Sắp tết, đọc lại một bài viết cũ của nhà văn Vương Trí Nhàn
Chuyện lì xì ngày Tết
Vương Trí Nhàn
(..)
Anh A mào đầu kể, mấy ngày tết đi chúc tết đã mệt nhoài, tối nào về cũng có một
việc phải làm là quản tiền mừng tuổi mà đứa con trai anh đã nhận hôm ấy. Rồi
ra, đây cũng là việc mà tết xong anh phải lo tổng
kết và lên kế hoạch đối phó với nó khá tỉ mỉ.
-- Sao lại căng thẳng đến thế ?-- tôi hỏi lại.
-- Trẻ con giờ khôn lắm, nó biết đấy là dịp trời cho, tiền kia là tiền của nó,
mình không thể muối mặt đòi lại nó được. Sẽ được tùy nghi tùy tiện, muốn làm gì
thì làm. Được phiêu lưu trong hư hỏng… Thật chẳng khác gì người ta -- không cần
biết con mình còn vụng về thế nào -- đưa cho con mình con dao sắc, bố mẹ có gỡ
mãi cũng không nổi.
Chỉ còn có cách an ủi là nghĩ rằng trước đó mình cũng đã tham
gia vào việc trao con dao sắc cho con người khác nghịch chơi. Trách ai được nữa.
Anh B kể về một nỗi khó xử khác:
-- Có lần đến một nhà quen, đôi bên mừng tuổi con cái. Tôi cứ theo thói quen
đưa cái bao sắp sẵn hai mươi ngàn, nghĩ là lì xì trẻ lấy lệ. Nhưng về hỏi con mới
biết hôm ấy con tôi được anh bạn lì xì một trăm ngàn. Tự nhiên cảm thấy như mắc
một món nợ. Vợ tôi thì bảo thôi rút kinh nghiệm sang năm phải tìm hiểu trước,
xem bạn bè mình năm vừa qua làm ăn thế nào sẽ lì xì cho con mình bao nhiêu để
mà ra đòn tương tự, chứ không lại mang tiếng là bủn xỉn.
Anh C tiếp tục trở lại khía cạnh tiền làm hư trẻ:
-- Chưa nói chuyện tiêu vung cả lên sau, -- ngay lúc nhận tiền, ở đứa trẻ
lập tức hình thành một thái độ. Hễ ai cho nhiều tiền thì đó là người tử tế đàng
hoàng, ngược lại thì đó là người kém cỏi nếu không muốn nói là tồi tàn, bất lịch
sự, không biết cách cư xử. Đồng tiền mừng tuổi trở thành yếu tố quyết định
trong việc đánh giá con người của chúng, đã đáng sợ chưa? Phần lớn trẻ hiện nay
cư xử như tôi vừa kể. Nội cái việc cỏn con này, đã chứng tỏ chúng ta vụng
về và vô nguyên tắc vô trách nhiệm thế nào trong việc đối xử với cái thế hệ tương lai mà lúc nào ta
cũng lo lắng.
(..)
Để sang một bên việc mừng tuổi đối tượng làm ăn để ra giá, để mặc cả, để
hối lộ, và mừng tuổi người lạ để khoe của ngạo đời, -- hãy nói mối quan hệ
hàng ngày giữa những người công nhân viên chức lao động bình thường. Việc mừng
tuổi tràn lan vô tội vạ hiện nay chính là một bằng chứng của việc con người
không đủ sức kiểm soát nổi các hành động của chính mình. Ta tưởng ta làm việc tử
tế với người khác. Hóa ra ta đẩy đối tượng của mình vào một tình thế hết sức
khó xử. Ta muốn tỏ ra yêu thương con bạn nhưng làm thế là nối giáo cho giặc,
đánh thức cái phần hư hỏng trong đứa trẻ. Làm một việc dễ dẫn đến hiệu quả tai
hại – trong nhiều trường hợp phải gọi là một việc xấu -- mà lại cứ đinh ninh là
làm việc tốt và vênh vang tự hào vì điều đó.
Không tiền thôi cứ ở nhà
Trả lờiXóaTrong mấy ngày tết chẳng qua nhà người
Khỏi ai trách, khỏi ai cười
Khi nào phát đạt bằng người...lại vui !