29/4/25

Từng có một nơi hoàn cảnh không thể làm hỏng con người.

Vương Trí Nhàn

Mặc dù chê trách tôi về mặt lập luận, nhưng sau bài tôi viết lần trước ngày 23/5/2019, không ít bạn đã đồng tình với tôi về việc con người Việt Nam hôm nay đang bị làm hỏng một cách toàn diện. Chúng ta chẳng bao giờ nên bi quan một cách tuyệt đối, song sự làm lại con người hiện nay thì quả thật là khó, lý do là vì như chúng ta đều biết, mặc dù chưa từng được tổng kết nhưng hoàn cảnh lúc ấy nhất là cuộc chiến tranh 1945 – 1975 thật quá đặc biệt nó khốc liệt vượt qua sức tưởng tượng và khả năng chịu đựng của con người.


Chỉ cần nói thêm là tôi đã nói điều này chủ yếu dựa trên kinh nghiệm quan sát những con người miền bắc từng được sống được giáo dục như tôi và trải qua chiến tranh theo kiểu chúng tôi, trong khi đó thì nếu nhìn cả thực tế nước Việt Nam sẽ thấy còn có những con người được giáo dục theo kiểu khác có những niềm tin khác bị những quy luật khác chi phối và nay nhiều người vẫn đứng vững trước mọi biến động để làm ăn sinh sống rất tử tế. Xét trên đại thể, trong tình thế ngổn ngang của cả nước hôm nay những người còn được cái căn bản của con người ấy mới chính là cái tương lai là niềm hi vọng của cả xã hội.

Có một sự việc xảy ra mấy ngày hôm nay, nó làm tôi thấy thêm cụ thể về cái kết luận trên.





Nhà thơ Tô Thùy Yên


Ngày 22/5 và mấy ngày sau trên mạng dày đặc những bài viết về cái chết của nhà thơ Tô Thùy Yên (1938 – 2019). Con người đã từng tham gia nhóm Sáng Tạo bên cạnh Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, con người từng có mặt trong các trại tù cải tạo tổng cộng 13 năm và đã từ biệt cõi đời trên đất Mỹ xa xôi, con người đó có dịp hiện ra trước cả những người còn biết rất ít về ông như bản thân tôi một chân dung với niềm tin sâu sắc, bộc lộ ở những nét tình cảm như ủ kín mà vẫn tuôn trào, trong những dòng thơ miên man, đôi khi khúc mắc nhưng thật ra là từng dòng đều chắt lọc, nói lên cái khắc khoải cuối cùng của cuộc đời ông, đó là bài thơ “Ta về” mà rất nhiều người thú nhận rằng đã đọc lên là không thể bỏ xuống được.

Trước tiên cái đáng ghi nhận nhất của bài thơ “Ta về” là nó cho ta thấy cái cao thượng của những con người bị rơi vào hoàn cảnh bên thua cuộc và sau đó là tù đày cực khổ mà vẫn giữ được lòng mình trầm tĩnh, nhìn ngẫm về cuộc đời trong đó có đủ cả sự trân trọng những gì tưởng như đơn sơ nhưng gần gũi nhất của ngày hôm qua, lẫn sự tha thiết sống tiếp cuộc sống hôm nay và muốn lây truyền đạt những điều tốt đẹp ấy cho các thế hệ sau. Ở đây con người trong cảnh khốn cùng tuyệt đối không thấy bộc lộ ra một chút nào gọi là oán thù căm giận trách móc. Thay vào đó là sự tin yêu trầm lắng mà lại dai dẳng đầy sức ám ảnh.

Cái sức mạnh tinh thần của con người ở đây tưởng như muốn ghìm xuống ẩn giấu mà vẫn ngời ngời, khiến cho cái hoàn cảnh tưởng rất bi đát lại vẫn hiện lên với đủ vẻ tươi tắn và đầy hy vọng.

Con người tưởng như đã đi hết mọi nỗi cực khổ và đau đớn của đời sống hóa ra vẫn còn lại với tâm thế bình tĩnh nghĩ lại về cuộc đời đã qua và muốn truyền lại những thể nghiệm sống của mình cho những người khác.

Trong những năm chiến tranh, nhiều người ở miền bắc chúng tôi thường tự nhủ rằng mình đã đi đến tận cùng của sự đau khổ và tự hào là những hoàn cảnh khó khăn không làm gì được mình trước sau mình vẫn nguyên vẹn. Hóa ra chúng tôi nhầm. Một cái gì đó rất tốt đẹp đã chết đi trong chúng tôi, bởi sang thời hậu chiến nhiều người tự cho là mình có quyền làm tất cả những điều không được phép làm và coi đó là sự đền đáp đúng hơn là sự vớt vát lại chút hạnh phúc trần thế mà chúng tôi đã bị tước mất. Cái sự bị làm hỏng mà tôi nói trong bài trước gần như được mọi người miền bắc coi là tự nhiên.

Đọc bài thơ của Tô Thùy Yên tôi nhớ lại nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc với con người ở miền nam sau ngày 30/4/1975, tôi nhớ lại những trang văn bài thơ mà tôi đã đọc, những công trình nghiên cứu khoa học xã hội được làm trước 1975 và tôi nhận ra rằng cũng trong sự bao vây của chiến tranh, nhưng con người nơi đó không bị hoàn cảnh làm cho tê cứng về mặt tâm hồn, liều lĩnh về cách sống, bất cẩn về mọi hậu quả gây ra cho mọi người. Tôi hiểu rằng ở xã hội đó, văn hóa vẫn còn, vẫn chi phối người ta trong mọi mặt đời sống. Cái sức mạnh tinh thần của Tô Thùy Yên hôm nay cũng như của bao nhiêu người khác là kết quả của một nền giáo dục nhân bản và giữ vững chuẩn mực. Người ta không những biết sống để thích nghi với hoàn cảnh mà còn biết giữ được cả những gì tốt đẹp nhất được bồi đắp từ nhiều thế hệ và chuẩn bị cho người ta ra tiếp xúc với thế giới.

Qua nhiều tài liệu về các trại tù cải tạo được thiết lập sau 75, tôi biết có một nguyên tắc chi phối các trại tù này là làm cho những người bị giam trong đó mất hết cảm giác và suy nghĩ của một con người bình thường, không còn đớn đau mà cũng không còn hy vọng, tóm lại là chỉ biết sống qua ngày như một thứ súc vật bị làm nhục. Trường hợp con người trong Tô Thùy Yên sau khi ra tù bộc lộ qua bài thơ "Ta về" chứng tỏ mọi ý đồ loại đó đã phá sản đây không phải trường hợp cá biệt ở một hai người mà phổ biến ở rất nhiều người. Sau khi bị tù đầy trở về họ vẫn giữ được lòng khao khát yêu đời và có đủ khả năng gia nhập vào cuộc sống hiện đại khi ra sống ở hải ngoại. Chính họ là niềm hy vọng của dân tộc chúng ta. Mà điều đó không phải là ngẫu nhiên vì nó đã được chuẩn bị từ trong cuộc sống hai mươi năm 1955-1975.
Nguồn: https://www.dutule.com/a9262/vuong-tri-nhan-tung-co-mot-noi-hoan-canh-khong-the-lam-hong-con-nguoi-

28/4/25

Con đường Hàn Quốc.

Tôi biết đến Hàn Quốc (hồi ấy gọi là Đại Hàn) hồi cuối 196x, qua những gói mì ăn liền và mực khô bày bán trong quán tạp hóa nhỏ của bà già. Thỉnh thoảng, tôi lại lấy một gói mực khô, vừa học vừa nhai cho đỡ buồn miệng. Mực đã được xé sợi sẵn, tẩm ướp vừa ăn, rất ngon.

Rồi tôi gặp tận mặt vài người Hàn khi đến chơi nhà một người bạn, có phòng cho thuê. Bạn giới thiệu đó là công nhân hãng thầu RMK. Sau đó là phong trào học Taekwondo nở rộ. Rồi chị của một người bạn lấy một anh kĩ sư Hàn Quốc. Đời sống của họ cũng giản dị thôi, nghe đâu phần lớn lương bổng đều phải gửi về quê nhà vì bên ấy còn rất khó khăn, dù là đất nước nổi tiếng với một món dược liệu quý: nhân sâm.

Bẵng đi một thời gian dài, không ai nhắc gì đến xứ củ sâm, cho đến tận cuối những năm 198x. Khi ấy, cái tên Hàn Quốc trở lại, nổi như cồn trên sóng truyền hình, qua những bộ phim ngôn tình éo le sướt mướt nhưng ngời ngời đạo lí. Trai gái yêu nhau cả năm chỉ dám nắm tay cười tình, không có nổi một nụ hôn, nhưng lại đầy rẫy con rơi con vãi. Rồi đồ điện tử Hàn Quốc tràn ngập thị trường, xe hơi Hàn Quốc xuất hiện trên đường phố ngày càng nhiều ...

196x, những công nhân Hàn Quốc lam lũ đến Việt Nam làm thuê. Hai mươi năm sau, những trai xinh gái đẹp của họ lại khiến biết bao người Việt mê mệt.

Nhân những ngày cuối tháng Tư, kỉ niệm ngày chấm dứt cuộc chiến mà Hàn Quốc cũng từng tham dự, và đã góp phần không nhỏ cho bước hóa rồng của họ, hãy cùng nhìn lại quãng đường mà họ đã đi qua. 

Bối cảnh chính trị và kinh tế

Đầu thập niên 1960, Hàn Quốc đứng trước muôn vàn khó khăn sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950–1953): đất nước tàn phá, nghèo đói, phụ thuộc nặng vào viện trợ Mĩ, lại bất ổn chính trị trầm trọng.

Sau sự sụp đổ của chính quyền Lí Thừa Vãn (1960), Đệ nhị Cộng hòa dưới thời Trương Miên không thể vực dậy nền kinh tế. Lạm phát tăng vọt, sản lượng công nghiệp èo uột, GDP bình quân đầu người chưa tới 100 USD.

Tháng 5/1961, Tướng Park Chung-hee lên nắm quyền sau một cuộc đảo chính quân sự, thiết lập chế độ tập trung, ưu tiên hiện đại hóa kinh tế và ổn định chính trị. Tuy nhiên, với nguồn lực thiếu thốn và hạ tầng yếu kém, Park nhận ra rằng việc gắn chặt với Mĩ — đồng minh trong cuộc Chiến tranh Lạnh — là con đường duy nhất.

Chiến tranh Việt Nam đang leo thang trở thành cơ hội quý giá để Hàn Quốc vừa củng cố liên minh với Mĩ, vừa tranh thủ tìm kiếm nguồn viện trợ và thị trường. Việc tham dự vào cuộc chiến không những mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, mở đường cho doanh nghiệp Hàn xuất ngoại, mà còn giúp tăng cường quan hệ Mĩ-Hàn, chuyển hướng sự bất mãn chính trị, hợp thức hóa chế độ quân phiệt.

Hoạt động quân sự tại Việt Nam

Hàn Quốc bắt đầu tham gia chiến tranh Việt Nam từ 1964, với 130 nhân viên y tế và 10 huấn luyện viên Taekwondo.

Sau lời kêu gọi từ TT Johnson, Hàn Quốc triển khai thêm quân. Trong suốt 8 năm (1964–1973), khoảng 320.000 quân nhân Hàn Quốc đã được gửi tới Việt Nam — chỉ sau Mỹ về số lượng. Nổi tiếng với Sư đoàn Mãnh Hỗ, Bạch Mã, lữ đoàn Thanh Long .. hoạt động ở miền Trung (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa ..

Ở thời kì đỉnh cao (1968–1969), Hàn Quốc duy trì hơn 50.000 quân tại Việt Nam. 

Về năng lực chiến đấu, quân đội Hàn Quốc được các quan sát viên quân sự đánh giá cao về kỷ luật và hiệu quả. Tuy nhiên, họ cũng bị cáo buộc gây ra nhiều vụ thảm sát dân thường. Các ước tính về số dân thường thiệt mạng do quân Hàn Quốc gây ra vẫn còn tranh cãi, dao động từ vài nghìn đến vài chục nghìn người.

Ngoài mặt trận quân sự, Hàn Quốc còn tham gia các hoạt động hậu cần, xây dựng, và cung cấp hàng hóa cho quân đội Mĩ và VNCH.

Lợi ích thu được

Không cần dẫn quá nhiều những con số chi tiết, chỉ riêng con số tăng trưởng GDP hằng năm trong suốt thời gian tham chiến là khoảng 10% đủ nói lên được lợi ích kinh tế mà sự tham chiến đã mang lại cho Hàn Quốc. 
Ngoài ra là lợi ích quân sự (hiện đại hóa khí tài quân sự, rèn luyện thực chiến .. ).
và cả lợi ích địa chính trị: Thắt chặt liên minh với Mĩ. Nâng cao vị thế quốc tế, dẫn đến các cột mốc như đăng cai Olympic Seoul 1988 và gia nhập Liên Hợp Quốc 1991.

*

Sự tham gia Chiến tranh Việt Nam là một quyết định chiến lược và thực dụng của Hàn Quốc. Dưới sự lãnh đạo của Park Chung-hee, Hàn Quốc tận dụng cuộc chiến để gia tăng viện trợ, nâng cấp quân đội, phát triển kinh tế, và củng cố vị thế quốc tế. Tham chiến tại Việt Nam đóng vai trò then chốt trong quá trình công nghiệp hóa ấn tượng, đưa Hàn Quốc trở thành một trong “Bốn con hổ châu Á” và tạo nên “Kì tích sông Hàn”.


26/4/25

DIỄN BINH, DIỄU BINH VÀ DUYỆT BINH

1. Diễn binh
Ở miền Nam trước 1975, người ta dùng từ diễn binh để chỉ hoạt động mà tiếng Anh gọi là military parade. Trong đó
+ Diễn 演: có nghĩa (i) trình bày trước công chúng, (ii) luyện tập.
+ Binh 兵: binh lính.
>> Diễn binh 演兵 do đó có thể hiểu là:
(i) phô diễn sức mạnh quân sự trước công chúng.
(ii) tập luyện quân sự.
Người Việt dùng theo nghĩa (i).
Người Tàu chỉ dùng 演兵 với nghĩa (ii): tập luyện quân sự, thường thấy trong từ 演兵場 (diễn binh trường) tức nơi tập luyện binh sĩ.


2. Diễu binh
Sau 1975, thuật ngữ "diễu binh" đã thay thế "diễn binh".
Diễu là tiếng Nôm. "Diễu" như trong "diễu võ dương oai" tức "diệu vũ dương uy". Vậy diễu bắt nguồn từ diệu 耀, nghĩa là "làm rạng rỡ" (như trong "quang tông diệu tổ"), hoặc "phô trương, khoe khoang" (như trong "diệu vũ dương uy").
Theo Quấc Âm Từ Vị:
+ Diễu: Trang sức, làm cho đẹp.
>> Diễu binh: Trần binh cho thiên hạ coi, cũng là cuộc tập binh.
Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê):
Diễu binh: Lực lượng vũ trang lần lượt diễu qua lễ đài hoặc trên đường phố, hàng ngũ chỉnh tề, động tác thống nhất, để biểu dương sức mạnh.


3. Duyệt binh
Diễu binh hay duyệt binh đều là từ người Việt tự tạo. Tiếng Hán không dùng (diễu binh/diệu binh) hoặc dùng với nghĩa khác (diễn binh)
Trong tiếng Hán hiện đại, để chỉ hoạt động tương đương military parade của tiếng Anh, người ta dùng thuật ngữ duyệt binh 閱兵.
+ Duyệt 閱: xem xét, kiểm duyệt.
>> Duyệt binh 閱兵: kiểm tra quân lực, duyệt xét binh sĩ, trang bị.
(Zdic: 閱兵,即檢閱車馬兵員裝備等。to review troops, military parade. Duyệt binh, tức kiểm duyệt xa mã binh viên trang bị đẳng: Duyệt binh, tức kiểm tra xe cộ, ngựa chiến, binh sĩ và trang bị các loại. Tiếng anh tương đương: to review troops, military parade.)

Khác với diễn binh và diễu binh nghiêng về trình diễn, duyệt binh nhấn mạnh yếu tố kiểm tra thực lực quân sự theo nghi thức trang trọng.
Trong tiếng Việt, cũng có khi dùng duyệt binh thay cho diễu binh.
Vi-Wiki:
"Duyệt binh hay Diễu binh là một đội hình binh lính được bố trí, sắp xếp di chuyển có tổ chức theo hàng lối nghiêm chỉnh với động tác đều nhau, thông qua đó kiểm tra tượng trưng kỷ luật đội hình, đội ngũ của lực lượng vũ trang."
Tuy nhiên, duyệt binh thường chỉ việc lãnh đạo cấp cao duyệt qua các lực lượng vũ trang, đánh giá sự chỉnh tề, trang bị và tổ chức quân đội.
Từ điển Hoàng Phê:
"Duyệt binh: kiểm tra một cách tượng trưng đội ngũ của lực lượng vũ trang tập hợp lại để biểu dương sức mạnh về quân sự trong buổi lễ long trọng."


4. Diễn hành, diễu hành và du hành
Diễn binh, diễu binh và duyệt binh đều là những hình thức phô diễn lực lượng quân sự, tương đương với tiếng Anh military parade.
Nếu chỉ hoạt động phô trương lực lượng nói chung — bao gồm cả quân sự lẫn dân sự — người Việt dùng từ diễu hành (trước 1975: diễn hành).
Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê):
"Diễu hành: Đoàn người đi thành hàng ngũ diễu qua trước lễ đài hoặc trên đường phố để biểu dương sức mạnh."
Trong tiếng Hán hiện đại, hoạt động này tương ứng với từ 游行 (du hành). 
Zdic: 游行 [parade; march; demonstration] 广大群众为了庆祝、纪念、示威等在街上结队而行. Quảng đại quần chúng vị liễu khánh chúc, kỷ niệm, thị uy đẳng, tại nhai thượng kết đội nhi hành: Đông đảo quần chúng tụ tập thành đội ngũ trên đường phố để ăn mừng, kỷ niệm, biểu tình, v.v.
(Ngoài ra du hành còn có nghĩa đi ra ngoài, đi chơi, đi dạo, đi rong v.v.)


*
Tóm lại:
Diễn binh / diễu binh / duyệt binh: liên quan trực tiếp đến quân đội.
Diễn hành / diễu hành: có thể bao gồm cả các đoàn thể dân sự.
Du hành (游行): từ Hán hiện đại, nghĩa rộng, thiên về đi theo đoàn có tổ chức, không nhất thiết mang tính quân sự.


24/4/25

BÍCH CHƯƠNG hay BÍCH TRƯƠNG?



1.
Tiếng Việt hiện có từ "bích chương", được hiểu là giấy quảng cáo dán trên tường, tương đương với affiche (tiếng Pháp) hay poster (tiếng Anh). Trên vi-wiki thấy có định nghĩa:
Bích chương là một ấn phẩm kích thước lớn vừa cung cấp thông tin, vừa có tính nghệ thuật được thiết kế qua các thủ pháp tạo hình mang tính thẩm mỹ cao nhằm mục đích truyền đạt đến người xem bằng thị giác thông tin chính về một sản phẩm, một sự kiện hay một vấn đề. Đề tài bích chương có thể là quảng cáo, thông báo, tuyên truyền hay cổ động.
2.
Từ "bích chương" không có trong từ điển Khai Trí Tiến Đức (1931), cũng như Từ điển Tiếng Việt Hoàng Phê (2021).
Để chỉ poster, chữ Hán dùng từ hải báo 海報 /hǎibào/.
+ 海 hải: biển, ở đây có nghĩa là rộng khắp.
+ 報 báo: báo chí, thông tin.
+ Hán điển: 海報. 张贴起来或用其它办法分发出去的广告 (Hải báo. Trương thiếp khởi lai hoặc dụng kì tha biện pháp phân phát xuất khứ đích quảng cáo = Hải báo là quảng cáo được dán lên hoặc phát hành bằng các phương thức khác).
3.
Vậy, bích chương không phải là một từ gốc Hán, mà là một từ do người Việt tự tạo, mượn từ hai yếu tố Hán Việt là bích và chương. Trong đó bích 壁 là tường. Còn chương là gì? chữ Hán viết thế nào? Hai khả năng
i) 章 chương: chỉ huy hiệu, con dấu, chương mục (như trong 徽章 huy chương, 文章 văn chương).
>> 壁章 có thể hiểu là "huy hiệu gắn tường" hoặc "bài văn viết trên tường".
ii) 張: căng ra, treo lên, phô ra cho mọi người thấy. Chữ này vốn đọc là "trương", nhưng cũng thường bị phát âm thành "chương". (Ví dụ. Từ điển tiếng Việt Hoàng Phê: trương 2. đg. cn. chương. Ở trạng thái căng phình lên vì hút nhiều nước. Cơm trương. Chết trương)
>> 壁張 bích trương/chương: vật được treo/dán trên tường. Từ này có vẻ gần nghĩa với từ poster hơn.
4.
Tóm lại. Bích chương là từ Hán Việt do người Việt tự tạo, nếu viết ra chữ hán thì có lẽ là 壁張, và vì thế, đúng ra nên đọc là "bích trương". Tuy nhiên như đã nhận xét, trương cũng thường bị phát âm thành chương.
Ngoài ra chú ý thêm, người Tàu không dùng bích chương để gọi áp phích, mà dùng từ hải báo 海報. Trong một số ít trường hợp, còn dùng 招貼 chiêu thiếp, hoặc 宣傳畫 tuyên truyền họa.

HÌnh trên mạng: Một ap phích thời 1979







23/4/25

Thiệu và Zelensky. : Hai Tổng thống, Một Nỗi Đơn Độc


19 giờ 30, ngày 21 tháng 4 năm 1975. Trên sóng truyền hình trực tiếp, Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu cay đắng tuyên bố từ chức. Trong bài diễn văn từ biệt, ông không giấu nổi phẫn uất khi cáo buộc nước Mỹ — đồng minh lớn nhất, tưởng chừng vững chắc nhất — đã “thất hứa, thiếu công bằng, thiếu chính nghĩa, vô nhân đạo”, và “trốn tránh trách nhiệm của một đại cường quốc.” 

Nửa thế kỷ sau, Volodymyr Zelensky trong một bối cảnh khác, nhưng vang lên cùng âm hưởng của một nỗi đơn độc tương tự. Chiến tranh Ukraina đã kéo dài hơn hai năm. Phương Tây vẫn giúp, nhưng sự giúp đỡ đó ngày càng chậm trễ, rối rắm, vướng víu vào chính trị nội bộ, ngân sách quốc hội, và một thứ mỏi mệt chiến lược không dễ gọi tên. Zelensky chưa thốt ra những lời cay nghiệt như Thiệu. Ông vẫn giữ được kiềm chế, nhưng ánh mắt đã dần hiện rõ ý thức rằng mình đang đứng một mình bên mép vực.

Cả Thiệu và Zelensky đều là những tổng thống lèo lái đất nước trong giờ phút hiểm nguy, khi sinh mệnh quốc gia gắn chặt vào ý chí của một cường quốc bên ngoài. Họ đều trải qua cảm giác đồng minh dần lùi bước, khi lòng kiên nhẫn bị xói mòn bởi lợi ích nội địa và những tính toán địa-chính trị lạnh lùng.

Tuy nhiên, hoàn cảnh của họ không hoàn toàn trùng khít. Thiệu nói những lời cay đắng trong một ván cờ gần như đã khép lại: viện trợ Mỹ cạn kiệt, quân đội tan rã, và Sài Gòn đang đếm ngược. Zelensky, ngược lại, vẫn còn dư địa để kháng cự: quân đội Ukraina chưa bị đánh gãy, viện trợ vẫn tiếp diễn – dù chậm – và thế giới, đặc biệt là châu Âu, vẫn dành cho ông nhiều cảm thông và ủng hộ. Nếu Thiệu là biểu tượng cuối cùng của một thể chế bị phong trào thiên tả phản chiến toàn cầu rầm rộ lên án như di sản của chủ nghĩa thực dân mới, thì Zelensky lại là biểu tượng của một khát vọng dân chủ đang trỗi dậy, được xem như tuyến đầu của tự do trước làn sóng chuyên chế mới.

Khoảng cách 50 năm, hai thời khắc lịch sử: một thời đã khép lại trong ngậm ngùi, một thời vẫn đang đánh cược với hi vọng. Zelensky chưa đi đến đoạn kết của câu chuyện như Thiệu. Tuy vậy, sự đơn độc – dẫu được che lấp bằng những tuyên bố cứng rắn và các chuyến công du rầm rộ – vẫn đang ngày càng rõ nét. 

Lịch sử có trí nhớ của riêng nó. Nó không bao giờ lặp lại nguyên vẹn, nhưng vẫn vang vọng như một bản nhạc cũ được phối lại. Và trong bản phối ấy, có một câu hỏi xưa mà chưa bao giờ cũ: Liệu một nước nhỏ, trong cuộc chiến sống còn, có thể đặt niềm tin vào một đại cường quốc – đến bao giờ?

21/4/25

Tầm tư bách kế bất như nhàn

 KHIỂN HỨNG

Hàn Dũ

遊城南十六首 - 遣興
斷送一生惟有酒,尋思百計不如閑。
莫憂世事兼身事,須著人間比夢間。
韓愈                 

Âm

Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu, Tầm tư bách kế bất như nhàn.
Mạc ưu thế sự kiêm thân sự, Tu trước nhân gian tỉ mộng gian.


Nghĩa.

Để gởi gắm một đời chỉ có rượu,
Trăm điều suy tính chẳng bằng nhàn.
Chớ lo chuyện đời, chuyện mình,
Nên xem cõi đời tựa như giấc mộng.

Hai câu đầu thể hiện tình yêu của nhà thơ với rượu, xem rượu là nguồn vui, là tri kỷ. Hai câu sau khuyên con người đừng lo lắng về mọi việc, cần buông xả, xem chuyện nhân thế như giấc mộng.
Bài thơ mang giọng điệu khá chán chường, bày tỏ nỗi cô đơn sâu lắng của một người đã từng yêu lắm cuộc đời, mạnh mẽ dấn thân để cố làm nó tốt đẹp hơn.

Tạm dịch.

Sống ở trên đời duy có rượu,

Tính toan trăm kế chẳng như nhàn.

Chuyện nhà chuyện thế đừng lo nữa,

Xem cõi đời như giấc mộng hoang.

Chú:

-          遊城南十六首: 16 bài thơ viết khi đi chơi phía nam thành. Đây là nhưng bài thơ ông viết khi về già, trở lại Tuyên Thành, nơi ông sống thời niên thiếu. Khiển hứng 遣興 là một trong 16 bài ấy. 遣興 khiển hứng: hứng lên làm giải khuây.

-          斷送 đoạn tống: ở đây mang nghĩa tiêu pha, gửi gắm, phó mặc, khác với nghĩa “hủy hoại” trong tiếng Hán hiện đại. 一生 nhất sinh: một đời, một kiếp.

-          尋思 tầm tư: suy xét.  tầm: tìm.  tư: suy nghĩ. 百計 bách kế: trăm điều tính toán.
 nhàn: nghĩa gốc là hàng rào. Ở đây dùng như  nhàn = thong dong vô sự, yên ổn.

-          莫憂 mạc ưu: chớ lo. 世事 thế sự: chuyện đời. 身事 thân sự: chuyện mình, chuyện bản thân.

-          須著 tu trước: nên đem, nên xem. “Tu” là nên; “trước”, trợ từ, thường được dùng để nhấn mạnh hoặc biểu thị hành động "đem", "lấy", hoặc "xem như". 人間 cõi đời.

Tác giả

韓愈 Hàn Dũ (768 - 824), là nhà thơ thời Trung Đường. Cha mẹ mất lúc mới 2 tuổi, ở với anh trai. Thông minh học giỏi, đỗ tiến sĩ, từng làm quan đến chức thị lang bộ Lại, nhưng cũng từng bị biếm trích do dám can ngăn vua. Một lần dâng sớ can ngăn Hiến Tông “đón xá lợi Phật vào cung” qua bài Luận Phật cốt biểu, khiến “long nhan nổi giận”, suýt bị kết án tử. Nhờ triều thần ra sức cầu xin, ông mới thoát chết, nhưng bị giáng chức làm Thứ sử một châu. Ít lâu sau, ông lại dâng sớ yêu cầu giảm thuế cho vùng bị thiên tai, bị gièm pha, lại bị giáng chức làm tri huyện một huyện hẻo lánh.

Ông nổi tiếng với chủ trương Văn dĩ tải đạo. Ở nước ta thời nhà Trần, Nguyễn Thuyên viết bài văn tế để đuổi cá sấu ở sông Hồng, trừ hại cho dân là học theo ông, được vua Trần Nhân Tông khen ngợi, cho đổi họ thành Hàn Thuyên.

Cao Bá Quát trích dẫn

Hai câu đầu của bài thơ này từng được Cao Bá Quát mượn dùng trong bài hát nói "Uống rượu tiêu sầu", tuy nhiên các bản tiếng Việt (Tuyển tập thơ ca trù, Văn học, 1987; trang web wikisource; thivien . net v.v.) đều chép "trầm tư bách kế" (沉思  thay vì 尋思 tầm tư). Không biết do người sau chép lại sai, hay do Cao Bá Quát cố ý sửa đổi. (沉思 như thâm tư 深思suy nghĩ sâu sắc).

Giản thể

断送一生惟有酒,
寻思百计不如闲。
莫忧世事兼身事,
须著人间比梦间。

 

19/4/25

Tham nhũng

Tham nhũng là từ ghép Hán Việt gồm hai yếu tố: tham (貪) và nhũng (冗), trong đó:

  • tham, chữ Hán viết 貪, là lòng ham muốn vật chất. (Thuyết văn giải tự: “貪, 欲物也” Tham, dục vật dã). Zdic giải thích chi tiết: Thích tiền tài, không từ thủ đoạn để chiếm đoạt.
    Đây là một chữ hình thanh, với 今 (kim, nghĩa là nay) biểu thị âm đọc và 貝 (bối, vốn là hình cái vỏ sò, xưa dùng làm tiền) biểu thị nghĩa.

  • nhũng, chữ Hán viết . có các nghĩa: rảnh rỗi, dư thừa, lộn xộn. Xưa, chữ này viết 宂, là hội ý của 宀 (mái nhà) và 儿 (người): Người ngồi ở nhà là do rảnh rỗi việc đồng áng. Hoặc do dư thừa, vô dụng. Dư thừa thì sinh lộn xộn, rối ren. Thuyết văn giải tự giảng: 冗, 㪔也. 从宀儿(人),人在屋下,無田事 Nhũng, tán dã. Tòng miên, nhân; nhân tại ố hạ, vô điền sự. Nhũng nhiễu 冗擾: rối ren, không được yên. Thường dùng chỉ hành vi gây khó khăn, phiền hà của người có chức quyền  trong khi thực hiện công vụ.

Như vậy, 貪冗 (tham nhũng) theo nghĩa đen là ham muốn tài vật, và dùng cách nhũng nhiễu để có được.

Tuy nhiên, từ ghép này không xuất hiện trong các từ điển Hán ngữ trực tuyến hoặc website Hán ngữ nào (tìm trên Baidu Baike và Zdic với từ khóa “貪冗” không có kết quả). Trong số các từ điển Hán Việt phổ biến, cũng chỉ có Từ điển Nguyễn Quốc Hùng ghi nhận, giải thích là “ham muốn tiền bạc và hạch sách đòi hỏi” (dẫn theo hvdic.thivien.net).

Các từ điển Hán ngữ chỉ thấy ghi nhận từ 貪污 (tham ô), mang nghĩa lợi dụng chức quyền phi pháp để có được tiền tài (Zdic: 利用职权非法取得钱财 lợi dụng chức quyền phi pháp thủ đắc tiền tài).

Nếu “tham ô” tương ứng với embezzlement – tức hành vi chiếm đoạt tài sản công bằng quyền lực, thì “tham nhũng” (corruption) bao hàm rộng hơn, gồm tham ô và nhũng nhiễu.

Từ tham nhũng được các từ điển tiếng Việt ghi nhận. 

Từ điển Khai Trí Tiến Đức: Tham nhũng 貪冗. Nói về quan lại, tham lam nhũng nhiễu. 

Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) định nghĩa: Tham nhũng là lợi dụng quyền hành để nhũng nhiễu dân và trục lợi.

Tham nhũng là một tội được quy định trong Luật Phòng, chống tham nhũng (2018). 

Khoản 1 Điều 3 luật này định nghĩa: Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.

Ví dụ về một số hành vi bị coi là tham nhũng:

  • Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản, bao che người phạm pháp.

  • Thực hiện không đúng chức trách hoặc không thực hiện chức trách vì tư lợi.

  • Nhận, đưa, hoặc môi giới hối lộ.

Từ tham nhũng là ví dụ minh họa cho lớp từ Hán Việt do chính người Việt sáng tạo từ các yếu tố vay mượn của chữ Hán.