20/12/18
Vu Thanh An. Tình thư thứ mười bốn
Lòng người như lá úa trong cơn mưa chiều
Nhiều cơn gió cuốn xoay xoay trong hồn
Và cơn đau này … vẫn còn đây!
Em yêu dấu,
Em từng hỏi anh: “Nguyên do nào khiến anh bước chân vào con đường nghệ thuật và tại sao anh viết ra những bản tình ca buồn đến thế?”.
Để trả lời câu hỏi của Em, Anh xin nói thế này: “Anh nghĩ đó chính là tặng phẩm quý giá mà Tạo hóa đã ban tặng cho anh!”. Anh không hề theo học ở trường âm nhạc chuyên nghiệp nào. Gia đình anh cũng không phải gia đình làm nghệ thuật. Ông nội anh chỉ là một nông dân chất phác. Cậu anh cũng không phải là một nghệ sỹ nhưng ông ấy rất yêu nghệ thuật. Ông biết làm thơ và đặc biệt rất mê âm nhạc! Giọng hát làm mê hoặc ông chính là của ca sỹ Thanh Thúy. Do vậy, khi anh chưa được 10 tuổi, ông đã mua cho anh cây đàn Mandoline và anh đã mò mẫm tự học chơi chiếc đàn này từ hồi đó. Sau này khi học Trung học, anh có được học những giờ Âm nhạc do thầy phụ trách là nhạc sỹ Chung Quân như anh đã kể.
Khi còn nhỏ tên anh là Vũ Thành. Đến khi vào Nam năm 1954, Cậu anh đi làm Giấy khai sinh lại và đã thêm vào chữ An. Sở dĩ ông đặt như thế là vì ông muốn tên anh có thể đứng đầu trong mọi danh sách . Ông bảo: “Nếu con đi thi thì Cậu muốn được nghe tên con đầu tiên khi công bố kết quả!”. Cậu anh cũng muốn có con trai làm nghệ thuật nên ông đã đặt tên cho cậu em trai kế anh là Vũ Xuân Bính. Em có biết vì sao là Xuân Bính không ? Xuân Bính là ghép từ Xuân Diệu và Nguyễn Bính (vì ông rất mê thơ của hai nhà thơ này!). Cậu anh ở trong quân ngũ nên thường xuyên phải xa nhà. Nhưng ông luôn mang theo quân trang một máy Radio đèn điện tử hiệu Phillips do Hòa Lan sản xuất để nghe nhạc trên sóng phát thanh. Về sau này ông còn dùng thêm máy cassette băng từ để nghe nhạc nữa!
Hôm nào anh đi học về, chưa vào nhà mà nghe tiếng nhạc mở lớn từ bên trong vọng ra và đặc biệt là nghe giọng hát liêu trai của ca sỹ Thanh Thúy thì anh biết ngay là Cậu anh được về phép thăm nhà. Những hôm ấy nhà thật vui, thật hạnh phúc. Không chỉ Cậu anh thích giọng hát của ca sỹ Thanh Thúy mà phải nói hồi đó anh cũng rất mê Thanh Thúy nữa! Tuy nhiên anh may mắn hơn những người khác mà cũng có thể nói là “liều” hơn người khác là anh đã dám đến gõ cửa nhà thần tượng của mình để xin được gặp !
Năm 1960, lúc ấy ca sỹ Thanh Thúy đã là giọng hát ăn khách tại các phòng trà nổi tiêng ở Saigon! Trong khi đó anh chỉ là cậu học trò 17 tuổi mà lại dám đến gõ cửa nhà cô (lúc đó ở đường Cao Thắng) chỉ để tặng những ca khúc đơn sơ của mình. Vậy mà chị Thúy cũng vui vẻ tiếp và nhận những bản thảo của anh cho dù chị chưa bao giờ hát! Dẫu vậy, anh rất quý đức tính khiêm nhượng và sự bình dị của chị! Nổi tiếng nhưng không xa cách với mọi người. Và thật may mắn, sau này anh có dịp mời được ca sỹ Thanh Thúy cộng tác với anh trong các chương trình âm nhạc do anh thực hiện.
Đến năm 1965, anh đã bắt đầu con đường nghệ thuật của mình bằng bài hát Tình khúc thứ nhất, lời thơ Nguyễn Đình Toàn. Bài hát này đã được chính anh Toàn hát lần đầu tiên trong chương trình Văn học Nghệ thuật của Đài phát thanh Saigon, khi ấy nhạc sỹ Nhật Bằng là người đệm đàn guitare. Bài hát đã được nhiều người thích ngay từ lần đầu tiên được phát thanh qua làn sóng điện. Sau đó anh Toàn đã bàn với anh là cùng nhau làm Chương trình nhạc chủ đề và phân công trách nhiệm. Anh toàn chịu trách nhiệm viết Lời giới thiệu còn anh đứng tên Trưởng Ban có trách nhiệm mời ca sỹ, nhạc sỹ và điều hành việc thu âm chương trình cũng như làm bảng trả thù lao cho các em ca sỹ, nhạc sỹ tham gia. Thù lao khi đó có thể gọi là khá lớn, mỗi lần thu thanh ca sỹ và nhạc sỹ được trả như nhau là 200 đồng (lúc đó một tô phở giá 10 đồng).
Ca sỹ Lệ Thu là người đầu tiên hát Tình khúc thứ nhất trên Chương trình Nhạc chủ đề với phần đệm Piano phóng túng của nhạc sỹ Nghiêm Phú Phí (lúc đó ông đang là Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc Saigon). Giờ nhớ lại buổi thu âm hôm ấy, anh vẫn còn cảm nhận được sự xuất thần của ca sỹ Lệ Thu khi hát bài này! Chỉ với một lần thu âm duy nhất, Lệ Thu đã xuất sắc thể hiện được chất phiêu lãng của ca khúc bằng phong cách riêng rất độc đáo.
Chương trình Nhạc chủ đề được thu thanh vào trưa thứ Hai hàng tuần để phát vào lúc 10 giờ 15 mỗi tối thứ Sáu và phát lại vào lúc 1 giờ đêm Chủ nhật. Chương trình được nhiều thính giả theo dõi và gửi Thư yêu cầu. Về Ban nhạc phụ trách, ngoài nhạc sỹ Nghiêm Phú Phi còn có sự tham gia của các nhạc sỹ khác như Nhật Bằng, Nguyễn Hiền …, tiếng kèn Clarinet của nhạc sỹ Đỗ Thiều. Về ca sỹ tham gia, thường xuyên có cô Thái Thanh và các ca sỹ khác như Bạch Tuyết (em ca sỹ Mai Hương), ca sỹ Duy Trác … Về nội dung, mỗi tuần Chương trình giới thiệu về các tác phẩm của một nhạc sỹ hoặc giới thiệu một giọng hát hay.
Giữa năm 1965, anh có dịp lên Đà Lạt chơi và được nghe dòng nhạc tuyệt vời của một nhạc sỹ trẻ. Đó là nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, khi đó anh Sơn đang sống tại thành phố thơ mộng này. Khi trở về Saigon, anh đã bàn bạc với mọi người trong Chương trình. Sau đó, các anh đã liên tiếp giới thiệu các ca khúc Da vàng của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn trong hai Chương trình Nhạc chủ đề. Anh còn nhớ một cảm giác thảng thốt khi nghe ca khúc Ca dao Mẹ trong khi thu âm Chương trình. Có thể nói sau khi phát thanh Chương trình, nhiều thính giả tiếp nhận ca khúc Da vàng với thái độ khá rụt rè. Nhưng sau đó, Trịnh Công Sơn đã trở nên nổi tiếng rất nhanh chóng như Em biết.
Cuối năm 1965, anh có dịp mời ca sỹ Thanh Thúy tham gia Chương trình. Sau khi thu thanh xong cả nhóm đi ra quán trà gần Đài phát thanh để giải khát. Anh gọi ly Hồng Trà và bất ngờ thay Thanh Thúy đã múc một thìa đường cho vào ly khuấy cho anh. Một cử chỉ thân thiện tự nhiên nhưng làm anh rất cảm động và nhớ mãi. Thần tượng của thời tuổi trẻ đã khuấy đường cho ly trà của mình!
Năm 1966, các anh tổ chức Kỷ niệm một năm Chương trình Nhạc chủ đề. Buổi tiệc được tổ chức tại Nhà hàng Ánh Hồng ở đường Nguyễn Minh Chiếu, Phú Nhuận (nay là đường Nguyễn Trọng Tuyển) sát đường ray xe lửa, chuyên bán Bò Bảy Món. Hôm đó anh nhờ được ca sỹ Duy Trác lái chiếc Lambretta đi đón Cậu anh đến cùng tham dự. Anh đã xếp chỗ cho ông được ngồi gần ngay thần tượng của mình là ca sỹ Thanh Thúy. Anh nghĩ chắc hôm ấy ông vui lắm! Bây giờ ông đã lên Trời và chắc đang đợi anh nơi ấy. (Lúc đó anh mới 22 tuổi và Cậu anh 44 tuổi).
Từ khi mới bắt đầu, chương trình Nhạc chủ đề đã được các thính giả yêu thích và trở nên rất nổi tiếng. Chương trình từ đó vẫn giữ được phong độ cho đến tháng 4 năm 1967 phải dừng lại vì anh đi nhập ngũ, còn anh Toàn quá bận rộn với nhiều công việc khác. Mấy tháng sau, khi anh đang còn trong Quân trường thì anh Toàn có tiếp tục cho làm lại Chương trình.
Em yêu dấu,
Đến giữa năm 1968, anh may mắn được trở lại Đài Phát thanh Saigon làm việc. Bên cạnh đó, anh tiếp tục học và hoàn thành Chương trình Cử nhân Luật tại Luật khoa Saigon. Trong thời gian này, anh đã thực hiện Chương trình Vũ Thành An tại Đài Phát thanh Quân đội. Và cũng chính qua Chương trình này, anh có cơ hội để tự khẳng định khả năng của mình.
Lúc này anh đã hoàn thành Bài không tên số 2 và anh đang tìm ca sỹ để giới thiệu ca khúc này. Anh đã nghĩ đến nhiều người, trong đó có ca sỹ Lệ Thu. Rồi bất chợt anh nhớ đến Thanh Lan. Thật ra, anh đã để ý Thanh Lan từ năm 1965 hoặc năm 1966, khoảng đó. Lần ấy, Thanh Lan hát trong một buổi trình diễn của Đoàn Văn nghệ Sinh viên Học sinh Nguồn Sống sủa Nghiêm Phú Phát (em nhạc sỹ Nghiêm Phú Phi) tại trường Quốc gia Âm nhạc Saigon. Giọng hát và phong thái trẻ trung, vui tươi của Thanh Lan đã làm sống động buổi sinh hoạt văn nghệ hôm đó. Do vậy, anh đã quyết định mời Thanh Lan thu âm lần đầu tiên và giới thiệu Bài không tên số 2 trên sóng phát thanh của Đài phát thanh Quân đội trong Chương trình nhạc Vũ Thành An vào năm 1969.
Bài không tên số 2 với tiếng hát trẻ trung của Thanh Lan đã được thính giả hưởng ứng nồng nhiệt. Thế là anh mạnh dạn giới thiệu những bài không tên kế tiếp (Bài không tên số 4, số 6) …) cho đến tất cả là 10 bài không tên trong các chương trình sau đó. Vậy là anh đã hoàn tất tuyển tập Những bài không tên, nhạc và lời Vũ Thành An, vào năm 1970. Sau đó ấn phẩm Những bài không tên đã ra mắt mọi người do Hiện Đại tổng phát hành (44/5 Công Lý – nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa – Saigon).
Anh cảm ơn Tạo hóa đã ban tặng tặng phẩm quý giá cho anh.
Anh cảm ơn Em đã cho anh những cảm xúc mạnh mẽ từ tình yêu chân thật để anh viết nên những bài tình ca này!
Cầu mong Em luôn được bình an.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Chèn EmoticonsHình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)