18/3/19

Giải oan cho Nho giáo

Lời nói đầu
Thế Nhật •Thứ Tư, 15/03/2017

Thế kỷ 21 là kỷ nguyên của khoa học và công nghệ hiện đại, nhưng điều người Việt đang thiếu vắng không hẳn là những giá trị vật chất. Sau một thời kỳ chuyển biến đau thương từ cận đại sang hiện đại, chúng ta đã vô tình ruồng bỏ và đổ hết mọi tội lỗi cho Nho gia bằng những cụm từ đầy miệt thị như “phong kiến”, “lạc hậu”, “bảo thủ”, “trì trệ”. Và người Việt đang phải trả giá cho điều đó…

Nho giáo, một thứ gì đó thật lạ lùng giữa thế kỷ 21. Nho giáo đã là quá khứ. Vậy tại sao cần phải giải oan cho Nho giáo? Có phải là chúng tôi đang muốn phục hưng Nho giáo? Có phải là chúng tôi đang muốn làm một điều ấu trĩ? Không, nói về Nho giáo không phải là ấu trĩ, và viết ra những điều trong quá khứ thì không hẳn đã là phục hưng Nho giáo. Điều chúng tôi mong muốn là phục hưng những giá trị đạo đức truyền thống mà chúng ta đang thiếu vắng.

Chúng tôi sẽ đề cập tới những khía cạnh sau trong Chuyên đề này:


  • Tam cương có phải là những giáo điều “chết người”?
  • Nho giáo có gây ra sự bất bình đẳng giai cấp?
  • Nho giáo có phải là văn hóa truyền thống của người Việt?
  • Sự huy hoàng của nữ quyền thời Nho giáo thịnh trị.
  • Nho giáo có làm lạc hậu giáo dục?
  • Nho giáo và lối tư duy quay về quá khứ.
  • Nho giáo tại một số quốc gia trên thế giới.

Học giả Trần Trọng Kim đã từng đánh giá rằng: “Nước Việt Nam ta xưa kia tôn sùng Nho giáo, cho là chính đạo độc tôn. Luân lý, phong tục, chính trị, bất cứ việc gì cũng lấy Nho giáo làm cốt” – Sách Nho giáo, Nhà xuất bản Văn học, 2003.

(Nguồn: Everystockphoto)
Văn miếu Quốc Tử Giám đánh dấu sự ghi nhận của lịch sử đối với những giá trị giáo dục của Nho giáo, gắn với bậc hiền Nho Chu Văn An, một người thầy nổi tiếng sử Việt 

Mặc dù trong cuốn “Nho giáo”, Trần Trọng Kim có đưa ra những cái dở của đạo Nho, nhưng ông đã nhìn nhận rất khách quan về cái hay của Nho học. Đó là khởi điểm khiến chúng tôi phải thực sự nhìn nhận lại về những đạo lý chân chính mà Nho giáo kết tinh từ văn hóa truyền thống. Và chúng tôi mong rằng, độc giả cũng có một cái nhìn cởi mở hơn với loạt Chuyên đề này.

Nho giáo đã là quá khứ
Phải, Nho giáo đã là quá khứ, bởi vì có những giá trị của Nho giáo đã không còn có thể áp dụng trực tiếp vào thời hiện đại. Nhưng…

Người Việt vẫn luôn ao ước giảm bớt sự căng thẳng giữa người với người, mong muốn những mối quan hệ bình yên, không đố kỵ, ganh ghét, ghen tuông, ngờ vực, mà tràn ngập tình yêu thương, sự bao dung, lòng nhân ái. Đó chính là Nhân.

Người Việt cũng khinh ghét những kẻ chỉ chạy theo cái lợi trước mắt, mong muốn người làm quan đừng tham nhũng mà biết lo cho dân chúng, muốn người đồng nghiệp làm việc có thủy có chung, muốn con người trong xã hội biết làm điều đúng đắn. Đó chính là Nghĩa.


Chỉ mới những năm 50 của thế kỷ trước thôi, khi Nho giáo vẫn còn được xem trọng, thì trẻ em Việt vẫn rất lễ phép khi sang đường như thế này. Người ta tìm đâu ra hình ảnh đó thời nay? (Ảnh: Robert Capa)

Người Việt lại luôn yêu thích những người biết phép ứng xử lịch sự, có trên có dưới, biết cách ăn mặc, biết nói năng ôn hòa. Bậc phụ huynh nào mà chẳng mong muốn con mình như thế. Đó chính là Lễ.

Người Việt càng khát vọng rằng những người có trí tuệ sẽ dám lên tiếng vì cái sai, biết phân biệt được thiện ác, biết dũng cảm dẫn hướng lương tri của xã hội, để xứng là trí thức của nước nhà. Đó chính là Trí.

Người Việt cũng hướng về một cuộc sống nơi con người có thể tin tưởng lẫn nhau, nơi nhà nhà không phải đề phòng trộm cắp, nơi đồng nghiệp không phải coi nhau như kẻ thù, nơi quan chức không phải nói dối về những gì đã đạt được và hứa hẹn về những điều viển vông. Đó chính là Tín.

Nho giáo đã là quá khứ, nhưng người Việt vẫn thầm khát vọng những giá trị đạo đức của Nho giáo, vì bao hàm trong đó là những giá trị phổ quát của toàn nhân loại.

Nho giáo là một phần của văn hóa truyền thống
Văn hóa là linh hồn của dân tộc. Đối với nhân loại thì nhân tố tinh thần này cũng quan trọng không kém các nhân tố vật chất như giống nòi và đất đai. Sự phát triển văn hóa định ra lịch sử nền văn minh của một đất nước. Sự phá hủy hoàn toàn văn hóa của một dân tộc dẫn tới sự tiêu vong của dân tộc đó. Những dân tộc cổ xưa sáng tạo ra các nền văn minh huy hoàng bị coi như đã biến mất khi nền văn hóa của họ biến mất, mặc dù người của các dân tộc đó có thể vẫn tồn tại.


Nho giáo đã từng đóng vai trò to lớn trong việc giữ ổn định trật tự xã hội của người Việt xưa. (Ảnh: Tonkin)

Không giống như pháp luật đặt ra các quy định cứng nhắc, văn hóa có tác dụng như một chế ước mềm mại. Pháp luật thi hành việc trừng phạt sau khi tội ác đã xảy ra, trong khi văn hóa ngăn ngừa không cho tội ác xảy ra bằng cách trau dồi đạo đức. Đạo đức của một xã hội thường được thể hiện trong nền văn hóa của nó.

Vậy mà đối với những giá trị văn hóa truyền thống của Nho giáo, người Việt lại đang dùng những cụm từ đầy miệt thị như “phong kiến”, “lạc hậu”, “bảo thủ”, “trì trệ” để ruồng bỏ. Hai chữ “ruồng bỏ” có vẻ như nặng nề, nhưng liệu chúng ta có nhìn nhận về Nho giáo đúng đắn?

Những chính trị gia cho rằng Nho giáo là “phong kiến”, rằng Nho giáo là sự “chuyên chế”. Nhưng họ lại quên rằng ngày nay dù không có Nho giáo nhưng Việt Nam vẫn có những ông “vua con” làm quan chức, dù không có Nho giáo nhưng thế giới cũng chẳng thiếu những kẻ độc tài.

Lại có những người cho rằng Nho giáo là bảo vệ quyền lợi cho giai cấp thống trị. Nhưng họ lại quên rằng, xã hội vốn luôn tồn tại vấn đề giai cấp. Mấy chục năm về trước chẳng phải chúng ta vẫn hô hào giải phóng công nhân và nông dân, khiến họ trở thành giai cấp “tiên phong” đó sao? Vậy mà ngày nay, ai vẫn là những người khổ nhất trong xã hội?

Có người còn cho rằng Nho giáo khiến mối quan hệ gia đình trở nên gia trưởng và độc đoán. Nhưng họ lại quên rằng những tấm gương hiếu thảo cảm động lòng người lại chính là trong tư tưởng Nho giáo mà phát triển. Ngày nay có được mấy người con dám nằm trên băng để dụ cá cho mẹ kế?

Một số phụ nữ thì cho rằng Nho giáo là thứ đã hủy hoại cuộc đời của người phụ nữ. Nhưng họ lại không biết rằng, vào thời Nho giáo thịnh trị nhất, không thiếu hoàng hậu và thái hậu đã được quần thần mời nhiếp chính trợ giúp vương triều và được suy tôn như những “Nữ trung Nghiêu Thuấn”.

Cũng có kẻ tự coi mình là “yêu nước” với tư tưởng bài Trung, nhất mực phản đối Nho giáo. Bài Nho giáo thì lấy gì để thấu hiểu tấm lòng Trung – Nghĩa của những anh hùng trong lịch sử, như Trần Quốc Toản mới mười lăm tuổi lấy việc không được đầu quân làm xấu hổ; như Trần Bình Trọng thà bị hành hình chứ nhất định không chịu làm Bắc Vương; như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vì nợ nước quên thù nhà, đến khi đất nước thái bình danh tiếng vang dội vẫn không hề có ý tạo phản.

Nho giáo đã trở thành một phần trong văn hóa truyền thống của dân tộc có ảnh hưởng sâu sắc nhất tới xã hội Việt Nam thời xưa. Để hiểu được bản chất của những đạo lý mà Nho giáo đề cập đến, chúng ta cần thật khách quan và lý trí hơn trong cách nhìn nhận. Hơn nữa, chúng ta còn phải đặt mình vào hoàn cảnh thời bấy giờ, bởi vì chúng ta sẽ không cách nào hiểu được người xưa nếu như đặt đạo lý truyền thống vào trong cách tư duy của thời hiện đại.

Sự phá hoại Nho giáo một cách có hệ thống

Muốn giải oan được cho Nho giáo, thì chúng ta không thể không đề cập đến sự phá hoại Nho giáo trong lịch sử. Tại sao ngày nay người Việt nhìn nhận Nho giáo tiêu cực như thế? Thật ra, người Việt đã không tự biết mà tiếp nhận một làn sóng ảnh hưởng từ cuộc Đại cách mạng văn hóa tại Trung Quốc những năm 60 và 70 của thế kỷ trước.

Thời bấy giờ, với khẩu hiệu “Phá tứ cựu”, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đổ cho văn hóa truyền thống mọi loại tội lỗi, khiến Nho – Phật – Đạo đều chịu thiệt hại nặng nề. Ác ý này tuyệt đối không phải là xuất phát từ nhiệt huyết công nghiệp hóa của ĐCSTQ, cũng không phải là từ sự ngu dốt đơn thuần trong việc tôn thờ nền văn minh phương Tây. Mà nó xuất phát từ sự đối nghịch cố hữu về ý thức hệ của ĐCSTQ đối với văn hóa truyền thống của dân tộc. Vì vậy, việc phá hoại văn hóa Trung Hoa của ĐCSTQ đã được tổ chức vô cùng kỹ lưỡng, có hệ thống, và được hỗ trợ bởi việc sử dụng bạo lực trên toàn quốc gia.


Đại cách mạng văn hóa, theo một cách vô tiền khoáng hậu, đã hủy hoại và bôi nhọ văn hóa truyền thống Trung Hoa. Bản thân nó cũng lan sang Việt Nam, gây ra những hậu quả tai hại.

Cách thức phá hoại có ba hình thức chính sẽ được bàn tới chi tiết trong loạt bài này, bao gồm:


  • Đoạn chương thủ nghĩa: Lấy ra một câu trích dẫn trong kinh sách, nhưng vứt bỏ đi toàn bộ ngữ cảnh mà nó đang biểu đạt.
  • Râu ông nọ cắm cằm bà kia: Lấy lời của người nọ gán cho miệng của người kia, từ đó làm đảo lộn giá trị và chụp mũ Thánh nhân.
  • Phóng đại phía phụ diện của đạo lý: Mỗi đạo lý đều có hai mặt của nó, việc nhìn nhận đạo lý một cách phiến diện sẽ khiến đạo lý đó bị chụp mũ thành “phong kiến”, “lạc hậu” một cách dễ dàng.

Thậm chí còn hèn hạ hơn cả việc phá hoại văn hóa truyền thống là việc lạm dụng và lén lút thay đổi có chủ ý đối với văn hóa truyền thống. ĐCSTQ đã cố ý làm nổi bật những phần đồi bại trong lịch sử của Trung Quốc, những thứ đã xảy ra khi con người xa rời các giá trị truyền thống, như tranh giành quyền lực trong nội bộ gia đình hoàng tộc, việc sử dụng các thủ đoạn và âm mưu, và việc thực hiện chế độ độc tài và chuyên quyền. Việc sử dụng các ví dụ lịch sử một cách phiến diện này đã tạo nên một bộ chuẩn mực đạo đức, các cách tư duy, và hệ thống lý luận “mới”, tạo ra một ấn tượng sai lầm để kích động người ta từ bỏ hơn nữa đối với văn hóa truyền thống đích thực.

Người ta kéo đổ tượng thờ những Thánh nhân của Nho giáo hay Phật và Bồ tát của Phật giáo trong Đại cách mạng văn hóa.

Và thật không may thay, những tuyên truyền phỉ báng Nho gia của ĐCSTQ lại du nhập sang Việt Nam, và khiến người Việt không còn đủ tỉnh táo để hiểu và gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Nếu như ở Trung Quốc người ta đào mộ gia quyến Khổng Tử, kết tội Khổng Tử là “kẻ mị dân láu cá và lừa bịp”, thì ở Việt Nam người ta phỉ báng Nho giáo. Nếu như ở Trung Quốc người ta đập phá tượng Phật, đốt đền chùa, thì ở Việt Nam, một số ngôi chùa cũng bị xâm phạm. Những hành động cực đoan đó tạo ra một thứ lửa ngầm âm ỉ, lan rộng và ăn mòn niềm tin vào văn hóa truyền thống của người Việt.

Và như chưa đủ, ĐCSTQ còn tận dụng triệt để cái vỏ Nho giáo, và sự yêu thích Nho giáo của người nước ngoài để tạo ra một thứ quyền lực mềm vì mục đích chính trị. Từ đó, các Học viện mượn danh Khổng Tử càng khiến Nho giáo bị người dân các nước, đặc biệt là Việt Nam ghét bỏ. Liệu người Việt có thể sáng suốt phân biệt tinh hoa của Nho giáo trong văn hóa truyền thống của dân tộc và những phá hoại tinh vi của ĐCSTQ?

Trong hoàn cảnh đó, loạt bài Giải oan cho Nho giáo mong muốn góp một con sóng nhỏ vào mơ ước phục hưng những giá trị truyền thống chân chính của người Việt.

Không phải là phục hưng Nho giáo,
mà là góp phần phục hưng truyền thống.

Thế Nhật
nguồn: https://trithucvn.net/van-hoa/giai-oan-cho-nho-gia-loi-noi-dau.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)