7/2/15

Torna a Surriento


Trong một entry trước đã giới thiệu “Torna a Surriento” với hai lời Việt, một của Phạm Duy và một của tác giả khuyết danh phổ biến ở miền Bắc trước 1975. Hôm nay nghe Tâm Hảo trình bày lời Việt của Thanh Trang, và đọc bài viết của Thanh Trang về bản nhạc nổi tiếng này.



Bài hát nổi tiếng khắp thế giới và có từ trên 100 năm này, ta vẫn quen với cái tựa đề tiếng Anh là “Come back to Sorrento”. Giai điệu của nó rất gần gụi với lỗ tai của người Việt Nam, thành thử xưa kia khi nhạc sĩ Mạnh Phát sọan lời Việt dưới tựa đề “Trở về mái nhà xưa” thì thính giả VN đã thưởng thức bài hát một cách thoải mái, không coi như đồ ngọai quốc.  Thời ấy thì người viết mấy dòng này mới khoảng mười hai mười ba tuổi gì đấy, nhưng tôi yêu thích giai điệu nơi nguyên tác cùng lời hát chân chất, giản dị của NS Mạnh Phát đến nỗi mà hôm nay đây khi viết đến đây tôi còn nhớ nằm lòng: "Chiều nay lê chân bước về quê xưa. Tìm lại mái nhà êm đềm ấm cúng. Ta e gió mưa phai mái lạnh lùng, Chân bước đi nhưng lòng ngập ngừng ! Nhớ những chiều vui ngóng chờ trăng lên. Tiếng sáo diều lơ lửng trời xanh êm. Lòng du khách tuy xa mà không quên,  ngàn muôn tiếng tơ trong nắng tàn ! Nhớ cô nàng bơi chiếc thuyền nan xinh. Mắt nhung huyền mái tóc còn xanh xanh. Và say đắm trong đôi mắt dịu hiền. Như chứa chan bao nhiêu mối tình ! Quay gót về làng quê xưa. Ngày thơ ấu reo vui cười đùa.  Trạnh lòng thương nhớ,  mắt  trông phía trời xa. .!”

Trong ký ức của tôi còn có cả cái bìa của nhà xuất bản An Phú,  Bạch Đằng vẽ, bìa in “typo” màu xanh dương, đậm nhạt tùy theo nét vẽ, cảnh một lữ khách mặc bộ đồ Tây đang bước con trên đuờng quê, dưới con sông nhỏ là một cô thồn nữ đội nón lá đang chèo thuyền bên những khóm sen ! Bấy nhiêu đủ để cho người đọc thấy là tôi yêu thích bài hát ấy đến nhường nào, và kỷ niệm cùng những ấn tượng cũ chúng dai dẳng như thế nào trong tôi !

Chừng vài năm sau đó thì tôi mới bắt đầu nghe bản lời Việt của Phạm Duy!  Dưới ngòi bút của ngừơi nhạc sĩ này thì phần lời hẳn nhiên là hào hoa và bay bướm hơn !

Về đây khi mái tóc còn xanh xanh. Về đây với màu gió mùa lang thang.  Về đây với sắc hiu hắt lạnh lùng. Ôi lãng du quay về điêu tàn! …” v.v..

Lời hát xưa của NS Mạnh Phát đã lắm người quên tên tôi moi ký ức ra nhắc lại.  Lời Việt cho bài “Torna a Surriento” của Phạm Duy cận đại và phổ biến hơn nên chỉ cần nhắc qua loa như thế !

Bài “Torna a Surriento” ra đời cách đây 102 năm. Từ bấy đến nay nó đã chu du khắp hoàn cầu.  Số người hát nó, số ban nhạc hoà tấu nó thì khỏi cần phải nói; ta miễn đếm ! Thế hệ nay đã lục tuần hẳn còn nhớ dàn nhạc lẫy lừng của Mantovani vào thời thập niên từ cuối 50 cho đến đầu 70.  Ông Mantovani là người gốc Ý, sau định cư bên Anh Quốc và vào quốc tịch Anh.  Ông có một đĩa hát lọai “33 tours” ( trong số cả mấy chục đĩa hát lưu truyền khắp thế giớ) tựa là “Italia mia”,  “Đất Ý của tôi” ! Ông ấy sọan hoà âm cũng như điều khiển dàn nhạc cho cả nghìn bài hát, nhưng riêng đối với bài “Torna a Surriento” thì ông có lần nói:”Cứ mỗi lần nghe lại điệu nhạc này là tôi lại thấy lòng mình xao động”.  Ông ấy dùng chữ tiếng Anh “Troubling” để diễn tả nỗi cảm xúc của mình !

Ngày xưa khi nghe lời Việt của bài này thì tôi cứ xem cái tựa nơi nguyên tác tiềng Ý và giả định rằng ý tình trong lời hát tiếng Ý thì chắc cũng chả có khác gì với ý tình nơi hai bản lời Việt bên ta ! Nhưng đến khi tò mò tìm hiểu về lai lịch của nó thì tôi đã phát hiện ra những điều rất ư là thú vị ! Nó không có “lãng mạn” như tôi mường tượng ! Nó không có “chan chứa tình quê” như tôi hình dung. Nó không gợi nên cảnh tác giả xa quê hương bản quán của mình rồi một ngày đẹp giời trở về quê xưa,  hay đang xa quê và mong ngày trở về như tôi  hằng nghĩ !

Ngày tôi còn đi du học ở xứ này vào cuối thập niên 60, trong truờng Đại Học thấp thóang có bóng dáng vài sinh viên từ Âu Châu qua.  Có hai cậu người Pháp từ Paris, và –ôi may mắn- có một cô người Ý từ bên Ý qua ! Cô nàng học Y Khoa.  Một ngày đẹp giời tôi tìm cách làm quen. Chuyện cũng dễ thôi ! Quen nhau rồi thì cô ấy mới khám phá ra là tôi cũng biết đánh đàn, mà quan trọng hơn cả là cô ấy thấy tôi thuộc không dưới vái chục bản nhạc của Ý ! Cô ấy tò mò hỏi thì tôi nói là có gì đâu lạ: xứ tôi nằm vùng nhiệt đới,  có biển vây quanh suốt một dải trên 2000 km, còn nước Ý thì là một bán đảo, khí hậu ấm áp so với Bắc và Tây Âu cho nên âm nhạc của dân vùng biển thì “chắc đại lọai cũng thế !” Tôi giải thích một cách cực kỳ giản dị như vậy ! Cô ấy tò mò muốn nghe nhạc Việt Nam thì tôi lôi bản “Nha Trang” của Minh Kỳ hay “Bên bờ đại dương” của Hoàng Trọng ra đàn cho cô ấy nghe ! Cô nàng gục gặc đầu nói :”Ờ nhỉ, sao mà giống nhạc Ý như thế !” Chả biết cô ấy nói thật hay chỉ cốt cho tôi yên tâm ! Nhưng cái chính là tôi lôi ra một lô các bản nhạc của Ý mà tôi thích nhất rồi đề nghị cô ấy dịch nghĩa cho phần lời.  Cái gì, chứ còn ở Nashville, Tennesse, “Thủ Đô Âm Nhạc “Country Music” của miền Nam Hoa Kỳ” thì có đủ các hiệu sách hiệu đàn để cung cấp mọi thứ nhạc bản phương Tây trên đời này ! Đến cái ngày cô ấy dịch cho tôi xem –bằng tiếng Anh- phần lời của bài “Torna a Sorriento” thì tôi cứ cho là cô ấy đùa ! Khi nhin lại gương mặt đẹp đẽ, thùy mị và nghiêm trang với mái tóc đen và đôi mắt đen nhánh của cô ấy ( chả khác gì một thiếu nữ Việt Nam) thì tôi mới tin chắc là cô ấy không đùa !

Vào Thư Viện của trường Peabody ở bên cạnh truờng tôi học, nơi có chương trình về Âm Nhạc,  thì lục lọi một hồi cũng lại có thêm lai lịch của bài hát ấy, kèm theo bản dịch bằng tiếng Anh với nghĩa y chang như bản dịch của cô bạn người Ý tôi quen !

Lai lịch bài hát :

Vào năm 1902, Thủ Tướng Giuseppe Zenardelli của Ý đi viếng thăm, và nghỉ mát ở bờ biển Surriento ! Họ sắp xếp thế nào mà ông này lưu lại ở một khách sạn nơi có một người tên là Ernesto (Có nơi ghi là Giambattista) De Curtis đang trông coi việc trang trí nội thất ở cái khách sạn lớn nhất của thành phố đó ! Ngày nay có ai tò mò lên Internet xem ảnh của bờ biển Surriento thì tất nhiên là sẽ thấy cảnh nên thơ như chốn địa đàng.  Thế nhưng ngày ấy thì ở đấy nhà cửa tồi tàn, đuờng xá xuống cấp, cống rãnh tắc tị.  Nói chung là tình trạng rất tồi tệ ! Anh De Curtis nọ có tay nghề trang trí nội thất thì tất nhiên là có máu yêu nghệ thuật trong người. Bởi thế mà nếu như anh ta biết đàn hay viết bài hát thì cũng chả có gì lạ cho lắm ! Vậy thì lần đó anh ta theo chủ trương “Nghệ Thuật phục vụ dân sinh” ! Chả lẽ để cho ông Thủ Tướng đến nghỉ mát ít hôm rồi khăn gói ra đi mà tình trạng của Thành Phố vẫn tồi tàn như xưa ? Anh sọan ngay chớp nhóang một bài hát để gọi là “mua chuộc tình cảm” của ông Thủ Tướng,  tặng ông Thủ Tướng để ông còn “nói vào một tiếng” cho thuộc cấp biết đuờng mà để mắt đến việc tái thiết và chỉnh trang Surriento! Bài “Torna a Surriento” ra đời !

Surriento nằm trong vùng biển “Napoli” ( ta vẫn quen thấy trên bản đồ dưới địa danh là “Naples”).  Người viết ở đây xin chép lại nguyên tác phần lời nơi bài hát của Ý,  và kế đó là phần dịch thuật mà tôi cố gắng dịch sao cho “thóat” ra đuợc toàn bộ cái ý nơi lời lẽ của nguyên tác ! Người đọc sẽ thấy là nội dung nơi lời của bài hát không “biuồn” hay “xa vắng” như ta tưởng. Có tí hóm hỉnh nữa là đàng khác ! Còn như nét tha thiết,  luôn luôn gợi cảm nơi nét nhạc thì lại là chuyện khác.  Cũng có thể nói : Phần nhạc là của riêng tác giả bài hát, còn phần lời là để dành riêng cho bậc “phụ mẫu chi dân ” để ông ta còn đóai hoài đến bầy con đỏ ! Công tư đôi bề vẹn toàn và xòng phẳng ! Nhưng đàng nào thì cũng để người đọc tự thẩm định lấy :

TORNA A SURRIENTO

Vide 'o mare quant'è bello.
Spira tantu sentimento,
Comme tu a chi tiene mente,
Ca scetato 'o faie sunnà.
Guarda, guá, chisto ciardino.
Siente, sié sti sciure arance,
Nu profumo accussì fino
Dinto 'o core se ne va.

E tu dice: "Í parto, ađio!"
T'alluntane a stu core,
Da sta terra de l'ammore
Tiene 'o core 'e nun turnà?
Ma nun me lassà,
Nun darme stu turmiento!
Torna a Surriento,
Famme campà!

Vide 'o mare de Surriento,
Che tesoro tene 'nfunno,
Chie ha girato tutto 'o mummo
Nun l'ha visto comm'a ccà.
Guarda attuorno sti Sserene,
Ca te vonno tantu bene
Te vulessero vasà.

E tu dice: "Í parto, ađio!"
T'alluntane a stu core,
Da sta terra de l'ammore
Tiene 'o core 'e nun turnà?
Ma nun me lassà,
Nun darme stu turmiento!
Torna a Surriento,
Famme campà!

Tác giả : De Curtis


1

Xin hãy nhìn ra biển kìa ! Đẹp biết là bao !
Sao mà nó gợi trong ta những cảm xúc mạnh mẽ đến thế !
Mà cũng chả khác gì nguồn xúc cảm anh gieo vào lòng  biển khơi
bởi nó cũng nghĩ về anh !
Anh khiến cho nó mộng mơ ngay khi nó còn thức giấc ! (1)

Nhìn kìa, hãy nhìn những thửa vườn kia !
Hãy ngửi mùi hoa từ những cây cam đó !
mùi hương thanh khiết đến độ
nó đi thẳng vào lòng anh !

Ấy thế mà anh nói :”Tôi ra đi đây, xin giã từ !”
Anh lìa xa tấm lòng này !
Anh lìa xa mảnh đất của thương yêu này !
Anh có chắc là không cảm thấy rồi  có ngàysẽ quay trở lại nơi đây hay sao anh ?
Nhưng mà này, đừng bỏ tôi nhé !
Đừng làm cho tôi đau buồn như thế nhé !
Hãy trở lại Surriento
Cho tôi có cái lẽ để mà sống !

(1) Chú thích của người dịch: Ý là khi biển xôn xao gợn sóng thì là nó “thức” còn khi nó lặng im thì là nó “ngủ” !

2.

Hãy nhìn ra biển Surriento kìa !
với ngần ấy của báu duới đáy sâu.
Ngay cả những ai từng chu du khắp địa cầu
cũng chưa từng thấy cái gì đẹp đẽ như vầy !

Hãy nhìn quanh mà xem những nàng ngư nữ kia ! (1)
Họ nhìn anh như thể anh đã hớp hồn họ
Họ yêu anh đến thế
Họ ước ao đuợc hôn anh

Ấy thế mà anh (đành lòng) nói câu:”Tôi đi đây, xin giã từ !

(Trở lại như ở cuối đoạn 1, sau câu :”….. xin giã từ”, và hết.)

(1) Chú thích của người dịch: Tất nhiên những “ngư nữ” kia cũng chả ai khác hơn là các cô gái Ý lượn lờ dọc theo bãi biển!

(Thanh Trang, dịch nghĩa từ bản tiếng Anh của một anh bạn người Ý)

Sau cùng thì tưởng cũng nên thêm một phần “Phụ Lục” ! Bài hát này với phần lời Việt thì ta đã từng nghe nhiều rồi ! Chi bằng ta nghe bản “Torna a Surriento” qua giọng Hát của một ca sĩ người Ý chính cống, với dàn nhạc phụ họa của người Ý chính cống ! Để coi xem người đọc Và người nghe cảm nhận ra sao ! Giọng hát là của Armando Valsani, với sự phụ họa của dàn nhạc “ Orchestra di Napoli” do Cido Bianchi điều khiển.

Thanh Trang
Nam Cali.,  cuối mùa Hạ 2004.

Nghe một số danh ca trình bày Torna a Surriento




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)