Tên gọi Việt Nam lần đầu tiên chính thức trở thành quốc hiệu của nước ta vào năm 1804. Định danh này được xác lập bởi một văn bản pháp lý quan trọng, là chiếu của nhà Nguyễn, niên hiệu Gia Long thứ 3, cách đây tròn 220 năm.
Từ quan ngại của nhà Thanh
Sau khi đánh bại vương triều Tây Sơn (1788 - 1802), năm 1802, Nguyễn Ánh, hậu duệ của các chúa Nguyễn từng cai trị đất Đàng Trong lên ngôi vua, lập nên triều Nguyễn. Nhà vua chọn Huế làm kinh đô, lấy niên hiệu là Gia Long.
Tháng Một năm Nhâm Tuất (1802), vua Gia Long sai Lê Quang Định cầm tờ biểu theo đường Nam Quan sang nhà Thanh xin phong vương. “Quốc sử quán triều Nguyễn”, “Đại Nam thực lục” ghi lại, nhà vua ra lệnh mang quốc thư và phẩm vật sang thỉnh phong, xin đổi quốc hiệu làm Nam Việt.
Trước đó, sau khi thu phục Phú Xuân và tiến quân ra Bắc truy đuổi tàn quân Tây Sơn của Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, vua Gia Long đã gửi thư sang Trung Hoa để tìm cách giao thiệp với Thanh triều và xin được công nhận là quốc vương của triều đại mới. Trong thư gửi Thanh triều, ông tự xưng là Nam Việt quốc vương.
Kế đến, trong biểu cầu phong do Lê Quang Định cầm sang trình lên Thanh đế, khi thấy vua Nguyễn dùng niên hiệu Gia Long (嘉隆), nhà Thanh đặt câu hỏi: phải chăng niên hiệu của quốc trưởng ở phương Nam tỏ ý bao trùm niên hiệu của hai hoàng đế nhà Thanh là Càn Long (乾隆) và Gia Khánh (嘉慶)?
Sứ thần nước ta đã vội vàng cải chính rằng: đó chỉ là gộp hai tên Gia Định (嘉定) và Thăng Long (昇隆), để thể hiện đất nước đã được thống nhất, trải từ Gia Định đến Thăng Long. Mặc dù cái tên Thăng Long, là kinh đô của Đại Việt từ thế kỷ 10 đến lúc đó, là 昇龍, được viết với chữ Long (龍) nghĩa là “rồng”, không phải Long (隆), nghĩa là “hưng thịnh”, như chữ Long (隆) trong niên hiệu Càn Long.
Sự kiện trên cùng với việc vua Gia Long tự xưng là Nam Việt quốc vương (trong trần tình biểu gửi Thanh triều), đã khiến Thanh đình dấy lên những quan ngại.
Tên chính đại, chữ tốt lành
Tờ dụ của hoàng đế Gia Khánh, ngày 20 tháng Chạp năm Gia Khánh thứ 7 (1802), cho rằng, cái tên Nam Việt bao trùm rất rộng. Khảo sử trước đây, hai tỉnh Quảng Đông Quảng Tây cũng nằm trong đó.
Tiếp sau đó, trong tờ dụ các quân cơ đại thần ngày 6 tháng Tư năm Gia Khánh thứ 8 (1803), hoàng đế Gia Khánh dụ rằng: “Việc (vua Gia Long) xin đặt tên nước là Nam Việt, thì nước này trước đây có đất cũ Việt Thường, sau lại được toàn lãnh thổ An Nam; vậy Thiên triều phong quốc hiệu cho dùng hai chữ Việt Nam (越南); lấy chữ Việt (越) để đằng trước tượng trưng cương vực thời xưa; dùng chữ Nam (南) để đằng sau, biểu tượng đất mới được phong; lại còn có nghĩa là phía nam của Bách Việt; không lẫn lộn với tên nước cũ Nam Việt. Một khi tên nước đã chính, nghĩa của chữ cũng tốt lành; vĩnh viễn thừa hưởng ân trạch của Thiên triều”.
Việc hoàng đế Gia Khánh của nhà Thanh chấp thuận phong vương cho vua Gia Long và đồng ý cho nước ta đổi quốc hiệu, được “Đại Nam thực lục” chép như sau: “(...)
Trước đây vốn đã có đất Việt Thường nên tự xưng là Nam Việt. Nay lại có toàn cõi An Nam, tên cần phải theo thực nên cần phải đem cả cương thổ trước sau gộp lại, lúc mở đầu ban cho cái tên đó để tỏ sự tốt lành.
Vì thế nên định là chữ Việt để lên trước, biểu thị nước ta kế thừa đất xưa mà hưởng tiếng tốt cũ, còn chữ Nam để xuống sau, biểu tượng việc nước ta mở rộng xuống cõi nam mà được tích mệnh mới. Tên như thế chính đại, chữ lại tốt lành, so với tên cũ đất Lưỡng Việt của nội địa có chỗ phân biệt”.
Vậy là, quốc hiệu Việt Nam ra đời trong một bối cảnh lịch sử rất đặc biệt. Đến tháng 2 năm Giáp Tý (tháng 3/1804), Việt Nam chính thức trở thành quốc hiệu của nước ta.
Về sự kiện này, “Đại Nam thực lục” chép: “Tháng Hai (năm Giáp Tý 1804), ngày Mậu Thìn, (vua Gia Long) xa giá đến kinh sư. Ngày Quý Dậu, vua yết ở Thái Miếu… đặt quốc hiệu là Việt Nam. Ngày Đinh Sửu đem việc cáo Thái Miếu. Lễ xong vua ngự ở điện nhận lễ chầu mừng. Xuống chiếu bố cáo ở trong ngoài”.
Tờ chiếu tuyên đặt quốc hiệu Việt Nam do vua Gia Long ban hành, có đoạn viết: “Đế vương dựng nước, trước phải trọng quốc hiệu để tỏ rõ nhất thống. Xét từ các đấng tiên thánh vương ta xây nền dấy nghiệp, mở đất viêm bang, gồm cả đất đai từ Việt Thường về Nam, nhân đó lấy chữ Việt mà đặt tên nước.
Hơn 200 năm nối hòa thêm sáng, vững được nền thần thánh dõi truyền, giữ được vận trong ngoài yên lặng, chợt đến giữa chừng, vận nước khó khăn, ta lấy mình nhỏ, lo dẹp giặc loạn, nên nay nhờ được phúc lớn, nối được nghiệp xưa, bờ cõi Giao Nam đều vào bản tịch.
Sau nghĩ tới mưu văn công võ, ở ngôi chính, chịu mệnh mới nên định lấy ngày 17 tháng Hai năm nay (1804) kính cáo Thái Miếu, cải chính quốc hiệu là Việt Nam, để dựng nền lớn, truyền lâu xa.
Phàm công việc nước ta việc gì quan hệ đến quốc hiệu và thư từ báo cáo với nước ngoài, đều lấy Việt Nam làm tên nước, không được quen xưng hiệu cũ là An Nam nữa”.
Như vậy, năm 2024 này, quốc hiệu Việt Nam đã tròn 220 năm.
https://baoquangnam.vn/hanh-trinh-khai -sinh-quoc-hieu-viet-nam-3131355.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Chèn EmoticonsHình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)
Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>
Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:
:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng
Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)