Phạm Duy, người phổ nhạc thần tình cho thơ
Nhạc sĩ tài danh đã khéo léo đưa những giai điệu tinh tế nhập vào thơ, chắp cánh để thơ thăng hoa trong cõi bất tử.
Trong những tác phẩm của Phạm Duy - người du ca qua hai thế kỉ nhạc Việt, người nhạc sĩ tài hoa của nền tân nhạc Việt Nam - thật khó có thể phân định rạch ròi ranh giới giữa nhạc và thơ. Ông là người đã đưa hồn thơ quyện vào tiếng nhạc, khiến nhạc và thơ cứ vấn vít, giao hòa trong một vẻ đẹp quyến rũ, diệu kì.
Phạm Duy có lẽ là nhạc sĩ phổ thơ hay nhất trong âm nhạc Việt Nam. Trình độ phổ thơ của ông đã lên đến độ thần tình khi khéo léo đưa những giai điệu tinh tế nhập vào thơ, chắp cánh để thơ thăng hoa trong cõi bất tử.
Nhạc phổ thơ của Phạm Duy đa dạng về tiết tấu, phong phú trong cảm xúc, lúc trữ tình, thi vị khi phổ “Cô hái mơ” của Nguyễn Bính, “Tiếng sáo Thiên Thai” của Thế Lữ; lúc lặng buồn, hiu hắt khi phổ “Ngậm ngùi” của Huy Cận, “Còn chút gì để nhớ” của Vũ Hữu Định.
Bên cạnh đó, lúc lại bi hùng khi phổ thơ Quang Dũng; lúc sâu thẳm tâm linh khi phổ thơ Phạm Thiên Thư; lúc mộng mị, siêu thực khi phổ thơ Hàn Mặc Tử, Bích Khê… Vừa trong sáng, gợi cảm, vừa điêu luyện, hài hòa, hàng trăm bài hát phổ thơ của Phạm Duy đã, đang và sẽ làm say lòng biết bao thế hệ người nghe.
Giáo sư Trần Văn Khê trong chương trình “Thơ phổ nhạc” do hiệp hội UNESCO Hà Nội tổ chức đã dẫn ra hai ví dụ để nói về tài phổ thơ của Phạm Duy. Đó là câu ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa” được Phạm Duy phổ thành “Trèo lên/ lên/ trèo lên/ trèo lên/ lên/ trèo lên/ lên cây bưởi/ hái hoa” (Nụ tầm xuân) khiến người nghe cảm thấy như có một con người đang trèo lên thật sự.
Đặc biệt là câu thơ: “Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa” trong "Truyện Kiều" được nhạc sĩ linh hoạt thay đổi vị trí chữ, phổ thành “Khép nép bên hoa/ Khép nép bên hoa/ hai Kiều” tạo cảm giác như cánh tay chỉ về phía hai nàng Kiều đang thẹn thùng, e lệ bên hoa.
Đây là hai trong số rất nhiều trường hợp đạt đến chỗ tuyệt diệu trong nghệ thuật phổ thơ của Phạm Duy. Những bài thơ hay trong thi đàn Việt Nam qua tâm hồn Phạm Duy một lần nữa được sáng tạo để mãi mãi tỏa sáng như những viên ngọc lung linh, huyền ảo trong bầu trời nghệ thuật.
Nhạc sĩ Phạm Duy: Nhạc sĩ – thi sĩ chân chính, một trong những người không lồ của nền nghệ thuật Việt Nam thế kỉ XX.
Không chỉ thuần thục, điêu luyện khi đưa nhạc vào thơ, Phạm Duy còn tỏ ra rất tài tình khi quyện hồn thơ vào tiếng nhạc. Cùng với Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy được xem là một trong những nhạc sĩ đặt lời đẹp nhất trong âm nhạc Việt Nam hiện đại.
Thả hồn trong những ca khúc của ông, người nghe không khỏi xao xuyến, bâng khuâng trước bức tranh quê được vẽ ra từ nỗi hoài hương: “Quê hương ơi! Bóng đa ôm đàn em bé/ Nắng trưa im lìm trong lá/ Những con trâu lành trên đồi/ Nằm mộng gì? Chờ nghe tôi thổi khúc sáo chơi vơi” (Tình hoài hương).
Trước cảnh nương chiều yên ả, thanh bình, ông viết: “Chiều ơi/ Lúc chiều về rợp bóng nương khoai/ Trâu bò về giục mõ xa xôi/ ơi chiều/ Chiều ơi/ Áo chàm về quảy lúa trên vai/ In hình vào sương núi chơi vơi/ Ơi chiều” (Nương chiều).
Làm sao quên được những ca từ nhẹ nhàng, êm ái như xuyên thấm vào chỗ thẳm sâu nhất trong mỗi con tim người Việt, khơi dậy những tình cảm sáng trong dành cho quê hương xứ sở: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời/ À à ơi! Tiếng ru muôn đời/ Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui/ Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi”.
Có thể nói, ca từ Phạm Duy là thơ, những vần thơ rất đỗi tài hoa. Và nếu đứng riêng với nhạc, nó xứng đáng được xem là những bài thơ thực thụ.
Chất thơ trong ca từ Phạm Duy còn được thể hiện một cách đặc sắc khi ông đặt lời Việt cho những ca khúc ngoại quốc. Không chỉ là người có công đầu trong việc phổ biến những tinh hoa trong âm nhạc nhân loại như "Torna a Surriento”, “The Blue Danube”, “Gloomy Sunday”… đến với thính giả Việt, Phạm Duy còn là người đem đến cho những ca khúc ấy những ca từ tuyệt đẹp.
Đó là những dòng thơ lãng mạn trong ca khúc “Dòng sông xanh” (The Blue Danube): “Ánh dương lên xôn xao/ Hai ven bờ sông sâu/ Cười ròn tiếng người/ Đẹp lòng sớm mai/ Những cô em tươi môi ngồi giặt yếm yên vui/ Thả ý thắm theo người chở gió về xuôi”.
Là cảm giác ma quái, rùng rợn toát ra từ ca từ của ca khúc “Trở về mái nhà xưa” (Torna a Surriento): “Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan/ Về đây lắng trầm khúc nhạc truy hoan/ Về đây nhé! Cắm xong chiếc thuyền hồn/ Ôi thoáng nghe dây lòng tiếc đờn”. Phần lời giàu chất thơ ấy đã khiến những ca khúc kia vượt qua được ranh giới của sự khác biệt ngôn ngữ mà nói lời đồng điệu với bao con tim người Việt.
Non một thế kỉ đi lại trên mặt đất này, Phạm Duy tự nguyện làm chàng lãng tử hát rong của thời đại, dùng những nhạc phẩm của mình mà “Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”.
Với những “Khúc ca thơ” vấn vít giữa âm nhạc và thi ca ấy, ông xứng đáng được xem là một nhạc sĩ – thi sĩ chân chính, một trong những người không lồ của nền nghệ thuật Việt Nam thế kỉ hai mươi.
Hồ Tấn Nguyên Minh
Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/pham-duy-nguoi-pho-nhac-than-tinh-cho-tho-3026444.html
Ùi ùi em nghe cóc nhảy hết list nhạc này của anh hic hinhae1hu hu em ra cầu Bình Triệu nhảy đây. Chia tai đại ca nhé! :(( :(( :((
Trả lờiXóamấy giờ em ra đấy, nhớ nhắn tin cho anh biet nha.
XóaEm đổi ý òi, không nhảy cầu nữa đâu, nhảy theo bạn nài!
Xóahttp://youtu.be/t4H_Zoh7G5A
wow, tung váy theo JLo
Xóa