2/8/15

Nụ hôn đầu



The Kiss (1931) tranh Picasso

Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang

Nghe Thế Ngữ nói chuyện về bài thơ Nụ Hôn Đầu của Trần Dạ Từ trong một chương trình Âm Thanh & Ngôn Từ phát trên VOVN Houston tháng 6/2003



Nguyên tác bài thơ

Nụ Hôn Đầu

Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
Nghìn cây phượng vỹ huy hoàng trổ bông.
Trên môi ta, vạn đóa hồng
Hôn em trời đất một lòng chứa chan
Tiếng cười đâu đó ròn tan
Nụ hôn ngày ấy miên man một đời
Hôm nay chợt nhớ thương người
Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.

                       (Thủa Làm Thơ Yêu Em)

Bài thơ đã được Phạm Duy phổ nhạc. Nghe Julie Quang ca và đọc thêm vài bài thơ của Trần Dạ Từ




Khi Em Mười Sáu

Cho tôi xin nửa bóng trăng ngoài
Với nửa mùa thu trong mắt ai
Lá rụng bao nhiêu hè phố cũ
Sao nghe lòng rưng rưng nhớ người.

Đêm biếc cành xoan, đỏ giấc mơ
Đầu hiên hoa trắng nở bao giờ
Em mười sáu tuổi, trăng mười sáu
Áo lụa phơi buồn sân gió xưa.

Tôi dối lòng tôi đêm sắp tàn
Đêm tàn để lạnh giấc mơ em
Để bàn tay gối sầu trên ngực
Và gió thu đầy trong mắt trăng.

Tôi nhủ lòng tôi trăng sắp mờ
Trăng mờ em sẽ thấy bơ vơ
Sẽ thương cho những con đường cũ
Và nhớ bao nhiêu lối hẹn hò.

Nhưng hẳn là em không nhớ đâu
Giấc mơ còn mát ánh trăng sầu
Hoa còn thơm tuổi đời trên má
Mùi áo còn say muôn kiếp sau

Lòng nhớ, lòng thương, lòng ngại ngùng
Bây giờ tôi cách núi xa sông
Bài thơ từ thuở trăng mười sáu
Mười sáu trăng chờ em biết không

Tôi dối lòng tôi bao nhiêu lần
Bao nhiêu lần trăng vẫn là trăng
Lòng nhớ, lòng thương, lòng sắp khóc
Đêm chưa tàn đâu, đừng nói năng.


Mộng Đời

Hoa và trái một đêm nào thức dậy,
Nghe mộng đời xao-xuyến giấc xuân xanh
Con đường đó một đêm nào trở lại
Cùng gío mưa phùn trên cánh tay anh

Hoa bỗng nở và trái sầu bỗng chín
Tim xa-xưa còn đó chút trông-chờ
Màu thơ dại vẫn tươi màu kỷ-niệm
Bóng cây nào ôm mãi mắt hư-vô

Tháng giêng đó, anh mỉm cười bước tới
Khi yêu em tay cũng mở như lòng
Môi Thần-Thánh biết gì đâu tội-lỗi
Lối đi nào ngây-ngất bước song-song ?

Anh sẽ nhắc trong những tàn phai ấy
Đêm hoàng-lan thơm đến ngọt vai mình
Ai sẽ biểu trong một lần trở lại
Hoàng-lan xưa còn nức-nở hồn anh

Tháng Giêng hết thôi giận hờn đã muộn
Khi xa em, vai mới biết đau buồn
Tơ gấm biếc nào nâng từng bước chậm
Trả giùm tôi về những dấu chân chim

Hoa và trái đêm nay đây thức dậy
Ôi mộng đời em hiểu chữ xuân-xanh
Con đường đó đêm này đây trở lại
Cùng gíó mưa phùn buốt cánh tay anh ...


*

Bài bình của Nguyễn Hưng Quốc mà Thế Ngữ đã dẫn trong bài nói chuyện:

Đọc thơ “Nụ hôn đầu”


      “Nụ hôn đầu” là một trong những bài thơ tình hay của Trần Dạ Từ. Nó vượt qua hai thử thách cực lớn: thơ tình và là thơ tình được viết bằng thể lục bát.

      Bài thơ được mở đầu bằng một khung cảnh tuyệt đẹp:

          Lần đầu ta ghé môi hôn
          Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
          Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng
          Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông.

     Vừa là ngoại cảnh vừa là tâm cảnh. Ngoại cảnh: nơi nhà thơ, lần đầu tiên trong đời, cúi xuống hôn lên đôi môi một người con gái, là dưới những tàng phượng vĩ huy hoàng, trong khu vườn xanh, trên bãi cỏ biếc và giữa buổi trưa vàng nắng. Chung quanh hai người, những tiếng ve kêu rộn rã.

      Nhưng ngoại cảnh ấy cũng chính là tâm cảnh, hay có khi, chỉ thuần là tâm cảnh. Những màu sắc rực rỡ kia chính là tâm trạng ngây ngất yêu đời của một thanh niên bắt đầu yêu người. Và cả tiếng ve nữa. Không nhất thiết phải là tiếng ve kêu thật. Có khi chỉ là những tiếng ngân xôn xao của một trái tim đang rạo rực tình yêu và hạnh phúc. Nhớ thơ Huy Cận, ngày xưa:

          Hồn em đây đủ muôn ánh nghê thường
          Anh hãy bận hồn em màu sáng chói
          Anh có biết, hôm nay là ngày hội
          Của lòng ta. Em trần thiết, trang hoàng.

      Dù là ngoại cảnh kết hợp với tâm cảnh hay chỉ là tâm cảnh, đoạn thơ trên của Trần Dạ Từ cũng phác hoạ lại một sự thực đã thuộc về quá khứ xa xăm.

      Đoạn thơ thứ hai bắt đầu pha trộn giữa quá khứ và hiện tại, giữa cái thực và cái ảo:

          Trên môi ta, vạn đoá hồng
          Hôn em trời đất một lòng chứa chan
          Tiếng cười đâu đó ròn tan
          Nụ hôn ngày đó miên man một đời.

      Hai câu trên là ảo giác lúc hôn. Hai câu dưới là ảo giác sau khi hôn. Cái có thật là hương vị hạnh phúc vẫn còn ngọt ngào trên đôi môi nhà thơ.
Đến đoạn thứ ba, hoàn toàn là hiện tại nhưng tất cả lại là hư ảo:

          Hôm nay chợt nhớ thương người
          Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh
          Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh
          Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.

      Hư ảo vì mất mát. Mất mát vì xa cách. Người con gái được tác giả gọi là “em” ở đoạn thơ thứ hai, đến đây, biến thành “người”, “nhớ thương người”, một cách bâng quơ và mơ hồ. Một hình dáng cụ thể đã bắt đầu nhạt nhoà trong cái ý niệm “người” trừu tượng ấy. Người con gái của mối tình đầu đã bị tan chìm trong thế giới lấp lánh kỷ niệm của một thời đã qua.

      Rồi “môi hôn” biến thành “môi ai”. Môi đã lìa khỏi môi để đậu trên từng chùm phượng vĩ.

      Câu thứ ba của đoạn thơ này hoàn toàn giống câu thứ ba của đoạn thơ thứ nhất, chỉ có một chi tiết nhỏ thay đổi: “Trưa vàng” ở vị trí cuối câu được đẩy lên vị trí đầu câu. Lý do đầu tiên chắc chắn là vấn đề hiệp vần. Nhưng có lẽ đó không phải là lý do duy nhất.

      Thử so sánh hai câu trên mà xem. Có sự khác biệt khá xa trong nhạc điệu. “Vàng” và “xanh” đều là âm bằng. Nhưng “vàng”, với dấu huyền, thành nặng hơn, trầm hơn. Tưởng tượng câu thơ “Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh” là một đòn cân. “Trưa vàng” hơi trĩu xuống, gần mặt đất. “Vườn xanh” nhẹ thênh, bay bềnh lên cao, xa ngoài tầm tay.

       Ở vị trí đầu câu, “trưa vàng”, do đó, có âm hưởng lắng hơn. Nó không còn là buổi trưa nắng vàng cụ thể nữa. Ngờ như nó đã trở thành một thời khoảng trong đời người, cái thời khoảng, từ đó, nhà thơ nhìn lại, ngậm ngùi nhớ và tiếc kỷ niệm “cỏ biếc, vườn xanh”, hay nói cách khác, kỷ niệm “biết yêu người thuở mười lăm”, như một câu thơ khác, cũng của Trần Dạ Từ.

      Hư ảo vì mất mát. Nhưng hư ảo cũng còn là vì nhà thơ không đành tâm với sự mất mát. Ông cố níu giữ cái mà ông vĩnh viễn không còn. Người con gái không còn. Nụ hôn không còn. Thì nhà thơ giữ lại những tiếng ve kêu, những chùm phượng đỏ. Tiếng ve và hoa phượng là sự thực, đang trong hiện tại, hoàn toàn cụ thể, thế nhưng, tất cả đều bị nhà thơ ảo hoá trong cái thế giới kỷ niệm của riêng ông. Tiếng ve hiện tại thành “tiếng ve mùa cũ”. Cành phượng bây giờ thành những “cành phượng xưa”.

      Mất mát, nhớ tiếc và ảo hoá hiện thực thành kỷ niệm: đó là ba nét nổi bật nhất trong dòng thơ về tình yêu và tuổi trẻ của Trần Dạ Từ. Những bài thơ khác nhau về đối tượng, về giọng điệu vẫn gặp gỡ nhau ở một điểm chung. Là mất mát trong cuộc sống. Là nhớ tiếc trong tâm hồn. Và là ảo hoá thành kỷ niệm trong động tác thơ:

          Lá rụng bao nhiêu hè phố cũ
          Sao nghe lòng rưng rưng nhớ người
         (Khi Em Mười Sáu)

Nguyễn Hưng Quốc
(cop lại từ blog Phố núi và bạn bè)

ref: Trần Dạ Từ - Người đi qua đời tôi, Phạm Đình Chương phổ nhạc

17 nhận xét:

  1. Thế mà em lại thấy nụ hôn mang những âm thanh ồn ào không chịu nổi.
    Ai đời hôn hít lần đầu run thí cụ nội mờ ve kêu làm giật hết cả mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mà anh minh họa cái hình trên đầu bài nhìn ghê quá à.

      Xóa
    2. uh, còn thấy ve hết hồn kêu vang thì chắc hôn mà mở mắt rồi. :d
      p/s Người đàn bà trong tranh như đang muốn nuốt chửng bạn tình, hẳn thuộc cung bò cạp. Hôn dữ dội thế này chắc ko thể là nụ hôn đầu,

      Xóa
  2. Ý em là đang mùi mẫn say sưa mà cái bọn ve sầu thì kêu ác lắm, giật cả mình ấy chứ.
    Còn cái hình thì thôi rồi, nhìn thấy thôi đã nổi hết da gà, mà anh nhìn sao hay ghê ta, nhìn ra đàn bà đàn ông hay ghê á.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. thì đấy, đang lúc ấy mà còn thấy được ve hoảng hồn kêu vang thì rõ là chưa say sưa, mắt ko nhắm ..
      hoặc nếu say sưa thật thì cài chuyện con ve hoảng hồn kêu vang là tưởng tượng của anh chàng khi ngồi nhớ lại .. Hay nói như NHQ, là trong tâm cảnh.

      còn cái hình thì dễ phân biệt mà - cô gái đang tựa cằm trên hai quả đào tròn vo . :d

      Xóa
    2. Ôi dào, anh có nhầm không, ve kêu - nghe, chứ không phải thấy, nghe thì liên quan gì nhắm mắt hay mở mắt?
      Ông Picasso nghe anh nói chắc đội mồ sống dậy vì sự tưởng tượng quá phong phú của anh. Cái cằm nào tựa được lên hai quả đào hả giời?

      Xóa
    3. Hehe Chim thì chỉ có mỏ chuyên dụng để mổ thui. chứ có môi đâu mà hun với hít hehe

      Xóa
    4. em chú ý cụm từ "hết hồn" nằm trước cụm từ "kêu vang" nhé. ve hết hồn nên kêu vang. Muốn biết nó hết hồn, thất sắc, mặt mày tái xanh, tay chân run lẩy bẩy, hơi thở phì phò .. đại khái thế thì phải mở mắt nhìn chứ.

      *
      xem tranh Picasso em đừng ngạc nhiên nếu thấy hai quả đào nằm dưới cằm. Với ông, chúng có thể nam92 bất cứ đâu - trên đầu, sau lưng, dưới bụng hoặc biến mất.
      Trở lại bức tranh này nhé.
      http://4.bp.blogspot.com/-FpmsusmxdkU/VZoEuO7d06I/AAAAAAAANMo/EOqtNd5B9qM/s320/by-the-sea-the-kiss-1931.jpg
      Em xem hai người giống như hai con bọ ngựa ko ? và em nhớ chuyện bọ ngựa cái ăn bạn tình ngay sau khi vừa xong ? và em cũng xem kỹ lại cái miệng người đàn bà có giống cái yoni, còn bên kia cái lưỡi người đàn ông thì giống cái gì nhỉ :d. Bức tranh siêu thực, với ẩn dụ về nghịch lý cuộc sống và cái chết. Vì thế nên ko có gì ngạc nhiên khi bình sữa, tượng trưng cho cuộc sống, được Picasso đưa hẳn ra, làm nổi bật.

      Xóa
    5. Nói thêm, bức tranh trên trong nhiều bộ sưu tập thấy ghi têh là Figures at the seaside. Anh lưu trong máy và nhớ nhầm là The Kiss. Kiểm tra lại thì The Kiss được Picasso sáng tác năm 1969. cùng nằm trong series tranh về các bãi biển gợi tình kì lạ

      http://www.pablopicasso.org/images/paintings/the-kiss.jpg

      Xóa
    6. Haiza, nói lòng vòng vẫn không biết đàn ông đâu, đàn bà đâu trong bức tranh seaside.
      Em phải nể sự tưởng tượng của anh, dù không biết có đúng dụng ý của ông Picasso không thì chưa rõ.
      Tranh luận vẫn phải có lý, có cơ sở à nha.

      Xóa
    7. @ Bạn Trâu, hơm có được nói bạn mỏ nọ mỏ kia nha.
      Lớn òi không thít dìm hàng vại âu.

      Xóa
    8. xem tranh, đọc thơ .. cần gì phải biết đúng hay không đúng dụng ý của tác giả hả em ? Cái quan trọng là bức tranh, bài thơ gợi cho mình cái cảm xúc gì, suy nghĩ nào .. Những cảm xúc, suy nghĩ ấy thường thì mỗi người mỗi khác - khác nhiều ít là do vị trí mỗi người tạo nên những góc nhìn khác nhau. Nếu có gì thiếu cơ sở em cứ chỉ ra, anh luôn luôn lắng nghe, dù có thể ko phải luôn luôn thấu hiểu.

      Xóa
    9. ''Cần gì phải biết đúng hay không đúng dụng ý của tác giả" - có lẽ vậy.

      Xóa
    10. 1. Thật ra muốn biết đúng hay ko dụng ý tác giả cũng ko được, kể cả tác giả - bởi tác giả sáng tác không chỉ bằng ý thức.

      2. Tác giả bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình thông qua các chi tiết (nét vẽ, bố cục, cụm từ, giai điệu ..). Những chi tiết này gợi lên trong trí người xem / người nghe những cảm xúc, suy nghĩ không nhất thiết khác với tác giả. Khi chúng giống nhau thì đấy là trường hợp được gọi là tri âm. Ko thiếu gì trường hợp người đọc hiểu tác phẩm sâu hơn tác giả, khám phá ra những điều mà bản thân tác giả ko ý thức khi sáng tác.

      3. Dĩ nhiên có trường hợp cảm xúc, suy nghĩ của người xem / người đọc khác với tác giả. Thậm chí đây là phần nhiều (tri âm bao giờ chẳng hiếm?). Điều này dễ hiểu - giữa họ có sự khác biệt về kinh nghiệm, tri thức, .. Sự khác biệt càng nhiều, độ chênh càng lớn.

      Lấy ví dụ với bức tranh At the seaside của Picasso. Từ chi tiết cánh tay người đàn bà được vẽ như cái càng bọ ngựa, dễ khiến người xem liên tưởng đến chuyện bọ ngựa ăn thịt bạn tình, từ đó nhìn ra cái lưởi người đàn ông là linga, và dĩ nhiên tiếp theo cái miệng người đàn bà là hình ảnh của yoni .. Những liên tưởng này là dựa trên những cơ sở rõ ràng (nét vẽ, kiến thức, .. ). Sẽ là bệnh hoạn nếu ko dưng (nói ví dụ) nhìn miệng em mà lại nghĩ bậy bạ gì đó

      Xóa
    11. lưỡi, sorry

      Xóa
    12. nghĩ bậy ba khi nhìn miệng em - bậy bạ gì ạ?
      Miệng em trông giống một cái gì bậy bạ hay sao?

      Xóa
    13. ah không, miệng em như là hoa hihi

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)