văn hoá Ðông, Tây chắc hẳn rất mù mờ.

Còn các dịch giả cũng như những người làm từ điển của ta khi dịch con chằn tinh của phương Tây ra con rồng của ta thì đáng trách quá vì ta có từ để dịch đúng, và ta đang sống trong “đương đại” giao lưu!
Bây giờ chắc các bạn đã rõ tại sao mấy thập kỷ qua vườn cổ tích trẻ em Việt Nam vắng bóng gã chằn tinh. Chúng ta đều đã gặp con quái vật ăn thịt người này một lần trong truyện Thạch Sanh, sau đó là biệt tăm.

Hoá ra là những người làm từ điển và các dịch giả bắt chước nhau đeo mặt nạ rồng cho gã chằn tinh đáng ghét nên các em vẫn thường xuyên gặp chúng trong các phim hoạt hình, truyện tranh, cổ tích nước ngoài mà không biết, cứ tưởng đó là rồng. Còn cụ rồng kiêu hãnh vốn chỉ ngự ở các đền chùa và những nơi tôn nghiêm bỗng biến thành con quái vật khát máu. Oan này biết kêu ai?

Sai lầm này làm cho độc giả có khái niệm sai lệch về con rồng nói chung. Từ đó rõ là không nên dịch thành con rồng Cômôđô như mọi người đang làm mà phải dịch là con kỳ đà Cômôđô mới đúng.

Trong từ điển tiếng Anh chữ dream ghi rành rành hai nghĩa 1) là những gì ta thấy khi đang ngủ (giấc mơ). 2) là những gì ta chưa có mà rất mong muốn có (ước mơ). Từ lâu lắm rồi, tôi thấy những người dịch ẩu cứ gặp từ dream là dịch luôn giấc mơ, không thèm phân biệt ngữ cảnh. Hậu quả là người đọc thấy mãi quen mắt rồi cũng dùng luôn một chữ để diễn đạt cả hai ý như người Anh luôn. Bây giờ thì không phải chỉ thấy trong các bản dịch nữa mà thấy và nghe khắp nơi.

Tương tự như vậy, trong tiếng Anh chữ queen phải mang hai nghĩa là hoàng hậu và nữ hoàng. Trong tiếng ta thì đường đường hai chữ tách bạch, vậy mà nhiều người dịch vẫn không đếm xỉa. Thậm chí có những bài báo, để nói về một người mà dòng trên đang là hoàng hậu, dòng dưới đã là nữ hoàng rồi. Cũng như vậy, gần đây không phải một lần tôi đọc và nghe thấy “… cô phóng viên đã trở thành công chúa…” (vì lấy hoàng tử). Con dâu với con đẻ mà không phân biệt!

Một số từ cùng có mặt trong vài thứ tiếng nhưng trong mỗi thứ tiếng lại có những nghĩa riêng chứ không hoàn toàn như nhau. Các dịch giả không để ý điều này đã dẫn đến những cái sai đáng tiếc. Thí dụ trong tiếng Nga chữ universitet có nghĩa là trường đại học tổng hợp (ÐHTH). Ở Liên Xô cũng như ở ta trước đây trường ÐHTH chỉ có các bộ môn khoa học. Còn chữ university trong tiếng Anh lại có nghĩa là trường đại học nói chung, vì ở Anh, Mỹ… không phân chia như ở Nga. University có thể đào tạo cả kỹ sư, bác sỹ và cán bộ khoa học. Thế mà rất nhiều người vẫn cứ dịch university ra ÐHTH.

Tương tự như vậy, từ tekhnika trong tiếng Nga và từ technics trong tiếng Anh không hoàn toàn đồng nghĩa. Cái nghĩa là tập hợp những kiến thức khoa học áp dụng vào thực tiễn để thiết kế, chế tạo, hoàn thiện các máy móc… của từ tekhnika trong tiếng Nga lại hoàn toàn tương ứng với khái niệm technology trong tiếng Anh. Cho nên người ta chỉ nói science and technology chứ không ai nói science and technics. Khi hai miền nước ta thống nhất, cái mà trong Nam gọi là công nghệ thì ngoài Bắc gọi là kỹ thuật. Dễ hiểu thôi, vì trong Nam dịch từ technology của Anh, Mỹ còn ngoài Bắc lại dịch từ tekhnika của Nga. Ngày nay ta có xu hướng dùng từ công nghệ nhiều hơn là kỹ thuật trong nghĩa này. Bởi vậy ta mới có Bộ Khoa học và Công nghệ.

Có một Nhà xuất bản tên là NXB Khoa học và Kỹ thuật. Tên này tôi không dám chê lỗi thời, mặc dù nó là của Bộ Khoa học và Công nghệ. Ðiều tôi muốn mạo muội góp ý là cái tên tiếng Anh để giao dịch của nó là Science and Technics Publishing House. Cái tên Anh này tôi nhìn thấy đã trên 30 năm và ngay từ lần thấy đầu tiên tôi đã ái ngại cho nó.

Trong tiếng Việt ta, ai cũng biết thành phần là một từ Hán-Việt có nghĩa là một phần để hợp thành một cái gì đó; là một bộ phận, một phần tử để cấu tạo nên một tổng thể nào đó. Thí dụ “protein là một thành phần dinh dưỡng của đậu nành”.

Còn từ sostav trong tiếng Nga thì có nghĩa ngược lại là tổng thể của các thành phần. Ðiều này có thể thấy trong bất kỳ quyển từ điển tiếng Nga (Nga-Nga) nào. Thế mà không hiểu sao các từ điển Nga-Việt đều ghi sostav là thành phần. Và hậu quả là không biết bao nhiêu lần tôi đọc hoặc nghe những câu đại loại “Ucraina là một nước cộng hoà nằm trong thành phần của Liên Xô”. Khác nào nói: “Khi tôi còn nằm trong bụng của đứa con của mẹ tôi”.

Dẫn chứng còn nhiều lắm nhưng để gói gọn vấn đề lại, tôi xin đưa hai câu chuyện do một ông đồng nghiệp khả kính góp vui.

Trong Từ điển kỹ thuật tổng hợp Anh-Việt và Nga-Việt chữ metallography dịch là kim tương học. Thực ra là kim tướng học. Tướng là cái mặt như trong chữ chân tướng. Ðây là khoa học nghiên cứu kim loại thông qua cấu trúc của nó nhìn thấy qua kính hiển vi. Hậu quả là tất cả sách vở tài liệu về kim loại học gọi đây là kim tương học và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có một bộ môn có tên là kim tương học. Biết bao thế hệ kỹ sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy, nghiên cứu đều gọi là kim tương học!

Hà Nội ta có một đường phố nhỏ gọi là phố Lê Ðại Hành. Hoá ra chẳng có ông vua nào lấy hiệu Ðại Hành cả, mà ông vua nào cũng được người ta gọi là đại hành, khi ông ấy chết rồi mà chưa chôn. Ðại hành tức là đang thực hiện chuyến đi lớn, nói rõ hơn là đang đi sang thế giới bên kia! Một nhà sử học nào đó dịch bài văn điếu, trong đó gọi ông Lê Hoàn là Lê Ðại Hành, nên những nhà sử học khác cứ đinh ninh cho rằng đây là đế hiệu của ông ta!

Hai câu chuyện trên cho thấy nếu ta để ý và chịu khó tra cứu thì sẽ phát hiện mà loại bỏ được nhiều cái nhiêu khê. Câu chuyện thứ nhất tôi đã đi xác minh, là hoàn toàn có thật. Còn câu chuyện thứ hai, có lẽ xin nhường cho các nhà sử học.

Biên tập sách dịch đã trên ba mươi năm, tôi có may mắn được quan sát sự nẩy sinh của nhiều từ, ngữ trong khu vườn tiếng mẹ đẻ, phát hiện đôi điều thú vị để hôm nay tâm sự cùng bạn đọc. Những cái sai tôi phát hiện trên đây đã đi vào tiếng Việt, không biết có ai nghi ngờ không mà chưa thấy ai nói đến. Một số từ sai này đã cắm rễ sâu rồi, nhổ ra chắc không dễ. Chúng làm ngôn từ bớt chính xác, lệch lạc khái niệm, giảm tính lôgic, tính khoa học và tính thẩm mỹ của tiếng Việt.

Xin thử nghĩ mà xem, con rồngcon chằn tinh cũng như nhau, thời đó với thời bây giờ cũng chỉ là một, thành phần với tổng thể cũng thế thôi, nữ hoàng chính là hoàng hậu, gọi thái phicông chúa thì đã sao, giấc mơ khác gì ước mơ, đợi đấy cứ hiểu là liệu hồn, tướng biến thành tương… Rõ ràng là những từ dùng sai này xoá nhoà các khái niệm rành mạch đã định hình từ trước đây. Theo tôi hiểu thì một ngôn ngữ có tính khoa học cao sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng trong mọi lĩnh vực cũng như có tác dụng hình thành tư duy lô gích cho thế hệ trẻ. Và điều cuối cùng này rất quan trọng đối với việc tạo lập dần năng lực sáng tạo trong tương lai của các em.

Ngôn ngữ luôn luôn vận động, phát triển. Bao giờ cũng có xu hướng một số từ bị đào thải, một số từ mới mọc ra… Gặp từ mới mà ta không thận trọng lựa chọn, không kiểm soát chặt chẽ thì mảnh vườn ngôn ngữ được nhiều thế hệ đi trước vun đắp, chăm chút sẽ mọc lên những loài cỏ dại, dây gai, nấm độc chèn ép che khuất những hoa thơm lá đẹp mà sau này mất nhiều thời gian mới phục hồi lại được.

Nhiều người nghĩ dịch là việc dễ ợt, chỉ cần học qua chương trình ngoại ngữ cơ bản là dịch được sách báo. Số khác lại nói dịch là cực kỳ khó. Theo tôi cả hai đều chưa đúng. Nhưng gộp cả hai ý kiến vào thì lại đúng: Có câu khó câu không, có bài khó bài không, có quyển rất khó dịch, có quyển rất dễ dịch. Một người khoe đã dịch 10 quyển sách thì điều đó cũng chẳng nói lên điều gì. Vấn đề là anh ta đã dịch gì và dịch như thế nào.

Do đó điều quan trọng nhất đối với người dịch và biên tập là chọn tài liệu dịch phù hợp về năng lực và sở trường. Còn trách nhiệm về dịch sai đương nhiên là biên tập gánh. Cũng như mất trộm thì tội ở bảo vệ vì kẻ trộm đã cao chạy xa bay từ khuya.

Chắc quý vị còn nhớ Công chúa hạt đậu, nhân vật của Andersen, nằm trên hai mươi tấm đệm mà trằn trọc không ngủ được chỉ vì có một hạt đậu chèn phía dưới cùng! Trong khi đó các nhà yoga Ấn Ðộ lại nằm ngủ ngon lành trên bàn chông. Những người này quả thật sung sướng. Tuy nhiên nghề dịch và nghề biên tập lại rất cần các công chúa hạt đậu. Tiếc thay, công chúa hạt đậu thì hơi ít, còn thuật sỹ yoga lại hơi nhiều.

Thực ra ai cũng có lúc dịch sai, do nhiều nguyên nhân. Lắm khi chỉ là do nhìn nhầm, hiểu nhầm, vào thời điểm mệt mỏi chẳng hạn. Nhưng dịch sai nhiều thì phải phê phán, phê phán quyết liệt. Nhiều người vì không hiểu thực tế này nên nảy sinh hai khuynh hướng. Một là quá tin tưởng người dịch nên cứ thản nhiên tiếp thu và truyền bá cái sai. Hai là, ngược lại, có người phát hiện được một hai lỗi sai ở đâu đó đã làm ồn ỹ lên, cứ như là tất cả các bản dịch khác đều tuyệt hảo hết ấy! Vậy sai với tỷ lệ nào thì phải phán quyết? Ðó chính là điều mà những người biên tập phải bàn.

Bên cạnh những tác hại hiển nhiên ai cũng biết, dịch sai còn là một trong những cách tàn phá tiếng Việt. Mong rằng những người làm công tác dịch thuật và biên tập hãy cẩn trọng hơn với bản dịch trước khi đưa đến với công chúng.

Bùi Việt Bắc

Bản rút gọn của bài viết này đã đăng trên báo Văn Nghệ số 1+2 năm 2005, bản đăng trên talawas là toàn văn bài viết.

Nguồn: talawas.org

32 nhận xét:

  1. Nặc danh15/1/15 20:47

    Em đọc bài này hơi bị kỹ: vì thật sự lúc viết lách rất dễ dùng sai từ, hoặc kiếm từ không ra phải dùng từ khác thay thế, hậu quả là từ dùng không đúng.
    Có cái là, không biết lỗi dịch thuật có thật sự làm hỏng tiếng Việt hay không. Nói thí dụ có cuốn sách nước ngoài nào nổi tiếng em cũng rinh bản tiếng Việt về đọc thôi, chứ không lẽ em rinh luôn cuốn nguyên tác về để so sánh thử các dịch giả có dịch đúng hay không. Cái đó thông thường người học ngoại ngữ với bộ môn dịch thuật hoặc người làm công việc có liên quan đến nước ngoài thì thường nghiên cứu kỹ hơn mới đem ra so lại. Nếu khi đem so sánh và phát hiện dịch sai, thì theo em gọi là làm hỏng ý trong nguyên tác, sao lại hỏng tiếng Việt?
    "Xin thử nghĩ mà xem, con rồng và con chằn tinh cũng như nhau, thời đó với thời bây giờ cũng chỉ là một, thành phần với tổng thể cũng thế thôi, nữ hoàng chính là hoàng hậu, gọi thái phi là công chúa thì đã sao, giấc mơ khác gì ước mơ, đợi đấy cứ hiểu là liệu hồn, tướng biến thành tương… Rõ ràng là những từ dùng sai này xoá nhoà các khái niệm rành mạch đã định hình từ trước đây. Theo tôi hiểu thì một ngôn ngữ có tính khoa học cao sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng trong mọi lĩnh vực cũng như có tác dụng hình thành tư duy lô gích cho thế hệ trẻ. Và điều cuối cùng này rất quan trọng đối với việc tạo lập dần năng lực sáng tạo trong tương lai của các em"
    Ông quên một điều là dịch thuật luôn đi kèm với ngữ cảnh, không phải dịch thuật là kiểu dịch từng từ và phiên ngang qua, tiếng pháp gọi là kiểu dịch "mot à mot" như ông đã liệt kê,
    Mà em search tên ông này trên Gúc mãi ko ra ổng là ai.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nặc danh15/1/15 21:01

      "Tiếng Việt đang mất dần bản sắc do chúng ta phải nghe quá nhiều lối hành văn của những người dịch không thoát. Thí dụ “thú nhỏ nhất là một loài dơi đến từ Thái Lan” (trên một tờ báo to), “Ðội tuyển bóng đá Việt Nam đã bị thua trước đội Mianma 3-0” (trên một tờ báo khác), “Ban Văn hoá Giáo dục trong thành phần của Quốc hội”, “Những chiếc lá trên một cành cây đang tỏ ra rung rinh trước những cơn gió”, “Cụ Nguyễn Trãi được biết đến như một nhà thơ lớn”… Rất nhiều người không biết tiếng Tây mà vẫn có lối hành văn với những chữ thừa kiểu như vừa nêu"
      Trích dần kiểu như vầy thì đố ai biết lấy đâu bản gốc mà so sánh.

      Xóa
    2. Nặc danh15/1/15 21:11

      "Hà Nội ta có một đường phố nhỏ gọi là phố Lê Ðại Hành. Hoá ra chẳng có ông vua nào lấy hiệu Ðại Hành cả, mà ông vua nào cũng được người ta gọi là đại hành, khi ông ấy chết rồi mà chưa chôn. Ðại hành tức là đang thực hiện chuyến đi lớn, nói rõ hơn là đang đi sang thế giới bên kia! Một nhà sử học nào đó dịch bài văn điếu, trong đó gọi ông Lê Hoàn là Lê Ðại Hành, nên những nhà sử học khác cứ đinh ninh cho rằng đây là đế hiệu của ông ta!"
      Về tên "Đại Hành"
      Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, khi vua mới mất mà chưa được đặt thụy hiệu thì được gọi là Đại Hành Hoàng đế. Do vua nối ngôi là Lê Ngọa Triều đã không đặt thụy hiệu nên "Đại Hành Hoàng đế" đã trở thành thụy hiệu của Lê Hoàn.
      Sử gia Lê Văn Hưu viết:


      "Thiên tử và hoàng hậu khi mới băng hà, chưa chôn vào sơn lăng, thì gọi là Đại Hành Hoàng Đế, Đại Hành Hoàng Hậu. Đến khi lăng tẩm đã yên thì hợp bầy tôi bàn xem đức hạnh hay dỡ để đặt thụy là mỗ hoàng đế, mỗ hoàng hậu, không gọi là Đại Hành nữa. Lê Đại Hành thì lấy Đại Hành làm thụy hiệu mà truyền đến ngày nay là làm sao? Vì Ngọa Triều là con bất tiếu (không giống ông cha), lại không có bề tôi Nho học để giúp đỡ bàn về phép đặt thụy cho nên thế."
      Tuy nhiên, có sách giải thích "đại hành" là đi xa hẳn không trở lại. Có sách khác lại giải thích "đại hành" là đức hạnh lớn (hành và hạnh viết cùng một chữ 行, âm cổ đọc như nhau).
      (Wikipedia)

      Nói chung ông này viết bài kiểu này không ổn tí nào.

      Xóa
    3. Anh thấy đại khái trong bài này tác giả đưa ra mấy lỗi dịch

      1. Lỗi thứ nhất là cái em đã nhắc đến: mot à mot. Lỗi này dẫn dến 2 cái tệ
      - thừa từ. Ví dụ máy vi tính do dịch chữmicrocomputer Trong bối cảnh của Tây thì micro là có ý nghĩa, dịch qua tiếng Việt vi thì thừa, lại thêm khó hiểu và sai nghĩa từ gốc.
      - đặt câu lai Tây. Dù Tây nó viết "The song was written by X in 19xx" nhưng chuyển qua tiếng Việt mot à mot thành Bài hát được viết bỡi X vào năm 19xx thì đây ko phải là một câu tiếng Việt chuẩn. Người Việt viết gọn Bài hát X viết năm 19xx.
      Kiểu viết câu lai Tây này nhiều người nói đến từ lâu, nhưng chẳng thấy bớt mà ngày còn nhiều thêm, quen dần đến ko nhận ra nó bị lai. Bản thân anh nhiều khi gõ xong đọc lại kỹ mới thấy mà sửa, còn ko thì vẫn vô tư Bài hát được viết bỡi X .., Ông được cho là .. (Từ kiểu nói của Tây: He is said that .. ). Đọc sai riết rồi quen, viết theo mà ko biết.

      2. Lỗi thứ hai là đối dịch ko đúng. Ví dụ gặp từ dragon mà đối dịch bằng rồng là ko đúng, vì nội hàm 2 từ ở 2 nền văn hóa hoàn toàn khác nhau. Theo tác giả thì dragon nên dịch là chằng tinh thì đúng hơn. Ai đấy ban đầu dịch sai, người sau học theo, giờ biến con dragon ác ôn khát máu của Tây thành con rồng, một trong tứ linh của văn hóa phương Đông. Lỗi thứ 2 này tác giả còn minh họa bằng nhiều ví dụ khác.

      Ngoài ra tác giả còn nhắc đến vài lỗi khác nữa, như hiểu ko đúng chữ Tây (Olympia/Olympus), từ Hán Việt (đương). Đại khái thế.

      p/s:
      - theo ý tứ trong bài thì tác giả nguyên là một biên tập viên của một nxb nào đó, anh cũng ko biết. Tuy nhiên vấn đề là ổng nói Đ/S thôi.
      - các câu em trích dẫn lại ở còm 2 là lỗi dịch mot à mot, dẫn đến câu lai Tây. Em xem lại trong bài, các từ in ngiêng theo tác giả là bị thừa.
      - về chữ Đại Hành, tác giả ko chuyên về sử nên cũng chỉ nêu nghi vấn. Trong sử theo anh biết còn nhiều cái tồn nghi. Ví dụ tên chồng bà Trưng Trắc xưa nay ta học là Thi Sách, nhưng theo Nguyễn Phương, ổng tên Thi thôi. và lỗi này theo NP cũng là từ dịch sai câu chữ Hán ..

      Xóa
    4. Còm trả lời xong, mới gúc thử, thấy có mấy link này về một người tên Bùi Việt Bắc, GĐ nhà xb TT-VH. Ko biết có phải là tác giả bài báo trên ko ? nếu có thì hơi ê. Vì trong bài trên ông kêu gọi các BTV phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đừng để những cái sai trong khi dịch làm hại tiếng Việt, nhưng nhà xb VH-TT của ông lại cho ra lò cuốn sách bị gọi là "thảm họa dịch thuật"

      link: 1 NXB sẵn sàng đổi lại sách "Mật mã Da Vinci" cho bạn đọc
      2: Hầu chuyện ông Bùi Việt Bắc

      Xóa
    5. Khi nãy chưa kịp đọc bài trên talawas. Giờ đọc xong mới thấy câu ghi chú cuối bài:

      (Ghi chú của toà soạn: Ông Bùi Việt Bắc, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hoá-Thông tin, trùng tên nhưng không phải là tác giả của bài viết "Nạn dịch sai đang phá hỏng tiếng Việt" đăng trên talawas ngày 07.01.2005.)

      Xóa
    6. Nặc danh15/1/15 23:41

      Thứ nhất, ông này đã gom lại một số tranh cãi về cách dùng từ trong các bản dịch đã nói rất nhiều trên các diễn đàn, thí dụ chuyện "máy tính hay máy vi tính", olympia-olympus...
      Thứ hai, việc dẫn chứng lỗi sai trong dịch thuật của ổng (không trích nguyên tác để so sánh) mấy cái đó xưa nay người ta cũng nói hoài chẳng qua đó cũng là những lỗi ngớ ngẩn của dịch giả, nhưng cái đó rất dễ nhận ra, không thể nói nó sẽ làm hỏng tiếng Việt được.
      Thứ ba, ông ta đang sa vào kiểu dịch phiên qua, trong một số trường hợp thì đúng, nhưng một số phải đặt trong ngữ cảnh và toàn đoạn mới có ý nghĩa đúng của nó.
      Dragon ổng dịch là chằn tinh, nhưng monster cũng là chỉ những loài quái thú vậy, sao người Mỹ ko dùng monster mà dùng dragon?
      Còn chằn tinh cũng không phải tên gọi của một loại quái vật trong truyện truyền thuyết nước ta, nó là tên chung chỉ các loài quái vật tu luyện thành tinh như mãng xà, thuồng luồng...
      Em đồng ý rồng là một trong tứ linh, nhưng không phải con rồng nào cũng thế, vẫn có con hung dữ phun lửa, phun nước hại người và bị tiêu diệt như trong Tây Du Ký đấy.
      Nói chung ông này lượm lặt xào nấu chả ra làm sao mà bày đặt giật cái tít nóng cả did, nhưng ổng không phải là ông anh search đâu nhé. Ông search là ông khác nữa.

      Xóa
    7. Nặc danh15/1/15 23:50

      Nói chung bài viết này không đáng để đọc vì toàn lượm lặt, còn những thứ tự nghĩ ra để viết thì lại chả trúng trật gì.

      Xóa
    8. Nặc danh15/1/15 23:56

      Vấn đề kiểu viết câu lai Tây hiện nay đang nhiều thêm chứ không bớt của anh Khung K, xin hỏi như thế nào gọi là câu lai Tây?
      Bài hát được viết bởi...
      Ông được cho là...
      Lai tây chỗ nào ạ?

      Xóa
    9. 1. Theo ý tứ trong bài thì ổng là người phát hiện các lỗi nêu trong bài đầu tiên. Anh ko có đk xác minh cái này.

      2a. Những câu có như
      “Ðội tuyển bóng đá Việt Nam đã bị thua trước đội Mianma 3-0”,
      “Ban Văn hoá Giáo dục trong thành phần của Quốc hội”,
      “Những chiếc lá trên một cành cây đang tỏ ra rung rinh trước những cơn gió”,
      “Cụ Nguyễn Trãi được biết đến như một nhà thơ lớn”

      đều là những câu tiếng Việt ko chuẩn, nhìn vào là biết ngay chúng được dịch mot à mot từ một câu tiếng Tây nào đấy, ko cần thiết phải nêu nguyên văn câu tiếng Tây cho rườm.

      2b. Đúng như em nhận xét

      Rất nhiều người không biết tiếng Tây mà vẫn có lối hành văn với những chữ thừa kiểu như vừa nêu"

      Đấy chính là tác hại của nạn dịch sai mà tác giả phê phán. Lối viết như Tây lẽ ra chỉ một số người đọc sách tây nhiều mới bị, nhờ công của các dịch giả kiểu này, ngày càng quen thuộc với đông đảo người Việt. Ở đoạn trên anh cũng có nói qua: do nghe nhiều, đọc nhiều những lối viết như thế nên nhập tâm, bất giác mình cũng viết thế mà ko hay ko biết.

      3. về ý nghĩa của Rồng và dragon, anh thấy tác giả viết là đủ rõ. Em thử đọc lại xem.
      Monster là quái vật nói chung, trong đó có dragon.
      Trong truyện cổ tích Nga hay của một số dân tộc ở châu Âu, rồng thường được miêu tả như một loài bò sát có vảy, đuôi dài, thường có ba đầu thổi ra lửa và biết bay. Các đầu này có khả năng tự mọc ra nếu bị chặt mất đầu cũ. Một số rồng chỉ có 1 đầu và có một cái mõm ngắn, quặp như mỏ đại bàng.
      Cũng theo những truyện cổ phương Tây: rồng thường được giao nhiệm vụ canh giữ kho báu, lâu đài hay người đẹp, song thường tỏ ra là loài "hữu dũng vô mưu" vì thường chịu thua và thiệt mạng dưới tay một tráng sĩ.
      (vi.wiki)
      Rồng mô tả như trên thì rõ là gần với con chằn tinh hơn là con rồng được chạm khắc trên các đền đài ở ta.

      Xóa
    10. Bài hát được viết bởi...
      Ông được cho là...
      Lai tây chổ nào ạ

      Lai tây ở chổ trước đây người Việt ko có lối diễn đạt như thế. Đó là kiểu diễn đạt rất đặc trưng của tây. mới được du nhập vào VN do kiểu dịch mot à mot.

      Xóa
    11. Nặc danh16/1/15 07:51

      2a. Những câu đấy là những câu nhìn vào là biết dịch từ một câu tiếng Tây nào đấy: em cũng có thể cho giả thuyết nó là câu do một người Việt viết còn vụng, hoặc do một anh Tây học tiếng Việt viết vụng. Nội dung câu toàn liên quan đến Việt Nam, mắc gì phải dịch ra từ câu của Tây để bị sai ngớ ngẩn?
      2b. Nếu đổ lỗi viết sai do "công" dịch giả dịch sai, thì có khiên cưỡng quá không? Trong khi trong các nguyên nhân làm thành cái sự "hỏng" của tiếng Việt, đâu chỉ bởi lỗi dịch thuật?

      Xóa
    12. Nặc danh16/1/15 07:59

      3. Chính vì sự áp đặt khiên cưỡng và máy móc rằng rồng phải là con vật hiền lành ở các đền chúa, là tứ linh... đã dẫn đến những giải thích khó chấp nhận. Thiếu gì con rồng phun lửa, phun nước, hung hãn trong các truyền thuyết phương đông?

      Xóa
    13. Nặc danh16/1/15 08:03

      Về vấn đề "lai tây":
      Không lẽ trước đây không viết câu như thế nên giờ viết thế là bị lai tây? Có chắc là lai tây, hay lai Mễ, Hàn?
      Mà trước đây là lúc nào? Có những cách viết câu, cách hành văn cũng "trước đây" mà hầu như không còn ai dùng thì giải thích thế nào?

      Xóa
    14. Nặc danh16/1/15 08:06

      Bài viết này cách đây cả chục năm, thời mạng mẽo chưa chóng mặt. Nếu bây giờ viết lại chắc ổng không dám giật tít kiểu đó luôn.

      Xóa
    15. Nặc danh16/1/15 08:06

      Bài viết này cách đây cả chục năm, thời mạng mẽo chưa chóng mặt. Nếu bây giờ viết lại chắc ổng không dám giật tít kiểu đó luôn.

      Xóa
    16. Nặc danh16/1/15 08:20

      Còn về việc lấy hình ảnh công chúa hạt đậu và thuật sĩ yoga: theo em càng nói nhiều càng dẫn chứng càng làm cho người đọc thấy sự máy móc, khiên cưỡng, thậm chí em nghi ngờ rằng ông này có mối thù thâm sâu với dịch giả hoặc nhiều lần lên tiếng mà chả ai thèm nghe.
      Bộ nằm ngủ ngon trên bàn chông dễ làm lắm chắc?

      Xóa
    17. Nặc danh16/1/15 08:29

      Không thể "làm hỏng" Tiếng Việt
      ThS. Đào Hồng Điện (Trường ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) trong tham luận tại hội thảo khoa học toàn quốc "Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay”, đã cho rằng chính thái độ tùy tiện của người sử dụng chữ viết là nguyên nhân khiến cho tiếng Việt dần mất đi tính trong sáng.
      GS.TS, NGND Bùi Khánh Thế (Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin họcTP.Hồ Chí Minh) bức xúc cho rằng: đã đến lúc phải hình thành Luật Ngôn ngữ, bởi theo ông, tiếng Việt đang bị tổn thương, bị xâm hại, bị méo mó...Nếu có luật này chúng ta mới cócơ sở, căn cứ pháp lý, đủ sức bảo tồn sự trong sáng của tiếngViệt.
      Những dòng chữ lộn xộn xuất hiện hằng ngày trên đường thông qua các hình thức quảng cáo.

      Đất nước trải qua ngàn năm Bắcthuộc, gần một thế kỷ thực dân đô hộ nhưng tiếng Việt vẫn trường tồn, vẫn lung linh tỏa sáng bằng chính sự dung dị củamình. Tiếng Việt đã không bị bẻ cong, không bị biến mất trước tiếng Hán, tiếng Pháp và nhiều ngôn ngữ khác khi xâm nhập vào Việt Nam theo con đường của kẻ mạnh. Nhưng đến nay, người ta thấy sự "lai căng” xuất hiện với tần suất rất lớn trong tiếng Việt, trong giao tiếp hằng ngày đã đành chúng còn nghiễm nhiên tồn tại trong các văn bản. Đó là sự "lạm phát” sử dụng các yếu tố tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh. Một giáo viên dạy tiếng Anh trong một trường THPT ở Hải Phòng kể: anh đã rất ngạc nhiên khi đi đặt phòng nghỉ giúp cho một người bạn từ xa tới, cô lễ tân báo còn phòng rồi nói thêm:"Anh nhớ "cần phơm” cho em nhé”. Dù là người dạy tiếng Anh nhưng anh không hiểu, những tưởng cô gái này nói đùa điều gì đó. Nhưng khi anh đưa bạn đến, thì cô lễ tân trả lời: "Em không thấy anh "cần phơm” nên cho thuê phòng rồi”. Hóa ra, cái "cần phơm”- confirm của cô lễ tân là bảo khách phải xác nhận lại chính thức. Thật là dở khóc dở cười với chính một thầygiáo dạy tiếng Anh lại bị "chơi” một vố tiếng Anh bồi không đỡ nổi. "Không thể phủ nhận việc giao thoa ngôn ngữ trong một thế giới phẳng, tiếng Việt cũng giàu có thêm nhờ tiếp nhận vào mình và Việt hóa một số từ của ngôn ngữ khác. Nhưng sử dụngtràn lan các từ ngoại lai khi mà tiếng mẹ đẻ đã có là rất không nên”.

      Xóa
    18. Nặc danh16/1/15 08:29

      Ngôn ngữ "chat” của giới trẻ mới thật... kinh dị và kì cục. Ví dụnhư viết là "chời” thay vì "trời”,"cái zị zậy ta” thay vì "cái gì vậy ta?”. ThS. Đào Hồng Điện (Trường ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh) trong tham luận tại hội thảo khoa học toàn quốc "Phát triển và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay”, đã cho rằng chính thái độ tùy tiện của người sử dụng chữ viết là nguyên nhân khiến cho tiếng Việt dần mất đi tính trong sáng.
      Chuyện chính tả cũng không khỏi buồn lòng. Cách đây chưa lâu, ngay trong đề kiểm tra dànhcho học sinh lớp 7 môn Ngữ văntại một tỉnh nọ, với đề bài về bàithơ Lượm của Tố Hữu, đáp án vàhướng dẫn chấm lại viết là "Chú bé loắc choắc” trong khi đúng ra phải là "Chú bé loắt choắt”…
      Nhiều khi đi đường, mọi người cảm thấy rất bực mình khi thấy các biển hiệu sai chính tả quá nhiều. Ví dụ, Tẩm quất thư dãn/ thư rãn (giãn); Lấy dáy (ráy) tai; Cấm kinh doanh, dịch vụ, bày bán hàng dong (rong) trên vỉa hè; Sôi (xôi) thịt bánh bao; hoa quả rầm (dầm), bánh trưng (chưng)...
      GS.Trần Văn Khê từng kể rằng: năm 1957 khi ông sang Anh, gặp một học trò cũ và anh ta ngỏ ý muốn ghi âm những bài dân ca do ông biểu diễn. Anh này nói: "Thưa thầy, em xin phép được record thầy hát những bài folksong. Nhưng em không có tape mới. Thầy chịu khó chờ đợi em wipe lại tape cũrồi em sẽ record thầy”. Từ đó, ông lấy làm tiếc việc Tây hóa ngôn ngữ Việt là do giới trẻ chưa biết cách tôn trọng tiếng Việt như là một nét văn hóa. Ông nhấn mạnh: "Theo tôi, muốn giữ cho tiếng Việt được thuần chất thì mỗi người Việt cần phải thương yêu tiếng mẹ đẻ của mình và đặc biệt là những người có trách nhiệm trong giới truyền thông đại chúng, người dẫn chương trình truyền thanh, truyền hình, những người viết báo, viết sách nên cẩn thận vì thính giả và độc giả dễ bị ảnh hưởng. Tất nhiên, gia đình và nhà trường phải có bổn phận giúp các em sử dụng tiếng Việt một cách đúng nơi, đúng chỗ và đúng lúc.

      Bài này mới đáng để coi nà anh.

      Xóa
    19. Nặc danh16/1/15 08:36

      Thêm nữa, em hay nghe cụm từ "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" - nói thật sự là em không hiểu mấy ý nghĩa của từ "trong sáng" ở cụm từ này.
      Trích dẫn trên giáo sư Trần Văn Khê dùng cụm từ "giữ cho tiếng Việt được thuần chất" nghe có vẻ chuẩn và dễ hiểu hơn nhiều.

      Xóa
    20. Nặc danh16/1/15 08:49

      Chưa thấy có định nghĩa về sự trong sáng của một ngôn ngữ, nhưng có thể hiểu theo luận giải trong bài viết của ông Đào Đức Lâm trên website chùa Phúc Lâm như sau:
      - Không lai căng, tức không chen tiếng tây, tiếng Mỹ vào (chỗ này đọc thấy hơi kỳ kỳ, tiếng tây là tiếng nước nào ở phương tây, có phải tiếng Pháp, còn chen vào các thứ tiếng khác vẫn được?)
      - Không gây tối nghĩa
      - Không gây hiểu nhầm
      - Giản dị (không cầu kỳ, rắc rối)
      - Lịch sự, thanh tao.
      Nếu thế thì tiếng Việt đang hổ lốn thật.

      Xóa
    21. Nặc danh16/1/15 09:12

      Khi tìm hiểu một số vấn đề liên quan, có một điều khá hài hước như thế này:
      Phía trên là một bài viết kêu gọi bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt.
      Phía dưới là các lời bình ủng hộ của người đọc, phải nói là đầy nhiệt huyết và khí thế như thể ta đây yêu thương ngôn ngữ dân tộc lắm, được viết bằng thứ ngôn ngữ lai căng, tạp nham hết cỡ.
      Cười méo xệch!

      Xóa
    22. 2a[color="blue"]em cũng có thể cho giả thuyết nó là câu do một người Việt viết còn vụng, hoặc do một anh Tây học tiếng Việt viết vụng.[/color]

      Thật ra các câu ấy dịch hay do ai viết ko quan trọng. cái đang nói là cách diễn đạt ấy là cách diễn đạt đặc trưng của tây. Nó chỉ xuất hiện thời gian mấy chục năm gần đây, và ngày càng phổ biến.

      2b [color="blue"]Trong khi trong các nguyên nhân làm thành cái sự "hỏng" của tiếng Việt, đâu chỉ bởi lỗi dịch thuật?[/color]

      tiếng Việt hiện nay hỏng nhiều chổ, nhưng riêng chổ diễn đạt kiểu tây thế này thì do:
      i) mấy ông học trường Tây, sau đi tây du học về, viết câu bất thành cú.
      Mấy chục năm trước khá dễ gặp những người như này. Anh kể cho nghe
      - Anh có ông thầy dạy môn Nhân Chủng Học. Ổng bé học trường tây, lớn qua Sorbonne lấy tiến sĩ. Kiến thức ông dĩ nhiên khỏi nói. Nhưng sách của ổng viết thì đọc cực kì khó chịu do câu cú lủng củng. Anh đoán là ông suy nghĩ bằng tiếng Pháp, sau đó dịch ra tiếng Việt, kiểu mot à mot. (sách NCH ở nam hồi xưa theo anh biết chỉ có một cuốn. Ai tò mò có thể kiểm chứng dễ dàng)
      - Anh cũng có dịp học toán với một ông du học tây về. Các thuật ngữ toán tiếng Việt ông còn khá xa lạ. thật ra, lúc ấy ở nam lí thuyết Tập hợp mới được đưa vào dạy, thuật ngữ tương ứng tiếng Việt còn chưa thống nhất. Ví dụ tập hợp có ông gọi là , hội có tác giả gọi là hợp, .. đại khái thế. Với mấy ông học tây về càng khổ sở. Có lần ông thầy nhắc trên giảng bài: hai đường thẳng nó .. ông lúng túng rồi đưa hai tay bắt chéo nhau. Một đứa vọt miệng giao hợp, thầy. Ông thầy gật đầu tỏ dấu cám ơn, rồi tiếp tục bài giảng: hai đường thẳng giao hợp ..
      Đấy là chuyện cười, nhưng có thực đấy, ko bịa. Tóm tắt: là câu cú lủng củng có phần do các ông học tây, quên tiếng Việt. Tuy nhiên, số này ko nhiều.
      ii) do các dịch giả mot à mot
      iii) do những người bắt chước vô thức hoạc hữu thức
      - vô thức vì đọc nhiều rồi nhập tâm
      - hữu thức vì muốn làm dáng, viết như thế mới tây.
      nguồn lây nhiễm thứ iii) thật ra cũng là từ ii).
      Vì thế nên nói câu lai do công của các dịch giả theo anh là ko oan ức tí nào.

      Xóa
    23. [color="blue"]Chính vì sự áp đặt khiên cưỡng và máy móc rằng rồng phải là con vật hiền lành ở các đền chúa, là tứ linh... đã dẫn đến những giải thích khó chấp nhận. Thiếu gì con rồng phun lửa, phun nước, hung hãn trong các truyền thuyết phương đông?[/color]

      Em có thể nhắc giúp anh truyền thuyết nào của VN kể chuyện con rồng thì hung ác như dragon của tây ko ? Có thể mở rộng qua truyền thuyết của Tàu cũng được.
      Đọc lâu quá ko nhớ kỹ lắm, nhưng nhớ đai khái mấy ông Long vương trong tây du cũng khá hiền lành và yếu ớt trước Tôn Ngộ Không, bị con khỉ này ép đi làm mưa làm gió hỗ trợ đánh nhau với yêu quái.
      Nhưng nói chung, trong tâm thức người Việt, hình tượng con rồng vẫn là cái gì đấy cao quí, linh thiêng. Khác với hình tượng con dragon trong tâm thức người tây.
      Dịch ko đơn giản là mot à mot, mà quan trọng hơn, phải có những hiểu biết về cả hai nền văn hóa để chuyển tải đúng nội dung từ được dịch. Em có CN tiếng Pháp, chắc có học qua vài tín chỉ về Lí thuyết dịch hay phương pháp dịch gì đấy, hẳn biết cái này.

      (nghỉ trưa, chiều tiếp)

      Xóa
    24. Nặc danh16/1/15 12:23

      2a. "Thật ra các câu ấy dịch hay do ai viết ko quan trọng"
      Ta đang chứng minh các ông dịch giả làm hỏng tiếng Việt, thì phải lấy thí dụ từ những tài liệu dịch, và bắt buộc phải có nguyên tác để dẫn chứng.
      2b. Anh có chắc cái cuốn NCH duy nhất đọc khó chịu là do câu từ lủng củng, hay đó là một môn rất khó đọc, khó học hoặc thậm chí khó hiểu, chả thế mà cả Việt Nam chỉ có một?
      Chuyện "giao hợp" đâu phải lỗi ông thầy, các anh đã truyền bá điều không đúng cho ổng đấy chứ. Rồi ổng sẽ đem nhân rộng ra, nhiều người không biết như ổng cũng sẽ dùng, thế đâu phải do ổng.
      Dịch mot à mot là kiểu dịch của các học sinh sinh viên mới làm quen với ngoại ngữ hoặc các ông chả biết gì đến ngoại ngữ như tác giả bài trên, đã gọi là dịch giả thì chả ai cù lần như thế cả.
      "Người bắt chước hữu thức vì muốn làm dáng viết như thế mới tây": một phạm trù khác đấy ạ.

      Xóa
    25. Trước khi trà lời tiếp các còm cũ, trả lời nhanh cái còm mới cho nóng hổi nhé

      2a. [color="blue"]Ta đang chứng minh các ông dịch giả làm hỏng tiếng Việt, thì phải lấy thí dụ từ những tài liệu dịch, và bắt buộc phải có nguyên tác để dẫn chứng.[/color]
      Anh nhắc lại: những câu ấy dịch hay ko ko quan trọng.
      Nói thêm: thậm chí nếu những câu ấy ko dịch mà tự viết thì càng là bằng cớ chứng minh thêm luận điểm của tác giả: dịch sai làm hỏng tiếng Việt.
      Vì sao anh nói thế, anh đã trình bày ít nhất 2 lần, em nên đọc kỹ lại trước khi cãi tiếp nhé.

      2b [color="blue"]Anh có chắc cái cuốn NCH ...[/color]
      cái này cảm tính, cãi nhau vô ích. Anh nói chắc liệu em có tin ? Cuốn ấy miền nam có duy nhất một cuốn. Muốn biết thì chịu khó tìm đọc.
      Trong còm này em nói nhiều vấn đề quá, rất xa trọng tâm, nên anh chỉ nói thêm thật gọn:
      - hai chuyện anh kể chỉ nhằm chứng minh một điều là có những người rất giỏi nhưng do quen với cách suy nghĩ, diễn đạt của tây nên viết tiếng Việt bất thành cú như thế. Và đây là nguồn thứ nhất phát tán những câu tiếng Việt lai.
      - Dịch mot à mot chỉ sv ? Em lên google gõ từ khóa này nhé thảm họa dịch thuật
      - chuyện làm dáng bắt chước nếu muốn mở rộng qua chuyện khác thì nó qua phạm trù khác. Còn ở đây anh chỉ muốn nói: có những người làm dáng viết như Tây. Và đấy là một nguồn phát tán khác những câu tiếng Việt lai. Còn vì sao làm dáng, làm dáng tốt hay xấu, khi nào tốt khi nào xấu v v dĩ nhiên ko nằm trong nội dung còm của anh

      Xóa
    26. 4. [color="blue"]Về vấn đề "lai tây":
      Không lẽ trước đây không viết câu như thế nên giờ viết thế là bị lai tây? Có chắc là lai tây, hay lai Mễ, Hàn?[/color]

      Em hỏi thật hay giả thế ? cái áo vét, áo sơ mi ko gọi âu phục thì gọi là gì ? Hàn phục ? Mễ phục ?

      Hai câu hỏi tiếp theo mơ hồ, ko cãi vì sẽ dẫn đến những tranh cãi rất dài dòng. Em muốn cãi thì i) xong cái vụ dịch này và ii) nêu cụ thể bằng các ví dụ.

      5. [color="blue"]Bài viết này cách đây cả chục năm, thời mạng mẽo chưa chóng mặt. Nếu bây giờ viết lại chắc ổng không dám giật tít kiểu đó luôn.[/color]
      Người Việt vẫn sẽ gọi ao chemise - quần tây là âu phục, ít nhất cho đến khi thế giới chưa đi đến chổ đại đồng, Âu như Á.
      Cũng vậy, những câu lai thì mãi vẫn là câu lai, nếu tiếng Việt chưa bị mất. Có điều, với đà tăng trưởng báo dài mạng mẽo như nay, các câu lai ngày càng phổ biến, đến mức rất nhiều người ko thây chướng. Số thấy chướng thì cũng hết muốn nói. Thế thôi.
      Mấy chục năm trước anh có đọc một bai thơ của trang Thế Hy thì phải. Nguyên văn chả nhớ, chỉ nhớ nội dung dại khái là kể chuyện ông uống cafe bắp rang riết, đến khi người bạn cho uống cafe thiệt thì lại ko tin đấy là cafe

      6. [color="blue"]Còn về việc lấy hình ảnh công chúa hạt đậu và thuật sĩ yoga: theo em càng nói nhiều càng dẫn chứng càng làm cho người đọc thấy sự máy móc, khiên cưỡng, thậm chí em nghi ngờ rằng ông này có mối thù thâm sâu với dịch giả hoặc nhiều lần lên tiếng mà chả ai thèm nghe.
      Bộ nằm ngủ ngon trên bàn chông dễ làm lắm chắc?[/color]

      Thêm còm này làm anh thấy lo lắng về khả năng đọc hiểu của em đấy. Chú ý đọc cẩn thận rồi hãy cãi. Tác giả kể câu chuyện này chỉ đơn giản là muốn nói lên cái ý: các biên tập viên ngày nay thiếu nhạy cảm về lỗi tiếng Việt. Liên quan gì đến chuyện nằm bàn chông khó hay dễ ?

      Thôi, tối sẽ đọc trả lời mấy còm tiếp theo.

      Xóa
    27. Nặc danh16/1/15 20:48

      Cô bé hạt đậu không ngủ được vì hạt đậu dưới đệm.
      Nhà sư ngủ ngon được trên bàn chông.
      Dịch thuật cần những người như cô bé hạt đậu, biết trăn trở trước cái sai, chống cái sai.
      Nhưng để nằm được trên bàn chông, nhà sư đã phải khổ công tôi luyện bản thân mình để không bị chông đâm.
      Em hiểu như thế chứ hiểu thế nào?

      Xóa
    28. Nặc danh16/1/15 20:53

      Còn anh giải thích về lai tây, em không hiểu ý anh lắm. Âu phục sơ mi thì liên quan gì ở đây?
      Em chỉ muốn nói, mình đâu chỉ có dịch sách, phim, tài liệu... tiếng tây.
      Còn dịch của rất nhiều nước trên thế giới mà?
      Nên có chắc đấy là câu kiểu tây không? Hay cũng là câu kiểu các nước khác?

      Xóa
    29. Nặc danh16/1/15 21:01

      Em đã đọc thảm họa dịch thuật từ khi đọc xong bài này để bắt đầu tranh luận. Như em đã nói các lỗi ngớ ngẩn đó không làm hỏng tiếng Việt được, dịch cả ngàn cuốn mới bị một cuốn, nên cũng là bới lông tìm vết thôi.

      Xóa
    30. Nặc danh16/1/15 21:12

      Nhưng có lẽ phải dừng tranh luận ở đây.
      Anh vẫn cho rằng dịch thuật làm hỏng tiếng Việt.
      Em cho rằng, nguyên nhân làm hỏng tiếng Việt là "thái độ tùy tiện của người sử dụng chữ viết".
      Thế thôi.

      Xóa
    31. Em hạ đòn độc: Tự tóm tắt theo ý mình, dù sai bét, rồi Thôi ko cãi nữa
      Nhưng ok, tùy em. Anh cũng chả muốn cãi khi em chả chịu đọc hiểu, cứ cãi bừa theo ý mình

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)