17/2/17

Hát xẩm Việt Nam


Bùi Trọng Hiền

Xẩm là một loại hình nghệ thuật hát rong của những nhóm nghệ sĩ dân gian sinh sống lang thang nay đây mai đó. Sân khấu của họ đơn giản là gốc đa, bến nước, sân đình, góc phố, đầu chợ, bến đò hay bến tàu xe.., tựu trung là những nơi thường tụ tập đông người, một cơ may để kiếm sống bằng lời ca tiếng hát. Khác với các nghệ sĩ biểu diễn trong rạp hát, khán phòng, cửa đình, cửa đền.., Xẩm thu lợi bằng sự tự nguyện của khán thính giả. Không bán vé, cũng chẳng có định mức tiền thưởng như bên ca trù hay chèo, tuồng.., ai cho bao nhiêu tùy tâm, tùy lực. Tiền thưởng là nguồn thu mong đợi, nhưng thi thoảng, khán giả cũng có thể san sẻ cho Xẩm những món quà, bánh trái hay nhiều khi đơn giản chỉ là bơ gạo, mấy củ khoai, củ sắn trong những dịp giáp hạt, đói kém. Nói vậy để thấy cuộc sống sinh tồn của những nghệ sĩ Xẩm phụ thuộc hoàn toàn vào hoàn cảnh đời sống xã hội đương thời. Không có lấy một mảnh đất cắm dùi, phiêu diêu nay đây mai đó trên những nẻo đường bất tận, không hạn định, Xẩm thực sự là một nghề nghiệp độc đáo. Thế mới hiểu tại sao những chốn phồn hoa đô hội như đất Thăng Long kẻ chợ lại là trung tâm thu hút nhiều bộ môn nghệ thuật âm nhạc chuyên nghiệp, trong đó có hát Xẩm.




          Trong một môi trường xã hội vốn coi trọng danh vị như thời kỳ quân chủ phong kiến, thường thì mỗi nghề nghiệp cổ truyền bao giờ cũng tồn tại một truyền thuyết về tổ nghề. Đó là một hiện tượng mang tính quy luật nhằm tôn vinh, đề cao thân phận cũng như vị thế nghề nghiệp. Xẩm cũng vậy. Theo các nghệ nhân truyền tụng, truyền thuyết tổ nghề Xẩm có thể tóm lược như sau: “Tục truyền ngày xưa, lâu lắm rồi, vào đời Trần, vua cha sinh hạ được hai hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh [1]. Thương yêu hai con như nhau, không biết nhường ngôi cho ai, nhà vua liền truyền lệnh cho hai hoàng tử lên rừng đại ngàn tìm ngọc quý, ai đem về trước sẽ được nối ngôi vua. Vâng lời vua cha, hai anh em tức tốc lên đường. Trải qua nghìn trùng gian lao vất vả, cuối cùng hoàng tử Đĩnh đã tìm được viên ngọc quý. Nhưng rồi với lòng gian tham đố kỵ, Toán bèn lừa lúc Đĩnh ngủ say, rút gươm chọc mù hai mắt Đĩnh rồi cướp lấy ngọc đem về. Trong cơn bĩ cực khốn cùng, với cặp mắt mù lòa, hoàng tử Đĩnh đã lần mò trong rừng sâu, nhặt được hai mảnh tre khô, liền gõ vào nhau giả tiếng chim chóc để chúng  tha thức ăn đến cho chàng cầm hơi, rồi hoàng tử lần mò dần ra cửa rừng. Vô tình quờ quạng được sợi dây rừng, tước nhỏ, se lại, Đĩnh buộc vào cây song mây hình cánh cung để làm đàn. Lần mò được mẩu que tre, ôm cây đàn một dây để gẩy lên những cung bậc thăng trầm, Đĩnh bắt đầu ngân nga những khúc nhạc lòng tự sự, ai oán. Những người sơn tràng nghe thấy, liền đưa chàng ra khỏi rừng. Từ đó, hàng ngày, hoàng tử Đĩnh lần mò ra xóm chợ, ngã ba đường, kiếm sống bằng chính lời ca, tiếng đàn của mình. Tiếng đồn về những khúc nhạc của người nghệ sĩ mù dần vang xa, lan mãi đến tận kinh thành và tới tai nhà vua… Nhờ đó mà vua cha đã tìm được Đĩnh và trừng trị Toán. Tương truyền, khi trở lại hoàng cung, Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục trau dồi và phát triển nghề hát xướng, lại chuyên tâm dạy đàn dạy hát cho nhiều người bị khiếm thị như mình, tiếng đàn câu ca của chàng ngày qua ngày đã dần lan truyền sâu rộng ra dân gian. Nghệ thuật hát Xẩm nước Nam ta bắt đầu từ đấy. Và, Thái tử Trần Quốc Đĩnh được coi là vị Tổ nghề hát Xẩm.”

          Ở đây sẽ thấy rõ 3 chi tiết nổi bật:

          +Thứ nhất, về bản chất, Xẩm là nghệ thuật âm nhạc cổ truyền của những người khiếm thị. Dưới thời phong kiến, họ chỉ có thể kiếm sống, tồn tại duy nhất bằng lời ca tiếng hát. Nói cách khác, Xẩm- một cơ may của những người mù lòa, in đậm tính nhân văn của một loại nghề nghiệp trong xã hội xưa. Bởi vậy, về mặt nguyên tắc, mỗi nhóm Xẩm thường bao giờ cũng buộc phải có ít nhất một người khiếm thị làm chủ đạo. Những người sáng mắt thì không hành nghề độc lập, mà chỉ có thể tham gia phụ trợ với tư cách vợ chồng hay con cái của nghệ sĩ khiếm thị. Đó là luật bất thành văn trong xã hội thời phong kiến. Và, thuật ngữ Xẩm vừa có nghĩa tên gọi thể loại, vừa dùng để chỉ nghệ sĩ hành nghề như: bác Xẩm, anh Xẩm, chị Xẩm hay cô Xẩm…

          +Thứ hai, nghệ thuật Xẩm gắn liền với nhạc cụ độc đáo nhất của Việt Nam, đó là cây đàn bầu (tiền thân là cây đàn song). Điều đó đồng nghĩa với sự xác nhận đàn bầu có trước nhất trong hát Xẩm. Vì thế, đàn bầu còn có tên gọi khác là đàn Xẩm.

         +Thứ ba, tổ nghề Trần Quốc Đĩnh dòng dõi con vua. Qua đó, có thể thấy những nghệ sĩ Xẩm đã “lựa chọn” vị Thánh sư tổ nghề của mình với một gốc gác thật cao quý. Điều đó hẳn như một hình thức tôn vinh mang tính tự vệ, nhằm đối phó sự miệt thị của người đời với cái nghiệp hát xướng lang thang, nay đây mai đó của người khiếm thị. Khi trở lại hoàng cung, Trần Quốc Đĩnh bắt đầu truyền dạy nghệ thuật của mình cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Điều đó đồng nghĩa với sự xác định nghệ thuật hát Xẩm xuất hiện trước nhất ở kinh thành Thăng Long- đất kẻ chợ ngàn năm văn vật. Hàng năm, Xuân Thu nhị kỳ, tùy vào hoàn cảnh cụ thể từng nơi cư ngụ, người làm nghề Xẩm sẽ chọn ngày 22/2 hoặc 22/ 8 âm lịch làm ngày giỗ ông tổ nghề Trần Quốc Đĩnh[2].

Là một nghệ thuật hát rong, nhưng Xẩm đã không ngừng phát triển để rồi định hình như một bộ môn âm nhạc chuyên nghiệp với hệ thống bài bản và làn điệu hết sức độc đáo. Về tổng thể, Xẩm sử dụng khoảng trên 10 làn điệu. Nhưng số lượng lời ca tương ứng thì lại rất phong phú, khoảng 400 bài hát Xẩm đã được các nhà nghiên cứu ghi nhận. Trên bình diện nhạc cổ truyền Việt Nam nói chung, đây là một con số đáng nể, thể hiện sức sống mãnh liệt của một thể loại ca nhạc chuyên nghiệp, đặc biệt khi chủ nhân của nó phần lớn là những nghệ sĩ mù lòa, không nơi nương tựa. Đáng chú ý, nhiều làn điệu của Xẩm luôn được gắn thêm chữ “Xẩm” ở phía trước, như điệu Xẩm xoan, Xẩm chợ, Xẩm thập ân.., ngụ ý khẳng định đó là điệu hát của riêng nghề Xẩm. Điều đáng nói nhất, có những điệu hát của Xẩm đặc sắc tới mức các bộ môn nghệ thuật bạn như Ca trù, Chèo cũng phải “vay mượn” để làm phong phú thêm hệ thống bài bản của mình. Như trường hợp Xẩm xoan, Xẩm chợ, Xẩm ba bậc là các ví dụ điển hình. Khi du nhập vào Chèo, Xẩm xoan và Xẩm chợ vẫn giữ nguyên tên gọi cũng như âm điệu cơ bản. Riêng trường hợp Xẩm ba bậc (còn gọi Ba bậc nhịp bằng), các nghệ sĩ Ca trù và Chèo đã biến đổi làn điệu ít nhiều, tạo ra những khuôn diện mới mang dấu ấn ngành nghề, thường gọi là Xẩm huê tình. Ở Ca trù, người ta còn dùng thêm vài tên gọi khác nữa là Xẩm nhà trò hay Xẩm cô đầu, ngụ ý nhấn mạnh nó đã được “Ca trù hóa”. Việc giữ nguyên chữ “Xẩm” trong tên gọi làn điệu như một sự xác định “bản quyền” của Xẩm. Thế mới thấy giá trị nghệ thuật của Xẩm được các bạn nghề ca xướng trân trọng như thế nào.


Xẩm ba bậc


Ở hát Xẩm, mối quan hệ tương tác giữa hoàn cảnh xã hội với dung lượng nghệ thuật được thể hiện khá rõ. Hãy tưởng tượng, trong môi trường diễn xướng nơi đông người, những bài ca ngắn gọn sẽ khó để lại dấu ấn cảm xúc và gây tác động với người nghe. Thế nên không thấy lạ khi đa số lời ca các bài Xẩm thường có dung lượng khá dài và mang đậm phong cách kể chuyện. Thậm chí như Sa mạc, một làn điệu ngâm vịnh mà đơn vị tối thiểu chỉ là một cặp thơ lục bát cũng thường được Xẩm dùng để chuyển tải cả những chuyện thơ. Không hiếm những bài ca có độ dài trên dưới 100 câu thơ. Dài nhất, có thiên truyện Bà Ba Cai Vàng gồm 263 câu thơ hay Đồng tiền Vạn Lịch gồm 628 câu thơ… Tất nhiên, những tác phẩm như vậy bao giờ cũng được chuyển vận bằng nhiều làn điệu khác nhau, có giá trị nghệ thuật cao, tựa như một bản trường ca. Đồng thời nó cũng thể hiện tài năng, một trí nhớ đáng kinh ngạc của những nghệ sĩ khiếm thị.

Bên cạnh chủ đề trữ tình thường thấy ở nhiều bộ môn ca nhạc cổ truyền, ở Xẩm nổi trội chủ đề giáo dục đạo đức, đặc biệt là lễ giáo công cha- nghĩa mẹ. Ai cũng biết làn điệu Xẩm thập ân nổi tiếng, đã tóm lược cả một đời sinh- dưỡng- dục của cha mẹ với con cái. Đây là tác phẩm được xem như một bản giáo hiếu ca rất ấn tượng của hát Xẩm. Hơn thế nữa, Xẩm thập ân còn có chất nhạc riêng biệt, da diết và truyền cảm, đủ để xoáy sâu vào tâm khảm người nghe. Nếu hát đủ phần mở đầu và phần chính từ một ân đến mười ân, bài ca nay thường kéo dài khoảng gần nửa giờ đồng hồ, gây ấn tượng khá mạnh.


Xẩm thập ân


Bên cạnh đó, tính giáo dục trong Xẩm còn được thể hiện ở chiều cạnh khác, đó là chủ đề hài hước châm biếm, lên án đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội. Đây là chủ đề khá nổi bật ở Xẩm, với hệ thống bài ca rất phong phú và đa dạng. Ngoài ra, Xẩm cũng khai thác thành công chủ đề người phụ nữ. Những bài ca chia sẻ, cảm thông với những nỗi niềm của phận gái má đào, phận làm dâu, kẻ góa bụa, người vắng chồng chinh chiến tha hương… luôn được xem là những chủ đề độc đáo. Trong đó, những bài Xẩm mang tính tự truyện, than thân trách phận được xem như lời nói hộ biết bao thân phận người phụ nữ dưới chế độ phong kiến trọng nam khinh nữ. Khai thác chủ đề này, Xẩm đương nhiên chiếm được cảm tình của đám các cô các bà, một đối tượng quan trọng ở những nơi chợ búa, luôn là lượng khán giả không nhỏ của Xẩm. Làn điệu Hà Liễu với tính chất man mác buồn thường được Xẩm sử dụng để chuyển tải chủ đề này.


Xẩm Hà liễu


Trong xã hội thời xưa, khi chưa có hệ thống truyền thông đại chúng, thật dễ hiểu khi chính các nhóm Xẩm luôn được coi là phương tiện phản ánh nhiều thông tin mang tính thời sự nóng hổi. Mọi câu chuyện, những tin đồn, sự vụ sốt dẻo trong vùng thường được các nghệ sĩ Xẩm nhanh chóng biến thành lời ca, tạo sức hấp dẫn riêng của nghệ thuật Xẩm. Thông qua nhiều bài ca, có thể thấy cả những biến động của thời cuộc. Những cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại triều đình phong kiến, chống lại thực dân Pháp cũng được Xẩm chuyển tải. Ở đây, sẽ thấy một vấn đề thú vị. Trong thời ly loạn, không phải ai cũng dám công khai bày tỏ thái độ phản kháng lại chế độ thống trị. Nhưng hành động của những nghệ sĩ Xẩm sẽ dễ bề được nhà cầm quyền bỏ qua, bởi họ là những thân phận không được coi trọng trong xã hội cũ. Bởi vậy, ở bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào, kể cả dưới thời đô hộ tàn bạo của thực dân Pháp, Xẩm vẫn có tiếng nói đấu tranh khôn khéo, kêu gọi lòng yêu nước thương nòi. Thời đầu thế kỷ XX, các nhóm Xẩm đã dám công khai ca ngợi những người anh hùng chống Pháp như Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn[3]. Thử tượng tượng, khi cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Thái Nguyên thất bại, dân ta ai mà chẳng đau xót, căm hờn quân cướp nước và triều đình phong kiến nhu nhược. Nhưng tất thảy đều không dám nói ra nỗi lòng mình. Nên khi nơi xóm chợ, bến đò, bến tàu xe.., vẳng nghe tiếng hát kể chuyện về những sự kiện nóng hổi đó, đám đông sẽ khó có thể làm ngơ. Và, các nghệ sĩ Xẩm đương nhiên sẽ được đồng bào thưởng tiền hào phóng. Ở đây, có thể đó là lòng dũng cảm đích thực của Xẩm, nhưng cũng có thể họ hành động đơn giản chỉ vì muốn gây sự chú ý, gây sốc giữa đám đông để dễ bề kiếm miếng cơm manh áo.



Như vậy, từ vui đến buồn, từ hài hước đến trữ tình, các làn điệu Xẩm luôn truyền tải nhiều cảm xúc, nhiều câu chuyện thật đời thường, tạo sức hấp dẫn riêng. Tựu trung, tính kể chuyện - câu khách được xem như sự thích ứng tối ưu của nghệ thuật Xẩm trong môi trường diễn xướng đông đúc náo nhiệt đặc thù, ngõ hầu chiếm được cảm tình của người nghe nơi công cộng, để thiên hạ có thể móc hầu bao mà thưởng tiền. Trong sự câu khách, đương nhiên những yếu tố chiều theo thị hiếu thông tục, cường điệu gây cười quá mức như bôi bác những thân phận tật nguyền, hay nhiều bài ca mang tính “lá cải” là điều khó tránh khỏi. Có người coi đó là hạn chế, là nhược điểm của Xẩm. Nhưng nếu nhìn từ góc độ nhân văn, sẽ thấy đó cũng là điều dễ chấp nhận ở thân phận những nghệ sĩ mù lòa, không còn kế sinh nhai gì khác ngoài lời ca tiếng hát. Xẩm là như vậy!


Bên cạnh hệ thống làn điệu riêng, Xẩm cũng thường vay mượn, du nhập nhiều làn điệu của các thể loại khác, cũng như dân ca, dân nhạc ở nhiều miền quê để làm phong phú thêm cho kho tàng nghệ thuật của mình. Sẽ không thấy lạ khi nghe Xẩm hát Trống quân, hát Ví, Lảy Kiều, ngâm Sa Mạc, rồi ca Hành Vân, Lưu Thủy, Nam thương… của ca Huế, lối giọng Phú - Sử của Chèo, Chầu Văn và Ca trù… Thậm chí cả những giọng của giới thầy phù thủy bắt mà trừ tà như điệu Sai chẳng hạn, cũng được Xẩm dung nạp tài tình. Điều đáng nói, tất cả những làn điệu du nhập, ít nhiều đều được “Xẩm hóa” để phù hợp với phong cách giang hồ của nghề hát rong. Ví như Trống quân, vốn là làn điệu hát đối đáp trai gái đã được Xẩm sử dụng để chuyển tải những bài ca mang tính châm biếm, điển hình như bài Dâu lười, Rể lười.., hoặc dùng để hát những truyện thơ hay những bài vè đậm chất thời sự. Có thể nói, một hình thức hát rong kiếm cơm độ nhật của những nghệ sĩ khiếm thị đói nghèo mà đạt được tầm nghệ thuật như hát Xẩm là điều rất hiếm thấy trong nội bộ một nền âm nhạc dân tộc.

Xẩm Dâu lười


Thời xưa, không mấy nhóm Xẩm có được mái nhà tranh làm nơi cư ngụ. Thế nên họ thường mượn tạm điếm canh đê, góc chợ quê, gầm cầu, bãi đất hoang… hay bất cứ nơi nào có thể để tá túc sớm khuya. Thế mới thấy nghiệp hát Xẩm thật gian nan, bấp bênh biết nhường nào. Về mặt cơ cấu, do đặc điểm khiếm thị của nghệ sĩ, mô hình gia đình được coi là phù hợp nhất với một nhóm Xẩm điển hình. Vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng dắt díu nhau lập thành từng nhóm riêng lẻ làm nghề, vừa tiện bề chăm sóc người kém mắt. Cũng như nhiều thể loại âm nhạc cổ truyền chuyên nghiệp, những nhóm Xẩm mỗi vùng tụ họp với nhau thành những phường hội nghề nghiệp- một tổ chức xã hội định hình gọi là phường Xẩm, làng Xẩm hay hội Xẩm. Người đứng đầu phường Xẩm thường là người cao tuổi, giỏi nghề nhất và có khả năng quy tụ, chỉ đạo mọi hoạt động nghề nghiệp, gọi là Trùm (hay Trưởng) phường.

Theo nhà nghiên cứu Trần Việt Ngữ[4], ở một số tỉnh phía Bắc, trong các phường Xẩm, chức Trùm phường được cộng đồng bầu chọn định kỳ 2 năm một lần trong dịp giỗ Tổ. Có 3 cấp là Trùm nhất, Trùm nhì và Trùm ba, chia nhau coi sóc công việc chung của phường Xẩm sao cho có quy củ, nền nếp. Mọi sự vụ làm ăn lớn nhỏ như phân chia địa bàn hành nghề, giao thiệp với quan đám, chức sắc địa phương, hay việc giải quyết những mối xung đột đều được các Trùm giải quyết êm thấm. Nhà nào túng thiếu, lâm vào hoàn cảnh ốm đau, phường sẽ cắt cử người giúp đỡ hay kiếm cách cho vay mượn. Nhà nào cần sự hỗ trợ về nghệ thuật như trường hợp đàn địch trống phách hư hỏng, hay thiếu bài bản làn điệu làm vốn sinh nhai, phường cũng đứng ra hỗ trợ tức thời. Ở đây, người đàn ngọt hát hay luôn được coi trọng như những người thầy. Bên cạnh vai thầy- trò dạng cha truyền con nối trong nội bộ mỗi nhóm, họ cũng sẵn lòng nâng đỡ, truyền dạy vốn nghề cho đám con trẻ khác ở trong phường. Có thể nói, “lá lành đùm lá rách” là nết ăn, nết ở thật cảm động ở những nghệ sĩ mù lòa. Đó là phong hóa cao cả ở phường Xẩm, được xem như một “kháng thể” mang tính tự vệ bền vững. “Giàu 2 con mắt, khó 2 bàn tay”, không còn cách nào khác, Xẩm buộc phải dựa vào nhau để kiếm kế sinh tồn trong thời ly loạn cũng như thời bình. Tương truyền khi xưa, lúc hành nghề, khi không dùng hết đồ ăn, vật phẩm kiếm được mỗi ngày, Thánh sư Trần Quốc Đĩnh thường đem phân phát cho những kẻ ăn mày đói khát. Xem ra, việc tương thân tương ái giữa những người cùng cảnh ngộ âu cũng là một truyền thống tốt đẹp đã có từ thời Tổ Xẩm huyền thoại.

          Trong phường Xẩm, bên cạnh các ông Trùm, còn có vai vế của các Bô. Đó là các nghệ nhân cao niên, có giá trị như hội đồng hương lão làng xã. Bô cũng chia 3 cấp là Bô nhất (trên 70 tuổi), Bô nhì (trên 62 tuổi) và Bô ba (trên 56 tuổi). Trong công việc chung, các Bô luôn có tiếng nói nhất định hỗ trợ các ông Trùm, góp phần quan trọng ổn định tổ chức phường hội để các nhóm Xẩm có thể tồn tại.

Trung bình, một nhóm Xẩm chỉ gồm vài ba người, một cặp vợ chồng thêm 1-2 người con đi cùng phụ trợ tập nghề. Đây là một biên chế vừa đủ để mưu sinh. Trong đó, người chủ đạo vừa đàn vừa hát chính, phần còn lại chơi trống mảnh, gõ sênh, phách và hát đỡ giọng phụ họa khi cần. Thường ngày, mỗi nhóm sẽ chiếm cứ một khu vực nhất định để hành nghề, không lấn sân của nhau bao giờ. Bến tàu bến xe, bến đò, bến phà, cổng chợ hay bên lề quán xá luôn là sự lựa chọn của Xẩm. Ở Hà Nội, đến thời Pháp thuộc, người ta vẫn còn chứng kiến 4 nhóm Xẩm hoạt động khá thường xuyên ở 4 góc hồ Hoàn Kiếm. Hành nghề riêng lẻ, nhưng mỗi khi có dịp vào đám hội làng, các nhóm Xẩm trong cùng địa bàn thường liên kết thành một đội lớn hơn. Ở đây, dễ nhận thấy tính thực dụng của sự hợp tác làm ăn đó. Nơi hội hè náo nhiệt, một vài người đàn hát ắt khó gây ấn tượng với đám đông trẩy hội. Thế nên hình thức đồng ca kết hợp với việc gia tăng số lượng nhạc cụ của 2 hay 3 nhóm Xẩm liên kết luôn tạo hiệu quả mong muốn.

Xẩm tàu điện


Ở nội thành Hà Nội, bên cạnh những nhóm hoạt động cố định, cũng thấy những nhóm Xẩm “lưu động” trên các tuyến xe điện leng keng khuya sớm. Ở vùng quê, các nhóm Xẩm “lưu động” cũng thường bám theo các chuyến đò dọc, đò ngang, tàu hỏa, tàu thủy như một chương trình ca nhạc trên lộ trình phục vụ hành khách. Bên cạnh đó, Xẩm cũng có thể diễn theo sự “đặt hàng” của khách, là cơ may lớn để tăng thu nhập. Nghệ nhân Ca trù Phó Thị Kim Đức kể lại rằng, từ cái thủa còn “Đào Hồng đào Tuyết” ở nhà hát phố Khâm Thiên, lúc rỗi rãi, mỗi khi thấy Xẩm đi ngang qua, các đào kép cũng thường mời họ vào nhà để nghe hát. Bà cho hay, người hát Xẩm rất có tư cách của một nghệ sĩ, muốn họ vào nhà ca hát, phải có lời mời đàng hoàng tử tế bởi họ không phải là người ăn xin. Ngay ở ngoài chợ, các cô các bà buôn phường bán hội gặp lúc vắng khách cũng hay mời Xẩm đến sạp hàng ca hát cho vui. Rồi gặp khi nhà có đám giỗ hay việc hiếu hỉ, Xẩm cũng thường được mời tới trình diễn những khúc ca có ý nghĩa phù hợp, như điệu Xẩm thập ân kể về công lao cha mẹ dưỡng dục sinh thành… Nhưng cũng nhiều khi, sự “đặt hàng” chỉ đơn giản như trường hợp một chàng trai muốn ngỏ ý yêu thương với một cô nàng, nhưng ngại ngùng chẳng dám nói. Anh ta bèn nhờ bác Xẩm mượn câu hát đánh tiếng giùm, sau khi đã đặt tiền thưởng và nói rõ tên cô gái với một vài thông tin cần thiết để Xẩm thể hiện tài năng ứng tác tài tình của mình. Có thể nói, đó là thời kỳ làm ăn ổn định của Xẩm. Còn vào lúc thiên tai mất mùa, đói kém hay gặp thời ly loạn làm ăn khó khăn, nhiều nhóm Xẩm buộc phải khăn gói lên đường lưu diễn liên tỉnh, có khi lên tận vùng miền ngược, nương cậy bát cơm manh áo với đồng bào thiểu số. Gặp chốn đông người, cả nhà dừng lại trải manh chiếu hành nghề. Khi hết cơ may, cha mẹ con cái lại dắt díu nhau lên đường như những cánh chim không mỏi.

          Trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, như đã biết, ở những nơi thôn dã, các nghệ sĩ Tuồng, Chèo, Ca trù, Chầu văn… còn có ruộng vườn và những nghề phụ khác. Nhưng với Xẩm thì không như vậy, nghề ca hát là kế sinh nhai duy nhất của Xẩm. Bởi vậy, nếu đánh giá trên bình diện chuyên nghiệp của một loại hình âm nhạc, thật không quá khi nói rằng Xẩm có thể sánh ngang với những nghệ sĩ nơi cung đình hay những nghệ sĩ Tuồng, Chèo, Ca trù chốn nhà hát thị thành. Bên cạnh ý thức lưu truyền tự giác vốn liếng làn điệu và bài bản, lễ giỗ Tổ nghề cũng là một trong những biểu hiện tính chuyên nghiệp của Xẩm.

 Mỗi năm, cả phường Xẩm thường tụ họp hành lễ giỗ Tổ nghề. Tất nhiên, chẳng có đình đền miếu điện riêng cho Xẩm, những thân phận mà ngay cả một ngôi nhà trú ngụ cũng không có. Tùy từng nơi, Xẩm sẽ lựa chọn một nơi hoang vắng, như bãi đất trống, góc chợ phiên hay ngôi điếm nhỏ lộ đường để tránh làm phiền đến người làng nước. Ở Hà Nội thời Pháp thuộc, phường Xẩm thường lấy bãi Thuốc lá Yên Phụ làm nơi hội họp. Lễ giỗ Tổ thường có thể kéo dài tới 3 ngày. Nhưng gặp khi làm ăn khó khăn hay khi mất mùa, thiên tai thì chỉ làm nội trong một ngày. Các ông Trùm cùng hội đồng các Bô trong phường sẽ cắt cử từng thành viên lo mọi việc để đảm bảo một lễ nghi vừa trang trọng, vừa phù hợp với thực lực kinh tế của từng phường. Đây là cuộc tụ hội quan trọng, mọi sự vụ lớn nhỏ tồn đọng đều được hội đồng ông Trùm giải quyết êm thấm, công tâm. Trong phường Xẩm, 2 tội danh được coi là nặng nhất là tội thông dâm và tội ăn cắp, thường bị hội đồng ông Trùm xử phạt rất nặng, nhiều trường hợp bị đuổi khỏi địa giới, buộc phải đi tha hương. Đây là điều luật nghiêm khắc nhằm đảm bảo thanh danh cho giới nghề.

Trong lễ giỗ Tổ, tục hát thờ tấu trình Thánh sư Trần Quốc Đĩnh luôn được coi là phần quan trọng nhất. Các nghệ nhân giỏi nghề ở từng nhóm sẽ lần lượt thay nhau đua tài tấu nhạc hát thờ, cầu mong Trần Thánh Sư phù hộ độ trì cho mọi gia đình Xẩm, để tiếng đàn câu ca ngày càng thêm ngọt, thêm say lòng người. Và, đây cũng là dịp hiếm hoi để đám con cháu có được cơ hội học hỏi ngón đàn, nhịp phách, câu ca của lớp đàn anh đi trước. Không thấy có chuyện giấu nghề ở nội bộ những nghệ sĩ Xẩm. Ai cũng cố gắng khoe tài hết mức, những mong nghề Tổ được mãi mãi lưu truyền và ngày càng được nâng cao để có thể giúp ích cho cuộc mưu sinh chung của cả phường. Kết thúc lễ giỗ Tổ, cả nhà Xẩm lại dắt díu nhau trở lại cuộc sống thường nhật.

Nói về nhạc khí của Xẩm, trước nhất phải kể đến vị trí của cây đàn bầu. Nếu căn cứ vào truyền thuyết Tổ nghề, cây đàn này được xem như gắn liền với sự ra đời của nghề hát Xẩm, nên còn gọi là đàn Xẩm. Thánh sư Trần Quốc Đĩnh đã chế tác ra cây đàn một dây đầu tiên với cây song hình cánh cung gảy bằng que tre. Hẳn vì thế mà kiểu dạng đàn bầu khá phổ biến ở các nhóm Xẩm cho đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX vẫn được gọi là “đàn song”. Cây đàn bầu dạng này vẫn bảo lưu cái vòi đàn (cần đàn) dạng hình cây song với dây đàn được mắc khá cao so với mặt đàn.

Bên cạnh đó, kiểu dạng đàn bầu có quả bầu cộng hưởng với lối mắc dây ở sát mặt đàn cũng dần được Xẩm sử dụng, lưu hành đến tận ngày nay. Trên thực tế, đàn bầu vốn là nhạc cụ khó sử dụng. Thế nên một nhóm Xẩm được xem là mẫu mực thường không thể thiếu nhạc cụ này. Người đứng đầu nhóm vừa chơi đàn bầu vừa hát.

Bên cạnh đàn bầu, đàn nhị cũng là nhạc cụ quan trọng. Cũng như đàn bầu, đàn nhị thuộc hệ nhạc cụ dây không phím, nhờ thế có thể uốn lượn theo mọi cung bậc âm điệu tinh tế, rất gần với nguyên tắc phát âm của giọng người. Trong nhiều nhóm Xẩm, người chơi đàn nhị thường đóng vai trò phụ trợ cho người hát chính. Nhưng cũng không ít nhóm Xẩm do không chơi được đàn bầu nên đàn nhị đảm nhiệm vai trò chính trong dàn nhạc Xẩm. Trong việc mang vác di chuyển, đàn nhị gọn nhẹ hơn đàn bầu, lại không chiếm nhiều chỗ trên chiếu diễn như đàn bầu. Mặt khác, giữa đám đông người, âm lượng cung vĩ kéo của nhị lại vượt trội so với đàn bầu. Có thể vì thế nên nhiều trường hợp, đàn nhị được ưa dùng hơn đàn bầu. Xẩm chơi 2 loại nhị: loại âm khu cao (còn gọi đàn Líu) hợp với giọng nữ và loại âm khu thấp (còn gọi đàn Hồ) hợp với giọng nam.

Bên cạnh đàn bầu và đàn nhị, trong những dịp hợp tác làm ăn ở hội làng, nhiều nhóm Xẩm còn sử dụng thêm tiêu, sáo các loại, tạo sự phong phú cho dàn nhạc Xẩm. Trong đó, sự góp mặt của cây sáo mạng là một hiện tượng độc đáo. Đây là một loại sáo có cấu trúc khá đặc biệt. Ở giữa khoảng cách từ lỗ thổi đến lỗ bấm, người ta khoét thủng một lỗ khác rồi đắp một núm bằng sáp ong tạo thành một lỗ núm. Trên miệng lỗ núm gắn miếng cật măng mỏng để khi thổi, tạo ra âm sắc rè rè, nghe khá ấn tượng. Ở nhiều tộc người thiểu số miền núi phía Bắc, cũng có một nhạc khí tương tự, là cây Pí một lao của người Thái, La Ha, Khơ Mú, Kháng, được dùng trong lễ cúng chữa bệnh. Nhưng sự khác nhau cơ bản ở chỗ, Pí một lao kích âm bằng nguyên tắc lưỡi gà rung tự do. Còn sáo mạng của Xẩm lại kích âm theo nguyên tắc lỗ vòm như các loại sáo thông thường. Trong nội bộ các thể loại âm nhạc của người Kinh, sáo mạng là nhạc cụ chỉ thấy có ở nghệ thuật Xẩm.

Như thế, hệ nhạc cụ giai điệu của Xẩm thiên về những nhạc khí có âm sắc gần với nguyên tắc phát âm của giọng người- là đàn bầu và đàn nhị; hay loại âm sắc độc đáo như sáo mạng. Ở đây, không thấy sự góp mặt của các nhạc cụ họ dây gắn phím. Chắc hẳn Xẩm có chủ ý muốn tìm cho mình một sự nổi trội nhất định nhằm tạo sức hấp dẫn riêng, những mong gây được ấn tượng cho người nghe, ngõ hầu giúp ích cho cuộc mưu sinh thường nhật.

Về các nhạc cụ tiết tấu, Xẩm thường xuyên sử dụng đôi sênh, một cặp trống mảnh (loại trống tang mỏng một mặt) và khi cần, thêm cỗ phách phụ trợ. Trong đó, sênh (còn gọi sênh cặp kè hay cặp kè) là nhạc cụ của riêng Xẩm, không thấy có ở bất cứ thể loại âm nhạc nào khác. Sênh là 2 mảnh tre già (hoặc gỗ cứng) được đẽo gọt thành 2 mặt phiến hình thoi cân xứng, một mặt phẳng, một mặt lưng cong như đáy thuyền dài chừng 20 cm, rộng chừng 5-7 cm. Khi chơi đặt trong lòng bàn tay, hai mặt phẳng úp vào nhau (thế nên mới gọi là cặp kè), kích âm bằng cách nắm- mở, khiến 2 mảnh va đập tạo âm hình tiết tấu giữ nhịp, đệm cho lời ca. Điểm đáng chú ý, tiếng sênh nghe thanh mảnh và sắc nét, khác hẳn với tiếng phách, mõ, vốn cũng là những nhạc cụ toàn thân vang bằng tre, gỗ nhưng được kích âm bằng dùi. Thường người ta chỉ chơi một cặp sênh, nhưng cũng có khi chơi hai tay hai cặp để tạo độ dày của tiết tấu. Sênh của Xẩm khiến người ta liên tưởng đến huyền tích Tổ nghề. Khi lần mò trong rừng sâu, đức ngài Trần Thánh Sư cũng nhặt được 2 mảnh tre già gõ vào nhau, coi như đó là tiền thân của nhạc cụ độc đáo này. Ở đây, sẽ thấy sự tích tổ nghề dù chỉ là một huyền thoại do giới nghề dựng lên nhưng rõ ràng, nghệ thuật Xẩm đã đóng góp vào kho tàng nhạc cụ Việt Nam 3 nhạc cụ thật độc đáo là đàn bầu, sênh và cây sáo mạng. Tài năng của những nghệ sĩ khiếm thị Đại Việt là điều đáng khâm phục.

Về cặp trống mảnh trong hát Xẩm, theo thư tịch cổ cũng như các hình chạm khắc[5], nhạc cụ này (đan diện cổ) đã từng xuất hiện ở nghệ thuật hát Ả đào người Việt. Trong Vũ trung tùy bút, Phạm Đình Hổ viết: “đan diện cổ là trống mảnh một mặt, tang trống nhỏ và mỏng, sơn son thếp vàng, khi ả đào mới lên chiếu hát hay lúc uốn éo múa may, thì đánh trống ấy, tiếng kêu lung bung, bập bùng rất hay”[6]. Về sau không thấy giới đào kép sử dụng cặp trống mảnh, nhưng lại xuất hiện ở hát Xẩm. Đó cũng là một điểm đáng chú ý. Như đã biết, Ả đào (Ca trù) vốn có vị thế cao trong xã hội phong kiến. Nó luôn có mặt nơi đình đền với tư cách nhạc lễ cổ điển- gọi là hát Cửa đình. Rất có thể theo thời gian, mỗi khi đi hát Cửa đình, do cần tinh giảm số lượng nhạc công nên giới nghề Ả đào đã bỏ cặp trống mảnh khỏi dàn nhạc. Không biết Xẩm quyết định du nhập trống mảnh vào dàn nhạc vì nguồn gốc danh giá của nhạc khí này hay bởi đặc điểm gọn nhẹ, dễ mang vác của nó? Dù sao, đây cũng là một sự bảo lưu đáng trân trọng bởi nếu không có Xẩm, có lẽ bộ nhạc cụ này hẳn đã biến mất khỏi đời sống âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Bên cạnh cặp trống mảnh, khi hợp tác làm ăn trong đám hội, nhiều nhóm Xẩm còn sử dụng thêm trống cơm và cỗ phách bàn. Còn trong dịp giỗ Tổ nghề, với sự góp mặt của cả phường Xẩm, trống cái, trống ban, trống cơm được trưng dụng triệt để, tăng cường tính lễ nghi, tạo cảm hứng cao cho các bậc đàn anh thi tài, tế Tổ.

Trong diễn xướng, do áp lực miếng cơm manh áo phụ thuộc vào lòng tự nguyện của khách qua đường, nên người nghệ sĩ Xẩm buộc phải rèn luyện tính đa năng. Vừa đàn vừa hát hay kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhạc cụ được xem là tiêu chuẩn xếp hạng của giới nghề. Sẽ thấy, sự đa năng đó một mặt thể hiện tài năng của nghệ sĩ, tất gây ấn tượng với khán giả, mặt khác nó cũng là sự tinh giảm biên chế nghệ sĩ mỗi nhóm để đảm bảo tối đa mức thu nhập. Phổ biến kiểu dạng biên chế một người vừa hát vừa đàn bầu (hoặc nhị). Người còn lại, một tay gõ sênh chơi một mô hình tiết tấu, tay kia cầm dùi trống gõ “bập bung” điểm xuyết vào 2 chiếc trống mảnh được kẹp ở tay và kê lên đùi, có nhiều người còn chơi cả cỗ phách bàn bằng chân, với dùi được kẹp ở ngón, đồng thời có thể hát chính hoặc hát phụ họa. Cũng có trường hợp một người vừa tay đàn miệng hát, đồng thời 2 chân gõ trống phách, rất điệu nghệ. Trong các thể loại nhạc cổ truyền Việt Nam, những nghệ sĩ kiêm nhiệm đàn hát hoặc diễn tấu nhiều nhạc cụ cùng lúc như Xẩm không có nhiều. Đó cũng là một đặc điểm độc đáo của Xẩm.

Một điều thú vị khác, trong đồ nghề kiếm cơm của các nhóm Xẩm bao giờ cũng có một chiếc chậu thau đồng. Bên cạnh chức năng gia dụng vốn có trong sinh hoạt, nó còn là thứ “đồ nghề” không thể thiếu mỗi khi Xẩm diễn xướng. Người xưa vốn dùng tiền kim loại. Khán giả thưởng tiền cho Xẩm bằng cách ném vào chậu, sẽ phát ra tiếng kêu. Dù Xẩm mù lòa không nhìn thấy gì nhưng cũng biết rõ mình được trả thù lao nghệ thuật như thế nào. 1 đồng, 2 đồng hay bao nhiêu, Xẩm nghe tiếng tiền rơi vào chậu để rồi thêm phần hứng khởi mà ứng diễn. Ở đây, việc sử dụng chậu thau đồng hứng tiền thưởng có thể xuất phát từ đặc điểm khiếm thị của Xẩm, nhưng cũng có thể là Xẩm học theo lệ hát thẻ của giáo phường Ca trù khi đi hát Cửa đình (?). Ở đó, đám đào kép cũng để chiếc chậu thau đồng phía sau lưng khi đàn hát trước điện thờ thành hoàng. Mỗi khi quan viên cầm chầu báo thưởng bằng cách gõ vào tang trống cái, quan viên đánh cồng sẽ gõ theo một tiếng phụ họa để người cầm bỏ thẻ (trù) ném 1 chiếc vào chậu. Cứ thế, đào kép vừa đàn hát mà vẫn có thể biết mình đã… kiếm được bao nhiêu! Bởi theo thông lệ xưa, mỗi thẻ được tính rất cụ thể theo giá trị tiền bạc hay vật phẩm tùy theo quy định ở từng cửa đình. Như vậy, đào kép Ca trù thì nghe tiếng thẻ tre, còn Xẩm thì nghe tiếng tiền kẽm, tiền xu quăng vào chậu. Điểm tương đồng này giữa Xẩm với một loại hình diễn xướng có vị trí cao trong xã hội xưa như Ca trù quả là điều lý thú!



Trải quá trình mấy trăm năm hình thành và phát triển, Xẩm đã thực sự tạo dựng được chỗ đứng vững chắc trong nền âm nhạc dân tộc cổ truyền Việt Nam với những dấu ấn không thể phai mờ. Sự đóng góp to lớn vào kho tàng nghệ thuật dân tộc của những nghệ sĩ khiếm thị là điều đã được khẳng định. Với tính chuyên nghiệp đặc thù, số phận của những nghệ sĩ Xẩm phụ thuộc hoàn toàn vào đời sống xã hội. Nhưng cái nghiệp cầm ca lang thang đầu đường góc chợ chẳng bao giờ thay đổi được số phận. Xẩm luôn được liệt vào tầng lớp dân nghèo, quanh năm sống bằng tiền thưởng tự nguyện của đám đông khán giả, kiếm đủ miếng ăn là đã may mắn lắm. Không nghe ai nói Xẩm sống sung túc bao giờ. Nước nổi bèo trôi, gặp thời loạn lạc giặc dã, hay gặp lúc thiên tai mất mùa, Xẩm bao giờ cũng là tầng lớp gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Trong lịch sử, nạn đói năm Ất Dậu- 1945 chính là thời kỳ đau thương nhất, đã xóa sổ rất nhiều nhóm Xẩm trên khắp các vùng miền từ thành thị đến nông thôn. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, những nghệ sĩ còn sống sót từ khắp nơi mới lại lần mò tập hợp hành nghề trở lại. Sau giải phóng thủ đô 1954, người ta chứng kiến một đợt hoạt động rầm rộ cuối cùng của Xẩm. Đó là những tiếng hát Xẩm chống di cư ở những vùng duyên hải. Đây là những nghệ nhân Xẩm tài hoa của Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Ninh Bình… được chính quyền tập hợp, sắp xếp sáng tác những bài ca chính trị kêu gọi lòng yêu nước, khuyên nhủ người dân bám trụ lại miền Bắc XHCN. Thế nhưng sau đó, do quan niệm “muốn giúp Xẩm tránh khỏi cuộc sống lang thang vất vưởng” nên người ta đã không khuyến khích Xẩm hành nghề. Hầu hết các nghệ nhân được tập hợp vào Hội người mù Việt Nam- thành lập năm 1969. Ở đó, họ được chuyển nghề sang những hợp tác xã thủ công đan lát, làm tăm tre, bện chổi rơm… Nghề Xẩm chính thức “đóng cửa” từ đó. Các bậc nghệ nhân tài danh dần bước vào tuổi xế chiều, toàn bộ vốn liếng nghề nghiệp dần theo họ về bên kia thế giới, chỉ còn lưu lại phần nào ở kho tư liệu của các nhà nghiên cứu tâm huyết. Đây đó còn vang vọng vài bài ca sót lại trên sóng phát thanh hay trên sân khấu Chèo.

Hà Thị Cầu (1928 - 2013)
Mãi đến giữa thập niên 90, người Hà Nội mới lại được chứng kiến nghệ thuật Xẩm đích thực qua tiếng hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu (Ninh Bình) trong các đợt liên hoan dân ca được tổ chức tại Thủ đô. Từ đó đến nay, ngày càng nhiều người quan tâm hơn đến bộ môn nghệ thuật đặc sắc này. Một số nghệ sĩ chèo, ca múa nhạc dân tộc cũng tổ chức học nghề và lập chiếu Xẩm mới mô phỏng Xẩm cổ truyền, diễn ở chợ đêm Đồng Xuân và đình Hào Nam (Đống Đa- Hà Nội). Vào đầu năm 2008, Lễ giỗ Tổ nghề Xẩm cũng được phục dựng, nhưng dưới dạng trình diễn sân khấu hóa ở Văn miếu Quốc tử giám, những mong chắp nối được vài mảnh vỡ của quá khứ./.

Bùi Trọng Hiền

(Bài đã in trong tập sách “1000 năm âm nhạc Thăng Long- Hà Nội”, NXB Âm nhạc, Hà Nội - 2010, quyển 2: Nhạc cổ truyền)

--------------

[1] Cũng có nơi gọi là hoàng tử Ác và Thiện.

[2] Hiện nay vẫn chưa hiểu tại sao Xẩm lại có thể làm Lễ giỗ Tổ vào một trong hai ngày như vậy? Hẳn ngày giỗ Tổ ở đây chỉ là một mốc thời gian mang tính ước lệ, nhằm dịp Xuân sang ấm áp hay tiết thu mát mẻ, thuận tiện cho việc hội họp.

[3] Chưa nghe nói chuyện các quan binh nhà Nguyễn hay mật thám thực dân Pháp bắt bớ những trường hợp Xẩm hát những bài ca có nội dung như vậy. Cũng có thể Xẩm được bỏ qua, nhưng cũng có thể các bài ca được diễn xướng ở từng thời điểm nhất định trong từng khu vực giới hạn.

[4] Trần Việt Ngữ, Hát Xẩm, NXB Âm nhạc, Hà Nội- 2002, tr.8.

[5] Bức chạm tại đền Tam Lang- Ích Hậu, Can Lộc, Hà Tĩnh.

[6] Phạm Đình Hổ, Vũ trung tùy bút, NXB Trẻ, Hội NCGDVH tp.HCM, 1989, tr.46.

nguồn: tranquanghai.com
(các video là tự thêm vào, vừa đọc bài vừa nghe hát cho vui)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)