28/8/15

Mẹ con trong tranh một số danh họa


Vu lan, thấy trên Dân Trí có trang tranh của một số danh họa vẽ mẹ-con, cop lại mọi người nghe nhạc và xem cho vui.




William-Adolphe Bouguereau – Bức Temptation (1880)

Không gian trong tranh thật đẹp, bầu không khí ấm áp bao trùm. Người mẹ và em bé đang tận hưởng niềm vui giản dị - chơi đùa, trò chuyện cùng nhau. Bức “Temptation” (Sự quyến rũ) là một điển hình của những bức tranh cổ, tuân thủ nghiêm ngặt những quy chuẩn về tỷ lệ, màu sắc và hình khối.

Pablo Picasso – Bức Motherhood (1901)

Những bức tranh của Pablo Picasso đặc trưng bởi hình khối và góc cạnh. Đây là một trong những bức hiếm hoi mà Picasso có cách vẽ dịu dàng tới như vậy. Bức tranh có một cái tên giản dị, “Tình mẹ” (Motherhood). Sự giản dị thiêng liêng.

Vincent Van Gogh – Bức Portrait of the Artist's Mother (1888)

Mẹ của danh họa Van Gogh chỉ mỉm cười rất nhẹ trong tranh với đôi mắt và vầng trán thể hiện điều gì như đang lo lắng. Khi tranh được vẽ xong, chính mẹ của danh họa cũng cảm thấy lo lắng, bà không hiểu lúc đó mình đang suy nghĩ gì hay chính cậu con trai của bà đang lo lắng trong lúc vẽ.

Diego Rivera – Bức Sleeping Family (1932)

Những nghệ sĩ theo trường phái hiện thực luôn "thách thức" người xem. Bức tranh sử dụng phương pháp in thạch bản. Tranh khắc họa người mẹ tội nghiệp, chỉ có thể cho con mình một nơi “trú ẩn”, nương náu trong vòng tay mẹ, lấy thân mẹ làm gối êm. Trong bức tranh này, không có những gì sa hoa, lấp lánh, không có những cao sang, choáng ngợp, chỉ có một giá trị giản dị nhưng vĩnh hằng: vòng tay mẹ. Đối với con người, đó là tất cả.

Frederic Leighton – Bức Mother and Child (With Cherries) (1865)

Leighton đã mang lại cho chúng ta hình ảnh về một người mẹ thuộc thế giới thượng lưu, khung cảnh trong tranh thật sang trọng, quý phái. Hai mẹ con đang cùng nhau ăn quả anh đào. Ở trong khung cảnh ấy, người ta cảm nhận được sự yêu thương, trìu mến vô bờ.

Paula Modersohn-Becker – Bức New Mother (1907)

Trong cuộc đời mình, họa sĩ Modersohn-Becker luôn khao khát được làm mẹ, tuy vậy, số phận cô không may mắn khi cuộc hôn nhân của Paula không hạnh phúc, dù vậy cô vẫn có mang. Số phận thật trớ trêu khi nữ họa sĩ vừa sinh con được một thời gian ngắn thì qua đời. Bức tranh được vẽ ngay trước khi Paula sinh nở. Tác phẩm này được coi như “chúc thư” nghệ thuật của Paula: Mỗi người mẹ trên thế giới này khi sinh con, họ không chỉ mang đến cho nhân loại thêm một thành viên nữa, mà còn mang lại niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn.

Mary Cassatt – Bức The Child's Bath (1893)

 Nữ họa sĩ Mary Cassatt rất thích chủ đề tình mẫu tử. Trong những bức tranh của cô, ta luôn cảm nhận được sự dịu dàng của người mẹ cũng như những suy tư, nỗi niềm, sự quan tâm của người phụ nữ dành cho gia đình, con cái. Nhân vật của cô như đang sống, đang kể chuyện.

Pieter de Hooch – Bức Interior with Mother Delousing her Child's Hair (A Mother's Duty) (1660)

Bức tranh này cho ta những phút giây lặng yên để cảm nhận.

Berthe Morisot – Bức The Cradle (1872)

Trong tranh của Morisot, tất cả những đồ nội thất và phục trang đều rất thời thượng so với thời bấy giờ. Tranh của cô rất được phụ nữ đương thời yêu thích bởi những chủ đề thân quen trong cuộc sống hàng ngày của họ. Tình mẫu tử ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai, ở trong khung cảnh nào, cũng luôn gần gũi, thân thiết và ấm áp.

Claude Monet – Bức Field of Poppies (1873)

 Trong tranh, hai mẹ con đang cùng nhau dạo chơi trên cánh đồng hoa, khung cảnh tràn ngập ánh nắng mặt trời với những gam màu tươi tắn khiến người xem như được truyền cảm hứng từ niềm vui của hai mẹ con.

Vincent Van Gogh – Bức Pieta (1889)

Hình ảnh Đức Mẹ ôm Chúa Giê-xu trong lòng sau khi Chúa được gỡ xuống từ cây thập tự đã truyền cảm hứng cho rất nhiều nghề sĩ, từ điêu khắc, hội họa cho đến điện ảnh. Trong hình là nỗi đau xót của người mẹ khi nhìn thấy con bị đóng đinh trên cây thập tự, giờ được gỡ xuống để trả lại cho bà.

Pierre-Auguste Renoir – Bức Camille Monet and her Son Jean in the Garden at Argenteuil (1874)

Tranh của Renoir thường xoay quanh vẻ đẹp của người phụ nữ, ông khắc họa vẻ đẹp của họ trong tất cả những giai đoạn của cuộc đời, từ khi còn là thiếu nữ cho tới khi đã làm mẹ.

Gustav Klimt – Bức Hope (1908)

Tình mẫu tử bắt đầu tồn tại không phải từ khi đứa trẻ chào đời mà nó hình thành từ khi người mẹ biết mình có thai. Trong tranh, họa sĩ Gustav Klimt đã khắc họa “Hy vọng” của người phụ nữ, đó chính là đứa con. Tranh có sử dụng một lượng vàng ròng để khảm lên những khối màu vàng, đó là một đặc trưng để nhận biết tranh của vị họa sĩ “ám ảnh bởi vàng”.

Pi Uy
theo Art History

nguồn: dantri


3 nhận xét:

  1. Thiệt tình đọc lời bình của nhiều nhà (gì ko biết) lắm khi thấy tự ti ghê gớm. Sao người ta tài thế, lấy đâu ra mà lắm chữ lắm lời thế ko biết, trong khi mình rặn mãi mới ra được một câu, lát sau đọc lại chỉ muốn xóa vì hoặc vô duyên, hoặc vô lý hoặc vô ý lặp lại ai đó .. Hôm trước, đọc bài liên tưởng hoa trong Kiều cứ há hốc mồm. Lời lẽ cứ như là thêu hoa dệt gấm, cao trào là đoạn " trong “Truyện Kiều”, hoa còn tượng trưng cho bộ phận sinh dục của người phụ nữ. Là sự sống xuất hiện trên khoảng mênh mông của vùng nước khởi nguyên, kết hợp với mùi hương nồng nàn mà dịu ngọt, hoa tự thân đã có tính thái âm và nữ tính." Toàn những lời có cánh

    Đọc lời bình dưới tranh trong bài post trên đây cũng nhiều lần ko ngậm miệng được. Tuyệt nhất là lời bình cho bức tranh Reclining mother and child của Paula Modersohn-Becker "Tác phẩm này được coi như “chúc thư” nghệ thuật của Paula: Mỗi người mẹ trên thế giới này khi sinh con, họ không chỉ mang đến cho nhân loại thêm một thành viên nữa, mà còn mang lại niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn."

    Tuyệt ở chổ sao từ bức tranh rất cụ thể ấy, người ta lại có thể khái quát đi đến một nhận định đúng cho mọi bức tranh mẹ-con.

    Tuyệt bởi nó như một cái còm mẫu, sau này có thể đem dùng cho bất kỳ một bức tranh mẹ con nào, chỉ cần thay "Paula" bằng một danh từ riêng thích hợp là được.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://2.bp.blogspot.com/-cepV08JhGsE/Vd_yrdbvOaI/AAAAAAAANmA/nhkA7X0qWMQ/s1600/6.jpg

      Nhìn đứa con có lẽ vừa bú no xong nằm ngủ ngon lành trong vòng tay bà mẹ tràn đầy sức sống cũng đang ngủ say, thiệt tình tôi chỉ thấy dấy lên trong lòng một cảm giác bình an, thanh thản. Không sao liên tưởng ra được một cái chúc thư nghệ thuật cao sang nào. Trái lại, như nhiều người nhận xét, tôi rất hay nghĩ bậy bạ, nên có khi tôi tưởng tượng thêm rằng có thể bà mẹ vừa mới bị chồng giận hờn gì đấy, lột áo quần định đuổi đi, nghe con khóc con khóc nên vội vàng chạy qua cho bú, ko kịp mặc gì, rồi mẹ con cùng thiếp đi trong hạnh phúc .. đại khái nhiều nhất cũng chỉ nghĩ được đến thế. Dù rằng tôi cũng biết Paula là họa sĩ thuộc trường phái biểu hiện, tức ko phải, và hình như rất không thích, cái vụ tả chân (hiện thực, realism). Tức bà vẽ ở chuồng nhưng không nhất thiết là ở chuồng, mà chỉ muốn lột trần ra, hoặc đơn giản bỏ áo quần rườm rà đi vì nó chả cần thiết cho những gì bà muốn nói, vẽ mệt. :D

      Xóa
    2. Cũng xin nói thêm, bài gốc có thêm cái chapeaux này trên đầu bài:

      Đứng trước những bức họa dưới đây, người ta đặt câu hỏi, những danh họa đã vẽ nên vẻ đẹp thiêng liêng của tình mẫu tử, hay, chính sự vĩ đại của tình mẫu tử đã làm nên vẻ đẹp cho tranh?

      Mặc dù phải thừa nhận đoạn văn viết rất hay, câu hỏi tu từ thật khéo, và cũng rất muốn sao y bản chính, nhưng cuối cùng sau nhiều lần đắn đo, đã phải bỏ cái đoạn mào đầu ấy. Giá như ở giữa hay ở cuối bài thì còn cố giữ. Bởi nghe qua thì chữ nghĩa rất êm tai, nhưng ngẫm lại thì chả có tí logic nào.

      Cezanne mà vẽ táo, dù là trái táo sâu thì vẫn cứ đẹp, vẫn khiến người ta nhìn mê mẩn. Nhưng giả như tôi vẽ, dù mẫu là trái táo Mỹ tươi rói, vẽ xong người ta chỉ muốn vứt đi.

      Tình mẫu tử lúc nào, ở đâu chả vĩ đại ? Nhưng trong vô vàn bức tranh vẽ về tình mẫu tử, bao nhiêu bức có thể trụ nổi với thời gian ? Trong vô vàn bản nhạc bài thơ viết về tình mẫu tử, mấy bản nhạc nghe được, mấy bài thơ đọc được ?

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)