27/2/15

Lỡ Bước Sang Ngang


Hình: facebook Nhã Nam
Lỡ Bước Sang Ngang được in lần đầu trên tờ Tiểu Thuyết Thứ Năm năm 1939, sau được in trong tập thơ đầu của ông, cùng tựa Lỡ Bước Sang Ngang, Lê Cường xb 1940. Bài thơ rất dài, gồm 3 đoạn, tổng cộng 110 câu lục bát. Nội dung là tâm sự của một cô gái vì hoàn cảnh thế nào đó, phải đi lấy chồng, bỏ lại mối tình đầu. Trong bản in trên tờ Tiểu Thuyết Thứ Năm hay trong tập Lỡ Bước Sang Ngang in lần đầu đều có ghi Tặng (Gửi ?) chị Trúc. Chị Trúc được Nguyễn Bính nhắc đến trong nhiều bài thơ, nhưng nguyên mẫu là ai thì có nhiều thuyết, thuyết nào cũng từ những người rất thân cận với ông đưa ra, chả biết ai đúng. Người thì bảo đó là vợ người anh ruột ông, nhà viết kịch Trúc Đường. Người lại bảo đó là một thiếu phụ đã có chồng, thầm yêu Trúc Đường, và từng bỏ chồng ở với Trúc Đường 110 ngày, đúng bằng số câu của bài thơ Nguyễn Bính viết để tặng họ kỷ niệm thời gian sống bên nhau.

Bài thơ được mọi người thuộc đủ tầng lớp, từ bình dân đến trí thức, say mê; cả những phụ nữ chốn thôn quê ko biết chữ cũng thuộc lòng, dùng ru con. Cả Lê Duẩn cũng thường nhờ người đọc cho nghe để quên nhọc mệt (là nói theo bài báo này). Sau bài thơ đang báo, Nguyễn Bính nổi danh khắp nơi

hình: giaygoixoi.com
Giải thích sự nổi tiếng này, tác giả bài báo vừa trên cho là bấy giờ Việt nam đang bị "Lễ giáo phong kiến đã đè nặng lên thân phận họ, đè nặng lên những kiếp người. Suốt cả đêm dài lịch sử, người phụ nữ Việt Nam luôn luôn khát khao được giải phóng khỏi tình trạng đó."

Vì vậy, khi Lỡ Bước Sang Ngang ra đời, "người ta đón nhận nó như đón nhận cơn mưa giữa ngày đại hạn. Đó là nguyên nhân chính của sự thành công vang dội của bài thơ này.

(..) Nguyễn Bính đã thay mặt hàng triệu tâm hồn người phụ nữ để phát biểu với toàn thể cộng đồng vấn đề bức xúc ấy."

OK, các cô thích Lỡ Bước Sang Ngang vì tác giả nói thay họ những khát khao được giải phóng khỏi lễ giáo phong kiến. Thế còn Lê Duẩn và bao nhiêu các quí ông khác thích Lỡ Bước Sang Ngang là vì cái gì ?

Hình: sachcu.net
Bài báo viết tiếp "Trải qua hơn nửa thế kỷ, ngày nay Lỡ bước sang ngang không còn làm xúc động nhiều người như xưa nữa, vì thời đại phong kiến đã trôi qua, tình yêu lứa đôi được giải phóng." là nói lấy được. Trải qua hơn nửa thế kỷ Lỡ Bước Sang Ngang vẫn được nhiều người yêu thích. Trước 1975 ở Nam tập thơ được tái bản, bài thơ được in lại, được trích dẫn trong nhiều tuyển tập. Báo chí miền Nam bấy giờ cũng nhiều lần viết về Nguyễn Bính. Tờ Văn Học, một tạp chí có uy tín ở Nam bấy giờ đã dành nguyên số báo 100 ra ngày đầu năm 1/1/1970 để viết về Nguyễn Bính và tác phẩm Lỡ Bước Sang Ngang. Đến cuối năm, tờ Văn, một tạp chí uy tín khác, dành một số báo đặc biệt viết về Nguyễn Bính (số 189 ra ngày 1/11/1970).

bìa sách, Hội Nhà Văn xb 2014
Ở Bắc, do dính vào vụ Nhân văn giai phẩm, Nguyễn Bính bị đì, phải đợi đến 1986 văn nghệ được cởi trói, một tuyển tập thơ của Nguyễn Bính mới được nxb Văn Học, Hà Nội, cho xuất bản. Từ đó, tác phẩm của Nguyễn Bính hoặc viết về Nguyễn Bính đua nhau ra đời. Hồi 199x, có cả loại khổ bé tí bằng nửa bàn tay, bìa cứng giấy trắng in rất đẹp. Gần đây, liên tiếp các năm 2011, 2012, 2013 đều có Tuyển tập thơ Nguyễn Bính do các nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Văn học xuất bản; trong đều có bài Lỡ Bước Sang Ngang. Mới tháng 12/2014 rồi, Lỡ Bước Sang Ngang ;ại được tái bản trong series Việt Nam Danh Tác của Nhã Nam.

CD ngâm thơ, Ca Dao Production
Ngoài in lại, bài thơ còn được các nghệ sĩ trong Nam, ngoài Bắc diễn ngâm (Hồng Vân với album Lỡ Bước Sang Ngang, Cadao Production; Thúy Vinh trong album Đây thôn Vỹ Dạ, Quê hương audio - video; Thúy Mùi, Khắc Tư, .. trong album Lỡ Bước Sang Ngang, Cti Nghe nhìn Hà Nội), chuyển thể thành cải lương, vọng cổ, hát xẩm .. Bài thơ cũng đã được vài người phổ nhạc: Dạ Lan Thanh (Song Ngọc ?), Chánh Thiện Lộc, Nhật Vũ ... Y Vũ cũng có bản nhạc nhan đề Lỡ Bước Sang Ngang, nghe thì ko phải phổ thơ, nhưng rõ ràng là lấy cảm hứng từ bài thơ.

Ai bảo Lỡ Bước Sang Ngang đã hết thời ?

bìa CD, Cti Nghe nhìn Hà Nội
Để giải thích sự nổi tiếng của Lỡ Bước Sang Ngang có lẽ ko cần viện đến những nguyên nhân nghe sang trọng, phong kiến với lại giải phóng gì gì. Bài thơ kể lại một chuyện tình buồn bằng những câu lục bát gần gũi dễ đọc dễ nghe và sũng nước mắt. Thế là quá đủ đối với người Việt, như ai đó nhận xét, vốn theo chủ nghĩa mũi lòng. Như hiện nay đang mê say phim Hàn, dù chả có tí liên quan, chẳng thấy chút gì của mình trong hình ảnh mấy cô bé bị thất lạc, bị máu trắng, rồi bị người chị em ruột cướp người yêu ,, . Hoặc như mấy hôm Tết vừa rôi, chảy nước mắt thương mấy tay lái bông, đêm 30 bán ko hết đập tan nát cho bỏ ghét. Trước đó nữa là vụ khóc than cho chú lái xe chạy ẩu, đổ bia bị hôi của. Cả vụ đầm đìa nước mắt với chàng diễn viên đẹp trai Nguyễn Chánh Tín bị vỡ nợ, hu hu

Là nói số đông. Với số ít khác, có thể thích bài thơ vì những lí do khác. Dù gì thì có lẽ nên đọc trọn bài thơ nổi tiếng nhưng khá dài này ít nhất một lần cho biết, nhỉ ? Ai lười đọc thì nghe ngâm, ai sợ ngâm bị sũng nước thì đọc.



Lỡ Bước Sang Ngang

                        Gởi chị Trúc

1.

- Em ơi! em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi một bước trăm đường xót xa
Cậy em, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương

Hôm nay xác pháo đầy đường
Ngày mai khói pháo còn vương khắp làng
Chuyến này chị bước sang ngang
Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây
Rượu hồng em uống cho say
Vui cùng chị một vài giây cuối cùng
Rồi đây sóng gió ngang sông
Đầy thuyền hận, chị lo không tới bờ
Miếu thiêng vụng kén người thờ
Nhà hương khói lạnh chị nhờ cậy em
Đêm qua là trắng ba đêm
Chị thương chị kiếp con chim lìa đàn
Một vai gánh lấy giang san...
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương
Mắt quầng tóc rối tơ vương
Em còn cho chị lược gương làm gì!
Một lần này bước ra đi
Là không hẹn một lần về nữa đâu
Cách mấy mươi con sông sâu
Và trăm ngàn vạn nhịp cầu chênh vênh
Cũng là thôi cũng là đành
Sang sông lỡ bước riêng mình chị sao?
Tuổi son nhạt thắm phai đào
Đầy thuyền hận, có biết bao nhiêu người!
Em đừng khóc nữa em ơi!
Dẫu sao thì sự đã rồi, nghe em!
Một đi bảy nổi ba chìm
Trăm cay nghìn đắng con tim héo dần
Dù em thương chị mười phần
Cũng không ngăn nổi một lần chị đi

Chị tôi nước mắt đằm đìa
Chào hai họ để đi về nhà ai
Mẹ trông theo, mẹ thở dài
Dây pháo đỏ bỗng vang trời nổ ran
Tôi ra đứng tận đầu làng
Ngùi trông theo chị khuất ngàn dâu thưa...


2.

Trời mưa ướt áo làm gì?
Năm mười bảy tuổi chị đi lấy chồng
Người ta pháo đỏ rượu hồng
Mà trên hồn chị một vòng hoa tang
Lần đầu chị bước sang ngang
Tuổi son sông nước đò giang chưa tường
Ở nhà em nhớ mẹ thương
Ba gian trống, một mảnh vườn xác xơ
Mẹ ngồi bên cửi xe tơ
Thời thường nhắc: "- Chị mày giờ ra sao?"

Chị bây giờ... nói thế nào?
Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang
Chị từ lỡ bước sang ngang
Trời dông bão giữa tràng giang lật thuyền
Xuôi dòng nước chảy liên miên
Đưa thân thế chị tới miền đau thương
Mười năm gối hận bên giường
Mười năm nước mắt bữa thường thay canh
Mười năm đưa đám một mình
Đào sâu chôn chặt mối tình đầu tiên
Mười năm lòng lạnh như tiền
Tim đi hết máu mà duyên không về

Nhưng em ơi! một đêm hè
Hoa xoan nở, xác con ve hoàn hồn
Dừng chân trên bến sông buồn
Nhà nghệ sĩ tưởng đò còn chuyến sang
Đoái thương thân chị lỡ làng
Đoái thương phận chị dở dang những ngày
Rồi... rồi chị nói sao đây?
Em ơi! nói nhỏ câu này với em...
Thế rồi máu trở về tim
Duyên làm lành chị duyên tìm về môi
Chị nay lòng ấm lại rồi
Mối tình chết đã có người hồi sinh
Chị từ dan díu với tình
Đời tươi như buổi bình minh nạm vàng
Tim ai khắc một chữ "nàng"
Mà tim chị một chữ "chàng" khắc theo
Nhưng yêu chỉ để mà yêu
Chị còn dám ước một điều gì hơn
Một lầm hai lỡ keo sơn
Mong gì gắn lại phím đờn ngang cung
Rồi đêm kia lệ ròng ròng
Tiễn đưa người ấy sang sông, chị về
Tháng ngày qua cửa buồng the
Chị ngồi nhặt cánh hoa lê cuối mùa


3.

Úp mặt vào hai bàn tay
Chị tôi khóc suốt ba ngày ba đêm
- Đã đành máu trở về tim
Nhưng khôn buộc nổi cánh chim giang hồ
Người đi xây dựng cơ đồ
Chị về giồng cỏ nấm mồ thanh xuân
Người đi khoác áo phong trần
Chị về may áo liệm dần nhớ thương
Hồn trinh ôm chặt chân giường
Đã cùng chị khóc đoạn trường thơ ngây
Năm xưa đêm ấy giường này
Nghiến răng nhắm mắt cau mày... cực chưa?
Thế là tàn một giấc mơ
Thế là cả một bài thơ não nùng
Tuổi son má đỏ môi hồng
Bước chân về đến nhà chồng là thôi
Đêm qua mưa gió đầy giời
Mà trong hồn chị có người đi qua
Em về thương lấy mẹ già
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã ngang sông đắm đò


1939

Nguồn: Tuyển tập Nguyễn Bính, Nxb Văn học, 1986

Nghe Như Quỳnh ca một bản nhạc phổ Lỡ Bước Sang Ngang



Tác giả ghi là Song Ngọc. Cũng bài này thấy một số nơi ghi tác giả là Dạ Lan Thanh.



Chánh Thiện Lộc phổ nhạc đoạn 2, Ngọc Trang trình bày



Nghe nghệ sĩ Thanh Ngoan hát xẩm Lỡ Bước Sang Ngang



Phạm Duy từ hai câu thơ

Em ở lại nhà, em ơi, em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương,

trong nguyên tác, là lời chị dặn em trước khi sang ngang, ông đổi thành lời chồng dặn vợ trước khi lên đường kháng chiến, viết bản nhạc Dặn Dò.



Hình lấy trên mạng



2 nhận xét:

  1. Một chuyện nhắc lại cho vui, cũng để hình dung thơ Nguyễn Bính phổ biến như nào trong xã hội miền Nam thời trước 1975. Bấy giờ dân anh chị, lính tráng rất thích xâm lên cánh tay. Thường là hình cô gái, cạnh đó là dòng chữ Xa quê hương nhớ mẹ hiền, hoặc hình trái tim bị dao đâm rỉ máu, cạnh đó là Hận kẻ bạc tình, Tứ hải giai huynh đệ,. . Đặc biệt, khá nhiều người xâm hình trái tim rỉ máu và hai câu thơ 

    Đã đành máu trở về tim,
    Cũng không buộc nổi cánh chim giang hồ
    .

    Hai câu thơ trong Lỡ Bước Sang Ngang.

    Trả lờiXóa
  2. Ở Bắc, sau một thời gian dài ko ai dám nhắc gì đến Nguyễn Bính. mãi đến 1986, trong không khí thời đầu đổi mới, nhà xb Văn Học mới dám tổ chức sưu tầm tài liệu về Nguyễn Bính để in một tập sách nhỏ, Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân trong một bài báo có nhắc đến vụ việc này. Trích lại đây, mọi người đọc cho vui, và lưu làm tư liệu

    Kinh nghiệm làm việc cho chúng tôi thấy cần kính trọng và biết ơn nền văn học miền Nam trước 1975 về sự bảo vệ thậm chí phát hiện với một tình yêu nồng nhiệt đến vô tư trước những giá trị văn học của người Việt từng nảy sinh trước đó, dù ở thời nào, thuộc khu vực địa-chính trị nào. Quang Dũng trước 1975 chưa hề bước chân đến miền Nam, vậy mà không ở đâu nhắc tên ông, nói đến thơ ông nhiều như ở sách báo miền Nam trước 1975. Với Nguyễn Bính và nhiều tác giả khác cũng vậy. Có thể nói, chính với sự gìn giữ và trân trọng của phương Nam, chỉ mấy tháng đầu năm 1986, bắt đầu bằng sự kiện ra mắt một tuyển thơ mỏng nhẹ, Nguyễn Bính đã từ cõi im lặng trở về, từ một cái bóng khuất dạng trở lại lớn dần trong sự hình dung của các giới văn học như một trong những gương mặt lớn của thơ tiếng Việt thế kỷ XX.

    Nguồn: Viet-studies.info

    Trả lờiXóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)