12/10/16

Suối Nguồn Tân Nhạc 14: Sơ kết về tương lai tân nhạc Việt Nam


Quỳnh Giao

Ca sĩ Quỳnh Giao (1946 - 2014). Ảnh internet
Sau 14 chương trình liên tục giới thiệu về năm thời kỳ lịch sử và chín khuynh hướng sáng tác chính yếu của tân nhạc Việt Nam, từ lúc phôi thai vào giữa thập niên 30 cho tới các năm gần đây, hôm nay, Quỳnh Giao xin được có vài tổng kết rất sơ khởi về 60 năm tân nhạc của nước ta.

Ðiều đầu tiên có thể ghi nhận là ranh giới mơ hồ của thể loại ta gọi là tân nhạc cải cách. Ðây là một bộ môn âm nhạc khó định nghĩa vì cả hai mặt tiếp cận mới/cũ và trong/ngoài. Tân nhạc của ta có truyền thừa nghệ thuật cổ điển, như dân ca hay dân nhạc cổ truyền, như các làn điệu câu hò từ cả ba miền thôn quê, như cả bộ môn cải lương trên sân khấu miền Nam hay quan họ ngoài đình làng xứ Bắc. Nhưng, dù tiếp cận như vậy, tân nhạc vẫn khác các thể loại cũ vì khai triển sự đóng góp của âm nhạc Âu Tây.

Ngược lại, dù tân nhạc có du nhập ảnh hưởng nước ngoài, với nhiều kỹ thuật, âm giai và tiết điệu lẫn lời ca Âu Mỹ, nó vẫn không xa lạ vì hàm chứa ý tưởng gần gũi với văn hóa Việt.

Nhìn từ sự giao tiếp rộng rãi đó với các bộ môn âm nhạc mới và cũ, của người và của ta, có lẽ tân nhạc là bộ môn dù chưa là đặc thù dân tộc thì cũng chẳng lạc lõng với tâm hồn người Việt.

Ðiều đó làm nổi bật một khía cạnh khác, đó là tầm quan trọng của lời ca trong tân nhạc, vì nhạc chuyên chở lời. Ðiều đó cũng giải thích sự thành công của nhiều bài hát phổ nhạc từ lời thơ, đến nỗi một số bài thơ hay đã được nhiều nhạc sĩ cùng phổ nhạc.

Sự xác định trên đây không có gì là gượng gạo, vì trong dòng tân nhạc xứ ta, nếu có Tiếng Xưa nghe âm vang điệu hò miền Nam, hoặc Ðêm Tàn Bến Ngự của cùng tác giả lại nồng nàn ý nhạc đất Thần Kinh, thì cũng Dương Thiệu Tước đã có một bài luân vũ đài các đầy vẻ Âu Châu là Bến Xuân Xanh, hay có Hội Hoa Ðăng và Khúc Nhạc Dưới Trăng thì lại dồn dập nhịp điệu Tây Ban Nha lồng với hình ảnh rất Việt Nam.

Như trong nhiều trường hợp của những tác giả khác, ngần ấy ca khúc đều rất Việt Nam và đều đáp ứng thị hiếu đa diện, tinh tế và thực tiễn của dân ta. Quỳnh Giao xin quý thính giả nghe vài trích đoạn của mấy tác phẩm trên để cảm ra điều đó...

Tiếng Xưa


Đêm Tàn Bến Ngự


Hội Hoa Đăng


Chính là yếu tố đa diện này đã khiến tân nhạc phát triển mạnh, và có lẽ mạnh nhất trong các bộ môn nghệ thuật âm nhạc và trình diễn của Việt Nam. Nhờ đó mà 60 năm sau thời kỳ phôi thai, nghệ thuật Việt Nam đã tiếp nhận thêm một di sản rất lớn lao và phong phú của tân nhạc. Ðiều đáng tiếc là chiến tranh, quan điểm chính trị và sự cách trơ/ lẫn điều kiện bảo tồn còn sơ sài thời trước khiến chúng ta chưa thu thập và kiểm điểm được đầy đủ phần di sản đồ sộ này.

Quỳnh Giao thiển nghĩ rằng chúng ta đã chịu ơn các nghệ sĩ sáng tác đã làm cho tâm hồn chúng ta thêm giàu đẹp cảm xúc, và mỗi khi hát hoặc nghe lại các tác phẩm của họ, chúng ta cũng có món nợ tinh thần với các nhạc sĩ đã mất trong chiến tranh, tù đày hay nghèo khổ...

Nhân đây, xin thành thật đề nghị là từ nay mỗi khi trình bày một ca khúc, chúng ta sẽ không thể quên nhắc tên tác giả, là một nghĩa vụ tối thiểu của người hát và người nghe đối với người sáng tác.

Nhìn vào tương lai, Quỳnh Giao cũng hiểu rằng một số không ít những người thiết tha tới tiền đồ âm nhạc Việt Nam đã có thể bi quan khi thấy âm nhạc cải cách của chúng ta nếu không rơi vào chỗ lai căng vì tiếp xúc quá nhanh với thế giới bên ngoài, thì cũng thụt lùi về loại nhạc bình dân mà sướt mướt rẻ tiền. Giữa nguy cơ đổi mới mà thành lai căng và bảo tồn truyền thống mà thành lạc lõng, có lẽ tân nhạc Việt Nam cũng gặp khó khăn như mọi sinh hoạt khác của xã hội.

Thực ra, Quỳnh Giao tin rằng tân nhạc nước nhà vẫn có thể có một hướng phát triển tốt đẹp hơn, nếu chúng ta có nhạc sĩ có tài, và những nghệ sĩ này sẽ được khuyến khích và cổ võ khi có quần chúng am hiểu và yêu thích tác phẩm của họ.

Trình độ thưởng thức của người Việt sẽ quyết định về tương lai của tân nhạc Việt. Nếu chúng ta chỉ say mê phim bộ Hồng Kông thì mùa Thu vẫn có lá bay, nhưng không phải là lá Thu của Ðoàn Chuẩn trên Hà Nội hoe vàng ánh nắng thanh bình. Nếu chúng ta chỉ ưa xem MTV và học lối trình diễn của nhạc trẻ Âu Mỹ thì tân nhạc của ta cũng sẽ loanh quanh trong vùng kích động âm thanh, với lời ca đơn giản và nghèo nàn hơn.

Quỳnh Giao không tin rằng nhạc ta sẽ rơi vào số phận hẩm hiu đó, khi nhìn thấy một số sáng tác gần đây của nhiều thế hệ nghệ sĩ tiếp nối. Phạm Duy, người du ca đã đem nhạc mới gieo rắc bốn phương từ 50 năm về trước nay vừa hoàn tất một sáng tác hết sức mới mẻ. Ðó là nhạc minh họa Kiều của ông. Ở lớp tuổi trên 75, người nghệ sĩ lão thành này vẫn tiếp tục tìm mới và làm mới tân nhạc và giúp chúng ta thưởng thức lại Truyện Kiều của dân tộc bằng âm thanh.

Sau hai trường ca lớn lao của ông là Con Ðường Cái Quan và Mẹ Việt Nam, thì Nhạc Kiều của Phạm Duy là một cống hiến đặc sắc nữa và là tiên báo cho nhiều đổi mới trong xu hướng sáng tác nhạc Việt. Quỳnh Giao xin mời quý thính giả thưởng thức một trích đoạn của tác phẩm hết sức mới mẻ mà vẫn đầy âm hưởng truyền thống này. [Trích đoạn Nhạc Kiều của Phạm Duy]

Minh Họa Kiều


Ở trong nước, Trịnh Công Sơn đã viết lại và viết hay hơn xưa, với những ca khúc tiếp tục tiêu biểu cho dòng nhạc lãng mạn mà sâu sắc của dân ta. Nhớ Mùa Thu Hà Nội, Một Cõi Ði Về, Hoa Vàng Mấy Ðộ... là những tác phẩm sẽ gợi hứng cho nhiều nhạc sĩ trẻ sau này, và sẽ làm đẹp cho xu hướng tình ca rất lớn lao của Việt Nam. Cùng với thính giả khắp nơi, Quỳnh Giao xin thân ái chúc ông được sức khỏe dồi dào và thương yêu đời sống cùng âm nhạc hơn, và xin mời quý thính giả nghe bài Hoa Vàng Mấy Ðộ sau đây của ông, qua tiếng hát Hồng Hạnh, ái nữ của cặp song ca Ngọc Cẩm Nguyễn Hữu Thiết lừng danh thời trước.

Hoa Vàng Mấy Độ


Ở tại Minnesota Hoa Kỳ, Cung Tiến cũng đã có nhiều đổi mới trong hướng sáng tác và điều đó đã được báo hiệu từ bài Hoàng Hạc Lâu ông viết từ năm 1976, với lời thơ Thôi Hiệu đời Ðường, do nhà thơ Vũ Hoàng Chương cảm dịch. Những tác phẩm về sau của Cung Tiến cũng độc đáo hơn và có thể mở ra một hướng sáng tác vừa tôn vinh truyền thống Ðông phương vừa kết hợp với nghệ thuật cổ điển của Tây phương. Xin quý thính giả cùng nghe lại Hoàng Hạc Lâu do Quỳnh Giao trình bày, với tiếng dương cầm Quỳnh Giao và hòa âm của chính Cung Tiến.

Hoàng Hạc Lâu


Trong lớp nhạc sĩ trẻ gần đây, chúng ta có Lê Ngọc Chân đã cống hiến công sức cho việc bảo tồn nghệ thuật cổ truyền, dù bận dạy nhạc tại Ðại Học Berkeley ở California. Ngay từ 1979, ở trong nước, anh đã báo hiệu xu hướng mới với bài Mưa, viết theo làn điệu dân ca nhưng với phong cách mới lạ. Quỳnh Giao xin ân cần giới thiệu Mưa của Lê Ngọc Chân, qua tiếng hát Nguyễn Thành Vân với phần hòa âm của chính tác giả.



Song song với nỗ lực đổi mới nói trên, chúng ta còn một tầng lớp nghệ sĩ ở ngoài như Tuấn Khanh, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Hoàng Quốc Bảo hay cả Ðức Huy trong thế giới nhạc trẻ; và ở trong như Phú Quang, Từ Huy, Trần Tiến hay Nguyễn Ngọc Thiện và Thanh Tùng là những người đang tiếp tục viết và sáng tác ngày một già dặn xuất sắc hơn.

Ðể có một ý niệm về những tác phẩm đầy triển vọng đó, xin quý thính giả cùng thưởng thức bài Người Về Như Bụi của Hoàng Quốc Bảo phổ thơ Du Tử Lê qua tiếng hát Kim Tước ở bên ngoài, và bài Thôi Anh Hãy Về của Nguyễn Ngọc Thiện qua tiếng hát Thu Hà ở trong nước...

Người Về Như Bụi


Thôi Anh Hãy Về


Một trong những biến cố dù chẳng thuộc lãnh vực sáng tác mà cũng có ý nghĩa, là ở trong nước người ta đã có nhiều sinh hoạt giới thiệu và trình diễn nửa thế kỷ tân nhạc Việt Nam với tác phẩm của các nhạc sĩ ở trong và ngoài nước. Mặc dù còn nhiều sáng tác của một vài nhạc sĩ ở hải ngoại vẫn chưa được phép trình bày, và đây là một điều phi lý đáng buồn, sự kiện người ta đã bớt để chính trị chi phối âm nhạc cũng có thể là một yếu tố khích lệ. Nó sẽ làm tân nhạc được tự do phát triển hơn, và từ đó ta mới hy vọng có nhiều tác phẩm phong phú hơn.

Sau đó, quần chúng chứ không phải chính trị mới quyết định về giá trị và sự tồn tại của tác phẩm. Trình độ thưởng ngoạn và mức độ tự do của dân ta sẽ quyết định về tương lai của âm nhạc nước nhà.

Sau cùng, nếu trong 60 năm qua, thế giới nói tới Việt Nam như một vùng đất nổi tiếng về chiến tranh, thì trong 60 năm đó, tân nhạc Việt Nam đã lẫy lừng nhất là trong xu hướng nhạc tình. Người Việt ta có thể rất can trường và thiện chiến đến mức tàn khốc với nhau, nhưng cũng nồng nàn tình tứ trong tâm hồn lãng mạn và đa cảm của mình.

Quỳnh Giao trộm nghĩ rằng nhạc tình mới là nét độc đáo nhất của tân nhạc Việt, và khi lời oán than đã dứt, bom đạn đã ngừng bay, trên quê hương này sẽ chỉ còn vang vọng những khúc tình ca. Và thể tài tình yêu có thể mở ra nhiều cánh cửa sáng tác tươi thắm hơn, khi ta được tự do hơn trong cảm hứng của mình.

Nhìn về tương lai đầy triển vọng đó, trong những kỳ tới, chúng ta sẽ nhớ lại một số tác phẩm tiêu biểu của năm nhạc sĩ đã có ảnh hưởng lớn lao trong dòng tân nhạc Việt Nam, với đề tài chính yếu của họ là tình yêu.

Quỳnh Giao xin thân ái chào tạm biệt quý vị, và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam.

Nguồn: amnhac.fm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)