5/5/14

Sonate Ánh trăng - Beethoven


Có thể có nhiều người ko thích nghe nhạc cổ điển Tây phương, nhưng vẫn biết đến tên tuổi Beethoven do nghe ai nhắc đến hay đọc được đâu đó. Có thể đó là giai thoại về một người nhạc sĩ bị điếc nhưng lại là nhà soạn nhạc vĩ đại. Giai thoại về người nhạc sĩ nghèo, viết tặng Tướng Napoleon bản giao hưởng Anh hùng nhưng sau đó giận dữ xé lời đề tặng khi Napoleon xưng đế. Hay câu chuyện về những bản nhạc được phi thuyền Voyager mang theo trong chuyến đi vào không gian mit mù, trong đó tên Beethoven được nhắc 2 lần cho 2 bản nhạc được chọn. Câu chuyện về tác giả bản Ode an die Freude được hai nước Đức chọn làm quốc thiều chung cho đội tuyển hợp nhất trong các kỳ thế vận từ 1956 - 1968 thời chiến tranh lạnh. Cũng chính bản nhạc này, bỏ đi phần lời là thơ của Shiller, các nước EU chọn làm nhạc thiều chung của tổ chức này, và thường được biết nhiều dưới tên Ode to Joy khúc hoan ca.




Đây chính là một phần của chương 4 Ode an die Freude của bản giao hưởng số 9 vừa nhắc.

Nếu dùng hệ điều hành MS Windows thì có thể thấy tên ông xuất hiện trong đoạn nhạc được dùng làm sample music của phần mềm nghe nhạc Windows Media Player - Beethoven's Symphony No. 9 (Scherzo). Sample music chỉ trích lấy 1 phút. Ai muốn nghe trọn chương 2 thì click: Beethoven's Symphony No. 9 Scherzo.

Ludwig van Beethoven
(1770 - 1827)
Ludwig van Beethoven sinh ngày 16/12/1770 tại Bonn (Đức) trong một gia đình nghèo, ông nội và cha đều là nhạc sĩ. Ông được cha dạy nhạc rất sớm. Bảy tuổi đã bắt đầu trình diễn trước công chúng, 13 tuổi đã có sáng tác đầu tay. 17 tuổi, rời quê hương Bonn tới Vienne xin học Mozart, nhưng rồi chỉ được mấy tuần thì phải trở về nhà vì mẹ đau nặng. Mẹ mất, cha nghiện rượu nên ông phải chơi nhạc, dạy đàn kiếm tiền nuôi các em. 5 năm sau, 1792, ông mới có thể trở lại Vienne, nhưng Mozart đã mất, ông theo học Joseph Haydn, bậc thầy số 1 bấy giờ. Có tài năng bẩm sinh, được danh sư chỉ điểm, tài năng ông phát triển vượt bâc, nổi tiếng như cồn.

Từ năm 1796, 26 tuổi, ông bắt đầu bị mất dần sức nghe. Tuy vậy Beethoven vẫn tiếp tục sáng tác, kể cả sau khi bị điếc hoàn toàn vào năm 1819.

Beethoven mất năm 1827, để lại gia tài gồm hơn một trăm tác phẩm gồm nhiều thể loại - opera, balett, giao hưởng, sonate, ... Các sáng tác của ông ảnh hưởng rất lớn đến các nhà soạn nhạc về sau, dọn đường cho thời kỳ lãng mạn với các tên tuổi lớn Wagner, Brahms, Schumann, Tchaikovsky, Liszt, Chopin ... Ông được xem là nhạc sĩ vĩ đại nhất, hoặc ít nhất là một trong ba nhạc sĩ vĩ đại nhất của mọi thời.

Dù nổi tiếng, nhưng cuộc sống Beethoven vẫn rất chật vật khó khăn. Đời sống tình cảm của Beethoven cũng lắm trắc trở. Ông yêu khá muộn, năm 30 tuổi mới có mối tình vắt vai, nhưng chẳng đi đến đâu. Sau đó ông cũng có thêm vài mối tình nữa, nhưng các cô chỉ yêu ông, còn cưới thì đều xin lỗi chàng, hẹn kiếp lai sinh; đến lúc lìa đời ông vẫn là chàng trai độc thân. Nghe nói ông từng mắc bệnh đầu mùa, mặt bị rỗ; tính khí lại khó chịu. Nếu thế thì ông là một Trương Chi của phương Tây, ứng với câu thơ Xuân Diệu Yêu rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu. Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết. Mỗi cuộc tình đều để lại dấu tích trong các sáng tác của ông. Kì lạ là, dù bị phụ tình, nhạc của ông ko hề có sự chua chát bi lụy, chỉ thấy sự đắm say nhưng vẫn trong trẻo, sôi sục dữ dội nhưng vẫn dịu dàng ... Với cô học trò Theresa, là bản Giao hưởng số 6 Đồng Quê, và (có thể là) bản Fur Elise. Với nàng Giulietta Guicciardi là bản Sonate 14 Ánh trăng.

Mời nghe pianist người Đức Wilhelm Kempff  (1895 - 1991).



Tên sonate Ánh Trăng được cho là xuất phát từ câu nhận xét của nhà phê bình âm nhạc Ludwig Rellstab rằng bản Sonata này làm ông gợi nhớ tới ánh trăng huyền ảo trên mặt hồ Lucerne (Thụy Sỹ).. Trong tuyển tập nhạc của Beethoven, bản sonate viết cho piano này được đánh số 14 Op.27, viết vào khoảng năm 1801, đề tặng cô học trò 17 tuổi Gräfin Giulietta Guicciardi. Bản nhạc gồm ba chương:

Chương 1 : Adagio sostenuto – Nhẹ nhàng , tình cảm
Chương 2 : Allegretto – Vui tươi
Chương 3 : Presto Agitato – Nồng nhiệt, mạnh mẽ như bão tố.

Chương đầu của tác phẩm được viết ở hình thức sonata rút gọn với giai điệu chậm rãi và tha thiết. Một giai điệu mà nhà soạn nhạc Pháp Hector Berlioz gọi là "lamentation" (lời than vãn) được chơi (chủ yếu bằng tay phải) tương phản với phần đệm ostinato nhịp ba. Chương nhạc có sắc thái chủ yếu là pianissimo (pp) hay "rất êm ả) và âm lớn nhất nó có là mezzo-forte (mf) hay "mạnh vừa". Chương nhạc đã gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều thính giả, chẳng hạn như Berlioz đã viết về nó như sau: "là một trong những bài thơ mà ngôn ngữ loài người không biết cách diễn tả". Tác phẩm rất phổ biến ở thời Beethoven tới mức làm nhà soạn nhạc bực tức. Chính tác giả đã viết : "Chắc chắn là tôi đã viết những tác phẩm tốt hơn thế." Chương adagio sostenuto khi được biểu diễn một cách chuẩn xác có thể có một hiệu quả sâu sắc đối với người biểu diễn như Berlioz đã giả thuyết là không thể mô tả được bằng ngôn ngữ một cách thỏa đáng.

Chương thứ hai của tác phẩm là phần minuet và trio tương đối truyền thống; một khoảng khá thanh bình được viết ở giọng Rê giáng trưởng, tương đương với giọng Đô thăng thứ - giọng chủ điệu của toàn tác phẩm. Tám nhịp đầu tiên mang những âm điệu thong thả, nhẹ nhàng dường như để chuẩn bị cho điệu minuet khởi đầu ở giọng La giáng thứ, sang đoạn đoạn hai âm nhạc mới định hình theo giọng chủ điệu Rê giáng trưởng, nhịp 5-8.

Chương kết được viết ở hình thức sonata, mang tính chất sôi nổi và là chương quan trọng nhất trong toàn bộ tác phẩm. Nó phản ánh một thử nghiệm của Beethoven là đặt chương quan trọng nhất trong một bản sonata ở cuối cùng (điều này cũng được tiến hành trong sonata đi kèm trong tập tác phẩm Op. 27 No. 1 và về sau trong Piano Sonata No.28 giọng La trưởng Op. 101). Lối viết có nhiều hợp âm rải nhanh và các âm nhấn mạnh mẽ. Việc biểu diễn hiệu quả đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật tốt và cảm xúc mãnh liệt. Người ta biết rằng chính Beethoven khi chơi đã làm vỡ búa và đứt dây đàn và thật dễ dàng hình dung ra chuyện này khi ông chơi chương cuối.

Charles Rosen (nghệ sĩ piano và nhà lí luận âm nhạc người Mĩ) đã nhận xét về chương kết này như sau: "Nó là chương khó kiểm soát nhất trong việc diễn tả xúc cảm. Cho đến ngày nay, hai trăm năm đã trôi qua, sự mãnh liệt của nó vẫn gây kinh ngạc."

Hiệu quả âm nhạc mạnh mẽ sôi nổi trong chương ba được tạo nên chủ yếu bởi sắc thái thể hiện piano. Việc sử dụng các làn giai điệu mang âm hưởng mạnh dần (sforzando) và một số ít đoạn nhạc mang tính chất cực mạnh (fortissimo) đã tạo ra nhưng cảm giác nồng nhiệt sôi nổi thay vì sắc thái mạnh bao quát trong cả chương nhạc.

(nguồn: nhaccodien.com)

Pianist Ba Lan Arthur Rubinstein (1887 - 1982) chơi sonate Ánh trăng



Pianist người Ukraina hiện sống ở Mỹ Valentina Lisitsa (1973 - ).



Bạn Có Biết

Ai cũng biết là một chiếc CD (Compact Disc) thông thường có khả năng chứa được 74 phút nhạc nhưng chắc ít ai biết tại sao lại là 74 chứ không phải 60 hay là 84. Câu chuyện bắt đầu từ khi thiết kế đĩa CD, các kỹ sư tại hãng Phillips đã định để dung lượng của CD là 1 giờ (60 phút) nhạc dựa trên các album thông thường lúc đó (1 đĩa đôi LP chứa được gần 1h nhạc). Tuy vậy, Phó chủ tịch của hãng Sony, Norio Ohga, người chịu trách nhiệm chính về dự án này và cũng là người đã từng có thời gian nghiên cứu tại Berlin (Đức) cho rằng 1h là không đủ. Ông này đã lấy luôn bản giao hường số 9 của Beethoven, bản giao hưởng ưa thích nhất của mình ra làm ví dụ cho nhóm thiết kế. Bản giao hưởng số 9 của Beethoven được biểu diễn dưới sự chỉ huy của Herbert von Karajan dài 66 phút và không thể đưa vào vừa với dung lượng 1h nhạc. Các kỹ sư cũng cho rằng nếu chỉ để vừa vặn 66 phút thì có thể vẫn sẽ có trường hợp ngoại lệ, do vậy họ đồng ý để ra thêm vài phút để dự phòng. Do vậy để chắc chắn họ đã kiểm tra độ dài bản giao hưởng số 9 của Beethoven do các nhạc trưởng khác chỉ huy. Cuối cùng, phiên bản năm 1951 do Wilhem Furtwängler chỉ huy là phiên bản dài nhất (74 phút) đã được chọn để làm chuẩn cho dung lượng của CD. Thời gian 14 phút dài hơn so với dự định ban đầu (60 phút) chỉ làm cho đường kính của CD tăng thêm nửa cm so với độ lớn dự kiến. 


Nguồn: baomoi.com



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)