3/9/16

Người Hà Nội




Lê Dung trình bày bài hát Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi

Nguyễn Đình Thi (1924 - 2003)
Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20/12/1924 tại Lào lúc bố ông, là một viên chức bưu điện, làm việc ở đấy; lên 6 mới trở về quê Hà Nội.

Năm 1943 ông tham gia hội Văn hóa Cứu quốc, sau đó tham gia Hội nghị Tân Trào (1945), rồi trở thành đại biểu Quốc hội, làm Ủy viên Thường Trực Quốc Hội khóa I (1946) khi chỉ mới 21 tuổi.

Nguyễn Đăng Mạnh trong Hồi ký kể có lần Xuân Diệu nói với ông, không biết nên gọi Nguyễn Đình Thi là nhà gì. Vì ông hoạt động trên nhiều lãnh vực, và ở đâu ông cũng để lại những dấu ấn cá nhân đặc sắc.

Về quản lí, ông liên tiếp giữ các chức Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc, rồi TTK Hội Nhà văn VN trong hơn 31 năm (1958 - 1989). Rời ghế TTK Hội nhà văn, ít lâu sau ông lại ngồi vào ghế Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật (từ 1995 cho đến khi mất - 18/4/2003).

Về sáng tác, ông có mặt ở đủ các thể loại - tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, kịch, phê bình, tiểu luận, bút kí .. và cả nhạc, đâu cũng có những thành tựu đáng kể.

Ở tuổi 17, 18 khi còn ở trường trung học, để hiểu bài học ông tìm sách đọc, và viết một loạt sách triết theo yêu cầu của nhiều bạn bè cùng lớp: Triết học nhập môn, Siêu hình học, Triết học Aristote, Descartes, Kant, Nietzsche, Darwin, Einstein… Cách làm của ông không khác gì Nguyễn Hiến Lê sau này: cái gì chưa hiểu rõ thì viết sách về cái ấy ..

Tiếp đó là những năm tháng hoạt động trong hội Văn hóa Cứu quốc, phụ trách viết và in tờ báo Độc Lập, Rồi những ngày tiền khởi nghĩa, ông cùng Văn Cao, Đỗ Nhuận bàn nhau mỗi người viết một bài hát gì đấy để cổ vũ phong trào. Và thế là Văn Cao có Tiến Quân Ca, Đỗ Nhuận có Du Kích Ca. Phần ông nhờ thủa bé được bố dạy cho chút ít đàn Nguyệt, rồi tự học chơi mandolin và học thêm nhạc lí từ cuốn sách dạy nhạc của trường tiểu học Pháp, với số vốn ít ỏi ấy, ông viết Diệt Phát Xit (1945)



Đến đầu 1947, khi ở một làng ven đô, nhìn về Hà Nội đang máu lửa ngập trời, ông bắt tay viết Bài hát của một người Hà Nội, sau đó được in ở Báo Cứu Quốc Tết 1947 để gởi tặng các chiến sĩ trung đoàn quyết tử chiến đấu ở nội thành. Một năm sau, tết 1948, ông viết tiếp đoạn kết, hoàn thành bài hát, lấy tên mới Người Hà Nội. vừa nghe Lê Dung ca ở trên.

Chỉ với hai bài hát, Nguyễn Đình Thi đạt được những thành tựu mà ngay nhiều nhạc sĩ chuyên nghiệp cũng phải ganh tị. Đến nay, Diệt Phát Xít được Đài TNVN lấy làm nhạc hiệu, còn Người Hà Nội thì thành nhạc hiệu của đài PTTH Hà Nội.

Rất nhiều người lấy làm tiếc sao Nguyễn Đình Thi có một khởi đầu với nhạc tốt đẹp thế lại không theo đuổi con đường nghệ thuật này. Trong một lần phỏng vấn ông kể: "Sau kháng chiến, tôi không có điều kiện để học nhạc. Viết văn là cái thuận tiện nhất. Tôi viết cũng được nên tập trung vào văn. Hơn nữa văn không như nhạc, mình tự học được. Với lại về sau làm thơ tôi thấy thích hơn nên cũng mãi mê thành ra bỏ nhạc cũng lâu.

Sau này tôi có viết một vài bài ngắn thôi nhưng được mọi người nhớ thì chỉ có bài Người Hà Nội, Diệt Phát Xít và bài Con Voi do nghệ sĩ Trần Hiếu thỉnh thoảng có hát".



Thế là vì không có điều kiện học thêm về nhạc, ông chuyển qua làm thơ. Trong lĩnh vực này ông cũng gây tiếng vang lớn. Ông là một trong vài người đầu tiên làm thơ tự do ở VN, với các bài như Đêm mít tinh, Khúc hát miền TâyKhông nói, ..

Không Nói

Dừng chân trong mưa bay
Ướt đầm mái tóc
Em em nhìn đi đâu
Môi em đôi mắt
Còn ốm đây
Nhìn em nữa
Phút giây

Chiều mờ gió hút
Em
Bóng nhỏ
Ðường lầy

(1948)


Những bài thơ tự do ra đời bị các nhà thơ mới ngày nào phản ứng quyết liệt. Xuân Diệu chê là đầu Ngô mình Sở. Lưu Trọng Lư thì đòi đuổi cổ ra khỏi lâu đài thơ. Ông trùm văn nghệ Tố Hữu hoạnh họe: Người nghệ sĩ phải tự hỏi: quần chúng xem bài này thế nào? quần chúng có xúc cảm không?” (xem: Lại Nguyên Ân). Cùng làm kiểu thơ tự do này bấy giờ có Trần Mai Ninh với Nhớ máu, Hữu Loan với Đèo Cả (1946) .. Trần Mai Ninh thì mất trong tù 1947. Hữu Loan thì có vẻ chả sợ, vì sau đó ông vẫn tiếp tục viết Những Thằng Nịnh Hót (1956)

Chúng nó ngụy trang
Bằng tổ chức
        bằng quan điểm nhân dân
                bằng lập trường chính sách
Chúng nó còn thằng nào
Là chế độ chúng ta chưa sạch
...

Nhưng Nguyễn Đình Thi thì ngán. Trong tập thơ Người Chiến Sĩ in năm 1956, bài thơ phải sửa lại cho có vần, có đoàn thể.

Không Nói

Dừng chân trong mưa bay
Liếp nhà ai ánh lửa

Yên lặng đứng trước nhau
Em em nhìn đi đâu
Em sao em không nói

Mưa rơi ướt mái đầu
Mỗi đứa một khăn gói

Ngày nào lần gặp sau
Ngập ngừng không dám hỏi
Chuyến này chắc lại lâu
Ðoàn thể gọi

Chiều mờ gió hút
Nào đồng chí bắt tay

Em
Bóng nhỏ
Ðường lầy


Hữu Loan sau 1957 bẻ bút về Thanh Hóa thồ đá, Nguyễn Đình Thi năm 1958 ngồi vào ghế TTK Hội nhà văn, làm thơ theo những chuẩn mực cũ, từ bỏ những ý đồ sáng tạo độc đáo vừa mới manh nha, trao vinh dự và trách nhiệm canh tân thơ Việt cho một nhà thơ đang sống ở miền Nam, Thanh Tâm Tuyền và nhóm Sáng Tạo của ông (1956)

Nhưng dù viết kiểu thơ nào, ông cũng có những tác phẩm đặc sắc. Bài thơ sau đây thuộc vào hạng những bài thơ tình hay nhất thời kháng chiến được cho là ông viết tặng người tình Madeleine Riffaud, một nữ phóng viên Pháp

Nhớ

Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh
Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây
Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh
Sưởi ấm lòng chiến sĩ dưới ngàn cây

Anh yêu em như anh yêu đất nước
Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần
Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước
Mỗi tối anh nằm mỗi miếng anh ăn

Ngôi sao trong đêm không bao giờ tắt
Chúng ta yêu nhau chiến đấu suốt đời
Ngọn lửa trong rừng bập bùng đỏ rực
Chúng ta yêu nhau kiêu hãnh làm người


Hoàng Vân phổ nhạc thành bài hát cùng tên. Nghe Quý Dương ca



Bài thơ Lá Đỏ của ông cũng được Hoàng Hiệp phổ nhạc, rất nổi tiếng



Lá Đỏ

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ

Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.

Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.

Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.

Em vẫy cười đôi mắt trong.

(Trường Sơn, 12/1974)


*
Trong các lĩnh vực khác như tiểu thuyết, truyện ngắn, bút kí, kịch .. ông cũng có những tác phẩm được chú ý: Xung Kích (1951), Mặt trận trên cao (1967), Vỡ bờ (tập I năm 1962, tập II năm 1970)... Đặc biệt với kịch, ông có những sáng tác gây nhiều tranh cãiCon Nai Đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, ..

Nghe Châu Loan ngâm một bài thơ đặc sắc của ông



Đất Nước

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may
Người ra đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha!
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nước chúng ta
Nước những người chưa bao giờ khuất
Ðêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về!
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Những đêm dài hành quân nung nấu
Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu.
Từ những năm đau thương chiến đấu
Ðã ngời lên nét mặt quê hương
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Ðã bật lên những tiếng căm hờn

Bát cơm chan đầy nước mắt
Bay còn giằng khỏi miệng ta
Thằng giặc Tây, thằng chúa đất
Ðứa đè cổ, đứa lột da...

Xiềng xích chúng bay không khoá được
Trời đầy chim và đất đầy hoa
Súng đạn chúng bay không bắn được
Lòng dân ta yêu nước thương nhà!

Khói nhà máy cuộn trong sương núi
Kèn gọi quân văng vẳng cánh đồng
Ôm đất nước những người áo vải
Ðã đứng lên thành những anh hùng.

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội
Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh
Trán cháy rực nghĩ trời đất mới
Lòng ta bát ngát ánh bình minh.

Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà.


Ai không thích nghe ngâm thơ, có thể nghe Nguyễn Đình Thi đọc thơ

-----------------
Nguồn các bài thơ: cop lại từ trang thivien.net


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)