và nghe vài bài hát blolero do một số giọng ca nổi tiếng một thời trình bày
Bolero, dòng nhạc cho tất cả mọi người
Người ta thường hay nói “vận mệnh của một đất nước như thế nào thì âm nhạc của đất nước ấy sẽ như thế”. Có lẽ câu nói này sẽ đúng nếu nói về những ca khúc nhạc Việt Bolero nổi tiếng. Trải qua nhiều thập kỷ, các bản nhạc điệu Bolero vẫn còn được nhắc đến rất nhiều trong hoạt động âm nhạc của Việt Nam, thể hiện qua các cuộc thi trong nước mang tên “Thần tượng Bolero”, “Solo cùng Bolero”.
Để hiểu nhiều thêm về lịch sử cũng như những đặc điểm của thể loại này, mời quí vị cùng trò chuyện với nhạc sĩ lão thành Tuấn Khanh, nữ danh ca Thanh Thuý và nghe lại những tác phẩm Bolero nổi tiếng.
“Trời đêm dần tàn
Tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn
Cầm chắc đôi tay ghi vào đời tâm tư ngày nay
Gió khuya ôi lạnh sao
Ướt nhẹ đôi tà áo…” (Tàu đêm năm cũ)
Ca khúc Tàu đêm năm cũ mà quí vị vừa nghe là một trong hàng nghìn ca khúc nhạc Bolero quen thuộc của nền âm nhạc Việt Nam. Khó mà hình dung được vũ điệu trầm buồn, chầm chậm, gần như gắn liền với đời sống bình dị của người Việt Nam lại có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ. Ở Tây Ban Nha, Bolero được khai sinh vào cuối thế kỷ XVIII, và được xem như là một vũ điệu hàn lâm.
Bolero vào Việt Nam từ khi nào?
Không có nhiều tài liệu cho biết Bolero đã bắt đầu du nhập vào Việt Nam chính xác vào năm nào, nhưng lại nói rằng người đầu tiên mang Bolero vào miền Nam là nhạc sĩ Lam Phương, rồi Trúc Phương, hai nhạc sĩ nổi tiếng với những ca khúc Bolero trữ tình như Nửa đêm ngoài phố, Hai chuyến tàu đêm, Tàu đêm năm cũ…
Riêng cố nhạc sĩ Trúc Phương còn được gọi là ông hoàng của dòng nhạc Bolero.
Thế nhưng, nhạc sĩ lão thành Tuấn Khanh, người còn được biết đến là một ca sĩ với nghệ danh Trần Ngọc, tác giả của bản nhạc Mùa Xuân đầu tiên nổi tiếng được viết từ thập niên 60 ở Sài Gòn cho biết, những tài liệu ấy chưa chính xác lắm.
“Khi ở ngoài Bắc, trước năm 50, 51, 52, 53, 54 bắt đầu di cư vào miền Nam thì chưa có phong trào Bolero, hiếm lắm, tìm mãi mới có 1 bài. Vào đến miền Nam thì thấy bắt đầu từ những người ở Hải Phòng, những nhạc sĩ như Trịnh Hưng, Hoài An, Phó Quốc Thăng, Phó Quốc Lân, rồi Huyền Linh. Khi ở miền Bắc thì chưa nghe được tác phẩm Lam Phương. Ở Hà Nội thì chỉ nghe đài Sài Gòn, chưa thấy Bolero và chưa thấy tác giả Lam Phương. Khi vào đến trong Nam thì những bản nhạc của Trúc Phương nổi lên.”
Cũng chính vào thời điểm này, có hai ca khúc nổi tiếng khắp nơi, từ các phòng trà, vũ trường, các đại nhạc hội, cho đến những con hẻm nhỏ, và các vùng quê hẻo lánh, đó là Quán nửa khuya của nhạc sĩ Tuấn Khanh-Hoài Linh và Nửa đêm ngoài phố của nhạc sĩ Trúc Phương. Cả hai ca khúc đều thành công với một sứ giả mang tâm tình của hai người nhạc sĩ đến cho mọi người, đó là danh ca Thanh Thuý.
“Quán nửɑ ƙhuуɑ đèn mờ theo hơi ƙhói
Ƭrút tâm tư νào đêm νắng cɑnh dài
Quãng đời tôi tàu đêm νắng ƙhông người, νẫn lặng trôi …” (Quán nửa khuya)
“Khi tôi bắt đầu đi hát là năm 1959. Bolero có trước năm 1960. Những bài Bolero, rumber thời gian 1960 đã có rồi, nhưng không nhiều như bây giờ.”
Âm hưởng cải lương và thời cuộc
Vì sao Bolero lại buồn đến như vậy? Và có phải vì như thế mà Bolero lại dễ đi vào lòng người hay không?
Quay trở lại thập niên 50, 60, đó là những năm mà người dân miền Bắc Việt Nam phải trải qua cuộc di tản thứ nhất. Những người nhạc sĩ từ Hải Phòng, vượt qua con sông Bến Hải để tìm đến vùng đất mới. Như nhạc sĩ lão thành Tuấn Khanh nhớ lại, đó là những năm tháng khó khăn, cái nghèo nó ám ảnh cả trong giấc ngủ. Người nhạc sĩ miền Bắc, miền Nam chia nhau điếu thuốc. Rồi nỗi nhớ quê hương bên kia bờ Bến Hải làm cho các nhạc sĩ di cư càng mang nhiều tâm sự. Nhưng đó cũng là lúc mà sự sáng tạo của người nghệ sĩ ở đỉnh cao nhất. Rất nhiều ca khúc nổi tiếng ra đời thời gian ấy. Nhưng tất cả, hầu như là những bản nhạc với nhịp 4/4 chậm buồn, buồn đến nao lòng.
“Ai biết ai vì đời cùng ngược xuôi chung lối mòn
Ngày anh hai mươi tuổi, em đôi tám trăng tròn
Đêm lạnh còn chăn đơn gối lẻ
Chưa buồn khi canh vắng khép đôi mi…” (Bóng nhỏ đường chiều)
“Thời cuộc có nhưng nó ảnh hưởng từ cải lương ấy. Những bài hát cải lương người ta xuống những câu xề, đặc tính của loại nhạc cải lương nó mùi mẫn lắm. Hát như Chế Linh mà hát nhẫn cỏ cho em đấy, hát nghe mùi lắm, gần với giới bình dân. Những tuồng cải lương nào nó cũng có những tình tiết, mà mùi mẫn, mà cũng khóc được.”
Nếu nói đến cải lương thì ai cũng biết ngay nghệ thuật này có nguồn gốc từ miền Tây sông nước. Ông hoàng Bolero Trúc Phương, Lam Phương, Tô Thanh Tùng là những người được sinh ra ở Trà Vinh, Rạch Giá, Kiên Giang, Đồng Tháp.
Dễ nghe, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người, Bolero là những câu chuyện kể nhẹ nhàng, chân tình, không có mỹ từ trau chuốt. Nói theo cách của nhạc sĩ Tuấn Khanh, Bolero là loại nhạc bình dân, gần gũi. Những ca khúc Bolero là những câu chuyện buồn vui quen thuộc xảy ra trong đời sống. Mỗi một người dễ dàng chọn cho mình một, hai hoặc nhiều hơn nữa các ca khúc gắn liền với kỷ niệm mình đã đi qua.
Những người yêu âm nhạc, dù không học nhạc bài bản, nhưng chỉ cần biết vài nhạc lý cơ bản cũng có thể có một buổi văn nghệ khi “chén chú, chén anh”.
Những chàng nghệ sĩ hát rong thường chọn loại nhạc này để mưu sinh trên đường phố. Có lẽ cho đến mấy mươi năm sau, cũng khó ai quên được hình ảnh những người hát rong với cây guitar cũ kỹ, kiếm sống nơi các bến phà, bến xe ở Sài Gòn những năm 80 bằng những ca khúc Bolero buồn bã. Chẳng biết có phải họ đang kể lại câu chuyện của chính đời mình hay không, chỉ cần biết là cả người nghe và người hát đều tìm thấy cái tình của họ, cuộc sống của họ trong đấy.
“Có những đêm dài, anh ngồi nhìn hỏa châu rơi
Nghe vùng tâm tư cháy đỏ xoay ngang lưng trời
Những đóm mắt hỏa châu bừng lên trong màn tối
Như mắt em sáng ngời, theo anh đi ngàn lối
Những đêm không ngủ anh ngồi tâm sự cùng hỏa châu rơi…” (Những đóm mắt hoả châu)
Ca sĩ Ánh Tuyết từng nhận xét rằng Bolero dễ hát nhưng không phải ai hát cũng hay. Nhạc sĩ Tuấn Khanh đã thốt lên rằng không ai có thể thay thế những dòng nức nở của danh ca Thanh Thuý hay tiếng hát sầu muộn của Giao Linh khi thể hiện các ca khúc Bolero.
“Đúng là thế. Hát Bolero ai cũng hát được, chỉ có hát hay và dở thôi. Nhưng hát được hay, ngọt ngào, đi vào lòng người thì không phải ai cũng hát được như thế, phải có những người hợp. Ca sĩ cũng thế thôi, phải hát hợp những loại nhạc nào chứ không phải có giọng hay thì hát bài nào cũng hay. Cũng như giọng hát của Thái Thanh, mà hát bản nào uốn quá thì nghe cũng không được thích. Nhưng bài nào cũng uốn, hát như khóc như bài Kỷ vật cho em, Bà mẹ Giao Linh thì không ai hát bằng Thái Thanh cả. Cái loại Bolero thì phải thật sến, thứ thiệt đó, phải tuỳ người, chứ không phải người nào cũng hát được.”
Riêng nữ danh ca Thanh Thuý thì bà cho rằng, đối với người ca sĩ, quan trọng là họ có đặt được tâm hồn của mình vào bài hát để diễn đạt cái vui cái buồn mà tác giả ca khúc mong muốn hay không.
“Nếu mà nói kén thì cũng không đúng. Nói khó thì cũng không khó, dễ thì cũng không dễ. Là vì sao? Mình hát mình làm sao mình đặt tâm trạng mình vào bài hát đó, đó là cái khó. Nếu là một ca sĩ chuyên nghiệp thì điệu nào cũng hát được hết. Mình đưa mình vô bài hát, hát đúng với ý của tác giả mong muốn, đó là chuyện không phải dễ.”
“Ai cho tôi tình yêu
Của ngày thơ ngày mộng
Tôi xin dâng vòng tay mở rộng
Và đón người đi vào tim tôi
Bằng môi trên bờ môi…” (Ai cho tôi tình yêu)
Như thế, có thể hình dung Bolero như một cô gái nhẹ nhàng, nũng nịu, dễ khóc, chan hoà, gần gũi với mọi người. Nhưng không phải vì thế mà ai cũng có thể dễ dàng thấu hiểu nỗi niềm của cô gái ấy.
“Hồn lỡ sa vào đôi mắt em
Chiều nao xõa tóc ngồi bên rèm
Thầm ước nhưng nào đâu dám nói
Khép tâm tư lại thôi
Đường hoa vẫn chưa mở lối…” (Về đâu mái tóc người thương)
Nếu hát Bolero dễ mà khó thì sáng tác nhạc Bolero cũng phải tùy do trường phái của người nhạc sĩ. Đối với Văn Cao, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn-Từ Linh hay Trịnh Công Sơn thì không có tác phẩm nào được viết với thể loại Bolero.
Nhưng không phải ca khúc Bolero nào cũng bắt buộc phải sầu bi, dang dở. Nữ danh ca Thanh Thuý khẳng định rằng với bà, không có thể loại nhạc nào là nhạc sến, chỉ có vài ca khúc có lời sến, nhưng không nhiều. Không phải bản nhạc Bolero nào cũng mang mong ước nhà mình chung vách, anh khoét bức tường anh qua thăm em. Mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ Tuấn Khanh là một Bolero mà ông gọi là “có hậu” và “Bolero mà không phải Bolero”.
“Bao nhiêu thương nhớ gom nhặt đầy anh trở về thăm em
Bao lần ngồi thâu đêm nghe mùa Xuân vừa đến
Em ơi hoa thắm rơi ngập đường trời nắng xế vương vương
Lòng nhớ tới em luôn khi chiều tàn chim gọi đàn…” (Mùa xuân đầu tiên)
Chính vì vậy, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trong một lần trả lời phỏng vấn trong nước có nói rằng, với ông, Bolero là một thể loại nhạc trữ tình. Tuỳ vào người nghe mà dòng nhạc này được gọi là “nhạc vàng’ hay “nhạc sến”.
Và quan trọng hơn là, cho dù là thể loại nào cũng có một giá trị của riêng nó.
Nguồn RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/MusicForWeekend/viet-bolero-rhythm-for-different-walks-of-life-cl-03272016092647.html
photo: unknown
Một thời gian dài em không nghe được nhạc này của VN, của nước ngoài thì em thỉnh thoảng còn nghe. Giờ vẫn vậy :D Em vẫn biết nhiều bài hay, nhất lúc buồn, nghe Bolero VN nản lắm luôn.
Trả lờiXóanghe triền miên loại này vào thì mệt, nhưng cũng có một số bài hay, thỉnh thoảng nghe thì cũng thích.
XóaAnh thời đi học cũng cực ghét loại nhạc sến này, nhưng vẫn bị nghe, vì hồi ấy ở Nam loại nhạc này trên radio, akai, cassette .. đầy dẫy. Bây giờ nhiều lúc chợt nghe một giai điệu cũ lại gợi ra bao nhiêu là cái nhớ ..