6/1/13

Trăng Nơi Đáy Giếng


Mấy hôm nay ngồi đọc lại thơ HPNT, chợt nhớ và tìm xem lại bộ phim đặc chất Huế xem đã lâu rồi ...

Trăng nơi đáy giếng (2008)

Phim của Vinh Sơn (đạo diễn), hãng phim Giải phóng sản xuất, dựa trên một truyện ngắn của Trần Thùy Mai, kể câu chuyện về một phụ nữ Huế, yêu chồng đến mức tôn thờ , quên cả bản thân, hi sinh mọi điều để vun quén cho chồng .. để rồi đau đớn nhận ra mình đã từng bước từng bước  ra đứng bên lề cuộc sống ..

Ngoài Hồng Ánh thì hầu hết các diễn viên trong phim đều là người Huế lần đầu đóng phim .. nên từ cảnh vật đến con người đều đậm chất Huế. Ai chưa đến Huế, xem phim cũng là dịp để biết thêm về Huế. Ai đến Huế rồi, xem để nhớ lại kỷ niệm một thời ..

Phim đã đạt giải Cánh diều bạc (VN 2008), và giải Nữ diễn viên chính xuất sắc dành cho Hồng Ánh tại Liên hoan Phim Dubai (2009).


---
Trăng nơi đáy giếng

Truyện ngắn của TRẦN THÙY MAI

"Tôi xin mình, mình dẹp giùm tôi mấy cái bàn thờ này đi. Chuyện mê tín dị đoan, đâu hay ho gì".
Giọng thầy Phương vẫn từ tốn như thường lệ, nhưng đôi bàn tay liên tục gõ xuống bàn chứng tỏ tâm trạng thầy đang bức xúc. Cô Hạnh chỉ lặng lẽ nhìn: người đàn ông này đã là người cô thương yêu, tôn thờ cho đến nửa đời người. Trước đây, mỗi cái nhìn của ông là mệnh lệnh đối với cô, vậy mà nay cô phải trái ý ông. Ý nghĩ đó làm cô rơm rớm nước mắt.
Hơn mười mấy năm, họ đã sống chung nơi căn hộ bé nhỏ này. Mỗi sáng, người trong xóm đều thấy cô Hạnh xách tô ra đầu ngõ mua bún cho chồng. Những hôm mưa lâm thâm, cái dáng gầy của cô co ro, tay cô cầm chiếc nón cố che cho kín tô bún, chứ chẳng nhớ che đầu. Thầy Phương người nho nhã, mảnh mai, trắng trẻo. Vốn là con nhà dõng dõi, lại được cưng từ nhỏ nên thầy kén ăn, phải chăm từng li từng tí.

Nói là kén ăn, không phải là thầy đòi hỏi cao lương mỹ vị, mà chỉ cần những thứ đơn giản thôi, nhưng phải biết ý mới chiều được. Bữa ăn không cần thịt cá, đôi khi chỉ cần đĩa bông bí chấm nước tôm kho đánh, nhưng nước tôm phải thật sánh, thật thơm, đỏ rực. Thịt bò thì nhất định phải nấu canh với hoa thiên lý, tô canh dìu dịu mùi hương ngọt ngào. Đêm khuya ngồi đọc sách, chỉ cần ăn củ khoai bồi dưỡng, nhưng khoai phải ngọt, dẻo, hấp với lá dứa. Chiều thì vài lóng mía tiện thật sạch sẽ, ửng màu đỏ cầm rượu.

Căn nhà nhỏ không có đồ đạc gì xa hoa, nhưng sạch như lau như li. Tính thầy Phương rất sợ bẩn. Trong bếp, phòng tắm, những cái chậu đủ màu được cô Hạnh đặt đúng vị trí của chúng, tất cả đều khô ráo, sạch sẽ. Cái chậu rửa mặt ấy còn tinh tươm quá, này coi chứ chứ... chậm con là vì quá sạch đấy" - các bà hàng xóm đùa. Trong khu tập thể này, các bà đều là cán bộ, việc cơ quan, việc nhà cứ ùn lên, ai cũng bết bát, chẳng có thời giờ nào mà chiều chồng. Các ông chồng trong xóm nào là chẻ củi, đi chợ, đón con, chẳng từ một việc gì, chỉ riêng thầy Phương được hưởng ngoại lệ. Thực ra, đâu có phải vì thế mà hơn mười năm không có con. Cô Hạnh thừa biết điều đó nên nghe người ta đùa, cô chỉ cười...
Ở đầu ngõ, ngay cổng vào khu tập thể là nhà bà Thu, thư ký Công đoàn trường Thuận Đạt. Ngày ấy, bà Thu hội ý xong với Ban chấp hành Công đoàn trường và quyết định đến thăm chính thức cô Hạnh. Vì lý do tế nhị của cuộc thăm viếng, bà đã cẩn thận chờ cho đến lúc thầy Phương đạp xe ra khỏi, bà mới vào. Bà tìm cách nói với cô Hạnh: "Cô Hạnh này, người ta đồn anh Phương có vợ nhỏ, Công đoàn và Đảng uỷ đã tiến hành kiểm tra, thật đáng tiếc, việc này hoàn toàn chính xác". Cô Hạnh nghe, ngồi nhìn thẳng vào mắt bà Thu, không tỏ vẻ ngạc nhiên. Trái lại, bà Thu kinh ngạc đến hụt hẫng trước vẻ bình thản của người vợ bất hạnh: bà cứ tưởng cô Hạnh sẽ ngất đi, hoặc ít ra cũng níu lấy bà mà hỏi vặn đủ điều. Nhưng không, cô cứ lặng lẽ, dịu dàng, dường như cố nén nỗi khó chịu vì bị quấy rầy!

Chờ mãi không nghe nói gì, bà Thu phát cáu: Chuyện đến thế, chị tính sao? Chị phải có thái độ đi chứ? Hay chị là Phật đất? Cô Hạnh thở dài: Hoàn cảnh em không có con, dù anh ấy có thế, em cũng chẳng oán trách. - Nói thế nghĩa là chị biết anh ấy phản bội chị mà cố tình giấu giếm tổ chức? Anh ấy không phản bội tôi - cô Hạnh ngẩng phắt lên. Vâng, dù rằng ông Phương đã có một người đàn bà khác, có một đứa con không do cô sinh ra, ông vẫn là vị Thánh sống đối với cô. Cô không cho phép ai nặng lời khi nói về ông ấy. Bởi tất cả những chuyện này là do cô: cô đã tự tay sắp đặt, chỉ vì không chịu nổi vẻ buồn thầm lặng trên khuôn mặt ông.

"Không phải dễ dàng mà thuyết phục được anh ấy - Bởi vì anh ấy quá thương tôi. Hơn nữa, là người có chức trách, anh không dám. Tôi phải năn nỉ, ép uổng, hứa giữ bí mật cho anh ấy..." Bà Thu cau mày: "Sao chị lại làm thế? Chị có biết như vậy là phong kiến cổ hủ không? Chính chị đã đẩy anh ấy vào con đường hủ hoá!"
Cô Hạnh khóc. "Vâng. Có thể là như vậy, nhưng lúc ấy tôi không nghĩ gì hết. Tôi chỉ muốn anh ấy sung sướng". Vâng, khi người ta thực lòng thương yêu nhau, có điều gì mà không thể hy sinh. Một cô gái quê bỗng chốc được cô Hạnh chăm lo từng li từng tí: từng chục trứng gà, từng chai mật ong được chuyển về làng để tẩm bổ cái thai mới thành hình. Rồi đến ngày cô được đền bù: Đứa con trai ra đời, cô Hạnh bế lấy nó, đỏ hỏn trong lớp tã. Ông Phương quàng vai cô, vỗ về: Con của em đó. Nghe chồng nói, cô ứa nước mắt vì sung sướng...

Nhưng giờ đây, ngồi trước mặt bà Thu, cô mới thấy chuyện đời không đơn giản. Sắp đến kỳ bầu tín nhiệm hiệu trưởng rồi... Ông Phương bảo: Chức hiệu trưởng là cái gì... Bỏ, bỏ hết. Với tôi, chỉ cần mình vui lòng. Tôi chấp nhận mất tất cả.
Ông nói thế, nhưng rồi không giấu được vẻ buồn. Lại cái vẻ buồn trầm lặng làm xót lòng cô. Cả đời ông sống nghiêm nghị, không để ai nói tiếng nặng tiếng nhẹ bao giờ. Giờ đây, tưởng tượng tới khuôn mặt những người lâu nay vẫn đố kị với ông... Họ sẽ hả hê biết bao trước cái tội lỗi rành rành của vị Thủ tướng đáng kính. Họ sẽ rung đùi, cười khẩy chờ ông đứng lên nhận tội... Để rồi khoái trá xúm lại tổ khổ ông, như bầy sói túm lại xé con mồi...

Quả thật, cái tin "ông Phương hai vợ" vừa được tung ra, đã có vài ba người rắp ranh ngắm nghé cái ghế ông đang ngồi. Cuộc bầu tín nhiệm được tổ chức vào đầu tháng 3, được dự kiến như là ngày chôn vùi luôn sự nghiệp của ông hiệu trưởng nổi tiếng quản lý giỏi, đã đưa trường Thuận Đạt thành một trường tiên tiến dẫn đầu tỉnh trong hơn năm năm. Người ta chờ ông Phương đứng dậy rút lui và tự kiểm điểm, nhưng sao lâu quá chẳng thấy động tĩnh gì... Sốt ruột quá, một vị đứng dậy cắt ngang lời ông Phương khi ông còn đang trình bày "chương trình hoạt động" mà ông dự kiến sẽ thực hành trong thời gian tới. Chuyện năng lực của anh Phương thì còn gì phải bàn nữa, dài dòng làm chi mất thời gian. Chỉ có điều, dư luận đang râm ran chuyện gia đình anh, anh em tui rất hoang mang. Vì, lãnh đạo thì không chỉ có tài mà phải có đức...

Ông Phương không nói, chỉ lặng yên bình thản nhìn kẻ địch thủ đang hân hoan, đắc thắng, rồi lại bình thản nhìn cái vẻ hân hoan, đắc thắng đó xẹp xuống, nhăn nhúm lại như một quả bóng xì xuống thất vọng. Bởi vì cô Hạnh đã đứng dậy đưa ra trước Hội đồng tờ giấy chứng nhận ly hôn giữa cô và ông Phương cùng tờ giấy đăng ký kết hôn giữa ông Phương với vợ mới. Lúc đó cả hội trường mới biết rằng, trên pháp luật, ông Phương chẳng có lỗi gì... Nghĩa là cái chức hiệu trưởng của ông, lấy búa tạ mà nện cũng không thể nào rung rinh nổi.
Không rung rinh nổi, nhưng người ta vẫn cứ tìm cách nện. Lòng người đầy ham muốn, đâu có buông tha cho ông Phương qua cửa ải một cách dễ dàng như thế. Vì vậy, trọn năm sau, ông Phương quả là lao tâm khổ tứ, ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
Lại một lần nữa, bà Thu phải đến thăm riêng cô Hạnh. "Khổ thân chị, tôi tìm mọi cách trấn an dư luận để bảo vệ chị, nhưng mà người ta không thể thông cảm như tôi. Nói chị đừng buồn, hoàn cảnh chị rất gay. Chị đã phạm pháp mà không biết: sống chung như vợ chồng với chồng của người khác!
Cô Hạnh sững sờ. Giờ đây ông Phương có còn là chồng của cô nữa đâu? Cô nhìn thằng bé đang thiêm thiếp ngủ trong tay run rẩy. Cô biết, người ta đang lôi tuột ông ra khỏi tay cô. Cô sẽ phải xa ông, bất giác, cô ôm chặt lấy cu Nhứt, như cố níu giữ cái phiên bản của người đàn ông mà cô tôn thờ...

***

Lại một lần nữa, tôi phải năn nỉ anh. Tôi không đành lòng thấy anh cứ gầy rộc đi, mắt hõm, râu mọc xanh cả cằm. "Quân tử ứ hự đã đau, Tiểu nhân dùi đục đập đầu như không". Anh vẫn thường nói thế. Con người anh tinh tế, tự trọng, chịu sao nổi bao nhiêu lời ong tiếng ve. Đành lòng dốc hết tiền của góp trong người mười mấy năm mua một căn nhà ở ngoại ô cho anh ấy đưa cô Thắm lên. Lúc ấy, Thắm lại đang có thai. Thương tôi, anh ấy không chịu rời đi, tôi phải cắn răng làm mặt giận, cấm lửa nhịn đói suốt mấy ngày...

Anh đi rồi, căn nhà trống đến khủng khiếp. Đi làm về, tiếng mở cửa tiếng bước chân tôi cứ vang lên lạnh lẽo như từ thế giới nào. Vào đến gian bếp, nhìn thấy chiếc may ô của anh còn sót lại trên dây phơi, tôi sụp xuống, nức nở khóc...
Thỉnh thoảng anh cũng về thăm tôi. Nhưng anh về một chút rồi lại đi. Tôi không dám trách. Sắp đến đại hội chi bộ, phải giữ gìn. Anh có muốn nấn ná tôi cũng giục anh đi cho được. Anh bảo: "Mình đừng buồn. Tôi nói với mình đinh ninh từ khi chưa ly hôn. Nay cũng thế, tôi ở bên ấy nhưng thực ra chỉ có mình mới là vợ của tôi". Tôi nghe, chỉ biết khóc. Vợ chồng mà gặp nhau lén lút như thế này, cái số tôi sao mà trớ trêu? Có hôm bị bệnh nằm một mình không dám nhắn chồng, tôi đành nhắn người mời bà đồng Thơi đến chích lễ giải cảm. Bà Thơi vừa nặn máu cho tôi vừa bảo: "Khí đen tụ ở giữa hai chân mày. Cái uất nén trong lòng mà thành bệnh". Tôi lắc đầu: "Tôi không uất, không phiền. Chỉ vì mệt mỏi quá". Cô Thơi sửa lại áo khăn thắp nén hương giữa trời. Hôm ấy rằm, trăng sáng. Cô Thơi niệm khấn rồi cầm chén nước trong bảo tôi uống. "Để tôi xin cho chị một quẻ Thánh". Cô Thơi xủ quẻ rồi nói: "Quẻ của chị là quẻ lộng giả thành chân. Đêm trăng nơi đáy giếng, thấy bóng chẳng thấy hình. Cứ theo quẻ này giả hoá thực, thực hoá giả, giả thực thực giả khó lường". Tôi cũng không tin mấy, chỉ cảm thấy dễ chịu vì có người quan tâm. "Việc gì thực hay giả, mà giả thực liên quan gì đến bệnh cảm của tôi?". Cô Thơi nghiêng đầu như làm duyên, cặp môi son hé cười: "Lời Thánh sâu xa, nhiều khi đến việc mới hiểu".

Đại hội Chi bộ đã qua, anh lại được tín nhiệm cao. Tôi mừng. Tôi nhắn Thắm chăm sóc anh cho chu đáo. Không có ai khó chăm như anh. Cái gì cũng phải sạch, phải tinh tươm. Áo quần gấp xong nhớ đặt vào tủ, ngay ngắn, bộ nào sắp mặc thì đặt cuối giường chứ đừng đặt đầu giường. Chỗ anh ấy ngồi viết thì phải tinh tấn, ngăn nắp, đừng qua lại nhiều làm phiền anh. Tôi dặn gì, Thắm cũng nhất nhất vâng dạ. Thấy Thắm ngoan, tôi mừng.
Tết đến, tôi lo mua nếp gói bánh. Năm nay nhà đông phải gói nhiều. Đang loay hoay tìm mua lá dong, chợt nghe nói bà Thu sắp có dịp về quê, tôi lật đật sang nhờ bà ấy mua giúp. Vào đến cửa, tôi chững lại khi nghe tiếng anh Phương, rồi tiếng Thắm. Một giỏ quà, ý chừng đồ đi tết, đang nằm trên ghế. Bà Thu cười: Không có tôi thì anh chị còn mỗi người một nơi đến bao giờ? Nhưng mà nói vậy chứ không nhận quà này nhé. Bày vẽ làm gì, cái tình với nhau là chính". "Ấy, chút quà xin chị nhận cho, của thảo lòng thành". Tôi rụng rời, không nhận ra được giọng cô gái quê thơ ngây chất phác sáu năm về trước... Bà Thu ngọt ngào: "Cái cô Thắm này khéo thật, chả trách bà Hạnh cất công tìm tòi chọn lựa mãi". Tiếng Thắm cười: "Chị ấy tưởng thế thôi chứ thực ra trước khi bà thím giới thiệu với chị thì anh Phương đã gặp em mấy lần khi về quê ăn giỗ". "Quả là chồng khéo vợ khéo, trách gì chẳng thành đôi". Họ cười, tiếng cười vui vẻ râm ran trong đêm yên ả...

Tôi rút lui, suýt ngã khi xuống thềm. Rồi cứ đi trong đêm như người ngây, mãi đến lúc bước vào một ngôi nhà, ngửi thấy mùi nhang trong không gian, và nhận ra mình không hiểu từ lúc nào đã đến nhà cô đồng Thơi. Tôi ngồi sụp xuống nền nhà mà khóc, nhớ lại lời cô nói với tôi đêm trăng hôm nào. "Nín đi em. Em giỏi nín đi. Rồi cô soi cho, cho thấy hết tiền oan nghiệp chướng". Cô cứ tỉ tê khóc, cô nạt: "Sao lại khóc? Mất gì đâu mà khóc. Cái mất, thực ra đã mất từ lâu rồi. Chừ còn ôm huyễn mộng mà kêu trời như con đười ươi ôm cái ống tre rỗng mà cười một mình giữa núi". Lời cô Thơi làm tôi tỉnh ra. "Tôi sai rồi, còn oán ai. Người ta là vợ chồng, đã có con cái. Còn tôi... tôi chỉ là một vật thừa..." Cô Thơi hứ một tiếng, đỏng đảnh: "Đã thương thì thương cho trót, đã vót thì vót cho tròn. Đã giữ thì giữ riết luôn, đã cho thì cho đứt". Tôi bỗng ngượng ngùng, không khóc được nữa. Ừ, đã cho thì cho đứt luôn, sao tôi đã nói hy sinh mà còn tiếc nuối. Nhưng là người có máu có thịt, làm sao bỗng chốc cắt lìa? Tôi đâu có phải Thánh mà một phút dứt bỏ nửa cuộc đời... Không, không phải nửa cuộc đời, anh là cả cuộc đời tôi...

Tết năm ấy, tôi sốt li bì, suốt ba tuần rụng gần nửa đầu tóc. Chiều mồng ba tết, mở mắt ra, thấy anh Phương và Thắm ngồi trước giường. Tôi thở dài, se sắt. Tôi mong gặp một mình anh, một lần. Để tôi mơ ước được mạnh trở lại, được để dành cho anh cái thau sạch, cái khăn sạch, lựa cho anh củ khoai thật bùi thơm ăn khuya, đọc sách. Nhưng anh không dám đến đây một mình... Tôi ứa nước mắt nhìn hai vợ chồng - vâng, họ mới là hai vợ chồng. "Tôi hiểu cả rồi. Hai người không phải lo cho tôi. Cho thằng cu sang đây với tôi là đủ. Có nó là tôi sống được". Thắm giặt khăn lau mặt cho tôi. Anh Phương không nói gì, cũng chẳng dám tỏ thái độ gì. Tôi cố bình thản che nỗi xót xa. Tôi mất anh rồi, sự thực đã như thế từ lâu mà giờ này tôi mới bẽ bàng nhận ra...

Tháng sau, Thắm sinh con thứ hai, lần này là con gái. Cu Nhứt về ở với tôi, thằng bé bồng theo một con chó con. Căn nhà tưng bừng lên vì tiếng trẻ con cười, tiếng chó gâu ăng ẳng. Tôi như người sống lại. Thằng bé gọi tôi là mẹ Cả. Tiếng gọi thật ngọt ngào. Tôi rất muốn thằng bé gọi tôi chỉ là "Mẹ" thôi. "Như thế thì cu lầm với mẹ hai. Ba bảo cu: Mẹ cả, mẹ hai, hai mẹ đều là mẹ cả, mà!". Tôi bật cười. Cu Nhứt thông minh y như ba nó. Cái mắt sáng, cái da trắng, cái chân mày nét ngang, tất cả đều là của anh. Mặc thằng bé gọi tôi bằng gì đi nữa, nó vẫn là con tôi. Tôi lại trồng khoai, lại nuôi gà, lại để dành từng quả trứng. Thằng bé ăn, tôi thấy ngon. Đêm nó ngủ dụi đầu vào lòng tôi. Tôi đã có con, tạ ơn trời, giờ đây tôi không cần gì hơn nữa...

Lại tháng chạp, tôi đến cô Thơi xin cho cu Nhứt cái bùa đeo cổ để đeo đi chơi tết. Cô Thơi mới tạc pho tượng ông hoàng đứng trên mây, vừa rước lên bàn, thắp nhang xong thì quay ra thấy tôi. Đưa bùa cho tôi xong, cô bấm quẻ dịch rồi bảo: Chiều lòng chị thì rước cho chị, chứ chị xin nhằm giờ không vong, vật tuy có nhưng mà vô dụng.
Tôi băn khoăn về nhà. Ngày xưa, anh Phương thường trách tôi mê xem bói. Anh không biết đó là chỗ dựa tinh thần của những người đàn bà hay bối rối như tôi... Đến cửa, tôi giật mình khi thấy Thắm. Cu Nhứt quấn mẹ đẻ, cười rúc rích. Thắm khẽ khàng thưa gửi:
- Trình chị, em đã cai bú cho bé, nay xin chị cho cu Nhứt về nhà ăn tết với em.
Tôi khựng lại, đau đớn. Một lát sau tôi đeo cái bùa vào cổ cho cu Nhứt:
- Đeo cho em kẻo đi đường gió máy. Mà ăn tết xong mồng mấy mới cho em về?
Thắm không nói gì, chỉ nhìn tôi, một cái nhìn khó hiểu.
Thằng bé đi rồi, còn lại con chó con luẩn quẩn với tôi. Đã một năm, giờ nó đã choai choai, láng mượt. Cu Nhứt dặn: "Mẹ cả nuôi cẩn thận cho cu". Bao nhiêu thứ dành cho thằng bé, giờ xẻ hơn nửa cho nó. Thui thủi vào ra, chỉ có nó và tôi.
Từng ngày, tôi chờ con trở về, càng ngày càng trông càng ngóng. Nhiều hôm, nghe tiếng thằng Tèo nhà bên cạnh gọi: "Mẹ ơi!" giọng trẻ con sao mà giống nhau, tưởng con về, đang làm gì tôi cũng vứt hết chạy ra. Chỉ thấy sân hiên vắng lặng, không một bóng người...
Rằm tháng giêng. Con chó đột nhiên bỏ đi đâu mất. Tôi tìm ngất ngơ quanh xóm chẳng thấy. Lòng cồn cào lại càng nhớ, càng thương cu Nhứt. Góp được một chục trứng gà, tôi lững thững đạp xe đi thăm con. Lâu lắm mới đến nhà mới, tôi ngạc nhiên vì nó lạ hẳn so với cái thời hai vợ chồng đến mua. Cây cỏ mọc xanh trong sân, một mái hiên rộng được cơi thêm ra, thoáng mát. Tôi từ từ bước, phân vân như đi vào một ngôi nhà lạ.

Cu Nhứt đang chơi ở hiên sau. Vừa đùa với quả bóng, thằng bé vừa hát: "Trên trời cao, có muôn ngàn ánh sao... Nhưng mặt trời chỉ có một mà thôi. Và mẹ em chỉ có một trên đời. ..". Thấy tôi, thằng bé reo lên, chạy ùa vào lòng tôi... Nhưng nó bỗng khựng lại, đưa mắt nhìn vào trong, rồi cầm tay, thỏ thẻ: "Mẹ Thắm bảo con, thời này mà còn mẹ cả, mẹ hai, nghe cổ hủ lắm. Vậy con gọi bằng gì?". Tôi ôm cái đầu nhỏ bé vào lòng, chỗ có trái tim phập phồng đau đớn. "Thôi thì... Con hãy gọi bằng bác... Bác tệ quá, hôm qua đã làm mất con chó Cún của con". "Ồ, không mất, bác ơi, nó đây này!". Con cún từ sau vườn chạy tới, nhảy lon ton, vẫy đuôi rối rít. Ôi, cả con chó cũng bỏ tôi tìm về đây mất rồi!
Bàng hoàng, tôi đứng dậy, bước đi. Rỗi bỗng quay lui, tôi dạo một vòng sau nhà, như muốn nhìn tận mắt cái thế giới đang hút về tất cả những gì yêu quý nhất của một đời tôi... Sau sân, anh Phương ngồi bên vòi nước, đang lúi húi giặt một đống quần áo đủ loại, đánh đánh chà chà trên sân xi măng. Chưa bao giờ thấy anh trong tư thế như vậy nên tôi sững sờ, ngẩn cả người không sao nói một lời. Không hiểu sao đã chịu đựng bao nhiêu điều nặng nề, mà giờ đây tôi lại không kham nổi cái cảnh tượng hết sức bình thường thế này? Thắm đang ngồi dỗ con, thấy tôi vào chỉ cười, hất hàm về phía đức ông chồng: "Làm trai, học sẩy học sàng. Đến khi vợ đẻ thì làm mà ăn". Tôi ngẩn ngơ như người mất hồn, lẩn thẩn nói: "Ngày trước ở với tôi, anh ấy chẳng phải động tay tới việc gì. Tôi đi vắng mà trời mưa, anh ấy cũng chỉ lôi giùm tôi cái áo trên dây phơi, chứ cái quần để mặc cũng không hề đụng đến". Thắm khủng khỉnh: "Em thấy chị cũng sạch chứ đâu có bẩn. Mà người quân tử có sợ bẩn thì dùng khoèo mà khoèo, rồi dùng xà phòng mà rửa khoèo cũng được chứ sao? Tôi cảm thấy như có quả đấm giáng vào giữa mặt, lảo đảo, trời đất chung quanh tối sầm. Cố gắng về đến nhà, tôi lăn ra mà khóc, khóc thảm thiết. Láng giềng nghe tiếng hờ trời hờ đất chạy sang hỏi: "Ai chết thế?". Tôi không nói được gì, không nghĩ được gì, trong tâm trí chỉ có mỗi một hình ảnh: thần tượng của tôi, vị thánh sống của tôi ngồi chò hỏ giặt đồ bên bể nước. Những bọt trắng xà phòng bay, bay tấp tới, nhận chìm tôi, tức tưởi, mê man...
Lại một lần nữa, tôi ốm nặng, tóc rụng lả tả trên gối, nhưng không báo với ai để khỏi ai bận lòng.
Đấy là chuyện đời chồng trước của tôi...

***
Người trong xóm cứ tưởng cô Hạnh phen này chết vì mấy lần cô bắt chuồn chuồn, cấm khẩu. Họ ngạc nhiên khi thấy cô không thuốc men gì mà lại đi đứng như thường. Cô xin về hưu non, cuốc đất, làm vườn, lại sống cái đời cần cù và đạm bạc như thuở nào. Sáng sáng, họ lại thấy cô mua bún bò, bưng vào ngược con ngõ, những bữa trời mưa lâm thâm cô kéo chiếc nón che tô bún, quên cả che đầu.
Rồi trước hiên nhà lại xuất hiện những cái áo nho nhỏ màu đỏ, màu xanh phơi trên dây. Ai đi ngang hỏi, cô cười hiền lành: Áo thằng cu. May cho cu mặc tết".

Nếu ai tò mò đi theo cô vào căn nhà vắng lặng, có thể thấy ngay giữa nhà là một bàn thờ đồ sộ mà cô gia công trang hoàng như một cung điện rực rỡ vàng son. Giữa bàn thờ là tượng một người đàn ông đẹp đẽ phương phi, tay cầm kiếm, chân đạp lên mấy tầng mây. Có hỏi thì cô thì thầm: "Ông Hoàng Bảy, trấn thủ tỉnh Thừa Thiên".
Rằm, mồng một, cô chất hương hoa đầy thánh điện của cô, rồi ra nhà bà đồng Thơi lễ bái. Nghe đâu bà đồng Thơi bảo rằng số cô Hạnh không theo ông Phương được trọn đời vì người âm ưng, mà người âm này vai vế lớn lắm, con thứ bảy của Đức Mẫu, quyền sinh sát cả một giang sơn. Lâu nay, ông với cô Hạnh đã được một con trai ở cõi vô hình, mà cô Hạnh đâu có hay.

"Nhờ có Thánh cứu, chứ không thì mấy trận đau, hắn đã chết trọc óc chứ mô còn tới chừ". Bà Thơi nói. Cô Hạnh cười, vẫn cái cười dịu dàng, không còn buồn thảm như xưa, mà phảng phất một vẻ mơ màng - vẻ mơ màng thường thấy trên gương mặt những người lãng trí. "Sắp tới tháng Ba rồi, phải không chị? Tháng Ba ni chị cho em đi về chầu điện Hòn Chén". Bà Thơi nghe cô Hạnh nói, hài lòng gật đầu. "Ừ, tháng Bảy giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ. Lễ hội tháng Ba này em cũng nên về chầu Đức Mẫu cho phải đạo dâu con".
Đầu tháng Ba, ông Phương bỗng về thăm vợ cũ. Từ đó, người ta thấy ông qua lại luôn. "Năm lần bảy lượt tôi nói với mình, mình dẹp cái trò mê tín đó đi giùm tôi. Vì cái chuyện đồng bóng lễ bái của mình mà tôi mang tiếng nhiều lắm rồi, dù gì thì mình cũng là vợ cũ của tôi, một hiệu trưởng, một đảng viên...". Cô Hạnh chẳng nói gì, đang lo đặt đĩa khoai luộc nóng hổi lên bàn thờ. Trông dáng vẻ cô ân cần chẳng khác gì trước đây chăm chút cho ông. Cử chỉ đó làm ông Phương thêm bực tức . "Mình muốn trách khéo tôi phải không? Mình biết là đâu phải tôi muốn thế, chính mình đã muốn hy sinh cho tôi... Tôi xin mình, hãy vì tôi lần nữa...".

Cô Hạnh đã đặt xong đĩa muối chấm khoai, thủng thỉnh ngồi xuống, nhìn ông Phương với đôi mắt rộng lượng như thể từ trên cõi tiên nhìn xuống thế giới nhỏ bé của loài người. "Hôm qua ông đã gặp bà Thơi phải không? Thảo nào bà ấy bảo tôi có muốn quay về với ông thì để bà ấy xin cho cái lễ chẻ đôi chiếc đũa đồng tiền, li dị với ông Hoàng...".
"Mình đừng giận tôi, thuở ấy người ta còn khắt khe, mình cũng biết hơn ai hết. Giờ đây quan niệm về đời tư cũng cởi mở hơn trước, thỉnh thoảng tôi lại về thăm mình. Để mình thui thủi thế này tôi cũng chẳng đành lòng".
Cô Hạnh nhìn ông Phương một lát rồi cười. Cái cười mơ màng lâu nay vẫn ẩn hiện trên gương mặt cô. "Ông à, thực ra tôi không giận ông. Nhưng chuyện ông nói thì không thể được. Tôi đã vì ông đến nửa đời người, nay ông yên phận rồi, hãy để cho tôi yên phận tôi. Xưa tôi là vợ mình, chỉ biết có mình, nay đã là vợ ông Hoàng, chỉ biết có ông Hoàng. Tôi đã nói với bà Thơi, tôi không cúng, không chẻ đũa, bẻ tiền chi hết, tôi không bỏ ông Hoàng vì ông ấy đỡ đần tôi khi thập tử nhất sinh, ông ấy không bỏ tôi, không ruồng rẫy tôi bao giờ...".

"Nhưng làm gì có cái gọi là ông Hoàng, làm gì có cái bóng ma ấy, nó chỉ có trong trí tưởng tượng của bà thôi, bà có biết không?". Ông Phương phát thịnh nộ, không tự chủ được nữa, đập mạnh tay xuống bàn mà nói như quát. Cô Hạnh đứng bật dậy, run bần bật như bị xúc phạm nặng nề. Hai hàm răng cô đánh lập cập vào nhau, rồi bỗng cô thình lình vớ lấy cả cái khay ấm chén trước mặt, ném vào người chồng cũ. Đến lúc ấy ông Phương vẫn không nhận ra rằng từ khi bị cô Hạnh bắt gặp ngồi giặt đồ bên bể nước, trong mắt cô, ông chỉ còn là một tượng thần đã mất hết linh thiêng.
Người trong xóm thấy ông Phương phóng xe ra ngược con ngõ, áo và tóc ướt từng vạt nước trà vàng vàng, mặt bừng bừng lửa giận. Hai hôm sau, việc đến tai bà Thu. Bà lắc đầu an ủi: "Chị ấy tốt bụng nhưng lý trí không vững nên tâm nó loạn. Trước đã bày ra chuyện phong kiến cổ hủ, nay lại sinh ra trò mê tín dị đoan. Thôi thì mặc ý chị ấy, tôi cũng hết phép".

Cô Hạnh chẳng quan tâm đến ai, cứ vào ra trong ngôi nhà vắng tanh với nụ cười mãn nguyện của một người đàn bà hạnh phúc. Chiều hôm ấy cô thung dung đi chợ chọn mua vải may chiếc áo dài mới để tháng Ba này ngược sông Hương trảy hội mùa xuân.


39 nhận xét:

  1. Mới nhận được mail bạn kể mấy chuyện vui, mọi người cùng đọc ..
    1.
    Đời là bể khổ ....
    Qua được bể khổ
    .... là qua đời
    2.
    Cuộc đời là 1 vòng luẩn quẩn:
    2 tuổi ĐÁI BÔ
    20 tuổi có BỒ
    30 tuổi làm BỐ
    40 tuổi lại có BỒ
    ....
    80 tuổi lại ... ĐÁI BÔ
    3.
    Công việc 1 ngày của một bà nội trợ:

    Sáng giặt quần áo
    Trưa phơi quần áo
    Chiều thu quần áo
    Tối ủi quần áo
    Đêm cởi quần áo

    Sáng tìm quần áo .. đem giặt
    4.
    Yêu say đắm cũng giống như việc tự đái vào chân mình vậy,
    mọi người nghĩ đó là điên rồ,
    Chỉ có bản thân mình thấy ... ấm !
    5.
    Có một thứ tiền không thể mua được.
    Đó là sự Nghèo Khó
    6.
    Tình yêu ...
    giúp ta vượt lên những suy nghĩ tầm thường ...
    Và đưa chúng ta tới ....
    những suy nghĩ tầm bậy
    7.
    Chồng Việt Nam, nice?

    Tại hội nghị quốc tế phụ nữ, đại biểu của Mỹ đứng lên phát biểu:
    - Như hội nghị lần trước, chúng ta đã nhất trí cần phải quyết liệt hơn với những ông chồng. Sau khi từ hội nghị trở về, tôi đã nói với chồng tôi rằng từ nay tôi sẽ không nấu nướng gì nữa, mà anh ta sẽ phải tự lo.
    Ngày thứ nhất, tôi không thấy gì.
    Ngày thứ 2, tôi vẫn không thấy gì.
    Nhưng... tới ngày thứ 3, chồng tôi đã chịu vào bếp và hôm đó, anh ấy đã nấu một bữa tối ngon tuyệt.
    Cả hội nghị vỗ tay.

    Đến lượt đại biểu của Pháp đứng lên phát biểu:
    - Sau khi từ hội nghị trở về, tôi nói với chồng tôi rằng tôi sẽ không lo việc giặt giũ nữa, anh ta sẽ phải tự lo.
    Ngày thứ nhất, tôi không thấy gì.
    Ngày thứ 2, tôi vẫn không... thấy gì.
    Nhưng tới ngày thứ 3, chồng tôi đã chịu mang áo quần đi giặt, và anh ấy không chỉ giặt đồ của mình mà còn giặt đồ của cả tôi nữa.
    Cả hội nghị lại vỗ tay.

    Đến lượt đại biểu Việt Nam đứng lên:
    - Sau khi từ hội nghị trở về, tôi nói với chồng tôi rằng từ nay tôi sẽ không đi chợ nữa, mà anh ta sẽ phải tự lo.
    Ngày thứ nhất, tôi không thấy gì.
    Ngày thứ 2, tôi vẫn không thấy gì.
    Nhưng tới ngày thứ 3, tôi đã bắt đầu nhìn thấy lại được một chút,
    Khi 2 mắt của tôi ... bớt sưng .

    Trả lờiXóa
  2. Phù thủy xem phim này gồi ! Thương thân phận người phụ nữ này lắm . Có một cô Phù Thủy quen thân cũng na ná như Hạnh dưng không tốt như cô Hạnh trong phim . Nói chung họ buồn sâu lắm !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hì, đàn ông gia trưởng, ích kỉ kiểu Phương nhan nhản thì bi kịch kiểu Hạnh là chuyện thường gặp, ở những mức độ khác nhau thôi ..
      Nhưng hình như nhẹ nặng gì thì phản ứng chính của các bà là trong nhờ đục chịu .. và gọi đấy là chịu thương chịu khó gì gì đấy
      Nói cho ngay, Lừa cũng ko độc quyền. Xứ Hàn xẻng cũng na ná - mấy tuần trước có vụ cô dâu Vit chiu ko nổi phải ôm hai con nhảy lầu ..

      Xóa
    2. Gia trưởng...Cái từ này nghe quen nhỉ. Ka bị có người đóng vít là GIA TRƯỞNG đó.

      Bộ philm này xem xong cứ dằn vặt, ám ảnh mãi. Ngôn ngữ điện ảnh sâu đến dàn dụa, nhẹ nhàng mà hiệu quả không ngờ...Cảnh cắt như vẽ, những góc trầm, khuất, những hiệu ứng ánh sáng, những âm thanh... những chi tiết tưởng rất vụn nhưng chắp nhặt lại nó đẩy cảm xúc người xem đến vỡ òa...
      Đó là Ka ghi lại theo trí nhớ của hơn năm về trước khi xem philm này. Chứ từ hôm K giới thiệu chưa xem và cũng chưa đọc.
      Ghét Hạnh dù thương. Sẽ không có bi kịch nếu không có những người như Hạnh.
      Hạnh phúc không phải chỉ là sự cho đi, không phải là hiến dâng đến mù quáng.
      Phương chẳng đáng trách. Chi tiết anh ta tận tụy nhọc nhằn bên chậu quần áo, hầu hạ người đàn bà của mình, rất thật và đắt....Ít nhất đó cũng là thứ hạnh phúc giản dị mà Hạnh đã tước đoạt mất của P.

      Yêu thương quá nhiều sẽ nhận những niềm đau. Hỡi ơi, hãy biết dừng trước khi quá muộn.

      Xóa
    3. Người như cô Hạnh rất hay nghĩ mình bù đắp cho người mình yêu những gì mình thiếu ...
      Phim được giải cánh diều bạc mà ! Hay ! à à ! Cô Hồng Ánh ở ngoài xinh lắm nha , chậc chậc , giọng nói trong phim là của cổ luôn á Thym giọng nói không hay lắm !

      Xóa
    4. Hạnh phúc không phải chỉ là sự cho đi, không phải là hiến dâng đến mù quáng. @Ka
      Chính xác. Hạnh phúc có cái nền là Tình yêu. Tình yêu có cái nền là sự tôn trọng. Thiếu sự tôn trọng thì tình yêu nếu có cũng sẽ mất. và tôn trọng thì ko thể có khi một bên là hoàng đế, một bên là osin .. Phu phụ tương kính như tân (vợ chồng kính trọng lẫn nhau như đối với khách) Minh triết của người xưa ..

      Ka nhận xét về cái chi tiết Phương giặt áo quần cho v2 rất chuẫn. Được Hạnh phục vụ từ a-z, lâu dần Phương tin mình có quyền đòi hỏi Hạnh mọi điều, và đáng nói là rõ ràng Phương cũng chả hạnh phúc vì được phục vụ như thế bởi xem đấy là điều đương nhiên mình được hưởng, chả fải là tình cảm, là hi sinh, .. gì gì sất.
      Ngược lại về với V2, Phương tận tụy hầu hạ V2, và tỏ ra hạnh phúc khi làm thế.
      Nghe có vẻ nghịch lí, nhưng thật ra đấy là một qui luật tâm lí .. hic, qui luật gì thì nhờ chien gia tâm lí cắt nghĩa thêm nhé, mình biết đại khái thế nhưng chả cắt nghĩa cho rành mạch được đâu ..
      Ở đây cũng cần nói thêm một điều:
      Hạnh coi Phương là ông hoàng, Phương cư xử với hạnh như ông Hoàng. V2 coi Phương như ông chồng, và Phương cư xử với V2 như một ông chồng ..
      Cũng là một qui luật tâm lí ..

      Xóa
    5. Người như cô Hạnh rất hay nghĩ mình bù đắp cho người mình yêu những gì mình thiếu ... @Mit
      Quả mình gặp khá nhiều trường hợp "hi sinh" kiểu Hạnh.
      Bản thân ko đẻ con được thì loay hoay cưới vợ bé cho chồng, ngày nay thì nhờ người đẻ hộ ..
      Bản thân sex kém, ko thỏa mãn được chồng, đã ok để chồng mình đi ăn bánh trả tiền ngoài đường ..
      Mít nghĩ sao về mấy trường hợp naỳ ?

      Xóa
    6. Vào Gúc tìm xem chính xác ông gì-Tử nói cái câu "phu phụ tương kính như tân" lại gặp câu này trong cuốn Đắc nhân tâm của Dale Carnegie:

      "Sự thực hiển nhiên nhất, nhưng ngược đời nhất, chính là chỉ có người trong nhà, thân cận nhất mới nói với ta những lời nhỏ mọn, tục tằn, độc ác nhất".

      Nhận xét chính xác. Nói bậy, xúc phạm người ko thân nó doa cho phù mỏ í chứ, có mà dám ..

      Xóa
    7. K hỏi Mít nghĩ sao, Mít ngủ, K ngủ, Ka cứ trả lời, đúng sai chả biết.
      Nếu tớ không có con, tớ tự nhận thấy mình phạm vào một trong 5 điều cấm kỵ của đàn bà, khe khe, tớ chọn con đường...chia tay. Sẽ có hai trường hợp xẩy ra. Một là chàng giữ tớ lại vì tình yêu hay cái gì đại loại như thế. Hai là chàng sẽ đồng ý vì chàng yêu giống của chàng hơn vợ. cái này tớ sẽ vui vẻ chúc mừng tớ có thêm cơ hội đi ìm tình yêu mới. Có điều, lần này sẽ cẩn thận hơn vì phải đặt ra tiêu chí là anh chàng ấy sẽ không cần trẻ con.
      Tớ chả bao giờ ngây thơ cụ đến mức mướn người đẻ con cho chồng. Tớ chả ích kỷ nhưng cần phải lường trước mọi khả năng xấu có thể xẩy ra.
      ha ha, còn cái câu hỏi cuối mới thú ví, kém sex đồng ý cho chồng đi cải thiện!
      Tớ cho đi thoải mái, vì đằng nào cũng thế. Nếu kém khoản ấy tớ sẽ chẳng ngu gì mà lấy chồng!

      Xóa
    8. "Sự thực hiển nhiên nhất, nhưng ngược đời nhất, chính là chỉ có người trong nhà, thân cận nhất mới nói với ta những lời nhỏ mọn, tục tằn, độc ác nhất". Nói bậy, xúc phạm người không thân nó doa cho phù mỏ í chứ, có mà dám ... A a a a a Khung ơi câu này chính là câu giải thích rõ nét nhất ý mình vì sao bẩu Lê Vân ... xoàng !
      Thym trả lời hộ Phù Thủy dồi đó ! Tình yêu với Phù Thủy rất quý trân trọng thì cả sex cũng vậy , phải là tình yêu thực sự , cảm xúc thực từ tình yêu ý ...! hic !
      Yeah ! Thym , trúng ý ngộ quá . Ôm cái nha ! Chụt !

      Xóa
    9. Giá mà các mối quan hệ trong cuộc sống là đơn giản, rõ ràng .. và ta luôn có thể làm đúng điều ta nghĩ .
      Bao nhiêu bà mẹ nhìn đưa con hư hàng xóm, nhăn mặt: phải mà con tôi, tôi đuổi khỏi nhà, con ko con thì thôi .. Liệu con mình hư thực, có dám đuổi nó ko ?

      Hạnh yêu chồng, và Phương cũng yêu vợ, gạt đi chuyện con cái mỗi khi ai nhắc đến .. It ra thì đấy là những gì mà Hạnh thấy, nên lại càng làm cô thương chồng hơn, ko đành lòng vì cô mà nín nhịn một ước mơ mà bản thân cô cũng thấy là chính đáng (có con thừa tự) .. tất nhiên người đọc ở ngoài thấy nó vô lí, nhưng nếu bản thân là người trong cuộc liệu có sáng suốt hơn ?

      Vấn đề sex cũng vậy, lấy về mới biết ko hòa hợp .. vẫn yêu chồng, nhưng mang mậc cảm có lỗi, thì ăn bánh trả tiền vẫn là một giải pháp mà cô vợ kia nghĩ đến, theo cô còn khả dĩ hơn để vợ có mèo hay phải chia tay .. Cũng là một phương án lựa chọn, ai dám cả quyết đâu là giải pháp tối ưu trước một đề mở như này ?

      Xóa
    10. Haha! bây giờ lại sang đến đề mở này rồi đây!
      Vấn đề sex cũng vậy, lấy về mới biết ko hòa hợp .. vẫn yêu chồng, nhưng mang mậc cảm có lỗi, thì ăn bánh trả tiền vẫn là một giải pháp mà cô vợ kia nghĩ đến, theo cô còn khả dĩ hơn để vợ có mèo hay phải chia tay .. Cũng là một phương án lựa chọn, ai dám cả quyết đâu là giải pháp tối ưu trước một đề mở như này ?


      Không hợp thì chia tay. Tại sao lại hành hạ nhau thế? Ka nghĩ, không hòa hợp về Sex là giới hạn cuối cùng người ta không nên chịu đựng.
      Ka không quá ích kỷ đến mức bắt chồng phải chịu đựng việc đói Sex. Nhưng một người đàn ông dùng đàn bà như một thứ giải trí, Ka sẽ khinh bỉ và từ chỗ khinh bỉ đó, những hậu quả tất yếu sẽ xẩy ra.
      Trang Hạ nói cổ có thể chịu được việc chồng cặp bồ chứ không thể chịu được việc chồng ăn bánh trả tiền. So sánh khập khiễng. Nhưng Ka hiểu và đồng ý với cổ.

      Không thể chấp nhận việc đàn ông coi tình dục chỉ là thứ tiêu khiển.

      Xóa
    11. Không hợp thì chia tay. Tại sao lại hành hạ nhau thế?
      Nhưng người ta ko muốn chia tay thì sao ? Thiếu gì lí do để ngta ko muốn chia tay. Còn vì thiếu sót của mình cổ đã phải hi sinh, ok để cho anh chồng đi ăn bánh trả tiền rồi, coi như bù đắp.

      Nhưng Ka hiểu và đồng ý với cổ.
      Số giải pháp ko nhiều nên hẳn có nhiều ok cùng một giải pháp. Ka có thể chứng minh gp của mình là ưu việt hơn các giải pháp còn lại ko ? Có thể nó phù hợp với tạng người, với quan niệm sống của Ka, nhưng ka có dám tin rằng giai pháp ấy là chuẫn, là mẫu mực ?

      Không thể chấp nhận việc đàn ông coi tình dục chỉ là thứ tiêu khiển.
      Ko chấp nhận thì vẫn là một thực tế: lầu xanh có tự thủa xưa, đông cũng như Tây. VN ta hiện ko có lầu xanh công khai có môn bài, nhưng lại có các biến tướng của nó - bia ôm, cafe chòi, ..
      Cũng nói thêm:
      Có người có vợ thừa sức thỏa mãn nhưng vẫn tìm phò tiêu khiển, xả stress, ..
      Nhưng cũng có người tìm phò vì muốn giải quyết nhu cầu sinh lí có thật ví dụ vợ ko thỏa mãn. Nhưng anh ta ko muốn bỏ vợ vì lí do gì đấy.
      Tất nhiên giá như những người này đủ sức kiềm chế, nín nhịn ở nhà ngồi nghe nhạc đọc sách tụng kinh niêm Phật hay làm gì đó cho quên cơn thí hay quá .. Nhưng nếu họ ko nín nhịn được thì cũng chả đáng trách, bởi đâu phải ai cũng có căn cốt tu hành .. và tìm phò là một trong các giải pháp mà anh ta chọn lựa, thậm chí có thể do vợ anh ta bật đèn xanh. C1 thể ko đồng ý với giải pháp của vch anh ta, nhưng có thể chứng minh giải pháp ấy là tệ hơn các giải pháp khả thi khác hay ko ? Nếu có, xin chứng minh.

      Xóa
    12. Ka không muốn tranh luận nếu K dùng cái từ rất khó chấp nhận ở chỗ này. Nên dùng từ khác. Ít nhất với Ka.

      Xóa
    13. Ý Ka là chữ phò phải ko ạ ?
      Chữ này mình mới biết mấy năm trước khi vào x-ca. Nó hình như xuất từ chữ phụ = đàn bà đọc theo giọng Quảng Đông, và được dùng như tiếng lóng, để chỉ gái (điêm). Minh thực sự ko hiểu phò thì xấu hơn đĩ, điếm, ca-ve, gái bán hoa .. như nào ?
      Nói thật mình ko nói tục, kể cả đời thực cũng như ảo, nhưng có thể nghe người ta nói tục ko nhăn mặt; và khi nghe ai nói tục cũng chỉ nghĩ là họ có thói quen ngôn ngữ ko tốt, chứ ko nghĩ là người tục tằn thô lỗ ..
      Bàn về sex trong xã hội VN mình vẫn còn là chuyện tế nhị, đòi hỏi phải có sự cởi mở nào đấy. Nếu vì một cái danh từ mà chúng ta phải lấn cấn thì .. thôi Ka nhỉ, mình dừng quách chuyện này nhé. Cho qua luôn, nhé.
      ---
      Chợt nhớ mấy câu thơ của Tô Thùy Yên

      Ta bạn gặp nhau nào có hẹn
      Nên gặp nhau không dấu nỗi mừng
      Thiệt tình tên bạn ta không nhớ
      Nhưng mà trông mặt thấy quen quen
      Hề chi ta uống cho say đã
      Nào có ra gì một cái tên ..

      Xóa
    14. Cái kiểu K như là...trẻ con không chấp, nhỉ.
      Ka không bỏ qua đâu à nha, cũng k phải cãi lấy được. Cứ cãi nhau, chỉ có điều nếu K dùng cái từ này tự nhiên thấy không có nhã hứng thôi.
      Trên nhiều Blog thấy người ta đua nhau dùng từ nguyên thủy. Đọc đỏ mặt phết dù biết chỉ là...một cái tên.
      Cái này cũng như âm nhạc, K vẫn thích ngâm thơ bình thơ còn Ka thích nhưng cái khác.
      "Nào có ra gì một cái tên .."
      Ừ, cái tên rất ra gì chứ. K gọi Ka là Khùng đi, thử xem?

      Xóa
    15. Tất nhiên nếu Ka có nhã hứng cãi nhau, sẵn sàng chiều Ka, thay vì dùng phò sẽ thay bằng từ tùy ý mà Ka chọn. Chẳng sao cả. OK ?
      .
      Tất nhiên ko hi vọng Ka có thể chấp nhận bị ai gọi Ka là Khùng .. Tưởng tượng thời đi học Ka bị gọi Ăn Gian chắc giận lắm nhỉ ? Chỉ dại hehe
      .
      Chép lại đoạn trong truyện Cô Gái Đồ Long rất ấn tượng đọc từ hồi còn thiếu niên:
      Tạ Tốn đi tới trước mặt Không Văn quỳ xuống và nói:
      - Ðệ tử tội nghiệp quá nặng, mong Phương Trượng nhận và cho phép đệ tử được cắt tóc đi tu!

      Không Văn chưa kịp trả lời thì Ðộ Ách đã lên tiếng nói:
      - Ngươi lại đây! Lão tăng sẽ thu ngươi làm đồ đệ!

      Tạ Tốn đáp:
      - Ðệ tử không dám mong được phúc duyên ấy!

      Quý vị nên rõ Sư Vương vái Không Văn làm sư phụ thì y chỉ là đệ tử vai vế chữ Viên thôi. Nếu y vái Ðộ Ách làm sư phụ thì được xếp vào vai vế chữ Không, ngang hàng với Không Văn, Không Trí.
      (Chú thích: Không Văn đang là sếp chùa Thiếu Lâm)

      Ðộ Ách quát bảo:
      - Chữ Không là chữ Không, Viên cũng là Không sao mà ngu ngốc thế!

      Tạ Tốn liền ngẩn người ra giây lát liền giác ngộ ngay. Mới hay cái gì là sư phụ với đệ tử, đối với Phật gia đều là hư ảo hết nên Sư Vương liền đọc ngay một câu kệ:
      - Sư phụ là không, đệ tử cũng là không, vô tội, vô
      Ðộ ách ha hả cười và tiếp:
      - Thiện tai! Thiện tai! Người là đệ tử của ta vẫn gọi là Tạ Tốn, ngươi hiểu chứ!

      Tạ Tốn đáp:
      - Ðệ tử hiểu rồi, phân bò hay Tạ Tốn cũng chỉ là cái bóng hư không, người đã không có huống hồ là thanh danh!

      Xóa
    16. Chóng hết cả mặt, cái sợ nhất của Ka là...chưởng, vì Ka đọc lên mà không hiểu gì. May có đọc Lộc đỉnh ký, hehe, cái này thì chẳng chưởng nhỉ...
      Đúng rồi..."người đã không có huống hồ là thanh danh!" Ảo mà, sương khói maong manh cả...
      Ka chả ngán, nhưng K chịu 1-0 rồi, ít nhất cái vu...đặt lại tên cho em.

      P/s: Thi thoảng Ka cũng được gọi là Ăn Gian đó, được nhé, vì toàn gọi iu không à. Vì thân nên nghe ngữ điệu là biết người ta gọi mình vì iu vì mến chứ. Hồi đ học Ka là đưa duy nhất k bị đặt biệt danh. Nhưng bạn bè hồi đó toàn gọi AG thui. Nên nghe ai gọi thế bít ngay bạn học phổ thông.
      Ai gọi Khùng chắc cũng vì mến hả? Ka mà bị ai gọi hế chắc...giận.
      Thui để lúc nào cãi tiếp. Tự cho mình thắng 1-0 thấy đã....!!!

      Xóa
    17. @ TN: TN đọc Trang Hạ rồi, hẳn thấy TH thường dùng từ rất "mạnh"
      (như trong bài Cũng là người ), đôi khi đọc hơi shock nhưng Chuồn vẫn thích TH, các bài của nàng í đọc "cay" phết !
      Chuồn đồng ý với TN là "Không thể chấp nhận việc đàn ông coi tình dục chỉ là thứ tiêu khiển" cho dù điều đó vẫn còn hiện hữu cho đến khi tận thế đi nữa ! (Em k tranh luận đâu K ơi ! Kệ 2 ngừi nhá! Hì hì)
      .
      @ K: Ok K ! Em cũng nghĩ nói tục cũng chỉ do thói quen ngôn ngữ ...
      .
      Chúc cả 2 ngừi cuối tuần tranh luận zui zẻ, nhưng tranh luận xong là phải cừi như ... Liên Xô á ! he he !

      Xóa
    18. Minh thủa bé có cái ước mơ là lớn lên làm có tiền sẽ mua truyện chưởng về đọc theo thứ tự cuốn 1 rồi 2 rồi 3 .. và nằm đọc công khai trên giường như các chú, các anh ..
      .
      Cho Ka thắng, nếu điều ấy làm Ka có hứng thú cãi nhau, chứ ko phải ăn gian ăn hớt rồi bỏ chạy .. hehe
      .
      Tiếc Ớt ko tham gia hỗ trợ cho các bạn nhỉ. Chúc Ớt cuối tuần vui vẻ

      Xóa
  3. Bận quá mấy ngày nay không tham gia oánh nhaoo ... Ý kiến của Phù Thủy vẫn là : "Tình yêu với Phù Thủy rất quý trân trọng thì cả sex cũng vậy , phải là tình yêu thực sự , cảm xúc thực từ tình yêu ý ..."
    Khi không còn yêu hoặc đói sex ... thì nên chia tay . Phù Thủy cũng nhìn nhận như Thym "một người đàn ông dùng đàn bà như một thứ giải trí, Ka sẽ khinh bỉ và từ chỗ khinh bỉ đó, những hậu quả tất yếu sẽ xẩy ra."
    Hê hề quan đỉm mà ... thoải mái phát đi Thym , Khung ơi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Uh, khi nào Mít rỗi rảnh vào oánh nhau .. chờ đấy.

      Xóa
    2. Thế nào, chỉ dám rủ Mít thui hả?

      Xóa
    3. Sẵn sàng !!! Xin mời

      Xóa
    4. Mít ơi lau nước mắt đi vào đây cãi nhau.

      Xóa
  4. Em đọc "Trăng nơi đáy giếng" ... nghẹn ngào quá ! Đọc cả truyện cười anh post ở còm nữa mà k cười nổi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. hic, anh bonus cái đám truyện cười ấy mà ko ép phê hả.. chắc cười chưa đủ độ ..
      Nhưng buồn tí để suy ngẫm thêm về cuộc sống cũng tốt mà .. Anh nghĩ PN Việt mức độ ít nhiều khác nhau, nhưng cũng có những tâm trạng như Hạnh .. Hạnh phúc cho ai ko

      Xóa
    2. Không đâu anh ! Hạnh thật sự hạnh phúc vì điều đã cho đi ấy !
      Là em thì em cũng thế anh ạ !

      Xóa
    3. Uh, anh tin nhiều bà tận tụy hi sinh cho chồng, và thấy hạnh phúc khi làm thế .. Nhưng vấn đề là
      - hi sinh đến đâu thì giới hạn
      chồng kéo bạn về nhà nhậu bét nhè xong kéo nhau đi karaoke, giao vợ thu dọn chiến trường .. lần 1, lần 2 .. ok, qua lần 3 có khiến em bất mãn, nghĩ ngợi ?
      - sự hi sinh ấy có thật làm người đàn ông hạnh phúc ?
      Đây chỉ nói thêm, vì ở tên kia đã có một còm nói khá sâu về vấn đề này. nếu có điểm nào em ko ok, xin lắng nghe ý kiến em :d

      Xóa
    4. Em chưa rơi vào trường hợp anh nói như trên vì OX em k bao giờ để vợ dọn dẹp 1 mình như thế ! & khác với những người chồng kia, OX lúc nào cũng muốn lôi kéo em vào các cuộc nhậu từ làm ăn đến vui chơi, dù em chẳng thích xíu nào. :D . Và vì thế, đôi khi em chỉ phải "hy sinh" (nghe to tát quá anh nhỉ) những phút riêng tư của mình cho những cuộc vui của OX thôi !
      Nhưng theo em thì khi còn yêu, người PN sẽ làm bất cứ điều gì miễn người đàn ông họ yêu cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc.
      Có thể nói họ thiển cận hay mù quáng cũng được, họ sẽ chẳng quan tâm, vì họ không nhìn thấy điều đó. Như trong truyện này, anh thấy Hạnh có nghe lời bà Thu đâu, dù cái điều bà Thu muốn nói liên quan đến cô biết bao, chỉ là vì cô không muốn phá vỡ niềm hạnh phúc của chồng mình cho dù điều đó khiến cô rất đau !
      Em thích Hạnh, có thể lắm, khi yêu em sẽ giống cô ấy, nhưng em k yêu "người cõi trên" như thế đâu á ! :P

      Xóa
    5. Anh chỉ lấy ví dụ thui, thích uống ko cho hay ko thích uống mà bị ép uống thì cũng như nhau: bị mất tự do.
      Tất nhiên khi chung sống với nhau, mỗi người phải tự điều chỉnh, phải chấp nhận một số ràng buộc, phụ thuộc nào đó, ko thể như trước. Nhưng cũng đến một giới hạn nào đó thui.
      Có thể nói họ thiển cận hay mù quáng cũng được, họ sẽ chẳng quan tâm, vì họ không nhìn thấy điều đó. Thì bi kịch bắt đầu từ đây. :((

      Xóa
  5. Nhân chuyện nói tục, vừa qua dư luận xôn xao nhiều về bài luận của một học sinh lớp 12

    [img]http://imgs.vietnamnet.vn/Images/2013/01/04/09/20130104092636_baivan1.jpg[/img]

    Nhắc đến vấn đề nói tục chửi bậy thì nó là một trò bình thường vãi. Mục
    đích của nó là gì? Ý nghĩa của nó là chi? Để mọi người có thể mắng nhiếc ư? Không! Thế thì bạn bè đã đ…chửi nhau. Sao? Đấy chỉ là một số thằng à? CCC. Đ…ai mà chả nói tục chửi bậy

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời bọn em đi học, cá biệt lắm mới nghe học sinh nam nói tục, nhưng bi giờ thì ôi thôi ! Quá thể ! Nữ sinh mặc áo dài tay xắn, vén tà, đạp xe nghênh ngang, văng tục như con trai !
      Mong sao mai kia con trai em k iu phải 1 nàng như thế !

      Xóa
    2. Nhưng lỡ cố ấy công, dung, hạnh OK thì sao ? ngôn cũng chỉ mới 1 trong 4 tiêu chuẫn thôi mà em. Hay em cũng nghĩ như cô giáo nọ, nói tục thuộc phạm trù đạo đức ?

      Xóa
    3. Nói như K thì tục hay không tục chả nói nên cái gì? Và cứ nói tục thoải mái, vì đâu có thuộc phạm trù đạo đức?
      Trẻ con mà nói tục nó sẽ quen mồm đi hình thành một thói quen rất không hay. Cái này thầy giáo phải bít chứ ạ?
      Con gái TN đi nhà trẻ và câu nói đầu đời của nó là: Scheiße!(Cục cứt). Chẳng ai bảo đấy là xấu hay băn khoăn gì, vì đó chỉ là bi bô trẻ tập nói. Nhưng giờ mà đi đâu cũng nói thế xem, sẽ bị nhắc nhở ngay. Ở đâu và xẫ hội nào cũng có những chuẩn mực giao tiếp và ngôn ngữ nằm trong chuẩn mực ấy. Không quá khắt khe đến giáo điều nhưng y phục xứng tùy đức. Một chính khách diễn thuyết trước đám đống mà văng tục chủi thề chắc chắn bị la ó. Còn một giang hồ số mà ăn nói văn hoa chắc chắn nó mất thiêng. Riêng Ka thi thoảng cú lên mà được văng một câu nó cũng....đã. Tự cho phép. Tất nhiên, với riêng mình.

      K cứ thích đóng vai vừa bào chữa vừa phản biện để đám trẻ con này chí chóe cho vui. Dễ ghét.

      Xóa
    4. Và cứ nói tục thoải mái, vì đâu có thuộc phạm trù đạo đức?
      Nó ko thuộc phạm trù đạo đức, mà là một thói quen ngôn ngữ, thuộc phạm trù văn hóa. Thói quen ấy ko tốt, ko hợp chuẫn mực, vì thế ko nên dùng, thế thôi.

      Ko nên qui kết thành xem lại đạo đức bản thân

      Xóa
    5. Em không quy "nói tục" vào phạm trù đạo đức, nhưng nếu nói "nói tục" thuộc phạm trù văn hóa thì khả dĩ hơn, vì ngôn ngữ cũng hình thành từ văn hóa mà ra.
      Với em, đàn ông con trai thi thoảng văng vài câu thì cũng còn chấp nhận, nhưng con gái thì không ! [-(

      Xóa
    6. đoạn trên thì ok, nhưng câu cuối thì chưa rõ ý em. Tại sao đàn ông con trai thi thoảng văng vài câu thì cũng còn chấp nhận, nhưng con gái thì không ! ?
      Đàn bà ko có cái để văng ra chăng ? :-?

      Xóa
    7. "Không" đây em nói là không thể chấp nhận chứ k phải là không có để văng !

      Xóa
Mẹo Comment

Chú ý: chỉ cần dán link vào, không cần gõ thẻ khi post
Hình (file có đuôi jpg, jpeg, png, bmp, gif ),
Nhạc (file có đuôi mp3 hoặc từ trang web nhaccuatui),
Video (từ Youtube)

Đổi cỡ, màu chữ:
[color="red"][size="20"] chữ cỡ 20 màu đỏ [/size][/color]
(màu dùng mã hexa hoặc tiếng Anh: red, blue, green, violet, gold ..)
Giới thiệu link: <a href="link"> tên link </a>
Chữ đậm <b> chữ đậm</b>
Chữ nghiêng: <i> chữ nghiêng </i>

Chèn Yahoo smiley (click Chèn emoticons để xem phím tắt)
Đã thêm mấy smiley nhưng chưa rảnh thêm vào bảng chèn. Phím tắt:

:-/ bối rối ;) nháy mắt ;;) đá lông nheo
:"> thẹn :X yêu thế =(( tan nát cõi lòng

Chú ý Nếu nút Trả lời ko hoạt động, xin chịu khó lên thanh địa chỉ, gõ thêm vào cuối (ngay sau html) ?m=1 rồi nhấn Enter, nút Trả lời sẽ ok. (29/11/18)

Chèn Emoticons
:))
:D
:p
:)
:(
:-o
:-*
=))
:((
:-?
:-h
~o)
@};-
:D
[-X
=D>
*-:)
B-)
X(
:@)