6/6/14

Libertango, bản tuyên ngôn dòng nhạc tango mới. RFI

Bài viết của Tuấn Thảo, RFI


Với hơn 600 phiên bản ghi âm khác nhau, bản nhạc Libertango là bài hát giúp cho trường phái "tango mới" nổi danh trên khắp thế giới. Phong trào này do nhạc sĩ phong cầm Astor Piazzola sáng lập vào giữa những năm 1960. Đúng một thập niên sau đó, tập nhạc Libertango thành công rực rỡ vang dội, dìu thể điệu tango nuevo bước vào một kỷ nguyên mới.

Tập nhạc Libertango do nhạc sĩ Astor Piazzola sáng tác và ghi âm vào năm 1974 tại thành phố Milano. Nhân một vòng lưu diễn châu Âu, tác giả người Argentina triệu tập 12 nghệ sĩ trong phòng thu thanh để hoàn tất 8 bản nhạc mà ông vừa sáng tác.

Libertango là một tập nhạc khái niệm (album concept), nội dung dựa trên một ý tưởng chủ đạo, ngẫu hứng tuôn trào theo tiếng đàn phong cầm bandoneón biến tấu dạt dào. Còn về mặt hình thức, mỗi khúc nhạc dùng cách ghép chữ để diễn đạt những trạng thái tâm hồn của tác giả.



Được trích từ album cùng tên, bản nhạc chủ đề Libertango (hiểu theo nghĩa Tango Tự do) tiêu biểu cho cuộc hành trình đầy thử nghiệm sáng tạo của Astor Piazzola, trong việc cách tân sâu rộng truyền thống tango của quê nhà thành một thể điệu hoàn toàn mới.

Tác giả này không chỉ chuyển thể cấu trúc nhịp điệu, mà còn hợp tác với nhiều nhà thơ tên tuổi (như Jorge Luis Borges hay Horacio Ferrer) để tạo ra một ngữ vựng khác trong cách dùng ca từ và hình tượng cho các bản tango có đặt lời của ông.

Bài Libertango phát hành vào năm 1974 ban đầu là một khúc nhạc không lời. Ca từ tiếng Pháp được đặt đúng một năm sau thành nhạc phẩm Moi Je suis Tango. Lời tiếng Anh do Barry Reynolds sáng tác cho bài I’ve Seen That Face Before (hiểu theo nghĩa gương mặt trông rất quen).



Ca sĩ Grace Jones ghi âm bài này vào năm 1981, trong nhiều thứ tiếng kể cả tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha là Esta Cara Me Es Conocida, kết hợp tango mới với điệu reggae của hải đảo Jamaica, mở đường cho nhiều nghệ sĩ khác, trong đó có Richard Galliano, Kirsty MacColl hay nhóm Gotan Project, ghi âm lại bài này.

Tác giả Astor Piazzolla (1921-1992) xuất thân từ một gia đình người Ý nhập cư. Ông sinh ra tại vùng Mar del Plata, nằm cách thủ đô Buenos Aires 400 km về phía nam. Năm lên ba, ông theo bố mẹ (Vicente Piazzolla và Asunta Manetti) sang thành phố New York sinh sống trong vòng 15 năm.

Trong gia đình, thân phụ của Astor Piazzolla tuy không phải là một nghệ sĩ nhưng lại rất say mê điệu tango, cho nên ông bố mới mua cho cậu con trai một chiếc đàn phong cầm bandoneón, khi Astor mới lên tám. Theo lời kể của chính tác giả, thì ông rất thất vọng khi nhận được chiếc đàn phong cầm. Ông muốn có một chiếc kèn saxo, vì rất mê nhạc jazz chứ không hề thích tango.

Trong những năm đầu, cậu bé học đàn phong cầm chỉ để làm vừa lòng ông bố. Cho đến một ngày kia, cậu bé Astor trong lúc đang học bài bỗng nghe một khúc đàn của Bach từ dưới sân nhà vọng về bên cửa sổ. Hoá ra, người đang chơi nhạc ở căn hộ tầng chệt là nghệ sĩ dương cầm Bela Wilda, từng là học trò của nhà soạn nhạc Rachmaninoff. Nghe quá hay, cho nên Astor mới xin học thêm đàn piano với nhà sáng tác trẻ tuổi.



Vào năm 15 tuổi, Astor Piazzolla theo gia đình trở về Argentina (1936). Sau khi học xong tú tài, ông thành lập ban nhạc đầu tiên tên là Cuarteto Azul, bắt đầu đi tìm một cách diễn đạt mới trong cách chơi tango. Vào thời đó, thủ đô Buenos Aires đầy dẫy các quán nhạc phòng trà. Thể điệu thịnh hành nhất tại các vũ trường milonga chính là điệu nhạc tango truyền thống.

Chính trong giai đoạn này mà Astor làm quen với nhạc sĩ Aníbal Troilo, và học nơi bậc đàn anh lối sáng tạo một phong cách khác biệt khi kết hợp tango với jazz, thay vì đơn thuần tuân thủ cấu trúc của bản nhạc, cả hai tìm cách sắp xếp lại giai điệu một cách tinh tế, tạo ra một sự đối đáp tung hứng bất thường giữa các tay đàn độc tấu với dàn nhạc họa xướng.

Astor Piazzolla đeo đuổi con đường này trong vòng nhiều năm trời, thử nghiệm sáng tạo với nhiều ban nhạc khác nhau. Vào năm 33 tuổi, ông nhận được một học bổng để sang Paris tu nghiệp trong vòng ba năm. Thầy của ông lúc bấy giờ là nhạc sư nổi tiếng Nadia Boulanger. Ngoài việc dạy nhạc lý, bà Nadia còn chỉ dẫn cho Astor Piazzolla cách định hình tất cả những gì ông đã linh cảm trước kia trong những lúc mò mẫm sáng tác.


Giai đoạn này trở nên then chốt cho sự nghiệp sáng tác của ông. Một khi trở về Achentina, Astor Piazzolla sáng tạo ra thể loại Tango Nuevo, còn được gọi là tango đương đại, nâng dòng nhạc này lên đến một tầm cao hơn : uyên thâm nhưng không khô khan khó hiểu, bác học mà vẫn mềm lòng lọt tai.

Đối với một nghệ sĩ mà cả đời dành trọn cho tango, thì tác giả Astor Piazzolla thành công khá muộn màng. Đĩa hát đầu tay ông ghi âm vào năm 34 tuổi, tức là ngay sau cái khoảng thời gian đi du học tại Pháp. Cho dù ghi âm hơi trễ, nhưng ông lại không thành công ngay lập tức, mà chỉ bắt đầu nổi tiếng từ giữa những năm 1960 trở đi. Có ý kiến cho rằng, Astor Piazzolla thành công hơi chậm chủ yếu cũng vì ông đã gặp khá nhiều chỉ trích ngay tại quê nhà.

Những người yêu thích thể điệu tango truyền thống chê bai rằng, khi đưa đàn bass và ghi ta điện vào trong dàn nhạc, và khi dung cách biến tấu ngẫu hứng như nhạc jazz, thì dòng nhạc của Piazzola không còn là nhạc tango nữa. Nhưng nói như vậy thì chỉ đúng có một nửa : Astor Piazzola tuy phá cách nhịp điệu, đập vỡ khuôn thước, nhưng ông vẫn giữ được cái hồn, cái cốt của tango.

Một điều quan trọng khác nữa là khi cộng tác với các tác giả trứ danh, khi thì phổ thơ thành nhạc, lúc thì đặt lời cho điệu tango mới, Astor Piazzola tìm cách cởi trói các ràng buộc của dòng nhạc truyền thống, lột bỏ những hình tượng sao mòn gắn liền với vũ điệu tango.


Theo quan niệm của tác giả Astor Piazzola, bình dân không có nghĩa là rẻ tiền, thể điệu tango tự nó đã là một ngôn ngữ, cách đặt ca từ không cần phải rập khuôn, không rườm rà kiểu cách trong lối tu từ, lời hát quan trọng không những trong hình tượng mà còn nổi bật nhờ âm sắc liền mạch giai điệu.

Trong số những giai điệu để đời của ông, có những bài như Vuelvo al Sur (Trở về miền Nam), lời của Fernado Solas, La Utima Grela (Bóng hình cuối cùng) của nhà thơ Horacio Ferrer, hay là Tango Apasionado (Tango đam mê), nhạc chủ đề của bộ phim Happy Together (Hạnh phúc bên nhau) của đạo diễn Vương Gia Vệ … Xét trên nhiều phương diện, ca khúc chủ đề cũng như tập nhạc Libertango giống như bản tuyên ngôn của Astor Piazzola trong cuộc hành trình thử nghiệm tìm tòi xuyên suốt tháng năm.

Libertango kết hợp hai chữ libertad và tango để diễn đạt cái ý tưởng phóng khoáng tự do trong lối sáng tác làn điệu đa tầng, phức hợp đa âm. Một cách tương tự, Tristango là nỗi buồn âm thầm vương vấn khúc nhạc phong cầm, Undertango thổn thức tiềm ẩn những mạch nước ngầm. Còn Violentango rực lửa bùng cháy sự mãnh liệt nội tâm



LIBERTANGO 2013 ® TUAN THAO
(18:05)


2 nhận xét:

  1. Cái này rất thú vị!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái mới thường thú vị mà. Chả thế mà các bà các cô hết duỗi lại uốn, hết nhộm vàng lại nhuộm đen :d

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)